Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CU ĐEN

 

Truyện ngắn của Dương Đức Khánh

(Nguồn: VNĐN số 14 – tháng 07 & 08 năm 2016)

 

Có đêm ta mơ về bến sông

gặp lũ bạn như bầy rái cá

lá ngô rướm máu lưng trần…

  

            Minh Họa: Hoàng Vũ Hoài

Description: mh3bCu Đen là thằng bạn nối khố của tôi, hồi đi học tên Trần Công Hiến. Năm bảy tám nó vô bộ đội, đóng quân ngoài Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Thời gian đầu chúng tôi cũng siêng thư từ. Nhưng rồi hắn đi học sĩ quan, rồi gia đình vợ con…, chúng tôi bặt tin nhau. Gần đây nghe hắn đeo hàm thượng tá rồi, huyện đội trưởng một huyện miền núi thuộc Tây Nguyên. Ui dào, cái thằng hồi nhỏ lang ben lác biếng đầy mình mà gan dạ cũng đầy mình. Lên tá là đương nhiên. Nếu binh nghiệp của hắn mà rơi vào thời chiến dám chắc cu Đen phải lên tướng.

“A lô! Chào đồng chí thượng tá!”.

Lần đầu tìm được số điện thoại của hắn tôi đã trịnh trọng mở lời như thế. Nhưng hắn gạt đi. Thôi, không thượng hạ chi cả, cứ xưng hô như lúc mô chừ rứa thôi! Tôi nói ông chừ là cán bộ cao cấp rồi, chớ có phải như hồi còn đánh khăng đánh đáo đâu. Hắn bảo, thì hai thằng mình cứ coi như thuở ấy đi. Vậy là chúng tôi kéo nhau quay lại thuở “mi tau” đường làng chân đất, sông suối đạn mìn…

“Mi còn nhớ chú Tùy không?”, tôi hỏi.

“Nhớ sao không! Chú còn khỏe không? Mà có chuyện chi vậy?”, Hiến hỏi lại.

“Chú đang ở gần tau, thỉnh thoảng gặp, chú cứ nhắc mi mãi. Nghe mi chừ mần tới thượng tá, chú vỗ tay bốp bốp nói: Đó, lúc trước tau đoán đúng chưa! Thằng ni lớn lên phải là sĩ quan! Giờ mi trở thành ông tá, tau nghiệm thấy cũng đúng ghê!”.

Làng tôi có chú Tùy, người rượu chè say sưa tối ngày nên người làng gọi Tùy “say”. Ngày nào cũng ngồi đầu bến sông khề khà uống rượu. Ngà ngà say, chú bày đủ trò nghịch tặc xúi dại lũ con nít bọn tôi phá phách để chú ngồi coi cười chơi.

 Hôm đó chú cầm bịch kẹo cau khiến cả bọn chảy dãi. Chú chỉ tay qua vạt bắp bên biền làng Phúc Yên, nơi có một mụ đội nón lá đang vung chày vồ đập đất gần bên, rồi ra điều kiện: “Chừ tụi bay bơi qua, mỗi thằng bẻ hai trái bắp. Xong rồi đứa mô nhảy xuống sông sau chót là tau thưởng cả bịch kẹo. Nên nhớ, đứa cuối cùng mới là đứa thắng cuộc, nghe rõ chửa?!”.

Bọn trẻ như bầy rái cá, đột kích lên vạt bắp bẻ lia lịa. Mụ kia phát hiện ngay, la lên: “Ui cha chớ làng nước ơ… ơi!... Mụ cô cha bay cái quân ăn cướp!”. Vừa la, mụ vừa vung chày vồ chạy tới phang bụp bụp, nhưng già cả chậm chạp, có ăn thua chi. Cái bầy ôn con không chịu chạy, cứ nhảy vờn quanh như bầy khỉ đột khiến mụ càng tức sôi gan. Mụ điên tiết vơ đất cục liệng tứ tung. Rồi mụ ngồi phệt xuống thở dốc như muốn đứt hơi. Thấy thế cu Đen hô: “Thôi mụ mệt rồi, nhảy bây ơi!”.

Cả bọn lao ùm xuống sông. Chỉ riêng cu Đen, vừa tới mép nước nó bất ngờ nghiêng mình chạy quành lên, quăng hai trái bắp trước mặt mụ nói: “Con trả lại mụ nì!”.

