Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
KHI ĐẠO DIỄN CẢI LƯƠNG LÀM RỐI NƯỚC


Hồng Ngọc

(Nguồn: VNĐN số 17 - tháng 01 & 02 năm 2017)

  

Đạo diễn - NSND Giang Mạnh Hà luôn làm người ta ngỡ ngàng bởi năng lượng hoạt động dồi dào và khả năng sáng tạo “khủng” trên sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Nhưng mới đây, anh bất ngờ xuất hiện trong vai trò hoàn toàn mới: khai sinh Chương trình rối nước “Dòng chảy cội nguồn”, do anh viết kịch bản, ca khúc. Hơn một giờ ngồi xem rối nước, tôi chỉ có thể trầm trồ hai chữ “tuyệt vời”.

 

Sân khấu “dã chiến” quây bằng nilon, được lắp đặt ngay trước sân Nhà hát cải lương, một tấm mành che trên mặt nước lung linh. Đúng như tên gọi, chương trình rối nước gồm ba phần thể hiện nét đặc trưng trong dòng chảy văn hóa Bắc - Trung - Nam. Phần đầu “Ngàn năm Thăng Long” gồm những “tích trò” khá quen thuộc với khán giả từng xem Nhà hát múa rối Thăng Long biểu diễn qua truyền hình. Giáo đầu là chú Tễu cởi trần đóng khố với nụ cười hớn hở đã trở thành “kinh điển” của sân khấu rối nước. Rồi những màn cấy lúa, chọi trâu, bắt cá… vui nhộn cùng bài hát Hồn quê trữ tình với giọng hát Thu Huyền, làm nổi bật nét văn hóa vùng đồng bằng Bắc bộ. Ánh sáng thay đổi, sân khấu rối nước chuyển cảnh ngoạn mục. Chấp chới một giọng hò Huế cất lên ngọt ngào. Vẻ đẹp thơ mộng của xứ kinh kỳ - biểu tượng của miền Trung hiện ra với dòng sông Hương, điệu múa cung đình lộng lẫy và hoạt cảnh “Loan phượng sinh con” vừa vương giả vừa đầy kịch tính, điệu múa Chăm uyển chuyển, mê hoặc… Phần cuối chương trình là cảnh sông nước Nam bộ quen thuộc với những phiên chợ nổi bồng bềnh ghe xuồng đầy ắp trái cây, những người nông dân khăn rằn quấn xéo trên đầu. Ca khúc Bức tranh quê do NSUT Chiêu Hùng song ca cùng ca sĩ Xuân Trúc phụ trợ cho tiết mục càng tăng thêm hiệu quả nghệ thuật.

Con rối được tạo hình đẹp, động tác linh hoạt, diễn xuất có hồn, phối hợp nhịp nhàng với lời hát… Tất cả diễn ra trên nền nhạc dân tộc Bắc - Trung - Nam với giai điệu, tiết tấu khi rộn ràng hối thúc, khi khoan thai, dìu dặt, hợp thành một thể thống nhất, mang lại hiệu quả tuyệt vời.

Chương trình “Dòng chảy cội nguồn” có thể còn đôi ba chỗ kỹ thuật điều khiển con rối chưa thật hoàn hảo. Nhưng sự chưa nhuần nhuyễn được người xem cảm thông khi nhìn các diễn viên chui ra từ sau bức mành, quần áo ướt sũng, cúi chào khán giả, bởi họ không phải ai xa lạ mà chính là dàn diễn viên của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai. Thật cảm động khi biết rằng chỉ trong thời gian hơn một tháng tập luyện, các đào, kép của sân khấu cải lương vốn chỉ quen diễn xuất trên sân khấu cạn đã bất ngờ “hạ thủy”, trở thành những nghệ sĩ biểu diễn rối nước…

