Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐIỆN SÁNG NÚI RỪNG


Truyện ký của Nguyễn Quang Tấn

(Nguồn: VNĐN số 14 – tháng 07 & 08 năm 2016)

 

Ánh trăng hạ tuần khuất sau dãy núi phía tây. Màn sương mỏng mờ mờ bao phủ núi rừng bản làng, dòng sông. Gió hiu hiu thổi. Trời se se lạnh. Một chiếc bóng cao cao, mờ mờ, đi đi, lại lại dọc theo bờ sông Tang rồi dừng lại bên phiến đá lớn dưới gốc cây xà cừ gốc to sù sì. Tiếng tắc kè điểm nhịp đều đều ở bên kia sông vọng sang. Bản làng người Kor gần đấy mấy con gà trống thi nhau gáy. Đàn chim kêu ríu rít báo thức náo nhiệt cả một góc rừng. Lê Mỹ lững thững đi về phía lán trại. Vẻ mặt anh trầm tư như đang nghĩ ngợi...

   Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Ô! Anh Lê Mỹ. Gần sáng em tỉnh giấc không thấy anh trên võng. Vậy anh đi đâu bây giờ mới về?

- Đêm qua không ngủ được, mình dậy sớm ra chỗ dự kiến đặt trạm thủy điện xem  lại...

***

 

   Lê Mỹ là kỹ sư. Tốt nghiệp đại học bách khoa khóa 3, anh tình nguyện về công tác tại quê nhà Quảng Ngãi - nơi anh cất tiếng khóc chào đời. Anh đã ở chiến trường tám năm, hiện là trưởng ban kỹ thuật phòng Quân giới, Cục Hậu cần, Quân khu 5. Lê Mỹ được Cục trưởng giao nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế trạm thuỷ điện cho xưởng quân Giới C36 và C38. Người cùng tham gia với anh là Tấn Quang, kỹ sư chế tạo máy khoá 10 Bách Khoa.

  Chiều hôm ấy, tôi và anh Lê Mỹ đi công tác trên con đường mà công binh san ủi sắp hoàn thành để chuẩn bị cho chiến dịch đánh Cấm Dơi - Quế Sơn 8/1972. Đường sỏi đá gồ ghề, lởm chởm, bụi mù, nhiều đoạn dốc cheo leo, ngoằn ngoèo, lượn theo bờ sông Tranh. Nắng như thiêu đốt. Lau lách chết trơ trụi. Thương cho những đàn bướm đủ màu sắc đang thi nhau dang rộng cánh quạt dưới ngầm suối khô. Chúng tôi nghỉ lại bên bờ suối để lấy sức leo dốc. Ba lô chỉ có hai bộ quần áo, võng, tăng, lương thực đủ ăn hai ngày, ngoài ra còn thêm khẩu súng ngắn K54. Có vậy mà cảm thấy quá nặng, chỉ muốn vứt bớt đi vì đã thấm mệt, đường lại xa toàn đèo núi. Ngồi trên đỉnh dốc là một tiểu đội lính, già có, trẻ có, ai nấy mồ hôi nhễ nhại, xoay trần ra thở dốc. Đi lại gần, tôi mới biết mỗi người cõng 40 lít dầu diezel chạy máy cho xưởng Quân Giới C38 Quân Khu. Trong số ấy, có anh thợ tiện tên Thành, thấy chúng tôi anh reo lên "A kỹ sư Lê Mỹ, bao giờ anh thiết kế trạm thuỷ điện cho xưởng? Bọn em vô cùng vất vả gùi dầu ở vùng giáp ranh phải vượt 30 cây số đường rừng, đèo dốc, sông suối, mưa dầm nắng gắt... mong anh quá anh ạ”. Nhìn Thành gầy nhom, xanh xao vàng vọt do sốt rét nhiều bị thiếu máu mà phải gùi hơn 40 kg, lòng tôi se lại. Anh Lê Mỹ ôm Thành, siết chặt vai ...

