Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
SÁU ĐỜI SẾP


Truyện ngắn của Hội An

(Nguồn: VNĐN số 18 - tháng 03 & 04 năm 2017)

 

 mh truyen ngan Sau doi sep.jpg
Minh họa: Hứa Tuấn Anh

Đang mơ màng trong giấc ngủ ngon của buổi gần sáng thì có tiếng chuông điện thoại, Tuyên bật dậy ngay, trong lòng không khỏi lo lắng. Có lẽ bà mẹ già ở quê có chuyện gì chăng? Và mấy đứa cháu đã sốt sắng báo tin ngay cho ông chú ruột... Nhưng không phải. Có tiếng khụt khịt ở đầu dây bên kia và một giọng nói khàn khàn chầm chậm:

- Tuyên à, có lẽ... có lẽ... anh sắp chết...

Tuyên nhận ngay ra giọng người quen:

- Sao anh lại nói gở thế. Để chốc em ghé nhé.

Hiên bị đánh thức, he hé mắt quay sang chồng:

- Ai thế anh?

- Ông Thẩm, sếp cũ. Em cứ ngủ đi.

- Anh cũng ngủ lại đi, còn sớm mà.

Nhưng thông tin mới về sếp Thẩm làm anh tỉnh hẳn. Tuyên dụi mắt và rời khỏi giường dù mới 4 giờ sáng. Từ nhà Tuyên tới nhà ông Thẩm độ chục cây số. Sao ông ta lại báo tin này cho Tuyên nhỉ. Bởi anh có là người thân nhất trong cơ quan với ông ta đâu. Hồi ông còn làm việc, còn là sếp của Tuyên, dưới trướng ông đầu tiên phải kể đến Đoàn, đến Thực... Tuyên chỉ lâu lâu ghé mời ông đi uống cà phê vào dịp gần đây, khi ông đã nghỉ hưu. Bởi là nhà bà chị của Tuyên là hàng xóm ông nên lâu lâu tới thăm chị anh lại nghĩ ghé xem ông thế nào. Người ta khi còn phong độ, còn hoạt động và trẻ trung thì nhiều kiêu hãnh, nhiều mối quan hệ. Chứ mà về già thì hầu hết là buồn và hụt hẫng. Những người có lắm đam mê trong cuộc sống nên có chân trong hội nọ, câu lạc bộ kia, từ thể thao tới hội họa hay âm nhạc và cả hội từ thiện nữa... thì còn đỡ. Nhưng ông Thẩm là một người không có một năng khiếu nào ngoài việc chỉ chăm chăm phấn đấu cho cái ghế chức quyền, làm giàu hay lo con, lo cháu. Nên cuộc sống về già của ông chắc chắn buồn tẻ. Tuyên dăm lần ghé thăm ông chẳng phải vì thân tình mà thương cho cái sự buồn tẻ đó. Vậy mà ông đã gọi anh để báo cái tin hệ trọng này như một người thân nhất ngoài con cháu mình vào cái giờ mà thiên hạ còn ngon giấc. Dù sao thì anh cũng cảm động. Pha ấm trà nóng uống một ly cho tỉnh táo và đợi chút cho trời đỡ tối, anh mới dắt xe máy ra khỏi nhà.

