Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐẸP... TỪ TRONG RA NGOÀI


Ngọc Khánh

(Nguồn: VNĐN số 17 - tháng 01 & 02 năm 2017)

Cảm xúc từ chuyến đi thực tế sáng tác tại Bệnh viện Đồng Nai


 

- Mắt cô mổ ở đâu mà đẹp vậy?

Tôi vừa ráng giữ tư thế đúng trước màn hình kính khám mắt, vừa vui vẻ trả lời bác sĩ:

- Dạ thưa, tôi mổ Phaco ở bệnh viện Đồng Nai đấy ạ.

Khi rút mặt ra khỏi máy khám mắt, tôi mỉm cười. Tôi không nhớ rõ tôi đã trả lời câu hỏi này bao nhiêu lần rồi. Bất kỳ ở đâu, tiệm cắt kiếng, phòng khám tư, bệnh viện quận huyện, cả bệnh viện chuyên khoa Điện Biên Phủ, bác sĩ nhãn khoa nào cũng trầm trồ khen mắt trái của tôi đã được mổ rất đẹp. Đo thị lực thường là 10/10. Tôi đã được nhìn đời, nhìn người với ánh mắt trong sáng, rõ ràng.

Là một cư dân Nhơn Trạch, tôi thỉnh thoảng được đến bệnh viện Đồng Nai. Khi thì thăm người thân điều trị nội trú, khi thì gặp bác sĩ để được tư vấn, chữa trị. Trước năm 2015, bệnh viện còn ở gần Sở Giáo dục Đào tạo, thỉnh thoảng đi công tác, tôi cũng tranh thủ ghé vào khám tai, bao tử, khớp gối... Bảo hiểm y tế sẽ chỉ chi trả một phần nếu không có giấy chuyển viện, nhưng tôi vẫn thích được khám bệnh ở đây.  

Thánh 10 năm 2010, bác sĩ nhãn khoa Nhơn Trạch báo cho tôi biết là cườm nước ở mắt trái tôi đã đến lúc phải mổ, nếu không sẽ có nguy cơ mù lòa. Tôi cầm giấy giới thiệu đến bệnh viện Đồng Nai lúc hai giờ chiều thứ Sáu. Đông người. Phòng nào cũng phải chờ đợi. Những hộp số điện tử trước từng phòng nhảy lên từng số thứ tự. Những giọng nói dịu dàng trên loa phóng thanh gọi tên bệnh nhân vào phòng khám, phòng thu tiền, phòng phát thuốc…Tôi ấn tượng với phòng khám mắt, phòng 11. Trước cửa phòng có một tấm bảng lớn nêu rõ tiện ích của việc phẫu thuật Phaco. Lại còn một tấm bảng giới thiệu một câu nghe vừa tự hào vừa buồn cười. Tôi nhớ không nhầm câu ấy là: “Máy gì ở Đồng Nai chỉ có một”. Nghĩa là cái máy ấy vừa hiện đại, nhưng ở Đồng Nai lại rất hiếm hoi!  

 Hai giờ chiều mới đến bệnh viện, nhưng nhờ sự ân cần của các bác sĩ, y tá ở phòng khám mắt và các phòng khác, tôi kịp chụp phim phổi, đo điện tâm đồ, thử máu…Bác sĩ hẹn tôi sáng thứ Ba đến để phẫu thuật. Ca mổ của tôi đã thành công, không đau, mau chóng, an toàn, nhờ kỹ thuật Phaco, và quan trọng hơn là nhờ sự tận tụy của những bàn tay nhẹ nhàng, điêu luyện, những ánh mắt nhân hậu, từ tâm.

Năm 2013, tôi phẫu thuật mắt còn lại. Cửa sổ tâm hồn tôi đã được thay thủy tinh thể nhân tạo để có thể quan sát từng chiếc lá vàng chao mình trong gió thu, từng cánh mai vàng rực rỡ trong nắng xuân, thậm chí, đến từng chú kiến li ti bò run rẩy trong những nhành cây non. Điều này khiến tôi thật hạnh phúc vì trước khi mổ mắt, tôi chỉ nhìn đời bằng một cái nhìn lãng đãng, mơ màng.

