Truyện ngắn của Trần Thúc Hà
(Nguồn: VNĐN số 33 – tháng 9 & 10 năm 2019)

Minh họa: Phạm Công Hoàng
Ngọn núi Quảng Đại Sơn thuộc huyện
Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải bên bờ biển phía tây nước Cao Ly. Núi không cao lắm,
cách thành trì Ủng Tân một quãng ngắn. Trên đỉnh núi có tảng đá bằng mà rộng.
Có một ông già đã sang tuổi tám mươi, khuôn mặt tinh anh hồng hào với chòm râu
bạc quCá cằm, dấp dáng một đạo sĩ, nhưng thân hình thon gọn bước đi chững chạc
mạnh mẽ của một lão tướng từng xông pha chiến trận. Cứ chiều chiều ông lên núi
ngóng về phương trời Nam vời xa với một nỗi buồn vô tận của người vọng cố quốc.
Ông thường thốt lên: “Ôi quê hương của ta! Biết bao giờ ta được trở về xứ sở
của ta” rồi rơi lệ. Nhìn thấy những giọt lệ buồn của người già trông thật
xót thương, đến cây cỏ cũng héo úa, đàn khỉ trên cây cũng lặng lẽ không đùa giỡn,
bỏ đi, con chim cũng thôi cất tiếng hót.
Cố quốc ơi!
Đấy là Hoàng tử Lý Long Tường.
Ông là con vua Lý Anh Tông. Ông được ban chức Thái sư Thượng trụ quốc, Đại đô đốc
thống lĩnh các hạm đội Đại Việt cuối thời nhà Lý. Trần Thủ Độ dùng mưu ép
Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, lập ra nhà Trần. Trần Thủ Độ
bắt tôn thất nhà Lý đày lên miền núi Cao Bằng; bắt tất cả dòng họ Lý đổi thành
họ Nguyễn. Trước khi rời bỏ Thăng Long, nhân ngày giỗ Lý Công Uẩn con cháu thân
thích nhà Lý tụ tập tại nhà thờ tổ bái lạy tổ tiên để ra đi. Trần Thủ Độ biết
được, cho đào hầm, làm máy sập tại bái đường. Khi ba trăm con cháu đang bái lạy
tổ tiên thì hầm sập, ba trăm con người vùi dưới hầm sâu. Sau vụ tàn sát đẫm máu
đó, Lý Long Tường Đại đô đốc các hạm đội đang đóng tại cảng Thần Phù, Thanh Hóa
biết thế nào mình cũng bị sát hại, và nhất là bài vị của chín đời vua sẽ bị Trần
Thủ Độ ném vào nơi ô uế, mà tội nặng nhất là con cháu không giữ gìn được bài vị
của cha ông, nên Lý Long Tường bí mật cùng mấy gia nhân thân cận ra Kinh Bắc,
Đình Bảng, tới Thái miếu bái lạy, thu gom các bài vị, các vương miện, các đồ tế
khí rồi trở vào Thanh Hóa. Đang đêm, gia quyến, các chiến binh sáu nghìn người
lên ba trăm chiến thuyền của ba hạm đội vượt biển hướng phương Đông Bắc mà dong
buồm.
Một tháng lênh đênh trên biển,
nhiều thân nhân gia quyến không quen với sóng gió, người vợ của Lý Long Tường
sinh bệnh, chết. Không có cách nào khác, Đại đô đốc đành ôm xác vợ ném xuống biển
khơi. Đi được vài mươi dặm thì bị bão đánh giạt vào biển Đài Loan. Người con
trai là Lý Long Hiển ốm nặng đành phải để lại Đài Loan với ba trăm thân nhân và
chiến binh. Nhiều tướng lĩnh đô đốc khuyên xin trú chân tại Đài Loan nhưng Đại
đô đốc nói: Trần Phú, sứ nhà Trần sang Tống cầu phong, Thiên tử nước Tống đã
chuẩn y ngôi vua cho Trần Thái Tông, mà Đài Loan là chư hầu của Tống, nhất định
họ không để ta yên.
Sau khi mua thêm nước ngọt và
lương thực của cư dân ven đảo, hạm đội lại đi tiếp. Qua một hòn đảo không người,
hạm đội ghé vào trú chân, tu sửa lại chiến thuyền. Đại đô đốc họp cùng các tướng
lĩnh chỉ vào tấm hải trình nói: Chừng vài trăm dặm nữa đến nước Cao Ly. Nước
Cao Ly cách ta hàng ngàn dặm, khởi thủy cho đến bây giờ chưa có một cuộc bất
hòa nào, chỉ có mối bang giao khi sứ thần hai nước về chầu thiên tử Trung Hoa.
