Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CON GÁI BIÊN HÒA LÀM DÂU XỨ HUẾ


Bùi Kim Chi

(Nguồn: VNĐN số 17 - tháng 01 & 02 năm 2017)

 

Cha chồng tôi mất sớm. Mẹ chồng tôi ở vậy nuôi chồng tôi ăn học. Tốt nghiệp tú Tài anh vào nam học đại học. Ra trường thì cưới vợ. Do đường sá xa xôi, mẹ chồng tôi không vào dự lễ cưới được. Chuẩn bị làm dâu Huế tôi lo lắm. Nhưng tôi dặn lòng, sẽ chấp nhận tất cả vì tôi thương Hưng, chồng tôi. Cưới xong, anh dẫn tôi về Huế thăm nhà. Ngày đầu tiên, mạ Hưng nhìn tôi chăm chăm từ đầu xuống chân. Ngột ngạt vô cùng. Mẹ chồng không vui, cũng không buồn. Hai người phụ nữ đang quan sát nhau. Tôi cúi mặt tránh tia nhìn sắc sảo của mẹ chồng sau khi quan sát bà. Đúng là không hiểu được tâm trạng của mẹ chồng lúc này như thế nào. Hưng thì cứ lấm lét hết nhìn mẹ đến nhìn tôi dò xét. Tôi thương anh vô cùng. Trưa hôm ấy, chuẩn bị ăn cơm. Mẹ chồng tôi nói : “Mụ Hưng mô, lấy cái chủi đót don quơ bộ ngựa cho sạch rồi lấy chiếc chiếu côi chờn trải lên”. Đứng bên cạnh, tôi nhìn sững mẹ chồng. Tiếng của bà lạ và khó nghe quá. Không nói không rằng, tôi ngây người. Có hiểu gì đâu mà nói. Một vài từ có lơ mơ hiểu nhưng để ráp lại thành câu thì không biết nội dung nói gì. Tôi lo sợ đảo mắt tìm Hưng. Không có. Mẹ chồng tôi nhìn tôi ngạc nhiên. Có lẽ bà đang nghĩ,  con gái Biên Hòa khó dạy, bảo nó làm mà nó không nghe. Rồi bà dõng dạc: “Thằng Hưng mô rồi, mi noái mụ Hưng phơ bộ ngựa cho sạch rồi lấy chiếc chiếu côi chờn trải lên để dọn cơm”. Hưng ở đâu đó, dạ thật to. Đến bên góc cửa, Hưng lấy cái chổi đót nhỏ treo ở móc trao cho tôi rồi bảo tôi quét cái phản gỗ, lấy chiếc chiếu đặt ở giường bên cạnh trải lên để dọn cơm. Tôi ngớ người.Cái phản có những tấm gỗ dày ghép lại với nhau là bộ ngựa, cái chủi đót don là cái chổi đót nhỏ, quơ, phơ là quét, còn côi chờn là trên giường…. Ôi Huế của chồng tôi ơi!.

Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm. Em chồng tôi nói: “Chị…chị ơi, à chị Hưng, chị ra ngoài ảng trước sân hay ra cái vại đầu chái lấy nước rửa mặt chị hí”. Tôi lại không hiểu em chồng tôi nói gì. Rồi em giục : “Đi đi chị, còn phải qua bên hoái thăm nhà bác trợ và bác trưởng họ nữa”. Đi đâu chứ? Hưng đâu. Tôi dáo dác tìm anh. Anh đang thắp nhang buổi sáng cho cha chồng tôi. Đến bên anh, tôi thỏ thẻ nhờ anh hỏi xem em chồng tôi muốn nói gì với tôi. Thì ra, cái ảng hay cái vại là cái lu thấp để đựng nước. Chái là phía đầu hồi căn nhà. Hoái là một con rạch có nước chảy dài. Dân làng thường dùng máy đạp nước ở đây đưa lên ruộng lúa. Hôm sau đang ngồi nói chuyện với Hưng thì mẹ chồng tôi từ vườn sau đi vào nhỏ nhẹ : “Mụ Hưng, ra ngoài cươi lấy cái chủi rèn cho mạ”. Tiếng mạ nhỏ nhẹ mà sao tôi lại run. Cứ nghe mẹ chồng lên tiếng là trống ngực đập liên hồi. Mụ Hưng đích thị là mình rồi, chủi là cái chổi, nhưng chổi rèn là chổi gì, lại còn cươi là gì, ở đâu. Hưng nhìn tôi cười, đưa tay chỉ ra sân, ở đó có dựng cái “chủi rèn” ở gốc cây mai. Không ngờ cươi là sân nhà. Chổi đót nhỏ cầm tay dùng để quét phản, quét bàn gỗ, chổi đót lớn để quét nhà, còn chổi rèn là chổi để quét sân, vườn. Tôi lắc đầu. Buồn nhớ má, nhớ ba, nhớ Biên Hòa yêu dấu của tôi.

Cuộc sống  vùng quê Huế êm ả, an bình. Từ đàng sau, mẹ chồng tôi nói : “Nì. Mụ Hưng, trưa ni mạ đi ăn cộ tối mới về. Ở nhà, con phụ với o Thi xúc ló ở ngoài cươi đổ cho đầy bồ. Làm nhanh cả túi”. O Thi là em chồng tôi, cươi là sân, còn ló và bồ là cái gì, lại còn cả túi. Hưng ơi, cứu em. Tôi nói thầm trong lòng. “Nì, mụ Hưng, răng mạ noái mà mụ không ơi không hởi chi cả rứa”. Dạ… Dạ. Tôi khóc. Hưng từ đâu chạy lại “Sao vậy em?”. Mạ tròn mắt nhìn tôi rồi quay mặt sang Hưng : “Trưa ni mạ đi ăn cộ tối mới về. Mạ noái mụ Hưng phụ với con Thi xúc ló ở ngoài cươi đổ cho đầy bồ mà mụ khóc. Chắc sợ làm cực khổ chớ chi. Ui chà, dâu với con”. Tôi vừa khóc vừa nói : “Anh ơi, em không hiểu mạ muốn nói gì chứ không phải em sợ khổ sợ cực đâu”. Hưng nhìn tôi thương hại rồi vuốt lòng mẹ chồng tôi : “Mạ ơi, Hà chưa quen với tiếng của mình. Từ từ con sẽ chỉ cho Hà. Hà sẽ làm được hết”. Quay sang tôi, Hưng nói“Mạ bảo trưa ni mạ đi ăn giỗ, tối mới về. Em phụ với o Thi (em chồng tôi) xúc lúa ở ngoài sân đổ cho đầy bồ (Bồ là tấm cót lớn quây tròn lại để đựng lúa). Trời đất. Ăn giỗ mà mẹ nói là “ăn cộ “, lúa là “ló “,  cả túi là “kẻo trời tối” thì làm sao con gái Biên Hòa hiểu được. Tôi nín khóc. “Dạ. Thưa mạ con sẽ làm như mạ dặn”. Vậy là mẹ chồng tôi an tâm ra đi.Còn tôi thì…mừng trong bụng. Thoát nạn vì “tối mạ mới về”. Ở lại với mẹ chồng tôi ba hôm thì chúng tôi trở vào Biên Hòa. Cũng chưa hiểu thêm được gì hơn nữa về làng quê Huế của chồng tôi. Ngày từ giã, mẹ chồng ôm tôi khóc. Hưng khóc và… tôi cũng khóc.

10 ngày sau ngày cưới.

Điện thoại reo. Tôi bắt máy

- A lô…A lô…A lô…

- A…lô…lô…lô…

- Đứa mô côi chạc rứa bây? (Đứa nào trên dây vậy)

- A lô…A lô…?!…?!…

-  Rứa ai côi chạc rứa? (Vậy ai trên dây vậy).