  Tối hôm ấy, đã khuya mà tôi không chợp mắt được, cứ lởn vởn hình ảnh tiểu đội lính và thợ mà buổi chiều gặp trên đỉnh dốc... Xưởng máy đang cần điện. Chiến trường đang cần vũ khí để bộ đội chiến đấu. Tôi tự nhủ, bằng bất cứ giá nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ Cục giao. Không ai bảo ai, hai chúng tôi đều dậy thắp đèn ngồi vẽ, lúc ấy gà vừa gáy canh ba.

   Như thường lệ, 4 giờ sáng Cục trưởng dậy đi bách bộ quanh đơn vị. Sáng nay ông đứng bên cửa sổ hồi lâu, ngắm bọn tôi đang hý hoáy vẽ rồi lững thững đi vào đứng bên cạnh tôi. Lê Mỹ lễ phép đứng dậy "Chào Cục trưởng".

- Các cháu dậy làm việc sớm quá. Trách nhiệm và chăm chỉ là tốt, song cũng phải có phương pháp và biết giữ gìn sức khoẻ. "Con mèo hen này" liệu trụ được bao nhiêu năm?

Ông vỗ nhẹ vào vai tôi với tình cảm thương yêu của bậc cha chú rồi chậm rãi nói tiếp:

- Các cháu nên xuống thực địa khảo sát, tư duy rồi hãy vẽ. Chắc chắn trực quan sinh động sẽ giúp tránh được nhiều sai sót. Hơn nữa, thời gian gấp lắm rồi. Chú đã hứa với tư lệnh sẽ hoàn thành công tình trạm thuỷ điện trước mùa mưa. Như vậy chỉ còn ba tháng. Thường vụ đã quyết định: Lê Mỹ giai đoạn đầu khoảng một tháng cùng với xưởng trưởng tổ chức triển khai lên kế hoạch thực thi. Sau đó rút về cơ quan. Trình Sen xuống theo dõi. Tổng chỉ huy lúc này là Văn Thuần xưởng trưởng. Còn "Con mèo hen" 9 giờ lên phòng Chính trị nhận quyết định chức Trưởng ban kỹ thuật C36...

***

 

Hai anh em tôi cứ dọc theo bờ sông mà bước, bất chấp đoạn đường lởm chởm, thác ghềnh. Chúng tôi khảo sát thực địa Sông Tang, đoạn thuộc huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi để có cơ sở đánh giá lưu lượng dòng chảy. Một ngày trèo đèo lội suối, nhá nhem tối mới đến được C36. Đêm hôm ấy, hai chúng tôi ngủ như chết, mãi đến tám giờ sáng hôm sau mới dậy, đúng vào lúc chứng kiến cảnh đau lòng. Anh em dìu Kim Chi bị thương ở tay phải về xưởng (Lúc 8 giờ đêm qua khi anh em đang gùi dầu máy vượt qua ngã ba căn cứ Giáo Vụt gặp địch phục kích...).  Quân y đơn vị sơ cứu, rồi nhanh chóng cáng Kim Chi đi viện. Chi bị thương, cả đơn vị xôn xao. Tôi cũng mủi lòng vì hoàn cảnh Chi cũng tương tự mình. Anh Mỹ đứng thừ người ra, không nói không rằng, lấy khăn chấm nước mắt. Lại một lần nữa,  áp lực phải hoàn thành công trình trạm thuỷ điện càng sớm càng tốt để  đồng đội khỏi đổ máu như cảnh tượng sáng nay mắt thấy, tai nghe đè nặng lên chúng tôi.