Ta đến đấy nhất định dung thân yên ổn. Hạm đội lại dong buồm, chừng tháng nữa.
Một hôm chân trời phía đông chợt ráng đỏ bầm như máu xuất hiện, Đại đô đốc lệnh
cho các hạm đội căng buồm, các tay chèo phải ráng hết sức mình lao về phía đất
liền mờ mờ xa mà Đại đô đốc vừa nhìn thấy qua kính viễn vọng. Nhưng không kịp,
chỉ cách bờ vài hải lý bão đã ập đến. Chiến thuyền của hạm đội chao đảo dập
dình như những chiếc lá tre trong ao đánh dạt vào bờ. Hạm đội mất hai chiến
thuyền bị đánh vỡ khi gặp đá ngầm trong cơn bão. Năm mươi chiến binh chỉ còn sống
sót ba mươi người nhờ bám vào các mảnh ván.
Bão tan. Đại đô đốc cho các thuyền
chiến neo đậu xa bờ, xếp hàng thứ tự kề bên nhau như là lúc đậu trong hải cảng
nghỉ ngơi để cho quân binh ở trong đất liền nhận ra đoàn thuyền chiến này không
có ý gây hại. Đại đô đốc lại mở tấm hải đồ nói với các tướng lĩnh ta đã đến đất
Cao Ly, nhưng không biết đây là đâu rồi cùng hai tướng tâm phúc lên bờ bằng chiếc
thuyền nhỏ. Thời ấy các nước Nhật Bản, Cao Ly, Đại Việt cùng đồng văn với Trung
Hoa, quân binh Cao Ly viết mấy chữ Hán trên cát, Lý Long Tường đọc được đây là
huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải. Họ đưa toán người Đại đô đốc vào thành Ủng Tân.
Lý Long Tường bút đàm với viên quan huyện Bồn Tân Phát Khuê Hòa. Đâu chừng hơn
một khắc, quan huyện biết đây là hạm đội của Đại Việt đi lánh nạn, xin đến trú
ngụ trên đất Cao Ly. Quan huyện nói việc đại sự, quan huyện sẽ vào triều tâu
trình với vua. Rồi sai người đưa Lý Long Tường nghỉ ngơi ở lữ quán.
Quan huyện Bồn Tân vào chầu vua,
tấu trình: Hoàng tử Lý Long Tường con vua Lý Anh Tông, Đại đô đốc các hạm đội của
Đại Việt. Triều Lý bị diệt. Trần Thủ Độ truy bắt tôn thất nhà Lý nên vượt biển
đến đất Cao Ly xin lánh nạn. Nghe tâu thế, vua Cao Ly Cao Tông Vương Hạo vô
cùng mừng rỡ. Bởi trước đó, vua nằm mộng thấy một con chim phượng hoàng rất lớn
đậu xuống kinh đô. Các nhà chiêm tinh giải mộng phượng hoàng là vua của các
loài chim. Như vậy, sẽ có một vương tôn hoàng tử nước nào đó sẽ đến giúp vua
trước mối đe dọa của quân Nguyên Mông, Hoàng tử này đến là ứng với mộng. Vua
còn hỏi thêm hình dáng biểu hiện bên ngoài của người xin tị nạn. Quan huyện
tâu: Người to cao, cường tráng của con nhà võ, nhưng đôi mắt bừng sáng, vừng
trán thanh cao của một thức giả tài ba. Vua Cao Tông thưởng cho quan huyện mấy
lạng bạc rồi nói: Hãy chăm sóc quân binh của Đại đô đốc không thiếu cơm ăn và
nước uống. Ở huyện đường có phương tiện gì sang trọng và nhanh nhất đưa Đại đô
đốc về kinh đô cho ta.
Sau mấy ngày chờ đợi thấp thỏm lo
âu. Nhưng khi thấy nét mặt hồ hởi phấn chấn của quan huyện đến truyền lệnh mời
Đại đô đốc về kinh, Lý Long Tường vô cùng mừng rỡ, biết nhà vua đã chấp nhận lời
thỉnh cầu của mình.
