Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
CAO TỐC DU KÝ


Ghi chép của Hoàng Long

(Nguồn: VNĐN số 14 – tháng 07 & 08 năm 2016)

 

Một ngày đẹp trời cuối tháng 6/2016, được sự hỗ trợ của Ban Quản lý trạm Cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tôi cùng anh bạn nhân viên phục vụ của trạm đã có buổi trải nghiệm trên đoạn đường chỉ vỏn vẹn 33km, với khoảng thời gian 60 phút nhưng rất thú vị và vô cùng ấn tượng.

 

1caotoc.jpg
Từ trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Ảnh H.L

 

Để vào cao tốc bằng xe máy phải đi đường vòng khá xa qua khu dân sinh, qua nhiều vườn rẫy, băng băng qua nhiều lô cao su mới đến được cổng sau của trạm cao tốc Dầu Giây. Bắt đầu cuộc hành trình, tôi phải phục trang như nhân viên bảo trì, dọn dẹp vệ sinh trên cao tốc (quần áo dạ quang). Chiếc xe mô tô đưa anh em chúng tôi đi là loại xe chuyên dùng phục vụ cho đường cao tốc (xe vận hành bảo trì), thoạt nhìn không có gì lạ, chỉ có một màu vàng, gắn hai giỏ sắt hai bên baga để nhét các loại phụ tùng như nước uống, chổi quét, dao rựa, bao đựng rác, ống bơm hơi, dụng cụ vá xe… đủ loại hằm bà lằn, để nhân viên có thể cơ động khi thi hành công vụ.

Chuẩn bị tâm thế ổn định, chúng tôi quyết định tiến! Trước tiên, phải bơm bánh xe cho thật căng để chở hai người đi trên cao tốc cho an toàn. Đoạn đường ngắn, tốc độ cao, ngồi ung dung trên xe mô tô với trang phục “nhân viên vận hành bảo trì cao tốc” mới toanh mà lòng tôi rộn lên niềm vui sướng, một cảm giác khó tả khi cả thân thể sà hẳn xuống gần như chạm mép đường. Đúng là một tư thế mà chưa một lần tôi dám nghĩ tới. Người bạn đường của tôi - anh Đoàn Doanh, nhân viên phụ trách trạm cân cao tốc cũng gọn gàng trong phục trang nhân viên bảo trì, dọn vệ sinh. Cứ theo làn phân cách bên trong mép đường mà đi, không ảnh hưởng gì đến các loại phương tiện giao thông tốc độ cao đang vù vù qua lại trên cung đường khá trống trải, gió mát lồng lộng. Ngồi phía sau xe mô tô, tôi tha hồ thưởng ngoạn, hưởng thụ không khí trong lành của thiên nhiên. Đoạn đường nào thích, hai anh em lại dừng xe, làm mấy động tác đặt chướng ngại vật báo hiệu, dọn dẹp vệ sinh, sau đó là thoải mái ngắm cảnh, chụp hình mà không ai có thể can thiệp.

Suốt đoạn đường, nhiều câu chuyện được trao đổi, tôi được biết chiều nào các anh em nhân viên bảo trì vận hành cũng rảo theo đường cao tốc để dọn vệ sinh, cực là vậy, nhưng cũng không thể nào dọn hết rác được, ý thức của hành khách trên xe còn kém quá, họ cứ thoải mái xả thải xuống đường. Rác thì đủ loại, vô cơ có (chai lọ, lon, túi ni long, giấy vụn..) hữu cơ có (thức ăn thừa, bọc nôn ói, thậm chí có hành khách còn phóng uế vào túi nilon rồi quăng xuống vệ đường, bốc mùi kinh khủng. Mỗi lần như vậy nhìn đoạn đường cao tốc chẳng còn gì là đẹp, là nên thơ nữa. Tôi băn khoăn: sao trên đường cao tốc có nhiều điểm đặt thùng rác, có biển báo “Cho tôi rác”; thậm chí tại điểm thu phí giao thông cao tốc, mỗi lần xe qua lại, cô bán vé luôn miệng với các bác tài “trên xe có rác không, cho cháu xin ạ!” vậy sao còn hiện tượng xả rác xuống đường? Thấy tôi băn khoăn, vừa lái xe anh Doanh vừa giải thích: “Chủ yếu là các bác tài “ngại” thôi; một là sợ mất thời gian; hai là xấu hổ vì xe mình nhiều rác quá; ba là xả rác xuống đường đã quen rồi. Cũng có khi họ nghĩ đã có công nhân dọn dẹp vệ sinh rồi thì mình cứ việc xả rác thoải mái, đằng nào cũng có người… dọn!”.

Tôi bất chợt nhìn hai bên baga sau lưng mình là hai giỏ kẽm đựng các loại phụ tùng để dọn vệ sinh, nó dư chỗ để chứa các loại rác có thể tái sinh như lon bia, nước ngọt, chai nước suối… đưa về trung tâm để xử lý.