Chú Tùy bên kia sông vỗ tay bốp bốp dậy bến. Khi cả lũ bơi về hết, chú Tùy tuyên bố: “Thằng cu Đen gan lì, mưu trí nhứt! Coi bộ sau này có tướng làm chỉ huy!”. Và bịch kẹo cau tươm mật ngọt lịm về tay cu Đen. Hắn làm người hùng đứng chia đều cả bọn, bỏ ngoài tai những lời chửi của mụ nọ vẫn chửi vóng sang. Biết chửi nữa cũng như nước đổ lá môn, mụ lẳng lặng chèo xuồng sang làng tôi, đến từng nhà tố cáo. Chiều hôm đó, cả bọn tôi đều xơi một trận đòn rướm máu. Sau lần đó, chúng tôi được một bài học nhớ đời, không dám chơi dại nữa. Chỉ có cu Đen ngày càng tỏ ra gan góc. Tắm sông, cả bọn chỉ dám nhảy từ mặt cầu xuống nước, riêng cu Đen thì leo tít đỉnh lan can rồi chúi đầu lao phặp xuống sông như một mũi tên.

“Thực ra tau cũng đoán mi sẽ trở thành sĩ quan nữa. Nhất là sau cái đận mi bị đạn bắn hút chết ở bến sông, cả làng thót tim mà mi cứ như chơi!”, tôi nói.

“Ờ, đận đó là tau may, chưa tới số chứ hổng phải gan dạ gì! Mạ tau nói nhờ ông thần cây sen che chở, chớ ăn cả loạt đạn đó là nát thây rồi!”, Hiến nói.

Đó là một buổi sáng làng tôi tổ chức đua ghe. Như lệ thường, con nít xóm chợ bọn tôi chiếm cứ toàn bộ các nhánh cây sen cổ thụ ngã ra sông. Cu Đen luôn một mình chiếm lĩnh cành cao vươn ra xa nhứt. Trận đua ghe nào cũng xảy ra ẩu đả giữa các đội, sứt đầu mẻ trán là chuyện thường. Lần đó ghe vạn chài với ghe nông dân có cả địa phương quân, nghĩa quân xô xát, gay cấn ở vòng lộn vè. Vô bến tranh về đích nổ ra xung đột kịch liệt. Tu huýt của trọng tài thổi roét roét hết hơi không ăn thua. Các tay dầm vung lên phang xuống lốp cốp, người đánh người đỡ. Nước tung tóe, tiếng người la hét như trận hỗn chiến trên sông Bạch Đằng. Chú Lâu cảnh sát rút ru-lô nã chỉ thiên mấy phát không ăn thua. Tới chú Mại, trưởng ban an ninh xã giật khẩu AR15 từ một chú nghĩa quân chĩa lên trời kéo một loạt. Tất cả chết lặng sau loạt súng ấy. Nhưng ngay lúc đó bỗng “rắc rắc… xoạt… đùng!”. Một thân người từ trên ngọn cây sen rớt xuống kéo theo một nhánh cây gãy toác. Cả bọn tôi như bầy khỉ lao nhao khắp các cành ré lên: “Chết cha thằng Đen, thằng Đen trúng đạn rớt rồi bây ơi!”. Cả làng la dậy lên. Mấy chú mấy anh buông dầm bơi lao ra như bắn xốc nách hắn bơi vô. Mấy người xúm vén áo rồi tụt quần hắn. “Coi có lủng lỗ mô không?!” Đang nhắm nghiền mắt, bỗng cu Đen mở choàng ra nhăn răng cười: “Lủng cái lỗ khu!” rồi kéo quần lên, chạy. Chiều đó dì Thẻo mạ hắn mặc áo dài, cầm hương hoa với dĩa cơm trứng luộc dắt hắn xuống bến cúng hú hồn. Dì cầm đòn gánh đập xuống nước kêu vía. Cứ đi mươi bước dì Thẻo cắm cây hương vái: “Hú ba hồn bảy vía cha mạ thằng Đen về ăn cơm ăn cá!”. Hắn được mạ đút một bụng cơm với trứng cho tới nhà.

