Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐÊM KHÔNG TIẾNG BOM


Truyện ngắn của Trần Thúc Hà

(Nguồn: VNĐN số 14 – tháng 07 & 08 năm 2016)

 

Đêm không tiếng bom.jpg
Minh hoạ: Tấn Hưng

 

Đó là một đêm ngừng chiến trong những năm tháng đánh trả giặc Mỹ ở miền Bắc.

Tôi ở đại đội Thanh niên xung phong, đơn vị có nhiệm vụ sửa đường, phá bom nổ chậm, bom từ trường, thủy lôi hẹn giờ dài chừng tám cây số từ một cửa biển đến một bến phà trên cung đường tuyến lửa qua một vùng đồi thấp ở Quảng Bình.

Thị xã tôi ở bị bom Mỹ san bằng, dân sơ tán về miền đồi núi. Mồ côi bố mẹ từ bé tôi ở với cậu. Mười tám tuổi tôi học hết cấp ba, xung phong đi bộ đội nhưng không được chấp nhận vì cậu tôi có người làm sĩ quan cho chính quyền Sài Gòn. Tôi buồn trong lúc nhiều bạn học của tôi đã lên đường vào Nam chiến đấu. Có đợt tuyển một đại đội Thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại địa phương tôi ghi tên. Chị Thanh hai mươi hai tuổi người cùng lối phố, đã tốt nghiệp cấp ba trước tôi, chị hơn tôi bốn tuổi. Chị đẹp người, dịu dàng, nước da trắng, mái tóc đen mượt dài gần chấm gót. Chị không được gọi vào đại học vì cha chị biệt tích không rõ ràng sau năm 1954. Chị về làm thợ may. Phong trào thanh niên Ba sẵn sàng đánh Mỹ làm cho chị đứng ngồi không yên. Chị cắt tóc ngắn ngang vai, dẹp nghề may, từ giã mẹ, xin vào đại đội thanh niên xung phong cùng đợt với tôi. Chúng tôi được ở cùng một trung đội. Trung đội có hai tiểu đội nam, một tiểu đội nữ.

Những năm 1971, 1972 Quảng Bình nhiều bom đạn quá! Đoạn đường chúng tôi dưới sông máy bay liên tiếp thả thủy lôi từ trường, trên bộ cứ cách trăm mét có bom nổ chậm đã bị bom phá cày xới vùi sâu. Cả đại đội ngày đêm căng sức ra nhưng cũng có khi vài ba ngày đường mới thông, hết bom nổ chậm. Lúc này chúng tôi thương vong nhiều, không đầy một tháng có đến ba đứa hi sinh, bảy đứa bị thương trong khi rà phá bom, nhưng khi được báo đường tắc không một đứa nào buông xẻng, buông cuốc, kể cả mấy cô gái, trong đó có chị Thanh.

Đêm ngừng chiến. Ngay chiều hôm đó chúng tôi đã dốc toàn lực con đường không còn nơi nào bế tắc, đại đội phân công một số túc trực phòng có sự cố bất ngờ. Tôi hẹn chị Thanh: “Đêm hết phiên trực, ra đồi kia em có chuyện”. Ngày còn ở lối phố chị Thanh đã coi tôi như em, khi hai chị em không được gọi vào đại học thì tình cảm chị em tôi càng thân thiết hơn vì cùng cảnh ngộ. Những ngày ở đại đội thanh niên xung phong chị luôn chăm sóc tôi, khi rảnh rỗi chị giặt áo quần hay khâu vá cho tôi, đôi lúc chị để dành cho tấm lương khô. Chị em chúng tôi thường động viên nhau đừng để cho các bạn xem mình là dân chân yếu tay mềm, không được thua kém ai trong công việc gì.

