Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BÊN DÒNG SÔNG THỊ VẢI

Tùy bút của Bùi Quang Tú

(Nguồn: VNĐN số 26 – tháng 07 & 08 năm 2018)

 

 Có một dòng sông với dộ dài vừa phải - 76 km - bắt nguồn từ Long Thành, chảy theo hướng đông nam qua huyện Nhơn Trạch đến thị xã Phú Mỹ thì đột ngột chuyển sang hướng nam rồi đổ ra biển. Dòng sông này làm nhiệm vụ là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, giữa Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là sông Thị Vải.

Một ngày đầu tháng năm chớm vào mùa mưa, công việc viết lách đã đưa tôi tới bên bờ sông Thị Vải. Nhìn ra mặt sông phẳng lặng, hiền hòa trong tâm trí tôi bỗng bật ra câu thơ của người bạn thơ Bế Kiến Quốc:

Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng?

Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông.

                     (Những dòng sông)

Những con sông Việt Nam đều đi xuyên qua trận mạc, chiến tranh dài dằng dặc từ thế kỷ trước vắt qua thế kỷ sau, từ thập kỷ này kéo qua thập kỷ nọ. Khác với nước Mỹ, từ ngày lập quốc chiến tranh không bao giờ bén mảng, đột nhập vào xứ sở cờ hoa. Dòng sông Mississippi vẫn chỉ là dòng giao thương, du lịch, là áng tóc trữ tình uốn quanh thành phố, làng mạc nước Mỹ. Sông Việt Nam không chỉ êm đềm mà còn là sông lửa cháy. Sông Bạch Đằng lô nhô cọc gỗ đâm thủng tàu giặc. Sông Hồng nuốt chửng hàng vạn quân Thanh trong cuộc tháo chạy hỗn loạn dẫn đến sập cầu trước sự truy đuổi của đoàn quân Nguyễn Huệ. Sông Mã chảy qua đất Thanh Hóa là nơi các cụ già bắn rơi máy bay Mỹ. Sông Sài Gòn chứng kiến các cô gái trẻ chở bộ đội, cán bộ qua sông. Sông Hàm Luông là nơi xuất hiện đội quân tóc dài Bến Tre và sông Cửu Long uốn chín khúc đầu rồng đã là nơi tiếp tế lương thực, vũ khí cho bộ đội, du kích trong những năm dài đánh Mỹ. Không có vị thế của một dòng sông lớn nhưng sông Thị Vải cũng găm vào trí nhớ của người Việt vì một lẽ: dòng sông chở nặng lòng yêu nước, ý chí kiên cường một đoàn quân đặc biệt tinh nhuệ, đánh giặc từ dưới nước - đó là đặc công rừng Sác. Họ là những người anh hùng, chiến sĩ đặc công thủy từ mọi miền Tổ quốc, bậc thầy của chế tạo bom mìn, thuốc nổ, thành thạo việc cắt hàng rào, ém dưới sình lầy, trong bụi cây, xoa trát cho người đen kịt để ẩn trong bóng tối. Họ còn giỏi đánh lừa kẻ thù, kể cả chó Bergie, gài bom mìn, thuốc nổ, hẹn giờ và rút lui an toàn. 595 trận đánh lớn nhỏ của đặc công rừng Sác từ khi thành lập năm 1966 đến ngày giải phóng miền Nam, trong đó có những trận là nỗi kinh hoàng của kẻ thù. Sông Thị Vải xưa kia là địa bàn hoạt động của đặc công rừng Sác. Đứng ở bên này sông - phía cảng Gò Dầu - lòng tôi thấy rưng rưng một niềm quá khứ. Tôi muốn hỏi dòng sông vẫn miên man chảy rằng: Sông ơi, nơi nào các anh đã lội qua để cài bộc phá đánh chìm tàu giặc, phá hủy kho bom Thành Tuy Hạ, đốt cháy kho xăng Nhà Bè… Trên trời mây trắng lững lờ trôi, nắng vàng tươi, gió lồng lộng. Tôi lắng nghe sông kể chuyện về một thời bi tráng đã qua. Và giờ đây dòng sông là một đài tưởng niệm đáy nước. Chìm dưới đáy sông là xác tàu giặc, bom đạn, súng ống; và cả xương cốt của những người anh hùng hòa trong bùn đất. Đứng bên dòng sông đột ngột hiện lên trong trong tâm trí tôi, tấm ảnh của những chiến sĩ trước giờ xuất kích đánh kho xăng Nhà Bè mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Giữa cánh rừng Sác cây mọc lô nhô, nước ngập đến đầu gối theo ngón tay trỏ của người chỉ huy - đại tá Lê Bá Ước, các chiến sĩ người ôm bộc phá, người cắp súng vừa nghiêm trang vừa lạc quan trước một trận đánh lớn mà dẫu có hy sinh thì chúng ta sẽ giành chiến thắng giòn giã, kẻ thù phải bạt vía kinh hoàng. Bức ảnh như là một bức tượng đài sừng sững trong lòng tôi khi gặp gỡ dòng sông Thị Vải.

