Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CON ĐƯỜNG CHỞ ƯỚC MƠ


Kịch bản của Ngọc Quế

(Nguồn: Sách Đất lành - Nxb. Đồng Nai 2016)

 

 Nhân vật

- Ngọc - cán bộ ngân hàng

- Bảy - tài xế

- Ông Ba - Bí thư huyện

- Sang - người nuôi cá bè

- Phong - tài xế xe tải

- Ông Năm Cụt

- Bà Sáu

- Ông Mười Tài

(Đoàn cán bộ huyện đi khảo sát, trên đường đi đến ấp 3, con đường đang làm bị bỏ dở, lầy lội xe bị trợt bánh, xe bị lún, phải nhờ dân trong ấp ra kéo xe, nhưng không thể đi xe tiếp, cả bốn cùng xắn quần qua con đường lầy.)

 (Nhà ông Năm Cụt - vách lá, trước sân có bộ ván nhỏ, bên cạnh là hai chiếc lu, lu nhỏ để rộng cá, lu lớn đựng đầy nước)

Bảy tài xế: Chú Ba! Mình ghé vào nhà ông Năm Cụt nghỉ một lát đi chú!

Ngọc: Chú Ba, mình tới ấp 3 nơi ông Năm Cụt ở, đây cũng là điểm nóng bà con bức xúc về con đường của ấp lắm, có ghé không chú?

Ông Ba: Ừ, ghé nhà anh Năm đi!

Bảy tài xế: Nhà ông Năm Cụt sắp tới rồi, ở chỗ có mấy cây dừa. Cô còn đau chân không, vào đó rửa ráy cho sạch sẽ.

 Ông Ba: Mình vô nhà ông Năm Cụt chơi. Ông này hay lắm, cụt hết một chân mà như con rái cá ấy, tới là có cá nhậu liền hà! Mà nếu không có, ngồi chờ năm phút thôi, ổng ra sông là có cá liền. (cả đoàn người ghé nhà)

Ủa, sao nhà mất mấy cái cánh cửa vậy, cửa sổ cũng không còn, trống hoác vậy?

Ông Năm Cụt: (Chủ nhà, là một người đàn ông nhỏ thó, và đen nhẻm mất một chân)

Ngạc nhiên lắm hả anh Ba, hỏi thằng Sang anh sẽ rõ!

Sang: Dạ thưa chú, mấy cái cánh cửa của chú nằm dưới đoạn đường lầy mình đi qua đó chú. Tội nghiệp ông già, mấy tuần liền lúc nào đường làm bị ngưng trệ, mưa xuống, xe qua lại con đường bị lật, kéo lên được nhờ chú Năm tháo mấy cánh cửa chêm cho có trớn xe lên đó. Cho nên hễ nhắc tới vụ làm đường là chú quạu lắm chú Ba à. Cái khúc cây khi nãy cháu chêm cho xe mình chạy lên qua khỏi chỗ lầy là cũng nhờ cái cây hàng rào trước của chú Năm đó ạ. Mà cũng không biết cái hàng rào còn giữ được cho đến khi xong con đường không nữa.

 Ông Ba: Vậy ha! Tôi cám ơn anh lắm!

Ông Năm: Ơn nghĩa gì. Hồi chiến tranh, cái thân này tôi còn không tiếc, tiếc chi ba cái vật ngoài thân. Làm thế nào để giúp bà con lúc hoạn nạn là tôi không tiếc gì hết!

Thôi bỏ đi! Sao lúc này nhớ món cá lóc nướng rồi phải không? May là tôi vừa bắt được mấy con cá định đi rộng đây. Chờ tôi một chút là có ngay, cô cán bộ tự nhiên nghen. Lu nước nước bên hông đó rửa tay, rửa mặt đi.

Ông Ba: Được rồi, để tôi giúp một tay, tôi đi hái rau.

(Chuyển cảnh, món nhậu cá lóc nướng trui, canh chua cá lóc đã được bày ra, cuộc nhậu bắt đầu.)

Ông Năm Cụt: Tôi uống trước một ly nghe. Nhưng trước khi uống tôi hỏi ông Bí thư Huyện ủy, bao giờ có con đường vào ấp 3 này?

Ông Ba (cười): Tưởng hỏi chuyện gì lạ! Chứ chú Năm tưởng tôi thích vòng vèo để xuống dân hả? Xa thấy mồ, lâu thấy mồ. Tôi muốn xe Bí thư chạy ro ro đến đây để uống rượu với chú Năm cho nó khỏe nè, nhưng từ từ, chú Năm…

(Ông dốc ly rượu vào miệng, nuốt cái ực, khà một tiếng rồi quay sang những người đi theo.)