Đêm đó trăng mười tám trời sáng, không lạnh lắm, chị em tôi ngồi xuống bên một bờ cây nhỏ. Chị lo lắng hỏi tôi: “Chuyện gì vậy em?”. Tôi nói: “Sau đợt ngừng bắn này Mỹ sẽ đánh phá ác liệt hơn, em linh cảm em sẽ chết”. Chị nói: “Em nghĩ vớ vẩn. Cái chết đâu dễ dàng cứ theo như trong ý nghĩ của mình!”, tôi nói: “Tuần trước một đứa bị thủy lôi nhận chìm, ngày kia một đứa bị bom nổ chậm vùi lấp, rồi sẽ đến lượt em”. Chị nhìn vào mắt tôi, nói: “Em sợ chết!”. Tôi nói: “Em không sợ chết. Chị biết đấy, có bao giờ em chịu giơ tay xung phong sau đồng đội của mình khi đi vào chỗ nguy hiểm. Em đã xác định và đón nhận cái chết từ lâu. Chị đừng nghĩ xấu về em”. - “Chị không nghĩ xấu về em. Trường hợp nào cũng phải hy vọng mà đứng vững. Nhưng sao hôm nay em nói điều gỡ ấy nhỉ? Hay là có điều gì em muốn nói với chị?” Tôi nói: “Dạ có!” - “Em cứ nói, chia sẻ được gì chị sẵn sàng”. “Em cảm ơn chị! - tôi ngừng một lúc rồi tiếp - Cả thời đi học cho đến bây giờ có đứa con gái nào làm quen với em nên em chưa hề biết được một làn môi nóng bỏng của con gái. Chết đi, em tiếc nuối lắm chị ơi! Chị hãy thương em…”. Nói đến đây thì cổ họng tôi tắc nghẹn, đầu óc choáng váng, tim loạn nhịp. Tôi úp mặt xuống hai đầu gối, toàn thân tôi rung lên. Chị giật mình hỏi: “Em làm sao thế?”. Cố lắm, cố lắm tôi phải lấy hết sinh lực giọng lạc đi, dứt quãng nói rất khẽ: “Chị cho… em… hôn chị”. Lặng đi một chốc, đôi bàn tay chị nâng mặt tôi lên rồi ghé sát vào môi tôi. Nước mắt của chị em tôi đầm đìa trào xuống miệng mằn mặn - vị mặn có cả ngọt ngào mà lần đầu tiên tôi biết đến. Suốt đêm hôm ấy chị nhìn những vì sao mờ mờ trong ánh trăng cất lên khe khẽ những bài hát chị yêu thích Bài ca hy vọng, Xa khơi vỗ về ru tôi như ru một em thơ. Tôi nhắm mắt. Hồn tôi lâng lâng bay bổng trong tình thương dịu ngọt của con thơ với mẹ, của người chị với đứa em; với bầu trời bao la, không một ánh chớp, không tiếng bom, không gian yên tĩnh đến kỳ lạ, tôi không ngủ. Những gì tang tóc của chiến tranh, cái chết ám ảnh trong tôi không còn nữa. Tôi như một em bé được bà Tiên đưa đi dạo chơi trong một đêm trăng đẹp.

