Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NÉT VĂN HÓA VIỆT QUA MỘT CUỘC TRIỂN LÃM


Trương Thị Nguyên Hiền

(Nguồn: VNĐN số 12 – tháng 03 & 04 năm 2016)

 

Bảo tàng Đồng Nai thực hiện triển lãm chuyên đề:”Bản sắc văn hóa Việt ở Đồng Nai” với hơn 170 hình ảnh tư liệu, 50 hiện vật. Đợt triển lãm cuốn hút nhiều người xem trong dịp Xuân Bính Thân và kéo dài cho đến cuối tháng 3 năm 2016.   Thông qua triển lãm người xem nhận diện những sắc thái của Văn hóa Việt hình thành qua nhiều giai đoạn, được gìn giữ trong cộng đồng và phát huy trong cuộc sống hiện tại: văn hóa vật chất và tinh thần, nét sinh hoạt trong hôn nhân, tín ngưỡng – tôn giáo, lễ hội, làng nghề truyền thống…

 

Người Việt (Kinh) là một trong số hơn 30 dân tộc hiện đang sinh sống trên địa bàn Đồng Nai, chiếm tỷ lệ khoảng 92% dân số. Những giá trị tiêu biểu về đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của người Việt được trưng bày một số tổ hợp mỹ thuật tái hiện đời sống thực khá khoa học, tạo mới lạ hấp dẫn người xem.

- Địa bàn quần cư

Người Việt đến khai khẩn Đồng Nai khá sớm, từ thế kỷ XVI. Họ đã chọn những vùng đất ven sông từ miệt hạ đến trở lên vùng giáp ranh với khu vực có cư dân Mạ, Chơ-ro – cư dân bản địa. Đó là các vùng Cù lao phố, Cù lao Rùa, Cù lao Tân Triều, Bến Cá, Bến Gỗ... Qua thời gian, họ biến vùng đất Đồng Nai hoang vu trở thành những cánh đồng lúa và hoa màu tươi tốt.  Làng xóm của người Việt ở Đồng Nai nằm dọc theo kênh, rạch hoặc ven sông. Ngôi nhà nhìn chung thường hướng ra sông rạch hoặc đường lộ để dễ bề đi lại. Xung quanh có vườn cây ăn trái và ruộng vườn. Nhà ở sử dụng nguyên vật liệu sẵn có trong môi trường tự nhiên: cột gỗ, mái tranh hoặc lá dừa, vách lá buông, chân cột kè đá táng, mái ngói.

- Tín ngưỡng thờ Tổ tiên

Sinh sống nơi vùng đất mới người Việt vẫn giữ lại tập quán ở quê gốc ở miền Bắc, miền Trung. Tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên được lưu giữ trong nhiều thế hệ. Con cái luôn ý thức sống phải luôn có trách nhiệm hiếu kính cha mẹ - là đạo lý tốt đẹp. Đặc biệt, vào những ngày Tết không gian thờ tự của gia đình trở nên trang nghiêm mang yếu tố tâm linh hướng về nguồn cội. Bàn thờ Tổ tiên là biểu tượng thiêng liêng để tưởng nhớ cội nguồn. Bên cạnh phong tục thờ cúng ông bà, Tổ tiên… người Việt còn bảo lưu những nghi thức truyền thống trong  chu kỳ vòng đời người: cưới xin, đầy tháng, thôi nôi, tục mừng thọ...

 - Gian bếp của mỗi nhà

Chiếm không gian nhỏ nhưng gian bếp trong nhà người Việt luôn có một vai trò rất quan trọng. Xưa nay, hình ảnh người phụ nữ luôn gắn với bếp núc của gia đình lo cái ăn cho gia đình. Dù là gian bếp nơi chái tranh xưa hay đầy đủ tiện nghi trong nhà ở phố, không gian bếp luôn mang lại cảm giác ấm cúng. Gian bếp là nơi để người phụ nữ thể hiện lòng yêu thương, chăm sóc gia đình qua những bữa ăn ngon, nấu những lễ vật dâng cúng tổ tiên trong những ngày lễ.... Gian bếp của người Việt không thể thiếu những vật dụng: nồi, chén, đũa, dĩa, đũa, ấm, rế, bình trà… Đó là những hiện vật liên quan đến văn hóa ẩm thực phong phú. Bếp người Việt gắn liền với câu chuyện về Ông Táo và tục thờ Táo quân. Hiện nay, nhiều nhà đã không còn sử dụng những ông Táo trong bếp nhưng vẫn giữ tập tục tiễn đưa Táo Quân về trời vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm trước những ngày Tết.

