Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
VỢ CHỒNG HÒ HẸN


Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Nhàn

(Nguồn: VNĐN số 14 – tháng 07 & 08 năm 2016)

 

 

Vo chong ho hen.jpg
Minh hoạ: Phạm Minh Hải

 

Đêm nào cũng vậy, chớm đến canh tư, gà cất tiếng gáy đầu tiên, vợ chồng Hò Hẹn lại chửi nhau vỡ làng vỡ xóm.

Người làng Yên quen thức khuya dậy sớm không oán trách họ mà nhờ có tiếng chửi nhau ấy mọi người mới tỉnh ngủ để lớn thì dậy xay giã, lo bếp núc, trẻ con học bài, ông già bà lão nghe chửi hay như hát vui tai mà đỡ nằm chong mắt nghĩ vẩn vơ đau người.

Một lần vợ Hò thức dậy, nói:

- Chết quên, cái chổi xể quét xong bỏ ngoài sân dính mưa rồi.

Hò ngái ngủ, bực tức nói:

- Bố mày chết hay sao mà bỏ chổi dầm mưa dãi nắng?

Chị vợ bị chạm nọc, nói:

- Ừ bố người ta đang chết đấy. Vì vô phúc mới chết trẻ.

- À, ra mày rủa bố ông chết trẻ chứ gì? Mẹ thằng tiên sư nhà mày!

- Cứ chửi ai vô phúc thì nghe.

Đời ông cha Hò cũng hay chửi vợ. Các bà vợ ngày ấy phải nín nhịn nhưng thời nay con giun giẵm mãi cũng quằn, vợ Hò không chịu nữa, lúc đầu còn cãi chồng về sau thì chửi lại, chửi ngoen ngoét cho sướng mồm rồi xuống bếp nấu cơm. Mờ sáng chị ta bảo con gái:

- Hẹn, con bảo mọi người ăn cơm để đi làm kẻo để ruộng mất lấm lại bỏ hoang.

 

 

Vì công việc nhà nông đầu tắt mặt tối nên vợ chồng nhà Hò Hẹn lại cùng nhau ra đồng để người bừa, người vơ cỏ nhụt dong. Vì nhà dưới moi móc, làm bé đi bờ vỡ hở ra mà cua, nước theo đó mà chảy mất, vợ Hò cãi nhau rồi chửi nhau với con mẹ người làng. Hò bênh vợ định đánh vợ chồng nhà kia. Chiều ấy về, quên hết chuyện chửi nhau lúc gà gáy, vợ chồng đều cười nói chuyện trò vui vẻ vì cả hai được chửi nhà kia một trận đã đời. Ông cụ hàng xóm cười hỏi:

- Đêm qua vợ chồng nhà bác om sòm, hết giận nhau rồi à?

Hò cười nói phớ lớ:

- Thì các cụ vẫn dạy chúng con phải "chín bỏ làm mười" đấy thôi.

Tối ấy họ lại hú hí cùng nhau. Gà gáy canh tư, vợ Hò lại bật thức gọi:

- Hẹn ơi Hẹn, mày có cất hộ mẹ con dao ở ngoài vườn không?

Con bé bị ngái ngủ nói:

- Con không biết.

Bị thức giấc Hò quen mồm chửi:

- Làm đâu bỏ đấy, mẹ tiên sư chúng mày, đồ động đĩ thối thây!

- Nhà tôi động đĩ đã bị đeo mo dẫn đi cảnh cáo bêu quanh làng, không cần quân nào phải nhắc.

Chị gái Hò từng bị làng dẫn đi cảnh cáo về tội hủ hóa nên câu nói của vợ còn đau hơn chửi mình, nhất là bị vợ gọi mình là "quân" này "quân" nọ nên mới vùng ngay dậy, chửi:

- Mẹ bố cả họ nhà mày dám xỏ lá ông!

Vợ Hò đã xuống đốt đèn, nhóm bếp còn nói:

- Đứa nào chửi thì tự nghe, tao đếch thèm nghe.

- Ra mày dám xưng "tao" với ông à? Mày bảo ai là "đứa". Mẹ bố tiên nhân nhà mày!

Mờ sáng vợ chồng cái con lại cùng ngồi quanh mâm cơm. Ăn xong Hò bảo vợ, nhưng trót chửi rồi nên phải nói vu vơ:

- Tao đi tháo nước vào ruộng cấy. Ruộng cà chua phải cắm thêm dèo đấy.

Trưa về vợ Hò nói:

- Đúng là nhà Phúc Đức nhổ trộm dèo nhà mình cắm sang ruộng cà nhà nó. Thế mà mình nói, nó còn chửi lại.

Hò liền vung chân vung tay.

- Để tao ra xem, đúng thế thì đập vỡ mặt nó ra!

