Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
THƠ VÀ MẤY ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP

Tiến sĩ Nhà thơ Phạm Quốc Ca

 Pham Quoc Ca.jpg
TS. Nhà thơ Phạm Quốc Ca nói chuyện tại Trại sáng tác VHNT Trẻ Đồng Nai 2018 - Ảnh: Ngô Hường

1.Thơ như tôi quan niệm          

Từ trước tới nay đã có không ít định nghĩa về thơ nhưng xem ra chưa có định nghĩa nào thỏa mãn người đọc. Đơn giản là do nội hàm khái niệm thơ vô cùng phong phú, đa dạng. Tùy từng thời đại, từng xu hướng, từng nhà thơ mà hiểu thơ khác nhau, nhiều khi phủ định nhau. Nếu A.Musset cho thơ là cảm xúc với luận điểm nổi tiếng: “Hãy đập vào trái tim, thiên tài là ở đó!” thì P.Valéry cho thơ là sự nở hoa của trí tuệ.

Thậm chí có khuynh hướng xem thơ thuộc lĩnh vực thần bí. Platon cho rằng khi làm thơ thi sĩ bị thần linh chi phối. Lục Cơ (Trung Quốc) đã lý giải về sự sinh thành của thơ là do sự rung động của Đạo.

Quan niệm chính thống về thơ của Nho giáo là “thi ngôn chí” [Thiên “Thuấn điển” trong Kinh Thư]. Quan niệm này cũng đã thống trị hàng ngàn năm thơ Trung đại Việt Nam. Phan Phu Tiên (đời Trần) đã viết trong lời tựa “Việt âm thi tập tân san”: “Trong lòng có điều gì tất hình thành ở lời cho nên thơ để nói chí vậy”[9, tr.239].

 Trong thơ Trung Quốc còn có quan niệm “thi ngôn tình” xuất hiện từ thế kỷ III (đời Đông Tấn). Quan niệm thi ngôn tình đã ảnh hưởng tốt đẹp đến trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong thơ Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX mà tiêu biểu là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Quan niệm “thi ngôn tình” gần với thuyết biểu hiện trong thơ phương Tây. Theo đó, thơ là sự tuôn tràn, bột phát những tình cảm mãnh liệt.

Các nhà thơ phương Tây thời kỳ hiện đại có xu hướng xem thơ là nghệ thuật ngôn từ. Làm thơ tức là làm cho ngôn ngữ trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Theo các nhà cấu trúc luận Pháp, thơ là một hệ thống ký hiệu. Ý nghĩa của tác phẩm thơ tùy thuộc vào các quan hệ bên trong văn bản.

 Phê bình mới Mỹ xem thơ là một hình thức ngôn ngữ có tính chất tự quy chiếu và tự đầy đủ cho nó.

Còn có cách làm sáng tỏ đặc trưng của thơ bằng cách đối lập với văn xuôi. Chức năng ngữ học của văn xuôi là định danh và biểu đạt. Chức năng ngữ học của thơ là khơi gợi trí tưởng tượng  sáng tạo.

Ở Việt Nam trong mấy chục năm trở lại đây đã có nhiều người nỗ lực định nghĩa thơ. Hà Minh Đức trong công trình Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại [2], Mã Giang Lân trong công trình Tìm hiểu thơ [5] đã tổng hợp nhiều ý kiến về thơ của các nhà nghiên cứu, nhà thơ rất thú vị.

Đáng chú ý là trên Tạp chí Văn học số 1, (1991), Nhà nghiên cứu Phan Ngọc đã có bài viết Thơ là gì?. Trong bài này, ông cho rằng định nghĩa thơ phải đáp ứng những yêu cầu sau:

a, Có giá trị phổ quát, áp dụng cho mọi hiện tượng gọi là thơ trên trái đất này, bất chấp mọi ngôn ngữ, thời gian, tập quán, trường phái.

b, Mang tính hình thức giúp người ta nhận được ngay thơ, không cần phải có kinh nghiệm và hiểu biết nghệ thuật.

c, Giúp người ta nắm được thực chất của thơ để làm thơ, đọc thơ, giảng thơ có hiệu quả”.

Tiếp theo, ông đã đưa ra định nghĩa về thơ của mình: “Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này” [6].

Có thể thấy yêu cầu của Phan Ngọc đối với định nghĩa thơ là quá cao và định nghĩa của ông cũng còn có chỗ để bàn. Thơ được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Nếu “hết sức quái đản” thì đã ra ngoài địa hạt thơ.

Chúng tôi chỉ mới dẫn ra một số ý kiến nhận diện thơ. Để có một định nghĩa thơ được mọi người chấp nhận là một điều dường như bất khả. Chế Lan Viên đã nói lên một tâm trạng rất thật: “Chả lẽ tôi hì hục làm thơ mấy chục năm trời lại trả lời rằng thơ cũng khó định nghĩa như điện, như tình yêu ấy. Thế thì điệu quá, làm bộ làm tịch quá. Nhưng thực ra tôi chưa hiểu hết thơ đâu. Tôi cũng có định nghĩa nhiều lần đấy, nói hẳn hoi, viết hẳn hoi nhưng lần này định nghĩa thì lần sau nắn lại. Chỗ này định nghĩa thì chỗ khác bổ sung. Vẫn còn nghĩ tiếp…” [11, tr.96].

Mặc dù khó khăn vậy, chúng tôi xin đưa ra thêm một định nghĩa thơ, góp phần mình vào thi học: Thơ là loại nghệ thuật ngôn từ, sáng tạo theo các nguyên lý: Lạ hóa, có tính nhạc và sử dụng tối ưu các thủ pháp nghệ thuật, nhằm chia sẻ với người đọc những cảm xúc, suy ngẫm trong một giá trị thẩm mỹ.

Sau đây chúng tôi xin làm sáng tỏ định nghĩa này.

1.1. Thơ là loại nghệ thuật ngôn từ

Điều đầu tiên chúng tôi muốn nhấn mạnh trong định nghĩa của mình: “Thơ là loại nghệ thuật ngôn từ”.

Nhiều nhà nghiên cứu đã trích dẫn các định nghĩa thơ từ phương diện nội dung trữ tình. Ví dụ như: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí”… “Thơ là tiếng nói tri âm”… “Thơ là chuyện đồng điệu…” (Tố Hữu) [3, tr.423]. Điều này dễ dẫn đến ngộ nhận rằng bản chất của thơ là ở nội dung trữ tình, nghệ thuật chỉ là phương tiện để thể hiện nội dung. Một số quan niệm thơ từ xưa tới nay đã củng cố cách hiểu đó. Ví dụ như quan niệm thi ngôn chí (thơ để nói chí) của Nho giáo.

