Ngày 12/01/2017, tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên - Đồng Nai, Hội thảo "Lý Văn Sâm - nhà văn xuất sắc của miền Đông Nam bộ" do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Thay mặt Đoàn Chủ tọa, Nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai đã có bài phát biểu kết luận Hội thảo. Website Hội VHNT Đồng Nai trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

Nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa phát biểu kết luận Hội thảo - Ảnh: Đào Tấn Hưng
Thưa quý vị đại biểu tham dự
Hội thảo,
Sau thời gian chuẩn bị kỹ
lưỡng và một buổi làm việc rất tích cực, hội thảo “Lý Văn Sâm - nhà văn xuất sắc của miền Đông Nam bộ” đã hoàn thành
nội dung chương trình mà Ban tổ chức đã đề ra. Chúng tôi rất vui được đón quý
lãnh đạo tỉnh, các nhà văn, giảng viên đại học, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ
đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và đại biểu khách mời đến từ các cơ
quan, tổ chức trong tỉnh, ngoài tỉnh và đại diện các cơ quan thông tấn, báo
chí, phát thanh, truyền hình.
Hội thảo đã tập trung trao
đổi về các nội dung được xác định theo chủ đề “Lý Văn Sâm - nhà văn xuất sắc
của miền Đông Nam bộ”, với 8 báo cáo tham luận tại hội thảo trong tổng số 14
tham luận gửi đến Ban tổ chức và 5 ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự.
Hầu hết các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đề cập đến hai
nội dung con người và tác phẩm của nhà văn Lý Văn Sâm. Về con người, các tham
luận tập trung phân tích, trao đổi các mặt tư tưởng, đạo đức, phong cách, tình
cảm và sự tác động, ảnh hưởng của nhà văn đối với các bậc con cháu trong nghề;
về tác phẩm, các tham luận đã đề cập khá toàn diện các mặt quan điểm, hoàn cảnh
sáng tác, thế giới nghệ thuật, phương pháp sáng tác, bút pháp.
Thông
qua các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo, có thể đúc
kết thành mấy ý chính sau:
1. Trước hết là những nhận định về con người của nhà văn Lý Văn Sâm
Qua các tham luận, ý kiến phát biểu, con người Lý Văn Sâm với những tính
chất, đặc điểm nổi bật sau:
- Là người nghệ sĩ giàu lòng nhân ái, say
mê văn chương, có sức sáng tạo vô cùng lớn và khiêm tốn.
Trãi qua tù đày, gian khổ nhưng vẫn một lòng son sắc với quê hương và sự nghiệp
cách mạng.
- Là con người có phong cách làm việc nhẹ nhàng, khéo léo, tế nhị.
- Đối
với đồng nghiệp, Lý Văn Sâm luôn tỏ thái độ tôn trọng, thân thiết. Với
bậc con cháu trong nghề thì ân cần chỉ bảo.
2. Về quan điểm sáng tác, thông qua phát biểu của nhân vật và của chính
nhà văn Lý Văn Sâm, có mấy điểm đáng lưu ý sau:
-
Văn chương có nhiều loại, văn chương
chính đạo là thứ văn khó làm nhất nhưng đó chính là con đường nhà văn đeo
đuổi.
- Người
nghệ sĩ muốn có cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật thì phải sống trong cuộc đời; tìm đề tài và ý
tưởng, cảm xúc từ cuộc sống, tức phải dấn thân và hòa nhập. Văn chương - nghệ
thuật phải gắn với thời đại, phải có ích cho con người.
- Để
làm được điều này, thì sống cần vị tha độ lượng; Tài và Đức cần luôn gắn kết
hài hòa trong mỗi con người.
3. Về thế giới nghệ thuật, phong cách, bút pháp, có mấy điểm
đáng chú ý:
-Về thế giới nghệ thuật:
Thế giới nghệ thuật của Lý Văn Sâm mang đậm bản sắc và có giá trị lưu
giữ văn hóa Đồng Nai. Trong đó có yếu tố truyền kỳ của các dân tộc bản địa và truyền kỳ vùng rừng
núi trong thời khai hoang lập địa, đang sống trong tâm thức cuả
cộng đồng dân tộc.
Truyện
đường rừng của Lý Văn Sâm còn có tính “phong thổ ký”
rất cần cho người đọc hôm nay, kể cả đời sau muốn tìm hiểu về vùng đất mình
đang sống, đang quan tâm.
-Về phong cách, phương pháp sáng tác, bút pháp:
Cốt truyện hấp dẫn,
tình huống truyện đặc sắc, xây dựng được những nhân vật có tính cách lạ thường;
