Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TẬP THƠ "MIỀN KÝ ỨC"


Hoàng Phong

(Nguồn: VNĐN số 14 – tháng 07 & 08 năm 2016)

 

Mien ky uc.jpg 
 
Cầm trên tay cuốn Miền ký ức, có lẽ người đọc không nghĩ đây là tập thơ của  một người bắt đầu cầm bút khi đã bước vào tuổi U 70. Sau những năm tháng làm người lính trên các “mặt trận” chiến đấu, học tập, sản xuất, và sau 6 năm đến với thơ ca, Nguyễn Quang Tấn vừa cho ra đời tập thơ Miền ký ức (NXB Lao động, 2016).

Tác giả Nguyễn Quang Tấn sinh năm 1945, quê tại Thái Bình. Trong bài thơ mở đầu tập sách, ông tự vẽ chân dung mình:

Ta như cái khăn vắt vẻo - bụng ỏng

Vàng vọt thân hình

Tháng ba năm đói - một mình địu con

mẹ mò cua bắt ốc…

mười bốn tuổi đầu – chơi vơi

ngu ngơ thân gầy – chân sếu

chất nhà quê đặc sệt - giữa chốn thị thành…

Cái “chất nhà quê” tác giả nhắc đến, chính là nét chất phác chân quê in đậm từ ký ức tuổi thơ cho đến những năm tháng trưởng thành và cuộc đời nhiều chìm nổi… và rồi in dấu vào tác phẩm của ông một cách thật thà, mộc mạc. Vượt qua đời thường khốn khó, Nguyễn Quang Tấn đã thi đậu vào trường Đại học Bách Khoa Hà  Nội (khóa X), nhờ học rất giỏi các môn toán, lý, hóa…, để rồi năm 1968 được tuyển vào Đại học Quân sự. Học xong, Nguyễn Quang Tấn được vào chiến trường miền Nam với quân hàm Thiếu úy, phụ trách thiết bị, kỹ thuật. Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội, trong đó có một thời gian tham gia chiến tranh Biên giới Tây Nam rồi mới trở ra miền Bắc. Do bị thương nặng ở chiến trường, sức khỏe suy giảm, từ 1979 – 1982 Nguyễn Quang Tấn được bố trí làm giảng viên Học viện hậu cần quân đội thuộc Tổng cục Kỹ thuật. Sau đó, ông làm việc tại Công ty X264 (chuyên về mộc, cơ khí, đạn dược) với cương vị Phó giám đốc, năm 1991 được điều vào Nam làm giám đốc Công ty X266. Đến năm 1996, ông nghỉ hưu và quyết định đưa cả gia đình “Nam tiến”. Đến với quê hương mới (phường Long Bình, Thành phố Biên Hòa), ông lại trở về bản chất “chân quê” với công việc chăn nuôi, mở trường mẫu giáo v.v… để đảm bảo đời sống gia đình, lo cho con cái ăn học và đặc biệt là trị bệnh hen vốn khá nặng của ông.

Mãi đến năm 2010, đời sống thư thả hơn, tình cờ ông gặp nhà thơ, nhà giáo Kiều Văn Phẩm (hội viên Hội VHNT Đồng Nai), và cơ duyên ấy giúp ông làm quen, tập tành làm thơ. Nguyễn Quang Tấn cho biết: “Cả đời quen với những con số, máy móc, đạn dược, nên đến với thơ ca tôi cảm thấy vô cùng bỡ ngỡ, lạ lùng.” Dần dần, ông có thêm nhiều bạn văn, tham gia câu lạc bộ thơ Trấn Biên, làm thơ “lên tay” nhờ siêng năng học hỏi. Năm 2014, ông trở thành hội viên Hội VHNT Đồng Nai, và nhờ có sự hỗ trợ của Hội, ông đã hoàn thành và “ra mắt” tập thơ đầu tay Miền ký ức của mình.

Theo nhận định của Nhà giáo Ưu tú Vũ Quốc Huệ (Thái Bình), Nguyễn Quang Tấn đã có một hành trình vững vàng, đầy ý nghĩa xây dựng đối với cuộc sống và cả với gia đình, bản thân - nhờ vào nhận thức, lập trường, bản lĩnh của một người lính. Đến với thơ ca vào lúc tuổi xế chiều, điều đó rất có ý nghĩa đối với người cựu binh từng trải “chiến trường giải phóng xưa và thương trường đổi mới nay”… Tuy nhiên, Nguyễn Quang Tấn tâm sự: Ông tự biết khả năng của mình trong lĩnh vực này, và chỉ mong viết lại những điều có thực mình đã trải qua, những điều ám ảnh sâu sắc, những ước mơ, và trong những điều đã viết, tập thơ như một sự “chắt lọc” và khổ luyện:

Phải vắt đất, đất nảy mầm mãi mãi

Cho má em hồng nhịp sống ca ba

Tiếng máy rền vang dưới ánh trăng ngà

Sự sống vươn lên nở hoa kết trái…

(Về Đồng Nai)

Và còn một “góc nhỏ” thiêng liêng ông dành cho tình yêu thuở thiếu thời, những năm tháng chiến đấu hy sinh không thể tính bằng thời gian, không gian, thậm chí là… ký ức:

Nặng lòng liệt sĩ lừng danh

Bên song mộ gió đã thành thi ca

(Mộ gió)

Em nằm dưới mộ phong sương

Có hay anh thức đêm trường làm thơ

(Ảo ảnh)

Phần tâm linh sâu thẳm cũng tạo nên một hồn thơ mộc mạc nhưng chan chứa tình cảm:

Lần này con về giỗ bố

Đón mẹ vào Nam dưỡng già

Ôm con vào lòng rồi khóc

“Không đâu… mẹ phải ở nhà”

 

Mẹ bảo bố về báo mộng

Bà ơi! Sám hối cho tôi

Kiếp trước… bây giờ gánh chịu

Mẹ lo hết đứng lại ngồi…

(Giỗ bố)

Có thể nói nhờ những vần thơ mà Nguyễn Quang Tấn mới bộc lộ được trọn vẹn những nỗi tâm tình của mình. Và cũng nhờ những dấu ấn “chân quê” mà thơ của ông đi vào cuộc sống, đi vào lòng người. Nói về hiện tại, ông cho biết: “Được tham gia Hội VHNT Đồng Nai, học tập và trao đổi sáng tác với anh em hội viên, cuộc sống của tôi được thăng hoa, trở nên có ý nghĩa hơn. Và tôi cũng chỉ cần có thế, chứ không mong cầu, ham muốn gì hơn…”.

H.P

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​