***

 

“Này, mi còn nhớ đận tau với mi suýt bị chôn sống không?!”.

Một đêm Cu Đen điện cho tôi hỏi vậy. Tôi bảo, quên chi thì quên, chứ chuyện đó thì phải nhớ tới lúc xuống mồ. Vậy là chúng tôi lại cùng nhau nhớ về một câu chuyện hãi hùng. Câu chuyện mà cả người lớn và lũ bạn của chúng tôi  hoàn toàn chưa biết.

Đó là một chiều hai chiếc trực thăng hạ ngoài cồn đổ xuống một tốp lính Mỹ te tua bầm dập, thất thểu vô đóng quân trong nhà thờ hoang. Nơi ấy người nhát gan không ai dám tới. Nhưng hai thằng tôi thì lủi như cuốc hết vườn này qua vườn nọ, rồi chui rào vô sau vườn nhà thờ trèo khế. Chúng tôi gặp ngay cái hố mới đào, nhìn xuống thấy bao bì, lon đồ hộp còn mới. Hầm rác Mỹ! Hai thằng nhào xuống liền. Đủ thứ kẹo bánh, xúc xích, thuốc lá… còn nguyên trong bao trong hộp. Đúng là sang như Mỹ!

Đang khoái chí như chuột sa hũ nếp bỗng nghe phía trên có tiếng lục đục rồi một tảng đất ụp xuống lưng cái rào! Tôi hoảng vía “Mạ ơi chết con!”. Cu Đen bật dậy ngoái đầu lên “A đù… thằng mô đó?”.  “Vi-xi! Vi-xi!..”. – Hai tên Mỹ la lên. Cu Đen phóc lên cái vụt như con sóc dong hai tay: “Nô nô, nô Vi-xi, nô Vi-xi… lượm bánh lượm kẹo! Ô-kê ô-ke!”. Tôi run như thằn lằn đứt đuôi trầy trật bò lên. Hai tên Mỹ cầm xẻng thấy hai thằng nhóc nhỏ như dái mít thì mắt chữ o miệng chữ ô nói câu chi đó, tay chỉ chỉ xuống hố khoát khoát, ý nói không nên lượm, rác. Lúc đó tôi mới hoàn hồn hiểu ra, hai tên Mỹ ra lấp hố rác. May! Nếu chúng  có súng chắc chắn chúng tôi đi chầu ông bà rồi.

Một tên Mỹ trẻ măng gương mặt tếu táo dòm hai thằng tôi cười cười ngoắc ngoắc. Cu Đen kéo tôi xáp tới liền. Hai thằng đứng quá đầu gối tên Mỹ chút xíu. Tên Mỹ vẫy vẫy hai đứa theo vô nhà thờ, lục lục ba lô. Cu Đen ô-kê ô-kê lia lịa. Hai thằng túm vạt áo với đủ thứ kẹo bánh, đồ hộp. Ra khỏi cổng nhà thờ, cu Đen còn ngoái lại then–kiu, then-kiu!

“À, năm ngoái tau gặp anh Chạy vô ăn cưới đứa cháu, ảnh cũng nhắc mi! Ảnh cười tít mắt hỏi mi độ này tiếng Anh tiếng Mỹ ra răng?”, tôi kể.

“Ờ, thì phải ngon lành hơn hồi xưa chớ!”, Hiến cười khà khà trong máy.

Vậy là chúng tôi lại chuyển chủ đề.

Sau hôm suýt bị Mỹ chôn sống, cu Đen tự dưng trầm tư. Rồi nó gặp tôi bảo, may mà hôm qua tau biết mấy câu tiếng Mỹ, chớ không là mi và tau nguy rồi. Hắn hỏi vi-xi mà cứ ô-kê là “bùm” liền! Tau phải đi tìm anh Chạy học thêm mớ “ngoại ngữ” mới được.

