Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
YÊU NƯỚC LÀ ĐỘNG LỰC LÀM NÊN Ý CHÍ VÀ TÂM HỒN CỦA “LÃO TƯỚNG - THI NHÂN” HUỲNH VĂN NGHỆ

Th.S Bùi Văn Mạnh - Th.S Lê Văn Cao

Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị/ Bộ Quốc phòng

4.jpg

 1. DẪN NHẬP

Lịch sử cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX ghi nhận Huỳnh Văn Nghệ là một người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, kiên trung, mưu trí, sáng tạo, gan dạ; là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng với nhiều vần thơ yêu nước, có sức lay động, cổ vũ, động viên mạnh mẽ quần chúng nhân dân, đi vào lòng đồng bào và chiến sĩ, nhất là đồng bào, chiến sĩ miền Nam những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người đã là động lực chính giúp ông vượt qua bao khó khăn, thử thách, làm nên tài trí của một “lão tướng”, thăng hoa thành một “thi nhân”.

2. NỘI DUNG

Huỳnh Văn Nghệ, tên thường gọi là Tám Nghệ (1914 - 1977), bí danh Hoàng Hồ, sinh tại làng Tân Tịch, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Sinh thời, sự nghiệp của Huỳnh Văn Nghệ gắn liền với tên tuổi các nhà cách mạng nổi tiếng của đất nước, như Trần Văn Giàu, Nguyễn Bình, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Giỏi, Dương Bạch Mai, Dương Quốc Chính, Nguyễn Văn Trí… cùng với những địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc như Khu 7, chiến khu Đ... Ông là người văn võ song toàn, vì những công lao to lớn trong những năm tháng phục vụ cách mạng, và với những đóng góp trên lĩnh vực thơ, văn, Đảng, Nhà nước truy tặng ông danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (4/2010), truy tặng giải thưởng văn học Nhà nước (2007)… Nhân dân kính trọng ông, ca tụng và vinh danh ông là “võ tướng, thi nhân”.

Người đời xưa yêu mến, kính nể tài năng của ông, theo ông, ủng hộ ông trên con đường chính nghĩa, còn ngày nay họ khâm phục tài trí và tâm hồn ông bằng nhiều cách khác nhau, trong đó đã và đang tiếp tục đi sâu nghiên cứu về ông, người ta tự vấn: cái gì đã thôi thúc ông, đã chi phối suy nghĩa và cách hành xử của ông, cái gì đã làm nên tên tuổi và sự nghiệp Huỳnh Văn Nghệ - một “võ tướng, thi nhân”?. Không ít những câu trả lời đã được đưa ra, và hầu hết cho rằng: ngoài “thời thế, thế thời phải thế”, ngoài những tố chất thiên bẩm, thì từ sâu thẳm căn nguyên, cái chung nhất thôi thúc con người ông chính là lòng yêu nước, thương dân. Nói cách khác, yêu nước là động lực làm nên ý chí và tâm hồn của ông: “võ tướng - thi nhân” Huỳnh Văn Nghệ.

Thật vậy, ở Huỳnh Văn Nghệ, lòng yêu nước hun đúc trong con người ông xuất phát từ chính tình yêu quê hương. Mảnh đất Biên Hòa xưa vốn bình yên tươi đẹp, nhưng dưới gót giày đội quân xâm lược và bọn quan lại, cường hào tham lam thì đầu rơi, máu chảy, nhà cửa hoang tàn. Chúng ra sức áp bức, bóc lột dân lành, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Vậy nên, ông luôn căm ghét giặc Pháp xâm lược, sự căm ghét đó, cộng với tình yêu quê hương, thương người dân lao động đã nhem nhóm trong ông lòng căm thù sâu sắc, đã thôi thúc ông đứng lên, chống lại bọn quan lại, cường hào, đứng về nhân dân, bảo vệ dân cày. Đây được xem là cơ sở, là cội nguồn và là căn nguyên đưa làm nên cốt cách, tư chất, ý chí con người Huỳnh Văn Nghệ. 

