Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
CHUYỆN CỦA NGƯỜI VÀ ĐẤT

 

Bút ký của Bùi Quang Tú

(Nguồn: VNĐN số 22 – tháng 11 & 12 năm 2017)

  

Huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai nổi tiếng về nhiều mặt. Đó là nơi có những giao lộ chằng chịt, ngả về Thành phố Hồ Chí Minh, ngả về Dầu Giây, Bà Rịa Vũng Tàu, cũng là nơi mọc lên các khu công nghiệp với dày đặc nhà máy. Sân gôn Long Thành, Bò sữa Long Thành thường được mọi người nhắc đến. Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được Nhà nước quan tâm đầu tư, hứa hẹn đến năm 2030 máy bay sẽ nườm nượp cất cánh, hạ cánh. Nhưng có một lãnh vực chưa được nhắc đến nhiều so với Xuân Lộc, Long Khánh, Trảng Bom, đó là nông thôn mới Long Thành. Trong hai ngày theo đoàn văn nghệ sĩ Đồng Nai về Long Thành tìm hiểu hành trình xây dựng nông thôn mới tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mười tám xã Long Thành như một cuốn tiểu thuyết mười tám chương với tựa đề “Nông thôn mới Long Thành” tôi mới đọc được có ba chương: Cẩm Đường, Bình Sơn, Bình An mà đã khám phá ra nhiều điều thú vị. Qua câu chuyện của con người với những mảnh đời, những số phận, chuyện của đất đai cây trái tôi đã hình dung ra diện mạo, sức vóc về vật chất và tinh thần của nông thôn mới nơi này.

***


Chuyencuanguoivadat.jpg
Đoàn VNS chụp hình tại nhà nông dân sản xuất giỏi xã Bình Sơn - Ảnh: K.H

 

Người Long Thành là người tứ xứ đúng với câu “đất lành chim đậu”. Cán bộ xã quê Long Thành cũng có nhưng ít, đa số là người Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Họ trẻ trung, năng động. Nông dân huyện Long Thành là một tập hợp của Bắc Trung Nam. Đến thăm nhà anh Vũ Trọng Hiệp, sinh năm 1948 quê Thái Bình đã thấy chiếc xe ô tô màu kem đậu ngay giữa sân. Chiếc ô tô ấy với đồng lương công chức như tôi thì mãi mãi chỉ là niềm mơ ước. Anh Hiệp dáng cao to như anh hùng phi công Phạm Tuân - đồng hương của anh, chậm rãi kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện đời rất thú vị:

- Năm 1980 cả gia đình tôi dạt vào miền Tây làm thuê làm mướn đắp đổi qua ngày, không sống nổi lại quay về quê. Vài năm sau vào Long Thành vì nghe nói đất này dễ làm ăn. Hồi ấy nơi đây còn hoang vu lắm, đêm đêm bên bờ suối Quýt muông thú vẫn ra ăn đêm. Lúc ấy gia đình tôi có hai vợ chồng và ba đứa con  nhưng gia tài chỉ có một bao quần áo, một bao củ mì và năm trăm ngàn đồng. Cả nhà nai lưng ra làm rẫy thuê sống lay lắt tạm bợ. Tích lũy được ba chỉ vàng năm 1987 mua được hai mẫu mốt đất. Đầu tiên trồng táo, trúng đậm, thương lái đánh ô tô vào tận nơi mua.Tiếp theo trồng bốn ngàn cây cà phê, thất bại. Quay qua trồng chuối xen lẫn trồng tiêu, điều. Đến năm 2000 trả hết nợ ngân hàng (vay hai trăm triệu đồng tương đương với mười một cây vàng). Và bây giờ tôi trồng mít, loại mít nhạt cung cấp cho nhà máy làm Mít sấy. Tôi có một trại heo một trăm con, loại heo sạch. Thu nhập tất cả một năm hơn một tỷ đồng. Tôi đã mua đất làm nhà cho con ở Sài Gòn, vừa rồi hiến cho xã một sào đất để làm đường.