 

4caotoc.JPG
Tác giả (trái), anh Đoàn Doanh (phải) dừng lại trên cao tốc để tác nghiệp

 

Xe đã đến đoạn thu phí Quốc lộ 51. Chúng tôi rẽ vào Quốc lộ 51, định nghỉ ngơi một chút rồi quay về trạm cao tốc Dầu Giây. Ngồi ở trạm nhâm nhi tách cà phê, tôi làm quen thêm với mấy anh bạn nhân viên ở đây. Thấy tôi là “lính mới”, anh Năng trạm 51 lanh miệng chào hỏi “Ủa lính mới hả, nhưng sao… già chát vậy ta! Ở đây cũng mới tuyển thêm mấy anh em, nhưng toàn cánh trẻ thôi. Công việc tuy cực nhưng riết rồi quen, anh em sống tình cảm lắm!”. Qua lời giới thiệu của Doanh và mấy lời giao đãi, anh Năng biết tôi chỉ là “diễn viên đóng thế ” nên anh chia sẻ rất thật lòng. Anh bảo, đời sống tinh thần của anh em trạm cao tốc còn quá thiếu thốn. Tôi hỏi: “Sao nghe nói, nhân viên cao tốc cũng thuộc hàng “VIP” như nhân viên Hàng không. Lương, phụ cấp rất ổn, nên nhiều người mơ ước được làm việc ở đây?”. Cả bọn nhìn nhau cười, anh Năng giải thích bâng quơ: “Thiên hạ đồn thổi thế thôi, chứ chúng tôi sao sánh được với nhân viên hàng không; ở đây cực khổ, chịu nắng chịu gió, những đêm tuần tra sương xuống lạnh tê người, rồi còn thường xuyên va chạm, đụng độ khi xử lý các tình huống trên đường… vất vả lắm anh ơi!”. Mỗi người góp vào một câu, tôi hiểu ra và bỗng thấy cảm thông với các nhân viên hàng ngày làm việc trên đoạn đường cao tốc này.

Hành trình quay về trạm Dầu Giây, câu chuyện về rác thải trên đường cao tốc của chúng tôi vẫn rỉ rả, tôi bảo Doanh, chắc cũng phải làm một vài phóng sự truyền hình phản ánh tình trạng mất vệ sinh trên đường cao tốc, để hành khách giật mình, ý thức hơn về hành vi kém văn minh của mình. Doanh đồng ý và hứa sẽ đề đạt ý kiến này với các Sếp lãnh đạo, mong sẽ được chấp thuận.

Về tới trạm Dầu Giây, tôi ngồi nghỉ ngơi một chút, tranh thủ trò chuyện với anh em nhân viên ở đây. Anh Nguyễn Văn Hồng - Trưởng trạm, nâng ly trà khá điệu nghệ, tâm sự “Anh em ở đây hết thảy đều nhiệt tình, sống rất chan hòa, quý mến nhau vì hầu hết đều xa nhà, chỉ ngày nào thay ca mới được về với gia đình thôi, nên thiếu thốn tình cảm lắm. Nhưng anh em gắn bó với công việc, không nề hà khó khăn vất vả, hễ có việc là lao vào làm ngay, còn về phụ cấp thì cũng bình thường, nói chung anh em sống được!”.

Chuyện về những nhân viên cao tốc Long Thành - Dầu Giây còn dài, nhưng trong đoạn “tốc ký” này tôi chỉ kịp nêu một vài cảm nghĩ của mình khi được trải nghiệm trên đoạn cao tốc dài khoảng 33km. Tuy thời gian ngắn, nhưng đọng lại trong tôi là nỗi day dứt, phải làm gì để tác động, chuyển hóa ý thức của khách tham gia giao thông, để mọi người cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường? Làm gì để khách ngưng xả thải rác, làm bẩn những cung đường đẹp như mơ? Đang trong luồng suy nghĩ, tôi chợt nhớ tới câu chuyện của một tài xế: “Bọn em lái xe chở khách du lịch nhiều năm, có rút ra nhận xét: mỗi lần chở khách Việt kiều hoặc người nước ngoài, khi về đến nhà là phải rửa dọn xe cực lắm, vì bao nhiêu rác họ đều thải trên xe; còn chở khách trong nước thì khỏe re, chỉ dọn dẹp sơ sơ là xong vì bao nhiêu rác thải họ đã… xả xuống đường cả rồi”. Tôi bỗng ngộ ra rằng, mọi sự đều do ý thức con người quyết định. Nếu ai cũng từng khoác trên mình bộ trang phục nhân viên bảo trì, dọn dẹp vệ sinh trên đường cao tốc, hẳn họ sẽ thấu hiểu và có cách hành xử đúng đắn, văn minh hơn.

Tạm biệt trạm cao tốc Dầu Giây, tôi ước sao có lần trở lại để thăm các anh em nhân viên bảo trì và xem có biến chuyển gì không về vệ sinh môi trường. Về đến nhà rồi đầu óc vẫn cứ miên man với câu chuyện trên đường cao tốc, tôi chọn bức ảnh ưng ý nhất “góc nhìn từ trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây” khi tác nghiệp trên cao tốc, phóng lớn để tặng lãnh đạo trạm, xem như đây là lời cám ơn chân thành đối với những người đã tạo điều kiện cho tôi có chuyến trải nghiệm nhớ đời.

H.L

                                                                                            

 

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​