Cũng như bao thanh niên yêu nước Việt Nam, Huỳnh Văn Nghệ mong muốn, khát khao đứng lên,không sợ hy sinh, gian khổ, nguyện góp sức cứu nước, giải phóng quê hương, cứu dân khỏi cảnh lầm than, nô lệ. Và Ông cũng nhận thức được rằng, để làm được điều đó cần có sự đoàn kết, hợp sức của nhiều người, cần có một tổ chức cách mạng, với đường lối cứu nước đúng đắn, đủ uy tín lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh… Mong ước đó, tình yêu đó đã đưa ông đến với Đảng cộng sản như một điểm hẹn có tính tất yếu. Đặc biệt, với sự chủ động, tích cực tìm đến và cơ duyên được gặp những người Đảng viên Cộng sản, được nghe tuyên truyền về Đảng Cộng sản Đông Dương, được Đảng giác ngộ, tham gia vào các hoạt động do Đảng lãnh đạo… Huỳnh Văn Nghệ đã tin tưởng và đi theo. Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời, sự nghiệp của ông, đưa ông đi đúng hướng, sau trở thành người đảng viên, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời đấu tranh không mệt mỏi cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Yêu nước tạo ra động lực giúp ông vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đấu tranh kiên cường, mưu trí, gan dạ: sau khi tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (1940) nhưng thất bại, giặc Pháp thực hiện chính sách đàn áp những người Cộng sản hết sức tàn bạo, ông khi ấy với vai trò là giao liên cho một tổ chức cộng sản cũng thuộc nhóm những người bị sự săn lung gắt gao, năm 1942 Huỳnh Văn Nghệ  phải trốn sang Thái Lan. Ở đây với rất nhiều khó khăn… nhưng với  tình yêu nước, yêu quê hương tha thiết đã tạo ở ông một sức mạnh lớn lao, ông đã không sờn lòng, nhụt chí, kém nhuệ khí, mà đã chủ động tổ chức lại lực lượng, tập hợp kiều bào, sản xuất tờ báo “Hồn cố hương”, kêu gọi tinh thần hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng.

Khó khăn, gian khổ không sờn lòng, ở hải ngoại Huỳnh Văn Nghệ luôn hướng về quê hương với tình yêu son sắc, thủy chung. Đến năm 1944, Huỳnh Văn Nghệ bí mật về nước, nhanh chóng bắt được liên lạc với tổ chức, và với sự mưu trí, sáng tạo, sự dũng cảm, kiên cường, Huỳnh Văn Nghệ đã được đồng chí Trần Văn Giàu, khi đó là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ phân công nhiệm vụ hết sức quan trọng: gây dựng căn cứ quân sự cho cách mạng tại Tân Uyên, Biên Hòa. Bao khó khăn thiếu thốn không thể kể hết của những ngày đầu đứng ra thành lập tổ chức, nhưng với sự quyết tâm cao, sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân, Huỳnh Văn Nghệ đã lập được khu nghĩa quân Đất Cuốc nổi tiếng tại Tân Uyên, với vũ khí, trang bị phần lớn là lấy được từ quân Pháp.

Song song với việc thành lập tổ chức vũ trang, đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận quân sự, Ông cùng một số anh em thành lập Đoàn Cựu binh sĩ tiến hành kết hợp đấu tranh chính trị, tư tưởng với quân sự, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền. Trong những ngày diễn ra cách mạng tháng tám, ông đã lãnh đạo Đoàn Cựu binh sĩ tham gia khởi nghĩa, trực tiếp chỉ huy cướp chính quyền ở Biên Hòa. Tự tay ông bắt tên cò Phước, tỉnh trưởng Quý, tòa Nhan ở Biên Hòa, giải phóng cho anh em tù chính trị bị chính quyền bù nhìn Nhật giam giữ. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Huỳnh Văn Nghệ cùng đồng chí Nguyễn Văn Giỏi nhận lệnh của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ, đã bắt sống được Dương Văn Giáo, một tên Việt gian thân Nhật, tự xưng là thủ tướng Chính phủ lâm thời Cộng hòa Việt Nam bù nhìn đầu tiên của giặc sau ngày Nam bộ kháng chiến. Giáo bị xử tử, Chính phủ của Giáo tan rã.

