Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
MẸ

Viết ngắn của Thái Công

(Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 21)​


     Hình ảnh về người mẹ là đề tài muôn thuở, từ đông sang tây, từ cổ đến kim. Có lẽ trong chúng ta ai cũng thuộc một câu thơ, một bài hát hay ít nhất cũng là một đoạn thơ, đoạn nhạc, câu ca dao hay cả một đoạn kinh về đề tài người mẹ. Không hiểu sao tôi là một người có trí nhớ khá kém, vậy mà có một đoạn kinh Sám tụng trong Kinh Phật tuy chỉ nghe vài lần lúc nhỏ nhưng tôi nhớ mãi đến bây giờ: “Nhớ nghĩa thân sinh/ Con đến trưởng thành/ Mẹ dày gian khổ/ Ba năm nhũ bộ/ Chín tháng cưu mang/ Không bớt lo toan/ Quên ăn bỏ ngủ/ Ấm no đầy đủ”…

     Ký ức với những sự chăm bẵm, dưỡng nuôi của mẹ giờ đã xa, thật xa... Nghĩ về mẹ, tôi thường nghĩ về đời sông, đời chợ. Đời sông khi cạn, khi đầy. Và con đò dẫu “chồng chềnh” nhưng vẫn đều đặn tháng ngày cập bến để mẹ kịp những chuyến chợ xa. Mỗi khi vô tình bắt gặp những người phụ nữ đang vất vả mưu sinh trong các thị thành miền Nam để nuôi con ăn học nơi quê xa, tôi lại thêm bâng khuâng nhớ mẹ, nhớ nhà. Tôi sinh ra và lớn lên trên rẻo đất miền Trung, núi nhiều, sông nhiều, quanh năm nắng cháy và hứng chịu nhiều bão lũ. Đất quê khắc nghiệt như vậy, có được cơm no đã khó, vậy mà mẹ tôi không quản ngại nắng mưa lo cho đàn con từng miếng cơm manh áo, được học hành đến nơi đến chốn.

     Mẹ tôi buôn bán nhỏ ở chợ. Nhớ ngày bé, mỗi khi nước lũ dâng cao, cả nhà tôi lại hối hả chạy lên chợ để chuyển hàng đến chỗ cao ráo. Ánh mắt mẹ hốt hoảng vì lo sợ hàng hóa bị hư hỏng, không buôn bán được để có tiền cho chị em tôi ăn học. Mưa lũ, buôn bán ế ẩm, không mua được nhiều đồ ăn mẹ đều gắp hết đồ ăn cho chị em tôi. Mỗi lần như thế, mẹ đều nói “các con cứ ăn cho no để có sức mà học, nhìn con ăn ngon là mẹ no rồi”.

     Hồi đó, tính tôi khá lì lợm. Tôi đã thích cái gì là đòi cho bằng được mới thôi. Thấy thằng bạn nhà bên có đồ chơi mới, tôi cũng nằng nặc đòi mẹ mua cho bằng được dù lúc đó mẹ tôi còn phải chạy gạo từng ngày. Mỗi lần mẹ không đáp ứng được yêu cầu là tôi lại khóc ầm lên, trách móc mẹ đủ thứ rồi so sánh với mấy đứa nhà có điều kiện kinh tế hơn. Sau này khi lớn lên, đi qua nhiều mùa bão và tuổi đủ lớn, nghĩ lại tôi thấy thương mẹ vô cùng.

     Tôi chạy theo ước mơ, hòa vào dòng đời vội vã. Đôi lần vội vã trở về bên mẹ mong tìm hơi ấm. Mái nhà mình đầy nắng, vườn nhà cây lá xanh tươi, quả sai trĩu cành. Trong vòng tay của mẹ, tôi vẫn “nằng nặc” đòi mẹ đáp ứng yêu cầu của mình nhưng không phải là đòi hỏi về vật chất mà đòi mẹ… hát ru ngủ cho tôi như lúc nhỏ. Mẹ vuốt tóc tôi, mỉm cười và mắng yêu “thằng này lớn rồi mà cứ như con nít”. Nhìn đôi mắt mẹ long lanh như thể gom cả vạt nắng cuối chiều còn sót lại, tôi chỉ muốn nói thật to: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ!”. Dù con có lớn bao nhiêu thì con vẫn là con của mẹ. Chỉ có vòng tay mẹ là bình yên dẫu ngoài kia bão tố…

                                                                                                                                                                                  T.C


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​