Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
THƯ GỬI ANH CU QUYÊN


Truyện ngắn của Trâm Oanh

(Nguồn: VNĐN số 17 - tháng 01 & 02 năm 2017)

 

Thư gửi anh cu Quên - Hoàng Vũ Hoài.jpg
Minh họa: Hoàng Vũ Hoài

Con Giang rình lúc cả nhà thằng Khôi Nguyên đi vắng lén cài miếng giấy vào chốt cổng. Mảnh giấy học trò con con ghi có mấy chữ cũng đủ làm con nhỏ run bắn hết cả người. Sợ lối xóm biết, mắc cỡ chết đi được vì miếng giấy kia có một câu chuyện liên quan đến anh Tí Tiền, mà xóm này ai chẳng biết con Giang khoái thằng Tí Tiền.

Cài xong rồi, vẫn chưa yên tâm, lại đi ra đi vô. Sợ miếng giấy rớt. Sợ mấy đứa khác nó lấy nghịch, chuyện lộ ra là xong. Vậy nên con nhỏ giả bộ cầm sách ra vừa đọc vừa chơi gần gần để bảo vệ cái bí mật của mình.

Miếng giấy là một nửa tờ giấy bốn ô ly của học trò nham nhở vết xé. Nét chữ mềm mền, run run ghi: “Thư gửi anh cu Quyên! Em xin anh một chữ ký để đưa vô bộ sưu tập 15 chữ ký kêu gọi ba anh Tí Tiền về với ảnh Tết này”. Kèm với miếng giấy viết run run là một danh sách mười lăm đứa nhóc, đứng đầu là anh cu Quyên, lớn nhất học lớp 5, nhì là thằng Bớp, lớp 4, bé nhất là thằng Tí Đô, ẵm ngửa, toàn là lũ lít nhít như trứng gà trứng vịt trong xóm. Thư không ký tên người gửi nhưng chỗ tên con Giang đã có một chữ ký nguyệch ngoạc và ngoằn ngoèo như con rạch.

Mười một giờ thì người nhận thư về tới. Anh này tên Khôi Nguyên nhưng người lớn trong xóm vừa méo miệng vừa kêu tên thành ra trẻ con cả xóm cứ nghĩ anh là cu Quyên. Lúc thấy anh cu Quyên thấp thoáng đầu hẻm là con Giang rút, chắc ăn thư tới tay người nhận rồi.

Anh Cu Quyên về, thấy miếng giấy chắc nghĩ như giấy báo tiền điện, nước nên không đọc mà cầm vô nhà, ném lên bàn ăn. Con Giang lại đến trước cổng thập thò, bụng đánh lô tô. Trong nhà chỉ thấy mẹ con anh cu Quyên hối hả chuẩn bị cơm, rồi con Giang đi học buổi chiều. Nó định bụng sưu tầm đủ mười lăm chữ ký, mấy đứa nhỏ thì cho lăn tay rồi gửi thư cho ba anh Tí Tiền (nhưng gửi đến đâu thì nó chưa nghĩ tới), làm như thế, nhất định chú ấy sẽ về. Nhưng coi chừng vụ mang ba về cho anh Tí Tiền tới đây phải gác lại.

Dân ở con hẻm này đều nghèo và thân nhau như người dân quê cùng xóm, vậy nên chuyện nhà của nhau hầu như mọi người đều rành. Ba Tí Tiền khi trước là dân quê lên làm thuê cho lò bánh mì đầu hẻm. Lúc mẹ mang bầu Tí Tiền thì ba về làm rể, rể miệng vậy thôi chứ có cưới hỏi gì. Có thêm ba về nên dân số nhà ngoại lên hai mươi bốn người. Chừng ấy người, cứ cho như sống chung trong biệt thự đi cũng đã thấy phức tạp rồi, đằng này… Quê nội ở đâu, giờ này đã lớp bốn Tí Tiền còn chưa về. Cách đây quãng hai năm, ba Tí Tiền gây lộn với gia đình ngoại một trận làm náo loạn cả lối xóm. Cũng võ miệng vậy thôi rồi thề không bao giờ về. Mà không về thật, cũng chẳng liên lạc gì, chẳng biết đi đâu. Mà Tí Tiền thì luôn nhớ ba, nhiều lúc thấy bạn bè có mẹ, có cha, Tí Tiền khóc hoài…