Thơ có thể gắn với chính trị, triết học, đạo đức học… nhưng trước hết nó phải là thơ và phải biến tất cả thành như là vấn đề của nội tâm cá nhân nhà thơ. Nghĩa là bài thơ phải xuất phát từ bộ máy cảm quan độc đáo, không lặp lại của chính người làm thơ. Nhà thơ Xô viêt nổi tiếng V.Mayacovsky tâm niệm:

Chuyện cách mạng, chuyện đất nước vang lên

Hay chuyện chính con tim tôi đó.

Điều đó có nghĩa là thông điệp mà nhà thơ gửi đến bạn đọc phải thấm đẫm chất thơ nội dung trữ tình. Bên cạnh đó ông cũng đã nói lên lao động sáng tạo thơ căng thẳng như thế nào:

        Phải tốn hàng nghìn cân quặng chữ

        Để thu về một chữ mà thôi

Đỗ Phủ thì trăn trở: “Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” (Lời thơ chưa làm cho người ta kinh ngạc, đến chết chưa nghỉ).

Thơ muốn mang bất cứ sứ mệnh lớn lao nào thì trước hết phải có chất thơ. Bản chất thơ là nghệ thuật ngôn từ.

1.2. Thơ được sáng tạo theo nguyên lý lạ hoá

Lạ hoá không chỉ là thủ pháp mà còn là nguyên lý căn bản của thơ. Nhà thơ là người không chịu nhìn cuộc sống theo quan niệm của số đông, của “lẽ phải thông thường” đã trở nên quen thuộc, sáo mòn. Đối tượng công phá thường trực của thơ là sự rập khuôn, máy móc của tư duy, của cách cảm, cách nghĩ, cách viết mà người ta sa vào một cách tự động, nhiều khi không tự biết. Thơ phải gây được hiệu ứng tâm lý ngạc nhiên, thú vị và khâm phục ở người tiếp nhận: Ngạc nhiên ở khả năng nhìn ra cái mới nơi thế giới quen thuộc, ngạc nhiên ở tài năng sáng tạo của nhà thơ trong việc sử dụng ngôn từ và các thủ pháp nghệ thuật. Đã có hàng vạn câu thơ về mùa thu nhưng thơ Bích Khê trong bài Tỳ bà vẫn ánh lên vẻ đẹp mới lạ:

  Ô! hay! buồn vương cây ngô đồng

  Vàng rơi! vàng rơi: thu mênh mông.

Sứ mệnh của thơ là sáng tạo cái mới. Thơ không chỉ bỏ qua cái non yếu, cái lạc hậu mà còn bỏ qua cả cái đẹp, cái hay đã quen thuộc. Những người làm thơ đều hiểu lao động sáng tạo căng thẳng như thế nào để tránh sự sáo mòn trong cách cảm, cách nghĩ, cách thể hiện và làm mới ngôn ngữ thơ. Trong ý thức sáng tạo, nhà thơ chân chính luôn là người đi trước tầm đón nhận của bạn đọc ít nhất “nửa vành bánh xe”. Mỗi tác phẩm thơ chân chính là một phát minh và là một sự nới rộng đường biên thơ. Thơ không chỉ là câu chuyện tri âm, nói những điều ai cũng cảm thấy thế nhưng không viết thành thơ được; nhà thơ là người nói hộ, nói thay những điều đồng điệu ở bạn đọc. Thơ còn khám phá những điều chưa biết, đặc biệt là những vùng mờ, vùng bí ẩn trong thế giới tinh thần của con người như vô thức, tiềm thức, tâm linh. Vì vậy ngôn ngữ thơ có khi không dễ hiểu. Đó là tinh thần sáng tạo của các trường phái thơ theo chủ nghĩa hiện đại mà một thời nhân danh chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không ít người đã ra sức phủ nhận.

Với người làm thơ hồn nhiên, viết là để giải thoát suy tư, cảm xúc. Với bạn đọc bình thường thơ là một thế giới tinh thần để nhập cảm, để tri âm. Nhưng nếu là nhà thơ chuyên nghiệp sẽ phải hiểu thơ còn là một công trình nghệ thuật độc đáo, mới lạ về cách cảm, cách nghĩ, cách thể hiện nghệ thuật ngôn từ. Đối tượng hướng tới của thơ hiện đại phải là bạn đọc hàng đầu. Mỗi bài thơ phải là một tác phẩm nghệ thuật có tính sáng tạo, đem đến cho bạn đọc những điều mới lạ. 

Có thể thực tế sáng tác không theo kịp nhận thức lý luận, nhưng khi đã ngộ ra nguyên lý của thơ là lạ hoá, nhà thơ sẽ không cho phép mình viết những câu thường tình, đơn giản, lặp lại mình, lặp lại người khác. Nguy cơ thường xuyên của thơ là sa vào thường tình, sáo mòn, không gây nên một sự ngạc nhiên thú vị nào. 

1.3. Thơ được sáng tạo theo nguyên lý nhạc tính

Quan niệm thơ đã thay đổi rất nhiều theo thời gian nhưng có một nguyên lý bất di bất dịch: Thơ phải có tính nhạc. Tính nhạc không chỉ phân biệt thơ với các loại hình nghệ thuật ngôn từ khác mà còn làm cho mỗi bài thơ là một sinh thể nghệ thuật. Có thể nói mỗi bài thơ hay thật sự có một cấu trúc nhạc tính riêng.

 Trong thơ cũ, tính nhạc rất khuôn mẫu. Lao động sáng tác của nhà thơ gợi người ta nghĩ đến công việc soạn lời cho các làn điệu dân ca. Trong thơ hiện đại mỗi bài thơ phải có tính nhạc độc đáo. Ở mỗi bài thơ hay ta thấy lời thơ được linh cảm về nhạc của thi sĩ dẫn dắt, nhịp điệu vừa tự do, vừa liên hệ với kết cấu nhạc tính toàn bài, không vi phạm “luật pháp của âm thanh”, cuốn hút người đọc. Thậm chí nhạc có thể đi trước ngữ nghĩa, ta chưa kịp hiểu đã cảm thấy hay như trong thơ tượng trưng. Ví dụ tiêu biểu là tính nhạc của bài thơ Màu thời gian (Đoàn Phú Tứ). Dù không hiểu, hoặc hiểu rất ít, nhưng do nhạc tính độc đáo, bài thơ dễ được bạn đọc đồng tình xem là một trong những tác phẩm hay nhất của phong trào Thơ mới (1932 – 1945).

Một số bài thơ hiện đại có thể cảm thấy hay mà không cần sự hiểu. Nhưng để cảm được, bài thơ phải có tính nhạc độc đáo. Có một nguyên lý ai cũng biết là nội dung nào, hình thức ấy. Mỗi bài thơ phải có một nhạc điệu riêng, không lặp lại. Hình thức thơ tự do không vần là rất thích hợp với việc tạo nên tính nhạc độc đáo của từng bài thơ. Theo thống kê của chúng tôi “trong 1144 bài thơ của tuyển tập Thơ Việt Nam 1975-2000 (Nxb Hội Nhà văn, 2001) có 645 bài (56%) được viết theo thể thơ tự do” [1, tr.185].

