Bút ký của
Trâm Oanh
(Nguồn: VNĐN số 20 – tháng 07 & 08 năm 2017)
Bạn
đã đến Khu du lịch Suối Mơ của huyện Tân Phú, đi từ hướng Định Quán qua khoảng
trước năm 2013, bạn sẽ thấy thiêu thiếu một điều gì đó vì suối thì đẹp, trong
và mát đấy; cá Suối Mơ ngọt thịt và đậm đà đấy nhưng đi quãng đường xa thế chỉ
có tắm suối và thưởng thức cá chép suối thì hình như trong lòng bạn còn băn
khoăn vì thiếu thiếu điều gì... Nay đã có chuỗi Thế giới Ca cao của Khanh cách
Suối Mơ 4 km; du khách có thể dừng chân lại, nhìn ngắm vườn ca cao, chiêm ngưỡng
sản phẩm ca cao và nhấm nháp vị béo ngậy, đăng đắng, đầm đậm của ca cao thấm dần
từ đầu lưỡi, lan xuống cuống họng cùng với hương vị ca cao nồng nàn. Bạn sẽ thấy
chuyến đi của mình trở thành ý nghĩa, dù chỉ đi một nhưng bạn được thật nhiều.
Và chắc hẳn lúc chuyển bánh, xe của bạn sẽ lại chất ngổn ngang những rượu vang,
bột, socola, kẹo, thức uống ca cao và chở thêm cả sự ngạc nhiên về những sản phẩm
ngỡ chỉ có đâu đó trong những vùng cao nguyên xa xôi. Đấy có nghĩa là chuỗi của
Khanh đã không chỉ còn quanh quẩn với nông dân và ca cao mà đã mở rộng liên kết
chuỗi với du lịch sinh thái. Và Khanh đã lấy thêm một điểm cộng cho chuỗi của
mình.
Bạn
đã thấy Khanh, sơ mi trắng, dài tay dày và rộng; quần jean rộng và dày; giày thể
thao trắng to cộc kệch; mái tóc dài kéo sau gáy, vầng trán rộng và cặp mắt to,
sáng phảng phất ánh cười sau tay lái chiếc Fortuner, bạn sẽ nghĩ, ấy là tay
chơi phố thị. Nếu bạn thấy Khanh ở rẫy ca cao của mình, vẫn quần ấy, áo ấy và
giày ấy nhưng nói về ca cao và những dự định, và đôi bàn tay chai sạn thoăn thoắt
nhổ cỏ, ngắt cành, bạn lại thấy Khanh đích thị một nông dân hơn cả nông dân.
Còn nếu bạn thấy Khanh ở xưởng sản xuất và say mê nói về cách phát triển thị
trường, về thành phẩm, về xu hướng sản xuất và tiêu thụ ca cao trên thế giới, về
cách làm như thế nào để hương vị ca cao ngạt ngào hơn, bay xa hơn, về cách truyền
cảm hứng cho các bạn trẻ lập nghiệp, bạn sẽ phải rối mù: Khanh ấy, nhà quản trị,
người kinh doanh, kỹ sư Hóa thực phẩm hay cán bộ Đoàn đang truyền cảm hứng khởi
nghiệp? Chẳng biết bằng cách nào, vào lúc nào Khanh có thể cập nhật vào đầu
mình một núi thông tin, sàng lọc để biến nó thành thông tin cho mình, của mình
như thế. Đem thắc mắc hỏi, Khanh chỉ cười hiền, nụ cười hiền cho tôi hiểu vì
Khanh được sống, làm việc với đam mê ở thế giới của Khanh, Thế giới ca
cao.

Đặng Tường Khanh bên một gốc Ca cao do khách hàng Nhật Bản đặt tiêu thụ sản phẩm - Ảnh: T.O
***
Tôi
“mê” Khanh không bắt đầu từ Khanh mà qua lời kể của anh Phạm Minh Đạo, trước là
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai: “Nếu nói về xây
dựng chuỗi phát triển nông nghiệp ở Đồng Nai thì “thằng cha”này làm ngon nhất!”.