 Đảng Uỷ Cục họp khẩn cấp. Anh Mỹ phổ biến chỉ thị của Cục trưởng. Riêng tôi là "nhân sỹ" nên không được tham dự. Nghĩ mà buồn! Tủi thân quá! Anh Lê Mỹ và các anh trong ban chỉ huy xưởng cũng cảm thông với tâm trạng của tôi lúc bấy giờ. Suốt đêm tôi không ngủ được, tự hỏi tại sao mình phấn đấu như thế mà không được tin cậy? Chả lẽ chỉ vì mình vướng lý lịch có ông chú ruột bị tình nghi theo địch, bị cách mạng trừ khử lần cuối năm 1953. Ờ thì cứ cho là chú tôi theo địch, nhưng ông chú ấy tôi chưa một lần biết mặt. Càng nghĩ càng đau lòng. Ngoài trời tiếng dế vẫn nỉ non. Gió thổi xào xạc trong mấy khóm lau lách ở đầu nhà. Ngoài sân vài chiếc lá bàng khô khẽ khàng rơi xuống. Không gian yên tĩnh. Mọi âm thanh đều dội vào đầu óc tôi. Bất giác, tôi ôm mặt khóc. Đây là lần thứ hai tôi rơi nước mắt kể từ khi vào chiến trường. Lần đầu là khi tôi chứng kiến anh bạn đồng hương đang ngủ trên võng bên cạnh tôi bỗng bị núi lở chôn vùi trong lúc mưa giông như trút nước... Ngồi viết điếu văn cho anh mà nước mắt tôi giàn giụa ướt nhòa trang giấy. Đó là dấu ấn không bao giờ phai trong tâm hồn tôi những năm đầu thử thách tại chiến trường Khu 5.

  Anh Lê Mỹ và tôi mấy hôm nay cứ trăn trở suy tư về việc chọn điểm đặt trạm thuỷ điện. Về cảm tính thì vị trí ấy là tương đối lý tưởng, bởi dòng nước chảy khá mạnh, độ cao cột nước dẫn vào tuabin cho phép, hơn nữa dòng sông thắt lại còn rộng10m, nên đắp đập tràn cũng không tốn nhiều công sức. Điều mà tôi ưng ý nhất là có một dải đá vừa ngầm vừa mấp mô nhô lên chạy suốt chiều ngang dòng sông, tạo ra thế vững chắc cho con đập vào mùa mưa lũ. Nhưng liệu mùa khô có đủ công suất không? Vì vậy phải tính toán thật cẩn thận. Đêm qua Lê Mỹ không ngủ. Anh một mình ngồi trầm tư với ngọn đèn dầu không bóng mờ mờ... Tôi nằm trên võng vờ ngủ, thực tình tôi cũng đang trong tâm trạng như tâm trạng của anh... Tôi mong cho trời mau sáng để khảo sát lại thực địa.

  - Tấn Quang này, cậu có nhớ công suất dòng chảy tính như thế nào không? Nghe nói khóa 10 thời gian đào tạo 5 năm được trang bị thêm phần thủy lực học.

- Vào chiến trường, sốt rét triền miên, chữ thầy trả hết cho thầy rồi anh ạ.

Nói vậy thôi, tôi vẫn còn nhớ những nội dung cơ bản. Vì thời đi học, tôi thi môn này được 4 theo thang điểm 5 của Liên Xô.

  - Anh ạ, công suất dòng chảy bằng lưu lượng nước nhân với độ cao cột nước, nhân với gia tốc trọng trường, rồi nhân tiếp với hệ số công suất. Lưu lượng dòng chảy là lượng nước chảy trong một đơn vị thời gian qua tiết diện cắt ngang dòng sông. Tôi đang "nổ" thì Lê Mỹ cắt ngang:

  - Thôi tao hiểu rồi.

Anh tư duy một lát rồi nói tiếp "Tổng quát công suất là: P= 0.3 * 9.81 * V * S * h. Những đại lượng này hoàn toàn đo được. Còn hệ số công suất lấy khiêm tốn là 0,3 vì tổn hao nhiều".

  Tôi biết mà, anh Mỹ trước đây học giỏi có tiếng ở khóa ba. Anh hỏi tôi chẳng qua có ý lường khả năng của "đội bạn" để dễ bề thống nhất cách tính toán.

