Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CON ĐƯỜNG MỚI


Kịch ngắn của Trần Đức

(Nguồn: Sách Đất lành - Nxb. Đồng Nai 2016)

 

Nhân Vật:

- Bà Sửu

- Ông Ất

- Nhâm

- Ông Kỷ

- Một số nhân vật khác

 

Trang trí ước lệ. Nhà ông Ất một buổi chiều cuối năm.

Bà Sửu đang quét dọn nhà cửa vẻ nóng ruột đi ra đi vào .

Bà Sửu: Kỳ quá cái ông này… đi đâu mất tiêu từ sáng tới giờ. Năm hết Tết đến rồi mà nhà cửa trống trơn như vầy… chồng ơi là chồng...

Nhâm: Bà Sửu ơi…

Bà Sửu: Cô Nhâm đó hả? Cô kêu tôi?

Nhâm: Dạ… Con mang cho bà cái giấy mời của Ủy ban xã.

Bà Sửu: Ủy ban mời hả? Có chuyện chi mà Ủy ban mời tôi vậy cô?

Nhâm: Con nghe như là có cuộc họp quan trọng bàn về xây dựng nông thôn mới đó.

Bà Sửu: Mình là dân, có biết gì mà họp với hành?

Nhâm: Sao không, con nghe nói kỳ này xã mình được chọn trong mấy chục xã để Nhà nước đầu tư xây dựng công trình công cộng, điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, chợ… nhiều thứ lắm bà ơi…

Bà Sửu: Thế thì mừng rồi, Nhà nước mang tiền về làm cho dân được hưởng thì mừng quá chứ sao. Vậy thì Nhà nước cứ thế mà làm còn họp hành làm gì?

Nhâm: Phải họp dân để bàn vì Nhà nước và nhân dân cùng làm bà ạ, dân cũng phải đóng góp một phần đấy.

Bà Sửu: Lại thế nữa. Tiền đâu ra mà đóng… mấy năm nay hạn hán lũ lụt liên miên, mùa màng thất bát, dân lấy tiền đâu mà đóng mới chả góp, mấy ông Ủy ban kỳ ghê đi.

Nhâm: Ấp mình nằm trong dự án làm đường lộ và kênh thủy lợi chạy qua, nên Nhà nước kêu gọi các nhà ai có điều kiện thì hiến đất làm đường và kênh mương bà ạ.

Bà Sửu: Cái gì… hiến đất à? Tức là cắt đất của nhà mình cho tập thể hả cô?

Nhâm: Dạ đúng vậy ạ.

Bà Sửu: Đem đất nhà mình cống cho thiên hạ. Thời buổi tấc đất tấc vàng, cuốc vào chẳng được ai ngu gì cào ra.

Nhâm: Thế nên mới họp để bàn cho thấu đáo, có gì thì mai ra cuộc họp mình có ý kiến. Phải thông từ trên xuống dưới mới làm được bà ạ.

Bà Sửu: Dà… tưởng gì chớ bảo dân hiến đất thì khó đấy, các cô là cán bộ phụ nữ phải gương mẫu, thích hiến thì cứ hiến, chứ dân như chúng tôi thì…

Nhâm: Đây là việc chung, bà con mình ai cũng phải có trách nhiệm… Thôi con về đây, mai bà ráng đi họp nha.

Bà Sửu: Cô cứ về đi, tôi phải bàn với ông nhà tôi coi thế nào. Tưởng là xây dựng nông thôn mới thì dân phải được lợi, dè đâu chưa làm đã thiệt đơn thiệt kép, ai ngu mà tham gia.

(Ông Ất vác đầu lân, thổ địa ra)

Ông Ất: Bà không đỡ tôi một tay bỏ mấy thứ này xuống mà đứng dương mắt ếch ra nhìn hả.

Bà Sửu: Ông vác của nợ này về làm gì cho chật nhà?

 Ông Ất: Tốn khối tiền mới mua được mà bà nói của nợ. Phải đặt người ta làm ở trên phố đó.

Bà Sửu: Trời đất. Nhà hàng đống việc thì không lo, lại bày trò ra… ông khùng hả?

Ông Ất: Tôi là Phó ban Văn hóa xã, hội hè đình đám phải làm cho ra trò chứ. Đội lân sư rồng của tôi nay mai sẽ múa cho dân coi, phục vụ khánh thành nhiều công trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình, bà tưởng giỡn chơi sao?