Xe bốn ngựa, có rèm che đưa Lý
Long Tường về kinh thành Cao Ly.
Trong triều, vua Cao Tông ngự
trên ngai vàng. Dưới thềm Lý Long Tường cúi rạp đầu rồi ngẩng lên tung hô Đức
vua vạn vạn tuế. Trên gương mặt tinh anh, phúc hậu của đấng quân vương nở một nụ
cười, Nhà vua nói: Ta miễn lễ. Người hãy xích lại gần ta chút nữa. Sau khi vấn
an ba quân của hạm đội cùng Đại đô đốc nhà vua nói: Ý nguyện của Đại đô đốc đến
nước ta là gì? Lý Long Tường khẽ tâu: Muôn đội ơn Hoàng thượng cao cả của đất
nước thuần phong mỹ tục có nền văn hóa lâu đời, con người nhân hậu, phong cảnh
hiền hòa và xinh đẹp. Hạ thần xin được cư ngụ trên đất nước Cao Ly, được ra
khơi đánh cá, được có ruộng để cấy cày và lập miếu tôn thờ các vị của dòng họ
Lý. Được như vậy, nhà vua cần đến việc gì hạ thần dẫu có vào con đường chết
cũng không dám từ nan. - Ta chấp nhận lời thỉnh cầu của nhà ngươi. Ta muốn nói
triều nhà Lý là một quốc gia cường thịnh, dân chúng ấm no, hùng mạnh quân binh,
biên cương kẻ địch không dám xâm lấn. Nhà ngươi là một hoàng tử, một đại công
thần, là Đại đô đốc của hạm đội hùng mạnh, ắt ngươi là một tinh hoa trong số
tinh hoa của Đại Việt. Lý Long Tường vái lạy rồi nói: Đức vua quá khen. Hạ thần
cũng chỉ có chút tài mọn mà thôi. Nhà vua nói: Ngươi quá khiêm nhường. Ta muốn
biết ngươi giúp được gì cho bản quốc Cao Ly của trẫm? – Tâu bệ hạ: Thần xin đem
chút hiểu biết nông cạn mà nhờ đó Đại Việt được mở mang cường thịnh kính dâng
lên bệ hạ. – Ngươi nói cho ta hay. – Tâu đức vua anh minh, đó là xin mở trường,
võ thì luyện binh pháp, tinh thông võ nghệ, văn thì phép trị nước, đạo vua –
tôi, cha - con và mở mang chữ nghĩa cho dân chúng. Nhờ những điều đó mà Đại Việt
dưới triều Lý rạng rỡ. Nhà vua nói: Nước Cao Ly ta trị quốc giữ nước cũng dựa
trên những điều gần như thế. Nhưng hẳn không thâm hậu sáng tạo bằng Đại Việt.
Nay Đại đô đốc đem những tinh túy ấy truyền vào đất Cao Ly của ta khác nào cá gặp
nước, rồng gặp mây. Bây giờ Đại đô đốc về trước. Ta sẽ cử một đại thần đến giúp
sức.
Được phép của vua Cao Ly, tại Ủng
Tân Lý Long Tường cho lập một ngôi đình giống như những ngôi đình tại cố quốc,
đưa bài vị của dòng họ Lý vào thờ ở gian giữa, phía trước là một khoảng rộng
cho những người Đại Việt theo đoàn quân vượt biển tụ họp ngày Tết, ngày lễ cúng
bái không khác gì ở quê hương. Quan quân của hạm đội Lý Long Tường chia làm ba.
Một số dùng thuyền chiến ra khơi đánh cá. Một số làm ruộng làm nương trồng lúa,
ngô, khoai trên đất của triều đình cấp cho ở ngoại thành Ủng Tân. Số còn lại,
trông coi chiến thuyền. Nhờ vậy, cuộc sống sáu nghìn người được an cư lạc nghiệp.
Có người nên vợ nên chồng với dân bản địa.
Nhà mở lớp học có tên là Độc Thư
Đường năm gian đã dựng xong trong thành Ủng Tân. Lý Long Tường chọn những võ
quan tinh thông binh pháp, võ nghệ cao cường, những văn quan thông làu kinh sử,
phép trị nước trong quân làm trợ giảng cho mình. Không những quan quân huyện Bồn
Tân mà các nơi nghe tiếng cũng đến xin học. Học trò đông có đến gần nghìn người.
