Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NỤ HÔN BẤT NGỜ


Trích ký sự của Hoàng Đình Nguyễn

(Nguồn: VNĐN số 14 – tháng 07 & 08 năm 2016)

 

Quảng trường Thời đại (Times Square)

Gần 6 giờ chiều chúng tôi đặt chân đến Quảng trường Thời đại (Times Square). Nơi được đặt theo tên của báo New York Times từ năm 1904, khi tòa soạn của tờ báo này dọn về khu vục này, trước đó quảng trường có tên là Longacre Square. Trên vài chục quán cà phê, sân khấu nhỏ và phòng quay của MTV đã tạo nên bộ mặt của quảng trường này và được chọn làm ngoại cảnh cho rất nhiều phim nhựa. Quảng trường cũng nổi tiếng với khu sân khấu Broadway với khoảng 40 nhà hát lớn giữa đường 41 và các con đường xung quanh.

Tương tự Quảng trường Đỏ ở Moskva, Champs-Elysées ở Paris hoặc Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Quảng trường Thời đại trở thành một biểu tượng đô thị của Thành phố New York. Nơi này trở nên sống động và đặc trưng phần lớn là nhờ vào sự chiếu sáng của các bảng hiệu quảng cáo. Quảng trường Thời đại còn là nơi hàng năm những người dân New York có thói quen đổ về đây đếm ngược thời gian để đón chào năm mới. Thường thì họ xếp hàng vào những ngày cuối năm nhìn quả cầu phía trên Quảng trường rơi từ độ cao 40m, cầu nguyện và đón chào phút giây đầu tiên năm mới đến bên họ.

Không những thế, nơi đây còn có biệt danh là “Giao lộ của thế giới. Dòng người như không bao giờ ngưng chảy trong một rừng đèn sáng lấp lánh. Các bảng điện cực lớn luôn thay nhau chạy những dòng chữ và những bức hình người mẫu rạng rỡ quảng cáo cho những loại hàng hóa, những sản phẩm truyền thống và đương đại.

Năm nay, quảng trường đã 111 năm tuổi. Tại đây người ta ước tính được mỗi ngày có khoảng 356 000 người đến mua sắm, và có khoảng 33.000 người đi dạo quanh khu vực quảng trường.

Du khách tìm đến quảng trường Thời đại trước hết là được ngắm nhìn một địa danh nổi tiếng của nước Mỹ sau đó là họ được nghe những buổi thuyết trình quảng cáo hay ghi lại những bức hình lưu niệm rất đẹp, rất Mỹ.

Người ta thường nói: Du lịch đến một nơi nào đó chủ yếu là được để lại dấu chân mình nơi ta đến và đem về những bức ảnh thật đẹp, thật tiêu biểu của đất nước ấy. Đến đây, nếu có nhiều thời gian, bạn có thể ngồi vào bàn nhâm nhi cà phê và ngắm nhìn toàn cảnh không gian sôi động. Nếu muốn bạn có thể chụp hình với những người mẫu đóng vai nữ thần Tự do hay những cô gái Mỹ “mặc” những bộ phục trang được vẽ trên cơ thể. Nghệ thuật body painting ngày nay không còn lạ lẫm nữa, nhưng vẽ trên người để làm người mẫu chụp hình giữa quảng trường đông đúc thì tôi mới gặp lần đầu trên đất Mỹ. Người Mỹ có cái lý riêng của họ: Con người là vốn quý của xã hội. Người Mỹ yêu lá quốc kỳ của mình nên có quyền vẽ nó trên đôi ngực trần, trên mông và trên bất cứ nơi nào của cơ thể… Có như vậy, du khách mới có điều kiện ngắm nhìn cờ Mỹ mọi lúc mọi nơi, được chụp hình chung trong những cái ôm rất Mỹ…

Đến đây, tôi đã tranh thủ dành thời gian chụp rất nhiều hình. Cứ mỗi lần chuyển hướng đưa máy ảnh qua những khung hình khác nhau, ở bất cứ ở góc độ nào cũng thấy rất đẹp, đều toát lên một sức sống sôi động, phồn hoa, bình đẳng và nhân ái.