Ông Ba: Các anh chị thấy không, sao mình không mở một tua du lịch dọc dòng sông này? Đất ven sông còn quá nhiều, sao không hình thành những trang trại, biến những trang trại thành những điểm du lịch sinh thái. Các anh chị thấy không, dọc bờ sông còn hoang vắng lắm. Những người dân ven sông đang tìm cách tạo dựng cuộc sống đó. Họ muốn biến những mảnh vườn giống như ở miền Tây, trên thì cây trái, dưới thì thả cá. Có người mạo hiểm làm ao cạnh sông để quanh năm nuôi thủy sản, người dân ở đây là vậy, họ không muốn để đất hoang. Làm cái này thất bại, họ sẽ làm sang cái khác. Năm nay thấy vậy chứ sang năm khác sẽ khác hoàn toàn cho các anh chị coi.

Ông Năm: Muốn làm được thì chính quyền cũng phải ra tay chứ?

Ông Ba: Dân làm chủ rồi mà! Bây giờ mình không chỉ trông mong vào chính quyền. Đã có chính sách đưa nông thôn mình thành nông thôn mới, đổi mới thì phải đổi mới con đường trước tiên để dân thuận lợi làm ăn chứ.

Ngọc: Con đường ra bờ sông hả chú? Nhưng hình như có ngừng mấy bữa rồi.

Ông Năm Cụt: Có lâu rồi cô ơi - nhưng rồi không đi được nữa vì con đường đang được đắp thêm. Nhưng tôi thấy sao mà làm chậm quá, như rùa bò vậy.

Ông Bí thư: Thì cũng đang làm đấy thôi chứ có phải là ngưng luôn đâu, phải không? Lâu lâu cũng phải bị tắc lại chứ, kinh tế có khó khăn, nhưng chính quyền mình quyết tâm rồi phải hoàn thành con đường trước thời hạn, để dân mình đi lại làm ăn, nông sản thủy sản không còn bị cảnh nằm kho, nằm vựa. Tiền cũng đang cho nhà thầu rút về.

Ông Năm: Chắc chắn chứ anh Ba? Như vậy là giữa tháng sau, con đường hoàn thành rồi hả? Đừng để lòng tin của bà con mình xói mòn nghe anh Ba.

Ông Ba: (Cương quyết) Chắc chắn rồi!

Ông Năm Cụt: Vậy mình làm ly này chào mừng con đường hoàn thành nghen.

 (Rót rượu và uống ực một cái.)

 Ông Ba: Cái ông này già rồi mà tánh vẫn nóng nảy như xưa! Nhưng mà anh phải cho tôi biết tiền tắc, trên huyện giải quyết rồi. Bảy à, gọi chú Tấn chủ tịch xã tới chơi.

Bảy tài xế: Dạ! (gọi điện) Anh Tấn hả, đang ở đâu vậy? Có chú Ba ở huyện về chơi nè. Chừng nào tới, vậy hả, ờ ờ tới ngay nghen! Dạ thưa chú Ba, anh Tấn nói ảnh đã nghe chú Ba về, anh cũng trên đường tới đây.

Ông Ba: Vậy chú mày lấy thêm ly ra đây.

Bảy tài xế: Dạ.

Ngọc: Anh Bảy có vẻ rành quan chức ở xã quá hén?

Bảy tài xế: Dạ, nhà tui ở xã này mà cô. Nhà đông người lắm, năm người chỉ có hai công đất.

Ngọc: Như vậy làm sao mà sống?

Bảy tài xế: Phải kiếm cách mà sống chớ chị. Ở nhà có nghề mới rồi, nghề nuôi cá bè đó.

Ngọc: Tại sao đang làm nghề nông lại chuyển sang nghề nuôi cá bè? Rồi còn làm tài xế nữa? Có ai chỉ biểu không? Giống má ai cung cấp?

Bảy tài xế: Nhờ làm nghề tài xế, quen mấy anh em nông nghiệp họ chỉ dẫn, giới thiệu để mua cá giống tốt. Vốn thì tự lo. Con cá giống có lúc nó mắc tới ngàn hai một con giống lóc bông, nhưng dạo này chỉ có bảy tám trăm đồng thôi. Năm rồi em có nuôi một bè mà thu được hơn 20 chục triệu. Nhờ nghề này mà con cái được học hành tử tế. Mấy gia đình trong xóm của em theo nghề này khấm khá lắm ạ.