Hôm sau có người báo với ban chỉ huy chị em chúng tôi hủ hóa. Đại đội trưởng cho gọi chúng tôi lên. Ông là cán bộ kỹ thuật của Ty Giao thông tỉnh biệt phái về chỉ huy đại đội chúng tôi. Ông chừng ba mươi tuổi, người không to cao lắm, nước da nâu, nét mặt nghiêm nghị rắn rỏi làm chúng tôi ngại cái uy của ông. Ông rất nghiêm khắc với chúng tôi là khi có cán bộ quân sự trên binh trạm về hướng dẫn cách rà phá bom mìn, nếu ai lơ là chỉ vài giây thôi, hay khi báo động có B52 sẽ rải bom xuống vùng đóng quân mà ông đi kiểm tra thấy đội viên nào chưa vào hầm ẩn nấp thì ông phạt rất nặng, bằng cách đến nơi mới, người bị phạm lỗi phải đào gấp hai lần số hầm hào mỗi người phải đào. Ông nói phạt nặng không chết bằng bom đạn. Ông luôn buộc chúng tôi phải chấp hành triệt để những yêu cầu đề ra trong trong chiến đấu, hàng ngày trong sinh hoạt phải giữ đúng nội quy cũng chỉ với mục đích tránh cho chúng tôi giảm bớt thương vong vì bom đạn lúc nào cũng có thể xảy đến. Ông còn là một cán bộ chỉ huy dũng cảm bất kỳ nơi nào có tiếng bom, có thủy lôi từ trường ông đều có mặt sớm hơn chúng tôi để nhận định đánh giá thiệt hại, khắc phục hiện trường… Đại đội trưởng mặt sắt lại, lạnh lùng mắng chúng tôi: “Tiểu tư sản sa đọa, tha hóa làm ô danh, không xứng đáng chiến sĩ thanh niên xung phong”. Thấy bị sĩ nhục quá, chị khóc. Còn tôi, tôi cứ đứng ngây ra tựa như người chỉ huy đang quát nạt ai đó. Người chỉ huy nói: “Sờ sờ ra đấy mà không nhận tội hả! Khóc, oan ức lắm sao!”. Chị ngẩng mặt lên nói: “Chị em chúng tôi chuyện trò với nhau, chẳng có gì sai phạm!”. Người chỉ huy đập tay xuống mặt bàn, bàn kết tạm bằng những cây hóp nhỏ mọc bên bờ suối làm chúng xô xệch, quát:  “Ngoan cố! Hôm nay hai đồng chí không được đi đâu hết, ở nhà làm kiển điểm”. Chúng tôi biết kiểm điểm điểu gì? Chị bảo không ai hiểu được tình cảm của chúng tôi lúc ấy, dù có nói ra sự thật chắc gì cán bộ đã tin đấy là một tình thương yêu chị em khác với thông thường, có gì sai phạm đâu! Có bị đuổi về địa phương cũng cam lòng chứ không chịu nhận tội hủ hóa khi mình không có tội. Cũng ngày hôm đó, lệnh ngừng bắn hết hiệu lực, máy bay lại ném bom trên cung đường đại đội chúng tôi phụ trách. Kẻng báo động vang lên, mặc dầu chúng tôi có thể ở nhà theo lệnh chỉ huy, chị em chúng tôi vẫn xách xẻng cuốc lao ra mặt đường theo phản xạ thường trực lâu nay của người thanh niên xung phong khi có tiếng bom rơi trên mặt đường, nếu không hành động như thế, nó làm cho chị em tôi thấy khổ tâm hơn cả bị buộc tội hủ hóa. Đại đội trưởng trông thấy chúng tôi, ông nói: “Vậy là xứng đáng! Nhưng về phải kiểm điểm thành thật hơn nữa”.

Tôi buồn, chị ít nói hơn. Những lần đi rà phá bom tôi thường xung phong trước các đồng đội để vơi bớt day dứt trong lòng. Tôi không còn cảm giác với cái chết nữa. Tôi cũng không biết đã mấy lần tôi đi vào chỗ hiểm nguy mà không bị thương tích. Nhưng lần sau này thì tôi bị. Hôm đó máy bay Mỹ ném bom xuống ngầm 2 (ngầm là một con suối lớn băng qua đường, chúng tôi lấp đá xuống cho xe đi qua thay cầu) đoạn đường chúng tôi phụ trách, có một quả bom chưa nổ, chui xuống sâu chỉ còn lòi chút cánh đuôi, chưa xác định là loại bom gì, mà trời đã về chiều, tối nay lại có đoàn xe chở quân đi qua, bằng giá nào loại bom gì cũng phải thông đường trước khi trời tối. Thường thì có ba loại bom chưa nổ: bom lép, loại này không gây nguy hiểm, chỉ cần đào lên tháo ngòi nổ là bom chết, loại bom hẹn giờ thì không biết khi nào nó phát nổ, bom từ trường có xung động mạnh hay có kim loại lướt qua là nó phát nổ. Hai loại sau rất nguy hiểm. Chỉ có dũng cảm và hy sinh mới phá được nó. Tôi xung phong. Thời gian quá gấp, đại đội không kịp lập bàn thờ truy điệu sống cho tôi mà chỉ có đồng đội đứng một hàng cúi đầu đưa tiễn tôi. Đại đội trưởng nói với tôi: Tổ quốc ghi công đồng chí! Tôi ôm gói thuốc nổ đi đến quả bom để tìm cách phá hủy. Thật không may, đó là một quả bom hẹn giờ. Chỉ còn chừng mươi bước chân thì quả bom phát nổ. Gói thuốc nổ văng xa, tôi bị đất đá vùi kín cả người. Những khi đi phá bom chưa nổ thường đồng đội theo sau, ẩn nấp trong hầm cách nơi quả bom chừng trăm mét để kịp thời cấp cứu và san lấp đường. Lúc bom nổ họ lao tới. Đại đội trưởng của tôi có mặt. Ông là người đầu tiên đào bới đưa tôi ra khỏi đống đất đá. Ông cúi xuống hút bụi đất trong mồm trong mũi tôi. Tôi bị thương rất nặng, chân phải dập xương, thủng ổ bụng, ngực đầu tím bầm, có lúc không nhận biết điều gì nhưng tôi vẫn còn sống. Bốn người khiêng tôi về trạm xá tiền phương. Nhiều người trong đơn vị chạy đến lấp hố bom, tôi nghe tiếng chị Thanh vang bên tai tôi: Sơn! Đừng chết!