Anh Hiệp dẫn cả đoàn ra vườn mít rộng mênh mông thoai thoải. Những trái mít treo lủng lẳng trên cành cao, bám lúc lỉu quanh gốc như muốn khoe rằng chỉ một thời gian nữa thôi chúng tôi sẽ đi vào nhà máy và trở thành sản phẩm Mít sấy thơm ngon. Anh cho biết từ ngày có nông thôn mới được tư vấn học hỏi về kỹ thuật, thị trường, đường xá được nhựa hóa đi lại dễ dàng, lại có điện chỉ cần sập cầu dao sẽ có nước tưới cho từng gốc mít. Nhất là khâu tiêu thụ, làm ra thương lái đến tận nhà mua không phải chạy chọt nơi  này nơi khác, năn nỉ ỉ ôi người ta. Nông dân phấn khởi lắm. Tôi lắng nghe câu chuyện của anh như một chuyện cổ tích thời nay. Một người nông dân nghèo xơ xác với chỉ một bao củ mì, một bao quần áo và năm trăm ngàn đồng với sự nỗ lực của mình lại được ông Tiên bà Bụt nông thôn mới phù hộ đã giàu lên một cách bất ngờ.

Nếu anh Hiệp có điểm xuất phát từ hai bàn tay trắng phất lên như một câu chuyện cổ tích thì những người nông dân mà tôi được gặp sau đó lại có điểm xuất phát khác, câu chuyện của họ mang màu sắc hiện thực tươi sáng. Cũng ở xã Cẩm Đường cả đoàn thăm nhà một nữ nông dân mà nếu gặp ở ngoài đường ta sẽ ngỡ chị là một nữ trí thức hay là một doanh nhân. Khuôn mặt bầu bĩnh, tóc cắt ngắn, dẫu đã ngót sáu mươi nhưng vẫn nhanh nhẹn, trẻ trung. Đó là chị Trần Thị Hoàng Thúy. Lịch sử của một thời đã đưa gia đình chị xô dạt về mảnh đất nơi đây biến chị từ một cô gái thành phố thành nữ nông dân miệt vườn. Đang là sinh viên năm nhất Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm 1978 chủ trương đi kinh tế mới đã “bốc” cả nhà chị về xã Tam An, huyện Long Thành. Ba chị vốn là một công chức của chế độ cũ đã lần về Bình Sơn làm rẫy. Không ngờ đất Bình Sơn lại ưu đãi người đến thế, có tình yêu đất đai, luôn tìm tòi trăn trở và bàn tay lao động cần cù cây trái trở nên tươi tốt. Cánh cửa đã mở, tiền bước vào nhà, cuộc sống qua thời khốn khó ngặt nghèo. Rồi ba mẹ chị qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình để lại cho vợ chồng chị căn nhà và mảnh vườn bốn mùa cây trái. Chồng chị làm công chức nhà nước yên phận với việc sáng đi tối về, sống bằng đồng lương. Riêng chị thì trăn trở, “đất với người cùng một dòng suy nghĩ phải làm gì” cho cuộc sống đẹp tươi. Nghe nói ở Tân Phú, Định Quán trồng thuốc rê trúng lắm chị lặng lẽ trồng thử, kết quả thật bất ngờ mỗi vụ thu được năm sáu chục cây vàng. Chị giấu anh mua thêm đất, mở mang bờ cõi và có được mười bốn mẫu. Thuốc rê hết thời lại quay qua trồng nhãn, cam, quýt.  Đang an lành phấn khởi bỗng một tai họa đau đớn đột tột cùng ập đến: chồng chị bị tai nạn đột ngột qua đời. Năm ấy chị bốn mươi ba tuổi. Hai mươi năm sống đời vợ chồng chị nuốt nỗi đau vào lòng ở vậy nuôi hai đứa con trai. Nay các con chị đều đã khôn lớn, thành đạt sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Thương chị đơn côi, nhớ mảnh vườn Bình Sơn ba má chị lại từ nước Mỹ xa xôi quay về ở với mẹ con chị, nay cả hai ông bà đều đã khuất bóng. Bây giờ khu vườn rộng mênh mông mười bốn mẫu chỉ còn bốn mẫu về thực chất. Mười mẫu vườn đã nằm trong quy hoạch sân bay Long Thành. Chị vẫn trồng cam, bưởi, hồng xiêm, chôm chôm trên cả diện tích mười bốn mẫu ấy trong lúc chờ đợi. Dẫu vậy chị vẫn không buồn. Đưa chúng tôi thăm vườn chôm chôm trái đỏ au làm đẹp cả khu vườn, chị tạo dáng dưới gốc cây, nở nụ cười mãn nguyện. Nắm bắt thị trường nhạy bén, xoay chuyển tình thế nhanh, ứng dụng kỹ thuật vào trồng trọt đã giúp chị thành công. Còn một điều này nữa: trên mảnh đất này có ba người thân yêu nhất là chồng và ba má chị đã nằm xuống. “Người chết nối linh thiêng” vào cuộc đời chị, giúp chị có mùa cây trái bội thu ngày nay. Bây giờ nếu có đánh đổi bằng bao nhiêu vàng bạc chị cũng quyết không rời nơi này. Nơi mà mỗi sáng mở mắt ra đã được hít thở không khí trong lành, được nghe chim hót và được nhìn thấy cây trái lớn từng ngày trong khu vườn yên tĩnh. Nơi đã giúp chị vượt qua nỗi cô đơn, tạo dựng niềm vui bất tận trong tâm hồn.