Anh Chạy dân giữ trâu từ nhỏ. Buổi chiều đó năm sáu thằng Mỹ kéo ra cồn. Vừa đón hàng tiếp tế từ chiếc trực thăng thả xuống thì một trận mưa ập xuống như trút nước. Anh Chạy cùng đám bạn giữ trâu giúp tụi Mỹ vác hàng vô lăng mộ ông Cửu Khản to nhứt cồn có mái che trốn mưa. Bữa đó cả đám giữ trâu được bữa bánh kẹo đồ hộp với hút thuốc salem, lucky say ngất, sướng lên mây! Tạnh mưa trời gần chiều. Nước bỗng dâng tràn đồng. “Chết cha lụt, lụt rồi!”. Anh Chạy múa tay ra dấu nước ngang cổ tới lút đầu, có thể trôi luôn người, không vô làng được. Mấy thằng Mỹ xanh mắt méo mặt hét toáng lên trong máy bộ đàm PRC-25 gọi trực thăng cấp cứu khản cổ mà chẳng thấy tăm dạng tàu bay tàu lặn chi. Anh Chạy ngoắc mấy chiếc xuồng nan bơi giữa đồng nhưng toàn xuồng giăng câu thả lưới tẹo teo, nửa thằng Mỹ cũng đủ chìm nghỉm. Cùng đường, anh bỗng nghĩ ngay ra trò cực kỳ thông minh. Anh lùa năm sáu con trâu đực trâu nái tới, cho mỗi thằng Mỹ ôm một thùng hàng trèo lên ngồi lưng trâu. Cả đám mục đồng hi sinh nhường áo tơi nón lá còn dạy mấy anh Mỹ choàng tơi sột soạt. Bọn chúng khoái chí cười hô hố “Ô kê! Nâm bờ oan!”. Mỗi tên Mỹ nặng cả tạ, rồi còn súng ống điện đài khiến bầy trâu con nào con nấy muốn sụm bà chè. Anh Chạy “hò tắt hò rì” cho bầy trâu lội băng đồng trông y như đoàn thiết giáp lội nước M113 càn vô làng. Tới đầu xóm trời tối mịt. Tiếng trâu lội nước ì oạp lẫn tiếng xi xô xí xào dậy xóm. Bà con đang hối hả ới nhau chạy lụt, đèn đuốc mập mờ bỗng giựt mình hoảng hốt: “Oa cha, thánh thần thiên địa ơi! Mỹ đổ bộ bằng trâu bà con làng nước ơi! Chớ xe tăng tàu bay mô mà nôm trâu, lạ đời rứa trời!”.

Chuyến áp tải nửa tiểu đội lính Mỹ vượt lụt thành công ngoài tưởng tượng. Bầy trâu đứ đừ quỳ xuống thở phò phò. Tụi Mỹ bồng anh Chạy tung lên vui mừng tột độ. Lần đó anh được cả thùng đồ hộp với cả nắm tiền đô tiền xen chi đó. Mấy hôm sau anh bỏ bầy trâu theo làm bồi cho tụi Mỹ mấy tháng trời, nên anh nói tiếng Mỹ bồi làu làu…

Ít lâu sau anh Chạy theo du kích cho tới ngày giải phóng. Có công có trạng ràng ràng, rứa mà sau này anh mấy phen “lên bờ xuống ruộng” do có người tố cáo: “Đồng chí đã dùng bầy trâu của mình làm phương tiện vận chuyển lính Mỹ trong trận lụt, tạo điều kiện đưa đế quốc vô làng! Rồi đồng chí đã có quá trình trực tiếp làm tay sai cho quân xâm lược. Đồng chí còn nói được cả tiếng đế quốc..”. Ngay giữa sân hợp tác đêm đó, chú Xiềng cán bộ tập kết có mặt trong cuộc họp đứng lên phản đối, phân bua: “Không nên quy kết cho đồng chí Chạy. Bởi thời điểm đó đồng chí chưa tới muời sáu tuổi, là con nít giữ trâu chưa ý thức được hành vi của mình”. Nghe vậy bà con vỗ tay rào rào…

“Kể cho cùng, anh Chạy cũng có cái công gọi là làm tiêu hao khí tài của kẻ địch chớ mầy!”, Hiến nói.

“Ừa, thì cũng do mi tham mưu chớ ai! Tau nhớ mi ham lặn cá, coi đạn mìn cứ như đồ chơi!”, tôi nói.