*

Khi Tuyên chuyển đến cơ quan này thì ông Thẩm mới chỉ là sếp phó. Lúc đó sếp trưởng là ông già Luật vui tính ở ngành kiểm lâm. Ở một tỉnh không rộng lắm và kinh tế nông nghiệp có phần lép vế so với các công xưởng và nhà máy thì người ta hay ghép mấy ngành phụ trong một xuồng và tùy thời điểm hứng lên của các sếp trên mà có sự dịch chuyển sắp xếp lại. Như từ ngữ hoa mĩ bây giờ là cái sự tái cơ cấu vậy. Hồi đầu là lâm nghiệp và nông nghiệp chung một sở, tiếp đến lại thủy sản và nông nghiệp chung... Và theo đó thì các ban ngành nhỏ phụ thuộc cũng cứ thế mà thay đổi. Tách và nhập một thôi một hồi thì ông Thẩm mới là sếp của cái Công ty Chăn nuôi thú y chỉ khoảng dăm chục nhân lực. Hồi đó cầm hồ sơ đi xin việc chưa khó khăn như bây giờ. Vả lại trước khi chuyển đến thị xã này, anh đã có thâm niên hoạt động trong ngành cả chục năm, đã có bằng khen của Bộ trưởng ký trong việc tổ chức chống dịch ở một tỉnh miền Trung khi làm cơ quan cũ, có bằng sáng chế của Hội liên hiệp Khoa học Kỹ thuật. Khi vào cơ quan được dăm ngày, sếp Thẩm gọi riêng Tuyên lên phòng. Anh đang ngạc nhiên vì nghĩ giao việc cho mình chỉ là Trưởng phòng kĩ thuật chứ đâu cần tới người đứng đầu cơ quan. Nhưng anh cũng bước vào căn phòng và lập tức ngửi thấy đầy mùi hôi của thuốc lá. Bởi mẩu thuốc không chỉ có trong cái gạt tàn để bàn mà còn vương vãi ngay các góc nhà. Chắc giờ này chị tạp vụ chưa kịp dọn dẹp.

Ông Thẩm người xương xương chứ không có vóc dáng bệ vệ hay bụng phệ như các sếp thông thường. Ông có đôi mắt không đen hẳn mà là màu tro hơi híp về phía đuôi khiến người đối diện khó lòng đọc thấy thái độ nếu ông không đang cười hay đang giận dữ. Trên vầng trán đã có khá nhiều vết hằn ngang là mái tóc lù xù bạc hơi sớm bởi lúc đó ông chỉ hơn 45 mà đã bắt đầu hoa râm. Ông xuề xòa trong cả quần áo tóc tai và dáng vẻ. Thời đó chứ bây giờ chắc ông khó lòng làm sếp. Vì các sếp thời nay nhiều giao tế gặp gỡ ở những nơi chốn sang trọng hơn nên ai cũng cần chải chuốt cái vẻ ngoài. Nhưng nói thế không có nghĩa là ông kém trong quan hệ. Về sau này thì Tuyên mới biết cái chức sếp của ông sẽ khó lòng có nếu ông không có tài "ngoại giao". Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, cuối cùng mới là trí tuệ. Không phải bây giờ mới có câu đúc kết đó.

Thì ra là ông muốn giao hẳn cho Tuyên trực tiếp làm cái đề tài mà ông đã đăng kí thực hiện để làm luận án tiến sĩ. Tiến sĩ? Đúng là vậy. Làm sếp, mà là sếp của một cơ quan kĩ thuật thì bắt buộc anh phải có bằng cấp hơn hẳn một bậc so với đồng nghiệp. Đó là một cách để củng cố vững chắc cái ghế của mình. Ông cũng biết khả năng mình có hạn nên chỉ muốn làm cái thạc sĩ cho nhẹ nhàng. Nhưng cách đây một năm, khi ông đăng ký đi thi lớp chọn đầu vào cao học tại Sài Gòn thì không suôn sẻ. Đợt đó dù có bọn đàn em cung cấp sách vở và cũng dùi mài cả tháng nhưng khi ngồi vào phòng thi môn đầu tiên là môn vi sinh thì ông không tài nào nhớ và phân biệt nổi mấy con tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn hay trực khuẩn. Chưa nói đến phân biệt hình thái, đặc tính nuôi cấy, đặc tính sinh hóa, thành phần kháng nguyên hay tính gây bệnh của chúng, chỉ riêng viết đúng được mấy cái tên la tinh Staphilococus, streptococus... là ông đã đủ loạn óc lên rồi. Ông bèn mang mấy cái tài liệu giấu sẵn trong túi ra giở lại xem. À đây rồi. Ông cố chép một đoạn để khỏi bỏ giấy trắng. Biết là chỉ chép đặc điểm từng con chứ cái đoạn so sánh thì ông chưa hình dung mình sẽ làm thế nào. Ông cũng chả nhớ hồi học trong trường mình đã qua môn này cách nào vì lâu quá rồi. Mà hồi đó có con bé Hải đồng hương vừa giỏi vừa dễ dãi. Nó thường làm bài xong đưa cho mọi người tham khảo để ai chưa làm thì chép... Ông đang cắm cúi chép thì cô bé giám thị đi tới nhắc nhở. Ông cất lại tài liệu vào túi. Khi cô đi qua chỗ khác ông lại giở ra, lại chép. Cho đến lần thứ 3 thì cô giám thị không rời đi nữa mà gọi thêm một thầy khác và chìa ra trước mặt ông tờ biên bản đã viết sẵn bắt ông kí vào. Ông làu bàu rồi to tiếng chửi tục: "Đ. mẹ ranh con, láo...” (tội nghiệp cô bé sinh viên coi thi các bậc cha chú!) Vậy là cơ hội làm luận án khép lại. Bởi chuyện thi cử của ông trở thành chuyện tiếu lâm lan truyền ra khắp trường từ hôm đó.