Ở một số truyện, yếu tố truyền kỳ được sử dụng một cách sáng tạo, hiệu quả cao; tạo thành một phong cách, một dấu ấn riêng của
Lý Văn Sâm trong truyện đường rừng Nam Bộ;
Phương pháp sáng tác thể hiện qua đặc điểm hình thức nghệ thuật ám chỉ, phiếm chỉ,
hàm ẩn, ngụ ý, sử dụng cách viết “biểu tượng hai mặt”, hiện thực được
phản
ánh khúc xạ. Lý do là trong điều kiện chế độ nô lệ,
chưa có điều kiện phát ngôn trực diện quan điểm văn chương tiến bộ và cách
mạng, cách thức huyền ảo hóa bối cảnh, nhằm gián tiếp biểu lộ thái độ của mình,
cũng được coi là giải pháp thông minh, cần thiết và mang lại hiệu quả ;
Bút pháp
hiện thực – trữ tình, với sự đa dạng: Ở truyện đường rừng thì bút
pháp của nhà văn vừa hiện thực lại vừa lung linh chất lãng mạn, đầy thi vị; ở
truyện viết về cuộc sống nơi đô thị ngột ngạt với người trí thức bế tắc (trong
hoàn cảnh bị đô hộ) thì bút pháp đậm tính hiện thực và sắc nét tâm lí nhân vật đời thường,
lại còn khéo léo khơi gợi chí hướng cách mạng và bộc bạch tấm lòng của người
nghệ sĩ vị nhân sinh. Với loại truyện viết cho tuổi trẻ trong “Tủ sách thần
đồng” thì nhà văn khơi gợi lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự hào truyền thống.
4. Về giá trị văn chương có mấy luận điểm chính sau đây,
khẳng định giá trị tác phẩm và vai trò của nhà văn Lý Văn Sâm
- Về giá trị, ý nghĩa lịch sử: Truyện của ông được độc giả đương thời mến
chuộng và ông nghiễm nhiên chiếm một vị trí đặc biệt trên văn đàn ở
miền Nam giai đoạn 1945-1954. Những
quan điểm tiến bộ về xã hội và lý tưởng thẩm mỹ, văn chương của ông có sự gắn
bó với thời cuộc và đem lại những hiệu quả tích cực trong sự nghiệp đấu tranh
cách mạng của Đảng và của nhân dân. Ông đã làm rạng danh cho dải đất “quê hương nhau
rún”, “Miền Đông gian lao mà anh dũng”.
Nhờ có
ông cùng nhà văn Hoàng Văn Bổn mà so với các tỉnh miền Đông Nam Bộ sau
ngày giải phóng, Đồng Nai đã trở thành một vườn ươm văn học.
- Về giá trị văn hóa: Bằng tác phẩm của mình, Nhà văn đã đưa văn
hóa Đồng Nai, cũng như những phẩm chất tốt đẹp về tính cách con
người Đồng Nai (tinh thần hòa đồng, yêu thương, đoàn kết, gắn bó với nhau,
hành hiệp trọng nghĩa) đến với bạn đọc cả nước. Những trang viết của
Lý Văn Sâm là hành trang tinh thần quí giá của các thế hệ khi nghĩ về văn hóa
Đồng Nai hôm qua, hôm nay và hướng tới mai sau.
- Về ý nghĩa giáo dục: Tác phẩm của ông có sức sống lâu bền. Loại truyện viết cho tuổi trẻ trong “Tủ sách thần
đồng” là những cuốn sách đạt tiêu chuẩn giáo dục tốt.
Kết quả của hội thảo này sẽ được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai
tổng hợp, biên soạn gửi cho các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền
hình; đồng thời kiến nghị tỉnh Đồng Nai và các sở ngành có kế hoạch nghiên cứu,
chọn lọc, tiếp tục phổ biến tác phẩm trong công chúng, đặc biệt đối tượng trẻ
và học sinh, sinh viên trong nhà trường.
Xin cảm ơn đơn vị đồng tổ chức - Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, các sở,
ngành, đơn vị và cá nhân trong tỉnh đã hỗ trợ chúng tôi tổ chức thành công hội
thảo này. Đặc biệt, xin cảm ơn các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài
tỉnh Đồng Nai đã có bài viết, ý kiến gửi về đóng góp cho hội thảo. Điều đó tạo
thêm động lực cho chúng tôi thêm cố gắng trong việc khẳng định và phát huy các
giá trị nghệ thuật – nhân sinh mà nhà văn Lý Văn Sâm nói riêng, các bậc tiền
bối ở Đồng Nai nói chung, để lại.
Thay mặt Ban tổ chức, tôi tuyên bố bế mạc hội thảo! Chúc quý vị thật nhiều sức
khỏe và thành công!
N.K.H
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO

Dâng hương tại Văn miếu - Ảnh: Đào Tấn Hưng

Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Văn Truyên

Đại biểu chụp hình lưu niệm - Ảnh: Đào Tấn Hưng