Yêu nước, thương dân, không sợ hy sinh, gian khổ, Huỳnh Văn Nghệ đã luôn gắn bó với đồng bào, đồng chí, đồng đội, tự nguyện vào những nơi gian khổ, nguy hiểm chiến đấu quyết tử với kẻ thù. Vậy nên, khi giặc Pháp lấn chiếm ra các vùng ngoại vi Sài Gòn - Gia Định, mặc dù thuộc diện được rút lui về vùng an toàn, nhưng ông đã tự nguyện ở lại, trực tiếp tham gia chiến đấu chống giặc với nhân dân và bộ đội ở các mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn, ở mặt trận Thị Nghè, ở đường số 1 từ Sài Gòn về Biên Hòa, ở cầu Băng Ky, Bình Lợi, Thủ Đức…, làm chậm bước tiến của giặc về miền Đông Nam bộ. Sau đó, ông đã xin chỉ thị của đồng chí Dương Bạch Mai, Thanh tra chính trị miền Đông, tổ chức đốt tòa bố, sở cò, bưu điện Biên Hòa, thu 23 khẩu súng trường đem về Tân Uyên xây dựng lực lượng. Tại đây, Huỳnh Văn Nghệ xây dựng Bộ đội đầu tiên của tỉnh, lấy tên là Giải phóng quân Biên Hòa, được đồng chí Thanh tra chính trị miền Đông Dương Bạch Mai chỉ định làm  chỉ huy trưởng. Căn cứ Tân Uyên được ông bố trí phòng ngự vững chắc, vận động nuôi ăn cho đơn vị tỉnh và bộ đội các tỉnh bạn về đây theo lệnh của Khu trưởng Nguyễn Bình, bảo vệ Khu bộ, tiếp liệu cho các công binh xưởng của khu. Không bao lâu, Tân Uyên trở thành một trong những căn cứ vững mạnh nhất ở Nam bộ.

Tiếp sau đó, từ năm 1946 đến trước khi ông tập kết ra Bắc (5/1953), học tập và ở lại công tác ngoài Bắc 12 năm, Huỳnh Văn Nghệ đã cống hiến không ngừng nghỉ. Trong lĩnh vực quân sự, ông đã thể hiện khả năng chỉ huy tài tình, bộc lộ thiên hướng của một “lão tướng” có kinh nghiệm trong xông pha trận mạc, như trực tiếp chỉ huy lực lượng tỉnh Biên Hòa tham gia trận phản công lớn nhất đầu tiên của Nam bộ do Khu tổ chức, tấn công vào thị xã Biên Hòa (1/1946); trực tiếp chỉ huy  mặt trận Tân Tịch - lạc An, vừa chỉ đạo việc tiếp tế lương thực, đạn dược cho toàn mặt trận gồm hơn 5.000 người, đánh suốt hai ngày đêm, đẩy lui thủy lục không quân địch, làm chúng không chiếm được Tân Uyên mà phải bỏ lại nhiều xác chết và hai tàu bị ta đánh chìm (2/1946); chỉ huy một trận tiêu diệt một đại đội địch, bắn rơi một máy bay, giết được một tên quan năm không quân Barlier (3/1946); chỉ huy chi đội 10 chiến đấu bảo vệ đồng bào, Khu bộ, các công binh xưởng của Khu, xây dựng các công binh xưởng của tỉnh, phát động chiến công du kích, địch ngụy vận lấy được 10 đồn bót của địch, thu hơn 100 súng; tổ chức đánh các trận Bảo Chánh, Trảng Táo, Bầu Cá, cầu La Ngà và các sở cao su Xuân Lộc (cuối 1946 và năm 1947); chỉ huy đánh trận Đồng Xoài (19/12/1947), đã tiêu diệt 20 xe nhà binh địch chở đầy quân trang quân dụng; chỉ huy trung đoàn chiến đấu, tham gia trận chống càn chiến khu Đ, chống với hơn 5.000 quân địch gồm cả thủy lục không quân phối hợp nhảy dù lần đầu tiên vào căn cứ; tham gia trận La Ngà (3/1948, kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 310) - trận giao thông chiến lớn nhất Nam bộ kể từ ngày giặc Pháp tái chiếm nước ta, tiêu diệt 2 đại đội địch, 63 xe camions và thiết giáp, giết hai tên quan năm De Désarigné và Barasat, bắt sống một số sĩ quan địch, trong đó có tên quan ba Goffrey bị thương, được Bác Hồ khen thưởng Huân chương chiến công hạng II, Huỳnh Văn Nghệ  được Bác Hồ tặng thưởng một chiếc áo trấn thủ…

