Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CÂY CẦU GÃY NHỊP


Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Ngân

(Nguồn: VNĐN số 25 – tháng 05 & 06 năm 2018)

 

 4. cây cầu lỡ nhịp - Q. Hoàng.JPG
Minh họa: Quang Hoàng

Nắng gần lên đỉnh đầu, thằng Bầu vắt giò lên cổ chạy nhanh qua cây cầu gỗ mục nát bắc qua con sông - đường nhanh nhất và gần như là duy nhất để đi qua nhà bà ngoại nó. Mục đích của Bầu chạy nhanh như vậy không phải là nhớ bà ngoại hay thèm gì ở bên đó mà là vì mấy cọng rau om với mớ ngò gai ngoại trồng. Hồi sáng, má Bầu kêu nó đi chợ mua cá lóc với mấy món rau hôm nay nấu canh chua đón chị Ba đi học trên thành phố về. Mặc dù là con trai nhưng vì được huấn luyện việc đi chợ từ nhỏ nên bây giờ Bầu đi chợ còn rành hơn má nó nữa. Ai thấy Bầu đi chợ với cái mặt tươi rói cũng thấy thương rồi bớt cho nó chút đỉnh, mua con cá mười hơn một mấy chỉ với mười mấy ngàn là chuyện bình thường đối với Bầu. Má nó mỗi lần ra chợ là ai cũng khen đòi “góp gạo” mốt cho nó về làm con rể. Vậy đó, cũng nhờ cái mặt dễ thương vui vẻ mà hồi sáng này chị bán bánh cam ngoắc lại, chị dúi vô tay nó mấy cái bánh giòn rụm xong hai chị em ngồi “tám” tới gần tan buổi chợ. Bầu hí hửng lắm, nó nghĩ trong đầu thế nào bữa nay má cũng khen vì đi chợ rẻ mà còn có bánh cam miễn phí đem về. Đời không như là mơ, canh chua mà thiếu rau om với ngò gai thì còn gì là canh chua nữa? Vậy mà Bầu dám quên hai thứ quan trọng đó, má nó la một trận vì cái tội ẩu và nhiều chuyện. Cây cầu gỗ lắc lư, mục nhiều chỗ, chỉ cần đi mạnh thôi cũng như sắp gãy. Ai đi ngang cũng một phen hú vía vì cảm tưởng như sắp rớt xuống sông tới nơi, người ta thường chỉ dám đi bộ hoặc đạp xe qua cầu chứ không dám đi xe máy qua vì sợ tai vạ giáng xuống đầu. Hôm nay thằng Bầu vừa chạy vừa niệm trong đầu nam mô a di đà Phật, dân sông nước biết bơi chút đỉnh nhưng đi qua cái cầu này thì nó… nhát cặp giò.

Rau om và ngò gai vừa về tới thì chị Ba cũng vừa về tới cửa. Hai chị em, chị hai chục, em mười sáu mà như hai đứa con nít hai ba tuổi. Bầu để vội nắm rau trên bàn cho má, nó nhào vô ôm chị Ba như ngàn năm xa cách dù hai tháng trước chị mới về. Chị Ba ôm thằng em “bé bỏng”, nựng má rồi mi chụt chụt. Má chỉ biết dọn cơm rồi cười nhìn chị em nó đóng phim tình cảm.

Ba Bầu mất sớm vì bệnh, một mình má nuôi ba anh em khôn lớn, anh Hai của Bầu là Bí. Anh Bí giờ đã làm kỹ sư cầu đường trên thành phố, cứ mỗi tháng anh về thăm má ít nhất một ngày nhưng gần đây, số lần anh về nhà thưa hẳn. Anh gọi điện cho má, “Má, dạo này con đi tỉnh làm nhiều, má thông cảm cho con nghen má”, dù nội dung nghe buồn thật, nhưng có vậy má cũng đỡ lo ít nhiều. Thằng Bầu với chị Ba cũng trông anh Bí về lắm. Thứ tụi nó thích mỗi khi anh Bí về là bánh kẹo trên thành phố hoặc là mấy lần anh đi nước ngoài, bánh kẹo ngon lại càng tăng thêm gấp bội. Anh Bí cho má tiền đi chợ nhiều một chút, thì tụi nó cũng được ké phần, dù là số tiền nhỏ nhưng chị Ba đi học cũng có tiền uống ly trà sữa khi thèm mà không phải xin má hay thằng Bầu có tiền mua sách vở đi học. Hiểu được em mình tủi thân vì không có cha bên cạnh như bao đứa trẻ khác, anh Bí lúc nào cũng ôm hai đứa em vào lòng cưng chiều. Bờ vai anh cõng chị Ba bay như chim giữa cánh đồng rộng lớn, bờ vai anh đỡ thằng Bầu mấy roi mây khi nó cãi má đi chơi, dù nhiều khi tụi nó sai rành rành ra đó, anh Bí lúc nào cũng cho rằng hai cục vàng của mình là đúng. Càng lớn anh càng thương tụi nó hơn, vì chị Ba thì học giỏi, thằng Bầu thì nhanh nhẹn tay chân và cái miệng rất khéo. Tụi nó rất nghe lời anh Bí, má nói có thể không nghe chứ anh Bí chỉ cần “ra lệnh” là đâu vào đấy. Nhiều khi má thắp nhang cho ba rồi khóc, má khóc không phải vì uất ức hay đau khổ chuyện gì, mà chỉ là thấy nhớ ba và thầm cảm ơn ba đã phù hộ cho gia đình để những đứa con luôn vui vẻ và mạnh khoẻ. Đời má tuy mất đi ba nhưng đã có những đứa con này, bây giờ là đủ hơn cả đủ.

