Lương Xuân Tuyến
(Nguồn: VNĐN số 14 – tháng 07 & 08 năm 2016)
Từ
trong tiềm năng thể loại, tiểu thuyết là một thể loại tự do, có khả năng tổng
hợp, dung nạp những phong cách nghệ thuật của các văn bản thể loại khác. Đây
chính là cơ sở của sự liên văn bản về thể loại, giữa văn bản tiểu thuyết và văn
bản các thể loại, các loại hình nghệ thuật và phi nghệ thuật, chính thống và
không chính thống ra đời.
Theo
Roland Barthes, liên văn bản là một trong những đặc điểm nổi bật của tiểu
thuyết hiện đại. “Một mặt liên văn bản được hiểu như một thủ pháp văn học
xác định. Mặt khác, liên văn bản còn được hiểu như là thuộc tính bản thể của
mọi văn bản”.
Sự
làm mới cách thức thể hiện trong tiểu thuyết thì hiện tượng liên văn bản xuất
hiện một cách thường xuyên ở nhiều cấp độ và dạng thức khác nhau tạo nên kiểu
kết cấu truyện lồng truyện. Hình thức văn bản trong văn bản góp phần tạo nên
những tiếng nói khác nhau, mở rộng trường nhìn, đa dạng hóa cấu trúc của tiểu
thuyết. Với hình thức này, tác phẩm sẽ tạo nên sự liên thông giữa thế giới thực
và thế giới ảo (Đi tìm nhân vật, Thoạt kỳ thủy...) và nhân vật trong
tiểu thuyết sẽ “được sống lập thể” ở nhiều thế giới khác nhau, nhập
nhiều vai khác nhau, các giới hạn không gian, thời gian do vậy được mở ra đến
vô hạn.
Kể
từ sau đổi mới, nhất là trong những năm gần đây, việc đổi mới tư duy tiểu
thuyết ở các nhà văn đã dẫn đến những cách tân quan trọng trên cả phương diện
nội dung và hình thức (mà đặc biệt là hình thức), ở quan niệm về chất
liệu, làm mới ngôn ngữ tiểu thuyết hướng tới tính hiện đại, thậm chí hậu hiện
đại của văn học thế giới như: Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Thuận… Trong đó
tác phẩm Mười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái được viết bởi cấu trúc lập
thể, bởi giọng điệu giễu nhại của người kể chuyện “mặt nạ tác giả”, nhờ
đó nhận diện rõ nét chân dung con người hiện đại với đầy đủ các thành phần xã
hội, va chạm, bổ sung cho nhau, làm bật lên cả một tấn trò đời. Hoặc “Đức
Phật, nàng Savitri đã thể hiện rõ nhấtở tính chất liên văn bản với sự đan cài
của nhiều lớp diễn ngôn (các lớp diễn ngôn lịch sử, văn hóa, các lớp diễn ngôn
chính luận triết lí, diễn ngôn thông tục thế sự, diễn ngôn tôn giáo, triết học,
huyền thoại…).
Cũng như các thế hệ đi trước,
trong tất cả các cuốn tiểu thuyết của mình, Nguyễn Đình Tú luôn tìm tòi đổi mới
về mặt hình thức, với nhiều thể loại được dán cắt, “ôm chứa” vào lòng nó
nhiều văn bản như: lời bài hát, câu chuyện, nhật ký, bức thư, trích báo, blog,
entry… mang nhiều tiếng nói khác nhau. Bằng cách này, nhà văn có thể linh hoạt
hóa cách viết, biến cái không thể thành cái có thể và ngược lại, góp phần làm
mới cho văn chương. Nó minh chứng cho thời đại con người đang hoang mang, cô
đơn, bất an trước cuộc sống. Tuy nhiên các hình thức này chỉ xuất hiện với liều
lượng vừa đủ, tạo được chất liệu mới của tiểu thuyết, lạ nhưng không quá mức
cảm thụ của bạn đọc.
Ở Nháp, hình
thức liên văn bản được Nguyễn Đình Tú sử dụng bằng cách để nhân vật của mình sử
dụng các entry để post những cảm xúc của mình lên blog. Với hình thức này,
Nguyễn Đình Tú đã để cho nhân vật Thạch tự do bộc lộ nỗi lòng của mình, cả
những trăn trở suy tư, những nếm trải từng ngày trong cuộc sống. Qua đó, người
đọc hiểu hơn về những giằng xé nội tâm, tính cách cũng như cuộc đời của nhân
vật.
Với Kín, bạn đọc sẽ gặp nhiều trang viết về đạo
Mẫu, về lên đồng, chầu văn… trong Kín, Nguyễn Đình Tú đã "bồi
đắp" rất nhiều những tư liệu về "Mẫu", về lịch sử
khởi nghĩa Bãi Sậy (diễn ra từ năm 1883 đến năm 1892)... Cả một đống tư liệu có được từ những công trình
nghiên cứu tín ngưỡng dân gian, lịch sử, từ những câu chuyện tâm linh đó đây
được đưa vào Kín. Sự tìm về những giá trị văn hóa trầm tích, khát vọng
thay đổi cái tôi suy đồi, mặc cảm lạc loài cùng sự đánh tráo bản ngã... được
lồng ghép dưới nhiều lớp mã bí ẩn. Theo Nguyễn Đình Tú đó không phải là những
chiêu hỏa mù, đó là đời sống được tái tạo dưới góc độ nghệ thuật tiểu thuyết mà
nói như nhà văn Nguyễn Bình Phương: “Gấp cuốn sách lại, nhận thấy chỉ có
tình thương là không bị chối từ bởi tình thương vốn rất hiếm hoi trong thời này”.
