Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BA MƯƠI NĂM - MỘT CHỐN ĐẤT LÀNH


Bút ký của Trần Thu Hằng

(Nguồn: Sách Đất lành - Nxb. Đồng Nai 2016)

 

 Tìm đến Sông Ray

Ngày 25/2/1985, đoàn kinh tế mới từ huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé (nay là Bình Phước) đến Sông Ray (Cẩm Mỹ ngày nay). Đây là bước ngoặt lớn đối với những người dân nguyên quán huyện Xuân Thủy- tỉnh Hà Nam Ninh ngày ấy (nay là huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), và may mắn cũng là bước ngoặt cuối cùng, để đất lành hóa quê hương đến nay đã hơn 30 năm…

Trưởng đoàn là ông Trần Ngọc Thảnh, nguyên là giao liên thời 9 năm chống Pháp, bộ đội và dân công hỏa tuyến những năm 1965 - 1968. Khi rời xã Xuân Thủy năm 1981, ông bà đã 44 tuổi, cặp nách 6 người con và đã có “thâm niên” hơn 20 năm xa nơi chôn nhau cắt rốn (vốn là thôn Ngọc Liên, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Thủy tỉnh Hà Nam Ninh, nay là tỉnh Nam Định). Năm 1981, gần 100 nhân khẩu đã rời Xuân Thủy vì đất ngập mặn, ruộng và đê bị sạt lở tới 2,5 km, cộng với thiên tai, bão lũ gây mất mùa liên miên. Vào Đồng Phú được gần 4 năm, nếm trải đủ mọi cung bậc ngọt bùi của đời người phát rẫy, khai hoang, ông bà quyết định đi theo tiếng gọi của cây công nghiệp (huyện Xuân Lộc ngày xưa bao gồm thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ rất nhiều người trồng cây công nghiệp) nên tìm đến Nông trường Thị trấn Sông Ray.

Thực ra, ông là người hoạch định chính, bà là “tổng chỉ huy” từ việc nuôi dạy con cái, đến hỗ trợ cho ông cả việc nhà lẫn việc của làng nước. Ông và một số người anh em đã từng đi khắp nơi, đến cả Cà Mau trước khi quyết định về Sông Ray lập nghiệp. Chuyện tổ chức cả đoàn đi “kinh tế mới” cũng hết sức quy củ, công phu, song bắt đầu bằng việc ông Thảnh được người làng tín nhiệm, giao cho một tờ giấy tiếp nhận từ Đồng Phú gửi về. Phân tích thiệt hơn, đấu tranh tư tưởng và làm “công tác tư tưởng” với gia đình khá lâu, vợ ông mới đồng ý vào Nam. Nhờ tính toán kỹ lưỡng, làm việc theo đúng định hướng và nguyên tắc nhà nước mà ông Thảnh đã gỡ được những thủ tục, quy định tưởng như không thể vượt qua được.

Thế là, hơn một năm bà ở với con cái ở Đồng Phú, ông cùng người con trai thứ đi Sông Ray trước vào năm 1984. Phải đi đong từng bữa gạo để ăn, song ông có nghề đóng thuyền, sơn thuyền, cứ làm vài bữa có tiền lại chạy về lo dựng nhà và đổi công cho bà con những ngày đầu khởi nghiệp. Lại một hành trình dài lê thê những thủ tục, hồ sơ, không chỉ cho gia đình ông mà 12 hộ đi cùng đợt đó, cùng nhiều hộ gia đình đến tiếp những đợt sau. Bằng sự kiên nhẫn vô biên, cộng với vốn chữ nghĩa mà cha ông, một ông đồ kiêm thầy thuốc, để lại, ông đã lo được hộ khẩu, xin được đất cho các hộ canh tác, và không một cháu nhỏ nào phải bỏ học. Chưa kể những lần làm đơn từ xin cấp đất, vay hạt giống, mượn nơi ở tạm… cho mọi người.