 Trên Quảng trường Thời đại, trong một khoảnh khắc nhạy cảm, chuẩn bị đậy nắp ống kính máy hình để ra xe bỗng dưng từ phía xa, tôi nhìn thấy những  chàng lính thủy Mỹ trong bộ quân phục trắng đứng theo từng nhóm nhỏ năm bảy người trò chuyện cùng bè bạn và du khách. Nhìn những chàng trai trẻ thật hồn nhiên và tràn đầy sức sống trong khung cảnh thanh bình. Tôi đã không bỏ lỡ khoảnh khắc này, đưa máy hình lên bấm liên hồi.

 

Bức tượng "Nụ hôn bất ngờ" trên Quảng trường Thời đại

 

Lên xe trước khi tạm biệt nơi này, biết chúng tôi còn nhiều luyến tiếc, vì thế bác tài cho xe vòng một vòng lớn quanh quảng trường như thể để chào tạm biệt. Lúc này tôi mới nhận ra trên những con đường xung quanh quảng trường có rất nhiều lính thủy nam có, nữ có. Quân phục trắng phau giống như những cánh chim bồ câu trắng đậu trên Quảng trường Thời đại; Có lẽ đây là điểm hẹn sau những chuyến đi xa của những người lính thủy.

Trong khu vực trung tâm quảng trường bỗng hiện ra một bức tượng giống như thật, một chàng thủy thủ đang đứng hôn một cô gái trong bộ váy trắng làm cho cảnh trí càng thêm thơ mộng.

Xe chạy một lúc lâu tôi mới sực nhớ câu chuyện kể về tấm hình nổi tiếng thế giới đã được chụp ở nơi này. Nó như là biểu tượng đẹp nhất, ý nghĩa nhất của những chàng thủy thủ Mỹ.

Đó là: Đúng vào giờ phút Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân đồng minh ngày 14/8/1945 được phát đi ở Quảng trường Thời đại, chấm dứt chiến tranh Thế giới thứ II, Alfred Eisenstaedt nhiếp ảnh gia của hải quân Mỹ - chộp được một cách ngẫu nhiên khoảnh khắc hạnh phúc của một chàng thuỷ thủ Mỹ hôn say đắm một cô gái trong bộ đầm trắng vào ngày chiến tranh kết thúc.

Bức ảnh có tên là: VJ Day (Victory over Japan Day) sau đó trở thành một biểu tượng nổi tiếng toàn thế giới. Sau này khi được báo chí phỏng vấn, ông McDuffie cho biết, vào thời điểm đó ông mới 18 tuổi. Lúc nghe tin Nhật Bản đầu hàng ông đang đổi chuyến tàu để đến thăm người yêu. Mừng quá, chàng trai trẻ Glenn McDuffie đã chạy ra đường và thấy cô y tá cũng hét lên mừng rỡ với mình. Không kềm được cảm xúc, Glenn McDuffie đã ôm chầm lấy cô và hôn say đắm. Cả hai người đều không hề biết nhau trước đó nhưng không ngờ sau đó đã trở nên nổi tiếng.

Đến năm 2007 nhà điêu khắc J.Steward Johnson mới dựa trên bức ảnh nổi tiếng này dựng thành tượng có tên là Nụ hôn bất ngờ. Ngày khánh thành, chỉ có cô y tá, lúc đó đã là cụ bà Edith Shain là khách mời danh dự. Mấy tháng sau người ta mới tìm ra chàng thủy thủy chính là cụ Glenn McDuffie, khi ấy đã hơn 80 tuổi và chưa hề gặp lại người y tá 62 năm trước mình đã ôm hôn.