    Để tạo nhạc tính đặc biệt, một số nhà thơ đã mô phỏng âm thanh các hiện tượng đời sống bằng yếu tố ngữ âm. Trong bài Noel II Dương Tường đã mô phỏng âm thanh tiếng chuông đêm Noel:

  Em về phố lặng

lòng đổ chuông

llềnh llềnh nước

lli

          lluang

        lloang llưng

  lliêng llinh lluông lluông buông boong

    Bài thơ có thể gây ấn tượng cầu kì, nhưng là một thể nghiệm đáng được quan tâm.

    Một số người lại cho rằng thơ hiện đại không phải để ngâm mà là để đọc, nhạc điệu thơ không còn mấy ý nghĩa. Họ làm thơ mà không quan tâm đến tính nhạc. Lời đã khó hiểu, tính nhạc lại không có thì lấy gì để truyền cảm?. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho thơ tự đánh mất độc giả.

1.4. Thơ sử dụng tối ưu các thủ pháp nghệ thuật

Thơ là một giá trị tổng hợp, nhưng trước hết là nghệ thuật ngôn từ. Vì vậy các thủ pháp nghệ thuật có một vai trò rất quan trọng đối với thơ. Trường phái Hình thức Nga có phần cực đoan khi cho nghệ thuật như là thủ pháp nhưng luận điểm ấy có tác dụng nhấn mạnh bản chất nghệ thuật của thơ. Chất thơ thể hiện không chỉ ở nội dung trữ tình mà còn ở chỗ nhà nghệ sĩ ngôn từ đã sáng tạo bằng các thủ pháp nào.

Trên con đường phát triển thơ vừa tích luỹ các thủ pháp nghệ thuật truyền thống, vừa không ngừng sáng tạo các thủ pháp mới. Với phong trào Thơ mới (1932-1945) ngoài những thủ pháp nghệ thuật thơ truyền thống như nhân hóa, so sánh, ẩn dụ… thơ Việt Nam đã sáng tạo thêm các thủ pháp mới như: Miêu tả khách thể thẩm mỹ một cách cụ thể, cảm tính (thơ “tả chân”), phức hợp (tương hợp) cảm giác, đặt cạnh nhau những từ xa nhau về ngữ nghĩa…

 Tất cả kinh nghiệm sáng tạo thi ca cổ, kim, đông, tây… đều có ích nhưng điều quan trọng là nhà thơ phải sáng tạo nên những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ, mang dấu ấn phong cách riêng. Tư duy thơ tương hợp gắn với tên tuổi của nhà thơ tượng trưng Pháp Ch. Baudelaire. Hình thơ bậc thang gắn với Nhà thơ Xô viêt V. Mayacovsky…

Các nhà Hình thức luận Nga đã vượt qua cách hiểu văn học gồm hai mặt nội dung và hình thức. Họ đưa ra cặp phạm trù chất liệu  thủ pháp nghệ thuật, đồng thời quan niệm nghệ thuật như là thủ pháp. Cách hiểu này mở ra những chân trời tự do cho sáng tạo thơ.

Điều cuối cùng cần nói trong định nghĩa về thơ của chúng tôi là: Thơ “nhằm truyền đến người đọc những thông điệp trữ tình mới trong một giá trị thẩm mỹ độc đáo”.

Trong thời kỳ hiện đại đã có những trường phái thơ ra sức triệt tiêu ý nghĩa xã hội, chức năng giao tiếp của thơ. Sẽ sa vào cực đoan khi xem thơ là lĩnh vực của hình thức thuần tuý, khép kín.  Thơ không thể vô nghĩa lý, không có một thông điệp gì đến người nghe, người đọc. Thông điệp ấy có thể là một cảm xúc, một tâm trạng, một suy nghĩ có tính triết luận, chính luận về cuộc sống và con người có chất thơ. Thông điệp ấy có thể là một kinh nghiệm thẩm mỹ về cuộc sống, con người và về bản thân ngôn ngữ. Vấn đề là những thông điệp ấy phải thực sự mới mẻ. Bài thơ dân gian Con cóc là biếm họa điển hình cho loại thơ dở, không có thông điệp gì đáng nói.

Vấn đề cần nhấn mạnh là những thông điệp trữ tình mới mẻ ấy phải đến với người đọc trong một giá trị thẩm mỹ độc đáo. Thơ cần mới và hay. Mục đích sáng tác của nhà thơ suy cho cùng là tạo ra những giá trị thẩm mỹ độc đáo. Người đọc tìm đến thơ cũng là để thưởng thức các giá trị ấy. Mới lạ trong thơ là để hay chứ không phải để mới lạ như một mục đích tự thân. Nhiều người làm thơ hiện nay đang chạy theo cái lạ mà chưa vươn tới được cái hay. Điều khó hơn nữa của thơ là phải hay theo một cách riêng, độc đáo không lặp lại.

2. Mấy vấn đề thi pháp thể loại thơ

2.1. Tứ thơ

Về tứ thơ đã có một số tác giả bàn đến trong các công trình nghiên cứu, các bài báo bàn về thơ (Xuân Diệu, Mã Giang Lân, Hà Minh Đức, Bùi Công Hùng, Nguyễn Viết Lãm, Quách Tấn, Phan Huy Dũng…).

Thơ hay do nhiều yếu tố. Có những bài thơ không có tứ rõ rệt vẫn là thơ hay (Ví dụ bài: Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh. Cả bài thơ là một dòng chảy trữ tình tha thiết. Khi nói hết thì bài thơ kết thúc. Tứ thơ không rõ rệt, chỉ là sự đối lập giản đơn quá khứ và hiện tại). Nhưng nhìn chung những bài thơ hay thường có tứ thơ độc đáo, dễ nhớ.

Các nhà nghiên cứu rất chú ý đến vai trò của tứ thơ. Côleritgiơ định nghĩa: “Bài thơ là những ngôn từ sáng giá đứng trong một trật tự hoàn hảo”. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc cho rằng: “Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này”. (Thực ra phải thay hết sức quái đản bằng độc đáo. Thơ sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Hết sức quái đản thì đã ra ngoài địa hạt thơ). Ta đọc ra sự nhấn mạnh của nhà nghiên cứu vào khía cạnh tứ thơ.

Có thể xác định: Tứ thơ là cách thức liên kết, cấu trúc mạch vận động, phát triển của ý thơ, của cảm xúc, suy tưởng và thu hút mọi yếu tố cấu thành của bài thơ nhằm tập trung thể hiện có hiệu quả nhất chủ đề trữ tình. Nói ngắn gọn tứ thơ là cách cấu trúc văn bản ngôn từ thơ. Nếu ý thơ (những cảm xúc, suy tưởng) được ví như vật liệu xây dựng thì tứ thơ là dạng kết cấu công trình kiến trúc thơ.