Làm “phiên dịch” nên anh Chạy thường bị tụi Mỹ sai ra chợ mua cá. Tụi Mỹ thích nhứt mấy thứ cá hanh cá hồng cá chép sông tươi rói của dân vạn chài bán buổi chợ chiều. Hôm thấy anh xách con cá chép còn vẫy tành tạch, cu Đen nói: “Mỹ thiếu chi lựu đạn với mìn, đem xuống sông đánh nổ, bắt cá cho sướng!”. Rứa là anh Chạy dẫn tụi tôi vô nhà thờ. Gặp lại hai đứa trẻ suýt bị chôn sống, hai tên lính Mỹ vỗ tay “Hê lô, hê lô!”. Anh Chạy nói tiếng ta pha tiếng Mỹ, bậm môi phát âm nổ mìn “bùm”, dùng tay ra dấu cá chép dài cả sải nổi lên. Rồi anh chỉ hai thằng tôi nói “Thợ lặn nâm bờ oan!”. Rứa là hai lính Mỹ hứng chí lột quần áo, mang hai trái mìn cờ-lây-mo theo hướng dẫn của cu Đen xuống mấy vực sông thường có lắm cá to. Cu Đen liếng thoắng dành anh Chạy việc lặn xuống đặt mìn. Tài lặn lâu của cu cậu chẳng đứa nào địch nổi. Nước sông trong leo lẻo, hai lính Mỹ vỗ vai nhau nhìn cu Đen ôm quả mìn lòng thòng dây dợ lượn lờ rồi lặn hút xuống như một anh đặc công thủy tinh nhuệ sắp cho nổ tung chiến hạm giặc. Từ từ đặt trái mìn đúng vị trí theo ý nó mới ngoi lên. “Uỳ…nh!” Cả vực sông cuộn lên, trắng phau cá là cá. Cu Đen lao xuống trước cả anh Chạy, hai tay ôm hai con chép lấp lánh to đùng. Mấy lính Mỹ vỗ tay ô kê rối rít dành cá chạy về xí lô xí la khoe náo cả đơn vị. Lũ “rái cá” chúng tôi xóm trong xóm ngoài nghe tiếng mìn nổ đã cắm cổ chạy ra lao ùm ùm. Ngụp lặn cho tới khi đứa nào đứa nấy xâu cá xách không nổi.

Suốt mùa hè năm đó, tụi Mỹ quăng không biết cơ man nào mìn với lựu đạn xuống dòng sông làng tôi. Con sông không bao giờ hết cá. Hè năm đó tôi với cu Đen phải học bài chuẩn bị thi cuối cấp. Tay cầm vở miệng đọc nhưng hai tai dỏng ra sông. Cứ nghe cái uỳnh là quăng vở cắm cổ chạy.

***

“Này mi nhớ chú Đương vườn sát sau nhà tau không?”.

Một đêm, Hiến gọi cho tôi và hỏi.

“Ôi dào, nhớ đời!..”.

Ôi, cái ông Đương, người đã gắn với tôi và cu Đen trong một câu chuyện đến kiếp sau vẫn chưa quên. Tôi vẫn thường kể chuyện này với thằng cu con tôi đang học lớp sáu. Nó nghĩ tôi bịa chuyện “thiếu niên dũng cảm” cứ hỏi, chuyện có thiệt không ba? Thiệt trăm phần trăm con à! Bác Hiến giờ là thượng tá, chỉ huy bộ đội ngoài Buôn Ma Thuột… Bác hứa sắp tới có dịp vô công tác trường Sĩ quan Lục quân sẽ ghé thăm nhà mình, lúc đó con cứ hỏi bác ấy xem có thiệt đúng như ba kể không nhé…

Mùa hè năm đó, thường thì tối tối tôi chạy qua chơi với cu Đen rồi hai đứa cùng học bài. Bữa nào khuya quá thì ngủ lại với hắn luôn. Bởi làng tôi hồi đó đêm khuya ra khỏi nhà là đồng nghĩa với chết chóc, là “ăn kẹo đồng” như chơi. Bài vở xong là hai đứa ôm hai cuốn truyện tới quên giờ ngủ. Sách Tuổi Hoa, loại “hoa đỏ” có câu đề dẫn Để cho lứa tuổi măng non có tinh thần tháo vát, hào hiệp, yêu đời. Những nhân vật đồng trang lứa cứ dẫn hai thằng tôi hết cuộc phiêu lưu này đến chuyến trinh thám nọ. Tới gà gáy, rồi tiếng ca-nông đì đùng từ trên núi vọng về mới giật mình. Khát khô cổ họng. Cu Đen lào thào: “Chừ phải có trái cam trái quýt chi mà ăn hè!”. Rồi chợt nghĩ ra, hắn liền kề sát tai tôi bàn tính. Sẵn hơi trinh thám từ những trang sách mới thấm vô, hai thằng ngoéo tay nhứt trí. Và cuộc “phiêu lưu mạo hiểm” bắt đầu.