Tôi được chuyển đến một quân y viện của Đoàn 559. Tôi lại được chuyển tiếp đến một bệnh viện lớn hơn để ở đấy khâu lại ruột, phẫu thuật sắp xếp những mảnh xương vỡ ở chân, điều trị những phần phổi bị tổn thương. Thời gian chịu đựng đau đớn của các vết thương, các cuộc phẫu thuật liên tiếp tôi luôn nhớ tới tiếng vọng của chị: “Sơn ơi, đừng chết” và nụ hôn đầy nước mắt của hai chị em tôi. Nhiều khi trong mơ tôi hốt hoảng thét lên: nằm xuống… Thanh… Thanh… vì một quả bom đang lao về phía chị. Bạn thương binh hỏi tôi ai trong mơ vậy? Tôi đáp: Đồng đội - chị mình. Tôi cầu mong bom đạn đừng tìm đến chị. Một năm sau, tôi lành hẳn các vết thương, được đi an dưỡng một thời gian nữa cho bình phục hoàn toàn. Tôi được trên cho đi học Đại học khoa Cầu đường. Tôi rất mừng vì ước mong được bước chân vào trường đại học nay đã đến với tôi mà trước đây có dính líu bên ngoại nên không được gọi (thời ấy ở miền Bắc học xong lớp Mười - cấp III, xét lý lịch tốt là được gọi, chỉ định vào các trường đại học, được bao cấp ăn học, chứ không thi tuyển như sau này). Hơn nữa, chuyện cầu đường đã gắn bó với tôi nhiều kỷ niệm nên làm cho tôi toại nguyện vô cùng. Ba năm sau Hòa bình thống nhất đất nước tôi ra trường. Trong thời gian học, tôi có biên thư về cho cậu tôi hỏi tin tức chị Thanh. Cậu tôi cho tôi biết sau năm Bảy lăm đơn vị thanh niên xung phong ấy giải tán, người chuyển qua đội cầu đường của Ty giao thông, người đi nơi này nơi nọ, chị xin về với mẹ cho có mẹ có con, chị tiếp tục làm nghề thợ may. Có một anh bộ đội, rồi một anh cán bộ thương nghiệp vợ chết để ý đến chị, khi nghe nói trong thời chiến chị có quan hệ nam nữ lăng nhăng nên họ đều ngại. Còn thanh niên lối xóm không ai nhăm nhe gì đến chị cũng vì chuyện đó. Ngay cả cậu tôi qua thư từ cậu tôi cũng hiểu nhầm, muốn tôi không thân thiết với chị. Thất vọng ê chề, chán chường cho thân phận khi không tìm thấy một người đàn ông nào cho mình nữa, rồi mẹ qua đời vì bệnh, chị lầm lũi lẻ loi trong một ngôi nhà tranh nhỏ, quên đi chuyện chồng con. Bấy giờ chị đã ba mươi lăm tuổi. Bức thư như xé nát lòng tôi. Có hôm tôi không nhớ bài giảng. Chuyện không thật của quá khứ tưởng quên đi nào ngờ nó đeo bám chị một cách oan uổng. Chao ôi, ai minh oan cho chị đây, mà minh oan điều gì mới được chứ? Đau đớn cho chị quá! Tôi ân hận, tự oán trách chỉ vì sự ích kỷ, hèn nhát của tôi mà gây cho chị, một cô gái đẹp sẽ có một người chồng xứng đáng lại ra nông nỗi này. Chị ơi, tôi thầm kêu lên trong chiến tranh cái chết trong gang tay chị khuyên em hy vọng và chị đứng vững, thế mà không còn giặc giã nữa chị lại buông xuôi tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Nguyên nhân chỉ tại tôi mà ra. Thật khổ tâm cho tôi bởi vì không có cách gì sửa chữa, giúp ích được cho chị. Quên đi thì thôi, chứ nhớ lại nhói đau trong lòng.

