Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN VỀ CHỮ QUỐC NGỮ



     Từ một bức thông điệp

      Ngày 01-01-1882, cách đây 136 năm, chính quyền thực dân Pháp chính thức bắt buộc người Việt ở Nam kỳ “phải dùng chữ quốc ngữ”. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chữ quốc ngữ đã trở thành chữ viết thống nhất của nước ta. Nó đã bước ra khỏi sự áp đặt về mọi mặt của thực dân Pháp, để trở thành một “phương tiện” đắc lực cho đời sống của thường dân nói chung, và cả những hoạt động cách mạng theo suốt bề dầy lịch sử chống Pháp và chống  Mỹ. Vốn tri thức và sức mạnh dân tộc thời đó đã được chuyển hóa mạnh mẽ trong hình thức sử dụng chữ quốc ngữ, đó là việc không thể bàn cãi.


chu quoc ngu.jpg
 Một bài thơ kêu gọi học chữ quốc ngữ của phong trào “Đông kinh nghĩa thục”
 

     Nhìn lại 130 năm chữ quốc ngữ đồng hành cùng dân tộc, chúng ta thử thưởng thức phong cách tiếng Việt thời vua Bảo Đại. Đây là một bức thông điệp được viết theo lối trau chuốt, hoa mĩ nhưng rõ ràng, chính xác, người viết chính là Nam Phương hoàng hậu, lúc đó còn tại vị: "Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động nầy của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.

     Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi".

     Ký tên: Bà Vĩnh Thụy (tức Hoàng hậu Nam Phương)

     Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gởi một Thông điệp cho bạn bè ở nước ngoài yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp. Điều đó cho thấy chữ quốc ngữ đã trở thành một phương tiện để chống lại chính nhà nước bảo hộ và các thế lực xăm lăng khác.

     Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cũng là một thành công trong việc sử dụng chữ quốc ngữ. Tuy nhà văn chủ yếu dùng hình thức phỏng tác từ tiểu thuyết Pháp, nhưng ông dùng chữ quốc ngữ để thể hiện nội dung sáng tác của mình. Ngôn ngữ ông dùng là văn phong đặc biệt của Nam bộ, với những con người mang bản sắc văn hóa, đạo đức, tình cảm của người Việt Nam (Cay đắng mùi đời, Chúa tàu Kim Quy, Ngọn cỏ gió đùa, Vì nghĩa vì tình…) Nhưng ít ai biết ngoài 64 tập tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ, Hồ Biểu Chánh còn là tác giả của hơn 50 tập tiểu luận, phê bình, thơ và kịch… Ông là một nhà văn tiêu biểu đã chuyển hóa nhuần nhuyễn cách dùng chữ quốc ngữ, và góp phần hiện đại hóa loại chữ viết này.


     Đến mong muốn về sự trong sáng của tiếng Việt

     Chính vì vậy mà học giả Nguyễn Văn Vĩnh (người được coi là ông tổ nghề báo) đã khẳng định: “Chữ Việt còn thì nước ta còn…” Câu nói ấy luôn luôn có giá trị thời sự trong văn hóa, giáo dục, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Nhiều giáo viên, chuyên gia ngành ngôn ngữ tiếng Việt đang cảnh báo sự “mất trong sáng” trong sử dụng tiếng Việt, dẫn đến sự đồng hóa các dạng ngôn ngữ do “văn hóa mạng” đang lấn át quá mạnh. Trong một diễn đàn báo chí “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?”, một tác giả đã khẳng định: “Chữ Việt, tiếng Việt còn chưa được tôn trọng, nước Việt còn nhỏ”… 

     Những cảnh báo về sự trong sáng của tiếng Việt (đặc biệt trong giới trẻ) đang đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn. Có người cho rằng chính “lỗ hổng” kiến thức lịch sử (chữ Hán Nôm) đã khiến cho giới trẻ hiện nay dùng tiếng Việt một cách tùy tiện, dễ dãi. Có ý kiến cho rằng áp lực về các phân môn liên quan đến tiếng Việt (như Ngữ pháp, Tập làm văn, Văn học…) hiện nay quá nặng, khiến cho các em sợ và ngại học. Nếu thêm cả phần chữ Hán Nôm vào chương trình thì lại càng làm cho các em ngại thêm. Một câu hỏi đặt ra là vì sao học sinh, sinh viên thời nay, thậm chí cả giới công sở - lại thích sử dụng cách viết sai chuẩn đến như vậy? Nó đang tạo ra một “hiệu ứng” xấu khiến nhiều người lo ngại (đơn cử như trường hợp quyển sách “Sát thủ đầu mưng mủ”). Vì sao cách viết không dấu, sai dấu, sai nguyên âm, phụ âm một cách cố ý đang rất được “ưa chuộng” như vậy? Chưa kể trong lĩnh vực quảng cáo thì không sao kể hết sự “lệch chuẩn” về ngôn ngữ ở câu chữ sai chính tả, những cú pháp “gây sock”, ngô nghê, buồn cười, chẳng hạn như “Sữa Honda”, “Xửa chửa cơ khí”, “Sửa xe thai nhớt”… Kể cả những slogan được phát ngôn từ người nổi tiếng cũng đáng ngại cho tiếng Việt, nhìn lại thì thấy nó được sử dụng cho những mục đích ngoài văn hóa, như để quảng cáo, tự pr hoặc lôi kéo, “câu view” công chúng…

     Lỗi này xuất hiện từ đâu, báo chí –xuất bản – hay truyền thông?

     Thực ra thì truyền thông là một khái niệm mới, bao hàm cả báo chí và xuất bản, song nó có thêm những hoạt động tương tác giữa chủ thể và người thụ hưởng. Truyền thông “đẻ” ra lợi nhuận cao gấp nhiều lần các loại hình văn hóa – giải trí khác. Nếu báo chí và xuất bản hiện nay vẫn được quản lý nghiêm ngặt và có một quy trình sản xuất - tiếp nhận chặt chẽ, thì dường như truyền thông đang được “thả nổi”, hoặc các cấp quản lý đang thực sự lúng túng trước sự phát triển mạnh mẽ của nó. Không chỉ sự trong sáng của tiếng Việt bị các cư dân mạng “xâm phạm”, mà những thông tin thật – giả cũng bị lẫn lộn khó phân biệt được. Một biện pháp đúng đắn đã được áp dụng trên nhiều diễn đàn, trang mạng, đó là những bài viết không dấu, viết tắt, viết sai quá nhiều sẽ bị xóa mà không cần báo trước cho “tác giả”. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy được vẻ đẹp của tiếng Việt, cần có ý thức tốt hơn từ chính những người Việt. Đừng nên đặt lợi nhuận lên trên lợi ích của cộng đồng, của “chủ quyền dân tộc” thể hiện từ những chữ viết…

MAI SƠN




Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​