Tài thao lược trên chiến trường, nhưng trong công tác binh vận, ông cũng thể hiện tài năng chính trị, khi bản lĩnh trước hoàn cảnh hết sức nguy hiểm, một mình đích thân đến căn cứ Bình Xuyên, dùng lý lẽ và tình cảm, thuyết phục được Lê Văn Viễn (tức Bảy Viễn) về Nam bộ dự hội nghị, giúp Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ giải quyết được mâu thuẫn lớn nhất lúc bấy giờ trong nội bộ miền (Tháng 7/948).

Khi Huỳnh Văn Nghệ nhận nhiệm vụ Khu Trưởng Khu 7 (sau 1948), ông đã cùng Chính ủy Khu 7 Nguyễn Văn Trí xây dựng căn cứ mới của Khu, thành lập Bộ đội chỉ lực Khu 7, lấy tên là Bộ đội 303. Năm 1949, khi phát hiện một du kích đánh được tháp canh của địch, nghiên cứu sáng kiến cách đánh tháp canh này của du kích, ông phát triển chiến thuật, và Tham mưu trưởng Khu 7 Nguyễn Văn Lung (Ba Lung) phân công đồng Lê Quang Nghiêm tức họa sĩ Lê Du cùng với hai đồng chí cán bộ tham mưu Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Soái và Hoàng Trọng Đức điều nghiên, vẽ sơ đồ hệ thống tháp canh De La Tour, phục vụ Bộ Tư lệnh tổ chức trận đánh đầu tiên ở Biên Hòa, hạ 30 tháp canh trong một đêm. Kết quả giết được nhiều địch, thu nhiều vũ khí. Sau đó ông đã phổ biến kỹ chiến thuật đánh tháp canh cho khắp các tỉnh ở Nam bộ, Liên khu 5 và Cao Miên, đập tan sáng kiến chiến lược tháp canh De La Tour của Tương De La Tour và giải quyết được sự bế tắt chiến thuật của Khu 7 lúc đó… Cũng trong thời gian Bộ Tư lệnh Nam bộ và các binh công xưởng Nam bộ đóng ở chiến khu Đ, địch tập trung lực lượng tấn công liên tục, Huỳnh Văn Nghệ đều chỉ huy lực lượng của tỉnh chiến đấu có kết quả, bảo vệ an toàn Bộ Tư lệnh Nam bộ…

Như vậy, với những khái quát nêu trên đã cho thấy, yêu nước là dòng máu nóng chảy trong huyết quản người con đất Việt - Huỳnh Văn Nghệ, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời, từ khi còn thiếu thời cho đến khi ông về “với đất mẹ”, trở thành động lực chính, thôi thúc, định hướng, điều chỉnh hành vi, xây dựng, bồi đắp nên ý chí chiến đấu gan dạ, kiên cường, bền bỉ, không sợ hy sinh, gian khổ. Khi lòng yêu nước gặp lý tưởng cách mạng chân chính, trên cơ sở sự giác ngộ ý thức giai cấp cao đã góp phần hình thành ở ông những phẩm chất tốt đẹp nhất của người chiến sĩ cách mạng, người lính Cụ Hồ… Công lao với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất, xây dựng đất nước của ông là vô cùng to lớn, người dân Nam bộ và đồng chí đã tôn vinh ông là “lão tướng”, dù trước khi nghỉ hưu, quân hàm được phong của ông ở cấp tá.

     Yêu nước làm nên “lão tướng” Huỳnh Văn Nghệ, và trong thực tiễn hoạt động cách mạng cũng chứng minh: yêu nước làm nên hồn của “thi nhân” Huỳnh Văn Nghệ.

Trên thực tế, một con người có được sự xuất chúng trên một lĩnh vực cụ thể đã là quý, nhưng ở Huỳnh Văn Nghệ, ông không chỉ xuất chúng trong vai trò là một chỉ huy quân sự tài ba, một “lão tướng” mưu trí, gan dạ, dũng cảm, còn thực sự hơn người với một tâm hồn nhạy cảm, một hồn văn, thơ đậm chất nhân văn, yêu nước. Đồng đội và nhân dân miền Nam gọi ông với cái tên rất thân thương: "Thi tướng rừng xanh", “thi tướng của dân gian”.