Trò chuyện với tôi, Đạo diễn - NSND Giang Mạnh Hà thi thoảng lại cất giọng hát để minh họa cho những tiết mục rối nước mà anh vừa dàn dựng. Với chất giọng sáng và ấm, anh ca được đủ loại, từ cải lương đến tuồng, chèo, thậm chí cả… dân ca Chăm. Tôi cứ nghĩ, may mắn sinh ra, lớn lên trên quê hương của các phường rối nước Thái Bình, trong huyết quản đã có sẵn tố chất chèo, nên Giang Mạnh Hà làm rối nước rất duyên, rất ngọt. Thật ra, anh cũng phải vượt qua không ít khó khăn, áp lực. Đề án rối nước và rối cạn của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai nhằm phục vụ khách du lịch, tạo sân chơi cho trẻ em đã có mấy năm trước nhưng phải tới năm 2016, Giang Mạnh Hà mới có thể hiện thực hóa. Để có một chương trình rối nước không trùng lặp, anh tự tay viết kịch bản, ca khúc, mời đạo diễn, đặt làm con rối, đạo cụ… Không có thêm biên chế, anh mạnh dạn cho diễn viên cải lương tập điều khiển rối nước. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, diễn rối nước đòi hỏi phải có sự tương tác nhịp nhàng giữa người điều khiển, con rối dưới nước và dàn nhạc trên bờ. Khó nhất là làm sao cho rối đừng “tréo ngoe” mà phải khớp với tiết tấu âm nhạc, đạo cụ, vì rối chịu áp lực nước rất dễ ngả ngiêng, khi cần chìm lại nổi, khi cần nổi lại chìm. Con rối diễn trò cũng như người, phải biểu cảm, rõ sắc thái. Môi trường biểu diễn dưới nước đã không thuận lợi, kỹ thuật điều khiển con rối lại khó, chỉ một vai hầu đồng cần tới 4 người, một điệu múa Chăm huy động đến 14 diễn viên. Thời gian đầu mỗi buổi tập ngâm nước hàng giờ, chưa quen nên nghệ sĩ của nhà hát lăn ra… bệnh. Nhưng đã lỡ “leo lên lưng cọp” rồi, phải ráng. Cũng may rối nước như có “bùa mê”, càng theo càng…say, nhất là khi tự mình điều khiển được chú rối làm đủ các động tác như người. Một vị khách Singapore - Ông Cheng, Phó Chủ tịch Hiệp hội rối quốc tế được xem các nghệ sĩ tập đã say mê quay video, chụp hình rồi hào hứng làm theo, nhưng chưa xong một tiết mục, ông đã bỏ cuộc vì… quá khó.  Người đàn ông am tường đủ loại rối của các châu lục (trừ rối nước) này tỏ ra rất thán phục những tích trò mang tính nghệ thuật cao và giàu ý nghĩa nhân văn như tiết mục Loan phượng sinh con, ba giá đồng...

Hiện cả nước ta có khoảng 10 nhà hát và phường rối nước chủ yếu tập trung ở phía Bắc. Thành phố Hồ Chí Minh có sân khấu rối nước nhưng cũng chỉ là để “thêm vào” cho đủ món trên bàn tiệc. Việc chấp thuận cho Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai triển khai Đề án rối nước cho thấy sự táo bạo trong tư duy của lãnh đạo Tỉnh và ngành văn hóa, thể thao, du lịch. Nhưng để múa rối nước thành món ăn tinh thần của người Đồng Nai thì phải đầu tư bài bản, trong đó nặng nhất là kinh phí làm con rối. Sân khấu rối nước tiết mục nào con rối ấy, không thể tận dụng nhiều lần. Chỉ một chương trình “Dòng chảy cội nguồi” đã cần tới 98 con rối, 30 bộ trang phục “người nhái” cho diễn viên. Hiện tại, rạp hát Khánh Hưng đang được nâng cấp làm sân khấu rối nước để hàng tuần phục vụ khán giả. Khó khăn nhiều nhưng tôi tin, với sự hỗ trợ đắc lực của tỉnh, với tư duy làm nghệ thuật vừa táo bạo, vừa căn cơ của đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà, không gì là không thể…

H.N

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​