Tháng 5 qua, hè đã về, trời mưa tí tách. Chị Ba về nhà sau một năm học miệt mài, ngồi ngắm mưa ăn cơm với canh chua má nấu, tộ cá kho thơm nức mũi màu cánh gián sánh lại lấp lánh, tô ba khía má mới ướp hôm qua nay đã thấm đều, vị mặn hoà quyện cùng vị chua của chanh, vị cay của ớt cùng chút ngọt của đường khiến tê đầu lưỡi, ăn thêm miếng cơm trắng nữa là tròn vị. Tiếng má nói chuyện với tiếng thằng Bầu cười khiến bữa cơm gia đình thêm ấm cúng hơn. Đời này chỉ ăn một bữa ngon như vậy thì cũng chẳng ước gì hơn nữa.

Trời mưa như vậy, rửa chén cũng đỡ hại nước một chút, má và chị Ba vừa rửa chén vừa tâm sự. "Má, hôm nay thằng Bầu nói với con cây cầu đi qua nhà bà ngoại càng lúc càng lắc lư, nghe nó nói con cũng thấy sợ quá má, lỡ có bữa bà ngoại muốn qua thăm má con mình rồi sao?". Cặp mắt má đang sáng rỡ bỗng như chùng xuống, má cũng chỉ lắc đầu: "Bữa giờ mọi người trong xóm cũng nói với nhau, họ kêu mục một hai năm nay rồi mà không biết sao, họ kêu má kêu anh Bí về coi cái cầu thử, mà…”. Nói tới đó tự nhiên nước mắt má rơi lã chã, tiếng mưa hoà cùng nước mắt, chị Ba ôm má vào lòng, chị cũng thèm khóc lắm mà thấy má vậy, chị tự nhủ phải mạnh mẽ để còn lo cho má. "Không sao đâu má, để mai con gọi anh Bí hỏi coi sao, chứ con thấy như vầy không ổn”. Thấy chị Ba nói giọng chắc nịch, má vơi bớt phần nào những âu lo chất chứa trong lòng, phần vì lâu ngày chưa gặp được con trai, phần vì thấy sự an toàn của gia đình và người dân trong xóm bị đe doạ, má cũng không an tâm. Mưa ngớt, trời mát mẻ hơn, trăng đã ló dạng trở lại và đồng hồ cũng điểm chín giờ. Trên chiếc ván đặt ở trước nhà, má nằm chính giữa, hai chị em nằm hai bên mỗi đứa ôm một cánh tay má như chim non được mẹ bảo vệ. Vì là làng quê không sợ trộm cướp, má để cửa mở toang cho gió lùa vào, tiếng côn trùng kêu râm ran. Chỉ có vậy thôi mà con đường đến những giấc mơ trở nên thật dễ dàng.