  Anh Mỹ quần đùi rộng thùng thình, chân ống đồng, đầu gối củ lạc, ba mươi sáu dẻ xương sườn phô ra, lêu nghêu lội trước. Còn tôi thân hình cũng đồng dạng, lội bì bõm phía sau. Chúng tôi đo độ sâu của dòng nước bằng phương pháp chia đều chiều ngang dòng sông thành10 phần bằng nhau, rồi lấy trung bình cộng độ sâu, từ đó suy ra diện tích tiết diện cắt ngang dòng chảy. Đến đoạn giữa sông, bỗng anh kêu lên” "Con rắn to lắm mày ơi! Nó nằm dưới chân .Đuôi nó quấn vào chân tao". Vừa nói anh vừa thở hổn hển, dùng hết sức ấn đầu con rắn xuống. Nó ở cái thế mắc kẹt vào khe đá nên không quay đầu lại cắn được. Cứ như thế chân anh Mỹ cũng bị kẹt giữa khe đá. Khoảng 20 phút sau, đuôi con rắn không cựa quậy được nữa. Anh cười ha hả "Phen này xem mày có thua ông không". Tôi lặn xuống sờ đuôi con rắn thấy nó to và ngắn. Có lẽ là cá chình? Để chắc ăn, tôi lặn một hơi dài, dùng dao găm sắc cắt đứt ngang thân con vật. Lê Mỹ nhắm mắt lại, cố sức kéo chân ra. Còn tôi cũng lôi được đầu con cá chình lên. Tuy rất đau nhưng anh Mỹ vẫn cố gắng đo tiếp đoạn sông còn lại và tính được tiết diện cắt ngang của dòng chảy là 9 mét vuông.

  Tôi dìu Lê Mỹ về trạm xá băng bó thuốc men. Mặt anh nhợt nhạt do mất máu, lại ngâm trong nước hơn hai giờ đồng hồ. Một lát sau anh ngủ thiếp đi trên võng. Gần12 giờ, cô Cúc bưng cháo lên. Ôi! Nồi cháo cá chình sao mà thơm ngon dậy mùi lạ lùng. Thèm quá tôi nuốt nước bọt. Cúc đấm vào lưng tôi thùm thụp "Anh Tấn Quang không có phần đâu nhé, đến xưởng trưởng cũng còn "nghỉ khoẻ" huống chi Trưởng ban như anh. Tôi ngây thơ, tưởng thật, mặt buồn thiu bước ra. Cúc lại càng được thể "Thôi mời anh xuống bếp, em đã dành cho anh suất ăn, lại còn tăng cường thêm một cái bánh bao nhân đậu đỏ". Rồi cô ta cười như nắc nẻ không thấy trời đâu đất đâu, chả là vừa rồi bị ong chích béo híp mắt lại. Biết mình đùa hơi quá, Cúc chạy theo kéo áo tôi xềnh xệch. "Người đâu mà thật thà quá. Ba "con mèo hen" như anh cũng không ăn hết cháo. Em mới làm một nửa, phần còn lại tối nấu canh chua. Em biết các anh khoái khẩu món này mà". Lê Mỹ ăn hết tô cháo đầy rồi làm một giấc ngon đến 6 giờ chiều. 

   Sáng hôm sau, tôi và anh Văn Thuần xưởng trưởng trực tiếp đo vận tốc dòng chảy bằng phương pháp thả bóng trôi theo nước, độ dài 40m, rồi dùng đồng hồ bấm giây, làm 10 lần, lấy trung bình cộng. Anh Văn Thuần trách nhiệm cao, cái gì cũng muốn xông vào làm. Tôi biết không phải anh ta không tin mình, mà muốn chia sẻ một phần sự vất vả của cấp dưới. Lê Mỹ tập tễnh cố gượng ra bờ sông xem chúng tôi làm.

  - Tấn Quang ơi! Vận tốc là bao nhiêu?

  - 1,8 mét/ giây anh ạ!

 Anh reo lên "tốt lắm, tốt lắm!".

