Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
THIÊN ĐƯỜNG NGAY DƯỚI CHÂN


Bút ký của Phan Trung Thành

(Nguồn: Sách Tiếng rừng - Nxb. Đồng Nai 2016)

 

Tôi đang hồi hộp lắng nghe nhịp thở của rừng già Mã Đà, thầm cầu nguyện cho nơi này được bình yên, tránh mọi cuộc “tàn phá của bàn tay lâm tặc”, để “miền cổ tích” còn vẹn nguyên cho thế hệ mai sau. Khi ngồi trên núi Cúi nhìn vọng xuống một vùng sông nước trù phú quanh hồ thủy điện Trị An, bất chợt bên tai tôi như có tiếng của người rừng - tiền nhân đã đến nơi này mấy ngàn năm trước, tôi đoán vậy, “Ngươi hỏi ta thiên đường ư? Thiên đường ngay dưới chân mình đó thôi”.

Dùng chữ “hồi hộp” khi miêu tả về Khu DTSQ Đồng Nai, người viết bài này đã ngẫu nhiên vào Google gõ từ khóa “phá rừng”, ngay lập tức trong 0,54 giây cho 1.990.000 kết quả. Tương tự, gõ từ “lâm tặc” cho 1.060.000 kết quả trong khoảnh khắc 0,69 giây. Đó là một kết quả thật đau lòng và thật sự hãi hùng cho những ai quan tâm đến lá phổi thiên nhiên vĩ đại mà đấng tạo hóa đã ban tặng cho con người. Rừng là lá phổi của trái đất, mang một sứ mệnh, vai trò duy trì sự sống, cân bằng sinh thái và sự phát triển đa dạng sinh học.

Tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu ngày 20-6-2016 cho biết: Tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên là 3.354.194ha, trong đó rừng giảm 180.000ha so với năm 2010. Có ba nguyên nhân chính, nhưng chủ yếu tập trung vào nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp, khai thác gỗ và lâm sản trái phép. 5 tháng đầu năm 2016, các lực lượng đã phát hiện và xử lý 1.724 vụ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu “Mất rừng là mất Tây Nguyên” và Tiến sỹ Vũ Ngọc Long (Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam) bổ sung thêm: “Mất rừng là mất sạch”. May thay, mức độ “tàn phá” do di họa của đói nghèo, do thiếu hiểu biết, thiếu ý thức trách nhiệm và lòng tham của con người trong vài thập niên qua chưa có cơ hội lan đến nơi đây, mặc dù vẫn có những vụ săn bắn trái phép của vài cá nhân đơn lẻ đã bị lực lượng bảo vệ, các ban ngành ngăn chặn kịp thời uốn nắn nên “một vùng cổ tích” mà nhân dân Đồng Nai đang sở hữu còn khá nguyên vẹn, ngày càng phát triển sinh sôi.

Chỉ sau sự hình thành Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ đúng một năm, năm 2001 Vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận là Khu DTSQ thế giới và đến ngày 29-6-2011 UNESCO tiếp tục công nhận Khu DTSQ Đồng Nai (Bao gồm Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa (TNVH) Đồng Nai) là Khu DTSQ thứ 580 của thế giới và là Khu DTSQ thứ 8 tại Việt Nam. Khu DTSQ Đồng Nai nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa cao nguyên miền Trung Việt Nam và đồng bằng Nam bộ, chứa đựng các kiểu địa hình tiêu biểu của Nam Trường Sơn, vùng trung du và vùng đồng bằng Đông Nam bộ. Nét nổi bật về địa hình của Khu DTSQ Đồng Nai là sự phân bậc khá rõ rệt, có 5 kiểu địa hình chính là: địa hình núi cao, sườn dốc; địa hình trung bình, sườn dốc ít; địa hình đồi thấp, bằng phẳng; địa hình bậc thềm sông Đồng Nai và địa hình thềm suối xen kẽ với hồ, đầm. Đây là nơi chứa đựng các dạng môi trường sống và một số loài sinh vật quý, hiếm còn sót lại ở miền Nam Việt Nam…

Thật chưa đủ khi chỉ gọi rừng và thiên nhiên là những người bạn tốt của chúng ta. Còn hơn thế, đó là những người bạn nhẫn nại. Họ chẳng phàn nàn với ai. Họ chỉ thầm lặng ra đi, thầm lặng biến mất nếu chúng ta coi thường những nhu cầu của họ”, một nhà văn người Nga từng viết. Vì vậy, thái độ ứng xử với rừng luôn là vấn đề sống còn của hành tinh.