Sáng sớm hôm sau, sau khi ba má con đi chợ, chị Ba gọi điện thoại cho anh Bí: "Alo, anh Bí hả, em bé Ba nè, thôi không dài dòng nữa, em vô thẳng vấn đề luôn nha anh Bí…”. Má đứng trong phòng nghe hai anh em nói chuyện điện thoại mà nóng hết ruột gan. Bỗng tiếng chị Ba giận dữ hét vào điện thoại: "Anh nói anh đi làm tỉnh khác nghèo, bộ quê mình không nghèo sao anh? Anh chê dưới đây nghèo không có tiền trả cho anh phải không? Tới lúc có người chết anh đừng hối hận”. Nói xong chị Ba dập máy, chị chạy tuốt đi xa mà nước mắt rơi lã chã, má nghe xong không kịp níu chị lại mà chỉ thất thần, quỵ xuống giường rồi bần thần mãi. Chị Ba tự trách mình hỗn hào và nói những điều không nên nói với người anh đã thương mình hơn mọi thứ, nhưng lúc đó chị không kiềm được mình nữa, đầu chị nghĩ được bao nhiêu là tự động tuôn trào hết bấy nhiêu, giống như con lũ đã trào tới mà người dân chẳng kịp đắp đê nữa rồi. Thằng Bầu thấy chị ngồi khóc, nó lay chị, chị chỉ kêu nó vô nhà đi. Thấy chị khóc như vậy cũng không phải lần đầu, nó luýnh quýnh tay chân, không biết dỗ làm sao cho chị ngừng khóc chỉ biết chạy vào nhà cầu cứu má. Gọi năm lần bảy lượt: "Má ơi!" mà không thấy tiếng trả lời, Bầu chạy vội vào phòng thấy má ngồi đó như tượng sáp, nó lay mạnh tay má sợ má bệnh rồi nói má nghe chị Ba đang khóc ngoài hè. Má chỉ lắc đầu: "Không sao đâu con, tí chị nín, để má đi nấu cơm”. Thằng Bầu không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nó chỉ lẳng lặng nhìn má bới tóc lại rồi theo má đi làm đồ ăn cơm. Bữa ăn ảm đạm hơn hẳn, chị Ba ăn chưa tới nửa chén là buông đũa, nói mệt rồi vào phòng nghỉ. Thấy con gái mình buồn bã, má cũng không yên trong lòng, má liền gọi điện cho anh Bí: "Con, hôm nay em con gọi có nói cái gì không hay con cũng đừng để bụng, em nó còn nhỏ chưa suy nghĩ thấu đáo. Con, con coi vài bữa nữa về coi cái cầu, má thấy chuyện này không để lâu nữa được rồi con". Không biết anh Bí đã nói gì mà chỉ nghe tiếng má thở dài. "Thôi con đừng quạu, để má coi rồi nói với mọi người đợi thêm tháng nữa cũng được. Chỉ là sớm hơn một chút thì…”. Tiếng tút tút vang dài trong điện thoại, thằng Bầu giận tím tái tay chân khi thấy người anh mình tin tưởng và yêu thương đang dần thay đổi, anh dám cúp ngang máy của má mà không thèm nói một lời. Nó không nghĩ mọi chuyện sẽ tệ đến mức này, nó tự trách mình phải chi lúc đó đừng kể cho chị Ba nghe chuyện đi ngang cái cầu thì có lẽ không phải đến nông nỗi này. Nhìn cảnh nhà buồn bã, thằng Bầu cũng chẳng thiết gì ăn uống nữa.

Mưa mỗi ngày một mạnh hơn, cái cầu khiến mọi người không dám đi xe đạp qua nữa, dù cầu rộng là thế nhưng sự chắc chắn đã không còn nữa rồi. Đi bộ thì có vẻ an toàn hơn nhưng mọi người vẫn đi trong tâm thế lo sợ. Không phải do mọi người ngoan cố không chịu đi đường vòng mà là do con đường còn lại đất đá lở, ổ gà ổ voi kín cả mặt đường khiến ai đi lại cũng ngán ngẩm. Mấy đứa con nít bước ra khỏi nhà đi học thì sạch sẽ mà tới trường thì cô giáo cứ tưởng tụi nó vừa mới ra đồng về. Đường trơn trượt khó đi, bánh xe đạp xe máy gì cũng dễ ngã nên trên huyện cho xây sửa toàn bộ con đường. Người dân vừa mới ăn mừng được năm phút thì chợt nhớ con đường còn lại là cây cầu cũng như ngàn cân treo sợi tóc. Gáy dựng dọc sống lưng mỗi khi tiếng cầu kêu ken két.

Sau một tuần, anh Bí về cùng với vô vàn những thức ăn ngon. Chiếc xe hơi đưa anh về chạy ngang qua cây cầu mà trong lòng không một chút mảy may lo lắng, dù không nghe tiếng nhưng chân cầu đã sụm đi gần nửa. Sau lần cãi vã ấy, tình cảm của hai đứa em dành cho người anh đã không còn thắm thiết như trước. Tụi nó chào anh bằng nụ cười nhạt, chỉ có má là vui mừng khôn siết. Má ôm lấy anh Bí rồi khóc, anh Bí xin lỗi má rối rít vì đã để má đợi đến giờ mới về. "Thôi không sao con, con mạnh khoẻ là được”. Nói đoạn, má kêu anh tắm rửa rồi cả nhà ăn cơm. Phải sau bữa cơm trưa hôm đó, sợi dây tình cảm tưởng chừng đã đứt nay lại càng bền chặt hơn khi anh xin lỗi vì sự nóng nảy của mình hôm đó, anh nói do công việc lu bu, áp lực ngày càng dâng cao, anh không thể ngăn mình nói lời khó nghe với má. Hai đứa em nhìn anh mình ốm đi thấy rõ mà thương mà bỏ qua hết tất thảy những giận dỗi trong lòng.

