Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
LONG THÀNH VÀ NÔNG THÔN MỚI

Bút ký của Nguyễn Trí

(Nguồn: Sách Đất lành - Nxb. Đồng Nai 2016)

 

Tôi đến Đồng Nai vào năm 1980.

Những năm tháng ấy, về kinh tế hầu hết mọi nơi trên đất nước đều khó khăn. Vừa kết thúc hoạ xâm lược thì tiếp tục cuộc chiến Tây Nam song song cùng bá quyền phương Bắc. Lại thêm vụ chuyển lửa về quê nhà của Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Tuý vân vân. Cái gọi là cấm vận của nhà cầm quyền Mỹ là một và sự sai lầm của mô hình hợp tác xã nông nghiệp là hai đã khiến dân ta lâm khốn đốn. Kẻ có tiền của tìm mọi cách để vượt biên vượt biển. Một số khác đi kinh tế mới. Một số lớn khác ở miền Trung đất cày lên sỏi đá chạy vào đất đỏ bazan. Kẻ làm thuê làm mướn kiếm cho chính mình hạt gạo và chuyển về quê nhà nuôi cha già mẹ yếu em thơ. Một nhà thơ đã viết “cơm áo không đùa với khách thơ”. Thuở ấy, cái đói không đùa với tất cả chứ không riêng thi ca hay văn ca.

Từ 1980 đến 1984, tôi dọc ngang trên các miền kinh tế mới ở Đồng Nai kiếm cơm với nghiệp tham gia các băng nhóm phá rừng. Sống với rừng lâu năm trong hoàn cảnh thiếu thốn nên chuyện bị sốt rét quật chí mạng là thường. Của làm ra tôi nuôi hết bốn phần cho bệnh tật, hai phần cho rượu, cái dòng tha phương cầu thực thì chỉ có rượu là bạn thiết. Vì thế cho nên ngay cả tiền về quê ăn tết còn không có nói gì gửi về giúp đỡ gia đình. Nếu như độc thân cho đến ngày về với đất mẹ thì cũng chả có chi phải bàn, đằng này đã túng cùng tôi lại ham vui.  Nói vậy chứ vui ai không ham. Đúng không?

Lấy vợ xong, tôi ngẫm nghĩ phải có một nơi ở cố định. Vô sản thì chỉ có vô sâu và xa mới kiếm được tí đất mà dựng đời chứ phố thị còn khuya mới có tên mình. Tôi đưa bà xã lên một miền kinh tế dân lập cách xã Tà Lài mười ba cây số. Xã Tà Lài nằm trên lộ 20 và muốn đến miền kinh tế mà tôi nói phải mười ba cây số. Thuở ấy chỉ có một chiếc xe đò chạy than đưa khách từ trong sông lên Sài Gòn. Hai vợ chồng tôi gì chứ đi bộ là số dzách. Đến cây số năm rưỡi giải lao một cái rồi lết đến chợ cây số mười giải thêm cái nữa. Từ chợ lại lô ca chân đến cây số mười ba. Chưa hết, rẽ trái hai cây nữa mơi đến khu sáu gia đình. Đây mới là nơi người Hoa ở chợ Định Quán lập nghiệp. Họ rất cần phu để làm cỏ, trồng cà phê và thuốc lá.

Ý đồ của tôi là đất mới phá lâm nên còn rẻ. Hai vợ chồng thương khó làm thuê một thời gian sẽ cố gắng mua dăm ba sào chi đó mà lập cơ đồ. Than ôi. Mưu sự tại nhân thành sự tại… bệnh. Vùng đất này ma thiêng thứ dữ. Cái giếng sâu có một mét mà phèn đỏ lừ. Tắm một tuần là trắng như Hằng Nga cũng vàng khè một màu phèn sắt. Nhìn cái bụng vợ lum lên tôi hết muốn cư ngụ ở xứ này một ngày nào nữa hết. Ngó qua ngó lại thấy bà con cô bác cùng phận thuê mướn ngã ngựa vì sốt, lũ lượt về quê. Vậy là tôi cùng vợ vù một hơi về Suối Nho. Sau năm năm ở Suối Nho, tôi dành dụm được ba đứa con và… hai bàn tay trắng. Lại dẫn vợ con bay lên cây số 107 quyết sao cho có miếng đất để sinh tồn. Sau chín năm xứ này, tôi thêm một trự con trai. Cái mơ ước được sào đất là vô vọng. Biết mình vô duyên với nương rẫy và rú rừng, tôi liều mạng về Sài Gòn. Tự nhủ chết ở phố ít tăm tối hơn ở rừng. Nhưng phố xá mà không nghề nghiệp, không vốn liếng tha phương biết chi ngoài trừ lê thân đi bán vé số. Ở phố được hai năm bồ câu cùng kiếp lũ lượt bay. Nghe đâu ở xứ đó xứ kia thóc lúa dễ kiếm lắm. Tôi cũng tò mò đưa mắt nhìn về xứ ấy.