Năm 1997, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, toàn bộ các lâm trường trong tỉnh ngưng khai thác và chuyển sang nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Đó là việc làm mang tính khoa học, thời đại và có trách nhiệm đối với môi trường thiên nhiên, với thế hệ mai sau.

Đi và hít thở không khí nơi này, lòng tôi chợt nghĩ hàng vạn con người trong các đô thị quanh đây có mấy ai nhớ vùng đất này là lá phổi vĩ đại?

Cách 40 km là tới Biên Hòa, với Cù lao Phố và những huyền thoại người Minh Hương (phản Thanh phục Minh) đến sinh sống, các cuộc chạm trán của nghĩa quân nhà Tây Sơn khi chiếm được Gia Định thành (Nguyễn Ánh bỏ chạy) thì nghĩa quân đã vào đập phá Cù lao Phố để lại nhiều dấu tích mà người đời sau không khỏi ngậm ngùi. Biên Hòa ngày nay là trung tâm sầm uất, nhiều nhà máy đã mọc lên bên cạnh một Bình Dương - Thủ Dầu Một thu hút sức lao động từ muôn nơi đổ về. Chỉ cách 70 km là đến thành phố lớn nhất phía Nam với gần chục triệu dân với bao công trình, nhà máy đang ngày đêm vận hành tỏa khói. Nếu - không có Đồng Nai, chính xác hơn nếu không còn Khu DTSQ Đồng Nai thì người mẹ vĩ đại nào của thiên nhiên đứng ra làm bình khí vô tận cho muôn loài hít thở?

Có thể nói, với diện tích lên đến 969.993ha, trong đó có 152.000ha rừng liền mạch, vừa có hệ thống sông, suối, ao, hồ và các di tích văn hóa lịch sử nằm dọc biên của 5 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận và ôm lấy tỉnh nhà Đồng Nai là một ưu điểm nổi trội mà ít có khu DTSQ nào trên đất nước ta có thể so sánh được. Khu DTSQ Đồng Nai bao gồm cả vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn TNVH Đồng Nai, bao gồm cụm di tích, căn cứ cách mạng. Trong một chuyến công tác tạo cảm hứng cho văn nghệ sỹ ngày 30-5-2016, khi thuyền chúng tôi chạy vòng quanh các đảo nhỏ nhấp nhô trên hồ Trị An, Phó Trưởng Ban Thường trực Khu DTSQ Đồng Nai, Giám đốc Khu Bảo tồn TNVH Đồng Nai, Tiến sỹ Trần Văn Mùi hướng mắt phía lòng hồ nói nhỏ với chúng tôi: “Ở nơi đây cần có một nghĩa trang, nghĩa trang dưới nước”.

Không chỉ tôi lặng đi mà còn nhiều ánh mắt của anh chị em nghệ sỹ trong đoàn như nhà văn Bích Ngân, Thu Trân, Võ Thu Hương và nhiều anh chị em khác nhìn nhau chơm chớm nước mắt. Bởi biết rằng, thuyền đang đi trong hồ mà cách nay hơn ba mươi năm, theo lời kêu gọi của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nay là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hàng chục ngàn thanh niên trai trẻ từ các nơi quần tụ về vùng đất hoang vu này của Đồng Nai (còn có tên xa xưa là Dou-nai trong thư tín của Pháp, Dã Lộc - cánh đồng nhiều nai, theo cách phiên âm Hán) biến thác Trị An, bậc thứ chín cũng là bậc cuối cùng của dòng sông Đồng Nai đang băng băng giữa đại ngàn, ngăn dòng đắp đập để tạo nên công trình đồ sộ có giá trị biểu tượng cho phía Nam thuở ấy. Biến dòng chảy hung hăng trở thành công trình thủy điện Trị An có giá trị về kinh tế cao, phát điện cho cả Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh. Đây là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam với diện tích 32.400ha cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hơn 15 triệu cư dân vùng hạ lưu. Trên lòng sông rộng mênh mênh được bao bọc bởi những tán cây rừng mướt mát, khoảng 70 hòn đảo lớn nhỏ (gọi là tiểu cảnh) cho mặt sông này thêm trù phú, đa dạng. Một bức tranh thủy mặc ấn tượng trong kí ức người du lãm qua đây. Đoàn chúng tôi được Giám đốc Mùi chiêu đãi một món cá lìm kìm mảnh như sợi len màu trắng ngà, cá lìm kìm phơi khô một nắng chiên sơ trên chảo dầu chấm với tương ớt, không quên mang theo một chai rượu mật nhân thương hiệu “Chiến khu Đ” (Rượu mật nhân đang được lan truyền nhiều huyền thoại về giá trị chữa bệnh của thân rễ cây mật nhân. Rượu mật nhân phải được ngâm từ thảo dược trong tỉnh nhà cùng với rượu gạo cũng xản xuất tại đây để cho ra đời sản phẩm Rượu mật nhân Chiến khu Đ, chỉ một ly nhỏ trong chiều cũng đủ giãn gân cốt cho du khách sau một ngày leo trèo khám phá vùng rừng nhiệt đới).