- Nét đẹp trong lễ cưới

Lễ cưới của người Việt ở ở Đồng Nai trước đây gồm 6 lễ: nạp thái, vấn danh, nạp cát, thỉnh kỳ, nạp tệ và thân nghinh. Khi tổ chức đám cưới, nhà trai đem lễ vật qua nhà gái để xin dâu và rước dâu về nhà chú rể. Nhưng lễ vật được đựng trong các quả cưới màu đỏ của niềm mong ước hạnh phúc: cặp áo cưới, nhẫn cưới và tiền tặng cô dâu, trầu rượu, trà, bánh...Trong đám cưới luôn có khay trầu rượu: trong đó có gù rượu với 3 chung, 6 miếng trầu têm tượng trưng cho 6 lễ, một cặp đèn. Trang phục truyền thống của chú rễ  là áo rộng xanh, quần trắng, bịt khăn đen, cô dâu mặc áo rộng, đội nón cụ quai tơ, khảm vàng cạnh quai. Cô dâu và chú rể trong đám rước  có lọng che và đại diện của hai họ đi sau...Hiện nay, các lễ thức trong lễ cưới được đơn giản hoá nhưng vẫn giữ được những lễ chính: lễ nói, lễ hỏi và lễ cưới. Lễ vật cũng có nhiều thay đổi so với điều kiện kinh tế hay tín ngưỡng, tôn giáo… của hai bên gia đình. Tuy nhiên, trầu, rượu, cau, bánh, trà, nhẫn…vẫn còn được duy trì trong nhiều lễ cưới hiện nay.

- Lễ hội Kỳ yên

Mỗi thôn làng người Việt thường có miếu, đền, đình thờ các thần linh. Thông thường, mỗi làng đều có đình thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh. Đây là vị Thần mà dân làng tín niệm, tôn thờ như phúc thần luôn che chở cho người dân của địa phương. Hiện nay, dù nhiều làng xưa đã lên phố thị nhưng ngôi đình vẫn tồn tại trong đời sống của người dân. Tại đình, mỗi năm người dân tổ chức lễ Kỳ yên – ba năm 1 lần tổ chức Đại lễ Kỳ yên. Lễ có nhiều nghi thức độc đáo đề cúng, nghinh Thần và các bậc Tiền hiền, Hậu hiền, những người có công với làng xã. Mục đích của lễ cầu Thần ban cho mưa gió thuận hoà, mùa màng bội thu, đem lại bình an cho xứ sở, hạnh phúc cho con người. Trong lễ, nhiều đình tổ chức các trò chơi dân gian, hát xướng, biểu diễn nghệ thuật, các tuồng tích lịch sử, hát bội hay lễ hội đua ghe...Lễ hội là dịp người dân gắn kết nhau với tinh thần đoàn kết, tương thân, hướng về cội nguồn, bảo lưu những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống…

- Làng nghề truyền thống

Đến với vùng đất Đồng Nai, người Việt duy trì những nghề thủ công để mưu sinh, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống: nghề nấu mía đường, nghề là bánh tráng, nghề đúc gang, nghề làm mộc.. Từ kinh nghiệm của quê cũ và thích ứng với đặc điểm, môi trường của vùng đất mới, họ đã hình thành những nghề thủ công và dần thành lập các làng nghề. Trong nhiều nghề thủ công hiện có ở Đồng Nai, tiêu biểu là nghề gốm.

Nghề gốm Biên Hoà nổi tiếng bởi sự độc đáo qua nhiều giai đoạn phát triển. Gốm Biên Hoà của người Việt có nhiều yếu tố tác động, có ảnh hưởng từ gốm của người Hoa, người Chăm, của cư dân bản địa. Đặc biệt, có sự ảnh hưởng của kỹ thuật phương Tây khi Trường Dạy nghề/ Bá nghệ Biên Hoà thành lập vào đầu thế kỷ XX khi chính quyền thực dân Pháp quản lý. Sản phẩm gốm Biên Hòa tham dự nhiều Hội chợ triển lãm quốc tế về mỹ thuật trang trí tại Paris (Pháp), Nhật Bản, Indonesia, Hà Nội và Sài Gòn, được đánh giá cao, đạt nhiều danh hiệu, huy chương. Hiện nay, nghề làm gốm ở Biên Hòa tập trung tại các phường Bửu Long, Tân Vạn, xã Tân Hạnh và xã Hóa An. Cùng cới các làng nghề của cộng đồng các dân tộc khác ở Đồng Nai, làng nghề thủ công ở Đồng Nai ngày nay là hoạt đông kinh tế phát triển mạnh; đồng thời mang nhiều yếu tố của giá trị văn hoá.

*

Sắc thái văn hóa Đồng Nai đa dạng do có nhiều thành phần dân tộc cộng cư qua các thời kỳ lịch sử. Đồng Nai được xem là vùng đất khởi điểm, có một vị trí quan trọng trong quá trình khai khẩn Nam Bộ. Người Việt đến Đồng Nai khai khẩn từ rất sớm và đã góp phần làm cho vùng đất này phát triển trên nhiều lĩnh vực. Cùng với văn hóa của các lớp cư dân cổ, bản địa và các thành phần khác, văn hóa Việt đã khẳng định sức sống mạnh mẽ, tạo nên những dấu ấn độc đáo trong dòng chảy văn hóa của Đồng Nai. Thông qua triển lãm nhằm tuyên truyền đến nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhận diện giá trị di sản văn hóa mà thế hệ tiền nhân gây dựng, lòng tự hào và nêu cao tinh thần yêu nước, góp phần trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương Đồng Nai ngày càng văn minh, giàu đẹp.

T.T.N.H


Untitled-1.jpg

Tổ hợp mỹ thuật giới tái hiện lại không gian thờ tự trong gia đình và gian bếp của người Việt ở Đồng Nai

 

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​