***

Dòng sông anh hùng năm xưa nay đã thành dòng sông đổi mới và hội nhập. Nhận thấy nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng cấp bách, tỉnh Đồng Nai đã “sinh hạ” ra ba bến cảng như ba anh em trong một nhà. Người anh đầu là cảng Long Bình Tân với diện tích lớn, công năng đa dạng, công suất cao. Hai anh em sinh đôi là cảng Gò Dầu A và cảng Gò Dầu B. So với người em song sinh thì Gò Dầu A nhỏ hơn nhưng vẫn đầy sức vóc. Hai anh em sinh đôi đều nằm bên dòng sông Thị Vải. Có ai ngờ nơi xưa kia là rừng rậm, dưới đất trăn rắn trườn bò, trên cao chim chóc hót vang nay đã thành bến cảng vạm vỡ. Bên bờ sông đã được đổ bê tông vững chãi, độ dài của hai bến cảng là 560 mét. Với độ sâu sông Thị Vải từ 10 đến 12 mét, cả hai cảng đều tiếp nhận được tàu từ 10 đến 12 ngàn tấn. Chẳng những là nơi tàu đến - tàu đi, nhận hàng và xuất hàng, Gò Dầu còn là nơi chứa hàng hóa với 18 ha bãi chứa, nhà kho 8000 m2, hệ thống phức hợp bồn chứa hóa chất, khí ga 25000 m3. Dòng sông Thị Vải thời chiến tranh cất lên tiếng nói giận dữ với kẻ thù: “Các người đến xâm lược dòng sông này sẽ nhấn chìm các người!”. Nay cũng dòng sông anh hùng ấy với vẻ khoan dung, hồ hởi của sự làm ăn đã nói tiếng nói dõng dạc mà tha thiết: “Sông Thị Vải là bạn với các đại dương, các cảng biển, cảng sông và các quốc gia trên toàn thế giới...”. Đứng ở cảng Gò Dầu A ngước nhìn những cây cột điện như chàng trai trẻ, vóc dáng hiên ngang vác trên vai những dây điện 500 kw có từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà ngẫm thấy cái sự đổi mới thật quyết liệt. Nếu không có sự táo bạo này mà hồi đó có người cho là hoang tưởng thì việc miền Nam lúc sáng lúc tối là cái chắc. Nhìn ra bờ sông thấy dập dìu cái không khí cảng. Những con tàu hàng ngàn tấn sơn màu xanh, màu đỏ, màu trắng là những con tàu đa quốc tịch. Đến từ xứ sở sương mù Anh quốc, từ xứ mặt trời mọc Nhật  Bản và nước Nga với hàng cây thùy dương đã đi vào lời bài hát khiến con sông nhỏ bỗng trở thành địa chỉ đỏ của sự giao thương. Tôi đến bên chiếc xe tải mang trên lưng những bó thép dài, hỏi anh Dũng - cán bộ phụ trách cảng Gò Dầu A. Anh cho biết:

- Đây là thép Việt, loại thép xây dựng xuất sang Nga đấy anh…

 Cái việc bốc những bó thép dài này lại không thể dùng tới gàu ngoạm mà phải có cách khác. Chiếc cần cẩu vươn cao, nghiêng nghiêng như cái cổ con khủng long rồi sà xuống trên lưng xe, từ đầu cần cẩu bung ra hai sợi dây theo hình tam giác móc lấy hai đầu bó thép và từ từ đưa bó thép nhả xuống khoang chiếc xà lan nép bên bờ sông. Tôi nghĩ, khi đến cuộc cách mạng 4.0 thì chàng trai điều khiển xe cẩu sẽ được thay bằng một chú robot. Chờ đến ngày ấy còn xa nhưng ngay bây giờ tận mắt chứng kiến sự kỳ diệu của máy móc đã thấy khâm phục trí tuệ tuyệt vời của con người. Rời khỏi nơi đang xuất thép, tôi di chuyển tới núi hàng màu đen đang càng lúc càng vun cao. Lại hỏi anh Dũng, anh trả lời:

- Đây là vụn sắt, cái hàng này một số nhà máy rất cần!