Nhấp một chút với sợi cá lìm kìm khi đang lướt trên hồ cũng mới thấy thích cái thú tiêu dao. Ông Mùi bảo, cá lìm kìm bơi trên mặt nước, thành đàn, chúng sinh trưởng nhanh trong hồ Trị An. Bất chợt, tôi nhớ ánh mắt ông khi nói ra điều mong ước. Biết bao người con từ mọi miền của Tổ quốc đã để lại thân xác hoặc một phần đời nơi đây, khi dọn lòng hồ để làm công trình cho kịp tiến độ, biết bao nhọc nhằn đằm lại. Quá xúc động khi nghe một dự án, một tâm sự của Tiến sỹ Trần Văn Mùi, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đã đọc Hành tráng sỹ mới anh viết tại mặt trận Campuchia trong màu áo quân tình nguyện. Nhà văn Hoàng Đình Quang đọc bài thơ xúc động anh viết về đồng đội là thương binh nay trở lại đời thường với bao dằn vặt. Gặp bạn ở chợ Bến Thành cũng là phát hiện đớn đau về đồng đội bước ra thời bình “Một thời đánh Bắc dẹp Đông/ Chiến tranh kết thúc dở ông dở thằng”. Từ cảm hứng đó, những khúc ca viết vội về mảnh đất con người Đồng Nai cũng được cất lên. Tôi, một kẻ hậu sinh sống và lớn lên trọn trong thời bình, khi đi qua vùng đất này đã lưu giữ nhiều cảm xúc. Lặng yên nghe sóng vỗ, nhìn một áng mây rớt xuống lòng hồ như cánh chim chấp chới. Tôi nghĩ về số phận, tôi nghĩ về kiếp người, ai đã đến đây giữa trời đất bao la rồi để lại vấn vương? Một nghĩa trang để tri ân những người đã mất, xác thân họ còn vương nơi đáy lòng hồ, hoặc hy sinh trong các cuộc chiến, tôi nghĩ đó là lẽ phải. Tôi thấu hiểu lòng ông và cầu mong cho ước mơ này chóng thành hiện thực.

Trong mạch cảm xúc, đoàn chúng tôi ngay hôm ấy đã lên thăm các di tích, căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ nằm trong Khu Bảo tồn TNVH Đồng Nai, nay là Khu DTSQ Đồng Nai. Lịch sử cách mạng miền Nam gắn liền với những khu căn cứ mà chỉ có rừng tự nhiên của vùng Đông Nam bộ mới tựu đủ các yếu tố cần thiết trong chiến lược quân sự hình thành và phát triển. Trung ương cục miền Nam khởi đầu hình thành và chọn nơi này làm trụ sở, mặc dù chỉ hoạt động trong vài năm, từ 1961- 1962 sau đó chuyển sang Tây Ninh nhưng căn cứ quan trọng này vẫn tiếp tục tồn tại để làm chỗ dừng chân cho nhiều cơ quan quân sự, hậu cần của Khu ủy miền Đông. Sau này tiếp tục là tuyến đường nối thông từ Bắc vào tiếp đường Trường Sơn huyền thoại, tiếp viện chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Bao bọc căn cứ là những cây chò hàng trăm tuổi, vân gỗ nhẵn bóng như những “chiến binh” đã trải bao nắng mưa. Cây chò có sức vươn cao đủ để chiến sỹ canh gác leo lên ngọn cây quan sát xung quanh bốn phía. Cách vài km len lỏi trong rừng già là Di tích, căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (Quân khu miền Đông) trong thời gian từ năm 1962 đến 1967. Nơi đây, Bộ Tư lệnh đã chỉ huy lãnh đạo các lực lượng vũ trang phối hợp với quân chủ lực Miền làm nên những chiến thắng vang dội.

