Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NHỚ THƯƠNG “RAU ĐẮNG…”

 

LÊ BIÊN HÙNG

 

2. Nhớ thương rau đắng.jpg

Thổ lộ với một nhà báo chuyên viết về sân khấu ca nhạc, Nghệ sĩ Ưu tú - Ca sĩ Hồng Vân xúc động kể: “Nhạc sĩ Bắc Sơn là một người làm việc tận tụy. Vốn là nhà giáo, dạy học từ 1952-1977, ông không chỉ nghiêm khắc với bản thân mình. Tôi còn nhớ một lần gặp ông tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, ông than:Buồn quá, đám nhỏ bây giờ ở các hãng băng không hiểu cứ bắt tôi phải “đẻ” thật nhiều bài. Chúng nói một cách vô trách nhiệm “Bố viết na ná như “Em đi trên cỏ non”, “Còn thương rau đắng mọc sau hè”… là được rồi, cần gì đầu tư, suy nghĩ. Nhạc có tên bố giờ bán chạy như tôm tươi. Cần gì phải tư duy lâu lắc”… Tôi không chịu cách làm ăn như vậy nên chấm dứt hợp đồng. Thời may về than với vợ, bả đưa liền một tập bản thảo: “Thơ của tôi viết những ngày mình xa nhà. Mình đọc coi có ý gì để viết. Thế là buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi tìm thấy trong những vần thơ “hai lúa” của vợ sự đồng cảm sâu sắc. Và từ những vần thơ mộc mạc của bả, những kỷ niệm suốt quãng đời gắn bó hạnh phúc bên nhau, cộng với tình yêu quê hương, yêu sân khấu, dân tộc, tôi đã viết nhiều bài hát phổ từ âm điệu ngũ cung. Bài hát “Sa mưa giông” là một trong những tác phẩm nói lên nỗi lòng của người nghệ sĩ đối với cuộc đời”.

 Những lời bộc bạch chân tình này cho thấy rõ một điều: phía sau một nhân tài thường có một điểm tựa vững chắc. Riêng đằng sau tài hoa Bắc Sơn còn là một bệ phóng quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp âm nhạc của ông. Nghệ sĩ Bích Thủy - con gái cố nhạc sĩ Bắc Sơn từng chia sẻ về hoàn cảnh gia đình chị với tình cảnh “cha đi làm nghệ thuật, mẹ ở nhà một nách 9 con”. Theo đó có nhiều khi nghệ sĩ Bắc Sơn đi biền biệt đến mấy tháng, ở nhà mẹ chị vẫn tảo tần nuôi các con ăn học; không than vãn. Không chỉ có vậy, vợ Bắc Sơn còn “truyền niềm say mê văn thơ nhạc cho các con”. Đặc biệt, bà “rất trân quý sáng tác của chồng” và “là người đầu tiên được ông chia sẻ, lắng nghe, góp ý…”.

 Cuộc tình của chàng trai Trương Văn Khuê (sinh năm 1931) quê ở miệt vườn Long Thành với cô gái Trương Ngọc Bích (sinh năm 1933) ở làng biển Phước Tỉnh (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) không có gì đặc biệt. Chỉ có điều cô gái vùng biển Trương Ngọc Bích vốn từ nhỏ đã say mê văn thơ, đến khi gặp gỡ và kết hôn với nghệ sĩ Bắc Sơn thì mới bắt đầu sáng tác. Và cứ thế vừa một mình tần tảo nuôi con, bà vừa âm thầm cho ra đời hàng trăm bài thơ, hầu hết thuộc chủ đề tình tự quê hương với ngôn từ bình dị, mộc mạc (nói theo chồng bà - cố nghệ sĩ Bắc Sơn là… “hai lúa”) như: Góc bếp “chái hè”, “Phước Tỉnh ngày mưa”, “Sóng thôi cuốn nỗi nhớ của em”, “Anh về chưa?”, “Bìm bịp kêu nước lớn mình ơi”… Nổi bật là bài “Tháng mấy em về”. Bài thơ này được Bắc Sơn phổ nhạc và ghi: lời thơ Ngọc Bích. Bài hát “Tháng mấy em về” có những ca từ nghe thật gần gũi mà da diết: “Bây giờ em đi xa, nhớ thương xin gửi lại nhà/ Gửi cho đọt mướp, luống cà và bụi bông/ Bây giờ anh ở lại để chiều chiều ra đứng cửa sau/ Ngó mong đường đắp nhớ nhau ít nhiều”.

 Nữ danh ca Hương Lan - ca sĩ đầu tiên được nhạc sĩ Bắc Sơn giao thể hiện ca khúc “Tháng mấy em về” đã bày tỏ cảm xúc của mình như sau: “Tình cảm da diết của bài hát đọng lại trong tim khán giả về cuộc tình nhà quê chất phác, thiệt thà; hạnh phúc quá đỗi đơn sơ, nhưng không có gì thay thế được. Trong số nhiều ca khúc mà tôi thích của ông, thì “Tháng mấy em về” là ca khúc có được sự đồng cảm của số đông khán giả trên thế giới. Hễ đi lưu diễn ở các quốc gia có số đông kiều bào sinh sống thì họ lại yêu cầu Hương Lan hát ‘Tháng mấy em về’…”.

