Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
MẤY KỶ NIỆM VỀ NHÀ THƠ XUÂN SÁCH


     Tôi về Văn nghệ Quân đội năm 1980 cũng là năm nhà thơ Xuân Sách trút áo nhà binh theo chân Tổng biên tập Vũ Cao chuyển ra công tác ở Nhà xuất bản Hà Nội. Ra quân rồi nhưng ông vẫn còn tá túc nơi “nhà số 4” thành thử sáng sáng tôi vẫn gặp. Ông sống có vẻ âm thầm và có phần lạnh lùng. Lạnh lùng vậy mà là đồng tác giả của bài ca Đường chúng ta đi (nhạc Huy Du, lời Xuân Sách) phơi phới; âm thầm thế mà một bữa tung ra tập chân dung nhà văn với những câu thơ ác… chiến khiến tí nữa các nhà văn dưới bóng đôi cây đại già nơi “phố nhà binh” phải tan đàn xẻ nghé bởi ký hay không ký vào bản kiến nghị phản đói cuốn sách! 



ntxuansach-R.jpg
Chân dung (ảnh trên) và Tác phẩm (ảnh dưới)

bs chan dung nv.jpg


      Thú thật lúc đó tôi rất ngại gặp ông vì lo “chẳng phải đầu phải tai”! Những kỷ niệm đẹp về tác giả Đội du kích thiếu niên Đình Bảng mà tôi thuộc nhiều đoạn thời thơ ấu phai dần, thay vào đó là những biếm họa chân dung có phần méo mó của ông được vẽ ra bằng thơ nhằm “phản kích”, đáp lại “thơ chân dung” của không ít nhà văn. Phải đến mãi về sau, lúc làm tập Chuyện nhặt dọc đường văn (1994) khi trích bài thơ chân dung về nhà văn Hồ Phương của ông, nguyên văn: Trên biển lớn lênh đênh sóng nước/ Ngó trông về Xóm mới khuất xa / Cỏ non nay đã về già / Buồn tênh lại giở Thư nhà ra xem, tôi có trích sai từ buồn tênh thành ngồi buồn, ông viết thư cho tôi và nói, ông buồn mãi và tiếp: “Ngồi buồn thì còn gì là thơ nữa!” Tôi mới hiểu rõ lòng ông khi viết cuốn Thơ chân dung.

     Tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ nói về những cái ống tiêm trong Đội du kích thiếu niên Đình Bảng năm nào: Hoan hô cái ống tiêm / Phá ba khẩu đại liên / Khiến quân thù phát điên. Cũng là vui tếu quá hoá…ác… chiến thôi mà! Nói tới Xuân Sách, người ta quen nói ông là nhà thơ bởi có 5 tập thơ ( Con suối mặt gương -1974, Trong lửa đạn - bút danh Lê Hoài Đăng -1976, Nơi đi và đến -1979, Đường xa -1986, Thơ chân dung -1982 ); nhưng đồng thời ông còn là tác giả của nhiều tập tiểu thuyết, truyện ngắn, trong đó phải kể Đội du kích thiếu niên Đình Bảng, Mặt trời quê hương, Rừng bên sông, Cô giáo làng, Đêm ra trận… Đời ông trải nhiều lận đận, lắm long đong đúng là ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh. Trải 30 năm đời lính; rồi ra Bắc, vào Nam, lên rừng xuống bể… ông trút hết lên trang sách, đúng như câu thơ hôm nào ông viết: Các thi bá thi hào / thân liêu xiêu / hồn mang mang / để lại những động cơ đốt trong / bằng thơ ( bài Nhà thơ ). Ở tuổi 77, trải gần nửa thế kỷ cầm bút, ông vẫn bảo còn chập chững với nghề. 

    Đầu năm 2008 tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh tiễn đưa nhà văn Nguyễn Khải về cõi vĩnh hằng, gặp ông trước cổng nhà tang lễ Thành phố thấy ông có vẻ buồn buồn tủi tủi, tôi nghĩ có thể ông đang nghĩ tới các nhà văn “Nhà số 4” như: Hữu Mai, Vũ Cao, Xuân Thiều, Chính Hữu, Mai Ngữ… vừa dắt díu nhau ra đi; nghĩ tới một thời làm văn làm báo sôi nổi nhưng cũng lắm nỗi niềm, nghĩ tới những “đêm ra trận”, nghĩ tới một “cô giáo làng” năm trước, nghĩ về hai cây đại già trước cổng Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi ông đã từng sống từng viết, từng buồn vui hờn giận… Đời ông cũng thật lắm nỗi niềm. Ông đã có trên 10 năm làm việc ở Đồng Nai, sau đó chuyển công tác về Bà Rịa -  Vũng Tàu với vai trò Chủ tịch Hội Văn nghệ. Buồn nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, có ai ngờ chỉ ít ngày sau ông đổ bệnh. Hôm mấy anh em nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đến thăm ông ở một căn hộ tập thể trên Phố 8 tháng 3 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông không thể ngồi dậy được nữa vì bị liệt nửa người và cũng không nói được, nhưng vẫn cười - cái cười vẫn rất hóm hỉnh… Dường như ông biết cả mỗi khi chúng tôi nhắc đến một ai đó. Tôi bảo: “Anh gắng bình phục để còn viết tiếp Thơ chân dung tập tiếp theo, vì tập kia… chưa có bọn em!” Ông cười, cái cười thật hiền và bao dung, đoạn dường như mệt mỏi lắm, ông quay mặt vào tường. 

​ xuansachvacacban-R.jpg

    Nhà thơ Xuân Sách ( hàng ngồi, thứ tư từ trái qua ) thời còn ở Văn  nghệ Quân đội

     

    Chúng tôi không ngờ đó lại là lần gặp ông cuối cùng! Nhà thơ Xuân Sách sinh ngày 4 tháng 7 năm 1932 tại xã Trường Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Đêm mồng 2 tháng 6 năm 2008, ông qua đời tại bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Ngày 6 tháng 6 năm 2008, nhà văn Xuân Sách được đưa về an táng tại quê nhà Thanh Hóa, theo nguyện vọng lúc còn sống của ông! 

Nhà số 4 phố nhà binh,

3 tháng 10 năm 2018

NGÔ VĨNH BÌNH 


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​