Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
VƯƠNG QUỐC HẸ

​​ 

Hồng Thúy

(Nguồn: VNĐN số 23 – tháng 01 & 02 năm 2018)

 

 

 

Năm nay, dân xã Suối Nho (huyện Định Quán) đón Xuân Mậu Tuất 2018 trong tâm trạng vui mừng, phấn khởi, vì phần đông bà con nông dân đều trúng mùa hẹ, giá lại cao. Nhà nào cũng mua sắm tiện nghi, đồ dùng thiết yếu để nâng cao đời sống gia đình.

Xã Suối Nho hiện có trên 200 ha đất quy hoạch trồng rau, củ, quả, trong đó có khoảng 120 ha chuyên trồng hẹ. Loại rau ăn lá phổ biến này được trồng nhiều vì vốn đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao. Hẹ dễ trồng và ít phải chăm sóc, cấy gieo một lần có thể thu hoạch nhiều lần (khai thác từ 2 đến 3 năm mới phải thay giống khác), cây xanh tốt quanh năm, lá vừa để ăn vừa có thể dùng làm thuốc. Lá hẹ có thể thay thế lá hành, dùng để muối chua với giá đậu hay ăn sống. Cây hẹ còn dùng trị cơn hen suyễn nặng, đờm chặn khó thở, chứng ra mồ hôi trộm, sưng cổ họng khó nuốt, viêm mũi, viêm tiền liệt tuyến, trị viêm tai giữa, tẩy giun…

Do trong hẹ có nhiều hoạt chất tác dụng tốt cho sức khỏe, nên hẹ còn được dùng để chế biến các loại dược liệu, hương liệu phục vụ cho khoa học và đời sống. Các thương gia người Trung Quốc, Đài Loan đã sớm biết cách chiết xuất tinh chất trong hẹ phục vụ cho khoa học nên thị trường các nước này khá ưa chuộng hẹ của Việt Nam, giúp cho cây hẹ hút hàng trong những năm gần đây.

Đổi đời nhờ hẹ

Hơn chục năm trước, anh Vũ Thanh Thoại cùng với một người chú lặn lội tìm đến thôn Chu Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành (ngày nay) để tìm cho ra giống hẹ “Châu” về nhân giống, chia cho nhiều hộ nông dân trong xã trồng. Hẹ “Châu” có ưu thế hơn hẹ “Hương” truyền thống vì nhánh to, sống khỏe, cho năng suất cao, kháng được sâu bệnh nên nông dân rất ưa chuộng. Ngồi tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới xây giữa cánh đồng rau xanh bát ngát, anh Vũ Thanh Thoại cho biết: “Do hẹ mà tôi có ngôi nhà khang trang như thế đó!”. Tôi chỉnh lại, “Phải nói là nhờ hẹ chớ!”. Anh Thoại cho hay: “Đành là thế, vì đất này xưa nay chỉ biết đến làm ngót là chủ đạo, giá ngót luôn duy trì rất cao, nhưng do chuyên canh quá nhiều năm, dịch bệnh lây lan nên chuyển đổi sang cây khác. Sau vụ thu hoạch khoảng 1 năm, bà con thường trồng nấm rơm; mùn cưa với rơm sau thu hoạch, được ủ với phân chuồng tạo ra một loại phân hữu cơ không gì thay thế được, khi lên luống trồng hẹ thì năng suất vượt trội hơn các vùng đất khác, nên ngôi nhà này do hẹ là vậy!”. Cả bàn cùng cười vang khi thấy giá trị của hẹ đang được khẳng định trên vùng đất Suối Nho .

Đến nay Suối Nho có khoảng 200 hộ canh tác hẹ, mỗi ngày trên 60 tấn được xuất ra thị trường. Một số hộ nông dân có diện tích hẹ “khủng” vài hecta trở lên như hộ ông Nguyễn Văn Hải - một trong những nông dân tiên phong trồng hẹ trong những năm đầu ở Suối Nho. Sau khi đã trở thành “Vua hẹ” (do người dân tự phong), cuộc sống khá ổn định, ông chuyển sang làm thương lái hẹ, tiêu thụ sản phẩm cho bà con, vựa hẹ của ông đến nay thuộc loại nhất nhì ở Suối Nho.

Hộ ông Nguyễn Văn Ái và bà Nguyễn Thị Dung từng thành công với hẹ, nay cũng trở thành những chủ vựa thu mua tiêu thụ hẹ có quy mô lớn.

Tôi hỏi: “Thế Vua hẹ hiện giờ ở đâu?”  - “Làm gì có Vua hẹ mãi được” - Anh Nguyễn Hùng Cường người nhiều năm gắn bó với cây hẹ ở Suối Nho khẳng định và nói thêm: “Vua” ở đây đổi ngôi liên tục tùy theo thời tiết, dịch bệnh, giá cả thị trường… nên ở Suối Nho không có Vua…Chỉ cần giữ giá 4.000đ/ kg hẹ là bà con nông dân Suối Nho xây nhà lầu hết trơn; còn nếu giá cả từ 6 đến 7 ngàn đồng/ kg như hiện nay chắc sẽ có nhiều nông dân tỷ phú”.