Xứ ấy là Long Thành huyện, thuộc Đồng Nai tỉnh.

Thiên hạ đi tôi cũng bỏ phố mà đi. Vé số mỏi chân và mỏi miệng quá trời ạ.

Sau hai mươi ba năm từ 1980 đến 2003 tôi vẫn trên răng dưới dép. Thậm chí không có lấy một mái nhà. Đến đâu là thuê mướn kiếm chỗ chui ra chui vô đến đó.

***

Thật may mắn khi tôi chọn Long Thành làm bến đỗ cuối cho cuộc đời.

Đó là nói chuyện bây giờ. Khi Long Thành đã là huyện nông thôn mới và xã Long An - nơi tôi cư ngụ không một ấp nào không là ấp văn hoá. Năm 2003, nghĩa là cách hôm nay những mười bốn năm thì huyện Long Thành còn phôi thai lắm. Dọc hai bên quốc lộ 51 từ Ngã  ba Thái Lan đến giáp huyện Tân Thành của Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ toàn ruộng là ruộng. Lộ 51 xuống cấp trầm trọng và vẫn chưa có một kế hoạch nào để cải tạo. Đời sống của nhân dân trong huyện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Một bộ phận nên và ra vào thời điểm ấy là công nhân trong những đồn điền cao su. Cao su là mặt hàng xuất khẩu chiến lược được mệnh danh là vàng trắng. Để được là công nhân trong ngành cao su khó hơn hái sao trên trời. Ai có tay nghề cạo mủ nhưng không trong biên chế đi cạo mướn là đã ngon lành lắm.

Lúc ấy theo tinh thần Nghị định 59 đi đâu phải tạm vắng tám trú mới là công dân. Tôi thì một mảnh giấy lộn cũng không có. Chả là tôi bỏ nơi thường trú đi lâu quá nên bị xoá khẩu, vì thế không thuê trọ được ở thị trấn Long Thành. Một tay thợ lôi tôi đi phụ hồ cám cảnh nên dẫn xuống ngụ trong một cái chòi kề bên nghĩa địa làng với giá rẻ. Cái chòi của bà chị vợ anh ta không ai dám ở vì sợ… ma. Tôi thì chả ma cỏ chi ráo. Rẻ là tốt rồi. Bầy con và bà xã ở trong chòi, riêng tôi mắc cánh võng trên hai cây bạch đàn đêm đêm nằm đòng đưa cầu nguyện sao cho gặp một con ma thử nó có đi hổng cẳng không cho biết, nhưng nào có thấy chi. Tôi suy rằng ma cỏ là sản phẩm tưởng tượng của con người chứ thiệt ra không có.

Lúc ban đầu ở Long An tôi và mấy đứa con theo vợ chồng chủ chòi đi mót mủ cao su trong ấp Xã Hoàng. Nói tiếng mót cho có vẻ lương thiện chứ thực ra là đi ăn cắp mủ. Thực là vậy. Ai đời mủ của nông trường anh vào và tự động trút cái đang có trong chén mà bảo mót là mót làm sao? Và ngay hôm đầu tiên vào lô, tôi đã bất ngờ khi thấy lượng người đi “bốc” nhiều vô kể. Công nhân vừa cột dao cột thùng lên xe chưa ra khỏi lô là dân mót nhào vô. Mỗi người một hàng cứ thế mà trút vô bịch nilon. Cả trăm con người như vậy. Tôi chưa từng thấy nơi đâu mà ăn cắp của nhà nước mà cả tập đoàn. Nghiệp trộm mủ này rất có ăn. Có người một đêm trộm vài ba mươi ký mủ là hết sức thường. Ngày công thợ hồ thời điểm ấy là năm chục nghìn, một đêm đi ăn cắp mủ được hai trăm nghìn có khi hơn. Thu nhập lớn quá nên người ta hú cả họ cùng nhau đi ăn cắp tuốt. Tất nhiên là bảo vệ đâu có tha cho hành vi này. Họ truy suốt đêm để bắt. Có người mò mẫm cả đêm trong lô, sáng ra không một giọt vì bị bắt ráo. Có hôm bảo vệ lùa cả bọn bị bắt về trạm làm công tác lao dịch. Tôi bị bắt một lần và sau đó bỏ luôn vụ này. Bảo vệ bảo tôi:

- Chú có tuổi chắc biết không trồng mà thu hoạch là hành vi gì? Con nói ít chú hiểu nhiều. Chú đang làm hư cho con cháu chú đó.