Tôi đang chuẩn bị về thăm quê trước khi nhận việc thì bất ngờ Bộ Quốc phòng yêu cầu tôi cấp tốc vào nhận công tác cầu đường ở phía Nam để cho xe tăng hạng nặng cơ động truy quyét bọn Khơme đỏ lấn chiếm biên giới. Đó là năm 1978. Ba năm sau tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tôi trở về quê nhà. Không có gì thôi thúc tôi lúc này là phải đi tìm cho được chị, để xin chị một lời tha thứ, điều mà qua thư của cậu tôi cứ dày vò trong tim tôi đến giấc ngủ cũng thấy mình mắc nợ, không yên lòng. Gặp chị, đã thấy vết nhăn hằn lên đuôi mắt chị, chị không buồn nhưng gương mặt se se lành lạnh an phận càng làm cho tôi xót xa trong lòng, tôi run run thốt lên: “Chị Thanh!” Bất ngờ, thấy tôi chị buông cả kim chỉ máy khâu reo lên: “Ôi! Em Sơn! Lâu nay em ở đâu? Em tôi đã về! Mừng quá!”. Chị khóc. Tôi cũng rưng rưng nước mắt. Hồi lâu chị nói: “Cậu em có đến thăm chị nhưng ông bảo không biết địa chỉ của em. Dạo đó em bị thương quá nặng, chị ngỡ em đã chết mà người ta chưa báo tin”. Tôi kể những gì mấy năm sau khi bị thương. Chị nói: ‘Em giỏi quá! Một kỹ sư, em của chị. Vậy em đã có vợ chưa?”. Tôi đáp: “Chưa!” Chị lại tiếp: “Em ba lăm ba sáu rồi đấy. Ở đây có một cô xinh lắm mới hai bốn, chị làm mối cho rồi sinh con, trước chị giúp một tay, sau chị có cháu để bồng. Vậy là thỏa mãn, chị không mong gì hơn”. Ôi người chị của tôi! Tôi không biết nói gì trước tấm lòng của chị lúc nào cũng bao dung, lúc nào cũng chỉ vì niềm vui hạnh phúc cho tôi. Tôi dạ, nét mặt chị hớn hở hẳn như chị chưa bao giờ có an phận lạnh giá làm cho tôi vơi bớt dày vò trong lòng. Tôi lưỡng lự nói: “Vì một phút nông nổi của em trước đây để sau này chị cam chịu thiệt thòi về hạnh phúc lứa đôi, thật em có lỗi với chị”. Chị nói: “Chị không nghĩ như thế. Cái chết kề bên mà cho nhau chút tình người trong sáng thì đáng trọng sao gọi là lỗi? Giá hồi ấy chị từ chối, em hi sinh thì chị sẽ là người đau khổ ân hận nhất. Em không có lỗi, chị không có lỗi. Lỗi là lỗi ở đâu kia! Nhưng bây giờ chị không để bụng nữa”.