Nhưng trong nước đâu chỉ có nơi này đào tạo sau đại học. Một đệ tử mách ông ở ngoài Bắc làm tiến sĩ dễ ợt, chỉ sợ không có tiền. Tiền hết nhiều thì cũng tiếc nhưng chỉ còn cách đó. Vậy là Bắc tiến. Và ông đã lần ra đường dây giúp đỡ. Làm tiến sĩ thì phải có bằng thạc sĩ đầu vào. Chẳng biết ông đã qua được khâu này bằng cách nào. Bằng B ngoại ngữ đầu vào thì ông đã mua sẵn, mai mốt bằng C đầu ra cũng cứ thế mà xuôi. Còn lần lượt từng môn học đều có tiền hỗ trợ. Đề tài nghiên cứu cũng được gợi ý nên thuộc lĩnh vực điều tra. Nghiên cứu ra cái mới thuộc khoa học cơ sở là rất khó rồi, dành cho các viện hay trường đại học. Các đề tài ứng dụng tiến bộ nghe ra đã quá nhiều chỗ làm, mà kinh phí lại rất tốn kém. Chi bằng các đề tài điều tra. Bởi điều tra thì khó bị bắt bẻ khi phản biện, coi như là sự thấy gì nói nấy. Và tên đề tài cũng được đăng kí hộ là “Điều tra khu hệ giun sán trên đàn vịt của tỉnh X”.

Đọc tên đề tài là Tuyên thấy buồn cười rồi. Nói đàn vịt thì số cá thể phải là hàng chục ngàn con như các tỉnh Miền Tây thì còn được. Chứ mà ở tỉnh X thì có bao nhiêu mà nghiên cứu. Nó không đủ tính đại diện. Nhưng tính Tuyên vốn lành nên cũng cần mẫn xuống các trại vịt rải rác mỗi nơi mấy chục con để thực hiện lấy mẫu mổ khám ở các lứa tuổi cho xong việc sếp nhờ. Rồi tiếp theo sẽ là viết báo cáo đề tài giùm sếp.

*

Mọi việc về sếp Thẩm đang ngon trớn như thế, mỗi quý sếp ra Bắc đi học một tháng, mỗi lần đi đều có nhậu nhẹ nhàng sau cuộc họp giao ban để tiễn sếp, và cuối buổi tiệc tất cả 5 phòng ban đều tặng sếp một phong bì lấy ra từ quỹ phòng gọi là để hỗ trợ sếp trong việc học, nên sếp cũng khá thoải mái không cần huy động nhiều đến vốn của gia đình như khi nuôi mấy đứa con du học sau này. Cả cơ quan chắc mẩm chỉ cần nửa năm nữa là sếp mình thành tiến sĩ.