Ban đầu, đoàn kinh tế mới chọn Thị trấn Sông Ray làm nơi định cư, sau đó tỏa lên xã Lâm San ngày nay. Những năm 80, Sông Ray còn thuộc về huyện Xuân Lộc, là đất rừng hoang sơ, được chia thành 4 nông trường do Quân khu 7 tiếp quản. Sau khi bộ đội Quân khu 7 rút đi, Ủy ban Nhân dân Thị trấn Nông trường Sông Ray đã tạo điều kiện cho người dân kinh tế mới được tiếp nhận đất đai, sản xuất, nuôi trồng và ổn định đời sống. Ông Vũ Văn Cảm, lúc đó là Chánh Văn phòng UBND thị trấn, đồng thời là Phó giám đốc Nông trường Thị trấn Sông Ray vẫn nhắc lại: “Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ của mình, tiếp nhận những đoàn kinh tế mới có gia đình, có giấy tờ hộ khẩu đầy đủ. Đoàn kinh tế mới Hà Nam Ninh là đoàn thứ hai đến đây, và là đoàn có tổ chức tốt nhất, sớm ổn định, và sinh sống, làm ăn bền vững nhất cho đến nay. Ban đầu, chúng tôi tin vào sự đại diện của cụ Trần Ngọc Thảnh, và tin vào những người nông dân chăm chỉ, chất phác…”. Ông Đoàn Bứa, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Ray (giai đoạn1985 - 1989) vui vẻ kể lại quá trình đấu tranh với các cấp ủy, bảo vệ cho đoàn những ngày đầu lạ nước lạ cái: “Tôi làm đúng chính sách, chế độ. Mọi người đi kinh tế mới đều có quyền lợi như nhau, đều được chăm lo như nhau…”.

Sau gần hai năm, đoàn kinh tế mới đã ổn định tại vùng đất ruộng thuộc khu 4 Sông Ray, vốn là của một đơn vị bộ đội tăng gia trả lại Nông trường (nay thuộc địa bàn xã Lâm San). Có được thông tin đó ông Thảnh đã đứng ra xin UBND Thị trấn Nông trường Sông Ray giao cho được tiếp quản và chia cho bà con mới đến lập nghiệp. Ông Thảnh còn được bà con tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Sông Ray. Hai ông Bứa - Thảnh đã gắn bó với nhau như anh em ruột thịt, sát cánh bên nhau chăm lo cho bà con đến từ Hà Nam Ninh, Cao Bằng và các tỉnh thành khác.

Đất lành - quê mới

Ông Phạm Văn Hảo, sinh năm 1949, bộ đội phục viên, cũng là người thôn Xuân Thủy. Năm 1985, khi vào Đồng Phú, Sông Bé, ông nghe nói bà con người làng muốn ổn định đời sống ở Sông Ray, ông liền cùng vợ quảy đôi quang gánh tìm đến nhà ông Trần Ngọc Thảnh… Ông Ngô Minh Tuấn, sinh 1942, đã từng phục vụ trong hải quân tại Hải Phòng, chuyên đi đào giếng thuê khắp Sông Bé để nuôi 7 đứa con. Nghe nói ở Sông Ray, người làng Xuân Thủy đã vượt qua đói kém, chấm dứt cảnh làm thuê cuốc mướn mà trồng bắp được 4 - 5 tấn/ha, ông đã dắt díu vợ con về đây… Ông Tuấn kể với giọng run run xúc động: “Thật là ngoài sức tưởng tượng, vì vụ bắp năm đó (1989) được tới 13,5 tấn/ha. Quyết định về đây sinh sống là rất đúng đắn đối với những người nông dân như chúng tôi”. Đến nay thì cả hai ông đều đã được an hưởng tuổi già, con cái đều phương trưởng, hiếu thảo và chí thú làm ăn.

Ông Thảnh dẫn đoàn đầu tiên đến Sông Ray năm 1985 thì cuối năm, ông Nguyễn Mạnh Thắng cùng một số bà con đến trông cậy những người đồng hương ở khu 4. Ông Thảnh vận động một số bà con (những người đi trước) hỗ trợ và chia sẻ một phần ruộng đất để giúp sớm ổn định cuộc sống. Là đảng viên, ông Thắng đã chuyển sinh hoạt đảng về địa phương và tham gia chính quyền xã, đến năm 2014 mới chính thức “được” nghỉ hưu. Thỉnh thoảng, cả bốn ông cùng ngồi với nhau, ôn lại những ngày tháng ban đầu vô vàn gian khổ nhưng rất đẹp của 30 năm trước. Nhưng không chỉ có thế. Điều mà cả bốn ông cụ rất tự hào, song cũng rất lo lắng chính là hoạt động của Hội đồng hương liên tỉnh miền Bắc, mà ông Ngô Minh Tuấn đang làm Hội trưởng. Năm 1985, Hội đồng hương Nam Định ra đời ở Sông Ray, với mục đích là giúp đỡ, tương trợ nhau ổn định cuộc sống ở vùng kinh tế mới. Lúc đó, mới chỉ có 45 hộ tham gia, đến nay đã có trên 120 hộ, và được mang một cái tên rất đặc thù là “Hội đồng hương liên tỉnh”. Với tài xoay sở, tính toán căn cơ của ông Hội trưởng, từ số vốn được tiếp nhận tháng 2/2004 là 9,5 triệu đồng, đến nay quỹ đã lên đến 94 triệu đồng; hàng năm vẫn đảm bảo việc liên hoan, thăm hỏi bệnh tật, lo các đám hiếu, và cho 25 hộ vay vốn làm ăn.