Riêng về thơ, hiện có nhiều cách tiếp cận thơ của Huỳnh Văn Nghệ, nhưng chắc chắn một điều là hầu hết độc giả và các nhà nghiên cứu đều thừa nhận: thơ ông không phải tự phát, không phải sáng tác để thỏa mãn cái tôi của kẻ sĩ, mà sự ra đời của các vần thơ luôn xuất phát từ chính lòng yêu nước, thương dân, đồng thời mục đích cũng là quay lại phục vụ sự nghiệp kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng của nhân dân. Vậy nên, thơ ông luôn hướng vào cỗ vũ quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng, để giải phóng quê hương, đất nước…

Tinh thần yêu nước trong thơ ông rất giản dị, rất gần gũi, đầy cảm hứng mà sâu sắc, hồn nhiên mà xúc động, chính yêu nước, yêu quê hương cao độ đã đưa ông lên một tầm mới, khiến tâm hồn ông thăng hoa, cho ra đời gần trăm bài thơ, có nhiều vần thơ đã trở thành bất hủ, được lưu truyền mãi muôn đời, trong đó ai cũng nhớ đến bàithơ Nhớ Bắc của ông, được làm tại Chiến khu Đ năm 1946 với 4 câu đầu được giới nghiên cứu coi là tuyệt bút, có tính lôi cuốn người đọc.

Ai về Bắc ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…[1]

Yêu nước, yêu quê hương nên trên từng trang thơ của ông luôn gắn liền với các địa danh thân thuộc, với những mốc lịch sử thăng trầm của mảnh đất ông yêu thương. Ở một góc độ nhất định, ông chính là người chép sử quê hương, có ai đó đã đúng khi nói rằng: lịch sử hơn 300 năm của mảnh đất Tân Uyên đã được ông ghi lại bằng những vần thơ hết sức cô động:

“Ngày xưa có đoàn người từ miền Bắc

Chán ghét vua quan áp bức

Họ đạp núi rừng vượt sóngbiển khơi

Đi vào Nam làm lại cuộc đời

Tìm đất mới gieo mầm hạnh phúc.

Bao ngày gian khổ

Hàng trăm năm tranh đấu với núi rừng

Mồ hôi, nước mắt, tay sưng

Mới có được góc trời Nam tươi mát

Đồng lúa thơm, vười bưởi đường, cam, mật

Tiếng trẻ thơ cười hát sân trường

Hồi chuông chùa êm gõ sườn non

Mái tranh vàng khói lam chiều quyến luyến

Thuyền dưới bến dập dìu cánh én

Xe trên đường lẻng kẻng nhạc ngựa vang

Ôi! Tân Uyên quê mẹ đẹp vô vàn”[2].

Các tác phẩm của thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ gắn với quê hương, với các địa danh, đi cùng với những thời khắc lịch sử oanh liệt của cuộc kháng chiến, mà chiến khu Đ là nơi được ông nhắc đến nhiều. Qua những bài thơ nóng hổi hơi thở cuộc sống, người đọc bắt gặp những hình ảnh, nhân vật, sự kiện rất thật của đời thực: bà bán cau, đám ma nghèo, cuộc phẫu thuật bằng cưa thợ mộc, một trận chống càn, chiến khu chống bão, mấy mảnh khoai mì và sự hi sinh của anh du kích… Như trong bài: “Chiến khu Đ chống bão”, được Huỳnh Văn Nghệ sáng tác năm 1960 tại Hà Nội, bài thơ có đoạn:

