Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BIÊN HÒA – NHỮNG DẤU ẤN XƯA

​​ 

Trần Quang Toại

(Nguồn: VNĐN số 24 – tháng 03 & 04 năm 2018)

 

bentauchobienhoa.jpg
Bến tàu chợ Biên Hòa xưa - Nguồn: Internet

 Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI, vùng đất Biên Hòa và miền Đông Nam bộ thuộc Vương quốc Phù Nam; từ thế kỷ thứ VII thuộc về Vương quốc Chân Lạp. Châu Đạt Quan trong “Chân Lạp phong thổ ký”, “Bắt đầu vào Chân Bồ (vùng biển Vũng Tàu ngày nay), gần hết cả vùng đều là bụi rậm của rừng thấp, những cửa rộng của con sông lớn chảy dài hàng trăm dặm, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú sum suê. Khắp nơi vang tiếng chim hót và tiếng thú kêu…”. Và: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các biển Cần Giờ, Lôi Lạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu trở vào, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”. Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI, đây là vùng tranh chấp giữa Chăm-pa và Chân Lạp. Năm 1620, với chính sách “hôn nhân chính trị”, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả hoàng nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II, mở đầu cho giai đoạn người Việt vào vùng đất mới. “Lúc ấy địa đầu của Gia Định là Mô Xoài và Đồng Nai (nay là trấn Biên Hòa) tại hai xứ ấy có dân nước ta đến cùng với dân Cao Miên khai khẩn ruộng đất. Người Cao Miên rất khâm phục uy đức của triều đình, họ đem nhượng đất ấy rồi kéo nhau tránh đi nơi khác, chẳng dám tranh chấp điều gì”.  

Tại vùng đất Đồng Nai xưa vẫn còn những di tích cho thấy sự hiện hữu của người Việt ở đây. Đó là chùa Long Thiền ven sông Đồng Nai (nay thuộc xã Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) do nhà sư Thành Nhạc cùng một số phật tử dựng lên (1664); chùa Bửu Phong (phường Bửu Long TP. Biên Hòa) do nhà sư Thành Trí cùng một số phật tử dựng lên (1679); chùa Đại Giác (Cù lao Phố, nay thuộc xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) do nhà sư Thành Đẳng cùng cư dân Việt từ Ngũ Quảng vào xây dựng (1665). Cả ba nhà sư này đều là đệ tử nhà sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, người xây dựng chùa Kim Cang (xã Tân Bình huyện Vĩnh Cửu) trước đó khoảng 1616.

Vào năm 1679, di thần nhà Minh (nhà Minh bị mất vào tay nhà Thanh 1644) gồm có Tổng binh các phủ Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên, Phó tướng Trần An Bình mang 3000 binh lính, thủ hạ và gia quyến trên 50 chiến thuyền đến cửa Tư Dung và Ðà Nẵng xin được làm thần dân của chúa Nguyễn. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần chấp thuận cho giữ nguyên binh hàm chức tước rồi truyền cho vua Chân Lạp cho phép người Minh vào định cư xứ Ðồng Nai.

“Đồng Nai xứ sở lạ lùng/ Dưới sông sấu lội trên giồng cọp um” hoang vu, nhờ nhóm người Hoa dưới sự chỉ huy của Trần Thượng Xuyên và những người Việt, Khmer định cư ở đây từ thế kỷ XVII, khai hoang, sản xuất; đồng thời kêu gọi những người Hoa có tài lực vào xây dựng Cù lao Phố (người Hoa gọi là Nông Nại đại phố, với phố sá được quy hoạch lớn) thành một thương cảng sầm uất nhất bấy giờ ở Nam bộ trong thế kỷ XVIII, không chỉ giao lưu thương mại trong nước mà cả quốc tế.