Viên đại thần được vua Cao Ly phái đến giúp đỡ Lý Long Tường đã tấu về triều
đình rằng binh pháp, bày trận xưa nay từng sử dụng, nhưng Đại đô đốc nhà Lý biết
biến hóa không ngừng cả công lẫn thủ trên biển cũng như trên bộ. Về văn thì tổ
chức thi cử để chọn hiền tài, luật pháp thì thấu tận người dân, thờ cúng ông bà
tổ tiên là điều vô cùng thiêng liêng với con cháu, làm cho dòng họ xóm làng
khăng khít với nhau, sống trong phong mỹ tục của cha ông để lại.
Đất nước Cao Ly cũng được thời
gian yên ổn. Năm 1231 do thám báo về Đại hãn Oa Khát Đài chuẩn bị xâm lăng Cao
Ly. Lúc bấy giờ Lý Long Tường đã 58 tuổi, đến đất Cao Ly được năm năm. Vua lệnh
cho Lý Long Tường tu sửa các chiến thuyền và mộ thêm binh sĩ để chống quân
Nguyên Mông và giao cho Lý Long Tường cùng quân binh trấn giữ thành Ủng Tân
cùng mặt biển Bồn Tân. Được làm tôi, được ân sủng cùa nhà vua Cao Ly, và đây
cũng thể hiện chí can trường, lòng tự tôn của một thần dân Đại Việt, tinh hoa của
triều Lý, nên chỉ trong một tháng hạm đội của Lý Long Tường đã có năm ngàn chiến
binh cả thủy lẫn bộ, cùng các đoàn quân Cao Ly bảo vệ thành hơn ba ngàn chiến
binh, trong đó nhiều tướng trận đã học trường võ của Lý Long Tường sẵn sàng
giao chiến. Lý Long Tường còn cấp tốc cho xây thêm thành đất ở trong thành
Ủng Tân gọi là thành An Nam. Lấy tên An Nam là để ghi nhận một công trình quân
sự phòng thủ của người Đại Việt trên đất Cao Ly. Huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải người
không đông dân không giàu, cách kinh đô vài trăm dặm, nhưng nằm ở giữa nước Cao
Ly. Muốn chiếm kinh đô thì nhất thiết kẻ địch sẽ có một cánh quân đánh chiếm
thành trì ven biển nơi đây, cắt đứt quân binh miền nam về cứu viện kinh thành.
Đúng như dự đoán của nhà vua Cao Tông. Năm 1232 đại quân Mông Cổ xua quân tiến
đánh Cao Ly. Một cánh quân đánh thẳng vào kinh đô. Cánh quân thứ hai dùng thủy
binh đánh vào Ủng Tân. Thuyền chiến của quân Nguyên Mông rợp cả mặt biển đông gấp
ba lần hạm đội của Đại đô đốc tiến sát vào bờ. Hạm đội của Đại đô đốc nghênh
chiến. Giáo dài, câu liêm lao vào quân Mông Cổ. Mặt biển loang máu. Đại đô đốc
đứng trên đài quan sát, thấy chiến trận quân Nguyên lấn át quân của Đại đô đốc,
nên truyền tin phất cờ lệnh cho hạm đội rút chạy, nấp vào sau một đảo gần đấy,
đợi lệnh.Viên tướng phòng vệ sơn thành đốc binh người Cao Ly Kim Vạn Khuê giữ
thành Ủng Tân nói: Tại sao lại cho thủy quân tháo chạy, quân Nguyên dễ dàng đổ
bộ lên bờ, thành Ủng Tân sẽ nguy khốn. Mất thành là đầu của Đại đô đốc rơi xuống
đất đấy! Lý Long Tường đáp: Thưa tướng quân! Xin vững dạ. Không những đầu tôi
rơi xuống đất mà bài vị đồ cúng bái tổ tông tôi vượt vạn dặm lại để quân giặc
dày xéo. Vung kiếm ánh thép ngời sáng, Lý Long Tường nói tiếp: Bây giờ tôi lên
thành với quân sĩ. Khi thấy thủy quân của Đại đô đốc rời chiến trận, quân
Nguyên ào ạt đổ bộ lên bờ tiến về thành Ủng Tân. Thành Ủng Tân kháng cự. Chúng