Lúc về ăn cơm cùng vợ con, Hò khoe:

- Tao đã có mẹo khắc dấu vào cây dèo nên nhà Phúc Đức hết đường cãi, vợ chồng nó phải quỳ xuống lạy tao mới tha.

Cái Hẹn lớn hơn không nói, cả bốn đứa em nó: Ước, Mơ, Tình, Củ đều xúm lại ôm cổ bố, nói:

- Bố mình tài thật!

- Oai nhất bố mình!

- Bố ứ được chửi mẹ cơ!

Cả nhà lại vui như tết. Ai vẫn vào việc ấy như chưa hề có sự xích mích to tiếng xảy ra. Đêm ấy cả nhà đều yên ắng trong giấc ngủ ngọt ngào.

Gà gáy canh tư Hò lại thức dậy hỏi vợ:

- Mày đã hỏi mua gà thiến góp giỗ họ chưa?

- Ai đi họp mà biết năm nay mình đến lượt phải góp ván xôi gà.

- Ba năm một lần phải làm ván, không nhẽ tao phải bảo con mẹ mày nó nhắc mày à.

- Mẹ tao không dính gì đến đây, đừng nói láo!

- À ra mày dám "mày, tao" chí tớ à. Mẹ bố tiên nhân cả họ nhà mày!

- Tài thì cứ nằm đấy sủa đi. Bà không chấp nhá!

Cuộc đấu khẩu diễn ra ác liệt hơn mọi ngày. Hò ra ngồi ngưỡng cửa quay xuống bếp mà chửi. Từ trong bếp vợ Hò vừa chửi vừa cời than cho ngọn lửa cháy bùng lên. Bóng Hò lúc tỏ lúc mờ như nhọ nồi phết lên chuồng cửa bức bàn. Vì vươn cái cổ chửi cho to nên lệch người ra sau mất đà Hò ngã bổ ngửa xuống nền nhà, hai chân gác trên ngưỡng cửa. Hò lật người gượng dậy mò lấy cái điếu cày đập lấy đập để vào ngưỡng cửa. Vừa đập vừa chửi ngưỡng cửa như nó là nguyên nhân làm mình ngã.

Sáng ra thấy mảnh điếu vỡ và sái thuốc, nước điếu nhoe nhoét nền gạch, vợ Hò liền sai bảo lũ con:

- Chúng mày ơi, ra mà dọn điếu đóm cho bố mày đi.

Tức thì ba bốn đứa cùng đến. Đứa lau ngưỡng cửa, đứa nhặt mảnh điếu vỡ, đứa lau nền nhà.

Vợ Hò nói:

- To mồm vô ý thì ngã, chứ tội tình gì cái ngưỡng cửa mà đánh nó. Người có người!

- Nhưng ai bảo nó để tao ngã đau.

Thế là mọi chuyện lại qua đi như chẳng hề cãi cọ chửi bới nhau. Hò chỉ to mồm chửi chứ không hề đánh vợ vì anh ta biết đánh nhau nhỡ tay vào chỗ phạm phải đi cấp cứu tốn tiền, có khi còn bị xử phạt. Đánh nhau bỏ bê công việc sẽ thiệt hạt kinh tế gia đình. Vì thế họ chỉ chửi nhau. Chửi mãi thành quen, cho đỡ tức và đỡ ngứa mồm chứ không hận thù gì. Đôi khi chỉ vì sĩ diện mà họ chửi nhau để hàng xóm thấy mình không phải hạng người kém cỏi. Họ chửi nhau nhưng không quay lưng vào nhau. Vì ngủ chung mãi quen hơi họ không thể nằm xa nhau. Con cái đứa nào cai sữa là tách ra cho ngủ riêng, đứa bé ngủ với đứa lớn ở buồng bên. Những đứa choai choai ngủ lăn lóc ở ba gian nhà ngoài và vì vậy vợ chồng họ vẫn đẻ sòn sòn ba năm một. Mới đây chị vợ lại són ra thêm đứa con gái đặt tên là Mỵ để tên bố tên con được nối dài theo vần: Hò - Hẹn - Ước - Mơ - Tình - Củ - Mộng - Mỵ.

Vợ Hò luôn bị chi hội phụ nữ đưa ra phê bình về việc vợ chồng chửi nhau gây mất trật tự địa phương. Một lần Hò bảo vợ:

- Hôm nay họ phê bình thì mày cứ bảo "đi mà phê bình kiểm điểm những nhà có con cờ bạc nghiện hút, trộm cắp ấy".