Rời xã Cẩm Đường qua xã Bình Sơn, chúng tôi gặp một nông dân trẻ, năm nay anh bốn mươi ba tuổi, người Hoa. Anh là Trần Anh Tùng, tên tuổi nổi tiếng như ca sĩ. Tùng đã đại diện cho nông dân sản xuất giỏi tỉnh Đồng Nai ra dự Hội nghị nông dân sản xuất giỏi cả nước, được Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng bằng khen. Hai vợ chồng anh được ba má để lại cho hai mẫu rưỡi đất ở ấp Bàu Tre. Loay hoay tìm đường và đã tìm được hướng đi đúng. Đầu  tiên trồng mía, cà phê bị rớt giá. Được sự hướng dẫn của Trạm bảo vệ thực vật và Phòng kinh tế huyện anh chị đã mạnh dạn trồng chôm chôm, sầu riêng, mít Thái. Chị Vân- vợ anh Tùng cho biết: “Bọn em áp dụng kỹ thuật được hướng dẫn với từng loại cây. Như với cây sầu riêng, khi cây ra hoa thì ngắt nước, ra trái thì tưới đậm, bón phân hữu cơ, trái chín đi Kali trắng”. Nạy trái sầu riêng mời khách chị ngầm khoe những múi sầu riêng vàng hươm, ăn xong sẽ được lưu ngay vào bộ nhớ. Những trái sầu riêng, chôm chôm, mít Thái của đôi vợ chồng trẻ thơm ngon nức tiếng, chưa kịp chào mời thương lái đã đánh xe đổ xô đến mua. Rời xã Bình Sơn chúng tôi sang xã Bình An và gặp một người nông dân nhỏ nhắn đang thưởng thức cây nhà lá vườn ở bàn đá ngoài sân. Anh tên là Lâm quê Bình Thuận. Đi bộ đội năm 1978 chinh chiến ở mặt trận Cămpuchia, tiến quân vào tận sào huyệt Nông Pênh. “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, anh làm bạn với miệt vườn này đã ba mươi năm. Chắt chiu, dành dụm tậu được ba mẫu rưỡi trồng sầu riêng, măng cụt theo tiêu chuẩn ViệtGap. Anh bảo: “Trồng sầu riêng dễ chết nhưng lại có tiền, măng cụt dẻo dai có thể sống tới hai đời người nhưng tiền ít hơn”. Hai loại cây này anh thường dùng phân chuồng, nhờ chăm sóc tốt nên sản lượng rất cao. Mời chúng tôi ăn thanh long, loại ruột tím hạt đen vị mát ngọt thấm vào lòng, anh khoe: “Việc trồng thanh long là do tôi tự mày mò học hỏi đấy, đầu tiên trồng xen với sầu riêng, măng cụt nay thì tôi đã có riêng một mẫu thanh long”. Người dẫn chúng tôi thăm vườn là con trai duy nhất của anh. Tình yêu đất đai cây trái của người cha đã truyền cho con như một ngọn lửa đam mê không bao giờ nguội tắt. Cháu tự hào chỉ những cây thanh long mà những nhánh dựa vào cọc bê tông tỏa ra xung quanh đang độ nở hoa báo hiệu một mùa đầy hứa hẹn. Chào anh Lâm dịch chuyển một đoạn đường cả đoàn đến thăm nhà một nông dân khác. Vào tới giữa sân ngơ ngác tìm chủ nhà, chừng hai mươi phút sau chủ nhà từ vườn cây trái ló ra. Tuy là nông dân mà giống như nghệ sĩ của một đoàn nghệ thuật nào đó ở thành phố. Dáng cao to, tóc trùm kín gáy, quần Jean, áo thun, dép da. Anh Trung quê Bình Định được cha mẹ mua cho ba mẫu rưỡi. Anh trồng sầu riêng, chôm chôm, quýt đỏ. Trái cây của anh vừa sạch vừa có giá trị kinh tế cao. Hỏi bí quyết, anh trả lời: “Em như bác sĩ nhìn cây sầu riêng là biết bệnh của cây nên trị đúng cách”. Anh khoe những trái quýt đỏ mà người ta nói không thể trồng được trên đất này nhưng anh trồng được. Những người nông dân tôi đã gặp, những miệt vườn tôi đã thăm đã kể cho tôi những câu chuyện như cổ tích, những câu chuyện hiện thực tươi sáng về sự đổi đời của người nông dân, bước đột phá ngoạn mục của nông thôn mới.

