Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
​BÁN ĐI NHỮNG THỨ DÃI DẦU

 

Nguyễn Minh Đức

(Nguồn: VNĐN số 23 – tháng 01 & 02 năm 2018)

 

 

 1a_cnub.jpg

Đầu năm mới, quê tôi có phiên chợ gọi là chợ phiên mở hàng. Chợ chỉ họp độ vài tiếng đồng hồ rồi tan nhanh, không có lũ trẻ nhấm nhẳng, lẽo đẽo theo các bà các mẹ đòi mua đồng quà tấm bánh, vì chúng còn mải chơi tết với chúng bạn. Chợ bắt đầu họp từ sáng sớm tinh mơ, dù thời tiết khi ấy còn mờ sương và khá lạnh giá, có khi còn lất phất mưa xuân nhè nhẹ, những hạt nhỏ li ti rơi phủ trắng cành xoan chưa kịp nở hoa. Các cụ trong làng bảo, chợ họp sớm là để các bà các chị còn kịp ra đồng chào mùa màng, thăm lúa đầu năm sớm, lên nương làm cỏ lạc, cỏ vừng...

Người đi phiên chợ đầu năm cũng chẳng mua bán gì nhiều, ngoài mấy thứ mà giữa người mua và người bán chủ yếu chỉ là để mua bán những món hàng… cầu may. Với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, khoai lúa tốt tươi, làm ăn thuận lợi, sức khỏe dồi dào, buôn may bán đắt, tiền bạc rủng rỉnh… Còn lại chủ yếu chỉ để thăm hỏi nhau về sức khỏe, con cái, công việc đồng áng trước và trong tết, vì khi ấy người làng còn bận rộn chưa có dịp thăm hỏi được nhau.

Chợ quê, ở giữa có ngôi nhà to đùng, có mấy cái cột vững chãi, gọi là đình chợ, xung quanh đình chợ có nhiều dãy nhà dài hun hút, thấp thoáng mái ngói lô nhô, có chỗ ngói tụt mất vài viên rơi xuống vỡ tan, người làng phải dặm vá mấy lá cọ thay vào đó cho đỡ dột, đỡ mưa. Hai đầu đốc của đình chợ được xây bằng tường vôi đá ong. Chẳng mấy người nhớ nó được xây từ thuở nảo thuở nao, nhưng lớp xi-măng, vôi, vữa bên ngoài đã tróc trơ gần hết, còn lỗ chỗ vài nơi xen lẫn màu ố vàng những viên đá ong đầy lỗ trơ ra cùng tuế nguyệt, mái ngói cong cong, đen thẫm giữa mưa phùn. Ngang tầm mặt người đứng là đầy rẫy những quẹn vôi bã trầu mà các bà các chị trước lúc tình tứ đưa vào miệng bỏm bẻm, thấy mặn vôi thì quẹt bỏ lại, bôi lên mấy cây cột, đốc tường giữa đình chợ, lâu ngày thành lớp vôi khô lẫn với nước bã trầu quặn lại như những vết trầm tích của người làng đánh dấu thời gian. Trong khuôn viên của chợ, đình chợ được coi là nơi cao ráo, thoáng đãng và trang trọng nhất. Ngày thường, ai mà có chỗ đặt hàng giữa đình chợ thì người đó được coi là may mắn và uy tín hơn người. Còn ngày xuân chợ phiên đầu năm, đình chợ cũng là nơi tụ hội của rất nhiều người cười nói đon đả, xởi lởi gặp lại nhau và mua bán cầu may.

Quê còn nghèo, người quê lam lũ quanh năm, nón lá áo tơi ra đồng nhưng tình làng nghĩa xóm thật đậm đà chất phác, nó thấm đẫm từ trong mỗi góc khuất của chợ. Từ chị quạt bánh đa đến bà bán bánh rán, từ bác bán bánh cuốn thơm lừng mùi hành mùi mỡ phi đến cô bán cháo lươn đầu cổng của phiên chợ quê, làm cho ai đi xa cũng nhớ về. Nhất là phiên chợ đầu năm mua và bán cầu may toàn những thứ dãi dầu gió mưa, rét mướt hanh hao cuối mùa đông, để rồi đâm chồi nảy nụ khi xuân sang, chứ chợ quê không hoàn toàn là nơi bày bán những thứ, những mặt hàng xa xỉ, cao sang!

Sắc diện dễ nhận thấy của mỗi bà, mỗi chị đi chợ là trên vai đôi quang gánh hoặc tay xách nách mang, có bà có chị thì đội trên đầu, người sang hơn thì xâu tay quai chiếc làn nhựa màu đỏ, màu xanh, không mấy ai mang theo túi nhỏ túi to bằng nilon như người của chợ phố huyện. Thế mà đôi chân thì cứ thoăn thoắt, tay thì cứ vẫy nhịp nhàng theo bước chân rảo bộ ngược chiều gió xuân nhè nhẹ thổi. Chiếc nón trắng, mềm, quai mỏng, không giữ được để che đầu người đội, mà cứ lật ngửa ra sau, trông dáng điệu có gì đó thật thất thểu, tảo tần. Thế mà, đứng từ đằng xa, nhìn vào bất cứ ai cũng rõ bởi những búi tóc họ quấn gọn sau đầu hoặc khăn chít gọn ghẽ với quần áo tươm tất, chỉnh tề, chỉn chu, chứng tỏ họ đã chuẩn bị khá chu đáo, nghiêm trang cho phiên chợ cầu may trang trọng đầu năm!