Đùng một phát có công văn của thanh tra Bộ về việc bằng tốt nghiệp Đại học của sếp là giả, nên việc học của sếp bị đình lại. Ủa, sao vậy nhỉ? Rõ ràng là sếp có học đại học. Bởi ngay trong cơ quan có chị Liên là bạn cùng lớp đại học với sếp mà. Mà hồi đó ai học đại học chả có bằng.

Thì ra lớp đại học của sếp tốt nghiệp sau giải phóng mấy năm đều được đặc cách tốt nghiệp khi chỉ còn năm cuối để phục vụ quy hoạch. Vậy là sếp có bằng đặc cách. Nhưng nghĩ rằng bằng đặc cách thì không uy tín lắm khi nộp hồ sơ nghiên cứu sinh nên sếp đã cậy cục mua cái bằng loại khá cũng của trường mình nhưng ở khóa sau khi trường đã dời về địa điểm mới ở miền Trung. Sẽ chẳng ai tra ra chuyện này nếu không có mấy cái đơn tố cáo gửi thẳng về thanh tra Bộ. Nhưng ai tố cáo? Trong cơ quan sếp cũng hay chửi mắng trù dập đứa này đứa kia nhưng ai mà gan cóc tía làm chuyện này. Không sợ sếp vốn được đồn thổi có ô có dù hay sao?

Hồi đầu Tuyên cứ tưởng chuyện tố cáo này là do chị Liên. Vì đã vài lần Tuyên nghe chị kể là sếp ghét chị lắm. Nguyên nhân là hồi đầu khi chị theo chồng vào đây xin việc, lúc đó sếp mới chỉ là trưởng bộ phận của cái cơ quan liên minh nông nghiệp. Sếp không chịu nhận chị vào bộ phận mình. Hỏi ra thì mới biết là có lần khi vui miệng chị vô tình tiết lộ là hồi học chung sếp học kém, mỗi lần đi thi là lớp lo lắng không biết sinh viên Thẩm có qua được khỏi nợ môn không. Nào ngờ có tên đệ tử thóc mách trong đó nên chị bị sếp đì trong tất cả mọi chuyện. Sau này chị không chịu nổi việc điều động đi xa nhà mà chồng cũng công tác xa nên xin về hưu non luôn. Nhưng chị Liên là một phụ nữ hiền lành yên phận. Nên chị nói chị không hơi đâu oán hờn, khi Tuyên hỏi chị trong một dịp đi đám cưới chung.

Về sau mới biết không phải một mà là cả một nhóm người tham gia trong việc này. Nguyên nhân là họ ghét sếp đã không giỏi chuyên môn mà còn trù dập những đứa hay ý kiến ý cò phê phán công việc của cơ quan. Sếp được lợi lộc rất nhiều trong việc đối tác "lại quả" những lần nhập vaccin, nhập thuốc và hóa chất phòng chống dịch. Những tiêu cực kiểu này khó lòng mò ra chứng cứ và đặc quyền không nhỏ này của sếp được coi là đương nhiên. Nhưng sếp lại rất keo kiệt với anh em, mặc dù đời sống trong cơ quan nói chung đều thuộc diện nghèo. Sếp thì ngoài căn nhà đang ở còn có thêm mấy miếng đất nữa. Vậy nên nhóm "phần tử quá khích" này đã kiếm tìm ra gót chân Asin của sếp một cách dễ dàng. Họ coi Tuyên đang làm giúp đề tài cho sếp cũng là thành phần "qụy lụy"" nên không hề thổ lộ với anh.