Bà Sửu: Thôi ông quăng hết mấy cái thứ hàng mã đó đi cho tôi nhờ. Hết việc rồi hay sao mà bới trò ra, không sợ hàng xóm người ta cười vào mặt, già rồi mà còn tưng tửng, man man.

Ông Ất: Có bà tưng thì có, bà chẳng hiểu gì về cái món văn hóa văn nghệ nên mới suy nghĩ nông cạn như thế. Nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân địa phương cũng là một tiêu chí để xây dựng nông thôn mới đấy bà hiểu chưa? Đúng là đàn gảy tai trâu.

Bà Sửu: Ông bảo ai là trâu bò?

Ông Ất: Ai nói bà là trâu… nhưng nói hoài mà không chịu hiểu thì khác gì đàn gảy tai trâu chứ.

Bà Sửu: Ông dẹp mấy cái thứ đó đi cho tôi nhờ… đây người ta mời họp ngày mai để lấy đất nhà mình làm kênh mương đây… ông sung sướng lắm sao mà còn ở đó tung tẩy.

Ông Ất: Chuyện nhỏ, hy sinh một tí mà được cái lớn thì tôi hưởng ứng cả hai tay hai chân luôn.

Bà Sửu: Ông nói thế là nghĩa làm sao? Vậy ông cũng biết việc nhà ta phải hiến đất hả?

Ông Ất: Tất nhiên… chuyện gì ở cái xã này mà tôi chẳng biết trước, chả gì tôi cũng làm thông tin tuyên truyền có thâm niên rồi.

Bà Sửu: Ông biết việc tày trời như vậy mà không bàn với vợ con là thế nào?

Ông Ất: Rồi sẽ bàn, bao giờ tới rồi tính, làm gì phải úp mở rào đón trước làm gì.

Bà Sửu: Nè ông… đất đai là của ông bà để lại, giờ xã nằm trong khu quy hoạch nên có giá lắm… sao ông nghĩ nông cạn vậy… mang đất của tổ tiên đi cho không thiên hạ?

Ông Ất: Ui trời… bà có để yên cho tôi sống không? Làm gì mà tra hỏi như phạm nhân thế. Tôi cũng đã biết trời trăng ra làm sao, chỉ biết là trên sẽ mở con đường lớn và cả con kênh qua cửa nhà ta, lấy nước sạch từ thượng nguồn về cho dân xài, thế thôi, còn cụ thể thế nào thì mai ra cuộc họp mới biết được.

Bà Sửu: Ông muốn sao tùy ông… còn tôi không có hiến cúng gì hết.

Ông Ất: Hay ha… chuyện gì cũng phải thuận vợ thuận chồng, người ta sao thì mình vậy, bà không muốn ấp mình đổi mới hay sao mà ăn nói linh tinh vậy?

Bà Sửu: Đổi mới cái gì thì chưa biết nhưng mất đất thì tôi không chịu có vậy thôi!

Ông Ất: Nói chuyện với bà thì thà vạch đầu gối ra mà nói còn dễ nghe… ngang như cua vậy ai chịu được… Bà tắt ngay cái đài đi cho tôi nhờ.

Bà Sửu: Đầu óc ông có vấn đề nên mới vậy, đúng là tâm thần… chuyện phải lo thì không lo toàn làm những chuyện đâu đâu… này thì lân với chả rồng…

 (Lấy chổi quật đầu lân)

Ông Ất: Bà thôi đi… tính phá tôi hả? Tiền người ta ứng cho tôi mua đạo cụ, rồi thì công sức tập tành của anh em chưa nghiệm thu. Bà phá rồi mai mốt bỏ tiền ra đền nha.

Bà Sửu: Còn khuya tôi mới đền. Chồng con gì toàn ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.

Ông Ất: Bà đừng có chuyện nọ xọ chuyện kia, nhà này có truyền thống gia đình văn hóa, lớn tiếng người ta cho là mình mất đoàn kết, gây rối trật tự công cộng bà hiểu chưa?

(Ông Kỷ bước vào)

 Ông Kỷ: Có gì mà nhà cô chú lớn tiếng vậy?

Ông Ất: Bác Kỷ qua chơi hả… Không có gì đâu, là vợ chồng tui đang tranh luận về cái vụ xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình… Bác ngồi uống miếng nước.

Ông Kỷ: Chả riêng nhà chú thím… nhà tôi cũng vừa cãi nhau xong đấy… chưa biết tròn méo thế nào đã ầm cả xóm ấp. Khiếp quá.