Ngọc: Nhưng anh lái xe đi suốt thì ai cầm càng làm ăn được phải có nguyên nhân nào chứ?

Bảy tài xế: Thật ra, đúng là có người hướng dẫn đó chị, em chỉ phụ họ vòng ngoài thôi. Em sẽ giới thiệu một dân nuôi cá mà được không ngớt lời khen rằng là: anh ấy là người mang tiền đến cho bà con ở đây đó. Anh ấy là người đóng bè nuôi cá đầu tiên của ấp, rồi anh chỉ cho những người khác đóng bè, có khi còn ra tay đóng bè giùm, đầu năm thả cá cuối năm có thể thu được vài chục triệu đồng ai chẳng ham.

Ngọc: Có vậy chứ! Anh có thể dẫn tôi gặp người đó nhé, nếu được thì mình phát triển thêm nghề này ở xã chứ?

 Bảy tài xế: Dạ, đây nè, anh Sang, đây là người giúp mình đẩy xe đó chị! Nhà ảnh ở ở gần đây. Chị có muốn hỏi gì thì hỏi ảnh đi!

 (Hai người đi - Ông Ba và ông Năm va lai rai vừa nói chuyện với nhau. Bảy ngoắc anh Sang ngưng uống chạy gần cô Ngọc.)

 Bảy tài xế: Anh Sang, chị Ngọc muốn hỏi nghề nuôi cá bè nè, anh giải đáp thắc mắc đi!

Ngọc: Nãy giờ chưa cảm ơn anh đã giúp chúng tôi đẩy xe lên. Nếu không có anh, chắc tụi tôi còn phơi nắng. Anh có thể cho chúng tôi biết cơ duyên nào đưa anh đến nghề nuôi cá bè này?

Sang: ... (Định nói thì Bảy tài xế hớt lời)

Bảy tài xế: Đất này trước làm thuê làm mướn không đủ sống, chỉ đóng một bè cá thôi, có nguồn thu ba chục triệu một năm, nằm mơ cũng không có. Chị coi cái sợi dây chuyền vàng trên cổ ảnh đó, ngày trước đâu dám mơ. Lúc ấy tụi em đứng ngày trên chiếc bè của anh nuôi, chiếc bè bề ngang một mét tám, bề kia hai mét, sâu chừng hai mét nuôi hơn ngàn con cá lóc bông...

Sang: Thực ra chúng tôi tự cứu mình thôi. Bây giờ ven sông đã có đê bao phân vùng, lúa làm được ba vụ. Tưởng có nhiều việc cho những người thiếu đất sản xuất như chúng tôi. Nhưng không phải. Ruộng bây giờ không có cảnh cày bừa bằng trâu nữa. Dân họ mua được máy cày, máy kéo rồi, đâu cần phải thuê lao động chân tay. Mùa này đang thu hoạch lúa nè, trước thì có người mướn chúng tôi, bây giờ máy cắt lúa chạy rần rần. Một hecta lúa máy cắt và suốt chỉ chừng hai tiếng là xong. Họ mướn chúng tôi làm gì. Một năm bây giờ chúng tôi chỉ làm việc một tháng, mười một tháng sau đó không làm việc thì lấy gì ăn. Tôi mới đi học cách nuôi cá bè. Mình ở ngay cạnh sông thì bắt sông nuôi mình. Tôi đã làm và thành công. Tôi nói với anh em và bà con cùng làm. Từ một mình tôi, bây giờ đã có hai chục hộ đã cùng làm với tôi. Cá nuôi chính là lóc bông, nhưng bên cạnh bè cá lóc bông, có thêm lưới quây nuôi cá tràu.

Ngọc: Ủa sao lạ vậy?

Sang: Vì các khu công nghiệp bây giờ mở ra cá tràu nuôi được vài ba lạng là có thể giao cho các bếp ăn tập thể của các xí nghiệp. Hai tháng một đợt bán, thế là có tiền mua thức ăn cho cá lóc bông. Lấy ngắn nuôi dài. Khi không có tiền thì anh em rủ nhau kéo lưới trên sông, bắt cá sông nuôi cá bè. Loay hoay suốt ngày nhiều việc lắm, người nông dân chỉ mong có việc làm. Nay có việc làm lại có thu nhập ai lại không ham.

Ngọc: Thế các anh có kế hoạch phát triển thêm nghề nuôi cá này không?