Thêm một vài vụ việc trong cơ quan nữa. Ví như nhập một mớ máy móc và hóa chất tốn một đống tiền về để đắp chiếu trong cả 2 năm mà không chịu triển khai hoạt động phòng xét nghiệm. Như vụ mua phải vaccin kém chất lượng để dịch bệnh xảy ra hàng loạt... Sếp Thẩm bị kỉ luật cảnh cáo và bị "đá lên" làm trưởng phòng một phòng mới mở không có quân trên Sở. Thực chất là ngồi chơi xơi nước vì phòng môi trường chỉ thi thoảng giải quyết một vụ gì đó mà trách nhiệm chủ yếu thuộc sở y tế và nhiều ban ngành khác. Được một năm sau thì sếp bắt đầu cáo bệnh về nghỉ dưỡng tại nhà uống thuốc Bắc. Ông sếp lớn hơn, là ô của sếp Thẩm vẫn ưu ái cho sếp nhận lương hàng tháng và nghỉ chờ đủ tuổi hưu. Lúc này xung quanh sếp đã vắng hẳn, kể cả Đoàn, Thực... mấy đứa anh anh em em rất thân thiết với sếp hồi xưa. Cũng phải thôi, sếp bây giờ đã như "gang" không còn "mật mỡ".

*

Tuyên tới nhà ông Thẩm khi trời bắt đầu sáng rõ. Vậy mà bước vào phòng thì lại tối om om. Ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn bàn trên đầu giường hắt vào thân hình gầy nhom của ông trông khá tiều tụy. Bà vợ dáng vẻ còn nhanh nhẹn đang xoa bóp chân tay cho chồng. Tưởng ông mong Tuyên tới để dãi bày điều gì, nhưng không, ông chỉ nhắm mắt thiêm thiếp mặc cho bà vợ kể lể bệnh tình và than vãn về chuyện ông không chịu đi bệnh viện.

- Chị để em báo cơ quan lo cho ổng.

Tuyên rút điện thoại báo cáo với chị Mai, là sếp phó đã lên trưởng sau khi ông được điều về sở. Chị Mai bảo Tuyên chờ đó để chị điều xe.

Khi bà vợ xuống bếp đun tiếp nồi cháo thì Tuyên nhìn bao quát căn nhà ông Thẩm. Vẫn chẳng có gì thay đổi so với cả chục năm trước. Có ưu điểm là đất rộng rãi nên có sân vườn trước sau nhưng căn nhà cấp 4 cũ mèm ông xây cách vài chục năm nay chưa hề được sửa lần nào. Đồ gỗ và cả đồ điện tử trong nhà cũng cũ kĩ. Đặc tính xuềnh xoàng trong ăn mặc, phong cách rất phù hợp với cả chỗ ở. Có lẽ cái khu phố trung tâm này giờ kiếm một căn bình dân như nhà ông khó hơn nhiều so với kiếm nhà lầu sang trọng. Tuyên biết là ông kiếm không ít tiền. Và mấy mảnh đất vàng thì mấy đứa kháo là vẫn còn nguyên trạng. Bà vợ thì vẫn có một ki ốt bán tạp hóa trước cửa. Vợ chồng ông cũng chẳng ham chơi bời du hí cho biết đó biết đây như người ta. Vậy tiền bạc ông chẳng lẽ nấp kĩ trong ngân hàng bao nhiêu năm nay? Hay mấy đứa con du học đã ngốn hết rồi? Hoặc chẳng lẽ vợ chồng ông mê đánh bạc hay đề đóm? Chịu. Đúng là sống mỗi người một nết. Chẳng ai mang được tiền vàng sang thế giới bên kia. Hay ông chỉ chăm chăm để của chia cho con? Vậy thì phải gọi ông là người "có hiếu" với con nhất thiên hạ.

*

Rốt cuộc thì tới giờ ông Thẩm không chết như lời than vãn với Tuyên. Bác sĩ kết luận ông tiểu đường nặng và di chứng đã vào thận. Nhưng khi dùng thuốc vài tháng thì bệnh có thuyên giảm. Tuyên đã gọi điện báo cho hết mọi người, kể cả chị Liên đi thăm ông. Sau khi phụ bà vợ lo cho ông trong lần ở bệnh viện vì cả 3 đứa con ông đều ở xa, tuần nào anh cũng tranh thủ tới thăm ông một lần. Ông thì coi anh như người thân nhất trong cơ quan để hỏi chuyện về đứa này đứa khác.

