Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TRỌN NGHĨA VẸN TÌNH


Truyện ngắn của Trương Thanh Phận

(Nguồn: Sách Đất lành - Nxb. Đồng Nai 2016)

  

Bà Nhẫn đang quét sân thì giật mình nhìn thấy con trai lù lù từ cổng đi vào. Bà trợn mắt nhìn con: Trời đất ơi! Thằng Đáng, thằng Đáng; cha bố mày về đây làm gì? Sau mày không đâm đầu vào chốn xì ke ma túy mà chết luôn đi. Vợ con mày nó bỏ về nhà mẹ nó rồi. Bà cầm chổi đập đập vào lưng, vào chân Đáng. “Đi đi, đi đi.” Đáng nhìn mẹ già nước mắt rơi lã chã ướt cả đôi má nhăn nheo và nhóm tóc mai đã bạc, đưa cho mẹ bì thư và nói: “Mẹ ơi, con không mắc tội gì được tha rồi. Giấy xác nhận con được tha đây này”.

Bà Nhẫn không tin:

- Cả xã người ta đồn ầm lên rằng anh bị bắt cùng 05 đứa, vì đánh nhau, chơi thuốc lắc, tranh chỗ ngồi karaoke với mấy đứa con gái bia ôm.

- Con được tha hẳn rồi, giấy đây mẹ ơi. Người ta nói sai!

Bà Nhẫn mắng:

- Cha bố bây, đi rước vợ con về ngay đi. Đón cháu về cho tôi. Chớ có xí gạt tôi đấy

Đáng gật đầu rối rít:

- Vâng. Con đi ngay đây. Con sẽ đón cháu về cho bà.

Đáng chào mẹ và chạy vội đi. Bà Nhẫn nhìn theo, chép miệng:

- Cha bố nó. Con với cái, có lớn mà không có khôn.

Ông Thước vừa về đến nhà nói ngay:

- Bà chửi thằng bố nó thì bố nó về đây... Lý ra bà phải hỏi con xem đầu đuôi tội tình nó ra sao rồi hãy đuổi nó, chửi bố nó. Bà chửi thằng bố sao không chửi con mẹ luôn? Tôi thấy bà không được như cái tên bà đâu bà Nhẫn ơi, bà không kiên nhẫn chút nào. Bà độc mồm độc miệng chửi con, chửi chồng như hát hay. Tôi đi họp về đứng ngoài nghe bà chửi mà phát buồn. Đừng có lắm lời, thiên hạ người ta cười cho...

- Thôi, ông đừng lên lớp tôi nữa. Biết rồi. Tôi hỏi ông, hôm nay họp ấp để làm gì thế, tình hình thế nào? Bà Nhẫn hỏi.

Được cớ ông Thước nói luôn:

- Hôm nay cán bộ xã đến họp nghe dân đóng góp ý kiến xây dựng con đường từ trụ sở Ủy ban vào đến ấp 3 nhà mình. Họp bốn lần rồi chưa xong. Cả xã đã hoàn thành 18 tiêu chí, chỉ còn một tiêu chí là chưa, vì 800m đường từ trụ sở Ủy ban đến ấp 3 nhà mình chưa bê tông nhựa hóa kiên cố như đường của những ấp khác, tiêu chí về đường giao thông nông thôn chưa được công nhận. Cũng tại một số hộ trong đó có nhà mình còn chưa thông cái vụ đóng góp đền bù giải tỏa.

- Vậy thiên hạ người ta nói những gì?

- Cán bộ xã giải thích cho dân hiểu xây dựng nông thôn mới phải làm những gì, kinh phí ai lo. Dù là công trình nào, tiêu chí nào cũng được tính toán cẩn thận, công khai, minh bạch cho toàn dân biết. Nhà nước và nhân dân cùng làm kia mà.  Dân ấp 3 mới đây đóng góp làm đường mà có đòi hỏi tỉnh, huyện chi đồng nào đâu. Người ta còn bảo, mình làm đường cho mình đi, có lợi cho việc làm ăn của mình chứ lợi cho ai mà phải đền bù.

- Ông nói thế nào, khó nghe quá. Mà thôi. Mấy vị tính sao thì tính, tôi dứt khoát không chịu đâu.