Theo địa chỉ chị cho, tôi tìm đến Ty Giao thông để thăm người chỉ huy đại đội trưởng của tôi trong thời chiến tranh. Bây giờ ông là Phó trưởng ty của Ty giao thông tỉnh. Tôi đến gặp ông. Trên bàn làm việc ông đang chăm chú vào bản thiết kế một chiếc cầu. Tôi chào thủ trưởng. Ngẩng lên ông nhận ra tôi ngay, ông nói: “Sơn đấy à! Lâu nay tôi chỉ biết cậu đến một bệnh viện lớn để chữa vết thương, được xuất viện, sau đó đi đến đâu nữa thì tôi không được tin tức gì. Vậy cậu đang làm gì và ở đâu tới đây?”. Tôi đáp: “Thưa thủ trưởng, em mới ở Campuchia về! Em tốt nghiệp ngành Cầu đường thì được điều động vào biên giới Tây Nam phục vụ cho chiến dịch đánh đuổi bọn Khơ me đỏ. Em ngỡ cả chục năm qua đại đội trưởng quên chiến sĩ của mình rồi”. Ông đáp: “Cậu chỉ nói bậy! Đứa nào sống đứa nào chết, hài cốt nằm nơi đâu mình nhớ cả, nhớ cả ưu điểm khuyết điểm của từng đứa nữa kia!” Thấy thủ trưởng cởi mở, khác thời chiến tranh nghiêm nghị khắc khổ, tôi nói: “Thế thủ trưởng nhớ đến em điều gì nhất?”. Chợt ông không vui, giọng trầm lại: “Mình biết cậu với cô Thanh không đến nổi quá đà như thế. Những ngày tháng ấy bom đạn ác liệt quá, tuần nào tháng nào cũng có thương vong, mình làm dữ như vậy là để răn đe bởi cái chết luôn rình rập họ thì trai với gái tiếc gì mà không cho nhau những nếm trải của ái ân trước khi chết! Mình sợ điều ấy bung ra làm nhụt chí chiến đấu của đơn vị. Bây giờ nghĩ lại thấy xót xa ân hận quá! Mình đã đến xin lỗi cô Thanh rồi. Mình đang làm hồ sơ cho Thanh cùng một số đội viên khác có thành tích dũng cảm trong chiến đấu để đưa lên trên xét tặng thưởng Huân chương và một số chế độ khác”. Tôi nói: “Thời ấy chẳng qua là vì chiến tranh mà thôi, thủ trưởng đừng để tâm đến những chuyện vặt ấy làm gì nữa”. Ông gật đầu, nói: “Chiến tranh dễ đẩy con người ta vào trạng thái không bình thường!”. Ông chuyển bản vẽ chiếc cầu về phía tôi, ông nói: “Đợi duyệt lần cuối, cậu xem qua cho biết và bây giờ cậu đi với tôi ra thực địa”.

Chiếc xe Commangca trần vải bạt lao đi trên con đường mới được rải sỏi, đôi bên đường màu xanh của cây cối cũng chưa được là bao nhiêu, phía lưng đồi còn nhiều hố bom nham nhở làm tôi xúc động nhớ đến mười ba đứa trong đại đội ngã xuống khi chúng tôi bảo vệ con đường này. Đại đội trưởng thấy tôi đăm đắm buồn nhìn con đường, ông hỏi: “Cậu nghĩ gì mà không vui vậy?”. Tôi đáp: “Em nhớ chúng nó không về nữa”. Ông tiếp: “Mỗi lần đi trên đoạn đường này mình không quên được thời ấy. Có thể khi làm cầu mình cho dựng một tấm bia ghi tên những chiến sĩ đã hi sinh của đại đội bảo vệ con đường này trong chiến tranh”. Tôi nói: “Em có đóng góp được gì đây với thủ trưởng?” Ông nói: “Có đấy”. Chừng mươi cây số thì xe dừng lại trên con đường có dòng suối chảy qua. Xuống xe, ông hăm hở đi tới mép đường gần con suối, ông nói: “Cậu còn nhớ ở đây là đâu không?”. Tôi đáp: “Đây là ngầm 2, nơi em bị bom vùi mươi năm về trước và được thủ trưởng cứu sống”. “Ừ! Rồi sẽ không đi ngầm với đá lổm ngổm xe vất vả bò qua mà một chiếc cầu vĩnh cửu, cho một con đường rộng. Gặp cậu, mình nghĩ điều này: Để gắn bó một thời và ghi dấu ấn trong đời những người làm cầu đường, cậu về đây giúp mình thi công chiếc cầu này”. Thú thực tôi chưa bao giờ gặp được nhiều niềm vui như mấy ngày về quê, tôi nói với thủ trưởng: “Được thế thì em mừng lắm! Em cảm ơn thủ trưởng! Em ra xin phép Bộ rồi em vào ngay”.

T.T.H

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​