Đặng Tường Khanh, sinh năm 1980 quê Bến Tre, được sinh ra tại Thành phố Hồ Chí
Minh. Bảy năm nay, Khanh bỏ phố lên rừng để nuôi và theo cha thực hiện ước mơ
nông dân trên mảnh đất Phú Hòa, huyện miền núi Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Trụ
sở Công ty Ca cao Trọng Đức cùng với vườn ca cao xanh tốt của Khanh bây giờ, mười
năm trước là rẫy tạp đủ thứ: cà phê, điều, bơ, cà ri của bà con người Hoa. Con
đường qua rẫy thời ấy
nắng bụi, mưa lầy, là thử thách đối với mọi tay
lái cả vào mùa khô hay mùa mưa mặc dù là con đường chạy ngang qua UBND xã Phú
Hòa. Dân xã khoảng 10.000 người, đủ các xứ tụ về nhưng có lẽ cộng đồng đại diện
là những người dân kinh tế mới từ quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh về
lập nghiệp sau những năm đầu giải phóng. Ở xã này, mấy cây trồng đặc sản ngày
xưa như đậu nành, thuốc rê đã không còn vì thổ nhưỡng không còn thích hợp nữa.
Cuộc sống, kinh tế của Phú Hòa cứ lằng lặng, bình bình, chưa thấy đâu một mẫu
hình, một điểm nhấn làm kinh tế.
2006,
bác sĩ quân y, thầy thuốc ưu tú, bác Đặng Tường Khâm đã ở độ tuổi 70 bỏ phố lên
rừng bắt đầu gầy dựng vườn cây và Công ty bây giờ. Lý do đơn giản vì niềm đam
mê với hương vị ca cao và sự am tường về loại cây này cũng như thổ nhưỡng của
vùng đất Đông Nam bộ. Năm 2010, Khanh khi ấy đã xuất ngũ và đang kinh doanh tại
Thành phố Hồ Chí Minh đã vài năm được cha tin tưởng giao kế tiếp niềm đam mê ca
cao. Thương cha đã già mà con đường từ ước mơ đến hiện thực còn đầy chông
chênh, theo cha, Khanh lại bỏ phố lên rừng bắt đầu hành trình của một nông dân
rồi doanh nhân trên đất Định Quán.
Đối
với người nông dân, nghe những khái niệm chuỗi, về liên kết có vẻ như xa xôi, với
Khanh, chỉ là hình tượng dễ hiểu, dễ nhớ và cũng dễ làm: Chuỗi như một sợi dây
tạo thành vòng tròn khép kín liên kết từ nơi tiêu thụ hàng hóa đến nhà máy, rồi
đến hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân. Trong chuỗi ấy, hợp tác xã quan trọng
như bộ rễ của cây, là nơi trung chuyển, thu mua gom trái, hoạt động như lá cây.
Còn nói theo văn phong của các văn bản hành chính thì chuỗi là một chu trình
liên tục từ sản xuất nguyên liệu thô đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Dự án của Khanh được xác định phải tạo nguồn nguyên liệu bền vững, tổ chức liên
kết có lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân, đảm bảo không có thu mua trung gian
mới ổn định việc thu mua được và liên kết liên vùng với nông dân thì mới phát
triển được cây ca cao trên địa bàn, không phụ thuộc vào giá cả thế giới.
Nhưng
trước khi đến với ca cao thì vườn, rẫy của người dân Định Quán đã có sự hiện diện
của cây điều. Thuyết phục người dân bỏ điều, trồng ca cao trong khi chưa chứng
minh được lợi ích là điều không tưởng. Chính vì vậy, Khanh suy nghĩ và đưa ra
mô hình ca cao song điều. Để làm được việc ấy phải có cán bộ kinh tế đi theo
người dân để chỉ dẫn; phải tổ chức tập huấn cho nông dân trong và ngoài dự án;
phải theo dõi sâu bệnh, nếu có phát sinh sẽ tập huấn xử lý trực tiếp và cũng phải
hiểu về cây điều như hiểu về cây ca cao. Để chắc ăn, Khanh phối hợp với Đại học
Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh theo dõi, xử lý bệnh cho cây để quản lý tốt nhất
từ cây giống đến cây thu hoạch. Có vườn cây rồi, Khanh cho lập bảng Exel theo
dõi cây theo từng vườn về số cây, độ tuổi để biết sản lượng từng vườn; nếu năng
suất cây đạt dưới chỉ số trung bình sẽ cử anh em tới để giúp nông dân xử lý. Đến
đây, bài toán vùng nguyên liệu đã được giải quyết.