-  A lô…A lô…A lô…?!…?!...?!...

Tôi cúp máy. Không biết là ai và người ta nói gì. 

  Thứ 5, ngày… tháng…năm…

- A lô…A lô…A lô…

- A lô…lô…lô…lô…

- Mạ há? Con đây nè. Hưng đây mạ.

- Mi côi chạc há Hưng?

- Ui cha ơi, mi noái (nói) với con vợ của mi. Răng (sao) tau kêu dây noái vô thăm, kêu nhờ nhà người ta cạ (cả) buội (buổi) trời mới đặng (được) Rứa mà hắn vừa a lô, tau hoải (hỏi) đứa mô côi chạc, rứa là hắn (nó) bỏ máy cái rụp. Đồ vô phép vô tắc.

-  Mạ ơi, Hà nghe không hiểu tiếng ngoài mình. Để rồi con giải thích cho vợ con hiểu.

-  Tội nghiệp quá con hí! Lấy vợ nam  chi cho khổ cả mạ với con ri (vậy) hè!.

-  Mạ khỏe không?

-  Tau khỏe.

Mạ cúp máy cái rầm vì giận con dâu lây sang con trai. Hưng không vui, không buồn kể lại cho tôi nghe cuộc điện đàm giữa hai người. Tôi chỉ biết kêu trời.

 Sau ngày cưới 2 tuần.

- A lô…A lô…Dì cho con gặp mạ con. Nhờ dì nói, có con là Hà vợ anh Hưng gặp mạ con.

- A lô…lô…lô…

- Thưa mạ, con là Hà vợ của anh Hưng đây.

-  Ừ. Hà há? Rứa thì thằng Hưng hắn mô(đâu) rồi?

-  Dạ…Dạ… (tôi chưa biết trả lời ra sao) thì…

-  Chao ơi! Mi thu hắn (dấu nó) làm chi (làm gì). Tau hoải hắn ở mô cho biết rứa thôi chơ (chứ) ai có làm chi hắn  mô mà mi sợ mi thu.

-  Dạ. Mạ nói sao mạ?

Mẹ chồng tôi giận. Không nói gì nữa, cúp máy nửa chừng. Lạy trời. Hưng oi! 

 Nửa tháng sau ngày cưới.

Đi dạy về. Gương mặt chồng tôi buồn buồn có vẻ đăm chiêu, suy nghĩ điều gì. Anh nói, nghe mẹ chồng tôi bị nhức đầu. Anh lo lắng không hiểu mẹ có bị lên máu không. Hưng bảo tôi điện thoại hỏi thăm bà. Tôi nói, em sợ lắm. Hôm qua em có điện thoại thăm mạ. Không hiểu mạ giận chuyện gì, mạ nói em thu cái gì đó của mạ. Hôm cưới mình về Huế có ba ngày rồi vào. Mạ có cho em hai gói Mè Xững và một gói Mứt Gừng mang vào, chứ em có lấy hay thu cái gì của mạ đâu. Hưng dỗ dành tôi, có lẽ do hiểu lầm gì đó thôi rồi anh khuyên tôi nên điện thoại hỏi thăm bà cho có tình cảm. Tôi đồng ý.

Thứ 5, ngày… tháng… năm…

- A lô…lô…lô…

- A lô…Thưa mạ, con là Hà đây.

- Ừ.

-  Dạ, Con nghe anh Hưng nói, mạ bị đau đầu sợ do lên máu…(tôi đang nói nửa chừng)

-  Ui cha, nì (này), cái con ni (con này). Tau đau cái trốt (đầu) chơ tau có ghen ai mà lên máu lên me. Cấy dôn (vợ chồng) bây đừng có hùa chắc (hùa với nhau) mà nói bậy. Đồ vô hậu! (không có hậu).

-  Dạ. A lô…A lô…

Mẹ chồng tôi cúp máy vì giận con dâu và con trai.Trời đất, tôi không hiểu gì cả. Kiểu này, có lẽ tôi bị thần kinh mất.

