Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TÍN NGƯỠNG THỜ TIÊN SƯ CỦA NGƯỜI VIỆT Ở NAM BỘ

Lê Công Lý

(Nguồn: VNĐN số 26 – tháng 07 & 08 năm 2018)

 

Người Việt vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo từ lâu đời. Khi vào đến vùng đất mới Nam bộ, lúc đầu còn lạ nước lạ cái, cuộc sống mới còn bề bộn khó khăn, nên vai trò của người dạy nghề, chỉ vẽ cách làm ăn càng trở nên quan trọng hơn.

Do đó, khi vừa khai hoang lập ấp, tụ cư chừng mươi nóc nhà, lưu dân Việt liền lập ngay một nhà vuông để làm điếm canh gìn giữ an ninh cho xóm ấp, đồng thời là nơi thờ Tiên sư 先師 tức các vị thầy dạy nghề nói chung. Hơn nữa, trong tâm thức dân gian của người Việt, Tiên sư chính là vị tổ tiên nhiều đời của họ. Bởi vậy mà quan niệm phong kiến phương Đông tôn vị trí của người thầy lên rất cao: Quân, sư, phụ (tức thầy chỉ đứng sau vua, trên cả cha).

Gọi nhà vuông vì ngôi nhà này có mặt bằng hình vuông khoảng 4m x 4m, thường gồm 1 gian 2 chái. Ban đầu nhà vuông được cất bằng vật liệu thô sơ như tre lá, về sau được hoàn thiện dần bằng khung gỗ, lợp ngói âm dương. Vì là ngôi nhà công cộng nên loại nhà vuông này ban đầu vốn không có vách, gọi là (giọng Bắc: vũ).

Cùng với nhà vuông thờ Tiên sư, lưu dân cũng sớm lập miễu Bà Chúa xứ để thờ vị chủ đất tiên khởi của cuộc đất mà họ định cư. Như vậy, trước cả đình và chùa, miễu ra đời rất sớm trong lịch sử khẩn hoang Nam Bộ. Và tương ứng với nó, Bà Chúa xứ và Tiên sư được lưu dân Việt Nam Bộ thờ cúng tự phát trước cả thần Thành Hoàng và Phật.

Tuy nhiên, sau khi thôn làng với bộ máy hành chính được hình thành, thì khuynh hướng chính thống hoá dần trở thành chủ đạo. Kết quả là, ngôi đình làng được dựng lên, và nhà khi trước trở thành võ ca (tức nhà hát, dùng làm nơi hát bội mỗi khi cúng đình), còn miễu Bà Chúa xứ cũng thường được chuyển về toạ lạc trước sân đình để tiện cho mỗi dịp Kỳ yên cúng kiếng. Kể từ đây, võ ca Tiên sư chính thức nằm trong thiết chế văn hoá cấp cơ sở của nông thôn Nam bộ: đình, chùa, miễu, võ.

Nếu như Bà Chúa xứ chỉ được thờ trong ngôi miếu nhỏ (mặt bằng khoảng 1m x 1m), và nằm ở một góc sân đình, thì Tiên sư vẫn được vinh hạnh thờ ngay tại võ ca, tức ngôi nhà phía trước chánh điện của đình làng. Võ ca thường không có vách, chỉ có một hai bộ ván và một ít bàn ghế để ngày thường dân làng tự do lui tới trò chuyện, trẻ con tự do chơi đùa, rồi đến ngày cúng đình thì trở thành nơi diễn tuồng hát bội.

Theo truyền thống, Tiên sư được thờ trên bàn cao hoặc trên tran thờ đặt trên cao tại võ ca hoặc nhà hậu, gồm có một bài vị đề hai chữ 先師 Tiên sư, một lư hương, 3 chung nước và một bình hoa. Ngày thường, vào các buổi tối, bàn thờ Tiên sư được thắp nhang và cúng nước. Vào dịp Kỳ yên, Tiên sư cũng được cúng bằng các thức cúng quen thuộc.

Đặc biệt, ngày xưa, vào ngày mùng 3 Tết, dân làng luôn làm lễ ra mắt Tiên sư tại bàn thờ Tiên sư ở đình làng. Lễ vật gồm có nhang đèn, bình hoa, trà rượu và một con gà.

