Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
BÀN VỀ THI PHÁP HỌC TRONG VIỆC DẠY VĂN Ở NHÀ TRƯỜNG



     Trong những năm gần đây, trên các tạp chí văn học nghệ thuật có đăng tải những bài lý luận phê bình mang tính chất của thi pháp học. Điều đó thật đáng mừng vì những tác giả, tác phẩm văn chương xưa cũng như nay được bắt đầu khám phá, nhìn nhận lại ở những góc độ mới, mang tính khoa học và toàn diện hơn. Vấn đề này phần nào giúp cho người sáng tác trẻ ý thức hơn trong định hướng sáng tác, sáng tạo nghệ thuật, giúp độc giả có điều kiện thưởng thức tác phẩm một cách sâu sắc hơn. Và phần nào tác động đến vấn đề dạy và học văn trong các trường phổ thông, học hứng thú và dạy không nhàm chán. Nhưng trong thực tế hiện nay người nghiên cứu về thi pháp học ở các địa phương chưa nhiều, tài liệu nghiên cứu còn hạn chế, nên bộ môn này chưa thể đến với mọi người một cách rộng rãi được. Trong bài viết ngắn này chúng tôi xin sơ lược một số vấn đề về thi pháp học và những điểm độc đáo của nó mong giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát nhất cũng như làm cơ sở để tiếp nhận văn học mang tính khoa học, lý thú hơn – Thi pháp học hiện đại.


SACH TPTK.TĐS.JPG Thi pháp Truyện Kiều của PGS.TS Trần Đình Sử, một trong những tác phẩm 
tiên phong trong nghiên cứu thi pháp học tại Việt Nam.
 

     Thi pháp học thực tế không  phải là mới mẻ mà nó đã có từ thời Arixtốt và được phát triển, biến tướng qua nhiều thế kỷ dưới nhiều dạng thức khác nhau, nhưng vì có cả một thời gian dài  hằng bao thế kỷ bị bỏ quên mà có lúc người ta cảm thấy xa lạ với nó,  mãi đến thế kỷ XIX nó mới được giới học giả quan tâm trở lại và Vôxôlốpxki được xem là người tiên phong mở ra một hướng mới cho thi pháp. Vào tận những năm 20 của thế kỷ XX thì thi pháp học mới phát triển lại một cách mạnh mẽ ở Liên Xô với những tên tuổi lẫy lừng như Vichto Sôlốpxki, V.Êykhonbam và dần tới những năm 60 thì thi pháp học mới thực sự  ảnh hưởng sâu rộng trong giới văn học Phương Tây. Ở Việt Nam, với những công trình nghiên cứu của PGS. TS Trần Đình Sử như Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), Những thế giới nghệ thuật thơ (1995), Thi pháp Truyện Kiều ( 2002)…đã làm chấn động giới nghiên cứu, tạo nên một cơn sốt nghiên cứu thi pháp học cho đến tận ngày nay.

     Nếu xưa nay chúng ta quen với cách khám phá các tác phẩm nghệ thuật theo lối truyền thống như giới thiệu, cảm nhận , đánh giá , phân tích các yếu tố nghệ thuật riêng lẻ thì ở thi pháp học hiện đại có cái nhìn và cách khám phá hoàn chỉnh, cụ thể và cách tiếp cận văn chương với quy luật phổ quát hơn dưới sự tổ chức hình thức mang tính nội dung của sáng tác văn học. Nếu nói rằng văn học là một hình thái ý thức xã hội, tác phẩm văn học là một hiện tượng ngôn ngữ, thì thi pháp là một hệ thống nghệ thuật của một hiện tượng văn học và thi pháp học là bộ môn khoa học nghiên cứu về hệ thống nghệ thuật đó. Chính vì vậy đối tượng của thi pháp học không phải là hình thức mang tính cấu trúc, quan điểm ngôn ngữ mà là hình thức mang tính nội dung. Tức là cuộc sống được ý thức và sự tự ý thức về cuộc sống thông qua hình thức nghệ thuật. Vì vậy khi khám phá tác phẩm văn học dưới góc độ thi pháp ta sẽ thấy rằng hình thức nghệ thuật luôn gắn với tính hệ thống, tính quan niệm và tính chất tinh thần. Hoàn toàn không mang tính riêng lẻ. Cũng chính vì vậy mà tác phẩm văn học được soi rọi sẽ hiện hữu khả năng phản ánh đời sống của một hình thức nghệ thuật được sự giới hạn và chiều sâu ở từng góc độ thẩm mỹ của nó. Bên cạnh đó nó còn giúp ta thấy được sự vận động và phát triển của tư duy, tính xác định của nội dung tác phẩm. Từ đó nâng cao khả năng cảm thụ cho người đọc với tác phẩm văn học được khám phá.