Ông Ất: Ngày mai trên tổ chức cuộc họp để bàn bạc cụ thể về việc mở đường, làm kênh mương chống hạn, chống lũ, đảm bảo sản xuất… vậy mà bà xã tôi cứ cật vấn om hết cả đầu.

Ông Kỷ: Ờ. Tôi nghe đập rầm rầm tưởng nát đầu chú rồi nên phải qua coi thế nào.

Ông Ất: Bả đập nhưng không phải đầu tôi mà là đầu con lân đây, bẹp hết trơn rồi… vợ với con.

Ông Kỷ: Cũng phải nói qua nói lại cho nó sáng ra vấn đề chú ạ.

Ông Ất: Ý nghĩa của nông thôn mới thì mai cấp trên người ta quán triệt, đây là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, hướng đến mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh, phải không bác.

Ông Kỷ: Cái đó thì rõ rồi… nhưng nó đụng đến quyền lợi của dân. Chú làm thông tin tuyên truyền, chú có thể huỵch toẹt ra cho tôi biết được không? Thiệt tình tôi nghe cứ như vịt nghe sấm.

Ông Ất: Tôi thì biết đến đâu hay đến đó, xã mình được chọn làm điểm thì tỉnh tiến hành làm trước. Đây là việc lâu dài, thường xuyên nhưng trước mắt là nâng cấp điện đường trường trạm đã, hệ thống thủy lợi phải làm mới toàn diện, vì món này yếu kém quá, bao vụ mất mùa cũng vì thiếu nước, bà con cứ lao đao.

Ông Kỷ: Gì chớ điện nước là hàng đầu.

Ông Ất: Vấn đề nước sạch sinh hoạt cũng là mơ ước của dân mình bao năm nay, giờ mà thành hiện thực thì mừng hết biết.

Ông Kỷ: Tôi cũng nghĩ vậy… bao năm phải ăn nước ô nhiễm bệnh hoạn lu bù.

Ông Ất: Trong 19 tiêu chí thì mình tiến hành trước 8 tiêu chí cơ bản, sau đó sẽ tiếp tục. Nhà nước và nhân dân cùng làm. Mình cũng phải đóng góp về vật chất, công sức, trí tuệ. Lợi nhiều lắm, mà là lợi cho bà con mình chứ cho ai phải không bác?

Ông Kỷ: Có lý… nhưng chú nghe có đền bù gì về đất đai không?

Ông Ất: Chỉ có vài chục hộ dân có nhà cửa bám trục đường huyết mạch của xã này phải giải tỏa một phần đất của gia đình thôi, còn lại thì chưa có ý kiến gì. Xã cũng đang vận động bà con nêu cao tinh thần mình vì mọi người, hiến một phần đất để mở đường bác ạ.

Ông Kỷ: Vậy không có đền bù hả chú?… Không xong với mấy người đàn bà rồi.

Ông Ất: Thế mới phải tuyên truyền vận động từ trong gia đình nhà mình, tư tưởng phải thông mới tiến hành được.

Ông Kỷ: Chú có nghề tuyên truyền thì còn dễ… còn tôi thì bó tay chấm com…

Ông Ất: Mỗi nhà hiến vài chục mét đất chứ có nhiều nhặn gì đâu mà khó, lùi tí sân vườn vào cho con đường rộng ra, xe pháo đi lại thuận tiện, ô tô vô tận nơi. Mai mốt thương lái vào mua nông sản, làng nghề làm bún bánh của xã cũng được mở mang, môi trường sạch sẽ thông thoáng. Tất cả đều sinh lợi mà còn tiếc là tiếc cái gì nữa chớ?

Ông Kỷ: Ai cũng nghĩ được như chú thì còn nói làm gì… dù rằng họ cũng biết điều hơn lẽ thiệt, nhưng thiên hạ thường ham cái lợi trước mắt chứ không muốn phải hy sinh chút gì của mình, có đúng vậy không?

Ông Ất: Bác nói phải, vì vậy để đi đến mục tiêu cuối cùng đôi lúc phải giải thích cho tỏ tường, rồi có khi cũng phải đấu tranh đến cùng chứ bác.

Bà Sửu: Ông định đấu ai? Đấu với tôi phải không… Lệnh ông không bằng cồng bà, tôi mà chưa quyết thì đố ai mang đất đai nhà này đi cho không được đấy.