Đau xót quá tôi bỏ về ngay trong đêm. Thực ra hầu hết dân bốc mủ cũng vì thất nghiệp mà nên nỗi chứ ai muốn đêm hôm lọ mọ trong lô để kiếm cái ăn. Bị bắt là may chứ còn lắm cái hiểm nguy. Lắm anh lắm chị trộm mủ bị Ngô công (rết) đớp nổi mề đay toàn thân nằm lăn lộn là thường. Rắn cắn cũng không hiếm và đang lọ mọ bị rớt xuống hố gãy chân là thường.

Một tệ nạn khác làm nhức nhối xã hội là mại dâm. Hai bên đường bắt đầu từ ngã ba khai thác đá thuộc xã Long An chạy cho đến xã Long Phước dày dày những quán cà phê đèn mờ. Triệt phá những tụ điểm này là không thể. Vì sao? Vì họ chỉ bán cà phê còn vốn tự có bán trong những nhà nghỉ bình dân. Chủ các nhà nghỉ đâu thể từ chối một cặp đủ đầy giấy tờ thuê ngụ qua đêm hay một hai tiếng đồng hồ vì lỡ đường. Sự mờ ám này khó trị lắm.

Nhưng dù giữa thanh thiên cũng bó tay với tệ nạn ăn nhậu. Thanh niên mới lớn vui buồn rầu rĩ hay không cũng uống. Chúng uống lút ga xăng. Sau nhậu là nói chuyện bằng dao và mã tấu. Bạn bè là chuyện nhỏ. Có cả bố vợ và chàng rể choảng nhau nữa mới đáng nói. Nghe báo chỗ đó chỗ kia có đổ máu công an vừa đến là bà con xúm vô nhiếc móc rằng mấy ông làm ăn chậm như rùa. Tụi nó đi viện rồi mấy ông đến chi nữa cho mệt. Họ làm như công an ăn rồi lo đi căn ke bọn nhậu là trọng tâm.

Nhưng trộm cướp, mại dâm hay ăn nhậu cũng chả ra cà ram gì với hiểm hoạ ma tuý. Chúng có mặt ở khắp nơi. Đặc biệt nhất trong nghĩa địa.

Để được là một ấp văn hoá ư? Khó lắm.

***

Vậy mà hôm nay, Long Thành đã là huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Để được công nhận danh xưng này phải hội nhiều điều kiện lắm. Trước tiên các xã trong huyện phải hoàn thành nông thôn mới trước. Các ấp trong xã phải là ấp văn hoá. Liệu một ấp mà còn đó tệ nạn cờ bạc mại dâm say sưa quậy phá và đặc biệt nhất là ma tuý thì có đáng gọi là ấp văn hoá không? Và liệu trên đất nước chúng ta có một thôn ấp nào đã triệt tiêu tận tuyệt những tệ nạn ấy? Nếu nói có thì chắc chắn là tự lừa dối và chạy theo cái gọi là hình thức chủ nghĩa. Ta có thể tự lừa mình nhưng đời thì không ai lừa được. Anh có thể có rất nhiều huân huy chương trên ngực áo nhưng con mắt đời tinh tường lắm, họ nhìn vào mặt nào của tấm huân chương là do chính sự cống hiến như thế nào của anh. Xứng đáng hay không con mắt đời thấu hiểu hết.

Phải khẳng định rằng vẫn còn đó các tệ nạn. Nhưng cũng cần khẳng định rằng những tệ nạn ấy đang dần bị triệt tiêu. Những vết thương nhức nhối ấy đã và đang được điều trị đúng thuốc. Những cà phê mờ đèn dọc theo lộ 51 trước đây mười thì nay chỉ còn một hai và nó biến tướng theo một kiểu khác chứ không còn dám lộ diện như trước. Nạn quậy phá sau ăn nhậu đã bị triệt thẳng cánh. Và ma tuý - hiểm hoạ này đã bị đẩy vào trung tậm cai nghiện bằng Méthadol tại huyện Long Thành. Tất nhiên là vẫn còn đó kẻ lắm tiền sẵn sàng vung để mua vui trong khói trắng, nhưng, gần một trăm phần trăm gia đình có con em sa vào cái chết trắng đã nở lại nụ cười.  Những thành phần nghiện ngập từ trong các xã sâu xa ở huyện Nhơn Trạch cũng tự nguyện cai tại trung tâm y tế dự phòng này. 