Bức tượng Nụ hôn bất ngờ trên Quảng Trường Thời Đại (New York, Mỹ) đã trở thành bất tử khi khoảng 200 đôi nam nữ mang nhiều quốc tịch, tôn giáo, màu da và tuổi tác khác nhau đã hôn nhau ngày 15/8/2010 để kỷ niệm 65 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ II.

Nụ hôn này trở thành biểu tượng đẹp và gắn liền với quảng trường Thời Đại, khiến cho nơi đây trở thành nhân chứng tình yêu của ít nhất 45.500 cặp đôi, giờ đã thành vợ thành chồng. Ngày nay, thế hệ trẻ trên toàn thế giới đã xếp hạng Quảng trường Thời đại là điểm đến cầu hôn lãng mạn vào hàng thứ 2 trên thế giới.

Ground Zero – nỗi buồn không phai

Chiếc xe chở chúng tôi xuyên qua những khu vực sầm uất giữa rừng nhà cao chót vót rồi từ từ dừng lại trước một công viên nhỏ thoáng mát. Phía trước công viên có vài xe bán thức ăn nhanh, đồ uống và quà lưu niệm. Bước xuống xe, ấn tượng đầu tiên trong mắt chúng tôi là dòng người kéo đến nơi này rất đông. Bên cạnh đó là những luống hoa hồng rực rỡ. Người New York gọi nơi này là Ground Zero.

Ground Zero - theo nghĩa trong từ điển Anh - Việt có nghĩa là “nơi tiếp đất”. Ground Zero là thuật ngữ chỉ cho vùng bình địa ngay chỗ quả bom nguyên tử phát nổ không còn gì sống sót.

Sau vụ tấn công khủng bố bằng máy bay vào Trung tâm thương mại thế giới ở New York ngày 11 tháng 9 năm 2001, giới truyền thông Mỹ đã gọi nơi mà hai tòa tháp đôi của trung tâm bị phá sạch này là Ground Zero.  Đến New York, khi bạn nghe nói đến Ground Zero thì sẽ hiểu ngay rằng đó là nơi tưởng niệm sự kiện ngày 11 tháng 9.

Ai cũng biết sự kiện 11 tháng 9 do một nhóm không tặc gây ra gần như cùng một lúc: chúng cướp bốn máy bay hành khách hiệu Boeing đang trên đường bay nội địa trong nước Mỹ. Nhóm không tặc lái hai phi cơ lao thẳng vào Tòa Tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, Thành phố New York – mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa tháp cao nhất, cách nhau khoảng 18 phút. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp bị sụp đổ. Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ ba đâm vào tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc ở Quận Arlington, Virginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc Quận Somerset, Pennsylvania, cách Pittsburgh 129 km (80 dặm) về phía Đông, sau khi hành khách trên máy bay chống cự lại nhóm không tặc này.

Theo con số chính thức được công bố, có 2.986 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công, bao gồm cả 19 kẻ khủng bố, gây tổn thất ít nhất 3000 tỷ USD tổng thiệt hại. Sự kiện 11 tháng 9 xảy ra năm ấy làm cho chính những người Mỹ không khỏi bàng hoàng và không thể nào tin được nó lại xảy ra tại nước Mỹ, tại khu thương mại sầm uất nhất New York, tòa tháp đôi ấy được mang tên WORLD TRADE CENTER (WTC).

Bốn năm sau vụ khủng bố đẫm máu 11/9/2001, ngày 6/9/2005, tại khu vực này, một tổ hợp tháp mới mang tên WTC mới được khởi công xây dựng. Thay vì xây trên nền cũ của 2 tòa tháp đôi, 5 tháp mới được xây dựng quanh khu nền tháp đôi.Cụm công trình này bao gồm 4 tòa cao ốc, một khu bảo tàng và khu tưởng niệm, một nhà ga trung tâm và một trung tâm biểu diễn nghệ thuật.