Hội có những quy định rất rõ ràng, là khi gia đình nào bị hỏa hoạn hoặc có việc hữu sự, mọi người trong Hội phải có mặt hết, mỗi người một tay lo giúp mà không hề tính công cán gì… Chính vì vậy mà Hội đã cất nhà cho nhiều người, hỗ trợ những gia cảnh bệnh tật, khó khăn. Sức lan tỏa của Hội ngày một xa, số gia đình tham gia, đóng góp ngày càng nhiều. Nhưng có một điều trăn trở mà theo ông Hội trưởng, đó là có được thế hệ kế thừa đủ tâm huyết, nhiệt tình để duy trì và phát huy cái “vốn” mà Hội bấy lâu gầy dựng được.

Để tìm hiểu về quá trình 30 năm Đổi mới (1986 - 2016), tôi về Sông Ray để tiếp cận với những thành quả Nông thôn mới của huyện Cẩm Mỹ. Được gặp những người cán bộ và nông dân “nổi danh một thời” của Nông trường Thị trấn Sông Ray ngày ấy, tôi mới hiểu được phần nào những khó khăn, gian truân của họ, và cảm thấy hạnh phúc thật sự khi nghe họ tâm sự rằng rất hài lòng với những gì đã nếm trải, chia sẻ cùng nhau (tính ra là hơn 50 năm từ Xuân Thủy, và 30 năm ở Sông Ray). Những người đi khai hoang, vỡ đất năm ấy, bây giờ đã là những người nông dân giàu kinh nghiệm, đã góp phần cho thành công của Chương trình Nông thôn mới, với mục tiêu toàn huyện Cẩm Mỹ sẽ hoàn thành chương trình vào năm 2016. Gặp lại ông Vũ Văn Cảm, ông Đoàn Bứa, các ông cười sảng khoái khi nói đến quê hương đổi mới, anh em thời kháng chiến nay “bốn biển một nhà”…

Giữa những cơn mưa đầu mùa tươi mát, chứng kiến những vườn điều đang nảy chồi mới, những vườn tiêu tươi xanh, những rẫy bắp đang trổ cờ mạnh mẽ… và nghe các cụ chia sẻ những hồi ức của 30 năm ngọt bùi vỡ đất, mà ngộ ra rằng “bàn tay ta làm nên tất cả!” Thế hệ kế thừa cũng không ở đâu xa, đó là những người như vợ chồng anh Trần Văn Cửu, sinh năm 1972, cán bộ xã Sông Ray, người đang phụng dưỡng cha mẹ là ông bà Trần Ngọc Thảnh; là anh Trần Đăng Ninh, sinh năm 1975, người con út của ông bà Thảnh, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên; là anh Đinh Trọng Bào sinh năm 1985 hiện là Phó Bí thư Đoàn xã Lâm San (anh Bào được bà con trong đoàn kinh tế mới Hà Nam Ninh đến lập nghiệp tại Sông Ray nói vui là “công dân đầu tiên ở Xóm Bào” vì được sinh sau ít tháng gia đình đến lập nghiệp tại đây); là anh Nguyễn Đức Thể, đang là chuyên viên của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai… Thành quả hôm nay, theo ông Trần Ngọc Thảnh, là xuất phát từ chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước về kinh tế mới, là sự nhìn xa trông rộng của các cấp cán bộ lãnh đạo, và cả sự dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh của các thế hệ…Và đơn giản đó là sự no ấm, hạnh phúc mà ông Nguyễn Mạnh Thắng nhìn nhận: “Nếu ngày đó không có những người tiên phong như cụ Trần Ngọc Thảnh đây, đã đi tìm vùng đất mới (Sông Ray, Lâm San ngày nay) và giúp đỡ chúng tôi, thì chắc con cái chúng tôi ngày nay lại phải đi…”; “có được cuộc sống hôm nay chúng tôi thấy rằng ngoài định hướng đúng của Đảng, Nhà nước thì vai trò tiên phong của những người đi trước vì “người đi trước rước người đi sau, người đi sau luôn trân trọng người đi trước” và hôm nay cái ấm của tình người là cuộc sống ở quê mới, anh em, họ hàng vẫn được quây quần bên nhau”.

 

T.T.H​

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​