Từ đó, tôi rất tin tưởng vào các bác sĩ, y tá của bệnh viện Đồng Nai. Họ hầu như sẵn lòng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, và tìm mọi phương cách để làm mất đi, giảm đi nỗi đau khổ của người bệnh.

Chỉ có điều tôi hơi buồn là khi tự chọn nơi khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế, công chức chúng tôi không được chọn bệnh viện Đồng Nai vì đó là cấp tỉnh. Có một thời gian tôi đã được khám bệnh ở bệnh viện Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng sau đó, nghe nói là Đồng Nai không còn liên kết với bệnh viện này nữa, nên thẻ khám bệnh ở bệnh viện Thống Nhất của tôi không còn giá trị sử dụng. Tôi đã chọn bệnh viện quận 2 để khám bệnh cho tiện đường xe. Thêm vào đó, từ khi bảo hiểm y tế không chi trả phần trăm nào nữa cho khám chữa bệnh trái tuyến, tôi chỉ còn đi qua bệnh viện Đồng Nai.

***

 

Anh bạn tôi chuyển về làm việc ở Biên Hòa. Nhà anh ở gần bệnh viện Đồng Nai mới. Công việc của anh đòi hỏi phải nói nhiều. Anh lại có chứng bệnh về đường hô hấp. Trước đây, tôi vẫn thường đùa “Anh giảng rất hay ho!”. Lâu ngày tình cờ gặp lại. Tôi thấy anh nói chuyện không còn “hay ho”nữa. Anh cười cười, nói đùa:

- Mấy ông bác sĩ ở bênh viện Đồng Nai này giỏi quá, làm cho mình nói chuyện hết hấp dẫn rồi! Thỉnh thoảng hắng giọng ho hen người ta mới để ý chứ!

Rồi anh rủ tôi:

- Hôm nào cô thử đến khám bệnh ở bênh viện Đồng Nai, khám dịch vụ, rồi xin ở lại một phòng VIP cho nó oách. Tội gì! Người Đồng Nai phải được trải nghiệm cảm giác sung sướng được vào khám bệnh ở bệnh viện Đồng Nai mới chứ! Tuyệt lắm!

Tôi đã đôi lần đi xe bus số 2 Nhơn Trạch - Biên Hòa qua khu vực xây bênh viện Đồng Nai mới. Khu đất này tọa lạc đầu đường Đồng Khởi gần ngã tư Ba-Ti, nghe nói trước đây là cả một trại gà rộng 9 héc-ta. Lúc đang xây dựng, nhìn công trường bộn bề vật liệu, nhìn bản chụp phối cảnh mô hình bệnh viện, hẳn người Đồng Nai nào nặng tình quê hương xứ sở cũng phấn khởi hy vọng. Khi bệnh viện mới đã hoàn thành, nhìn công trình kiến trúc lộng lẫy, lòng dân càng thêm sung sướng tự hào vì đây chắc phải là công trình tầm cỡ nhất Đông Nam Á về mức độ đẹp, rộng, thoáng, và hiện đại. Tôi đã từng đi khám bệnh ở một vài bệnh viện lớn của thành phố Hồ Chí Minh như Thống Nhất, Chợ Rẫy, Điện Biên Phủ, Trung tâm Tai mũi họng, Trung tâm Hòa Hảo… Với một cái nhìn khách quan, và với tâm tình của một cư dân Đồng Nai, tôi thấy bệnh viện tỉnh tôi là số một. Không còn là một bệnh viện cũ kỹ, rêu phong nữa. Một bệnh viện cao 18 tầng, còn có một tầng trệt, đã vươn lên trời xanh. Từ ngoài đường nhìn vào, bệnh viện thật đẹp đẽ với kiểu dáng kiến trúc mới lạ. Một dãy nhà chờ che mái xanh mát mắt chạy dọc từ cổng đến tận tiền sảnh.