Ngày 11-9-2011- mười năm sau sự kiện 11-9, vùng đất được gọi là Ground Zero tại New York Đài tưởng niệm 11-9 đã kịp ra mắt công chúng. Chính tại vị trí hai tòa tháp WTC năm xưa, trên nền móng của tòa tháp đôi cũ người ta đã xây dựng hai hồ nước, có những thác nước nhân tạo chảy trào vào hồ. Trên thành các bờ hồ được khắc tên gần 3.000 nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công ngày 11/9/2001. Khác với mọi đài tưởng niệm. Tên của nạn nhân không theo thứ tự bảng chữ cái thông thường, mà được nhóm lại theo các tiêu chí như gia đình, đồng nghiệp, những gia đình ngồi cạnh nhau trên các chuyến bay, hay chỉ đơn giản là những người xa lạ nhưng đã từ giã cõi đời tay trong tay khi cố gắng thoát khỏi thảm kịch…

Mười năm sau sự kiện kinh hoàng, trong ngày tưởng niệm, vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ George Bush và vợ chồng đương kim Tổng thống Barack Obama cùng tất cả những người tham dự lễ tưởng niệm dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ thời khắc chiếc máy bay đầu tiên bị không tặc lao vào tháp phía bắc của Tháp Đôi lúc 8h46 sáng ngày 11/9/2001 giờ địa phương.

Gần mười lăm năm sau. Chúng tôi đặt chân đến thăm Đài tưởng niệm quốc gia 11/9 ở khu vực Ground Zero đúng vào dịp lễ “Tưởng nhớ những người Mỹ đã mất trong các cuộc chiến tranh”. Những ngày này, quốc kỳ Mỹ treo khắp nơi trên đường phố New York. Theo dòng người từ khắp nơi đổ về đây, vợ chồng tôi và những du khách trong đoàn chậm rãi đi vòng quanh hồ. Lặng lẽ đặt tay lên từng cái tên khắc trên những phiến đá hoa cương. Cùng nhớ về một trang đen tối trong lịch sử nước Mỹ, cúi đầu tưởng niệm.

Trước khi tạm biệt Ground Zero chúng tôi không quên ghi lại những hình ảnh đầy cảm động ở nơi này. Không còn là vùng đất “số không” nữa. Cảnh quang dần trở lại như ngày xưa, xung quanh khu vực đài tưởng niệm, xen giữa rừng cờ Mỹ và dòng người tấp nập là những luống hồng ngát thơm rực rỡ hết mình trong nắng sớm.

Những công trình mới được xây dựng trên nền đất này đã và đang hàn gắn lại vết thương ngày xưa. Trong số các hạng mục mới xây dựng tại vị trí WTC cũ, Trung tâm Thương mại Một Thế giới (One World Trade Center - OWTC) có tổng chi phí được dự tính khoảng hơn 3 tỷ USD đã được hoàn thành từ đầu năm 2014 và trở thành điểm nhấn của nơi này. Đây là công trình cao nhất nước Mỹ và cao thứ 3 trên thế giới.

Công trình này được coi là biểu tượng hồi sinh của thành phố New York sau sự kiện 11/9/2001 và còn được biết đến với tên Tháp Tự do có chiều cao 541,3 m (tương đương 1776 feet) con số tượng trưng cho năm 1776 khi nước Mỹ công bố bản Tuyên ngôn độc lập.

Gần mười lăm năm đã trôi qua, nhưng sự kiện 11-9 tiếp tục tạo ra những ảnh hưởng sâu đậm lên đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của nước Mỹ. Một mục sư ở New York nói rằng người Mỹ cần phải ghi nhớ mãi ngày 11-9, không phải để hận thù mà để yêu thương lẫn nhau, bởi tình yêu giống như một liều thuốc chống lại những thù hằn, căm ghét, hung bạo đã xảy ra trong ngày 11-9-2001 tại nước Mỹ.

N.Đ.H

 

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​