tràn được một đoạn của thành ngoài, Lý Long Tường ra trận thường mặt áo trắng cỡi
ngựa trắng thét lên: Hỡi các chiến binh Đại Việt, vì danh dự của Đại Việt, vì
ân tình của vua Cao Ly hãy xông lên, rồi vung kiếm cùng quân binh trong thành
An Nam ra phản công. Vệt áo trắng đi đến đâu quân Nguyên ngả rạp đến đấy. Chưa đầy
nửa khắc, quân Nguyên bị đánh bật ra ngoài thành. Quân Nguyên Mông mấy lần công
thành không chiếm được thành mà thiệt hại quá nhiều, chúng bèn chuyển qua thế
bao vây thành. Cùng lúc đó, Đại đô đốc cho ngựa phi hỏa tốc đến hạm đội đang nấp
sau một hòn đảo, lệnh cho hạm đội quay lại đốt phá chiến thuyền của Nguyên
Mông, rồi đổ bộ lên bờ đánh thọc hậu quân Nguyên đang vây thành. Một số ít giữ
thuyền của quân Nguyên không làm sao chống chọi với thủy quân của Đại đô đốc,
chúng vội chạy lên bờ kêu cứu quân vây thành làm cho tướng lĩnh của quân Nguyên
hoang mang. Đúng lúc ấy, Đại đô đốc cho nổ pháo lệnh, quân trong thành đánh ra
quân dưới biển tràn lên vây kẹp quân Mông. Chúng bèn tìm đường thoát thân về
phía cánh quân đánh vào kinh đô.
Sau trận chiến thắng quân Nguyên,
nhà vua ban cho ba mươi dặm vuông đất, hai mươi hộ để làm thực ấp và phong Lý
Long Tường làm Hoa Sơn tướng quân.
Hai mươi năm sau, Đại hãn Mông Ca
điều binh tấn công vào Cao Ly. Đây là lần thứ hai chúng đem đại binh tấn công
vào Ủng Tân, Hoàng Hải. Bấy giờ những chiến binh người Đại Việt phần đông đã
ngoài năm mươi, Đại đô đốc Lý Long Tường cùng gần tám mươi. Tuy vậy, Lý Long Tường
vẫn duy trì được quân đội bằng cách tuyển chọn con cái của binh lính Đại Việt
cùng những tráng niên bản xứ độ tuổi trên dưới hai mươi bổ sung cho quân binh.
Xâm lược lần này cũng như lần trước. Một đạo quân kỵ binh hùng hậu theo đường bộ
từ biên giới phía Bắc tràn xuống đánh vào kinh đô Khai Thành. Ở mặt trận Khai
Thành liệu khó bề chống cự, nhà vua Cao Tông đang đêm lệnh cho toàn quân và dân
chúng trong thành theo những đường hầm bí mật rút ra khỏi thành để bảo toàn lực
lượng. Phía mặt trận Hoàng Hải, nguyên soái Đường Cơ của quân Nguyên Mông dẫn
ba vạn quân bộ và thủy đổ bộ lên cửa lạch Khang Linh, tiến về vây thành Ủng
Tân. Đại đô đốc Lý Long Tường lãnh đạo quân và dân địa phương đánh trả. Trước
đó, Đại đô đốc đã cho dân chúng trong thành lánh về hòn đảo Xương Lân. Lệnh cho
quân binh tăng cường các chiến cụ, dự trữ lương thảo và các chiến binh Đại Việt
đến bái đường đình làng Việt thề quyết chiến không cho giặc chiếm thành. Hai
người con của Đại đô đốc là Lý Cán và Lý Nhất Thanh, tuổi mới hai mươi, mỗi người
trấn giữ một góc thành. Ngày mới được vua Cao Ly cho ruộng đất, Đại đô đốc cùng
năm quân binh tìm đến một phú ông họ Vương trong vùng để biết thời tiết lúc nào
thì gieo lúa, lúc nào xuống giống trồng ngô. Đến nơi thấy Vương ông cùng cô con
gái Vương Lệ Vi bị bọn cướp bắt trói, cướp vàng bạc nên đã vung kiếm. Cảm ơn cứu
mạng Vương ông gả con gái cho Lý Long Tường. Vương Lệ Vi sinh được hai trai.