Ngoài bàn thờ Tiên sư tại võ ca của đình làng ra, tại tư gia những người làm nghề thủ công hay tại các nhà xưởng cũng thường có bàn thờ Tiên sư hoặc Tổ sư. Các đoàn hát, các ban nhạc lễ cũng luôn có bàn thờ Tổ sư, Tiên sư hoặc Tiên giác, gồm có bàn thờ cố định tại tư gia hoặc nhà thờ tổ và bàn thờ di động theo từng địa điểm lưu diễn. Nói chung mỗi nghề sẽ có một ông/ bà Tổ riêng, có khi hai ba nghề có chung một Tổ. Và các vị Tổ sư/ Tiên sư này được thờ cúng theo những cách thức khác nhau, và có các ngày cúng Tổ khác nhau.

Ngoài các vị Tổ nghề cụ thể nói trên, dân gian Nam Bộ còn có một loại tín ngưỡng Tổ nghề chung chung khác, dành cho đại đa số người dân bất kể sống bằng nghề nào, gọi là Ba Đức Thầy. Ba Đức Thầy chính là Tổ sư (người sáng tạo ra nghề), Thánh sư (người phát triển kĩ thuật nghề nghiệp) và Tiên sư (người trực tiếp dạy nghề cho mình).

Ba Đức Thầy không có bàn thờ cụ thể mà tồn tại trong tâm thức dân gian. Trong các lễ cúng đầy tháng, thôi nôi và cúng nhương căn, đổ đốt cho trẻ, ông bà cha mẹ luôn phải cúng tạ ơn 12 Bà Mụ và 3 Đức Thầy đã âm thầm hun đúc dạy dỗ giúp đứa trẻ nên thân nên người.

Ngoài Tiên sư ra, ở Nam bộ còn nhiều vị thần khác tuy có tên gọi riêng nhưng lại có chức năng giống như Tiên sư nên cũng được thờ cúng giống như Tiên sư, tiêu biểu là: Thần Nông (dạy dân làm ruộng) và Cửu Thiên huyền nữ (dạy dân các nghề cần sự khéo léo như: xây cất, chạm trổ, may thêu, v.v.). Do đó, ở một số nơi có miễu thờ Cửu Thiên huyền nữ trước sân đình, như đình Tân Hương Tây. Đặc biệt, đàn Thần Nông thay vì đề hai chữ 神農Thần Nông như thường thấy ở hầu hết đình làng Nam bộ thì tại đình Tân Hương và đình Tân Hương Tây (xã Tân Hương, huyện Châu Thành, Tiền Giang) lại đề hai chữ 教藝 Giáo nghệ (Dạy nghề). Đây chính là bằng chứng cho thấy tín ngưỡng Tổ sư/ Tiên sư có khi lấn át cả tín ngưỡng Thần Nông ngay trong một cộng đồng nông nghiệp.

Ngoài võ ca Tiên sư mang tính chính thống ở phía trước chính điện các ngôi đình làng ra, rải rác ở Nam bộ hiện nay vẫn còn nhiều nhà vuông/ miễu Tiên sư độc lập mang tính dân gian. Các nhà vuông/ miễu Tiên sư này thường nằm sát đường giao thông thuỷ hoặc bộ, đặc biệt là tại các đầu mối giao thông như ngã ba, ngã tư đường thuỷ/ bộ. Một số còn giữ được hình thức nhà vuông, tức ngôi nhà có mặt bằng hình vuông, không có vách, một số được xây thêm vách nhưng không có cửa. Đây giống như hình thức ngôi đình làng thu gọn ở cấp ấp, ở giữa có bàn thờ Tiên sư, hai bên có khi kèm thêm Tả ban, Hữu ban, Thổ thần, Tiền chủ, Hậu chủ. Phía trước thường có một vài cặp liễn, một chiếc mõ, một cái trống, một ít bàn ghế và một số đồ âm công như: đòn rồng, dây đõi dùng để khiêng quan tài đi chôn và một số đồ trợ táng khác dùng để phục vụ người dân trong xóm ấp.