Đến bữa tối, thì cả nhà anh Cu Quyên mới hiểu rõ lá thư kia muốn gì. Mẹ bảo mẹ đã có ý tưởng cho vụ này. Bố đòi bỏ lá thư vào sọt rác coi như chưa biết gì, hơi đâu nhúng vào chuyện bao đồng. Cu Quyên thì theo ý mẹ nên triển khai theo đa số. Thấy mẹ qua nhà Tí Tiền trao đổi gì đó, cũng lâu lâu. Cu Quyên lúc nào cũng tin tưởng mẹ là người biết và xử lý ổn mọi việc. Nhưng vụ này thấy lo lo. Bữa trước bên nhà Tí Tiền căng lắm, người đuổi đã quyết đuổi, người đi đã quyết đi rồi, nay nói về là về đâu? Nhưng may là mọi việc ổn cả.

Ngày nghỉ, cu Quyên có nhiệm vụ tập hợp cả bọn để mẹ đạo diễn việc viết lá thư. Đứa nào nghĩ gì viết nấy, chỉ cần chú ý viết đúng chính tả, không dập xóa và đứa nọ không cần viết lặp lại ý của đứa kia thôi. Viết từ chín giờ đến mười một giờ sáng ngày chủ nhật thì xong. Trong quá trình viết có kết hợp với đồng cảm, cãi lộn, khóc mếu, bo xì nhưng tất cả đều được giải quyết. Lá thư tập thể có chín đứa đặt bút viết, vẽ và ký tên cùng hai đứa lăn tay, nội dung không dài lắm nhưng ê a thế này.

Thằng Tí Tiền viết đầu tiên. Nó cầm viết mếu máo một hồi, động viên, an ủi, lau nước mắt mãi mới bắt đầu viết. Chữ xấu như quỷ sứ, nguyệch ngoạc như cua bò nhưng bảo đảm vẫn đọc được: “Ba ơi, năm nay con học lớp 4, từ lúc có anh Hồ Đắc Thanh Chương ở Huế đạt giải nhất đường lên đỉnh Olimpia, con nghĩ con không được học dở nữa, con sẽ không học dở nữa vì con là Hồ Đắc Tiền, ba về với con liền nha ba!”. Thằng Tiền rặn được chữ nào cả bọn chụm đầu đọc rào rào chữ ấy. Xì, mày nổ, mày học dốt thí mồ mà dụ khị ba mày, mày nói mày nhớ nha Tí Tiền. Ờ nhớ chớ sao không, tụi bay chờ coi nghen! Nói cứng rồi thằng Tiền lại cúi xuống trang giấy. Viết gì nữa Tiền? Dạ con báo với ba là mẹ không uýnh bài nữa, mẹ đi làm công nhân rồi. Vụ uýnh bài làm ba mẹ con gây lộn hoài, ba con bỏ đi đó cô. Còn con thì không xin tiền ăn hàng nữa, con biết tiết kiệm và biết phơi cơm khô rồi. Xí mày lại nổ nha Tí Tiền, Tết đến mẹ mày nghỉ làm cũng quýnh bài lại hà! Thôi thôi nào, cô biết, cô biết, chuyện này gặp ba con, cô nói để thư bớt dài. Dạ, con cảm ơn cô. Rồi, đến đứa thứ hai.

