Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ÂM NHẠC VỚI TÔI

 

Với tôi, trong các loại hình nghệ thuật thì âm nhạc là thiên đường!

Tôi xin  phép được nói lời chân thật nhất tự đáy lòng mình về một cảm nhận âm nhạc rất riêng - Cảm nhận của một người sinh ra từ nơi “Khỉ ho cò gáy. Cóc đánh đu chuột chù hát ví” - Một vùng miền núi quê kệch - Cái vùng nghèo khó đã đi vào câu ca dao: “Lử khử lừ khừ chẳng Đại Từ cũng Võ Nhai”.              

Âm nhạc có một sức mạnh hết sức diệu kì! Diệu kì ở chỗ nó có thể làm lay động tâm hồn của một sinh linh bé nhỏ, trong khi những thứ khác không thể làm được. Ai mà lại đem tranh, đem tượng, đem hình ra mà ru em bé ngủ? Người mẹ phải hát câu “ru hời”. Đó chẳng phải là âm nhạc hay sao?

Ai trong số chúng ta ngồi đây lại không ít lần một lần nghe thấy lời ru?

Tôi biết “đồ- rê- mi- fa- son- la- si” năm 10 tuổi, do anh Nguyễn Thanh Tùng, kĩ sư địa chất, người Hà Nội về quê thăm dò địa chất. Thấy tôi thích nghe tiếng đàn vi-o-lông nên anh Tùng đã dạy tôi “mấy đường cơ bản”. Đó là nhạc 5 dòng kẻ. Tôi say sưa “vẽ lên” từng nốt nhạc, nhớ từng vị trí chúng ở đường nào, khe nào…Rất tiếc anh Tùng phải chuyển đi nơi khác, bỏ lại sau lưng thằng bé chăn trâu còi cọc ham nhạc hơn ham ăn!

Tôi nhận quyết định lên đường nhập ngũ năm 17 tuổi. Thật buồn vì phải chia tay mái trường và thầy cô. Trên đường về, tôi đã phải dừng lại để nghe bài hát “Hạt gạo làng ta” phát trên một chiếc loa công cộng. Tôi mê say bài hát đó luôn. Mê đến mức thuộc liền. Vào bộ đội tôi hăng say “Hạt gạo làng ta”, hát ngay trong hầm chốt ở chiến trường, để rồi đồng đội gọi tôi là “Thằng hạt gạo làng ta”. Trong một trận chiến đấu, tôi bị thương và được chuyển ra một trạm quân y, ở đây tôi gặp lại Lê Đức Tâm, anh lính Việt Nam Cộng Hòa thuộc một đại đội Thủy quân Lục chiến bị ta bắt mấy hôm trước đó. Chính tôi là người cáng Tâm ra phẫu Trung đoàn. Hai người lính ở hai bên chiến chuyến, cùng tuổi 18, cùng quân hàm binh nhất kể cho nhau nghe biết bao nhiêu chuyện. Cái mà tôi không sao quên được, đó là Tâm dạy tôi hát bài “Viết từ KBC”. Tâm hát hay lắm làm tôi rơi nước mắt. Ngày đó “bên ta” cấm nhạc vàng, nhưng tôi lại thấy khác, nhạc vàng làm nên sức mạnh! Bài “Viết từ KBC” và người bạn Lê Đức Tâm theo tôi tới tận bây giờ.

Năm 1974 tôi về đoàn an dưỡng 231 Quân Khu Việt Bắc, ở đây tôi quen với người tên Măng, cũng thương binh, nhà ở thị xã Vĩnh Yên. Măng có cây đàn ghi ta. Nhìn bạn đó tỉa tót mấy nốt nhạc mà tôi mê liền. Đổi bộ quần áo mới cứng và tiền phụ cấp một tháng, tôi năn nỉ Măng để lại cho cây đàn. Cũng vì mê ghi- ta mà tôi đã quyết tâm luyện tập để cho các ngón tay co quắp do bị thương phải trở lại gần như bình thường. Chính tôi là người đầu tiên mang ghi-ta về làng.

Cây ghi ta theo tôi về trường đại học sư phạm, lúc này tôi có cơ hội mở mang trình độ hơn, bởi gặp nhiều người biết chơi đàn. Nói từ biết chơi đàn là theo cảm nhận của mình, chứ ngày đó làm gì có ai được học cơ bản. Làm gì kiếm được những cuốn sách dạy ghi ta như bây giờ. Chơi đàn vẫn theo lối “du kích”, ngẫu hứng. Kiếm được ông thầy thì phải về tận Hà Nội, xa những trăm cây số, mà tiền đâu? Thời gian đâu? Hải Thoại, Tạ Tấn nghe thì quen đấy, nhưng sao mà gặp được, chẳng khác nào như tìm đường lên cung trăng.

Tôi cảm ơn âm nhạc vì nó làm cho tôi vơi đi nỗi buồn; cho tôi có ý chí, không ỉ lại một sự ưu tiên nào; nó là chất keo kết nối tình yêu - tình bạn, làm nên sức mạnh chiến thắng sự yếu hèn!