Cu Đen dẫn tôi lách nhẹ ra vườn bằng cửa sau. Cuối vườn là hàng rào thép gai cao quá đầu, bên kia là vườn mệ Cửu. Hắn leo lên hàng rào và buông mình qua nhẹ nhàng như một con mèo. Tới phiên tôi vừa trèo vừa run lập cập, lảo đảo rồi rớt cái bịch xuống ngay đống lá chuối khô. Tiếng “bịch xoạt” giữa đêm thanh vắng nghe rõ mồn một. Trời tối đen như mực, ngửa bàn tay không thấy. Hai đứa nín thở trườn tới, đoán mò theo hướng “mục tiêu”. Đó là mấy trái thơm chín lựng do hắn đã quan sát, “điều nghiên” từ chiều. Bỗng nghe trong nhà mệ Cửu có tiếng động, tiếp theo là một tiếng “róc róc” rợn người. Đúng là tiếng lên quy - lát súng lục! Cu Đen giật bắn người rồi trườn mình đè gọn lên tôi, thì thào: “Chết cha rồi! Ông Đương! Ông Đương!”. Vậy là kể như chui vô chuồng cọp. Hết đường thoái! Cái xui không lường nổi! Chú Đương là con mệ Cửu, là trung úy cảnh sát dã chiến đóng ngoài Phò Trạch. Thường thì dịp tết nhứt kỵ giỗ mới thấy ông chạy gô-ben tành tạch về một thoáng, nhưng tới xế là ba chân bốn cẳng biến rồi. Bởi lúc đó làng “mất an ninh”, lính tráng, quan quyền không ai dám ở nhà ban đêm. Ai dè!...

Cu Đen vẫn nằm đè trên lưng tôi và đè đầu tôi sát xuống, phần hắn sợ tôi nhát gan vùng chạy, phần hắn muốn “hy sinh”, muốn chắn đỡ cho tôi trong phút nguy kịch sắp xảy ra. Tiếng trống ngực hai thằng tranh nhau đập thùng thùng như trống giục đua ghe. Mồ hôi vã ra lẫn với sương, đầm đìa như tắm!... Bỗng “Xạt…bịch”! Hắn lại giựt mình nghiêng về phía tiếng động - phía họng súng đang gườm đâu đó trong màn đem đen kịt. Một tích tắc, không nổ! Chắc là tiếng trái rụng!

Cái tài bắn súng của ông Đương thì con nít bọn tôi đã chứng kiến khiếp hồn một lần ngoài bến sông rồi. Trưa đó ông kéo cả tốp lính ra bến ngồi uống bia, cứ hết lon nào ông liệng xuống sông và móc ru-lô nã liền. Mười lon chìm nghỉm cả mười. Tới lon cuối cùng ông hô: “Thằng nào dám để lon trên đầu cho tao bắn, tao thưởng thêm thùng nữa!”. Một gã giơ tay lè nhè: “Thưa trung úy, em! Em thà chết dưới tay trung úy…”. Cả đám con nít lúc đó lấy tay bịt mắt, quay chỗ khác, chỉ mình Cu Đen là xấn tới, tranh chỗ nhìn cho rõ. “Đoàng!”. Một tràng vỗ tay dậy lên: “Hoan hô trung úy! Hoan hô trung úy!”.