Chủ đề có thể là một nhưng sẽ có nhiều bài thơ khác nhau do cách lập tứ khác nhau. Mỗi bài thơ chỉ có một tứ thơ. Có người nhầm tứ thơ với ý lớn (chủ đề) của bài thơ. Có người cho rằng trong một bài thơ có thể có nhiều tứ thơ… chứng tỏ không hiểu tứ thơ là gì.

Nếu hiểu thơ là một thong điệp nghệ thuật thì nhà thơ phải đầu thai thông điệp ấy trong một tứ thơ độc đáo, thú vị, thể hiện rõ tài năng sáng tạo của mình. Vì vậy tứ thơ liên quan trực tiếp đến hiệu quả thẩm mỹ của bài thơ. Nếu chủ đề trữ tình là nói cái gì? thì tứ thơ là nói bằng cách nào?. Chính nói bằng cách nào? làm nên chất thơ độc đáo của một văn bản nghệ thuật ngôn từ.

Tứ thơ là một khái niệm vận động, có khởi đầu, có phát triển và kết thúc. Trong đó kết thúc có vai trò quan trọng. Kết thúc nâng bài thơ lên một tầng cao mới về ý nghĩa khái quát, về hiệu quả thẩm mỹ. Ví dụ hai câu kết của bài thơ Tiếng bom ở Seng Phan (Phạm Tiến Duật):

Tôi ở xa Seng Phan

Nghe bom dội đêm ngày

Âm i tiếng tàu bay

Dội vào trong trí nhớ

 

Tôi đến gần Seng Phan

Nghe cây ầm ầm đổ

Cốc chén chẳng nằm yên

Lung lay cả ngọn đèn

Tiếng bom như tiếng thú

 

Tôi đứng giữa Seng Phan

Cao hơn tiếng bom là khe đá, tiếng đàn

Là tiếng mìn công binh phá đá

Là tiếng điếu cày rít lên thong thả

Tiếng oai nghiêm xe rú máy bên đường

Thế đấy, giữa chiến trường

Nghe tiếng bom rất nhỏ.

Tứ thơ được hình thành do tài năng sáng tạo của nhà thơ. Nhiều bài thơ ta có thể quên lời nhưng không thể quên cái tứ độc đáo của nó.

Mặc dù vậy có tứ thơ hay chưa đủ. Tứ thơ còn phải hoà quyện với tình ý, hình ảnh và càng kín đáo càng tốt. Bàn về thơ, Lê Quý Đôn có lời khuyên: “Mạch kị thẳng, ý kị lộ”. Đây là một ý kiến rất tinh tế. Nếu không có tứ, bài thơ sa vào tản mạn, ngược lại có tứ mà không được bồi đắp bằng ngôn ngữ hình tượng sinh động thơ sẽ khô khan.

Tứ thơ cần tự nhiên tránh gò ép. Bài thơ Mặt quê hương của Tế Hanh có tứ nhưng vẫn còn gây cảm giác bị gò ép vào một cái khung có sẵn là so sánh tương đồng:

Mặt em như tấm gương

Anh nhìn thấy quê hương

 

Kìa đôi mắt, đôi mắt

Dòng sông yêu trong vắt

Kìa vầng trán thanh thanh

Khoảng trời xưa trong lành

Miệng em cười tươi thắm

Như vườn xanh nắng ấm

Hơi thở em chan hoà

Như không khí quê ta

Ôi chín năm nhớ thương

Mặt em là quê hương.

Tứ thơ vận động nhờ liên tưởng. Liên tưởng là những mạch ngầm nối liền các chi tiết, hình ảnh, ý thơ thành một sinh thể thống nhất trong quá trình vận động của tứ thơ. Liên tưởng tự nhiên, phóng khoáng thơ sẽ hay. Liên tưởng gò ép, rời rạc bài thơ sẽ không thành một sinh thể nghệ thuật.

Một số dạng cấu trúc tứ thơ

Tứ thơ vô cùng phong phú, đa dạng do yêu cầu về tính độc đáo của thơ. Mỗi bài phải có một tứ thơ không lặp lại ở đâu cả. Tuy nhiên trong thực tiễn sáng tạo thơ ta thường gặp một số dạng tứ thơ chính sau đây.

Cấu trúc tứ thơ dạng qui nạp (từ cụ thể đến khái quát)

Ở những bài thơ có mục đích thuyết phục người đọc một tư tưởng nào đó, tác giả thường lập tứ vận động từ cụ thể đến khái quát. Bài thơ Tiếng bom ở Seng Phan (Phạm Tiến Duật) đã dẫn ở trên là một thí dụ tiêu biểu. Bài thơ Tấm ảnh (Tố Hữu) có thể xem là một thí dụ tiêu biểu khác:

Cô du kích nhỏ dương cao súng

Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu.

Ra thế! To gan hơn béo bụng

Anh hùng đâu phải cứ mày râu.

Ở những bài thơ có tứ vận động từ cụ thể đến khái quát kết thúc thường là những triết lý về cuộc sống và con người.

Cấu trúc tứ thơ dạng diễn dịch (từ khái quát đến cụ thể)

Có thể so sánh loại tứ thơ này với thao tác diễn dịch trong logíc. Nhà thơ đưa ra một triết lý về đời sống rồi diễn dịch bằng nhiều luận điểm. Tiêu biểu là bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng (Chế Lan Viên):

Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

Chưa đâu ngay cả những khi đất nước mình đẹp nhất

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn

 

Những ngày ta sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả

Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn

Trái cây rơi vào áo người ngắm quả

Đường nhân loại đi qua những bóng lá xanh rờn

Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ

Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn.

Cấu trúc tứ thơ dạng đối lập

 Đối lập là thao tác tư duy quen thuộc của con người. Tứ thơ đối lập có tác dụng làm nổi bật chủ đề trữ tình của bài thơ. Ví dụ bài thơ Hai câu hỏi (Chế Lan Viên):

Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình

Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt

Ta vì ai? Sẽ xoay chiều ngọn bấc

Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.

Tứ thơ dạng đối lập được các nhà thơ sử dụng khá phổ biến. Tứ thơ bài Từ cánh cổng - hố bom của tôi đã được cấu trúc theo dạng đối lập:

Như tôi có lời chào

Căn nhà tôi có cổng.

 

Thuở nhỏ mẹ đi vắng

Khi nhập nhoạng tối trời

Nơi đây chờ ngóng mẹ

Tôi khóc cùng em tôi.

 

Lũ bạn rủ đi học

Cắp sách đứng đây chờ.

Có lần nghe tiếng gọi

Bỏ nửa chừng cơm trưa.