   Chiều tối về, tôi có cảm giác Lê Mỹ đã giải toả được nỗi lo, bởi sau khi tính toán thì sông suất của dòng chảy quá thừa thãi để chạy máy phát điện 16KW mục tiêu do anh đề ra. Rồi anh lấy ghi ta nghêu ngao hát bài "Nổi lửa lên em". Tôi cũng ngẫu hứng hát theo. Cái giọng khè khè của "con mèo hen" khi được ghi ta đẩy lên cũng không đến nỗi tệ. Lán bên cạnh, mấy cô nuôi quân chạy sang hát theo, tạo thành bè đặc sắc. Không khí trở lên náo nhiệt. Thú vị là xưởng trưởng Thuần cũng chạy sang nhảy vào cuộc. Thế là hai con gà của ban chỉ huy bị chết oan. Anh Thuần quyết định "Nuôi quân nổi lửa lên, nấu cháo gà"...

   Anh Lê Mỹ có điện của thượng cấp gọi về cơ quan nhận nhiệm vụ. Toàn bộ công việc bàn giao cho anh Văn Thuần tổng chỉ huy. Anh Thuần phân công anh Dần xưởng phó chỉ đạo đắp đập tràn, nổ mìn phá đá tạo ra buồng chứa tua-bin. Còn tôi hoàn chỉnh bản vẽ, chỉ đạo gia công lắp đặt, chạy thử…

   Tôi và Lê Mỹ cũng trăn trở là cánh của tua-bin thiết kế như thế nào, kích thước, độ cong, độ nghiêng... vì không có tài liệu. Bây giờ chúng tôi đã ở thế  "lỡ leo lên lưng cọp"... Tối hôm ấy anh Mỹ không ngủ được, khoảng hai giờ sáng anh đánh thức tôi "Tấn Quang này, có lẽ phải thử nghiệm nhiều lần để xác định kích thước, độ cong, độ nghiêng của cánh. Do đó phải chạy đua với thời gian. Cậu chuẩn bị vài phương án, rồi hội thảo. Phương châm "Ba anh nông dân bằng một Gia Cát Lượng". Cứ vững tin "ngồi trên mình hổ" mà điều khiển nó. Tình hình thế nào thường xuyên liên lạc với mình".

   Tôi ngày đêm suy nghĩ về kết cấu cánh tua-bin và chuẩn bị hai phương án. Trước mắt xem lại bản vẽ cơ khí như: trục, vòng đệm, bạc, puly, gối đỡ v.v. Trên cơ sở bản phác thảo của kỹ sư Lê Mỹ, tôi và Đức Tín hoàn chỉnh thành bản vẽ chính thức để gia công. Sau một tuần cơ bản xong việc vẽ vời. Riêng bản vẽ cánh tua-bin chưa ghi kích thước được.

  Anh Dần trực tiếp chỉ đạo một trung đội tổ chức đắp đập tràn và nổ mìn phá đá tạo thành buồng tua-bin. Công việc này vô cùng vất vả và phức tạp, nguy hiểm, đòi hỏi phải có tính kỷ luật cao. Sau một tháng, chúng tôi cơ bản hoàn thành công việc. Các anh có sáng kiến dùng giây kẽm gai đan thành rọ lớn chứa đá, xếp thành hàng ngang, nhiều hàng, nhiều lớp buộc liên kết lại thành một khối. Trên cùng và mặt trước đập trải hai lớp tăng nilon Trung Quốc dán lại cho nước tràn qua. Để đảm bảo sự vững chắc của đập khi tới mùa nước lũ, anhThuần cho anh em dùng dây cáp Mỹ néo chặt đập vào các khối đá nhô lên...

   Buồng tua-bin có đường kính 2.0m, trong ghép ván gỗ dày hai phân, độ sâu 1.8m. Để chắc ăn, tôi đề nghị anhThuần cho anh em tiếp tục nổ bộc phá thêm độ sâu 0.3m nữa.

   Giai đoạn cuối cùng là lắp ráp và chạy thử. Trầy trật hai lần hội thảo thay đổi hình dáng, kích thước cánh tua-bin sau mỗi lần chạy thử mới đạt yêu cầu. Hôm đấu điện có tải, hồi hộp lạ thường, máy đang chạy, đột nhiên "phành"một cái rồi dừng lại. Tất cả hy vọng tiêu tan. Ai nấy buồn tiu nghỉu. Hoá ra dây cô-roa điều chỉnh căng quá bị đứt. Thử lại lần thứ hai thì ok! Tiếng máy phát điện giòn tan, hòa cùng tiếng máy tiện, phay, bào, khoan...và tiếng reo hò làm cho không khí xưởng máy càng thêm nóng bỏng...