- Bà nó nghe đã. Qua mấy cuộc họp, hầu hết các hộ trong ấp đều đồng ý đóng góp và triển khai kế hoạch làm đường. Toàn ấp nhất trí 3 ngày nữa tiến hành san lấp, mở rộng mặt đường. Chỉ mỗi nhà mình là chưa chịu. Bà con hỏi: “Ông bà Thước, Nhẫn tính sao? Có nhất trí hiến đám ruộng để nắn đoạn đường cong cho thẳng đẹp không? Tôi mắc cỡ, hứa với bà con: “Để tôi về tham khảo ý kiến của bà xã đã’’.

- Trời đất ơi! Ấp này có mấy hộ hiến đất đâu. Đất của tôi rộng thế, không lẽ hiến cả hay sao. Tôi dứt khoát không chịu, còn lâu!

- Bà ơi! Cả nước khắp nơi người ta góp công của, tiền bạc để xây dựng nông thôn mới. Có nhà ở một xã nghèo miền Tây còn hiến cả mấy mẫu đất để làm trường học, xây trạm xá, làm đường cho con em đi học. Người ta nói: “Tôi làm theo lời dạy của Bác Hồ mong muốn cho ai cũng được học hành. Ở đây còn thiếu trường, lớp thì tôi hiến đất xây trường”. Họ làm nhiều chuyện hay lắm. Bây giờ bà dọn cơm cho tôi ăn. Ăn xong tôi phải đi ngay. Bà cứ nghỉ trưa đi, tôi tranh thủ qua ông bà sui gia xem vợ chồng thằng Đáng thế nào, tối về tôi sẽ bàn tiếp với bà…

***

Sau cuộc họp dân ấp 3, ông Thước hẹn với Chủ tịch xã chiều nay đến nhà để thưa chuyện. Chủ tịch xã mỉm cười nói:

- Ông thông cảm. Tôi với ông đã mấy lần gặp trao đổi việc công việc tư rồi. Tôi hiểu tâm tư của ông. Chiều nay tôi bận đi họp trên huyện, ông gặp chủ tịch Mặt trận vậy.

Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Phiên mái tóc muối tiêu, bộ râu quai nón và râu cằm bạc xén gọn như một giáo sĩ. Ông cười nói với ông Thước:

- Tôi biết ông đang băn khoăn điều gì.

Ông Phiên sai con pha nước  và dẫn ông Thước đi xem nhà cửa, vườn tược, hỏi chuyện vui vẻ:

- Ông Thước thấy nhà tôi, vườn cây có đẹp, rộng như nhà ông không?

Ông Thước trả lời:

- Cũng gần như nhau ông ạ. Nhà tôi có 01 trệt, 01 lầu, có 7 phòng. Nhà tôi cũng có vườn cây trái tươi mát, trước sân và quanh nhà như nhà ông.

- Vậy là tốt rồi. Mời ông vào nhà uống nước, rồi ta chuyện tiếp.

Vào bàn nước, ông Phiên hỏi ngay:

- Ông gặp hỏi có chuyện gì vậy? Đã bàn với bà nhà chưa. Xã mình trước giải phóng ngào xơ xác, dân thưa thớt, nay ít nhất 50% nhà đã khá giả như nhà tôi, nhà anh. Chương trình nông thôn mới này ai cũng hưởng ứng, muốn đóng góp cùng nhau xây dựng dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã chủ trương tuyên truyền cho mọi người dân hiểu, tự nguyện tham gia chứ không áp đặt. Tôi nói vậy chắc ông hiểu ?

- Ông ạ. Tôi hiểu nhưng cái khó của tôi là bà vợ tôi chưa thông, chưa muốn mất mấy sào ruộng. Cũng vì thế mà nhiều người nghĩ sai về tôi. Có người rỉ tai xầm xì “Ông này râu quặp sợ vợ, cái gì cũng phải xin ý kiến bà xã? Có người độc mồm còn bảo, cha Thước ngày trước là lính ngụy được tha, không xuất cảnh qua Mỹ. Bây giờ còn không biết điều”... Nghe vậy tôi tủi thân lắm. Hồi trước giải phóng, tôi bị bắt đi quân dịch vì không có tiền lo lót cho chính quyền. Giải phóng xong tôi đã đi học cải tạo. Sau đó ra trại về lấy vợ làm ăn, sống chết mấy chục năm với ấp này. Tôi có làm gì sai đâu?