Nhưng biết đâu ngay giờ phút này ông ấy cũng đang núp, đang run té đái. Biết đâu trong đầu ông ấy lúc này đang nghĩ đối phương là một tổ trinh sát Việt cộng thiện xạ chớ đâu phải hai thằng nhóc nhãi không một tấc sắt?! Hà, thì rành rành cách nay mấy hôm, bọn lính càn vô xóm Liễu Thượng bị “tỉa” toàn mấy thằng chỉ huy ác ôn cả! Việt Cộng bắn như thần! Không khiếp à!... Tôi đang thầm nghĩ như thế bỗng một tiếng “bịch” trên tàu chuối! Cu Đen lại nhích nghiêng qua trong tư thế sẵn sàng “dành chết trước”. Tội nghiệp, chắc hắn nghĩ là tại hắn bày đầu ra cái trò “trinh thám” này. Nhưng tại tôi, tại cú nhảy vụng về của tôi mới ra nông nỗi!... Tiếng gà gáy giục từng hồi. Những mảng sáng lờ mờ lọt qua từng kẽ lá. Có nghĩa là cái chết đang đến từng giây!... Thế là rồi đời hai thằng tuổi Tý – hai con chuột nhắt đêm qua sa bẫy đang run rẩy ôm ghì lấy nhau trong lồng sắt, hai cặp mắt thao láo, thất thần đang nhìn sự sống lần cuối! Chắc là số trời bắt chết non! Bà ngoại tôi hay xem sách tử vi, thường nói: “Cái tuổi Canh Tý này thông minh, lắm tài. Nhưng Canh là “canh cô mộ quả!”. Vậy là, ước mơ tương lai một thằng văn sĩ, một thằng triết gia, coi như chấm dứt! Chờ kiếp khác!

Liền lúc đó, nghe như trong nhà có tiếng lạch cạch mở cửa! Cu Đen lại nghiêng mình đưa lưng qua, hai tay hắn bưng lấy đầu tôi. Bỗng, tiếng nổ… máy xe gô-ben rồ lên! Tiếng rú ga phóng luôn từ nhà ra sân và bay ra đường như màn xiếc mô tô bay với tốc lực “kinh hồn bạt vía”!... Sau mấy giây chết điếng, Cu Đen vỗ vỗ lưng tôi xì xào: “Thoát rồi, thoát rồi! Ông khiếp hồn bỏ chạy rồi!”. Tiếp đó là giọng Mệ Cửu húng hắn ho rồi lầu bầu câu gì đó. Hai thằng bò thụt lùi. Hắn đỡ tôi leo về, êm ru. Trời lơ mơ sáng, hai thằng nhìn mặt nhau, nửa ma nửa người, nửa cười nửa mếu!

***

    

Thoáng cái mà gần bốn chục năm trời. Tôi về quê cúng lễ tu phổ dòng họ đúng ngay dịp thượng tá Trần Công Hiến, tức Cu Đen cũng ngay đợt phép, ra giỗ ông cụ thân sinh. Không thể tả hết giây phút này, có đứa em đã nhanh tay dùng điện thoại quay một đoạn video. Anh bộ đội sạm nắng Tây Nguyên, đen rắn đen rỏi như Cu Đen ngày nào loay hoay chào mời thăm hỏi bạn bè bà con xóm giềng. Đủ mặt cả. Chú Đương tóc bạc trắng nhưng còn hồng hào, lanh lợi. Anh Chạy lớn hơn bọn tôi bốn năm tuổi, đầu cũng đã ngã xám tro, đang là cán bộ Mặt trận xã sắp tới tuổi hưu… Sau mấy chén rượu quê chúc tụng phừng phừng, Thượng tá Cu Đen sà vô ôm chú Đương cụng ly, mắt nhay nháy sang tôi bắt đầu nhắc lại chuyện đêm trinh sát năm xưa! Chú Đương ngồi nghe tới đâu vỗ đùi há hốc tới đó: "Ui cha té rứa à!... Ui chao đêm đó chú tưởng mười mươi lên ngồi bàn thờ rồi! Tau nằm sát đất, bấu khẩu col hai tay mà run như lên đồng!... Phóng xe lên tới đường quan tau còn rờ lui sau ót thử ướt không, mới biết còn sống!... Từ cái đêm đó tau hết dám về nhà đêm hôm cho tới ngày giải phóng luôn!...".

Anh Chạy ngồi cười tít mắt nói: "Tui lạ chi hai thằng lục lăng trái ấu ni!... Này, bay nhớ năm đó tụi Mỹ quăng hết mìn với lựu đạn xuống sông, năm sau tụi hắn cuốn gói dông luôn về nước thấy chưa! Ha ha!!".         

     D.Đ.K

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​