Hẹ năm nay được giá (6.000 đồng/ kg tại vườn), năng suất lại cao, ước mỗi sào hẹ thu hoạch trên 2,5 tạ đến 3 tạ, cá biệt có vùng thu được 4 tạ/ 1 sào. Anh Phạm Quốc Hiệu ngụ ở khóm chợ xã Suối Nho cho biết: “Tôi vừa thu 1 ha hẹ với năng suất khoảng 25 tấn, trừ mọi chi phí lãi ròng được khoảng 100 triệu, một tháng sau lại tiếp tục thu hoạch, cứ đà này khảng 3 năm thôi, dân Suối Nho (Định Quán) sẽ giàu to”.

 Đội ngũ lao động chuyên nghiệp

Hẹ được trồng quanh năm, cứ 35 đến 40 ngày là một lứa, mỗi năm có đến hàng chục lứa, do vậy mà Suối Nho ngày nào cũng sôi động với hẹ.

Hẹ phải cắt ban đêm, thời tiết mát, cây Hẹ đứng thẳng dễ cắt, khoảng 10 giờ đêm đồng loạt các ngõ xóm, nông dân í ớ rủ nhau ra đồng cắt hẹ đông như ngày hội, tiếng máy nổ của các loại xe máy cày rền vang đánh thức đêm tối. Ở các cánh đồng, nơi nào thấp thoáng có ánh đèn là y như rằng nơi đó đang được tổ chức thu khoạch hẹ, không khó khăn lắm khi chúng tôi vừa đến tham quan vườn hẹ của anh Đỗ Văn Thắng (tại ấp 4 Suối Nho),  vườn hẹ chỉ vài ba sào, ba người thợ trong một giờ đồng hồ đã cắt hết sạch. Tôi tranh thủ ghé sang thăm hộ bà Kim Anh (tại ấp 4, khóm chợ xã Suối Nho.)đúng lúc thợ đang gom hẹ chất đầy trên máy cày. Thợ cắt hẹ cũng dần trở thành chuyên nghiệp, chuyên đi cắt hẹ cho các chủ vườn. Họ được trả công 35.000 đồng/1 tiếng, xa như xã Bảo Quang (Long Khánh) thì giá cắt hẹ một giờ lên đến 45-50.000đ.

Cắt xong, hẹ được rải đều trên luống (mỗi luống rộng từ 2,5m đến 3m), một đội ngũ khá chuyên nghiệp đến gom, chất lên xe máy cày vận chuyển về vựa. Có sẵn đội ngũ chuyên đóng hẹ gồm toàn nữ, họ bắt đầu công việc từ 02 giờ sáng tới trưa. Mỗi bó hẹ sau khi đóng có trọng lượng 0,5kg. Tôi hỏi một cô khá đứng tuổi: “mỗi buổi như thế cô đóng được khoảng bao nhiêu ký”. -“Nếu tính bằng ký thì lấy gì mà ăn, nếu hôm nào hẹ tốt, cắt đúng lứa chị em chúng tôi chí ít cũng được trên hai tạ mỗi người…còn nếu bình thường tròm trèm cũng phải hơn một tạ lựng”. - Cô vừa nói cười vui vẻ.

Tôi hỏi: “Thế thu nhập có ổn không?”. Một chị lanh miệng: “Cũng kha khá, một số chị em còn nhận đem về nhà cho bọn trẻ rỗi việc đóng phụ, nên thu nhập cho gia đình cũng ổn”. Như vậy, mỗi ngày một người thợ đóng được khoảng vài tạ hẹ là chuyện thường tình ở Suối Nho.

Mong có thương hiệu

Rời làng hẹ tôi không khỏi băn khoăn, sao chính quyền địa phương chưa nghĩ đến việc lập hồ sơ đăng ký cho thương hiệu cây Hẹ ở Suối Nho?

Anh Phạm Đức Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Suối Nho còn rất trẻ săng sái cho biết: “Bọn cháu cũng đang nghiên cứu vận động các chủ vườn hẹ tham gia vào Hợp tác xã, nhằm tiếp tục chuyển giao công nghệ, hình thành những vùng chuyên canh hẹ, xây dựng các mô hình Viet-GAP tiến tới global-Gap (nông nghiệp tốt thế giới); mặc khác, UBND Tỉnh cũng đề nghị các ngành chức năng giúp bà con xây dựng thương hiệu “Hẹ Suối Nho”, quy trình này đang trong giai đoạn hoàn tất (dự kiến quý II/2018 sẽ có báo cáo); song song đó, 72 ha hẹ của trên 50 hộ nông dân cũng dần hình thành cánh đồng lớn, chuyên sản xuất hẹ cung ứng ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Dự án trở thành hiện thực, cây hẹ Suối Nho có cơ hội vươn ra thị trường thế giới”.

Tôi tin rồi đây cây hẹ Suối Nho sẽ sớm lên ngôi, tạo thêm một thương hiệu mới cho nông nghiệp Đồng Nai phát triển.

H.T

MỘT SỐ HÌNH ẢNH THU HOẠCH HẸ TẠI SUỐI NHO

Ảnh: Hồng Thúy

5 vuon he ong PhamQuocHieu.JPG
Chăm sóc hẹ
1 gat he.jpg

Hẹ được hu hoạch khi trời chưa sáng

4dong he.jpg
Và được đóng gói vận chuyển đi tiêu thụ






Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​