Sang: Sắp tới chúng tôi sẽ thành lập ở xã này một câu lạc bộ nuôi cá, có câu lạc bộ rồi chúng tôi mới có điều kiện, mở tại đây những lớp tập huấn, đầu tư thêm vốn và thiết bị cho bà con nông dân. Chị tính coi từ những người nông dân không có việc làm ở đây, bây giờ họ có thể có nguồn thu nhập trên dưới một tỉ đồng một năm can cớ gì mà không đầu tư cho họ phát triển mạnh hơn.

Ngọc: Chúc mừng anh! Mong rằng ước mơ của các anh sẽ đạt được! Và cuộc sống của người dân khấm khá hơn. Nhưng anh cho biết khi con đường của ấp 3 hoàn thành thì nó sẽ có ý nghĩa gì với các anh?

Sang: Con đường đang được hoàn thành? Chị nói thật chứ! Ôi thế thì hay quá. Thế thì cá chúng tôi nuôi sẽ được đưa đi các nơi cho người dân với thời gian nhanh nhất, cá sẽ tươi ngon hơn. Còn những người trồng lúa, sẽ không phải vất vả đẩy xe trâu, đi bán trên những con đường lầy lội, hoặc bị bán ép giá vì không có phương tiện chuyên chở, các cháu sẽ được đến trường không phải lội bùn đất, và mọi người sẽ đến với chúng tôi tham quan vùng lúa trĩu hạt và vùng nuôi cá bè có sản lượng nhiều nhất. Ôi tôi vui quá! Mà có thật không không chị?

Bảy tài xế: Chắc chắn rồi, lúc này tôi nghe chú Ba Bí thư hứa chắc với ông Năm Cụt đó.

 Sang: Thế thì ước mơ đã trở thành sự thật rồi!

(Nhạc vui nói về nông thôn đổi mới. Người dân trong xóm xuất hiện.)

Bà Tám: Thằng Sang, sao còn ở đây? Thằng Giàu con mày đi học về bị tai nạn rồi kìa!

Sang: (lo sợ) Bị ở đâu thím Tám? Đó chị thấy không, lại xảy ra chuyện rồi!

Bà Tám: Ở khúc đường đang bị ngừng thi công.

Sang: Chắc là đoạn đường xe của anh bị trật bánh đó anh Bảy.

Bà Tám: Cơ khổ, đường sá gì làm khổ người ta, bày ra đó, rồi ngưng, đất đá chỗ lồi chỗ lõm, mà mùa tới rồi không khéo còn nhiều người khổ nữa. Thôi đi ra xem thằng nhỏ có bị làm sao không!

(Mọi người cùng chạy tới nơi tai nạn. Chỉ còn ông Năm ở lại.)

Ông Năm: Trời ơi! Thiệt là hết nói nổi, đường với sá!

(Chiếc xe tải chở phong lan bị ngã nằm nghiêng, các chậu phong lan văng tung tóe khắp nơi. Người chủ phong lan đang cùng vài người dân gom gọn lại).

Sang: Trời ơi anh Sáu! Con tôi làm sao rồi?

Phong: Không có bị nghiêm trọng lắm, xe tôi bị trượt bánh ở vũng nước sâu mất thăng bằng bị ngã. May mà thằng nhỏ vừa đạp xe qua khỏi vũng nước kia, có điều mấy chậu lan rơi ra trúng vào chân nó, bị trầy sơ, tôi cho người đưa xuống trạm xá thoa thuốc rồi. Tôi xin lỗi anh, tại đường sá xấu quá nên mới xy ra chuyện.

 Sang: Như vậy là may mắn lắm rồi, để tôi tới trạm xá đưa nó về, chắc thằng nhỏ sợ lắm.

 Phong: Cám ơn anh không trách cứ, anh cầm mấy trăm về mua thuốc uống cho nó nghen.

 Sang: Nếu bị sơ không sao đâu tôi lo được. Xui rủi có ai muốn đâu. Nhưng mà tôi nói thiệt, con đường ổ voi ổ chuột nhưng vầy là cũng tại mấy anh!

Phong: Tại tôi làm sao?

Sang: Mấy ông có xe tải chuyên chở hàng hóa, xe chở nặng phá hết con đường mà kêu đóng tiền làm đường, ông thì nói chỉ đóng theo quy định, dân nghèo như tụi tui mà cũng xung phong đóng gấp đôi.