Sau khi ba anh em huề nhau, họ cùng nhau ra đồng bắt chuột về dồn thịt cho má nướng, món đó má làm là số dách. Họ chơi đùa trên cánh đồng đến mồ hôi nhễ nhại, họ trở về làm những đứa trẻ lên năm không biết làm lụng vất vả là gì, không biết lo toan là gì, họ chỉ là những đứa con thơ của người má tảo tần. Tiếng má í ới gọi họ về ăn cơm chiều khi thấy trời dần chuyển xám. Sau bữa cơm, anh Bí lên huyện bàn bạc với chủ tịch huyện cùng bà con về việc xây lại cây cầu. Mọi người trong xóm ai cũng phấn khởi và vui vẻ đi theo anh.

Đến chập tối trời đổ cơn mưa lớn, cây cối ngả nghiêng vì gió quá mạnh. Cây đèn đường trước nhà cứ chớp tắt liên hồi vì cơn giông quá lớn. Má lật đật đóng hết cửa sổ lại, ngay cả cửa chính cũng khoá rồi đốt cho ba nén nhang. Thằng Bầu đợi mãi không thấy anh Bí về, canh lúc chị Ba với má đang nói chuyện. Nó lén lấy cây đèn pin và cái áo mưa chạy qua huyện đưa cho anh Bí về khỏi ướt. Thằng Bầu phải cố gắng lắm, giông giật mạnh, người nó ướt đến thê thảm nhưng vẫn cố đi. Đến cây cầu chợt sống lưng nó lạnh ngắt, cây cầu bây giờ rõ ràng là nghiêng hẳn, nhưng đến mức này rồi nó không còn đường lui nữa. Nó dùng hết sức bình sinh chạy qua cây cầu, nhưng không kịp nữa rồi... Đêm đó cả xóm nháo nhào, mưa đã ngớt dần nhưng tiếng mưa rả rích ấy lại càng thê lương hơn nữa. Má như người điên lao ra khỏi nhà khi có người báo tin thằng Bầu mất tích. Cây cầu giờ đây đã gãy xuống lòng sông, trơ trọi.

Mãi đến sáng hôm sau, người ta mới tìm được thằng Bầu. Má nhào đến bên nó oà khóc, không tin đây là con mình. Chị Ba ôm lấy mẹ mà một nửa trong mình như chết theo Bầu rồi. Mọi người nhìn nhau không kìm được nước mắt. Người không khóc được là người đau khổ nhất, anh Bí chết trân nhìn người ta đem em mình về nhà. Em bây giờ không còn cười không còn nói nữa rồi, mọi chuyện vui mới xảy ra hôm qua mà hôm nay đã không còn nữa. Anh tự trách mình đã không nghe lời má về xây cầu sớm hơn, anh tự trách mình vô tâm để cho các em phải lo, anh tự trách mình, dằn vặt bản thân nhưng những sự hối tiếc ấy có lẽ đã quá muộn màng...

Sau ngày Bầu mất được 3 tháng, chiếc cầu được khánh thành. Anh Bí đã dồn mọi tâm huyết và công sức cùng mọi người xây lên chiếc cầu này. Mọi người đều rất mừng vì bây giờ không còn phải lo việc đi lại nữa rồi. Má vẫn còn buồn, nhưng không nhiều như trước nữa, má nói thằng Bầu tốt bụng, ông Trời thương nên mới cho về trời sớm.

Chị Ba thương má một mình, nên chuyển về trường huyện học để tiện bên cạnh chăm sóc má. Mọi người ở chợ vẫn hay sang nhà thắp nhang cho Bầu, chị bán bánh vẫn hay để cho nó mấy cái bánh cam ở đó như nhắc nó rằng "Bầu luôn là người vui vẻ và dễ thương nhất mà chị từng gặp!". Anh Bí nay đã về nhà đều đặn hơn, thương má hơn, thương em hơn. Anh Bí nói anh Bí không buồn nữa rồi nhưng có lần khuya anh về nhà trễ, sau khi đốt cho ba nén nhang, anh đốt cho Bầu nén nhang và khóc, anh ngồi thụp xuống và khóc như đứa trẻ trước hương linh em trai mình. Nỗi đau vẫn còn đau đáu trong anh khó mà nguôi ngoai được, anh vẫn còn dằn vặt dù má nói anh không có lỗi. Dù Bầu không còn nữa, nhưng trái tim anh như bị giày xéo mỗi ngày bởi sự chậm trễ của mình. Anh nghĩ Bầu sẽ không bao giờ tha thứ cho anh, nhưng anh không biết rằng, di ảnh của Bầu vẫn là khuôn mặt tươi cười hồn nhiên như muốn nói với anh rằng: "Anh Hai, em không giận anh đâu, cám ơn anh hai vì đã xây cầu cho mọi người nhé!”.

N.T.N

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​