Về Long Thành lần này chẳng những đọc được những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện hiện thực tươi sáng mà tôi còn đọc được vẻ tươi đẹp, lãng mạn của người và cảnh nơi đây. Người nông dân là nhân vật trung tâm, là chủ thể sáng tạo đầy phẩm chất nghệ sĩ của miệt vườn. Họ làm ra cái đẹp của nông thôn mới. Xe chúng tôi bon bon trên con đường tráng nhựa phẳng phiu, uốn lượn. Không khí trong lành, vườn cây xanh mượt mà tiếp nối nhau trải rộng hai bên đường. Trong nắng sớm gió reo tôi chợt nhận ra nơi đây vừa tĩnh lặng vừa xôn xao. Tĩnh lặng vì không có hàng quán, tiếng nhạc xập xình, xe cộ nườm nượp. Xôn xao vì không khí làm ăn. Từng hộ thi đua làm giàu. Làm sao để trái cây sạch, thơm ngon, được giá là nỗi niềm của người nông dân. Khi đã có thu nhập mỗi năm hàng vài tỷ đồng người nông dân chẳng những làm đẹp cho miệt vườn mà còn làm đẹp cho chính nơi mình ở. Đến nhà anh Trần Thanh Tùng ở xã Bình Sơn tôi chăm chú ngắm cây mai cổ thụ đặt ở giữa sân, treo dày đặc trên những nhánh mai là những giò phong lan đủ màu. Nó là minh chứng cho tình yêu thiên nhiên của người nông dân sản xuất giỏi. Ngồi trên bộ bàn ghế bằng gõ đỏ nhìn sang bàn bên cạnh cũng thấy một bộ khác y như vậy. Hỏi mới biết một bên là bàn uống nước một bên là bàn nhậu, ai thích uống nước đã có sẵn trà, nước sôi, ai muốn nhậu đã có sẵn rượu, đồ mồi. Xem ra cái đẹp đã đi liền với vẻ văn minh.  Nhà anh Lâm ở xã Bình An lại trang trí khác. Đầu cổng nhà là mỏm đồi với những thảm cỏ xanh tươi. Mọc trên thảm cỏ  xanh mượt ấy là những bông hoa tím ngát. Ta ngỡ như hiển hiện trước mặt là những đồi cỏ Bình Thuận nơi ngày xưa anh Lâm đã từng chăn trâu, cắt cỏ. Có gia đình làm cổng hoành tráng như cổng chùa, bên trong treo tranh rất đẹp. Người và cảnh nơi đây là nguồn cảm hứng dạt dào cho thơ văn nhạc họa. Nếu là họa sĩ tôi sẽ chọn gam màu xanh có pha màu hồng để vẽ. Nếu là nhạc sĩ tôi sẽ có bản nhạc tươi vui, trong trẻo. Nếu là nhà  thơ tôi sẽ có những vần thơ trữ tình, bay bổng. Chỉ là người viết văn xuôi tôi đành dùng những lời lẽ này để ngợi ca.