Trịnh Hoài Đức ghi chép về sự kiện này như sau: “Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1679), quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ ở Long Môn thuộc Quảng Đông nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tấn, quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, phó tướng Trần An Bình dẫn quân và gia nhân hơn 3.000 người với chiến thuyền hơn 50 chiếc xin được vào Kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẵng (…) họ không thể thần phục nhà Minh nên chạy sang nước Nam nguyện được làm dân mọn (…). Triều đình mới tổ chức khao đãi ân cần, chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh cho tới Nông Nại (Đồng Nai) làm ăn, gắng sức khai phá đất đai (…). Bọn tướng Long Môn họ Dương đem binh thuyền tiến nhanh vào cửa Xoài Rạp và cửa Đại, cửa Tiểu dừng trú tại xứ Mỹ Tho. Bọn tướng các xứ Cao, Lôi, Liêm họ Trần thì đem binh thuyền vào cửa Cần Giờ. Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ rồi đồn trú tại xứ Bàn Lân thuộc Đồng Nai”.

 Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong viết rõ hơn về sự kiện này: Sau khi chúa “Đặt yến tiệc đãi họ, an ủi, khen ngợi, cho tướng lãnh y chức cũ, phong thêm quan tước mới, khiến vào ở đất Đông Phố để mở mang đất ấy. Sai xá sai Vân Trình, Tướng thần Lại Văn Chiếu đem thư cho vua Chân Lạp yêu cầu cấp đất đai cho họ. Bọn Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên đến phủ chúa tạ ơn, vâng theo chỉ dụ vào Nam. Rồi do Vân Trình, Văn Chiếu hướng dẫn binh thuyền tướng sĩ Long Môn của Ngạn Địch tiến vào cửa Lôi Lạp, theo cửa Đại, cửa Tiểu, đến định cư ở Mỹ Tho, binh thuyền tướng sĩ Cao, Lôi, Liêm Trần Thượng Xuyên, An Bình vào cửa biển Cần Giờ, lên định cư ở Bàn Lân, xứ Đồng Nai…”.

Ý đồ chiến lược của Chúa Nguyễn rất rõ ràng trong vấn đề bố trí nhóm người Hoa ‘‘phản Thanh phục Minh” thông qua các sử gia nhà Nguyễn: “Bấy giờ bàn bạc rằng: Phong tục tiếng nói của họ đều khác, khó bề sai dung, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông Phố (tên cổ của Gia Định) nước Chân Lạp đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng nhân lấy sức của họ cho đến khai khẩn để ở, ấy là một cách làm mà được ba điều lợi”. Và chắc hẳn bên trong là xây dựng phát triển kinh tế mới để thêm sức chống nhau với thế lực chúa Trịnh ở Đàng ngoài bấy giờ.  Nếu để họ ở gần kinh đô Phú Xuân chắc chắn sẽ là mối họa lớn từ nhiều phía.

Nhờ vào lực lượng người Hoa giỏi kinh doanh, nhiều mối quan hệ ngoài nước, Cù lao Phố Hiệp Hòa từng bước trở thành một thương cảng sầm uất nhất Nam bộ trong thế kỷ XVIII. Năm 1684, nhóm người Hoa Minh Hương ở Biên Hòa đã xây dựng Miếu thờ Quan Thánh còn gọi là Thất phủ cổ miếu, cơ sở văn xã đầu tiên của người Hoa ở Nam bộ. Ngày nay, Thất phủ cổ miếu, người dân thường gọi là Chùa Ông, là một thực thể lịch sử văn hóa thể hiện sự giao lưu tiếp biến văn hóa Hoa - Việt ở Nam bộ nói chung và Biên Hòa, Đồng Nai nói riêng. Nhiều khu làng cổ của người Việt, Hoa được xây dựng thời kỳ này (ngoài Cù lao Phố) như Bến Gỗ (nay thuộc xã Phước Tân, TP. Biên Hòa), Bến Cá Tân Triều (nay thuộc xã Tân Bình huyện Vĩnh Cửu). Nhà thờ Tân Triều được xây dựng từ 1778 cũng là một thiết chế tín ngưỡng sớm xây dựng ở Nam bộ bấy giờ.