     Chúng ta đã biết bản chất của văn học là phản ánh đời sống bằng hình tượng, chính vì vậy mà hình tượng nghệ thuật là linh hồn của tác phẩm văn học nghệ thuật. Nghệ thuật khẳng định vẻ đẹp tâm hồn con người, do đó nghiên cứu tác phẩm văn học là nghiên cứu thế giới tinh thần do con người sáng tạo ra và đó cũng chính là hình thức tồn tại của tác phẩm nghệ thuật. Cho nên khi nghiên cứu tác phẩm văn học dưới góc độ thi pháp sẽ giúp chúng ta tránh được và hạn chế được việc chia tách tác phẩm theo cấu trúc văn bản để nghiên cứu mà phải nhìn một cách vừa cụ thể vừa tổng quát về hình tượng nghệ thuật ở từng mảng của nó, chẳng hạn như quan niệm nghệ thuật về con người, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, màu sắc nghệ thuật, hình tượng tác giả trong tác phẩm… Chẳng hạn khi tìm hiểu con người trong văn học Việt Nam hiện đại ta sẽ thấy mỗi tác giả có cách quan niệm riêng về con người trong tác phẩm của mình. Con người trong tác phẩm của Ngô Tất Tố có hai dạng con người là con người oan trái (nhưng rất đẹp) và con người tạo ra oan trái.  Con người trong tác phẩm Nam Cao là con người bán dần sự sống để duy trì sự sống vì vậy mà con người trong tác phẩm của Nam Cao luôn có ý thức về tâm trạng. Và nó sẽ khác hoàn toàn với con người vũ trụ, con người chí khí, con người tỏ lòng…trong văn học trung đại. 

     Trong tác phẩm văn học, màu sắc không chỉ là phương tiện để miêu tả thế giới mà nó còn biểu thị cái nhìn của tác giả với cuộc đời nhân vật, thể hiện cá tính, thời đại và được xem như là một sáng tạo độc đáo. Khám phá nhân vật Kiều, ta thấy Nguyễn Du sử dụng gam màu hồng như là một màu sắc chủ đạo để thể hiện dụng ý nghệ thuật của riêng mình.

     Nếu trong Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có khoảng 106 lần sử dụng màu sắc chiếm tỉ lệ 0,1% trong tổng số chữ thì ở Nguyễn Du chiếm đến 0,52% ( 119/22778 chữ). Điều đó để thấy Nguyễn Du sử dụng từ chỉ màu sắc một cách hết sức phong phú. Và màu sắc ở đây không chỉ đơn thuần là miêu tả tự nhiên mà còn là một dụng ý tạo tác các hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩa khái quát, giàu giá trị nghệ thuật, nhân văn cao cả.

     Trong Truyện Kiều, sau trước cô Kiều luôn được tác giả phủ cho một màu hồng. Lần đầu tiên Kim Trọng gặp Kiều thì nàng là một.

 “ Bóng hồng nhác thấy nẻo xa

 Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai”.

     Màu hồng này được coi như là một ước lệ, vì người phụ nữ xưa thường mặc váy hồng. Nhưng đến khi chàng Kim về nhà trọ và tương tư nàng Kiều thì bóng hồng ấy đã trở thành một ám ảnh.

 “Tấc gang động khóa nguồn phong 

Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra”. 

     Và trong lúc mơ tưởng, giấc chiêm bao thì Kiều vẫn là một bóng hồng trong tim Kim Trọng.

 “ Mây Tần khóa kín song the

Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao”.

      Rồi sau 15 năm lưu lạc, bóng hồng ấy vẫn in đậm trong tâm trí chàng, sau khi Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường để tự vẫn, Kim lập đàn chay cúng tế nàng thì Kiều vẫn là một bóng hồng như thuở nào hai người gặp gỡ .

“Ngọn triều non bạc trùng trùng 

Vời trông còn thấy cánh hồng lúc gieo”. 

     Vấn đề này cho ta thấy Nguyễn Du đã thoát khỏi cái quy ước “ hồng quần” chỉ phụ nữ nói chung của văn học cổ, màu hồng ở đây được tạo ra bằng một phong cách nghệ thuật mới mẻ, đầy sức gợi cảm. Cũng như trong lòng Kim Trọng, Kiều bao giờ cũng đẹp và tinh khôi như thuở ban đầu cho dù thời gian đã muôn trùng xa cách.

     Khi Kiều rơi vào lầu xanh, nàng bị Tú Bà đánh đập hành hạ thì tác giả vẫn miêu tả nỗi đau đớn của nàng trong cái đẹp của màu hồng.

 “Hóa nhi thật có nỡ lòng 

Làm chi giày tía vò hồng lắm nao”

      Hay sự cảm thông trong muôn vàn đau đớn 

Thịt da ai cũng là người 

 Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau”. 