Một hôm vợ chồng Hò Hẹn dẫn nhau sang bà vãi góp giỗ gặp đúng lúc tổ hòa giải thôn đang khuyên nhủ một cặp vợ chồng rút đơn ly hôn. Vợ chồng nhà ấy ai cũng khen sống thuận hòa, đi đâu cũng sóng đôi như chim bồ câu thế mà chỉ một lần quá lời với nhau đã để bụng chấp nhặt dẫn đến mâu thuẫn đòi ly hôn. Thấy vợ chồng nhà ấy cứ đây đẩy không chịu nghe lời khuyên nhủ của tổ hòa giải, mặc dù không phận sự nhưng vì ngứa mồm Hò nói:

- Thôi thôi ông bà ơi, bỏ nhau làng cười cho. Đến bằng làng ta với làng bên xưa đánh nhau chí chết, giờ cũng lại bắt tay nhau đấy thôi.

Vợ Hò cũng nói:

- Ai cũng như ông bà thì cả làng này bỏ nhau hết. Vợ chồng nhà tôi cũng phải bỏ nhau hàng nghìn lần rồi. Thôi thôi rút đơn đi kẻo thối thối.

Mọi người cười xòa. Không ngờ do ngứa mồm nói leo mà ý kiến của họ lại có tác động tích cực nhất ở cuộc hòa giải ấy.

Một lần Hò có việc đi xa phải ngủ qua đêm. Riêng đêm ấy vợ chồng họ không chửi nhau. Nhưng lũ trẻ vì thế mà mất ngủ lại chọ choẹ nhau. Nếu có bố ở nhà một phần vì sợ bố không dám chửi nhau, một phần vì hẫng hụt thiếu vắng tiếng chửi mắng của bố mẹ đã quen thuộc như tiếng hát văng vẳng bên tai ru chúng ngủ sâu hơn. Cũng một phần vì nóng đứa nọ đạp đứa kia nằm xa nên chúng chửi, chúng khóc ầm ĩ làm mẹ chúng phải cầm roi vạch màn phết vào đít mỗi đứa vài cái và doạ:

- Không ngủ đi, mai bố chúng mày về nọc đánh cho mỗi đứa một trận.

Bị mẹ đánh, chúng vẫn chửi nhau. Kết cục vợ Hò phải chửi to như mọi tối chửi nhau với chồng, tụi trẻ mới bùi tai ngủ tiếp cho.

Một hôm thức dậy đáng lẽ quen mồm phải chửi vợ trước nhưng lần này Hò chỉ khẽ nói:

- Tao phải bí mật đi đổ nắn kẻo nhỡ sáng ra có người thấy thì chết. Đơm nắn mất nước ruộng họ biết phạt tiền bỏ mẹ.

Vợ Hò nói:

- Nhưng chẳng thấy vợ chồng mình chửi nhau người ta sẽ nghi bố mày vắng nhà chứ.

Hò chợt nghĩ ra, đi lấy cái đài cát xét hai cửa băng đến giường rồi bảo vợ:

- Tao chửi mày mấy câu rồi ghi âm lại. Mày ở nhà thỉnh thoảng mở máy để dân làng ngỡ tao đang chửi mày.

Chồng đi rồi vợ Hò chốc chốc ở dưới bếp chạy lên buồng mở máy ghi âm rồi lại từ buồng xuống bếp ra rả chửi như chửi vào mặt chồng. Từ đó vợ chồng họ có mẹo mở máy ghi âm chửi nhau để đánh lừa dân làng những hôm họ không thể ở nhà để chửi nhau.

Một đêm gà gáy chán chê vẫn không thấy chồng cựa quậy. Vợ Hò sờ lên trán chồng thấy lạnh liền vỗ vỗ gọi:

- Bố Thẽm ơi, bố Thẽm!

Hò chỉ ú ớ. Vợ Hò ngồi bật dậy lắp bắp gọi không ra tiếng:

- Chúng mày ơi chúng mày!... Bố... Bố....

Thằng Ước nhanh hơn dậy bật điện rồi chạy vào buồng, hỏi:

- Bố sao hả mẹ?

- Ối giời ôi, gọi gọi...

Lũ trẻ mắt nhắm mắt mở chạy vào buồng. Có đứa vấp ngưỡng cửa ngã dúi dụi nếu không nhờ có một đàn một lũ anh chị em đứng chắn nó đã ngã đâm đầu xuống nền gạch. Cái Hẹn sờ vào trán bố, gọi, rồi kêu lên:

- Ối trời ôi, bố thế nào rồi!

Thằng Ước giục thằng Tình và con Mộng ra trạm xá đón bác sĩ, rồi nó giục cái Hẹn chị nó lấy dầu "Con Hổ" xoa cho người bố nóng lên.

Mẹ nó run lập cập vừa ôm lấy hai chân chồng vừa kêu:

- Ối anh Hò ơi là anh Hò, anh mà chết đi thì mẹ con tôi sống với ai bây giờ?

Thằng Ước nói:

- Mẹ im xem nào, bố con đã chết đâu mà kêu.