Tuy vậy nông thôn mới không phải không có những vấn đề của nó. Sau giải phóng người nông dân vẫn nuôi trồng, tiêu thụ sản phẩm theo kiểu tự nhiên. Đã có thời ta tự hào rằng chúng ta được cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đất tốt chỉ cần gieo hạt cây đã lớn vùn vụt, ra hoa kết trái. Nuôi heo cực kỳ dễ dàng cứ thả rông chỉ cho ăn cơm thừa canh cặn, mấy cọng rau vườn là phổng phao ngay. Chỉ đến khi đối mặt với bài toán chất lượng, hiệu quả, hội nhập thì người nông dân mới tỉnh ra, không thể làm ăn theo kiểu cũ nữa. Chính vào lúc ấy chủ trương của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới như một chất xúc tác mạnh mẽ đã kết tủa nên một nông thôn với phẩm chất được nâng lên một tầm cao vượt bậc. Người nông dân được đổi đời, thu nhập so với đồng lương công chức là một trời một vực. Cái nông thôn bùn lầy nước đọng, nghèo nàn, buồn tẻ đã được thay bằng nông thôn giàu có, sống động, tươi tắn hẳn lên. Thế nhưng tệ nạn xã hội vẫn còn, đời sống văn hóa chưa phong phú, nhiều con đường vẫn chỉ là đường đất đỏ do chưa có kinh phí đầu tư. Nan giải hơn cả là bài toán đầu ra. Cái điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, cái bài ca “giải cứu” nghe thật thảm thương, xót xa đến tận cõi lòng. Có một buổi chiều đi đánh cầu lông về ngang qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chợt thấy cái băng rôn giương lên, một đám người xúm lại. Nghĩ bụng: Ngân hàng có chuyện gì mà người ta phản đối ầm ĩ vậy? Tò mò tấp xe vào. Hai thanh niên một nam một nữ chạy ra: “Chú ơi chú, mua chuối ủng hộ bà con nông dân đi chú!”. Trời ơi, lâu nay đọc báo, coi ti vi đã áy náy thì nay tận mắt chứng kiến cái sự thật não nề này. Bà con nông dân bao vất vả làm ra chuối, trồng chuối bát ngát vườn, thương lái hứa hẹn rồi quay lưng bỏ cái một. Bà con chới với lao đao. Miệng méo xệch, nước mắt lăn dài trên gò má. Cầu cứu ai? Hội nông dân, Tỉnh Đoàn, Ngân hàng Nông nghiệp giang tay ra cứu, bán hộ, rẻ như cho. Tôi ủng hộ bằng cách mua một quầy chuối có bảy nải, chỉ có một trăm ngàn. Về nhà chặt ra cho bớt bà con lối xóm. Rồi chuyện heo nữa. Đàn heo cả nước hiện nay đã vượt quá nhu cầu của người tiêu dùng, nên thịt heo rớt giá. Hôm chúng tôi đến thăm trại heo của gia đình anh Phạm Văn Hùng mới biết gia đình anh có ba trại heo, mỗi trại có hai trăm năm mươi con, năm 2016 bị lỗ một tỷ. Cũng có ý kiến chê trách bà con nông dân không chịu nghiên cứu thị trường, cả tin với lời hứa của tư thương. Lại có người cho rằng Nhà nước phải đóng vai trò hướng dẫn, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tôi nghĩ đây là câu chuyện chưa thể có lời giải đáp ngay. Nhưng ở Long Thành một số hộ nông dân đã mở ra một hướng đi và tôi đã đọc được. Đó là khát vọng kết nối, tạo dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Khi  tôi hỏi anh Lâm:

- Trái cây của anh đạt chuẩn như vậy, sạch và ngon mà chỉ bán cho thương lái, qua trung gian nên bị dìm giá, anh có tiếc không?

Anh chậm rãi trả lời:

- Tiếc chứ, tôi ước chi có mười nhà vườn liên kết với nhau, cùng ra những loại trái cây có chất lượng cao, có thương hiệu. Lúc đó chúng tôi sẽ bán cho một công ty, đơn vị nào đó. Nhưng mình tôi kêu gọi không ai nghe, phải có Nhà nước đứng ra tổ chức, tập hợp anh em lại.