     Màu hồng đã chuyển dần từ sự biểu trưng sắc đẹp sang sự sống của nhân vật. Rồi khi Kiều khóc trong hoàn cảnh xa nhà thì Nguyễn Du đã miêu tả những giọt nước mắt ấy như là những giọt máu hồng.

 “Nhìn càng lã chã giọt hồng 

Rỉ tai nàng mới tỏ lòng thấp cao”. 

      Khi Kiều trao duyên cho Thúy Vân rồi đau khổ ngất đi thì 

“Kẻ thang người thuốc bời bời

Mới dầu cơn vựng chưa phai giọt hồng”

     Khi Kiều cảm thấy xấu hổ trước bài học của Tú Bà truyền cho để chiều lòng khách làng chơi thì nàng “ Dường chau vẻ ngọc dường phai vẻ hồng”… Trong cái không gian lầu xanh đầy tê tái ấy, màu hồng như vô tình sưởi ấm cho nàng, làm dịu bớt đi cái cảnh ngộ cô đơn ê chề trong đau khổ. Cái danh thiếp của chàng Thúc gửi đến cho nàng cũng có màu hồng.

 “Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi

Thiếp hồng tìm đến hương khuê gửi vào”.

      Đó là cái màu hồng của bàn tay cứu vớt. Nhưng rồi bất chợt đến khi Từ Hải xuất hiện thì cái lầu xanh rùng rợn ấy mới thực sự chuyển thành cái lầu hồng.

 “Thiếp danh đưa đến lầu hồng 

Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa”. 

     Đó là cái ưa của những kẻ tài hoa đỉnh ngộ, đó là màu hồng của hạnh phúc, của sự mừng rỡ, màu hồng của sự giải thoát… Thậm chí cái trát quan sai đi bắt Kiều về tra hỏi cũng có màu hồng “Phủ đường sai lá phiếu hồng thôi tra”.

     Có thể nói theo quan niệm mỹ học của Phương Đông, màu hồng là màu của cái duyên dáng thiếu nữ, là màu của sự ấm áp, của niềm vui, hạnh phúc. Hồng là màu trừ khử những cái hắc ám, tà ma. Nguyễn Du phủ quanh đời Kiều cái màu hồng ấy như là một màu sắc của tinh thần nhân đạo, của niềm tin vào tương lai nhân vật, của sự sống vươn lên và vượt qua mọi tai ách. Qua đó ta thấy tư tưởng tác giả và thái độ đối với nhân vật, với thời đại thông qua việc sử dụng màu sắc như một phương tiện và cứu cánh để đi đến chân – thiện mỹ.

     Ngược lại màu trắng sẽ biểu hiện đầy đủ sự tang tóc thê lương, lạnh lẽo và cả sự trong trắng của linh hồn người trinh nữ.

Sáng nay vô số lá vàng rơi

Người gái trinh kia đã chết rồi

Có một chiếc xe màu trắng đục

Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi

Đem đi một chiếc quan tài trắng

Và những bông hoa trắng lạnh người

Theo bước những người khăn áo trắng

Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.

  Viếng hồn trinh nữ – Nguyễn Bính


    Bên cạnh những vấn đề trên,  dưới góc nhìn thi pháp ta còn có cách nhìn chi tiết hơn ở các khía cạnh như cốt truyện, tình tiết truyện, kết cấu, thi pháp thể loại, thi pháp ngôn ngữ trong tác phẩm văn học một cách hoàn thiện hơn. Nếu nói tinh thần thi pháp tập trung ở bốn vấn đề chính  là quan niệm nghệ thuật về con người, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật và hình tượng tác giả trong sáng tạo nghệ thuật  thì hai trong bốn vấn đề mang tính cốt lõi nhất, tập trung phản ánh trong sáng tạo nghệ thuật nhất của mỗi tác phẩm đó chính là thời gian và không gian nghệ thuật.

     Thời gian nghệ thuật là chính là một hình tượng thời gian được sáng tạo nên trong tác phẩm nghệ thuật. Nó chính là một phương tiện để phản ánh đời sống và nó được rong ruổi ngược xuôi, đảo chiều  một cách tự do, không hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian vật lý. Nó luôn đóng vai trò là hình thức tồn tại, hình thức triển khai hành động , cảm thụ trong tác phẩm nghệ thuật. Trong thời gian nghệ thuật luôn tồn tại hai lớp là thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật. Trong thời gian trần thuật lại bao gồm nhiều thời gian khác nhau như thời gian nhân vật, thời gian tâm lý, thời gian tập thể, thời gian lịch sử, thời gian sự kiện… các thời gian này đi cùng với các chiều (quá khứ – Tương lai – hiện tại) để tạo nên cấu trúc thời gian hoàn chỉnh cho mỗi tác phẩm văn học. Ta thử đọc đoạn thơ sau của Nguyễn Văn Tài.