 Chủ nhật, ngày… tháng… năm…

Điện thoại ở Huế gọi vào. Chồng tôi bắt máy.

- A lô…A lô…A lô…

- Dạ. A lô…A lô…Thưa cậu , mệ ngoại (bà ngoại) nói chuyện với cậu.

- A lô…Hưng đây mạ.

- A lô, Mi há Hưng? Nì (này), tau đau cái trốt mấy bựa ni (mấy bữa nay). Vợ mi kêu dây ra noái tau lên máu. Chơ trời ơi! Cha bây chết đã lâu, tau có ghen ai nữa mô mà cấy dôn bây hùa với chắc noái tau lên máu lên me.

- Trời, mạ ơi!

Mẹ chồng tôi cúp máy. Giận con trai tiếp. Khổ thân chồng tôi, Hưng ơi! Em thương anh.

Mọi chuyện rồi cũng qua. May mà vợ chồng tôi ở xa. Một hôm tôi nhận điện thoại của mẹ chồng tôi. Bà vui lắm. Tôi cũng mừng.

- A lô… lô… lô…

- A lô… Dạ… A lô…

- Mụ Hưng há? Bựa trước (bữa trước), làng Hương Cần có tổ chức Hội chợ. Mạ có đi chơi. Bui (vui) lắm. Ui cha, người ta bán đồ (bán hàng) thiên thung man nai (rất nhiều loại hàng). Có xiệc (xiếc), có làm hề. Xiệc thiệt (thật) tài mà hề cũng hay. Mấy chú hề múa mỏ (miệng nói nhiều), phách tấu (nói dốc) quá hung (quá chừng). Nhưng mà bui. Vài bựa về ăn Tết, mụ mua cho mạ chục đụa mun (đũa gỗ đen)và chục đoại (tô). Nghe noái, đụa mun trong nớ (đó) đẹp mã. Nhớ mua đoại loại vừa, men xanh. Quý lắm.

- Dạ. (Rút kinh nghiệm, tôi dạ liền )…

Tôi không hiểu mẹ chồng tôi nói gì nhưng cứ dạ cho chắc ăn. Sẽ hỏi lại Hưng sau. Nhưng tôi bỗng giật mình. Tôi có hiểu mẹ chồng nói gì đâu mà nhờ chồng phiên dịch

- Em có nhớ chuyện của mạ thì nói lại, anh sẽ đoán được mà.

- Mạ nói mạ đi Hội chợ sao đó, vui lắm. Mạ nói, tết về mua đụa mua… chi nữa đó… Em chịu.

Hưng mừng rỡ. Anh biết rồi. Mạ bảo mua đũa. Hưng điện thoại về Huế.Thì ra mẹ chồng tôi nói đi chơi Hội chợ ở làng bên vui lắm. Người ta bán rất nhiều mặt hàng. Xiếc hay mà Hề cũng vui,,nói dốc quá chừng. Tết về, mua cho mạ một chục đôi đũa gỗ đen và một chục cái tô tráng men xanh. Lạy trời, nếu không có chồng phiên dịch thì tôi chịu. Ơi Huế của chồng tôi ơi

Liên tiếp những ngày sau, tôi chủ động rủ chồng cùng ngồi lại, giúp cho tôi biết thêm về tiếng địa phương, phong tục, giọng Huế để tôi có thể hiểu mẹ chồng tôi hơn. Vì tôi yêu Hưng, ông chồng Huế…

… Cuốn nhật ký của Hà khép lại, những trang viết đầu tiên sau ngày cưới. Nhớ lại ngày ấy tôi thương Hà quá. Sau này Hà là con dâu tốt của mạ tôi. Hà hiểu được tâm lý, tình cảm của mạ còn hơn tôi. Con trai tôi nói, mẹ Hà là con gái của bà nội còn ba Hưng chỉ là con rể thôi… Tôi nhớ mạ vô cùng.

B.K.C

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​