Năm 1698, chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sai Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất mới phương nam. Lễ Thành Hầu chia cắt giới phận, canh cải địa điền, kiểm kê nhân khẩu, lập sổ đinh điền cho có nề nếp; đưa dân từ Ngũ Quảng vào tiếp tục khai phá; lấy đất Đồng Nai lập thành phủ Gia Định với hai huyện Tân Bình (tức Sài Gòn, Gia Định, dựng dinh Phiên Trấn) và huyện Phước Long (tức Biên Hòa, Đồng Nai, dựng dinh Trấn Biên). Lúc đó, toàn Nam bộ có dân số 40.000 gia đình (hộ) đất đai mở ra 1.000 dặm. Thành quả này đạt được trong vòng 70 năm. Sự trù phú của Nam bộ nhờ một phần vào sự tiếp sức của di thần nhà Minh và những người Việt tại chỗ, cũng như chính sách vận động người Việt từ miền Ngũ Quảng di cư vào Nam khai phá.

Có thể nói, Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Hữu Cảnh là những người có công lớn trong việc khai phá, mở mang vùng đất Đồng Nai và Nam bộ. Năm 1698 được xem như năm hình thành của Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay; góp phần ổn định “biên cương”, xã hội, phát triển kinh tế, tạo điều kiện để mở rộng địa lý hành chính của Đại Việt về phía Nam. Khi Nguyễn Hữu Cảnh mất (1700), đình Bình Kính (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) đổi thành đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh để ghi công (được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 25/3/1990). Nhân dân địa phương cũng xây đình Tân Lân để phụng thờ Thượng đẳng thần Trần Thượng Xuyên (phường Hòa Bình, TP. Biên Hòa).

Ghi dấu ấn hình thành, còn phải đề cập đến thiết chế văn hóa, giáo dục mang tính chất tâm linh được chúa Nguyễn Phúc Chu xây dựng năm 1715, đó là Văn miếu Trấn Biên với mục đích phát huy truyền thống giáo dục dân tộc “tôn sư trọng đạo”, đào tạo những lớp trí thức Nho học phục vụ cho công cuộc xây dựng phát triển ở Nam bộ. Sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đất mới, ở Biên Hòa gắn liền với tên tuổi thầy giáo Võ Trường Toản (…. -1792) cùng với Gia Định tam gia, nổi bật là nhà văn hóa Trịnh Hoài Đức (1765-1825) - tác giả của bộ sách Gia Định thành thông chí (Lăng mộ ông ở phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa được xếp hạng di tích quốc gia).

Biên Hòa, Trấn Biên Hòa bấy giờ nổi tiếng với bưởi Tân Triều (Bưởi Biên Hòa), trồng mía và làm đường mía, nghề thủ công truyền thống như chế tác đá (Bửu Long), sản phẩm gốm, gỗ; đá ong Biên Hòa được sử dụng trong xây dựng, giao thông trong toàn Nam bộ.

Biên Hòa xưa còn nổi tiếng với tấm gương “Tiết phụ khả gia” Nguyễn Thị Tồn quê hương Mỹ Khánh (nay thuộc phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa), người phụ nữ trèo đèo vượt suối với bao gian nan ra Phú Xuân đánh trống kêu oan cho chồng là ông Bùi Hữu Nghĩa (1807-1972) khi làm Tri huyện Trà Vang (Trà Vinh) bị kẻ xấu hãm hại và được vua tha tội chết (bị giáng chức, năm 1862 từ quan về dạy học). Bùi Hữu Nghĩa với tác phẩm Kim thạch kỳ duyên đánh dấu sự chuyển biến của Tuồng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; người có những vần thơ khóc hiền thê cảm động:

“Đã chẵn ba năm mới đặng thăm,

Màn loan đâu vắng bặt hơi tăm?

Gió đưa, đâu thấy hình dương liễu,

Đêm vắng, ai hoài tiếng sắt cầm.

Chồng nhớ vợ, lòng tơ bối rối,

Con thương mẹ luỵ ngọc tuôn dầm.

Có linh chín suối đừng xao lãng,

Thỉnh thoảng về thăm lúc tối tăm”.

 

                                                                                              ​T.Q.T

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​