Ông Ất: Thôi tôi xin bà tắt ngay cái loa đi cho tôi nhờ, trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường. Việc hiến đất là do tinh thần tự giác của mỗi người dân chứ cấp trên có ép đâu, vậy mà chưa chi đã toan tính thiệt hơn. Mấy chục hộ người ta đã sẵn sàng vì nông thôn mới, chỉ còn mấy hộ ấp này ý thức quá kém, nhất là mấy bà nhà mình.

Bà Sửu: Ai hiến? Chỉ có ông là khùng...

Ông Ất: Ngày mai bà cứ đi họp rồi sẽ thấy.

Ông Kỷ: Vậy ra các hộ khác họ hiến rồi à?

Ông Ất: Chứ sao… Tinh thần họ cao lắm chứ có đâu như mình, có nhà hiến cả trăm mét đất làm kênh mương đấy bác ạ.

Bà Sửu: Tôi nói cho ông hay, nếu ông cứ cố tình hiến đất thì tôi bỏ cái nhà này tôi đi cho ông coi.

Ông Ất: Lại tinh văn tướng, có giỏi bà cứ đi ngay tôi cũng chẳng có ý kiến gì ráo. Tôi ở lại nhà này cùng với bà con xóm giềng xây dựng nông thôn mới, cần thiết thì tôi đập nhà ra xây lại rồi sẽ…

Ông Kỷ: Lấy vợ mới đúng không? Đấy, thím bình tĩnh lại đi, chớ có dại dột mà bỏ đi đâu, tôi biết tính chú Ất mà.

Bà Sửu: Ổng thích đèo bòng thì cứ việc, khôn lắm thì dại nhiều chớ hay gì.

(Nhâm đi vào)

Nhâm: Ấy chết, ông bà lại tính quẩn hết rồi. Bà mà bỏ đi thì ai sẽ góp sức chung tay xây dựng quê nhà ta đây? Xây dựng nông thôn mới là không ngừng nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của bà con nông dân, nâng cao dân trí, để ai cũng có trình độ, làm chủ quê hương, ông bà mà mâu thuẫn là phá chứ không phải xây đâu.

Ông Ất: Cần thiết thì phải phá để xây mới, cách mạng là thay đổi cái cũ, lỗi thời để hướng đến cái mới tốt đẹp hơn mà.

Nhâm: Chuyện hiến đất cũng đơn giản thôi, các thôn bạn có những hộ nằm trên trục đường họ đã tình nguyện xung phong hiến cả rồi. Ấp mình còn một số gia đình vẫn chưa thông. Không lẽ mình lại thua mấy thôn kia?

Ông Ất: Thua là thua thế nào, con gà tức nhau tiếng gáy. Nếu trên tiến hành làm đường, kênh mương rồi nước sạch cùng lúc, mình không đóng góp lỡ Nhà nước làm đến mấy ấp trên rồi dừng lại thì nguy to, có mà tiêu. Khi đó thì đường cũng chẳng to ra, nước sạch không tới, nước tưới cũng không… xôi hỏng bỏng không.

Ông Kỷ: Vậy thì ấp mình thiệt.

Ông Ất: Thiệt to mà người ta còn chửi vào mặt nữa chứ…

Nhâm: Nhà cháu đã thống nhất hiến đất mở đường trước nhà mình rồi ạ.

Ông Kỷ: Thôi được. Không có đền bù cũng chẳng sao… Tôi cũng theo cô Nhâm.

Bà Sửu: Vậy còn nhà tôi thôi à? Ý ông sao hả ông Ất?

Ông Ất: Cái vụ này tôi nhường cho bà quyền quyết định, vì bà là nội tướng trong nhà này. Bà chả bảo lệnh ông không bằng cồng bà đó là gì?

Bà Sửu: Nếu vậy thì… như vầy… tôi… tôi cũng đồng ý hiến đất làm đường với bà con, nhà mình cũng không thể thua bạn kém bè được… phải không ông xã?

Ông Ất: Vậy tốt quá. Hoan hô bà xã. Bà con mình cùng chung sức chung lòng, góp một phần công của để xây dựng nông thôn mới. Đầu mùa khô sẽ khởi công làm đường. Bây giờ tôi mời tất cả bà con cùng tập múa lân sư rồng để chúng ta chuẩn bị đón mừng những công trình làm đẹp quê hương. Được không bà con?

Tất cả: Đồng ý!

 (Tất cả vỗ tay, múa lân trong âm nhạc rộn ràng, vui tươi)

 

- HẾT -

T.Đ

 ​

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​