Chú Tư ơi, anh Tí Tiền ngày nào cũng phơi cơm khô, ảnh xin cơm thừa của cả xóm, đi học về là chạy lòng vòng kiếm chỗ nắng phơi cơm. Mai mốt bán cơm khô, có tiền ảnh sẽ đi tìm chú. Chú về nha chú Tư! Con Giang viết chữ đẹp như múa, nội dung hay… phát khóc. Đang viết con nhỏ dừng lại, anh phơi được bao nhiêu kí-lô cơm khô rồi anh, mà bán bi nhiêu một kí-lô? Ờ thì cũng nhiều nhiều nhưng mày hỏi làm gì? Để em báo chú Tư biết anh sắp đủ tiền đi tìm chú chưa? Ơ, thằng Bớp quật lại, phơi cơm khô để lấy tiền đi tìm mà lại còn kêu chú Tư về là sao mày. Ờ ha, viết lộn rồi, viết lại. Nhưng không được dập xóa mà. Đạo diễn lại phải nhảy vô, này nha vừa đi tìm, vừa nói chú Tư về thì chú Tư càng về sớm chớ sao! Lại nhao nhao nhất trí. Con Giang thì nước mắt cũng ngân ngấn rồi. Anh giỏi, tới anh viết đi anh Bớp, tụi em viết, anh nhảy vô hoài. Ờ viết thì viết.

Nhưng mà bình thì dễ chứ viết coi bộ khó ăn à nha. Thằng Bớp học lớp 4, người bé như cái kẹo nhưng cố khuyềnh khoàng chân tay cho ra vẻ hùng dũng lắm, cầm viết, ngồi vào vị trí, xong rồi thì… cắn viết. Viết đi anh Bớp, viết đi, cho tụi em còn viết. Nhưng viết gì bi giờ. Hứ, sao nãy anh chê bé Giang giỏi vậy? Thôi nào, thôi nào, con nghĩ gì, con viết đi Bớp. Rồi, con vẽ được không cô? Quá tốt, vẽ đi Bớp. Nhưng anh Bớp chỉ biết vẽ chó với mèo thôi, anh phải vẽ khác đi nha anh. Ờ ờ, anh sẽ vẽ khác.

Thằng Bớp cầm chì ra vẻ phác thảo nhưng điệu bộ y hệt ba nó cầm cái bay xây nhà. Thằng Bớp vẽ mỗi nét lại nghe có đứa la oai oái, anh vẽ nhỏ nhỏ thôi còn dành chỗ tụi em viết thư. Hì hụi một hồi, bọn nhỏ chụm đầu nín thở theo dõi thì cũng ra một tấm hình vừa xem vừa luận nội dung như thế này: Một ngôi nhà nhỏ, có hai người chân ngắn, lưng dài, tóc lưa thưa, đoán là hai mẹ con cùng đứng ở chỗ vuông vuông, chắc là cửa. Dưới chân hai người có con chó và con mèo, xa xa ra một tí lại có người cũng chân ngắn nhưng lưng dài lại cong cong xuống, hai tay dài chạm xuống một mảnh vẽ vuông vuông có nhiều chấm chấm. Đoán ngay là hình Tí Tiền lúc phơi cơm khô. Tranh này mà dành thời gian cho tụi nó bình và ném đá thì cu Bớp khóc là chắc. Bức tranh hay qua, ý nghĩa quá. Đạo diễn chốt chặn thế lại còn phân tích những điểm ý nghĩa làm cả bọn hết ý kiến ý mèo, răm rắp khen theo. Nhưng anh Cu Bớp hình như chưa thỏa năng lực hội họa. Anh cu lý sự thằng Tí Tiền xuất hiện ở bức tranh đến 2 lần thì cần vẽ thêm hình mẹ nó ở công ty. Mà mẹ Tí Tiền ở công ty lại ngồi làm bên mẹ anh Bớp. Âm mưu lộ rõ rồi còn gì. Thôi, stop, vẽ bi nhiêu là đủ hiểu ngọn ngành rồi!

Tới anh Cu Quyên, người được con Giang gửi gắm tin tưởng đầu tiên, cũng phải viết sao cho đáng với sự tin tưởng của con nhỏ chớ, hơn nữa lại là đứa lớn nhất bọn, rồi lại con nhà báo. Nhưng mà viết gì, viết gì giờ. Chú Tư ơi, cô Mỹ và Tí Tiền nhớ chú nhiều lắm. Hồi rày Tí Tiền ít hư rồi chú ơi. Bữa cả xóm giúp sửa nhà bên chú vì mưa dột, ai cũng nhắc chú hết. Chú có ách xì không? Tụi con chơi chung hay cãi lộn nhưng mà vẫn thương nhau. Chú về với mẹ con Tí Tiền và dạy tụi con gấp đồ chơi bằng giấy nhe chú. Con chào chú. Con. Khôi Nguyên. Kèm theo là một chữ ký Nguyên dài lòng thòng coi bộ như người viết chuyên nghiệp lắm. Tạm thời phần thư này không có bàn cãi hay ném đá, chắc một phần do nể nang đạo diễn.