Tôi mong có dịp được vào bệnh viện Đồng Nai để “mục sở thị”những điều nhiều người đã khen ngợi, những khoa phòng, máy móc được giới thiệu trong đoạn video clip trên website của bệnh viện.  Tôi không mong mình trở thành bệnh nhân dù có người bảo rằng vào bệnh viện này còn ‘ngon”hơn vào khách sạn năm sao. Tôi cũng không mong người thân của tôi bất ngờ đau nặng hoặc gặp tai nạn giao thông, tai nạn lao động…phải nằm lại bệnh viện để được đến thăm. Ai mà lại nỡ mong những điều ác ý ấy, ngay cả những bác sĩ, y tá trong bệnh viện này cũng không mong như vậy.

***

 

Một cơ may, một niềm vui lớn đã đến với tôi. Tháng 12- 2016, Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức một số chuyến đi thực tế để các văn nghệ sĩ có thêm tư liệu, thêm cảm hứng cho những sáng tác về đề tài Đồng Nai ba mươi năm đổi mới. Tôi được tham gia vào nhóm tác giả đi tham quan bệnh viện tỉnh Đồng Nai.

Tôi đi chuyến xe bus số 2 khởi hành từ Nhơn Trạch lúc sáu giờ sáng. Đến bệnh viện mới bảy rưỡi. Còn sớm! Tám giờ đoàn văn nghệ sĩ mới tới. Tôi tranh thủ vào bệnh viện trước để quan sát. Cảm giác thật choáng ngợp! Khuôn viên bệnh viện thật rộng, thoáng. Những khoảng sân lấp lánh nắng mai. Hàng cây, bãi cỏ mướt xanh. Những nhà xe nườm nượp người ra vào. Chỗ nào cũng đẹp. Chỗ nào cũng đông. Ai cũng muốn đi khám bệnh từ sớm. Ai cũng muốn thăm bệnh nhân đúng giờ quy định.

Bước vào tiền sảnh, tôi nhìn thấy ngay một bảng hộp đèn điện tử treo cao với những dòng chữ đầy trân trọng chào đón doàn văn nghệ sĩ Đồng Nai. Tôi mỉm cười. Ở đây chu đáo thật. Khu vực tiếp đón bệnh nhân đang rộn ràng những người lấy số thứ tự, nộp sổ khám bệnh. Những dãy ghế mới đã đầy người, trò chuyện, đọc báo, chờ gọi tên. Ở bệnh viện này đúng là không phải xếp hàng, chỉ cần ngồi đợi tới phiên mình.

Tôi rảo qua một số phòng. Có một sự sáng tạo ngay trên lối đi. Mỗi lối kẻ ba vạch sơn khác màu liền nhau, ghi rõ tên phòng khám, và những đoạn rẽ, những dấu mũi tên để hướng dẫn người bệnh theo đó mà đi đến nơi cần thiết, đỡ lúng túng, khó khăn. Lại có một sự thuận lợi trên những hành lang rộng. Từng chiếc xe điện màu trắng xinh xắn chở người bệnh và thân nhân qua các khu khám bệnh. Bệnh viện đẹp, nhưng người đến đây không phải ai cũng có ý thức giữ gìn vẻ đẹp chung. Đôi chỗ vẫn có rác thải, đôi phòng toilet vẫn nhớp nhúa. Hẳn các nhân viên vệ sinh trong bệnh viện lắm lúc cũng phải nén tiếng thở dài bực bội.

Đoàn văn nghệ sĩ Đồng Nai đến. Chúng tôi được Ban lãnh đạo ân cần tiếp đón, được mời vào phòng họp ở tầng 3 để nghe giới thiệu về bệnh viện. Giám đốc bệnh viện là Tiến sĩ Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, một người vui vẻ, nhiệt thành, nói chuyện thật thu hút, ngắn gọn, mạch lạc, văn chương. Các bác sĩ phó giám đốc tiếp đoàn chúng tôi cũng rất tận tình. Tôi thật ấn tượng với vẻ đẹp dịu dàng khả ái của Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, vẻ điềm đạm từ tốn của bác sĩ Bùi Văn Dũng Anh. Mọi người thật thân thiện.