 

Nơi đây tiễn bạn gái

Nhìn nhau không muốn rời

Lời yêu em muốn nói

Trăng ngập ngừng như tôi.

 

Nơi bậc đá nhẵn trơn

Những dấu chân tần tảo.

Dặn con cài khuy áo

Mẹ đi vào rạng đông.

 

Nơi chiều chiều tôi đứng

Mướt mát xanh lúa đồng.

Đôi cánh cò trắng muốt

Đo trời xanh mênh mông.

 

Giờ cánh cổng thân thương

Chỉ còn trong kỷ niệm.

Những mảnh gỗ nát tươm

Quanh hố bom sâu hoắm.

 

Tiễn tôi nơi mẹ đứng

Những cột nhà cháy đen.

Vai em mười bảy tuổi

Mũi súng trường mọc lên.

 

Đường đi học đi làm

Từ bình minh cánh cổng.

Đường tôi ra mặt trận

Bắt đầu từ hố bom…

        1970-1980

Cấu trúc tứ thơ dạng tương đồng

So sánh tương đồng là một thao tác tư duy thường xuyên của con người. Só sánh làm nổi bật đối tượng nhận thức. Tứ thơ dạng tương đồng có tác dụng làm nổi bật chủ đề trữ tình. Ví dụ như bài thơ Không đề trong dân ca Triều Tiên:

Khi trên khung cửi chỉ đứt

Cần mẫn em ngồi

Dùng răng dùng môi

Hai đầu nối lại

Khi đứt chỉ tình yêu, ơi cô gái

Em cũng nên làm như thế đừng quên.

Cấu trúc tứ thơ dạng ý tại ngôn ngoại

Đây là loại tứ thơ đặc biệt tinh tế. Với loại tứ thơ này độc giả phải nhận ra nghĩa bóng của bài thơ. Điều đó kích thích tính đồng sáng tạo của người đọc làm nên nét thú vị riêng. Ví dụ bài thơ Người mù của Vaxili Fêđôrôp (Nga):

Không nhìn thấy những người đi trước mình

Không bị ghế của vườn hoa quyến rũ

Một người mù đi trên đường phố

Dò dò từng bước bằng chiếc gậy con

 

Người ta xô lấn anh, qua mặt, dành đường

Anh bị lấn giữa vội vàng chen chúc

Có thể quát to lên với những người có mắt:

-Hãy biết thương tình, chớ lấn chen

 

Nhưng không tôi nghe rõ tiếng anh

Nhỏ nhẹ giữa ồn ào phố xá:

-Hãy cứ lấn chen, chẳng hề gì cả

Để tôi biết cạnh tôi đang có mọi người.

(Phạm Quốc Ca dịch)

Trong thơ cổ Việt Nam, bài Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương thuộc loại tứ thơ này:

Thân em vừa trắng lai vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dù tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Cấu trúc tứ thơ dạng song song

Các khổ thơ được trình bày song song với nhau trong đó có một thành phần điệp ngữ. Tính lặp lại có quy luật làm nên cấu trúc độc đáo của bài thơ. Có thể kể tên một số bài thơ thuộc dạng này như: Mùa lá rụng (Olga Bergholts- Nga), Những cặp mắt đen (Cupala- Belaruxia). Ví dụ bài thơ Nhớ (Phạm Quốc Ca):

Sao cứ nhớ những phương trời chưa đến?

Xứ lạ quê người thấp thoáng trong mơ

Biển rộng trước ngực trần đón gió

Cánh buồm xa phấp phới như cờ

 

Sao cứ nhớ những người chưa gặp?

Đâu đó chờ ta nồngnhiệt, ân tình

Đâu đó chờ ta dịu dàng, đằm thắm

Tình yêu bè bạn, anh em.

 

Sao như kẻ suốt đời không yên ổn?

Chốn quen thân- sách cũ đọc rồi

Ta ở nơi này, hồn nẻo khác

Nhớ những ngày chưa sống khôn nguôi

 

Còn rất nhiều kiểu tứ thơ độc đáo, giàu tính sáng tạo khác cần phải được tiếp tục tìm hiểu. Ví dụ trong thơ hiện đại còn có những bài thơ được cấu trúc theo tính nhạc (tiêu biểu là bài Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ ). Việc nhận diện các dạng tứ thơ rất có ích cho người sáng tác lẫn nghiên cứu.

2.2. Ngôn ngữ thơ

Ngôn ngữ thơ có đặc trưng riêng: Đó là ngôn ngữ có tính song trùng, vừa là phương tiện, vừa là mục đích. Các nhà hình thức luận Nga cho rằng: “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh”… “Thơ là phát ngôn nhắm vào cách phát biểu” (R.Jacobson).Thơ hay do nhiều nguyên nhân nhưng thể hiện rõ nhất ở tài năng sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ. Nó là kết tinh của lao động sáng tạo:

Phải phí tốn ngàn cân quặng chữ

Để thu về một chữ mà thôi

Nhưng chữ ấy làm cho rung động

Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài

(Maiakovski)

Đỗ Phủ có một châm ngôn mà mọi người làm thơ đều tâm đắc: “Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu” (Lời thơ chưa làm cho người đọc kinh ngạc, thán phục, đến chết chưa thôi lao động sáng tạo).

Tựu trung ngôn ngữ thơ có một số đặc điểm chính sau đây:

2.2.1. Tính hàm súc

Hàm súc là súc tích, hàm chứa. Ngôn ngữ thơ phải thật cô đọng, ít lời mà nói được nhiều ý, ý ở ngoài lời, gợi nhiều liên tưởng. Có thể ví công việc làm thơ với việc giải một bài toán tối ưu sao cho ít lời mà giá trị biểu hiện được nhiều nhất. Thơ Trung đại phương Đông là mẫu mực cho tính chất hàm súc. Các thể thơ haikư 17 âm tiết, tanka 31 âm tiết (Nhật Bản), tứ tuyệt 20 hoặc 28 âm tiết (Trung Hoa), Ả Rập, Ba Tư cũng có thơ 4 câu. Đó là thể thơ rubai. Thể thơ sijo của Triều Tiên chỉ 3 câu. Thơ dân gian Việt Nam có khi chỉ 2 câu: “Ai về Giồng Dứa qua truông/ Gió đưa bông sậy bỏ buồn cho em”. Nhà thơ Dương Tường từng viết bài thơ một câu: “Tôi đứng về phe nước mắt”. Đó là những thí dụ tiêu biểu cho tính hàm súc của thơ. Thơ hiện đại đã giải phóng cho nhà thơ khỏi những ràng buộc quá chặt chẽ về câu chữ niêm luật nhưng mặt trái của nó là dễ sa vào dàn trải, thiếu chắt lọc. Có người nhận xét rằng trong một số bài thơ của Lưu Trọng Lư thời kỳ Thơ mới 1932-1945 có thể bỏ đi một số khổ thơ mà cũng không ảnh hưởng gì.