“Rùng rợn giữa đêm mưa 
Tiếng vợ khóc gọi chồng chới với: 
"Con trôi rồi, con trôi theo bè chuối...!" 
Không tiếng trả lời 
Chỉ từ nóc nhà tranh 
Tiếng chó đứng sủa hời. 
Trời sáng rồi, mưa vẫn cứ rơi 
Những nóc nhà trôi 
Những thân cây đổ. 
Suối ngập thành sông, sông tràn thành biển 
Mênh mông sóng vỗ chân trời. 
Thôi hết rồi, hết lúa, hết khoai 
Chiến khu Đồng Nai lại đói. 
Con ngậm củ mài, cha nhơi củ chuối. 
Ứớt mắt chồng nhìn vợ nuốt vỏ khoai 
Đứt ruột mẹ tiếng con thơ đòi bú. 
Voi cũng trôi tận Cù lao Phố 
Mấy con trâu vướng cột cầu Gành. 
Một tượng Phật dời lên nóc đình 
Đành chắp tay nhìn dòng nước lũ. 
Trút cả hũ, còn không đầy nắm muối 
Cho ngày ăn cả đại đội Lam Sơn. 
Ba người chia một vắt cơm. 
Tạm đỡ dạ cả tiểu đoàn chủ lực. 
Chèo chống ngày đêm, lênh đênh trên mặt nước. 
Vớt của, vớt người. 
Thân trần chèo chống dưới mưa. 
Tiếng cười vẫn nô đùa sóng gió. 
Từng manh chiếu, quả dừa, chiếc bừa, bó đũa. 
Vớt lên mang trả lại từng người. 
Đồn Rạch Đông nước ngập sắp trôi 
Lính ngụy lên nóc đồn kêu cầu cứu: 
"Huyện đội Vĩnh Cửu ơi... Vĩnh Cửu, 
Cứu chúng em, ơn trả, nghĩa đền". 
Chiến sĩ ta, cười reo lên 
Nghe lệnh đồng chí chính trị viên: 
"Chèo nhanh lên, cứu chúng nó..." 
Nhưng giặc Pháp muốn thừa cơ trận bão 
Đánh chiến khu, một trận cho tiêu tan 
Dồn sức tấn công, lừa bịp, chiêu hàng. 
Tăng cường truyền đơn và bom pháo. 
Cả chiến khu đêm nay không ngủ 
Tụ năm, tụ ba, 
Bàn tán về tiểu đoàn ba trăm ba: 
"Dù thiếu cơm, dù thiếu áo 
Đánh giặc càng hay, 
Ăn củ mì cũng giỏi 
Thế nào cũng thắng, và... phải thắng!" 

…. ”[3]

Đấy là những “thi liệu” rất sử và những “sử liệu” rất thơ. Có thể nói, Huỳnh Văn Nghệ đã chép sử bằng thơ và làm thơ bằng lịch sử. Trên thực tế, một người nếu không có tình yêu quê hương, đất nước thì không thể có sự xúc động đến độ có những vần thơ hay như vậy, và với cách thể hiện như vậy, chỉ riêng về tư tưởng thôi, chưa cần xem đến việc ông là một “lão tướng”, cũng có thể khẳng định Huỳnh Văn Nghệ là nhà yêu nước lớn.

Chúng ta biết đến Huỳnh Văn Nghệ, một “lão tướng, thi nhân”, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó chưa thỏa đáng, bởi ở ông có bóng hình của một nhà văn. Văn của ông cũng thể hiện rõ tình yêu quê hương của Huỳnh Văn Nghệ với những tác phẩm như “Quê hương rừng thẳm sông dài”, “Những ngày sóng gió”, “Anh Chín Quỳ”, “Mất đồn Mỹ Lộc”, “Tiếng hát trên sông Đồng Nai”, “Trận Mãng Xà”, “Sấu đỏ mũi”, “Chùa Ông Mõ”… Cái đặc sắc trong văn của ông là “khó có thể xếp vào thể loại nào”, và dường như tác giả viết không nhằm để xuất bản, mà chỉ ghi chép lại những điều mình nghe kể, mình nhớ, mình hiểu bằng kí ức của người con trung hiếu luôn nghĩ về quê hương. Nhưng đây là những trang viết quý báu, văn chương giàu hình tượng, sự việc chân thực, phong cách đậm chất Nam Bộ, giúp người đọc hiểu thêm, hiểu rõ về cái nôi gia đình và quê hương rừng thẳm sông dài đã dệt nên tuổi thơ Huỳnh Văn Nghệ, về những ngày sóng gió mà ông đã trải qua, về những con người, vùng đất mà ông từng yêu thương.