Hai đứa trẻ mang hai dòng máu Đại Việt Cao Ly thông minh từ nhỏ. Sáu tuổi đã biết
múa kiếm, mười lăm tuổi thông thạo bày trận trên đất trên biển. Quân Mông bao
vây thành. Cứ mỗi đợt công phá thành đều bị đánh trả. Những tên sống sót lăn lộn
vì các chảo dầu sôi trên thành đổ xuống, lửa cháy khắp người; vì những tảng đá
trên thành lăn xuống đè bẹp giặc vây thành, chúng la hét khóc lóc làm cho lính
quân Nguyên nhụt chí chiến đấu. Tuy thế, ròng rã mấy tháng trời chúng vẫn vây
thành mà không sao chiếm được thành. Hao quân, thiếu lương thực, lại bị quân thủy
chiến của Đại đô đốc bỏ thuyền lên bộ, cứ từng tốp năm bảy người đang đêm liên
tiếp quây rối không giờ nào ngưng làm cho quân binh của giặc mệt mỏi, lo sợ.
Trước mặt có quân trên thành, sau lưng có quân thuỷ chiến của Đại đô đốc tạo
thành một thế trận bao vây, quân Nguyên ngày nào cũng bị tiêu hao nặng nề, nguy
cơ bại trận của Nguyên Mông sắp đến nơi. Nguyên soái Đường Cơ biết viên tướng
thống lĩnh ba quân giữ thành là một người Đại Việt Đại đô đốc Lý Long Tường thiện
chiến trên biển, giỏi bày trận trên đất liền, hai mươi năm trước đã đánh bại tướng
của Oa Khoát Đài. Qua mấy tháng giao tranh vây hãm thành mới thấy tài năng chiến
trận của viên tướng Đại Việt mà quân số không đến tám nghìn người, cố thủ trong
một thành rộng không đến vài mươi dặm vuông. Đường Cơ lượng sức không thể thắng
được viên tướng này trên chiến trận. Đường Cơ dùng mẹo là cho sứ giả mang cờ trắng
vào thành và năm hòm lớn bọc vải điều nói rằng vàng bạc châu báu làm quà để
thương nghị, xin lui binh. Nhưng trong mỗi hòm đều có một tên thích khách mang
kiếm ngắn nằm trong đó. Khi nắp hòm mở thì bọn này vùng dậy rút kiếm tấn công.
Đại đô đốc cho lính ra dẫn sứ giả vào. Năm hòm châu báu được đưa vào hậu phòng.
Đại đô đốc biết mưu của chúng, cho người đục lỗ rồi rót nước sôi vào. Năm hòm
châu báu vàng bạc được đưa ra trước mặt sứ giả. Đại đô đốc nói để hai bên cùng
chứng kiến món quà quý hóa của Đường Cơ dâng, xin sứ giả cùng mở nắp hòm. Cả
năm hòm bọn thích khách nằm ép trong đó chết chín như luộc. Đại đô đốc vuốt
chòm râu quá cằm mỉm cười: Xin sứ thần mang về cho nguyên soái Đường Cơ. Nguyên
soái Đường Cơ toát mồ hôi lạnh khi thấy sứ giả khiêng về năm hòm và những xác
chết. Chiến trường không thắng được, càng đánh càng hao quân, binh lương dần cạn
kiệt, dùng mưu cũng không lừa được viên tướng già người Đại Việt, nguyên soái
Đường Cơ đành phải cho sứ giả vào thành mang thư cầu hòa: Nguyên soái Đường Cơ
xin lui binh về nước. Quá trình triệt binh quân Cao Ly không đánh đuổi. Được
như vậy, quân Mông Cổ thề không bao giờ trở lại xâm chiếm nước Cao Ly. Thuận
tình, xin hẹn nơi ký kết. Đại đô đốc cho họp các tướng lĩnh bộ tham mưu cả người
Việt lẫn người Cao Ly để luận bàn. Cao Ly là một đất nước văn hiến từ xưa chuộng
bình yên hơn là xáo động, dân chúng lấy tình nghĩa mà sống bên nhau. Dân Đại Việt
vốn giàu lòng vị tha, biết nhường nhau bát cơm manh áo trong khó khăn hoạn nạn;
cả hai đều thờ đạo Phật nên lấy lòng từ bi bác ái mà cư xử. Thư phúc đáp: Địa
điểm ngoài thành Ủng Tân. Quân nguyên Mông phải lùi xa cách thành Ủng Tân mười
dặm. Chủ tướng của hai bên chỉ được mang theo hai quan văn để thảo cam kết. Tất
cả hai bên không được mang binh khí. Sau một ngày văn bản được ký, quân Nguyên
lập tức rút quân. Hạn trong mười ngày không một bóng quân Nguyên nào còn lại
trên đất Cao Ly.