Tệ nạn đã mười phần hết bảy còn ba, đang trong hết hai còn một thì quả là một nỗ lực lớn của lãnh đạo huyện.

Nhưng chỉ chừng ấy thì chưa đủ để được là nông thôn mới.

Một xã có được gọi là nông thôn mới khi còn có một hộ nằm ở dạng giật gấu vá vai không? Nghèo thì không kể, nhưng dưới mức nghèo là không thể. Xưa cho đến nay con người ta được đánh giá qua vẻ ngoài, có câu nhìn quân phục biết tư cách. Chủ nhân một hiệu tạp hoá dù vốn liếng vay mượn cũng chả ai nghĩ họ nghèo. Thợ hồ đương nhiên là vất vả và phụ hồ phải bị sai phái. Một cô gái làm nghề bán phấn buôn hương luôn bị coi thường, thậm chí bị đánh giá là thấp. Có người nói rằng chớ nên tin vào những tâm sự của bọn đưa người cửa trước rước người cửa sau. Nhưng ở xã Long An suốt một thời gian rất dài có một nghiệp mà người trực tiếp lao thân không hề muốn. Đó là mót mủ cao su. Nhìn họ, ngay cả bảo vệ nông trường cũng cám cảnh. Từ đầu cho đến chân dính đầy mủ và mủ tươi thì hôi hám lắm. Sỡ dĩ họ bám theo vì chả có chi để làm. Nghề nghiệp không, vốn liếng không. Đành lấy của nhà nước làm của mình, sợ, nhục, họ biết lắm nhưng làm sao bây giờ?

Long An là một xã nghèo, có thể nói là nghèo nhất nhì của huyện Long Thành. Nghiệp bốc mủ cao su ở xã này là cộm cán. Không chỉ ở ấp Xã Hoàng, thiên hạ còn trộm ngay tại những lô ở ấp Bưng Môn cách Uỷ ban Nhân dân xã không quá một cây số đường chim bay. Điều ấy chiếu rõ lên màn ảnh đời sống về cái nghèo của xã này. Không riêng dân tạm trú mà cả dân cố cựu Long An cũng tham gia nghiệp này. 

Vậy mà hôm nay nghiệp trộm mủ của nông trường hoàn toàn bị triệt tiêu.

Khổng Tử nói: “Phú quý sinh lễ, bần cùng sinh đạo tặc”. Tản Đà còn “lúc túng toan lên bán cả trời”. Rách quá thấy người ta làm bậy tôi bắt chước làm theo. Nhưng không ngẫu nhiên hay vì một áp lực nào như bị bắt đi tù hay bị bảo vệ nông trường bạt tai, nhiều lắm họ mắng mỏ đôi câu là hết. Mà mắng mỏ thì đâu có làm cho ngươi ta hết ngặt nghèo. Sỡ dĩ ba quân không thèm bốc mủ nữa là nhờ vào các nhà máy, công ty mọc lên như nấm trong những khu công nghiệp như Long Thành, Nhơn Trạch. Ngay trên con lộ từ ấp Ba vô ấp Xã Hoàng cũng có trên một chục nhà máy, công ty đang trong quá trình sản xuất. Không công ăn việc làm ta mới làm đệ tử của đạo chính. Có rồi ngu sao đêm hôm mò mẫm trong lô? 

Xưa, để phát triển một thứ gì người ta đòi hỏi phải có thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Long Thành có thể nói rất đặc thù về địa lợi. Xứ nào thuận về giao thông thì thắng lợi năm mươi phần trăm. Long Thành không có sông, biển cũng không nốt, nhưng mặt bằng để thành lập công nghiệp là có. Ngoại trừ cụm Long Thành còn có khu công nghiệp Tam An, khu công nghiệp Lộc An. Lượng công nhân cần có cho những cụm công nghiệp này phải nhờ vào một lượng rất lớn dân các tỉnh khác hội về. Vậy là những khu trọ mọc lên để đáp ứng nhu cầu. Một xã nhỏ và nghèo như Long An đang bừng bừng khởi sắc, nói gì những xã khác trong huyện vốn có một nền kinh tế ổn định hơn. Chính sự khởi sắc này đã làm những tệ nạn như say sưa quậy quọ, trộm cắp, mại dâm và thậm chí cả ma tuý cũng bị đẩy lùi. Ngày nay về Long Thành, đặc biệt xã Long An, chín mươi phần trăm đường hẻm đã bê tông hoá.

Địa lợi nên nhân phải hoà là tất yếu.

Long Thành là huyện nông thôn mới bởi hội đủ thiên thời địa lợi và nhân hoà.

 

N.T​

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​