Tôi mê âm nhạc, đến nỗi khẳng định rằng: Nhạc sĩ là những người hoàn hảo về tâm hồn, trong sáng, nhìn xa trông rộng, lãng tử khinh đời. Cho nên khi biết nhạc sĩ Trần Viết Bính ở Đồng Nai, tôi đã điện gấp “bắt ông” phải tới tận nhà để nghe tôi hát “Hạt gạo làng ta”. Và nhạc sĩ Trần Viết Bình đã có mặt, với biết bao niềm xúc động.

Tôi mê nghệ sĩ ghi ta Cao Hồng Sơn từ lúc chưa biết anh là ai! Tôi đã gửi con trai mình tới để nhờ thầy Cao Hồng Sơn dạy đàn. Trong lúc say sưa hát bên bạn bè, con trai tôi đã không quên nhớ về người thầy dạy đàn nghiêm túc và ghê gớm số 1.

Sau này cùng sinh hoạt ở Hội VHNT tôi mới được diễm phúc nghe Cao Hồng Sơn chơi đàn, mà “mê li quằn quại”.

Tôi nghe Đoàn Quang Trung, Lệ Hằng, Thứ 7 hát ở Vũng Tàu mà yêu đến day dứt. Nghe Nguyễn Khánh Hòa bốc lửa với Tiếng cồng chiêng Chiến khu Đ mà muốn tung bay.

Tất cả những hội viên trong ban âm nhạc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, tôi đều ít nhất một lần chuyện trò với họ, nhìn họ bằng ánh mắt của sự thán phục và yêu mến. Mỗi lần nhận được tạp chí, tôi đều mở coi xem có bản nhạc nào, của ai.

Tôi khoái Trường Thịnh hát tự nhiên và yêu cháy bỏng.

Tôi có thể đọc một loạt tên những người sáng tác nhạc ở Đồng Nai như Khôi Vũ, Bùi Công Thuấn, Thi Đường, Nguyễn Dương Long, Vũ Trọng, Đồng Châu, Điểu Được, Tống Duy Hòa, Nguyễn Thọ, Đan Huyền… vân vân và vân vân.

Mê nhạc, mê ghi ta mà mê luôn cả những người từng ôm ghi ta hoặc thích ghi ta ở trong Hội ta, điểm qua vài nhân vật như nhà văn Bùi Quang Tú, nhà thơ Hoàng Đình Nguyễn, nhà văn Lê Đăng Kháng…

Đặc biệt âm nhạc đã góp phần kéo được Trí Khùng ra khỏi “Bãi vàng đá quý trầm hương” để đi theo nghiệp văn…

Âm nhạc diệu kì vì nó giúp tôi chiến thắng những cám dỗ nhỏ nhoi, là nguồn động viên tôi sáng tác văn học.

Ngày nào tôi cũng ôm đàn hát. Hát kiểu của tôi. Miễn sao tôi thấy tâm hồn sảng khoái để mình tiếp tục “thâm canh tác phẩm văn học”; tiếp tục sống như mọi người. Tôi, trong người toàn đồ giả, một bác sĩ viện tim nói rằng: Anh khỏe là do yêu đời, yêu nhạc,  cho nên bệnh tật nó chẳng thèm làm bạn với anh”.

Tôi khuyên con cháu, đừng nghĩ vì mình không có năng khiếu mà không học nhạc học đàn. Tôi mê và tôn thờ âm nhạc đến nỗi cho rằng, người hoàn hảo phải là người biết ít nhiều về âm nhạc!

Tôi mê ghi ta và cho rằng, để thử lòng can đảm của ai đó hãy cho họ học đàn!

Âm nhạc với tôi như một tiêu chuẩn để đánh giá người đó có hạnh phúc hay không.

Tôi xin cảm ơn âm nhạc, cảm ơn những nhạc sĩ đã vẽ lên những  “móc đơn móc kép, chùm ba, dấu lặng…” làm rung lên những âm thanh say đắm lòng người.

Với tôi chỉ có âm nhạc mới có thể “thay lời muốn nói”:  rằng” Em đi mang cả mùa thu khung trời…”; rằng “Như tiếng thác đổ như tiếng suối ngàn”; rằng “Hạt mưa rong chơi bỗng nhớ mùa hè”; rằng “Em hãy về sông Đồng Nai quê mẹ…”; rằng “Đất nước thân yêu ơi xua tan đi những ngày đói nghèo…”; rằng “Lời thề trăm năm rơi trên tóc người…”; rằng “  “Anh yêu em”, rằng “Em yêu anh”, rằng “Người ơi người ở đừng về”…. Ôi nhiều lắm – mênh mông tình người…

Một lần nữa xin được cảm ơn những người đã làm cuộc sống đẹp hơn nhờ những nốt nhạc ngân vang.

                                  

                                             Đào Sỹ Quang

  

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​