Các nhà thơ rất chú ý đến tính hàm ngôn của lời thơ. Lê Đạt đã viết:

Thu nở bầy chim mây vỡ tổ.

Câu thơ này có thể đọc với nhiều phương án ngắt nhịp khác nhau và cho ta những cách hiểu khác nhau.

2.2.2. Tính đa nghĩa

Tính đa nghĩa của thơ không chỉ do yếu tố chủ quan của người tiếp nhận theo nguyên lý: Tác phẩm văn học = văn bản + người đọc. Tính đa nghĩa còn do đặc trưng của ngôn ngữ thơ. Quan điểm của nhà thơ càng kín đáo bao nhiêu càng có lợi cho tác phẩm nghệ thuật bấy nhiêu. Đặc trưng của tư tưởng nghệ thuật là toát ra từ hình tượng, tình huống, chi tiết. Chúng kích thích, khêu gợi người đọc để họ tự rút ra một tư tưởng nào đó. Tính mơ hồ, đa nghĩa của ngôn ngữ văn học tạo điều kiện cho người đọc đồng sáng tạo. Tạ Trăn (đời Minh) từng phát biểu: “Thơ có chỗ có thể giải thích, có chỗ không thể giải thích, có chỗ không cần giải thích như hoa dưới nuớc, trăng trong gương". Một nhà thi học đồng thời là nhà thơ là Vương Sĩ Trinh cũng nói: “Thơ khó ở chỗ không giải thích được thì vô vị, giải thích được thì hết vị”. Các nhà thơ trong nhóm Xuân Thu nhã tập quan niệm: “Thơ không phải lúc nào cũng rõ nghĩa vì nó không chủ động trong địa hạt ý nghĩa; không phải lúc nào cũng sáng sủa vì nó không vụ cái phần sáng sủa của tâm linh, nó giữ phần sâu kín, nó giữ phần sâu sắc”. Tính đa nghĩa không phải là dấu hiệu non kém về nghệ thuật mà phải được xem là đặc trưng của ngôn ngữ thơ. Một số hiện tượng thơ đã phải tốn rất nhiều giấy mực để tìm hiểu như Thề non nước (Tản Đà), Tống biệt hành (Thâm Tâm), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Từ). Ví dụ khổ thơ cuối trong bài Tống biệt hành:

Người đi, ừ  nhỉ, người đi thực

Mẹ thà xem như chiếc lá bay

Chị thà xem như là hạt bụi

Em thà xem như hơi rượu say

Có nhà nghiên cứu hiểu người ra đi xem mẹ như chiếc lá bay, chị như là hạt bụi, em như hơi rượu say. Phải hiểu ngược lại mới đúng, bởi Nguyễn Bính cũng đã từng viết:

Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương

Coi như đồng kẽm ngang đường đánh rơi

2.2.3. Tính biểu cảm

Tính biểu cảm của ngôn ngữ thơ nằm trong bản chất thể loại. Thơ là một hình thức giao tiếp đặc biệt: Từ trái tim đến trái tim. Có nhiều hình thức biểu cảm:

- Biểu cảm trực tiếp (thường đi với thán từ):

Hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm

Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em!

(Xuân Diệu)

- Biểu cảm gián tiếp:

Nhà thơ dùng hình ảnh, hình tượng vẽ nên một bức tranh về đời sống để khơi gợi ở người đọc cảm xúc tương đồng. Gợi ý, gợi cảm là bí quyết của thơ phương Đông:

-Xuân triều, đới vũ vãn lai cấp

Dã độ vô nhân chu tự hoành

(Mưa dịp chiều xuân, trời sập tối

Chiếc đò quạnh vắng tự quay ngang)

(Trừ Châu tây giản- Vi Ứng Vật)

-Đình thụ bất tri nhân khứ tận

Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa

(Cây trước sân không biết người đi hết

Xuân về vẫn nở bấy nhiêu hoa)

(Sơn phòng xuân sự- Sầm Tham)

Nguyễn Bính đã có những câu thơ truyền cảm gián tiếp thật tuyệt bút:

 - Giếng thơi, mưa ngập, nước tràn

Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều

2.2.4. Tính hình tượng

Trong thực tế, có những bài thơ hay mà ngôn ngữ như lời nói thẳng (ví dụ như bài thơ Tôi yêu em của A.Pushkine) nhưng ngôn ngữ thơ thường có tính hình tượng. Đó là khả năng tái hiện những hiện tượng cuộc sống một cách sinh động bằng những bức tranh gợi hình, gợi cảm. Ngôn ngữ có hình tượng là ngôn ngữ giàu hình ảnh, tạo hình, âm thanh, màu sắc, có khả năng gây ấn tượng mạnh mẽ vào trí tưởng tượng và cảm nhận của người đọc. Nổi bật trong thơ là hình tượng thị giác:

- Gió thổi rừng tre phấp phới

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

- Mặt trời bơi trên mặt hồ như một con thiên nga đỏ

(S. Exenin)

- Ôi sông Lô nước xanh

tròng trành mảnh nguyệt

- Bình Ca sương xuống

lạc con đò

(Trần Dần)

- Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

(Kiều – Nguyễn Du)

Hình tượng thị giác phổ biến nhất trong thơ. Trong một số trường hợp nhất định hình tượng thơ có thể trở thành biểu tượng thơ như đầu súng trăng treo (Chính Hữu).

Có thể nói đến hình tượng thính giác trong thơ:

Chập chùng thác Lửa, thác Chông

Thác Dài, thác Khó, thác Ông, thác Bà

Thác, bao nhiêu thác cũng qua

Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời

(Nước non nghìn dặm- Tố Hữu)

2.2.5. Tính mới lạ

Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của ngôn ngữ thơ hiện đại là tính mới lạ.Điều này nằm trong bản chất sáng tạo của thơ. Dưới thời Trung đại, người làm thơ thường mô phỏng tiền nhân. Trong thơ hiện đại tính mới lạ phải trở thành phẩm chất bắt buộc. Xuân Diệu từng tuyên ngôn:

- Lòng rộng quá chẳng chịu khung nào hết

- Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen

Trong giai đoạn Thơ mới 1932-1945 ngôn ngữ thơ ông đầy tính sáng tạo. Có thể dẫn ra một số thí dụ như:

- Trăng rất trăng là trăng của tình duyên

- Chiều goá không em lạnh lẽo sao!

