Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CÔ BẠN VƯỢT CHƯỚNG NGẠI VẬT


Thanh Thảo

(Nguồn: VNĐN số 14 – tháng 07 & 08 năm 2016)

 

hình bài vượt chướng ngại vật.jpg


Vũ Bảo Yến và cô giáo Nguyễn Thị Loan

 

Nhìn vẻ ngoài, cô nữ sinh tuổi Rồng (sinh năm 2000) rất bình dị. Nhưng “lý lịch trích ngang” về thành tích học tập của em khiến tôi không khỏi giật mình. Em tên Vũ Bảo Yến, đang là học sinh lớp 11 chuyên văn, trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Tp. Biên Hòa (năm học 2016-2017). Yến liên tục 10 năm là học sinh giỏi; giải nhất môn văn cấp tỉnh, huy chương vàng olympic truyền thống 30/4 khu vực phía Nam... Tại  “Hội nghị tuyên dương học sinh tiêu biểu toàn quân lần IV (2011-2016)” tổ chức tại Hà Nội ngày 29/6/2016, thành tích học tập xuất sắc của em được Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ quốc phòng, Tổng cục hậu cần, Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) và nhiều tổ chức khác chúc mừng và trao phần thưởng. Cô chủ nhiệm Trương Thu Hường nhận xét về cô học trò yêu của mình: “Vũ Bảo Yến đam mê học tập và rèn luyện mọi lúc mọi nơi. Vì vậy tuổi còn nhỏ nhưng em đã tích lũy được một lượng kiến thức khá về nhiều lĩnh vực, đáng để người khác nể phục. Sức học của Yến dồi dào, giỏi đều các môn, được thầy cô và bạn bè quý mến”.

Vũ Bảo Yến là “chị Hai” trong một gia đình có hai chị em, bố mẹ đều phục vụ trong quân đội. Ông Vũ Hoàng Hải, bố của Yến dạy con ngay từ lúc cô bé mới chập chững bước chân tới trường “Làm người không dễ, muốn thành công thì phải phấn đấu không ngừng!”. Tuy chưa hiểu lắm những lời căn dặn của bố nhưng Yến luôn lắng nghe và âm thầm phấn đấu. Ngày Vũ Bảo Yến trúng tuyển vào lớp chuyên văn trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Tp Biên Hòa, hạnh phúc dâng trào trong cô học trò bé bỏng, còn đôi chút e dè trước ngôi trường danh tiếng. Trở thành học sinh trường chuyên, Yến học giỏi, song không học theo kiểu "ép xác". Khi đã ngồi vào bàn học là cô tập trung cao độ, nhờ đó mà Yến thuộc bài rất nhanh. Cô tự xây dựng lịch làm việc sít sao mỗi ngày cho mình. "Tranh thủ" là cặp từ Yến hay nhắc tới: khi giúp việc gia đình tranh thủ nhẩm bài, khi dạo chơi tranh thủ tìm hiểu một định lý, một câu văn hay... Yến luôn xác định cho mình tâm thế “Vượt chướng ngại vật” trong học tập!

Khi được hỏi, vì sao em yêu thích môn văn, Yến mỉm cười mà đôi mắt rưng rưng...: “Tại… cô Nguyễn Thị Loan”. Và Yến kể về cô giáo dạy văn của mình bằng giọng xúc động: “Cô Loan là một người nhân hậu, dạy học trò bằng cả trái tim. Cô hướng dẫn chúng em từ cách tư duy, cách làm giàu ngôn ngữ… Cô nhận xét em có khiếu về môn văn và động viên em cố gắng học tập. Được cô giáo khen, em rất xúc động. Cô Loan có phương pháp giảng dạy rất dễ hiểu, dễ tiếp thu qua cách xây dựng sơ đồ tư duy, bố cục dàn bài, dàn ý rõ ràng, chặt chẽ. Có lần em khóc vì bị điểm thấp, cô không trách móc mà chỉ nhẹ nhàng động viên, khích lệ em. Hình ảnh cô Loan luôn thôi thúc em phải quyết tâm hơn nữa để không phụ lòng thầy cô và cha mẹ”.

Mang trong lòng ít nhiều tò mò về người đã truyền cho cô trò nhỏ tình yêu đối với văn học, tôi tìm gặp cô giáo Nguyễn Thị Loan. Một cư dân  mạng nhận xét qua facebook: “Cô Loan là giáo viên ưu tú, đã có mấy chục năm kinh nghiệm giảng dạy và luyện thi môn văn từ 9 lên 10. Học sinh cô đi thi điểm cao ngút trời”. Tôi vội “test” xem những lời nhận định trên có đúng không.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô giáo Nguyễn Thị Loan là một phụ nữ tuổi ngoại ngũ tuần, dường nét khuôn mặt thanh thoát, giọng nói truyền cảm. Trong câu chuyện giữa chúng tôi, cô chân thành nói: “Nếu dạy học bằng cả tình thương và trách nhiệm thì cực lắm. Mình không thể ép học trò yêu thích môn mình dạy mà phải dùng nghệ thuật diễn đạt cuốn hút các em vào từng bài giảng, khơi gợi cho trò cùng mình tham gia tích cực vào bài học, giáo viên cũng phải nắm được tâm lý từng em…!  ”. Theo cảm nhận của tôi, cô Loan sinh ra là để theo nghề sư phạm, cả cuộc đời cô dốc hết tâm huyết vào dạy học. Phu quân của cô, ông Võ Thúc Đường xen vào câu chuyện của chúng tôi, không dấu niềm tự hào về vợ: “Đêm nào khuya khoắt rồi cũng có học trò gọi điện hỏi bài. Bà xã dành hết tình cảm cho trò khiến tôi có lúc phát ghen”. Chính vì dành hết tình thương và trách nhiệm cho học sinh mà cô Loan gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp “trồng người”. Cô có nhiều học trò đang theo học các trường đại học danh tiếng, trong đó có cả những sinh viên sư phạm đang nối nghiệp cô. Qua câu chuyện của cô Loan, tôi hiểu thành công của trò phải được “gia tốc” bằng “ngoại lực” do người thầy tác động. Tác động sai thì hướng đi sai. Ngược lại, thành công của thầy chỉ có được khi kết hợp với sự nỗ lực vươn lên của trò. Người thầy không có con mắt tinh tường thì sẽ bỏ mất những nhân tài của đất nước. Tôi kính trọng và đồng cảm với suy nghĩ của cô.

Trước khi chia tay, tôi hỏi Hải Yến sau này muốn làm gì, cô trò nhỏ trả lời, ước mơ của em là trở thành cô giáo dạy văn. Yến nói nhỏ nhẹ: “Chỉ đơn giản thế thôi ạ”. Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng thật đáng trân trọng tâm nguyện của cô học trò giỏi. Tôi tin Vũ Bảo Yến sẽ đạt được hoài bão của mình!

T.T

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​