Lịch sử đã khép lại nhưng những gì về mảnh đất, con người và trí tuệ, sức lực hội tụ để làm nên nó thì cần phải mở ra ở nhiều cách tiếp cận khác. Mọi thứ lưu giữ nằm trong sự hiểu biết mới bền vững. Tôi biết, tất cả những công việc lớn lao này sẽ là thách thức lớn đối với những người lãnh đạo và cả tập thể cán bộ, nhân viên Khu DTSQ Đồng Nai. Nhưng, bằng những gì nghe, thấy được trong chuyến đi bổ ích này, tôi tin họ sẽ làm được: Từ câu chuyện của anh kỹ sư nhân giống trẻ Trần Đình Hùng với câu nói yêu thích “Khi trái lìa cành cũng là khi sự sống bắt đầu cho một tương lai tươi sáng“; Từ ánh mắt thân thiết của em hướng dẫn viên lo cho đoàn chúng tôi băng rừng, tranh thủ giới thiệu từng lá cây ngọn cỏ... đến những trăn trở băn khoăn của nhiều đồng chí lãnh đạo, của bác Võ Văn Một - người đã đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch tỉnh Đồng Nai đến hai nhiệm kỳ và là người gắn bó với rừng từ suốt thời thơ ấu. Vậy nhưng để có những dòng chữ viết về bác thật không dễ chút nào, bác bảo chúng tôi yêu rừng theo cách của nông dân, gắn bó thì được nhưng để nói về nó thì phải có kiến thức khoa học, các bạn trẻ trong Khu DTSQ hiện nay được trang bị khá tốt.

 Ngọn lửa nhiệt huyết với rừng còn được thể hiện khá rõ nơi anh Nguyễn Minh Tâm (Phó GĐ) khi giới thiệu mô hình công trình văn hóa Tháp Chiến khu Đ tọa lạc ở xã Mã Đà huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Công trình tổ hợp văn hóa này gồm một tòa nhà với tổng chiều cao 70 mét, toàn bộ mô hình tháp là một tổ hợp kiến trúc, điêu khắc mang hình tượng của trái dầu và cách điệu của mằm sống, lá trung quân và hoa tam lang, biểu trưng cho đất và người miền Đông “Gian lao - Anh dũng - Năng động - Sáng tạo”. Khi xem phim về mô hình Tháp Chiến khu Đ hình thành từ trước năm 2009, nay đang chờ kinh phí của tỉnh Đồng Nai cấp để hiện thực hóa mô hình này, tôi thấy một Đồng Nai đang bay.

Khép lại một chuyến đi 4 ngày ngắn ngủi, được đắm mình trong không khí mát lành của Khu DTSQ, được ăn những món dân dã chế biến từ thực phẩm sạch nuôi trồng tại địa phương, các loại rau rừng gợi nhớ một thời khói lửa, bữa cơm dã chiến được chuẩn bị trong thời bình, đủ sức hấp dẫn và đủ năng lượng cho người thích đi khám phá, tôi chợt liên tưởng một số liệu mà báo chí gần đây công bố: “Du lịch là một trong những ngành bán lẻ lớn nhất trên thế giới. Mỗi năm, toàn thế giới có khoảng 900 triệu khách du lịch quốc tế (chưa kể các khách du lịch nội địa), tiêu xài khoảng trên 1 ngàn tỉ đôla, tức là khoảng 3 tỉ đôla mỗi ngày”. Mong sao nơi này không những tiếp tục giữ gìn nguyên vẹn lá phổi xanh cho nhân loại mà còn khai thác những mô hình du lịch dã ngoại để góp phần cất cánh cho tỉnh Đồng Nai. Và rất nên đưa vào nhà trường những tiết học lí thú về rừng bản địa, và hơn hết là giáo dục cho con em hãy làm một công dân thời thượng biết bảo vệ môi trường, đi du lịch xanh với tiêu chí hãy đừng lấy đi cái gì ngoài những bức ảnh, hãy đừng để lại gì ngoài những dấu chân.

TP. Hồ Chí Minh, tháng 8-2016

P.T.T

 ​

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​