 Phong: Thì tôi cũng chạy xe thuê thôi, đáng lẽ ông Mười Tài đại gia của cái xóm này nè, nhà ổng có mấy xe tải, mấy xe ben, mấy xe máy cày, máy xới đủ loại, tiếng là tới mười tài, ổng có chịu đóng nhiều hơn đâu, đại gia còn đóng góp không bao nhiêu nói chi đến thường dân.

Mười Tài: Cái gì mà mầy lôi tao ra nói vậy? Thiệt sao dạo này xui quá, tháng này, đã ba lần xe lật rồi, con đường Nhà nước nói cùng với dân làm đường, dân đóng góp rồi mà sao không thấy tiến triển gì hết, chỉ mới được nửa con đường, làm vài bữa ngừng tuần lễ, hổng biết chừng nào xong. Thôi lo gom cho gọn rồi kêu xe bò tới chở ba cái chậu này về. Coi bộ cái xe tải hư nặng rồi nghen, kiểu này lỗ vốn nặng rồi! Để tao nói chủ vườn lan phụ một ít để sửa xe.

 Phong: Dễ gì ổng chịu đóng góp, rốt cuộc rồi bác Mười phải chịu hết thôi!

Ông Mười Tài: Chịu cái đầu mày, làm tài xế mà gây ra tai nạn như vầy thì trừ lương, đền bồi hư hao hàng hóa, chứ không thể nào không chịu trách nhiệm đâu con.

Phong: Trời ơi, đâu phải tại cháu, tại con đường này nhiều ổ voi quá, gặp bác cầm vô lăng thử coi, chuyên chở nặng mà đi đường như vầy cũng bó tay chấm com” thôi.

Ông Mười Tài: Đường không ra đường, sá không ra sá, toàn là ổ gà, mà không phải ổ voi mới đúng, đã vậy lởm chởm đất với đá, nắng thì bụi mịt mù, mưa xuống thì ôi thôi sình lầy phát ớn, thiệt... cái xã này không biết tới khi nào mới khá lên nổi.

Phong: Vậy sao bữa trước cán bộ tới nhà vận động đóng tiền làm đường phải chi bác chịu đóng nhanh như người ta thì giờ có con đường sạch đẹp rồi đúng hôn?

Bảy tài xế: Đúng đó, tại bác Mười giàu mà keo quá trời. Cháu nói thiệt, nếu mà bác Mười ra tay thì con đường này hoàn thành rồi.

Phong: Bây giờ dân ở đây đổi tên bác Mười Tài thành…

Ông Mười Tài: Thành cái gì?

Phong: Dạ... thành Mười Kẹo rồi!

Ông Mười Tài: Cái thằng này, mầy muốn chết hả? (Rượt Phong chạy vòng vòng) Tao không nghe ai nói hết chỉ có mày là xuyên tạc tao thôi, kỳ này tao cho mày nghỉ việc luôn!

Phong: Tại họ không dám nói trước mặt bác Mười thôi, chứ sau lưng thì…

Ông Mười Tài: Mày còn nói nữa tao vả mày rớt răng, việc làm đường cho dân đi thì Nhà nước phải lo. Dân đóng góp được nhiều thì tốt, không thì thôi tùy theo khả năng của người ta, ép buộc sao được.

Bảy tài xế: Tiêu chí đường giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí của Nhà nước đưa ra xây dựng nông thôn mới, bà con ai nấy nghe vận động cũng ủng hộ hết. Có nhà ngoài đóng tiền làm đường còn hiến đất để làm con đường cho nó ngay ngắn thẳng thớm, vì bà con biết ích lợi của việc làm đường là làm lợi cho chính mình hưởng chứ ai...

 Ông Mười Tài: Thôi mày đừng có dạy khôn tao. Tao cũng đóng như mọi người còn muốn gì nữa?

Ông Ba: Cháu Bảy đây nói đúng đó anh Mười!

Ông Mười Tài: Ủa, Ba Công về đây hồi nào vậy?

Ông Ba: Tôi về hơn một tiếng rồi, ghé nhà chú Năm Cụt chơi, nghe có tai nạn xe nên chạy ra xem thế nào! May là chưa có thiệt hại đến tính mạng con người. Nghe nói là anh không chịu hợp tác trong phong trào xây đựng đường nông thôn, nhất là hiến đất để nắn con đường cho nó thẳng hả?

Ông Mười Tài: Ai nói? Ai nói tui cản trở? Tui đóng góp theo quy định của xã mà.

Ông Ba: Thì có ai nói anh không đóng góp đâu. Đây nè anh nhìn vô cái bản đồ thi công con đường này xem. Đó, cái chỗ ẹo này mà sắp tới làm có phải ngang đất nhà anh không?