Chao ôi, ngạc nhiên chưa? Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Hôm qua thâm nhập Khu công nghiệp Biên Hòa, thấy ngỡ ngàng cái công nghệ cao của những công ty Nhật Bản, Hàn Quốc… Từ những bo mạch điện tử nhỏ như sợi tóc để tạo ra những thiết bị điều khiển máy tính, điện thoại, ô tô… là một sự thần kỳ. Con người không bó tay trước bất cứ trở ngại nào, ngày càng thông minh sáng láng để chinh phục các thử thách. Tôi từng nghe việc chế biến những rác thải công nghiệp ra những sản phẩm tiện ích. Cho nên trong làm ăn chớ lãng phí, cái gì cũng có thể tận dụng được. Đi sang cảng Gò Dầu B, thấy rõ hơn độ hoành tráng của cảng sông Thị Vải. Bên sông là một cầu cảng với năm cần cẩu. Cần cẩu lớn nhất có dáng chữ U úp ngược dùng để gắp nhả các loại hàng nặng đang nằm nghỉ chờ hàng. Anh bạn nhiếp ảnh của tôi theo bậc cầu thang leo tuốt lên cao có thể bao quát toàn cảnh để chụp. Còn lại bốn cần cẩu cần mẫn dùng cái gàu ngoạm với cái miệng rộng gắp từ xà lan rồi nhả xuống lưng bốn chiếc xe tải mang nhãn hiệu Hyundai. Hàng gì mà trông như đất vậy? Tôi hỏi anh Tài cán bộ cảng Gò Dầu B. Anh đáp:

- Than In-đô, bốn xe tải chở thuê rồi đổ ra bãi, các đơn vị có nhu cầu đến chở về.

Than Inđônêxia, loại than đặc biệt này được chở từ xứ sở có hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, nơi hàng dừa nghiêng bóng bên sóng biển reo quanh. Để đưa được than đến Gò Dầu B phải có hai công đoạn: Dùng tàu lớn chở từ In-đô tới cảng số Không ở Bà Rịa - Vũng Tàu, hải quan kiểm tra xong thì bốc hàng sang chiếc xà lan 9 ngàn tấn và dùng một cái tàu nhỏ kéo dìu xà lan tới đây. Nhìn chiếc xà lan khủng với bức thành bằng thép cao dày, núi than cao chất ngất, cái tàu kéo thì màu trắng nhỏ nhắn, tôi bỗng có sự liên tưởng vui vui. Cái tàu kéo như một anh chàng nhỏ con nhưng được luyện khí công nên có nội lực siêu phàm để đưa bà chị to béo đẫy đà là xà lan chở than cập bến, giao hàng đến các doanh nghiệp. Hôm nay là ngày hội của Than, đầu này là than In- đô thì đầu kia là than đá óng ánh màu Quảng Ninh. Cầm hòn than trên tay như thấy bóng dáng sừng sững của núi Bài Thơ, những ngọn núi nhô cao ngoài vịnh Hạ Long, sóng vỗ miên man, những đoàn tàu mải miết ra khơi. Áp hòn than bên tai tôi như nghe tiếng than nói, than cười vì được lấy từ lòng đất sâu trầm tích hàng triệu năm nay lên mặt đất để hóa thành ngọn lửa hồng phục vụ con người. Lại chợt nhớ câu thơ trong bài “Tàu đến” của nhà thơ Chế Lan Viên viết về than Quảng Ninh:

Than béo, than gầy mỡ màng như mỡ đông, như thịt đúc

Như miếng giò ngon, như đĩa xôi ngon

Như mật ong đen, như phù sa đen từng mảng, từng tầng xén cắt

Ôi, những nhà máy phương xa đà quen miệng xứ than này.

Bằng sự liên tưởng độc đáo tài hoa của thi sĩ, than đá Quảng Ninh là món ăn ngon miệng, hợp khẩu vị trong guồng quay sản xuất công nghiệp của các nhà máy trên khắp cả nước - trong đó có Đồng Nai.

***

Tôi sống ở đất Đồng Nai đã 45 năm, tận mắt chứng kiến sự đổi thay từng ngày của tỉnh nhà.Lần này đến với dòng sông anh hùng, dòng sông đổi mới và hội nhập Thị Vải mới vỡ lẽ ra. Lâu nay chỉ luẩn quẩn ở Biên Hòa bó hẹp tầm mắt, đi xa mới thấy Đồng Nai cũng chuyển mình mãnh liệt theo kịp bước phát triển của đất nước đấy chứ.

Và giờ đây khi viết những dòng này tôi như thấy hiển hiện dòng sông Thị Vải mang vẻ cao cả trong thời chiến, nay sôi nổi và đầy tự tin trong hội nhập, đổi mới. Trái tim tôi luôn cùng nhịp đập với dòng sông có cái tên mộc mạc này - Thị Vải.

 

B.Q.T

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​