Có nhiều khi anh cũng không hiểu được tại sao mình lại sốt sắng với ông như vậy. Ông không là ân nhân đã đành. Không phải là người đáng kính trọng. Không phải là đồng hương họ hàng hay thân thiết cũ. Hay là quán tính đối với sếp cũ giống như đã có với những người trước?

Anh đã từng qua 5 đời sếp.

So với các sếp sau này, ông sếp đầu tiên để lại trong anh rất nhiều ấn tượng đẹp. Đó là thầy Du, một thầy giáo bộ môn di truyền được trên phân về phụ trách kĩ thuật của trại giống heo nhập ngoại quý hiếm và đắt đỏ thời bấy giờ. Ổng rất giỏi và tinh nghề. Có một chuyện về ông mà bây giờ anh còn nhớ. Một trại heo giống ở miền Trung mời ông làm chuyên gia để tìm biện pháp cứu đàn heo nhập vì ngày càng ốm o gày mòn không phát triển. Ông thăm chuồng trại, xem thức ăn và lội bộ dạo hết quanh vùng xong phán là heo bị sán lá ruột. Người ta phản đối vì lúc đó trong bản đồ dịch tễ thú y miền Trung chưa có sán lá ruột. Ông dám đặt cược và bắt một con yếu nhất đàn đang thoi thóp. Mổ ra, cắt toàn bộ ruột thì sán lá bằng cái móng tay chi chít đếm toàn bộ được 286 con. Thì ra khi di cư vào đây heo đã có mang sán vào. Một con sán trưởng thành mỗi ngày đẻ 2,5 ngàn trứng thì chuyện lây lan nhanh chóng chỉ cần môi trường thuận lợi. Điều này cũng sẵn có luôn là mấy vạt ruộng rau muống xanh tốt xung quanh trại bón phân heo tươi lại có đàn ốc nhỏ phân bố dày đặc là kí chủ trung gian. Heo ăn rau muống có ốc mang ấu trùng khép kín vòng đời nên bệnh phát triển nhanh thành đại dịch. Thế là mọi biện pháp xổ giun, phun thuốc diệt ốc được tiến hành. Tuyên có thêm một bài học khi tìm dịch bệnh phải dựa vào sự phân tích tổng hợp mọi điều kiện. Ông giỏi nhưng không giàu vì những cống hiến khoa học hồi đó chỉ mang lại cho lợi ích chung. Sau này khi ông lâm bệnh trọng, Tuyên cũng tới chăm sóc và đã có mặt bên ông trong những phút cuối cùng. Cho đến giờ, may giỗ ông cách giỗ ông già Tuyên chỉ một tuần nên hầu như năm nào Tuyên cũng cắt phép về Bắc thắp nhang cho 2 người.

Khi Nghĩa Bình chia tách thành 2 tỉnh thì Tuyên không còn được làm lính của thầy Du nữa, mà bác Toàn thay vị trí này để thầy về làm sếp ở Quảng Ngãi. Ông Toàn không giỏi được bằng thầy Du nhưng rất tốt, thương và tạo điều kiện tốt nhất cho anh em làm việc. Mấy cái nghiên cứu ứng dụng giúp Tuyên có bằng khen của Bộ, bằng sáng tạo của Hội liên hiệp KHKT là ở thời gian này. Bây giờ thì ông đã già, nghỉ hưu và sống vui vẻ cùng con cháu. Lâu lâu có điều kiện đi công tác miền Trung, Tuyên đều gắng ghé thăm cố nhân để được hàn huyên chuyện cũ.

*

Bây giờ thì Tuyên lại sắp có sếp mới.