Người vợ sờ thấy hai bàn chân chồng lạnh ngắt, bất động, ngỡ chết rồi hốt hoảng kêu lên:

- Ới anh Hò ơi. Anh chết đi thì em còn đâu được nghe anh chửi như mọi ngày. Sống lại đi anh ơi! Chửi em đi anh ơi là anh ơi!

Thế rồi bác sĩ xã đến. Anh ta bắt mạch, đo huyết áp cho người bệnh rồi nói:

- Yên tâm, tiêm cho mấy ống thuốc nâng huyết áp lên là ổn thôi.

Quả nhiên sau tiêm thuốc không lâu huyết áp người bệnh đã nâng lên, chân tay nóng trở lại rồi tỉnh táo dần. Tuy thế Hò bị dăm ngày không còn hơi sức chửi vợ. Từ đêm thứ sáu trở đi do sức khỏe bình phục Hò lại quen mồm chửi vợ vào lúc gà gáy canh tư. Chửi nhau như đã trở thành cơm ăn nước uống không thể thiếu của họ. Lúc đầu còn là những câu chửi cộc lốc. Về sau họ chửi có vần có vè như nghệ nhân ứng tác nghệ thuật vậy. Họ chửi nhau cho đỡ ngứa mồm và thay tập thể dục buổi sáng. Đàn con vì thế mà nem nép ít lời. Đứa nào cũng cần mẫn siêng năng. Người nhà quê lấy vợ cốt có người làm và sinh con đẻ cái. Những đứa con gái lớn nhà Hò Hẹn đều hiền lành ít nói chăm làm lại có dáng mắn đẻ nên mới lớn dậy đã có người rước về làm dâu. Những đứa còn trai vì xấu hổ với bạn bè nên ít chơi bời, đến lớp chỉ chúi vào học hành nên đứa nào cũng học giỏi được thầy yêu nhà trường khen. Thế là đàn con nhà ấy lớn lên đứa thì đi lấy chồng, đứa vào đại học cao đẳng. Chúng chỉ buồn một nỗi bố mẹ mình vẫn chửi nhau rất mang tiếng với dân làng. Một hôm cái Hẹn bế con về chơi nhà ngoại, nó cằn nhằn bố mẹ:

- Ông bà vãi có cháu ngoại rồi, đừng chửi nhau như trước nữa. Riêng nhà ta không được cấp bằng "Gia đình văn hóa", con xấu hổ lắm.

- Bằng bằng cái mách qué. Thử hỏi làng này có nhà ai đông con học đại học như nhà mình không? Để con gái ế chồng thì văn hóa mả mẹ gì nhà chúng nó.

Phải đợi đến một ngày kia thằng Ước đỗ loại ưu hai bằng đại học được một công ty tư bản nước ngoài tuyển vào làm với mức lương hơn chục triệu đồng một tháng; thằng Tình cũng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp về môn cơ khí nông cụ được thằng anh cấp vốn về làng mở xưởng thuê 20 thợ sản xuất nông cụ và sửa chữa các loại máy móc cho nông dân. Thằng em nó học Cao đẳng Sư phạm đưa bạn gái về nhà ngủ nhờ trong thời gian mấy tháng thực tập ở trường làng. Nó bảo thằng anh:

- Bạn gái đến ở nhà mình mà bố mẹ đêm đêm chửi nhau em xấu hổ lắm.

Thằng Tình liền về nhà nói với bố:

- Sấp này xưởng của con lắm việc phải làm ba ca mới kịp trả hàng cho khách. Con sẽ thức làm đến hai giờ sáng. Sau đó bố phải ra trông coi hộ cho con ngủ lấy mấy tiếng.

Bố nó nói:

- Nhưng tao ngủ với mẹ mày quen rồi. Đêm hôm nhỡ tao bị gió máy mẹ mày còn biết mà gọi.

Mấy đứa nhỏ đều nhao nhao:

- Hôm nào tầm ấy bố cũng dậy chửi nhau với mẹ con. Bố đừng chửi nữa ra xưởng trông coi hộ anh Tình có hơn không?

- Ông ra xưởng, ở nhà tôi mở máy ghi âm thì làng vẫn ngỡ chửi nhau thật, lo gì.

Lão Hò nghĩ ngợi cười "hớ" một tiếng, nói:

- Đi làm ăn chứ có đi làm bậy đâu mà sợ làng nghi. Được, tao sẽ đi.

- Hoan hô bố!

- Hoan hô bố!

Từ hôm ấy, cứ gà gáy lão Hò lại thức dậy soi đèn pin ra trông coi xưởng cơ khí của nhà mình. Làng Yên từ ấy vắng tiếng cãi chửi nhau nhưng thay vào đó là tiếng máy râm ran hòa trong tiếng gà gáy sáng và tiếng cười nói vui vẻ của mọi người. Đó là không khí làng Yên ở thời buổi chớm hòa nhập với cộng đồng thế giới để thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

N.H.N

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​