Nay,
Khanh đã ký kết với 300 hộ hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong 7 năm; giá 4.000 đồng/
kg tươi. Theo anh Nguyễn Hữu Định, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn,
thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đây là điểm khác biệt trong
nội dung dự án của Khanh so với các dự án khác: Đó là dự án duy nhất trong tỉnh,
chỉ có ca cao Trọng Đức dám đưa giá sàn vào nội dung dự án. Ký kết hợp đồng với
nông dân, Khanh cho xây dựng phụ lục hợp đồng rõ ràng hẳn hoi với cam kết thực
hiện thí điểm giá sàn 6.000 đồng/kg tươi/ năm và thực tế Khanh đang mua giá
6.000 đồng/kg tươi; tùy tình hình thực tế có thể ký kết giá cao hơn để người
dân yên tâm sản xuất. Trong 6.000 đồng đó, Công ty giữ lại 500 đồng/ kg để đảm
bảo cam kết nông dân bán cho Công ty, mức mua này đã giúp người nông dân có lãi
và là một cách để cam kết sử dụng phân bón và quy trình của công ty; có như vậy
mới kêu gọi được Công ty phân bón thuộc tập đoàn Con cò vàng cung cấp.
Có
vườn mẫu, có cán bộ kỹ thuật, có nhà máy chế biến, có vùng nguyên liệu nhưng
làm sao để vùng nguyên liệu đó ổn định là một bài toán khó. Khanh giải bằng
cách cho nông dân vay mua phân trả chậm 50% trong thời gian 3 tháng. Đến nay đã
cho vay lần 3; đợt 4 sắp tới dự kiến cho vay trên 300 tấn. Đến đây một tình huống
đặt ra: Nông dân trồng được ca cao nhưng ca cao đó không được bán cho Trọng Đức
thì Trọng Đức xử lý như thế nào? Đây là
một thực tế đã từng xảy ra đối với cây bông vải trước đây: Khi giá lên, nhiều
doanh nghiệp nhảy vào tranh mua nên xảy ra tình trạng giành giật, bội tín.
Khanh đã lường trước được điều này. Cách Khanh đã thực hiện từ năm 2011 đến nay
là hỗ trợ chi phí cho Hợp tác xã 300 đồng/ kg tươi và tổ hợp tác 100 đồng/ kg
tươi để các tổ chức này hỗ trợ Khanh thu mua. Bởi Khanh xác định hai tổ chức
này phải có sự phối hợp tốt nhất với Công ty; vai trò của Tổ hợp tác là vệ tinh
của Hợp tác xã; mỗi Tổ hợp tác sẽ quản lý từ 5 đến 6 nông hộ và hai tổ chức này
đã không phụ lòng tin của Khanh. Đấy là cách Khanh nuôi dưỡng các “chân rết”của
mình để các khâu trong chuỗi không bị gián đoạn.
Hướng
tới đây, Hợp tác xã sẽ giúp Khanh chế biến một phần trước khi nguyên liệu về đến
nhà máy để việc xử lý sản phẩm thô kịp thời hơn, chất lượng hơn.
Nhà
máy của Khanh hàng tháng sản xuất 40 tấn sản phẩm các loại và đã đạt giấy Chứng
nhận UTZ (chứng nhận đảm bảo sản xuất bền vững) năm 2011 về đánh giá quy trình
chất lượng. Sản phẩm bán chạy và mang lại doanh thu cao nhất là rượu ca cao các
loại; thị trường tiêu thụ lớn nhất là thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Công
ty đã hợp tác với Nhật Bản, một thị trường khó tính để sản xuất socola, dự kiến
đến năm 2018 sẽ sản xuất hết 70% số lượng sản phẩm thô của vùng nguyên liệu.
Khanh còn đang ấp ủ sẽ sản xuất vang; sản xuất nấm từ vỏ ca cao để bán cho thị
trường Nhật Bản. Những điều này, đến vườn ca cao của Khanh bạn sẽ thấy rất rõ.