Chúng tôi được hướng dẫn đi tham quan bệnh viện. Từ khu A khám bệnh sang khu B dịch vụ. Từ những phòng khám bình thường đến những phòng được trang bị máy móc thiết bị công nghệ cao. Từ những phòng khám ở tầng trệt đến những phòng ở các dãy lầu. Đâu đâu cũng thật ấn tượng. Bệnh viện 1400 giường bài trí thật khoa học. Số bệnh nhân, thân nhân rất nhiều, nhưng không khí vẫn đủ sự yên tĩnh, thư thái. Những câu khẩu hiệu gắn trên tường càng làm tăng thêm niềm tin tưởng lạc quan. Slogan của bệnh viện là “Chăm sóc bằng cả trái tim”với biểu tượng ba trái tim xanh lồng vào nhau đã dễ gây thiện cảm với những người đau khổ. Bệnh nhân, thân nhân còn có thể lạc quan hơn khi đọc những dòng chữ đầy tâm huyết như “Tiếp xúc vui vẻ, bệnh khỏe mỗi ngày”, “Khẩn trương chính xác, hiệu quả”…

Hai chuyên viên hướng dẫn chúng tôi tham quan thật giỏi. Bệnh viện rộng lớn như thế mà họ thông thuộc như trong lòng bàn tay. Đến mỗi phòng, chúng tôi còn được giới thiệu tỉ mỉ các chức năng, thiết bị. Phòng xét nghiệm với máy móc dây chuyền tự động. Phòng chạy thận mỗi bệnh nhân một giường, mỗi đầu giường một máy thế hệ mới. Phòng siêu âm, nội soi, chụp si-ti… đều có những loại máy đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tôi đã xem qua video clip giới thiệu bệnh viện Đồng Nai với các loại máy công nghệ cao, nhưng được nhìn tận mắt mới thực sự thú vị. Sự chu đáo, tận tâm của bệnh viện còn biểu hiện trong những chi tiết nhỏ nhất như màu sắc giấy dán tường, cách bài trí phòng nghỉ, phòng đọc sách sinh hoạt cho người bệnh, cho thân nhân, những khung cửa sổ kính trong suốt nhìn ra thành phố Biên Hòa, đón nắng gió thiên nhiên…

Nhiều người giàu sang đã tốn bao tiền của để ra nước ngoài điều trị. Nếu họ đến bệnh viện Đồng Nai mới này, hẳn là họ sẽ chẳng cần đi Mỹ, Úc, Singapore nữa. Còn những cảnh đời khó khăn thì sao? Họ vẫn sẽ được đón tiếp ân cần. Giấy chuyển viện hoặc thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện sẽ giúp họ giảm gánh nặng viện phí. Những suất cơm từ thiện của bệnh viện giúp họ an lòng. Sáng nay, khi tiếp đoàn văn nghệ sĩ, Bác sĩ giám đốc đã nhắc lại một câu danh ngôn: “Muốn thấu hiểu số phận con người, hãy đến nhà ga, bệnh viện”. Giờ đây, đến các phòng thăm người bệnh, tôi chợt nhớ truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”của nhà văn Mỹ O’ Henry. Giả như có bệnh nhân nào ở đây phải nằm bệnh viện trong giai đoạn nguy kịch, có nhìn ra cửa sổ cũng không tuyệt vọng đến nỗi đếm từng chiếc lá rơi, mà sẽ níu kéo được niềm hy vọng sống, vì quanh họ là những trang thiết bị tối tân, quan trọng hơn, quanh họ còn là những bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhân viên tài giỏi, tận tâm, những tâm hồn tuyệt vời biết bao.

***

 

Tôi tần ngần, nuối tiếc đứng nhìn bệnh viện lần nữa trước khi ra về. Ôi Đồng Nai, ba mươi năm đổi mới, nhiều công trình mới đã được xây dựng, mở rộng, nâng cao, hiện đại: Đường sá, trường học, bệnh viện, công sở, xí nghiệp… Mùa xuân nối tiếp mùa xuân. Cuộc sống qua mỗi năm càng thêm phát triển, đẹp đẽ. Lòng người qua mỗi mùa xuân mới lại càng thêm hân hoan, tin yêu. Và đời người qua mỗi mùa mới lại thêm ấm êm, hạnh phúc.

N.K

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​