Nhân dân các nơi, trên đảo Xương
Lân trở về hò reo tung hô các tướng lĩnh và ba quân đã đuổi quân giặc ra khỏi
quê hương của họ. Đi đâu, thấy người mặc binh phục màu trắng cỡi ngựa trắng đều
reo lên chỉ cho nhau: Bạch mã tướng quân! Bạch mã tướng quân người Đại Việt đã
giữ thành cho chúng ta.
Đất nước thanh bình, cuộc sống
sung túc, danh vị cao sang, được nhân dân Cao Ly kính trọng cũng không làm cho
nỗi nhớ cố quốc của Lý Long Tường nguôi ngoai. Tuổi càng cao nỗi vọng nhớ quê
hương như keo sơn càng quánh đặc lại. Ôi một con chim bay về phương Nam cũng
làm cho Lý Long Tường vời vợi ước mong như cánh chim. Chim ơi, hãy sà xuống hồ
Dâm Đàm nơi ta cùng người vợ bơi thuyền ngắm cảnh chiều thu dịu ngọt; nơi ta
thao diễn thủy quân hùng mạnh cho vua ta ngự lãm. Chim ơi, hãy ghé vào nơi liền
anh liền chị lắng nghe khúc ca quan họ đậm tình yêu thương gái trai và nước non
trong những ngày hội. Chim ơi, hãy đến Thi đường Văn Miếu Quốc tử giám nơi ta từng
dùi mài kinh sử, nơi ta cùng các thi nhân chốn Thăng Long ngắm nguyệt bình thơ
bên chén rượu cùng các ca nương xinh đẹp. Nhớ lắm! Ta nhớ lắm như trẻ thơ mong
ngóng mẹ đi chợ về, như người tình đứng đợi bên gốc đa, như người vợ đêm đêm cô
quạnh nhớ người chồng ngoài biên ải. Ôi có gì bằng nỗi buồn nhớ nhung của người
có quê mà đành biệt ly!
Không một chiều nào Lý Long Tường
không lên núi Quảng Đại Sơn ngóng về phương Nam mà tưởng vọng, mà khóc than.
Nơi ông đứng đá như lún xuống, như níu chân ông lại. Nỗi buồn dâng trào thì nỗi
đau cuộn sóng. Người vợ hiền của ta ơi! Ta phải ném xác của vợ ta xuống biển
khơi, lòng ta đau đớn quặn thắt như có ai đó cào xé ruột gan của ta. Bấy giờ ta
không dám khóc. Nước mắt rơi lúc này làm cho ba quân nhũn chí. Trong cuộc sống,
trong những nỗi đau không gì ám ảnh xé lòng bằng thi thể người thân ruột thịt
chết không được khâm liệm, không được chôn cất tử tế mà để cho cá rỉa xác, nắm
xương tàn trôi dạt biển sâu. Và con ta không biết sống chết nơi nào ở hòn đảo
Đài Loan?