***

 

Buổi tối, trăng rằm đẹp lung linh. Gió nhẹ đưa mấy giỏ phong lan trước hiên nhà ban chỉ huy. Tôi và anh Thuần rủ nhau ra bờ sông dạo mát. Có lẽ anh Thuần ít có dịp sảng khoái, thanh thản như hôm nay. Anh rất vui bởi trạm thủy điện đã thành công. Từ nay điện sẽ mang lại niềm vui, hết cảnh công nhân vẹo sườn quay máy tiện, quạt các bễ rèn...Và không còn cảnh đau lòng vì đổ máu như trước đây... Chúng tôi dừng lại ngắm đập tràn. Ôi đẹp quá! Mặt sông lững lờ, lăn tăn gợn sóng. Ánh trăng như trải lên dòng sông sắc màu huyền ảo. Đàn cá tung tăng lượn sát đập. Thỉnh thoảng vài con theo dòng nước trườn qua đập, phơi mình trắng lấp lánh dưới trăng. Anh Thuần cười nói: Tấn Quang này, ta đã có một cái hồ chứa cá, nguồn cá thiên nhiên vô tận. Rồi anh ngẫu hứng đọc bốn câu thơ thất ngôn tứ tuyệt. Tôi chỉ "thêm mắm dặm muối" để rõ tứ thơ:

"Trăng vàng, cá lượn đẹp lung linh

Xưởng máy reo vui nặng nghĩa tình

Điện sáng, ca ba tăng sản lượng

Lựu, mìn... xuất xưởng đón bình minh"...

Vài ngày sau, anh Thuần thêm hai khổ nữa thành bài thơ hoàn chỉnh mười hai câu, có tựa đề "Điện sáng núi rừng".

Hôm cắt băng khánh thành, anh Thuần cho chuẩn bị khá chu đáo, có trang trí, tập văn nghệ, tăng cường vật chất… Cục điện xuống chi viện cho 50 kg thịt hộp Trung Quốc. Già làng ủng hộ hai con heo rừng. Lại còn niềm vui bất ngờ, anh em vệ binh bắn được con nai rừng khoảng 100kg. Như vậy vật chất quá thừa thãi, không phải mổ heo của đơn vị.

Cục trưởng xuống dự cắt băng khánh thành. Chiều lễ mừng công. Tối liên hoan văn nghệ. Trưởng phòng chính trị đọc điện chúc mừng của tư lệnh trưởng quân khu đối với cán bộ chiến sỹ công nhân viên trong toàn xưởng và quyết định khen thưởng của Cục trưởng. Các anh Lê Mỹ, Văn Thuần và tôi được tặng bằng khen, một số anh em khác được tặng giấy khen.

Vui nhất là tối liên hoan văn nghệ, toàn đơn vị điện sáng trưng, sáng cả một góc rừng. Già làng nheo mắt cười nói với Cục trưởng "Bộ đội Cụ Hồ giỏi thật. Nó bắt dòng sông này phải sáng lên, từ xưa đến nay chẳng ai làm được"... Bản làng, già, trẻ, trai gái đều được mời đến dự, ưu tiên ngồi mấy hàng đầu. Đội văn nghệ nghiệp dư của đơn vị có nhiều tiết mục tự biên tự diễn khá đặc sắc. Tiết mục được nhiều người chú ý nhất là ngâm thơ bài "Điện sáng núi rừng" do em gái Vân Kiều thực hiện. Giọng em trong trẻo dễ thương, hoà với tiếng sáo véo von du dương trầm bổng…

Những ngày ở bên bờ SôngTang - Trà Bồng - Quảng Ngãi đã để lại cho tôi biết bao kỷ niệm vui buồn. Nó khắc sâu vào miền ký ức, nơi mà bụi thời gian không thể làm cho hoen mờ…

N.Q.T

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​