Với Huỳnh Văn Nghệ, dường như tác giả là “thư kí trung thành” của dân gian, chép thành văn những chuyện kể truyền khẩu của mẹ, viết thành sử những sự việc đã diễn ra ở quê hương, sưu tập thành tài liệu những điều mình nghe thấy và trải nghiệm. Muốn hiểu về những địa danh Đồng Nai, Gò Đồn, Xóm Đèn, Núi Bà Én, Miếu Bà Cô, Gò Trăm Quân, Chùa Ông Mõ… đọc “Quê hương rừng thẳm sông dài” sẽ được giải thích tường tận về nguồn gốc, ý nghĩa và câu chuyện gắn liền với địa danh ấy. Muốn hiểu tiếng Việt của dân gian Nam Bộ, đọc Huỳnh Văn Nghệ sẽ thấy nhiều phương ngữ “ngộ nghĩnh” khó tìm trong từ điển: “đứng cà rà”, “đòi nợ chèo chẹo”, “rách teng beng”…

Cũng qua trang viết của Huỳnh Văn Nghệ, người đời sau có thể tìm hiểu những tập quán gắn liền với đời sống của cha ông mà đời nay hiếm thấy: đếm tiếng tắc kè kêu chẵn lẻ đoán rủi may, vấn thuốc điếu bằng lá cò ke, tục cúng Thần nông. Quê hương Tân Uyên được mô tả tỉ mỉ từ tiếng cò gáy, cọp gầm, tiếng thác Trị An nỉ non, chiếc cầu gỗ ván, con đường đá đỏ pha son, vườn bưởi, đám mía, bờ tre… cho đến dòng sông Đồng Nai đầy nhân tính: “Hôm nào mưa to gió lớn hay vào mùa lũ, dòng sông chảy cuồn cuộn như lòng người sôi sục căm thù, lúc yên tĩnh nó lại phẳng lặng như một mặt hồ trầm ngâm suy nghĩ”. Và, rừng cũng vậy: “Rừng nhìn xa như một vành móng ngựa khổng lồ màu ngọc biếc bao quanh hết hướng Đông - Đông Bắc của xóm làng, đồng ruộng vùng này”.

Quê hương rừng thẳm sông dài đẹp vậy, thiêng liêng vậy, nhưng cực khổ quá, uất ức quá! Cần phải làm một cái gì đó, tìm cách nào đó! Rõ ràng, mục đích của Huỳnh Văn Nghệ không dừng ở việc kể chuyện, mà để dẫn dắt người đọc và chính mình tìm đến con đường nào đó để giải phóng quê hương, đó cũng là đặc trưng trong thơ, văn của Huỳnh Văn Nghệ, là cách thể hiện tình yêu quê hương của ông một cách dung dị và sâu lắng nhất. Vậy nên có người nói: Huỳnh Văn Nghệ sử dụng thơ làm phương tiện để thực hiện những mục tiêu cách mạng. Thơ Huỳnh Văn Nghệ cũng làm nhiệm vụ như người chiến sĩ:

Tôi là người lăn lóc giữa đường trần,

Không phân biệt lúc mài gươm múa bút.

Đời chiến sĩ máu hoà lệ, mực

Còn yêu thương là chiến đu không thôi

Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi

Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác.

Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát,

Lòng ta say chiến trận đến thành thơ...[4]

Như vậy, yêu nước đã làm nên tâm hồn thơ: trong sáng, giản dị, gần gũi, chân thực; nhiều bài thơ thể hiện sâu sắc tình yêu quê hương, đất nước, yêu quê hương, thơ cổ vũ tinh thần cách mạng cho quần chúng nhân dân… Nói như Nhà báo Huỳnh Văn Nam, nguyên Tổng giám đốc Đài Truyền hình TP HCM - người con trai của Thi tướng: "Viết được những câu thơ ấy bởi trong con người ba tôi, tình yêu lớn nhất là tình yêu đối với quê hương đất nước”[5].