Ông Phiên chợt hiểu, liền động viên:

- Ông đừng mặc cảm. Xã mình có mấy chục người đi lính chế độ cũ chứ riêng gì ông. Hoàn cảnh lúc đó nó xô đẩy người ta mà. Năm 1972 tôi cũng đi lính ngụy, tôi lại là người Công giáo nhưng mình sống tốt thì chẳng ai ghét bỏ. Tôi và anh bây giờ đều là công dân, bà con còn bầu tôi làm Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. Tôi và anh cùng nhiều người đang đi trên một con tàu lớn, không ai lại nỡ đẩy chúng ta rơi khỏi con tàu này, đừng mặc cảm nữa. Gắn bó với làng xã, cùng làm tốt mọi việc, ích lợi cho xã cho nhà, tức là mình yêu nước. Lãnh đạo phải làm sao tuyên truyền cho mọi gia đình thông suốt chủ trương xây dựng nông thôn mới. Đoàn kết, đồng lòng, chung sức. Đoàn kết là số một để thực hiện thắng lợi xây dựng nông thôn mới. Tôi tin chắc bà Nhẫn nhà ông sẽ hiểu ra và cùng con cháu hợp sức đóng góp xây dựng quê hương.

- Ông nói vậy làm tôi yên lòng. Tôi sẽ cố thuyết phục vợ, không bàn cãi nữa.

Rời nhà chủ tịch mặt trận, ông Thước đến ngay nhà ông sui ở ấp 4. Hai ông gặp nhau chuyện trò vui vẻ gần một giờ đồng hồ. Đáng và Dịu nhìn hai ông bố trò chuyện có vẻ ăn ý nhau. Ông Cửu mời:

- Hôm nay mời ông sui ở lại đây ăn cơm.

Ông Thước chối:

- Xin ông thông cảm, đang có chuyện cần về nhà bàn với bà nhà tôi; để hôm khác tôi đến hàn huyên với ông lâu hơn, cho tôi gặp hai con để nói cho chúng biết công việc của gia đình tôi sắp tới.

Ông Cửu nói:

- Cũng được, lần sau tôi sẽ tiếp ông. Còn thằng rể Đáng này chưa được về với ông đâu. Tôi giữ nó ở đây dạy cho nó thêm bài học. Luật bên Đạo là đàn ông không ai được bỏ vợ. Đàn bà cũng không ai được bỏ chồng. Con Dịu nhà tôi hiền lành nết na, đắn đo mãi tôi mới đồng ý gả nó cho con ông đấy. Nếu thằng Đáng phạm tội thật, bị bắt đưa ra Tòa xét xử thì thật khổ cho con gái tôi.

Ông Cửu quay sang Đáng:

- Đáng à! Mầy thoát khỏi sự cám dỗ rồi, nhưng mai mới được đưa vợ con về với ông bà nội, nghe chưa.

Dịu nhìn chồng nói:

- Anh nghe rõ chưa, đừng có mà linh tinh. Hồi mới yêu, muốn cưa người ta bằng được thì nói ngọt lắm... Vậy mà suýt nữa bị gái bia ôm và thuốc lắc nó lôi. Em mà biết đứa nào rù quyến anh thì nó chết với em.

Đáng cười nhìn vợ:

- Hai bên bố mẹ và mọi người đều biết anh bị oan và được tha mà, anh đã có giấy được chính quyền xác nhận vô tội, có vậy thì anh với em mới được về cùng bố mẹ sum họp hôm nay chứ. Em đừng “ tố” chồng nữa kẻo bố lại buồn.

Dịu đáp liền:

- Bố anh cũng là bố em. Ta đừng nói nhau gì nữa, bố gọi ra căn dặn gì kia kìa.

Ông Thước chào ông sui rồi đi ra trước nhà gọi hai con nói chuyện rì rầm, dặn dò các con mai xử lí thế nào với việc chung, riêng.

Đáng hăng hái:

- Con hiểu mong muốn và ý nguyện của bố rồi, con sẽ cố gắng thuyết phục mẹ để nhà mình trọn tình vẹn nghĩa với làng xóm...

***

Bà Nhẫn ngồi chờ bên mâm cơm. Ông Thước về tới sân kêu to:

- Tôi về đây, tôi biết bà chờ cơm mà, đúng không? Bà tưởng tôi giận bà à?

- Con dâu và cháu tôi đâu, sao không cùng về. Ông giận tôi chứ gì?

Ông Thước lắc đầu:

- Tôi đâu có giận nổi bà. Hôm nay tôi vui lắm. Tôi sang gặp ông sui, gặp các con. Thằng cháu nó ngủ nhìn dễ thương lắm bà ơi. Mai tụi nó mới đưa cháu về.