Bởi thế cho nên, phiên chợ đầu năm thường chỉ lèo tèo vài thứ hàng trong những chiếc mẹt cạn trơ đáy, những chiếc rổ chiếc rá khum khum, có vành mây bao quanh nức bện màu vàng bóng nhoáng bởi quanh năm được hun trên khói bếp. Trong những mẹt, những rổ, rá hàng hóa ấy, ngoài một số loại hương, hoa, vàng mã cúng bái ông bà đầu năm, thảng hoặc cũng có hàng mở bày bán gia vị tương, cà, mắm, muối… Còn lại, không thấy mấy ai bày bán hàng khô, mỹ phẩm như nước hoa, dầu gội, xà phòng, kem đánh răng… những thứ mà nhà khá giả dùng hằng tháng, quanh năm!

Người bán thường chỉ bày bán vài bó rau thơm, vài kẹp rau diếp vừa hái ngoài vườn từ chiều hôm trước để chào chợ phiên đầu năm với những chiếc lá rau non mơn mởn nhất. Những thứ rau ấy nghe người ta bảo tuyệt nhiên không có thuốc bảo vệ thực vật vấy lên, mà chỉ có tỏi tươi với ớt tươi dã nhuyễn, đem ngâm kèm với nước bỗng rượu nếp, trước khi phun lên lá rau, còn được pha loãng, với một nồng độ thích hợp, đảm bảo không có con sâu nào, bọ rệp nào có thể sống, trú ngụ trong mỗi mớ diếp, mớ thơm khi các bà các chị mang đi phiên chợ đầu năm.

 Người quê tâm niệm đó là “lộc giời” sản phẩm của nhà mình làm ra, đem chia sẻ, bán cho người thưởng thức dư vị đầu năm sau những bữa họ ngán ngầy thịt mỡ, dưa, hành dịp tết; những rổ mướp quả nhỏ xanh đắng ngắt, quả ớt cay xè đỏ thắm, quả cà pháo trắng muốt, nải chuối xanh quay quắt, chát xít vì rét ngọt tháng chạp; mớ hành, mớ tỏi xanh biêng biếc buộc dây xinh xinh như những chiếc nơ cài tóc bé gái; vài ổ giá đỗ xanh đang quấn trong lá chuối khô là đủ ấm và được nhúng nước mỗi ngày, nên mầm nào cũng mập mạp, trắng muốt nõn nà, tràn đầy sức sống; vài hàng hến, hàng giắt, mớ cá, mớ tôm sông của người làng chài bán chuyên nghiệp đăng nò, buông lưới, giăng câu trong đêm sương sớm đầu năm để cầu may cầu lộc sông quê…

Hình ảnh đẹp ấn tượng là người bán thì ngồi trên đòn gánh, đầu đội nón lá, chân rộng hai bên ôm trọn rổ rá có mớ quả, mớ rau, mắt ngước lên tươi vui chào hỏi người mua, còn người mua thì tay xách nách mang nhìn xuống ân cần, cười chào thân thiện hỏi han và lấy thứ hàng mình cần rồi đon đả trao tiền mà không thấy mấy ai hỏi giá! Tất thảy được bày bán trên những ô đất trống, kê vài hòn đá sạch sẽ, khô ráo ngay trong đình chợ hoặc bên triền đê, dốc đê xuống chợ.

 Thế mà phiên chợ quê đầu năm lúc nào cũng rổn rảng tiếng cười nói vui vẻ của các bà các chị, rồi chuyện mỗi nhà mà từ đầu ngõ đến cuối thôn, từ đầu làng đến cuối xóm bãi, chuyện gì của nhà ai, con cái nhà ai đi xa về quê đón tết, mang về những sản vật gì ở miền quê nào hoặc cả con cái nhà ai đi làm ăn xa chưa có điều kiện về thăm… người làng đều biết tuốt tuồn tuột, thế mới lạ!

Phiên chợ đầu năm bây giờ có khác đôi chút, nhiều người đi xe đạp, xe máy, bày bán nhiều thứ hơn và không thuần những sản vật dãi gió dầm rét như trước đây nữa, nhưng vẫn giữ được nét xưa, để người đi xa và người ở lại đều không thể không nao lòng. Người bán và người mua đều sợ mua nhầm hàng ngoại bên Tàu, ăn vào có khi khốn nguy đến tính mạng, nên ai cũng có ý thức giữ gìn.

Về quê, đi chợ phiên đầu năm mua bán cầu may, có chút gì đó rất quê như bài thơ về ca dao cần giữ lấy: “Chợ quê buôn bán nhà quê/ Quai thao nón thúng tìm về với nhau/ Lá trầu nhớ dại buồng cau/ Chõng tre thương áo sồng nâu vắt rào/ Bún lá chan với ốc ao/ Hoa chanh ngõ trước thơm vào vườn sau/ Bán đi những thứ dãi dầu/ Đêm về trăng rắc sáng đầu ngọn tre/ Mẹ còn gánh lúa trên đê/ Cha còn bắt ếch đi về trong mưa/ Chợ còn xôn xao ngày xưa/ Ta còn lặn lội trong mưa tìm về...!”. Lòng chợt thấy niềm khao khát nhớ quê da diết, như muốn lồng những khúc ca dao này vào Ví, Dặm quê nhà.

N.M.Đ

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​