Con Chuồn Chuồn gần năm tuổi, chưa biết chữ, đạo diễn tính thuộc diện điểm chỉ, lăn tay nhưng nghe các anh, chị viết thư hay quá thì khăng khăng rồi giãy nảy đòi viết. Nhưng mà viết sao, viết sao đây. Mày đòi thì viết đi Chuồn Chuồn. Con nhỏ cũng buộc phải cầm viết, nước mặt nhoẹt nhòe. Rồi con Giang chữ đẹp được cử viết hộ. Ban đầu là cầm tay dạy con Chuồn Chuồn viết nhưng ngặt nỗi tay nó cứng quèo ra, con Giang bực bội nhận viết luôn. Tâm sự của con Chuồn chuồn như sau: Con méc chú Tư, anh Tí Tiền nuôi đuôi tóc dài thòng lòng, cái đầu ảnh nhìn như con nòng nọc. Chú về hớt tóc cho ảnh nha chú, nhìn kỳ thí mồ à! Hứ, con nhỏ nhiều chuyện. Tí Tiền nuôi cái mẩu tóc đuôi rùa dài do mẹ nó bắt, để van vái ba về chớ ai muốn nuôi cho vướng, bị cô giáo la hoài còn tụi bạn nó ghẹo cho. Chừng nào ba nó về thì nó cắt. Chưa hết, Chuồn Chuồn còn đòi kể chú Tư nghe chuyện bữa trước bà Hai chết nó khóc dữ lắm (lại còn cam kết chừng nào nội nó chết nó còn khóc dữ hơn nữa). Đoạn này thì đạo diễn đạo theo kiểu rồi, viết vô rồi cho xong. Con Chuồn chuồn này, đúng là con gái nhiều chuyện!

Tác giả thứ sáu là thằng Đen. Thằng này khi đến lượt thì nằng nặc đòi không viết, con coi mọi người viết thôi. Ai chẳng biết nó thuộc diện học dốt ác ôn. Nhưng mà đâu có dễ, đã chơi thì phải chơi cho tới, phải nhiều đứa viết thì mới thuyết phục được chú Tư chứ bộ. Thằng Đen mà không viết thì từ rày cả bọn sẽ bo xì, bo xì thằng Đen luôn. Áp lức quá thì đành viết. Thằng này vừa cầm viết vừa lảm nhảm: Biết vậy hồi nãy ở nhà giặt đồ thuê với má, đỡ khổ.

Thằng Đen nghĩ sao viết vậy, ngăn ngắn cũng đủ thông điệp: Tụi con nhớ chú, Tết chú về nha chú Tư! Có dấu chấm than cảm thán hẳn hoi. Bọn con gái có cảm giác hụt hẫng một tí, đại thể tụi nó nghĩ viết thư nói chú Tư về phải có nhớ nhung, phải muốn khóc gì đấy, đằng này thằng Đen viết chán phèo, chán như thằng Đen.

Ba đứa cuối, bí ý tứ lắm rồi nên trước khi viết phải nêu ý tưởng để đạo diễn biên tập lại. Đức còi than ba nó nhớ chú Tư nhiều lắm, mỗi lần nhậu lại nhắc chú goài (thằng này còn đòi viết nguyên câu chửi thề để thể hiện cho trọn vẹn niềm nhớ mong bạn nhậu của ba nó nhưng nguyên tác đã được biên tập). Chưa hết nó còn gửi lời dọa của ba nó, nếu chú Tư không về thì ba nó đón Tí Tiền sang nhà để nuôi dạy. Vụ này thì cả bọn không tin. Nhà thằng Đức bé xíu, che tạm từ phần chữ L nhà ngoại nó thiết kể để xe máy. Vậy mà nổ đòi rước thêm thằng Tiền ăn khỏe như hà mã về có nước ngày đi đào giun cho nó ăn, tối treo nó lên. Là thằng Đen tưởng tượng thế làm cả bọn được trận cười no nê, kể cả thằng Tí Tiền. Tụi nó còn biết chuyện, bình luận bảo đảm đoạn thư của thằng Đức viết tuy ngắn, chữ to như con gà mái dầu nhưng là phần nặng ký nhất, đủ sức kéo chú Tư về nếu còn chần chừ vì chú Tư và ba thằng Đức cùng làm chung lò bánh mì, kết nhau như răng với môi.