Rất nhiều cây trong vườn được khách hàng Nhật Bản chọn, cây được làm dấu bằng
cách đeo bảng tên người chọn. Trong chu kỳ từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch,
Khanh sẽ chụp hình theo từng giai đoạn để báo cho khách hàng biết và yên tâm về
việc sinh trưởng, phát triển của cây và trái. Sản phẩm thu được từ cây sẽ được
chế biến riêng và chỉ bán cho người đã chọn cây và người chọn cây chỉ có thể nhận
sản phẩm làm ra từ cây ca cao đã chọn. Đấy, có nghĩa là Khanh đã tạo dựng được
niềm tin đối với một khách hàng rất khó tính. Cái được của niềm tin ấy không phải
là số lượng sản phẩm bán ra mà là sự lan tỏa của Công ty Trọng Đức thông qua những
khách hàng Nhật Bản.
***
Trong
câu chuyện giữa vườn ca cao, Khanh hay lặp đi lặp lại ý tưởng “lấy của mình bảo
vệ cho mình”. Mà điều này ở Công ty Khanh đã thấy rất rõ. Khanh khoe thuận lợi
của mình là con người, là đội ngũ quản lý và nhân viên công ty gắn bó,
trách nhiệm, năng
động và đầy
hoài bão, đấy
là nguồn lực
vô giá. Chính
vì vậy, diện
tích ca cao trong cánh đồng lớn
của Khanh tăng cao trong khi các vùng khác
tăng rất ít. Mà nhu cầu tiêu thụ ca cao theo khảo
sát của Khanh là rất cao, thực tế cung chưa vẫn chưa đủ cầu. Năm 2017 này, Công
ty dự kiến giữ lại 700 đồng/ kg và chia lãi để dân cùng đồng hành và canh tân
nhà máy. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được vì 1ha ca cao của nông dân
thu lãi 1 năm là 100 triệu đồng. Ý tưởng đã thấy màu hồng rồi và người dân đã
có lòng tin.
Hạn
chế của nhiều doanh nghiệp Việt Nam theo Khanh là giấu kinh nghiệm nhưng với
Khanh thì khác. Ngay tại vườn ca cao xanh mát của mình, Khanh xây dựng 05 căn
phòng với những tiện nghi thiết yếu như một gia đình nhỏ, là nơi tiếp đón sinh
viên thực tập, khách tham quan; giá thuê phòng và lo luôn việc ăn uống là
400.000 đồng/ ngày. Đến đây, khách và sinh viên có nguyên liệu, có cây trồng,
có phòng thí nghiệm, có sản phẩm để thực tập, nghiên cứu, thưởng thức và nghỉ
ngơi. Hóa ra mô hình vừa học, vừa chơi là đây.
Cơ
ngơi đến thời điểm hiện tại là vậy nhưng không phải mọi bước đi của Khanh từ
trước đến nay đều thuận lợi. Mới đầu cha con Khanh do nôn quá, nóng quá, không
chỉ đạo về kỹ thuật được nên thất bại từ lúc trồng đến chế biến. Có buồn nhưng
không nản. Từ thất bại nên hai cha con Khanh nảy sinh phương án làng công nghiệp
là gì? Ý tưởng đặt ra từ câu hỏi: Cả nước có khu, cụm công nghiệp thì tại sao
mình không có làng công nghiệp. Làng công nghiệp theo quan niệm của Khanh đơn
giản chỉ là trong cây ca cao có sản xuất chất lượng và tập trung. Là khắc phục
hạn chế hiện nay là thu mua dàn trải, mỗi tuần mỗi bán. Là hỗ trợ từ cánh đồng
lớn. Nhận định ca cao là sản phẩm không thể bán ngoài chợ nên tại mỗi vùng, khi
có được 5 ha, Công ty của Khanh sẽ hướng để hình thành một câu lạc bộ nhằm trao
đổi, rút kinh nghiệm vì nếu làm mà không biết tổ chức thì làm cũng như không.
Từ
giữa năm 2015, dự án cánh đồng lớn hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ
ca cao trên địa bàn huyện Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú tỉnh Đồng Nai được
UBND tỉnh quyết định phê duyệt tại Quyết định số 865/QĐ-UBND ngày 13/4/2015.