- Này lắng nghe em khúc nhạc thơm

- Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

Từ Thơ mới trở đi, thơ Việt Nam có những kết hợp từ thật mới lạ: xuân không mùa, biển pha lê, đêm thủy tinh, lệ ngân (Xuân Diệu), hương phản trắc (Đinh Hùng), Lẵng xuân/ bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà (Nguyễn Xuân Sanh). Cần lưu ý rằng cái lạ chưa bao hàm cái mới. Đôi khi người ta đã nhầm cái lạ với cái mới, đánh giá cao cả những câu thơ được viết khi tác giả bị bệnh thần kinh:

Một hôm gầu guốc gầm ghì

Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm

Bom ha, đạn hả bao gồm

Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen

(Bùi Giáng)

2.2.6. Tính nhạc

Tính nhạc làm cho bài thơ trở thành một sinh thể nghệ thuật đồng thời làm nên tính độc đáo của ngôn ngữ thơ.Tính nhạc của ngôn ngữ thơ đã được ý thức từ xa xưa nhưng đó là thứ nhạc khuôn mẫu trong các thể thơ đã được luật hóa. Vào thời kỳ hiện đại, các nhà thơ lãng mạn và đặc biệt là các nhà thơ tượng trưng đã hết sức đề cao nhạc tính. P.Verlaine cho rằng trong thơ “nhạc đi trước mọi sự”. Nguyên lý thơ E.Poe cho rằng: “Trong sự kết hợp thơ với nhạc, trong ý nghĩa phổ biến, chúng ta có thể tìm thấy phạm vi rộng rãi nhất cho sự phát triển của thơ”. Bài thơ Những tiếng chuông (The bells) của ông rất độc đáo về tính nhạc:

Hear the sledges with the bell

Silver bells

What a world of meriment their melody foretells!

How they tinkle, tinkle, tinkle,

In the icy air of night!

While the star that oversprinkle

All the heavens seem to twinkle

With a crystalline delight…

(Vọng lại tiếng những chiếc xe trượt tuyết và những tiếng chuông/ Những tiếng chuông bạc/ Giai điệu của chuông báo tin một thế giới hân hoan/ Những tiếng kêu leng keng không dứt trong màn đêm lạnh giá/ Trong khi cả bầu trời sao chi chít lấp lánh niềm vui pha lê…)

Theo E.Poe, “làm thơ là sáng tạo nhịp điệu của cái đẹp”. Trong thơ Việt Nam không ít thí dụ về những câu thơ có tính nhạc độc đáo:

- Đùng đùng gió dục mây vần

 Một xe trong cõi hồng trần như bay

(Kiều – Nguyễn Du)

- Tài cao phận thấp chí khí uất

(Tản Đà)

- Sương nương theo trang ngừng lưng trời

  Tương tư nâng lòng lên chơi vơi

(Xuân Diệu)

Cần lưu ý rằng làm nên tính nhạc của thơ không chỉ do vần mà còn do nhịp và thanh điệu. Không hiểu điều này, trong cuộc tranh luận nghệ thuật ở Việt Bắc năm 1949 nhiều người đã phê phán bất công các bài thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi. Thực ra phải ghi nhận đây là một nỗ lực hiện đại hóa thơ.

2.3.Các thủ pháp nghệ thuật

Thơ là loại hình nghệ thuật ngôn từ. Các thủ pháp nghệ thuật có vai trò vô cùng quan trọng trong sáng tạo thi ca. Đó là các cách sử dụng ngôn ngữ có nghệ thuật nhằm gây hiệu quả thẩm mỹ. Thơ là chức năng thẩm mỹ của ngôn từ. Sau đây là một số thủ pháp nghệ thuật tiêu biểu.

2.3.1. So sánh

So sánh là phương thức diễn đạt tu từ khi đem  hiện tượng, sự vật này đối chiếu với sự vật, hiện tượng khác trên cơ sở một nét tương đồng nào đó để tạo cảm xúc thẩm mỹ. Có nhiều cách so sánh trong thơ:

- So sánh cái trừu tượng với cái cụ thể:

-Sáng hôm nay hồn em như tủ áo

Ý trong veo là lượt xếp từng đôi

(Huy Cận)

- Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

(Xuân Diệu)

- Lòng anh như dã quỳ đến hẹn

Vàng rực mùa hoa chờ em

(Hoa chờ em - Phạm Quốc Ca)

- So sánh cái cụ thể với cái trừu tượng:

- Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa

(Tế Hanh)

- Chiều xanh như nỗi nhớ nhà

(Nguyễn Duy)

- Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

(Tế Hanh)

- Hải Vân cao như chất bằng gian nan.

(Hát trên đèo Hải Vân- Phạm Quốc Ca)

- Mây trắng mỏng như một thoáng mơ màng

(Mùa xuân ở chốt- Phạm Quốc Ca)

- So sánh cái cụ thể với cái cụ thể:

- Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.

(Trần Đăng Khoa)

- Tiếng suối trong như tiếng hát xa.

(Hồ Chí Minh)

- Thương mầm giống cựa mình trong cát bỏng

Tát nước lên đồng như cho trẻ uống.

(Phạm Quốc Ca)

- So sánh xa:

- Em như con hạc đầu đình

Muốn bay không cất nổi mình mà bay

(Ca dao)

- Tôi là con nai bị chiều đánh lưới

Không biết đi đâu đứng sầu  bóng tối

(Xuân Diệu)

- So sánh mở rộng:

- Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng  hai chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa

(Chế Lan Viên)

Trong thực tế thủ pháp so sánh được các nhà thơ sử dụng rất biến hoá:

- Có thể bớt cơ sở so sánh:

Em đi (buồn vắng) như chiều đi

Gọi chim vườn bay hết

(Chế Lan Viên)

- Đảo ngược trật tự so sánh:

Như tôi có lời chào

Căn nhà tôi có cổng

(Phạm Quốc Ca)

- Bớt từ so sánh:

- Bố

Mặt trời nóng nực và ồn ã

Con muốn gần lại sợ tan ra

 

Mẹ

Mặt trăng xa

Con ngần ngại cận kề

 

Con

Vì sao lạc giữa

Lớn lên và sáng bằng nước mắt

(Những đối lập- Vi Thuỳ Linh)

- So sánh hơn- kém:

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn

(Tố Hữu)

- Thêm bao nhiêu… bấy nhiêu:

Lòng em như chiếc lá khoai

Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu

(Nguyễn Bính)

2.3.2. Ẩn dụ

Ẩn dụ là phương thức chuyển nghĩa lấy sự vật, hiện tượng này thay cho sự vật hiện tượng khác khi hai sự vật, hiện tượng có một nét tương đồng. Ẩn dụ thực chất là so sánh ngầm trong đó cái so sánh ẩn đi, chỉ còn cái được so sánh. Ví dụ:

- Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu về đâu

(Xuân Quỳnh)

Nhiều bài thơ sử dụng thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ nổi tiếng như: Bình vỡ (Prudhomme), Chim hải âu (Baudelaire), Chiều mùa gieo hạt (V. Hugo)…

2.3.3. Hoán dụ

Hoán dụ là thủ pháp dùng một sự vật, hiện tượng thay thế cho một sự vật, hiện tượng khác hoặc dùng cái bộ phận để thay thế cho cái toàn thể:

-Búa liềm không sợ súng gươm bạo tàn

(Tố Hữu)

-Một tay gây dựng cơ đồ

Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành

(Kiều - Nguyễn Du)

-Dõi mắt phương con ì ầm tiếng nổ

Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom

          (Phạm Quốc Ca)

- Cây rơm ướt bên hàng xoan trụi lá

Con bò gầy rút từng sợi mùa đông.