Cái khát vọng “nối vòng tay lớn”, người nối người, vườn nối vườn làm ra sản phẩm có chất lượng, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm, tạo ra hiệu quả kinh tế cao cũng chính là con đường vươn lên làm ăn lớn. Khát vọng ấy của anh Lâm không chỉ là mơ ước mà tôi được tận mắt chứng kiến qua việc làm của một nữ nông dân trẻ. Tên chị là Minh Thơm, 36 tuổi, quê Bình Định, học Đại học Kinh tế. Ba mẹ chồng quê ở Quảng Ngãi mua cho hai vợ chồng hai mẫu vườn ở Bình Sơn, chị trồng cà phê, chôm chôm, sầu riêng. Minh Thơm không bán đứt cho thương lái mà đi khắp nơi lên Sài Gòn, Dầu Giây, Biên Hòa liên hệ với các chợ đầu mối, các quầy, sạp trái cây để bỏ mối trực tiếp. Cực hơn nhưng được giá. Cũng có khi dội chợ, chở trái cây đến bị trả về vì người mua chưa tin tưởng là trái cây sạch, họ lo sợ bị phun thuốc vì chưa qua kiểm nghiệm. Những sự vụ như vậy thúc giục chị lên ý tưởng thành lập Hợp tác xã nông sản sạch Bàu Tre. Hôm chúng tôi đến chị hồ hởi khoe cuốn “Điều lệ hợp tác xã nông sản sạch Bàu Tre” do chị soạn thảo và thư mời một số hộ nông dân tham gia hội nghị. Hợp tác xã Bàu Tre làm ăn lớn bao gồm các ngành nghề sản xuất kinh doanh như: trồng cây ăn quả, buôn bán rau quả, chế biến và bảo quản rau quả, điều hành tour du lịch. Đọc qua các điều lệ mà thấy tầm nghĩ, tầm nhìn của người nông dân trí thức trẻ dám nghĩ, dám làm. Ngoài sản xuất, kinh doanh, bảo quản chế biến rau quả còn thêm cái dịch vụ du lịch miệt vườn nữa chứ! Xuống miền Tây thấy họ tổ chức tua du lịch miệt vườn mà chỉ mong Đồng Nai mình có những tour du lịch như vậy. Anh Trần Quốc Tuấn, cử nhân luật, Chủ tịch xã Bình Sơn, giơ cả hai tay ủng hộ hợp tác xã. Anh hứa sẽ tạo mọi điều kiện cho hợp tác xã hoạt động và sẽ là một cổ đông góp vốn cho họp tác xã. Anh còn nói vui sẽ gắn Camera trên từng cây sầu riêng như là một thứ nhật ký, ghi lại lai lịch trái cây bằng hình ảnh cho người tiêu dùng tin tưởng. Khi tôi viết những dòng này thì Hội nghị thành lập Hợp tác xã nông sản sạch Bàu Tre đã họp và đi vào hoạt động. Bỡ ngỡ và bộn bề trong bước đầu đi trên con đường lớn chắc sẽ có, nhưng tôi vẫn hy vọng sẽ đến ngày được thưởng thức những sản phẩm gắn mác “Hợp tác xã nông sản sạch Bàu Tre”. Khi đã có chữ tín, có thương hiệu, quảng bá tốt thì sản phẩm của Bàu Tre không chỉ có mặt ở Đồng Nai, trên cả nước mà còn ở nước ngoài. Nông sản Bàu Tre sẽ vững bước trên con đường hội nhập. Chị Thơm còn trẻ, có học, giàu khát vọng tôi tin chắc chị và tập thể hợp tác xã sẽ thành công.

***

Hai ngày vỏn vẹn tôi đã đọc được ba chương của cuốn tiểu thuyết “Nông thôn mới Long Thành”. Chỉ mong rằng sau này có dịp trở lại ở từng chương tôi sẽ đọc được những trang mới - đó là những trang về người nông dân bước vào con đường làm ăn lớn.

Chắc chắn sự năng động của người nông dân chưa đủ, cần phải có vai trò tổ chức, dẫn dắt của người nhạc trưởng Nhà nước.

B.Q.T

 

Chú thích: Một số đoạn trong ngoặc kép là trích từ lời nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​