Con Nhật Hạ lớp một diễn giải mỗi khi Tí Tiền có lỗi đều bị má nó và ngoại chửi tại giống thằng cha mày nhưng ý tưởng này được biên tập lại là ngoại và má cũng nhớ và hay nhắc chú Tư. Cuối cùng là con Vy, so với bọn trước đã bớt áp lực hơn vì lũ nhóc hiếu kỳ cũng có vẻ mệt mỏi và bớt quan tâm rồi. Chỉ có cái khó là ý tứ tụi nó đã viết hết trơn. Cuối cùng thì học sinh lớp ba và cũng là Hoa khôi của xóm hẹn chú Tư về gói bánh Tét như năm rồi và hứa cả bọn sẽ cùng thức coi nồi bánh tét với chú. Thư dụ chú Tư kiểu này được cả bọn khen hay.

Còn hai đứa con trai đều ba tuổi, em thằng Bớp và em con Giang chưa biết đọc, chưa biết viết, chẳng hiểu viết thư là gì nhưng vì hiếu kỳ tham dự từ đầu đến cuối nên được bố trí cho lăn tay. Cu Quyên lấy cây viết lông kim ra bôi qua bôi lại vào hai đầu ngón tay trỏ bé như cái đầu đũa rồi anh Bớp cầm tay tụi nhỏ lăn vào cuối giấy. Anh Bớp làm được việc này là do đạo diễn thị phạm cho anh coi trước. Con Giang chữ đẹp lại nắn nót viết hai tên vào dưới hai dấu tay lăn. May con bé mới học văn viết thư nên phát hiện còn thiếu phần ghi thời gian. Phần này chỉ có một ý kiến anh cu Quyên là đòi viết ngày buồn, tháng nhớ, năm thương nhưng bị cả bọn chọc quê sến như con hến nên chỉ cần viết đúng ngày, tháng là xong. Lá thư được bỏ vào một phong bì màu xanh, dán keo kín. Phần “From”ghi: Con trai Hồ Đắc Tiền và các bạn của con. Phần “To” ghi ba Hồ Đắc Tài, mở ngoặc đơn chú Tư. Đạo diễn hứa sẽ đưa thư đến tay người gửi và thông báo với bọn nhỏ ngay khi có kết quả. Buổi viết thư hoàn thành, ai nấy đều hồ hởi, phấn khởi, Tí Tiền là đứa sướng nhất, cảm giác bàn chân không còn chạm đất.

Lá thư ấy, ngay ngày hôm sau đã đi một trăm năm mươi ki-lô-mét để đến tay người nhận. Lúc chú Tư đang xoay trần nướng bánh mì thì mẹ cu Quyên và mẹ Đắc Tiền đi tới. Tui là Nhà báo mà, anh ở đâu tui chẳng tìm ra. Là mẹ cu Quyên lấp liếm thế, thực ra việc thấy chú Tư cũng tình cờ trong lần chị đi thực tế liên tỉnh để viết loạt phóng sự về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị trao chú Tư lá thư của bọn nhỏ và tế nhị lui ra để hai vợ chồng họ gặp nhau. Chỉ nhìn cách họ ngượng ngùng khi giáp mặt là biết giận thì có giận, thương thì vẫn thương rồi. Cứ giả như tình huống xấu nhất là chú Tư còn giận dữ lắm, còn người vợ không có khả năng thuyết phục đi thì lá thư kia sẽ là đòn quyết định. Đọc thư ấy mà không về thì họa có là gỗ, đá.

Mà chú Tư có phải là gỗ, đá đâu!

T.O

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​