3. KẾT LUẬN

 Huỳnh Văn Nghệ là một người yêu nước, một nhà chỉ huy quân sự tài ba, một nhà thơ lớn, nhà văn có tâm. Ông lẫy lừng trong vai trò chiến sĩ, cả lẫy lừng với sự nghiệp văn chương, ông đã để lại một huyền thoại đẹp về người anh hùng kiêm thi sĩ. Ông tài ba, xuất chúng, nhưng tính cách và cuộc đời ông lại rất khiêm nhường, như cái cách mà ông nhắn gửi lại trong hai câu thơ cuối đời: “Gửi lại bạn mấy vần thơ trên cát/ Và giờ đây tôi qua bến lên đường…”

Chính tài năng và sự khiêm nhường đã lay động lòng người, đã truyền là cảm hứng cho các nhà làm phim, hình ảnh của ông đã được dựng lại trong phim truyền hình 37 tập "Vó ngựa trời Nam", do Nghệ sĩ ưu tú Lê Cung Bắc làm đạo diễn (Huỳnh Đông vai Huỳnh Văn Nghệ, Lê Phương vai Nhàn, Phụng Cường vai Huỳnh Văn Nghệ lúc nhỏ). Trong phim Dưới cờ đại nghĩa sản xuất năm 2006, Huỳnh Văn Nghệ được diễn viên Lê Văn Dũng vào vai…

Yêu nước là động lực làm nên ý chí và tâm hồn thơ của “lão tướng, thi nhân” Huỳnh Văn Nghệ, cuộc đời hoạt động không ngừng nghỉ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đức tính giản dị, khiêm nhường của ông thực sự là tấm gương sáng để thể hệ hôm nay và mai sau noi theo. Nhận thức được công lao to lớn của ông, mong muốn được tri ân đến ông và gia đình, cũng như để tuyên truyền và giáo dục cho đời sau… đầu năm 2007, tỉnh Bình Dương phi hợp với tỉnh Đồng Nai và Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học Huỳnh Văn Nghệ - Cuộc đời và sự nghiệp tại Nhà Lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ, thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tại thị xã Thủ Dầu Một, có một con đường mang tên Huỳnh Văn Nghệ. Và cũng để tưởng nhớ, ghi ơn công lao của một vị tướng - một nhà thơ, thành phố Biên Hòa cũng có con đường mang tên ông, tỉnh Bình Dương đã quyết định thành lập Giải thưởng văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ của tỉnh Bình Dương… Đây là những hoạt động hết sức ý nghĩa, có tính nhân văn cao cả, là sự suy tôn, vinh danh ông, một người con ưu tú của tỉnh Biên Hòa xưa, Bình Dương ngày nay.

B.V.M - L.V.C

    

* Nguồn tài liệu tham khảo:

 1. Huỳnh Văn Nghệ, Bên dòng sông xanh. Thơ. Chiến Khu Đ - 1946

 2. Huỳnh Văn Nghệ. Tiếng hát giữa rừng. Thơ Chiến khu Đ - 1946.

3. Sở Văn hóa Thông tin - Thể thao Đồng Nai, “Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ”, Nhà xuất bản Đồng Nai 1998.

4. Trang: http://www.baomoi.com/huynh-van-nghe-tay-guom-tay-but/c/15736380.epi http://antg.cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Thi-tuong-Huynh-Van-Nghe-Con-lai-thien-thu-mot-chut-tinh-336201/; /Shared Documents/1839_poem-AE0k_2QqzFfGPX1nShB1cg; http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/200802/Nhan-le-gio-lan-thu-31-nha-tho-chien-si-Huynh-Van-NgheNguoi-chep-su-que-huong-2042574/

5. Tuyển Tập Nguyên Hùng, Thi tướng Chiến khu Xanh, Nxb Công An nhân dân, T.p Hồ Chí Minh 2005.

 



[1] Tuyển Tập Nguyên Hùng, Thi tướng Chiến khu Xanh, Nxb Công An nhân dân, T.p Hồ Chí Minh 2005, tr.257.

[2] http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/200802/Nhan-le-gio-lan-thu-31-nha-tho-chien-si-Huynh-Van-NgheNguoi-chep-su-que-huong-2042574/

[3] Xem trang: /Shared Documents/1839_poem-AE0k_2QqzFfGPX1nShB1cg

[4] http://www.baomoi.com/huynh-van-nghe-tay-guom-tay-but/c/15736380.epi

[5] Xem trang: http://antg.cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Thi-tuong-Huynh-Van-Nghe-Con-lai-thien-thu-mot-chut-tinh-336201/

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​