           (Phạm Quốc Ca)

2.3.4. Nhân hoá

Nhân hoá là thủ pháp gán cho cái trừu tượng hoặc những sinh vật, những vật vô tri những đặc tính của con người:

- Bác giun đào đất suốt ngày

Hôm nay chết ở vườn cây sau nhà

Họ hàng nhà kiến kéo ra

Kiến con đi trước kiến già theo sau

Cầm hương kiến cụ bạc đầu

Khóc than kiến cánh khoác màu áo tang

(Đám ma bác giun- Trần Đăng Khoa)

- Cạnh nhà tôi có ba cây thông

Ba thiếu nữ tóc xanh

Bí ẩn chơi ba cây đàn gió

Những trưa nắng tôi ngồi bên cửa sổ

Du dương điệu nhạc của trời.

(Ba cây thông- Phạm Quốc Ca)

2.3.5. Phóng đại (ngoa dụ, khoa trương, thậm xưng)

Là phương thức cường điệu mức độ, tính chất, đặc điểm nào đó của sự vật, hiện tượng:

- Lỗ mũi mười tám gánh lông

Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho.

(Ca dao)

- Bác ngồi đó lớn mênh mông

Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non.

(Tố Hữu)

2.3.6. Chơi chữ

Là thủ pháp nghệ thuật sử dụng các đặc điểm ngữ âm, ngữ nghĩa tiếng Việt để tạo ấn tượng thẩm mỹ thú vị. Thủ pháp chơi chữ trong thơ vô cùng đa dạng. Sau đây chỉ là mấy ví dụ:

- Túc Vinh  mà để ta mang nhục

(Hồ Chí Minh)

- Vườn nắng mắt gió bay mùa hoa cải

Bóng lá răm ngày Phả Lại đắng cay.

(Lê Đạt)

- Mimoza chiều khép cánh mimôixa.

(Lê Đạt)

- Nước non Ngoạn Mục ngoằn ngèo đèo sương.

(Phạm Quốc Ca)

 

2.3.7. Điệp ngữ, điệp từ

Đây là chỗ thơ khác với văn xuôi. Văn xuôi cần tránh sự trùng lặp. trong khi đó thơ lại sử dụng phép lặp (điệp từ, điệp ngữ) như một thủ pháp nghệ thuật:

Trên cánh đồng hoang thuần một màu.

Trên cánh đồng hoang dài đến nỗi

Tàu chạy mau mà qua rất lâu

Tàu chạy mau tàu chạy rất mau

Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.

(Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu - Tô Thùy Yên)

- Bên xanh biển, bên xanh đồng lúa

Hồn tôi xanh ngày xanh tháng Giêng

(Phạm Quốc Ca)

2.3.8. Tính từ hóa danh từ

    Đây là một thủ pháp nghệ thuật thơ tinh tế và thú vị. Trong nghệ thuật đôi khi điều không thể đã thành có thể. Ai cũng biết danh từ và tính từ có đặc điểm và chức năng khác nhau nhưng nhà thơ có thể dùng danh từ như một tính từ:

-Dừng xe  mà ngỡ ngàng yêu

Nước non Ngoạn Mục ngoằn ngoèo đèo sương

(Lên đèo – Phạm Quốc Ca)

Ngoạn Mục là danh từ riêng, tên một con đèo đã biến thành tính từ chỉ phẩm chất kiến câu thơ rất thú vị.

2.3.9. Động từ hóa tính từ 

Thơ đòi hỏi sự sự sáng tạo, táo bạo trong dùng từ. Động từ hoá tính từ là một cách lạ hoá ngôn ngữ thú vị:

- Mùa đông Nga muôn thủa

Trắng hồn tôi lần đầu

Tuổi bốn mươi rất thực

Tôi lạc miền chiêm bao.

(Tuyết- Phạm Quốc Ca)

2.3.10.          Đảo vị trí từ loại

Trong tiếng Việt từ loại: danh từ, động từ , tính từ, trạng từ... có vị trí nhất định trong câu. Chỉ trong câu văn nghệ thuật và đặc biệt là trong thơ, người nghệ sĩ ngôn từ mới có tự do đảo vị trí từ loại để lạ hoá:

- Pháo dội đinh tai

Căn hầm nhang nháng lửa

Mặt trời lòa đi trong khói đen

(Mùa Xuân ở chốt – Phạm Quốc Ca)

2.3.11.Cụ thể hóa cái trừu tượng

 Thơ gần với những gì mang tính cụ thể, cảm tính. Cụ thể hoá cái trừu tượng là một thủ pháp nghệ thuật có hiệu quả thẩm mỹ cao. Ví dụ những câu thơ sau đây về thời gian:

Những toa vô hình

Con tàu không tiếng

Lặng lẽ trôi về ga cuối không màu

Không vé khứ hồi hai lần tuổi trẻ

Sao cược đời mình vào những không đâu.

 

Bông hồng tôi yêu hôm nào chớm nụ

Đã rụng đỏ bầm những mảnh thời gian

Ngày cứ mỏng dần đi theo bóc lịch

Mây trắng ngang trời

Lại sắp xuân sang.

(Thời gian – Pham Quốc Ca)

Ngoài ra còn có thể nói đến một số thủ pháp nghệ thuật khác như: Tập Kiều, lẩy Kiều, nói giảm, tỉnh lược…Các thủ pháp nghệ thuật thơ không ngừng được sáng tạo và ngày càng hiện đại.

   Đà Lạt, tháng 6 -2018

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Quốc Ca, Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003.

2. Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974.

3. Tố Hữu, Xây dựng một nền văn nghệ lớn, xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội,1973.

4. Đông La, Biên độ của trí tưởng tượng, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1997.

5. Mã Giang Lân, Tìm hiểu thơ, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1997.

6. Phan Ngọc, Thơ là gì?, Tạp chí Văn học, số 1, Hà Nội, 1991.

7. Huỳnh Như Phương, Trường phái hình thức Nga, Nxb Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2007.

8. R.Jacobson, Questions de Poétique, Le Seuil, Paris, 1973.

9. Nguyễn Minh Tấn (Chủ biên), Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1987.

10. Đặng Tiến, Thơ thi pháp & chân dung, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2009.

11. Chế Lan Viên, Bay theo đường dân tộc đang bay, Nxb Văn học Giải phóng, 1976.

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​