Đang tham gia hoạt động nghệ thuật tại hải ngoại, nghe tin nhà thơ Ngọc Bích qua đời (bà Trương Ngọc Bích từ trần vào lúc 21 giờ ngày 21-9-2017); nữ ca sĩ Hương Lan tức tốc bay ngay về TP. Hồ Chí Minh để dự lễ tang. Nhắc về nhà thơ vừa mới ra đi ở tuổi 85, nữ ca sĩ thành danh ở dòng nhạc quê hương cho biết: “Mấy nhịp cầu trecũng là bài hát phổ từ thơ Ngọc Bích”. Lời thơ của bà mộc mạc, chân chất, lay động lòng người về sự hy sinh của người phụ nữ sống hết lòng vì đàn con. Bà là người mẹ hiền để lại cho các con di sản đáng quý, đó là những bài học nhân nghĩa ở đời... Tôi gọi bà là má một cách quen thuộc như các con của bà vẫn gọi. Bà hiền đức, nhân từ và luôn chăm sóc cho chồng, cho con… Mỗi lần tôi về thăm quê hương đều ghé nhà để thăm ông bà”.

Nhạc sĩ Bắc Sơn mất trước vợ đến 12 năm. Nhưng người nghệ sĩ sinh quán tỉnh Biên Hoà (quận Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa cũ, nay là huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) hưởng dương kém vợ 11 năm cũng để lại cho đời một tài sản nghệ thuật đồ sộ: Khoảng 500 ca khúc chuyên chở chủ đề quê hương mang đậm âm hưởng dân ca Nam bộ. Trong đó có những bài nổi tiếng như: “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “Sa mưa giông”, “Em đi trên cỏ non”, “Còn thương góc bếp, chái hè”, “Bông bí vàng”, “Bông bưởi, hoa cau”, “Cây khế sau nhà”, “Ngủ bên chân mẹ”, “Giấc ngủ trên tay”… được nhiều thế hệ yêu thích. Những ca khúc đi vào lòng người của cố nhạc sĩ Bắc Sơn cũng là những bài hát mãi mãi đi cùng năm tháng. Trong đó bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè đậm chất Nam bộ được nhạc sĩ Bắc Sơn sáng tác làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình “Bếp lửa ấm” năm 1974 do ca sĩ Hoàng Oanh biểu diễn đầu tiên, sau đó ca sĩ Hương Lan thực hiện ghi âm ở Pháp đã làm cho tên tuổi nhạc sĩ Bắc Sơn trở nên sáng chói.

Hương Lan cho biết: “Tôi hát dòng nhạc của nhạc sĩ Bắc Sơn từ thập niên 80, khi đó mỗi bài hát được ông phân tích, chỉ dẫn rất tận tình”.

Ca sĩ Bích Phượng (con gái danh ca cổ nhạc Út Trà Ôn) cho rằng “Chùm bông hoa khế” của nhạc sĩ Bắc Sơn là bài hát đã góp phần giúp cô thành danh trong lòng người yêu thích làn điệu dân ca Nam bộ.

Ca sĩ Hà Châu (Đoàn nghệ thuật Quân khu 7) và nghệ sĩ Bích Thuỷ (hai người con gái của cố nghệ sĩ Bắc Sơn) thường hay thể hiện các ca khúc của cha mình một cách xuất sắc. Trong đó, Bích Thuỷ nổi bật với bài “Trách ai vô tình”…

Ít ai biết rằng ngoài sự nghiệp giáo dục mà nhà giáo kiêm nhạc sĩ Bắc Sơn đã gắn bó suốt 25 năm, ông còn là tác giả của khoảng 80 kịch bản phim. Đặc biệt, ông còn là một khuôn mặt gây ấn tượng trên màn ảnh qua nhiều bộ phim điện ảnh, trong đó, nổi bật là vai Sĩ trong Xa và gần, Năm Ngưu trong Vùng gió xoáy, Hai Bạc Liêu trong Người tìm vàng, ông Tư trong Con chó nghèo

Tại Liên hoan phim toàn quốc lần thứ IX, Bắc Sơn được trao giải Diễn viên xuất sắc qua vai diễn Năm Ngưu trong phim Vùng gió xoáy.

Suốt đời cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc và sân khấu - điện ảnh Việt Nam, Ngày 3-2-1997, nhạc sĩ Bắc Sơn được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Mới đây Bảo tàng tượng sáp Việt đã hoàn thành tượng sáp nhạc sĩ Bắc Sơn. Chương trình “Sol Vàng” của Đài truyền hình quốc gia VTV3 cũng dành một đêm nhạc tôn vinh sự nghiệp âm nhạc của ông.

L.B.H

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​