Không còn trẻ để cùng hoa phượng vỹ

Và cùng em trầm lặng dưới sân trường

Mùa hạ thoáng ngậm ngùi trong ý nghĩ

Dặm đường đời em có vẹn yêu thương ?

                              Trích Đường tim – Nguyễn Văn Tài

Bốn câu thơ mang một chuỗi thời gian tâm trạng, đứng ở cái thời gian  “  không còn trẻ ” để nhìn một dấu ấn kỷ niệm “ hoa phượng vỹ” và lui dần về quá khứ “cùng em trầm lặng dưới sân trường” rồi lại trở về hiện tại mùa hạ…ngậm ngùi và ý nghĩ trôi dần vào một tương lai nào đó đầy sự lo lắng pha chút trách hờn “Dặm đường đời em có vẹn yêu thương”. Một đoạn thơ ngắn nhưng có sự tổ chức thời gian tâm lý để làm nổi bật tâm trạng của nhân vật trữ tình , đưa người thưởng thức trôi theo mạch, nhịp của thời gian phiêu bồng lãng đãng vốn dĩ của dòng đời đầy bất trắc.

Cùng với thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật chính là cái mô hình nghệ thuật về cái thế giới mà con người đang sống, đang cảm thấy vị trí và số phận của mình trong đó. Và chính nó bao giờ cũng đi cùng với cảm xúc và ý nghĩa nhân sinh.

Không gian nghệ thuật không phải là không gian vật chất mà chủ yếu là không gian của tinh thần, không gian của tâm tưởng, cảm xúc, ước vọng, hồi tưởng… và nó cũng có nhiều lớp như không gian vũ trụ, không gian xã hội, không gian địa lý, không gian con người (không gian cư ngụ và không gian tâm tưởng). Tất cả những vấn đề của không gian nghệ thuật ta thấy nó thể hiện rất rõ trong các thể loại văn học. Thần thoại luôn gắn với không gian định tính, cổ tích gắn với không gian không cản trở, thơ cổ điển gắn với không gian vị trí… Có điều khác với thời gian, không gian nghệ thuật còn bị chi phối rất nhiều bởi tính dân tộc, tâm lý dân tộc. Chẳng hạn ta thấy rất cụ thể cái hồn tính đó trong hai câu thơ trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.

"Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái da da"

Người Việt thường rất ngại đi xa vì nơi chốn nhau cắt rốn chính là nơi sống ở thác về của mỗi con người, nơi đó có tất cả những gì quý báu nhất của tâm hồn. Cũng vì lẽ đó mà chuyến vào Nam nhậm chức Cung trung giáo tập là một việc hết sức khó khăn nhưng không thể từ chối được. Qua Đèo Ngang, một không gian quạnh quẽ hoang sơ dễ làm cho con người cảm thấy cô độc, chạnh lòng mà nhớ thương da diết. Tiếng chim cuốc, chim đa đa kêu chiều là tiếng gọi bầy lẻ bạn của đôi lứa sau một ngày đi kiếm ăn, đó cũng là tiếng lòng kín đáo của người phụ nữ đi xa nhớ nhà nhớ chồng ở nơi xứ lạ quê người. Cái không gian địa lý tràn ngập trong không gian tâm tưởng, không gian tâm tưởng chan hòa bất tận vào không gian vị trí của con người.

Văn học hiện đại có sự liên kết  thời gian hết sức phong phú và đa chiều để phản ánh thực tại xã hội cũng như những ước mơ hoài vọng của con người cần vươn tới.

Nhìn cá ngáp trong vuông đầy nước

Ta giang hồ đâu phải dễ ngươi

Em hữu hạn lụa là son phấn

Bùa nào thiêng buộc được chân người ?

                   Trích Nắng qua lăng kính – Khaly Chàm

     Vấn đề thi pháp học là một vấn đề lớn không phải trong vài bài viết mà nói hết được. Nhưng ngày nay, có thể nói đây là một trong những món ăn tinh thần thời thượng. Nó rất cần thiết trong việc nghiên cứu cũng như giảng dạy văn học trong nhà trường. Nó giúp chúng ta khám phá một cách chính xác các cấu trúc hình thức mang tính nội dung của tác phẩm văn học, phục vụ cho việc tìm hiểu nội dung tác phẩm một cách đích thực, hoàn toàn không có sự gán ghép hoặc cảm nhận thiếu cơ sở. Bên cạnh đó nó còn giúp chúng ta hiểu đủ, hiểu đúng các tác phẩm văn chương trong quá trình phát triển tư duy nghệ thuật, đánh giá đúng tư duy nghệ thuật của mỗi tác phẩm văn chương và hình tượng tác giả. Nhưng không sa vào hình thức chủ nghĩa.


ĐÀO THÁI SƠN


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​