Ngoài các nhà vuông này, ở Nam bộ hiện nay vẫn còn duy trì các miễu Tiên sư dân gian (nằm ngoài khuôn viên đình làng) với các quy mô lớn nhỏ khác nhau. Đó có thể là tàn tích của nhà vuông, tức nhà của xóm ấp buổi đầu bị hư hại hoặc là các miễu Tiên sư tân tạo gần đây để bảo hộ cho các nhà xưởng thủ công mĩ nghệ.

Trường hợp Tiên sư phối tự trong đình làng được cúng tế chung trong các dịp lễ Kỳ yên của đình. Phần lớn đình làng Nam bộ không có nghi cúng Tiên sư riêng. Một số đình phối hợp nghi cúng Tiên sư chung với nghi cúng Hưng tác 興作 (Đất đai) nhưng có lễ vật riêng (1 con vịt luộc, 3 chén cháo) như đình Tân Hiệp, Thị trấnbTân Hiệp, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Có đình lại có nghi và văn cúng Tiên sư riêng như đình Bình Điện, Khu phố 5, phường Bửu Long, Biên Hoà, Đồng Nai.

Trái lại, các trường hợp Tiên sư được thờ tại các miễu dân gian (ngoài khuôn viên đình làng) được cúng theo các lịch lễ riêng của từng địa bàn và lễ thức có phần đơn giản hơn. Nhưng bù lại, các cơ sở tín ngưỡng loại này gần gũi hơn với đời sống thường nhật của người dân nên có sức sống thực tế mạnh hơn các trường hợp Tiên sư tùng tự bên trong đình làng. Đó là chưa kể các trường hợp, cùng với quá trình thăng trầm của ngôi đình làng, nhiều bàn thờ/ tran thờ Tiên sư trong đình đã bị xóa sổ. Đồng thời, do Tiên sư vốn được thờ ở nhà vuông - điếm canh của xóm ấp - nên trong chiến tranh thường bị đối phương tìm mọi cách thủ tiêu. Và thay vào đó là các miễu Tiên sư mang tính dân gian mọc lên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng.

Như vậy, có thể nói rằng, trong quá trình lịch sử hơn 300 năm của Nam bộ, tín ngưỡng Tiên sư đã trải qua hai bước thăng trầm: Bước thứ nhất là bước chính thống hóa vào cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX cùng với quá trình kiện toàn bộ máy hành chính của nhà Nguyễn; bước thứ hai là bước dân gian hóa kể từ đầu thế kỉ XX, khi văn hoá chính thống Nho giáo Việt Nam buộc phải nhượng bộ và thúc thủ trước ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.

Đặc biệt, hiện nay, cùng với sự nhạt nhòa của văn hoá chính thống Nho giáo, ngôi đình làng ngày càng mất vai trò trong khi truyền thống Tôn sư trọng đạo/ Uống nước nhớ nguồn của người dân vẫn còn nguyên vẹn, thì khuynh hướng dân gian hóa tín ngưỡng Tiên sư càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thậm chí, hiện nay hai từ Tiên sư trở nên ít sử dụng ngoài việc dùng trong các câu mắng chửi. Rải rác ở Nam bộ vẫn còn các ngôi miễu đề hai chữ Tiên sư nhưng không phải ai cũng hiểu nghĩa của nó. Và, thay vào đó, hai từ Tổ nghề lại được dùng phổ biến hơn, hàm nghĩa trân trọng.

Các hoạt động thờ cúng Tổ nghề chưa bao giờ phát triển rầm rộ như hiện nay. Do đó, có thể nói, hiện nay tín ngưỡng Tiên sư cổ truyền ở Nam bộ đã được dân gian thay bằng tín ngưỡng Tổ nghề.

*

Trải hơn 300 năm nhưng tín ngưỡng Tiên sư ở Nam bộ vẫn phát triển mạnh mẽ mặc dù có nhiều biến tướng khác nhau. Đó chính là biểu hiện sức sống của truyền thống Tôn sư trọng đạo, một vẻ đẹp tính cách đáng quý của dân gian. Ngoài ra, xét về mặt thực tế, chính truyền thống đó đã kích thích khả năng sáng tạo và truyền nghề, góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng.

 

L.C.L

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​