Qua Kín, Nguyễn Đình Tú muốn giải mã, khái quát, mổ xẻ cái lõi của mỗi
cá nhân người Việt, tâm hồn Việt. Trong văn hóa dân gian có đạo thờ Mẫu có độ
dài về thời gian, tồn tại qua nhiều thời đại khác nhau. Đạo Mẫu giống thứ trầm
tích nằm trong lòng một dân tộc, một tộc người. Trong đó lên đồng là một sản
phẩm của văn hóa dân gian. Giới trẻ hiện nay cũng có những vấn đề của thời đại,
của thế hệ mình. Sự lạc lối chăng? Sự mất niềm tin chăng? Sự hoang mang nghi
hoặc chăng? Trong lúc người ta cần giải tỏa thì họ tìm đến văn hóa dân gian để
thỏa mãn, nó có xấu không, mang lại gì cho xã hội không thì bản thân nhà văn
không kết luận mà chỉ mượn những điều đó làm bối cảnh tiểu thuyết để xây dựng
nhân vật của mình.
Nhận xét về cuốn tiểu thuyết Hoang tâm, nhà văn Triệu
Xuân cho rằng những đoạn viết về chiến tranh trong Hoang tâm chỉ là những ký sự
nghe người ta kể và được khéo léo chép lại mà thôi. Song, ông nhận định: “Nguyễn
Đình Tú mượn chiến tranh như cái mắc áo để treo vào đó thông điệp của mình gửi
bạn đọc… Đó là nhân tính, tình người, khát khao sống bản năng, khát khao truyền
giống, khát khao làm đẹp và hướng thiện”.
Cái thú vị và độc đáo nhất trong Hoang Tâm
có lẽ nằm ở cách giải quyết những vấn đề liên quan đến những “chấn thương
trong tâm hồn” của những người lính trở về từ những chiến trường K năm xưa.
Chiến tranh qua đi, để rồi những ngày sống trong ký ức của nhân vật Anh về
cuộc chiến trường cứ trở đi trở lại trong tiểu thuyết và từ đó chúng ta thấy
một cuộc chiến tranh với ngổn ngang những chi tiết bủa vây. Không chỉ là những
cuộc chạm súng, chết chóc, máu me, mà còn có yêu thương, hẹn hò, những ngày
sống vô tư ngay trong lúc lửa đạn chiến tranh cận kề. Sự lãng mạn tạo nên niềm
tin lạc quan của người lính và cũng giúp tăng thêm sức mạnh khi đối chọi với
địch. Đó là những câu chuyện về bông hoa Lòng Hào, cuốn nhật ký của người lính
ở phía bên kia, những tâm sự, câu chuyện kể của Anh với đồng đội vào giờ nghỉ
ngơi. Từ đó mới có lời bài hát: “Ơi bông hoa Lòng Hào, vương bụi máu chiến
binh. Ơi bông hoa Lòng Hào, gọi hoàng hôn viễn xứ. Ơi bông hoa Lòng Hào, nơi
đồng hoang sương gió…”. Chiến tranh ở đây không chỉ có hoa mà còn
những trang nhật ký, những câu thơ: “Trong ba lô lính có gì. Poncho, gạo
sấy, xuân thì, giấc mơ. Người đi. Kẻ ở. Đôi bờ. Sông sâu núi thẳm, bây giờ trăm
năm…”. Chiến tranh đã lấy đi tất cả, những người lính phải hy sinh tuổi
xuân của mình, họ ra đi để lại sau lưng với những gì còn dang dở, mang theo cả
nỗi nhớ người thân vào chiến trường ác liệt, biết bao cảnh chia ly ngậm ngùi
chua xót “Nếu anh ra đi. Mẹ già anh khóc. Trai thời loạn li. Thương con khó
nhọc. Nếu anh ra đi. Người vị hôn thê. Những giọt nước mắt. Đọng trên hàng mi…”.
Bên cạnh thơ còn có những ca khúc cũng bi lụy đến nao lòng người “Em
hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại? Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về chiều hoang trốn nắng, poncho buồn liệm kín hồn anh. Anh trở về bờ
tóc em xanh, chít khăn xô lên đầu vội vã…”. Chiến tranh kết thúc, nhân vật
Anh tiếp tục với nghề dạy học. Và cũng từ đây độ mở của cuốn tiểu thuyết lại
được rộng hơn bởi bài văn lạ của cậu học sinh lớp 10, viết về Mị Châu, Trọng
Thủy bằng thứ ngôn ngữ teen với trình độ học sinh lười học văn bây giờ, khiến
cả hội đồng chấm thi cười nghiêng cười ngả.
Tóm lại, Nguyễn Đình Tú đã rất thành công khi sử
dụng liên văn bản. Đây là kỹ thuật ghép nối thể loại, mọi tình tiết ở nhiều
thời điểm đan cài nhau, có vẻ rối, tưởng như không ăn nhập gì, nhưng lại là cầu
nối liên kết tạo sự liền mạch của tác phẩm, không cho bất cứ chi tiết nào được
tách rời ra, đồng thời nó tạo ra sự mờ nhòe thực ảo, kích thích khả năng liên
tưởng độc đáo ở người đọc. Qua tính chất liên văn bản, giúp cho nhà văn có
nhiều hình thức lựa chọn để bộc lộ tư tưởng và thể hiện được những khoảng trắng
thẩm mỹ cần thiết tạo nên tính chất đa thanh cho tác phẩm, góp phần khẳng định
phong cách của nhà văn.
L.X.T
|