Ông Mười Tài: Thì nó ẹo chút xíu ăn nhằm gì!

 Ông Ba: Trên bản đồ thấy có chút xíu thôi nhưng trên thực tế thì nó sẽ như cái vòng cong đó anh Mười à, lại thêm chòm cây che khuất tầm nhìn. Mà như thế thì không đẹp con đường, lại nguy hiểm khi xe cộ chạy tới đây thì phải lạng qua như cua quẹo vậy đó (khoác vai ông Mười Tài).

Anh Mười, nhớ khi xưa ông cha chúng mình cùng đi kháng chiến, mong ước của mình là ngày nào hòa bình mình sẽ xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn, họ đã không tiếc máu xương để đánh đổi cho cho ước mơ đó. Thế mà chỉ có hai trăm mét đất thôi mà anh cũng dám không đóng góp cho bà con mình có con đường sạch đẹp, các cháu đi đến trường đàng hoàng sao anh Mười?

Ngọc: Cháu thấy chú Ba nói đúng. Đường sá khang trang, sạch đẹp, con em đi lại thuận tiện, rồi vận chuyển nông sản cũng dễ dàng, bán không bị tư thương ép giá... Bao nhiêu cái lợi.

Bảy tài xế: Quá hay! Hiện nay, đường sá lầy lội, xe tải vô ấp mình chở nông sản cho bà con không được nên tư thương nó ép giá quá trời. Nói đâu xa, bắp mùa nàytới kỳ thu hoạch kêu lái vô mua họ có chịu vô đâu. (Nói với Mười Tài) Mai mốt con đường hoàn thành, chở bắp cho bà con nhớ giảm giá cước nha bác Mười.

 Ông Ba: Ví dụ mấy chiếc xe tải chở hàng của anh Mười đi trên con đường láng nhựa sẽ nhanh hơn, đỡ hao xăng dầu, vỏ xe cũng lâu hư nữa, công việc làm ăn thuận lợi. Mai mốt xã mình thành lập hợp tác xã vận tải, chắc là bà con sẽ bầu anh Mười làm chủ nhiệm HTX vận chuyển nông sản cho bà con, lấy giá phải chăng, chở hàng đều đều, chứ không phải bữa chạy bữa nghỉ như bây giờ, có phải lợi cả đôi đàng không?

Bảy tài xế: Cháu cũng đồng ý là bầu bác Mười làm chủ nhiệm hợp tác xã vận tải.

Ngọc: Nhưng ý nghĩa nhất của việc làm con đường này sẽ không còn nỗi lo nguy hiểm về tánh mạng của các cháu nhỏ như con anh Sang vừa rồi, bà con không còn lo lắng khi để con em mình đi học trên con đường lầy lội, ổ voi, ổ gà, tai nạn rình rập, không biết phần xui rủi đổ lên cho gia đình nào đó ạ, đúng không các anh!

Ông Mười Tài: Mọi người nói đúng, nếu tính bài toán, tiền sửa xe, tiền đền bù hàng hóa bị hư hỏng, sẽ tăng lên gấp mấy lần nếu còn đi trên còn đường ổ voi, ổ gà như thế này. Hôm nay tôi xin hứa với anh Ba, với mọi người tôi sẽ hiến hai trăm mét đất chỗ ẹo của con đường mà không đòi đền bù. Còn nữa, tôi cũng sẽ đóng góp thêm 100 triệu đồng để làm cống rãnh nước hai bên con đường để nước mưa có chỗ thoát không làm hư con đường của nhà nước và nhân dân mình đóng góp, để diện mạo của ấp nhà, của xã mình ngày càng đổi mới, được không anh Ba?

Ông Ba: Quá được!

Phong: Hoan hô bác Mười!

Bảy tài xế: Nhưng hứa là phải có nghe bác Mười!

Ông Mười Tài: Nhất ngôn cửu đỉnh, lời nói của Mười Tài này chín con ngựa cũng khó theo! Mười Tài này đã hứa được là phải làm được.

Ngọc: Phần cháu, qua đợt thâm nhập thực tế, sẽ về trình lãnh đạo cho đầu tư vay vốn cho về nuôi cá bè, phát triển thêm nghề trồng phong lan cho xã, nhất là tiến hành nhanh cho các xã nhận tiền xây dựng những con đường nông thôn liên xã, liên ấp, những con đường chở ước mơ.

(Mọi người cùng vỗ tay)

- HẾT -

N.Q​

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​