Chị Mai sẽ về hưu trong vòng ba tháng nữa nên đây là thời gian quan trọng để các ứng viên chạy đua nước rút. Không chỉ ứng viên sếp trưởng mà cả sếp phó cũng phải chạy mới đến đích. Và hình như cả 2 nhân vật này đều đã được đề cử, sắp xếp. Theo thông tấn xã vỉa hè thì người thay chị Mai là Đoàn, người thân thiết kề cận sếp Thẩm hồi trước, còn cấp phó là cậu Hanh. Cả 2 người này đều chỉ là đại học tại chức, kém Tuyên về tuổi tác, chuyên môn nhưng hơn hẳn anh về mặt quan hệ ngoại giao và khả năng ăn nhậu. Có người hỏi Tuyên đẹp trai phong độ giỏi giang anh em yêu mến sao không cố gắng chạy chút chức sếp phó để xênh xang với đời. Anh cười xuề xòa thì mình vẫn đang có chức cả 7 năm nay đó thôi. Cái chức trưởng phòng dịch tễ của anh đâu dễ gì ai thay được. Đầu não của mọi cuộc chiến chống dịch gia súc gia cầm trong tỉnh với chẩn đoán đúng và kịp thời, liệu trình điều trị thích hợp đều phát ra từ anh. Ngay cả cậu Đoàn chẳng biết nói thật hay cố tình xoa đầu nịnh nọt anh cũng cười giỡn chỉ cần anh Tuyên đi phép Bắc độ một tháng là cơ quan đủ trống trải rồi. Và anh cũng chỉ muốn phấn đấu để có chuyên môn giỏi chứ biết mình không thể thành sếp. Thành sếp nghĩa là phải ăn nhậu, phải đi lại lo lót quan hệ tốt với những nơi cần, phải mưu mẹo đối phó trong nhiều trường hợp, phải cười chào hay bắt tay một cách khác mình. Làm sếp thời nay cũng ngang với một bộ môn nghệ thuật mà anh biết mình không đủ phẩm chất để theo.

Cách đây 2 tuần, có một trại heo giống liên doanh gặp sự cố. Trong một đêm chết đến bốn chục con heo nái, sáng ra tiếp tục chết thêm cho đến trưa là 18 con nữa. Nếu do mất điện thì sau mấy tiếng điện có lại tại sao heo vẫn chết tiếp? Ông trưởng trại người Malaisia lập tức đến cầu viện cơ quan anh. Kiểm tra và loại trừ từng nguyên nhân một, chỉ sau khoảng tiếng đồng hồ, anh cho mang đi hết những xác heo còn nằm rải rác trong chuồng, mở tung tất cả các cửa trong khi máy lạnh vẫn chạy bởi nguyên nhân là ngạt khí do mất điện. Khi có điện lại, xác heo chết tiếp tục sản sinh thán khí nên heo vẫn chết tiếp. Sau sự kiện này, các trại heo lớn trong tỉnh đều xin số điện thoại và đặt vấn đề nhờ vả cố vấn kĩ thuật mặc dù họ có hẳn cả phòng kĩ thuật ăn lương cao và bằng cấp quốc tế.

Anh cho đó là phần thưởng lớn nhất của mình.

Hiện tại 2 vợ chồng anh đều khỏe mạnh do điều độ trong mọi chuyện và tích cực thể dục. 2 đứa con anh đều du học bằng học bổng tự kiếm chứ không như con sếp Thẩm không đậu đại học trong nước nên phải tống đi và tiền học đong bằng những mảnh đất vàng. Về kinh tế anh không giàu, nhưng sống khá dư giả vì các chủ nuôi chỉ chờ giờ anh nghỉ để nhờ vả tư vấn kĩ thuật, để can thiệp những ca khó và để phẫu thuật cả những thú cưng. Anh nói đồng tiền anh có đều là tiền sạch. Anh thủng thẳng chờ dăm năm nữa về hưu mình cũng sẽ tiếp tục sống bằng tiền sạch và an nhàn thanh thản như bác Toàn sếp cũ.

H.A

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Save Conflict. Your changes conflict with those made concurrently by another user. If you want your changes to be applied, click Back in your Web browser, refresh the page, and resubmit your changes.Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​