- Ông đi rồi, tôi ở nhà được mấy người hàng xóm đến nói cho biết ấp họp nói những gì về nhà mình. Họ nói ông sợ vợ, không dám quyết điều gì.  Ông nhớ lại đi, mười năm trước mình cực khổ biết bao, các con còn nhỏ, tôi với ông vất vả bới đất, nhặt cỏ, trồng bắp, mì, khoai môn, cây trái để có cái ăn. Khấm khá rồi gom tiền nuôi heo, mua thêm đất, rồi xây nhà, cưới vợ cho con. Chuyện làm đường ở ấp 3 nhà mình, tôi cũng ham lắm. Nhưng mà hiến mảnh đất dọc đường gần cả mẫu Tây tôi tiếc lắm.

Ông Thước ôn tồn nói:

- Tôi biết bà tiếc đất, tôi cũng tiếc nhưng suy cho cùng có mất đi đâu, mình góp chung để làm đường vào nhà mình. Ta phải làm con đường thật đàng hoàng như các ấp trong xã. Những hộ có đất góp mở đường đều được đền bù cả.

– Tôi hiểu, nhưng…

– Nhưng cái gì ?

– Nhưng ông phải để cho tôi nghĩ thêm một chút nữa. Số đất nhà mình nếu góp làm đường là mảnh đất to nhất. Góp ngay, hiến ngay bà con lại tưởng nhà mình giàu. Nhà mình đã làm gì mà giàu, mới đủ ăn, hơi dư một chút.

– Nhưng bà và các con ủng hộ ý kiến của tôi đi, cùng nhất trí góp mảnh đất rồi lấy tiền đền bù. Bà phải quyết nhanh, tôi khỏi phải chờ lâu.

Buổi tối các con chưa về, ông Thước bật điện cho nhà cửa sáng trưng, mở tivi hỉ hả gọi:

- Bà ơi! Xong việc chưa, vào xem tivi nghe dân ca Bắc Trung Nam hay đáo để…

Hai vợ chồng ngồi xem tivi, ông Thước nắm cánh tay vợ nói nhỏ:

- Bà dạo này ốm quá đấy! Không xem tivi nữa, tôi với bà đi ngủ sớm để ngày mai còn lo công chuyện. Mấy ngày nay tôi đi lại nhiều mệt lắm. Bà vào đấm lưng, bóp vai cho tôi một lúc. Tôi cũng “ đổi công” lại cho bà, được không? Già rồi chỉ chăm nhau miếng cơm miếng nước, đấm lưng cho nhau là tốt rồi, phải không bà. Tôi buồn ngủ quá.

Bà Nhẫn nhăn mũi nhìn chồng:

- Hôm nay tôi thấy ông khác lắm, chưa gì đã buồn ngủ? Lại thở ra toàn hơi rượu?

- Bà ơi. Tôi vui mà, cũng uống tí chút, một ly hột mít rượu sâm cao ly thôi.

- Ông nằm gối của ông đi, tôi nằm tráo trở đầu đuôi cho dễ ngủ.

Ông Thước kêu lên:

- Ôi trời, nằm tráo trở đầu đuôi thì nói làm gì. Tôi muốn bà và tôi thân mật kia.

– Ông lại say rồi. Nằm bên ông hôi mùi rượu khó chịu lắm. Cái đầu ông nghĩ khác, cái đầu tôi nghĩ khác nên mỗi cái đầu phải quay về một phía thôi.

– Bà bảo tôi nghĩ khác bà cái gì nào?

– Ông nói với tôi hôm trước là: Bà lấy tiền bồi thường đất, hay hiến một phần đất thế nào cũng được? Vậy là ông nói nước đôi không giống tôi nghĩ rồi. Tôi bảo nghĩ thêm là tôi quyết định hiến cho ấp, cho xã toàn bộ mảnh đất đó làm đường, không lấy tiền bồi thường để cho ông và các con được vui, cả nhà đoàn kết. Vậy mà ông nói nước đôi, bởi vậy tôi phải nằm quay đầu xuống cho ông quay đầu lên.

– Bà Nhẫn ơi, bà già rồi mà vẫn cái tính hài hước như thời trẻ. Tôi hiểu rồi. Giờ tôi không nói nước đôi nữa, vậy là ý nghĩ của tôi hoàn toàn giống bà.

Ông Thước ôm vợ vào lòng. Hai ông bà nằm bên nhau yên bình. Hồi sau ông thiếp đi, trong mơ ông thấy công trường san lấp làm đường đông vui nhộn nhịp, con đường sạch đẹp, khang trang. Bà Nhẫn ăn mặc đẹp, bế đứa cháu nhỏ đang đứng ngắm con đường mới.

 

T.T.P​

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​