Khu vực dự án gồm 4 xã huyện Thống Nhất; 06 xã và 01 thị trấn của huyện Định
Quán và 8 xã thuộc huyện Tân Phú. Quy mô dự án với diện tích đăng ký của các
huyện đến cuối kỳ dự án là 830 ha trong đó huyện Định Quán 330 ha, Tân Phú 300
ha, Thống Nhất 200 ha. Đối tượng là các hộ nông dân tham gia dự án có khoảng 01
ha cây ca cao trồng xen điều, như vậy dự án có 800 hộ nông dân tham gia, thời
gian thực hiện dự án trong 7 năm (2015 - 2021). Tổng kinh phí dự án cánh đồng lớn
trồng 830 ha ca cao xen canh cây điều từ năm 2015 đến 2021 là: 352,251tỷ đồng
bao gồm chi phí sản xuất; trồng mới, chăm sóc và thâm canh; tập huấn và xây dựng
cơ sở hạ tầng.
Khanh
tâm sự, sự quan tâm của tỉnh là đòn bẩy tinh thần rất lớn. Lúc vốn cạn, vay
ngân hàng gặp khó khăn, chưa biết xoay xở ra sao thì Khanh gặp uý nhân. Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh khi thăm cơ sở sản xuất và việc sử dụng đất đai của
Công ty, biết được khó khăn về vốn đã có những tác động kịp thời. Nghe Khanh kể,
anh Chánh đã phải nói cứng, cam kết lấy… nhà mình để bảo lãnh và Khanh lại tiếp
tục có vốn để nuôi nấng và chăm chút chuỗi ca cao của mình lớn mạnh và có lãi
như bây giờ. Điều Khanh mong muốn hiện nay là được phép đăng ký cho làm xưởng
ca cao trong vườn ca cao để Công ty của Khanh có điều kiện nghiên cứu và phát
triển tốt hơn những vỏ, bột, hột, xơ của ca cao. Khanh cam kết không gây ô nhiễm
vì sản xuất của Công ty phải gắn với vùng nguyên liệu, giúp người dân hưởng lợi
từ sản phẩm nhiều nhất. Khanh hiện là đại biểu HĐND xã Phú Hòa nhiệm kỳ
2016-2021, là đại diện cho khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đồng thời cũng
là một thành viên của Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Đồng Nai thì những điều anh
quan tâm, trăn trở là lẽ thường tình.
Phú
Hòa, vùng đất nơi Khanh bén duyên cùng ca cao bây giờ đã khác. Cùng với Khanh
và ca cao Trọng Đức, xã còn có thêm một doanh nghiệp đan lát các sản phẩm từ lục
bình khô xuất khẩu tạo việc làm cho dân trong xã đã giúp diện mạo của xã có nhiều
đổi thay. Thanh niên trong xã bây giờ đã có thêm chọn lựa việc làm cho mình,
ngay trên đất của ông cha mình. Dân trong xã nói với tôi rằng, nếu như trước
đây, người ta nói công ty Trọng Đức trong xã Phú Hòa thì nay, câu nói quen nghe
lại là Phú Hòa có công ty Trọng Đức. Nói cách nào thì cũng chỉ là Phú Hòa và Trọng
Đức dường như cũng đã quyện chặt cùng nhau.
Ngày
23/3/2017, xã Phú Hòa tưng bừng tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu xã đạt
chuẩn Nông thôn mới, ghi dấu những cố gắng chung tay của chính quyền, doanh
nghiệp và người dân trong xã, tạo thêm động lực mới cho Phú Hòa tiếp tục vươn
lên. Trong niềm vui chung đó, tôi thấy mắt Khanh luôn lấp lánh ánh cười, nụ cười
của người cùng có công tạo nên niềm vui chung. Sắp tới sản phẩm của Khanh sẽ thực
hiện chỉ dẫn địa lý, một cách để quảng bá và bảo hộ hàng hóa bởi Công ty Trọng
Đức của doanh nhân Đặng Tường Khanh sẽ là nơi cung cấp ca cao chất lượng vào loại
nhất thế giới. Và Khanh đang hướng tới một tập đoàn ca cao miền Đông Nam bộ, sẽ
bán cổ phần cho nông dân. Với tôi, qua những điều mắt thấy, tai nghe, tôi tin
và chúc cho mọi điều thuận lợi sẽ đến với Khanh.
T.O