Lý Long Tường là người tài ba
thao lược, điều khiển ba quân, kinh sách thông làu, chia chữ cho thiên hạ. Lý
Long Tường hiểu thấu mây trời, tinh thông địa lý, vận hành của vũ trụ, sinh lão
bệnh tử cho một đời người, quốc gia thịnh suy cho một triều đại. Đinh tàn thì đến
triều Lê. Lê sụp đổ thì Lý lên thay. Lý mạt thì Trần lên trị vì đất nước. Đó là
chuyển vận của tạo hóa. Không ai có thể níu kéo cuộc xoay vần muôn thưở đó. Vậy
nhà Lý đã để lại những gì? Nhà Lý đã xây nên một thời thịnh trị quốc gia hùng
cường, dân ấm no mà các triều đại, các đấng quân vương trước chưa làm được như
thế. Nhưng khi không được lòng muôn dân, triều chính bê bối, vua sao lãng bất
tài, để quần thần bè phái, gian thần lộng hành thì sụp đổ. Không Trần Thủ Độ
tài ba nhưng lắm mưu mô dựng lên nhà Trần thì cũng có một vĩ nhân xuất chúng họ
Nguyễn, họ Phan, họ Đặng nào đó đứng lên thay đổi triều đại đã suy tàn. Không đổi
thay quốc gia suy vong, dân chúng lầm than đấy là tội lỗi của những anh hùng
hào kiệt, của những vĩ nhân. Nhà Trần dành lấy, cứu vớt non sông cũng là điều
may cho đất nước, không có gì phải thù hận. Lý Long Tường một thức giả, một
danh tướng, một tấm lòng bao dung độ lượng đã gạn đục khơi trong, quên đi những
chuyện buồn đau mà vun vén những điều tốt đẹp làm cho lòng mình bớt hận. Lý
Long Tường nghĩ tiếp, giá như ông được thay Trần Thủ Độ, là người quân tử nhân
từ thì khi nhà Lý chuyển giao non sông cho nhà Trần một cách yên bình như Thái
hậu Dương Vân Nga trao áo bào cho Lê Đại Hành lên ngôi, thì hãy dung tha cho
con cháu nhà Lý, không đẩy họ rời bỏ quê hương, mà phải lên miền ngược, không
truy đuổi họ khắp nơi, không hãm hại họ khi họ tụ tập ở đình miếu cha ông. Những
điều đó chỉ là tàn bạo độc ác, càng làm thêm đau lòng, oán hận mà thôi. Lịch sử
mãi mãi khắc sâu.
Đất nước Cao Ly đã yên bình. Bấy
giờ Lý Long Tường đã tuổi tám hai, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng chiều nào Lý
Long Tường cũng lên núi Quảng Đại Sơn ngóng về cố hương.
Có ông già tuổi chừng sáu mươi
cùng người con trai còn trẻ làm ruộng ở dưới chân núi Quảng Đại Sơn. Lần đầu
khi Lý Long Tường lên núi vọng cố hương ông nhận ra Hoa Sơn tướng quân, Bạch tướng
quân người Đại Việt đã hai lần đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lược Cao Ly ông vội
chắp tay vái và mời vào nhà. Từ đấy, mỗi lần lên núi Lý Long Tường đều ghé vào
nhà lão nông trò chuyện. Ông già bao giờ cũng pha sẵn một bát trà sâm để cho Lý
Long Tường thêm sức mà leo núi. Hôm nay cũng vậy. Nhưng khi vừa đưa bát nước
trà sâm lão nông thoáng nỗi lo âu khi thấy Lý tướng công dáng mệt mỏi. Ông nói:
Thưa tướng công! Hôm nay thần sắc của tướng công không được khoẻ, xin tướng
công đừng lên núi nữa. Lý Long Tường nói: Cảm ơn lão nông. Ta còn sức. Một ngày
ta không lên núi vọng cố hương thì như trong con người ta đã chết.
Không cản được tướng công, ông
già ái ngại nhìn bước chân tướng công chậm rãi không thoăn thoắt như mấy hôm
trước. Được một lúc vào ngồi ra đứng lòng bồn chồn ông linh cảm một điều gì đó
sẽ đến với tướng công. Ở kho, đứa con trai của ông đang cho thóc vào bao bì để
ngày mai lên chợ bán, ông bảo con: Cha thấy tướng công hôm nay không được khỏe.
Con hãy lên núi có điều gì giúp tướng công một tay. Quả đúng như thế! Núi không
cao lắm, chỉ hơn trăm bậc. Những bậc cuối cùng Lý Long Tường không phải đi mà
bò. Anh con trai vội hấp tấp bước lên đỡ Lý Long Tường dậy: Xin tướng công xuống
núi! Lý Long Tường nói: Cảm ơn con. Con dìu ta lên đỉnh. Dẫu có chết ta cũng phải
nhìn về cố hương ta lần cuối. Lên đỉnh núi Lý Long Tường gượng đứng thẳng người
ngước nhìn về phương Nam, trào nước mắt, thốt lên: Cố hương ơi! Tướng công chới
với, người con trai đã kịp đỡ tướng công. Rồi cõng tướng công xuống núi.
Hôm sau, liệu khó qua khỏi cái chết,
Lý Long Tường cho gọi con cháu đến, ông nói: Số trời cho ta đến đây, phận ta
không được về cố hương. Ta có đôi điều cho con cháu: Ở đâu, làm gì đều phải nhớ
rằng chúng ta là con cháu Tiên Rồng. Ta chết hãy chôn ta trên núi cao hướng về
Nam, để hồn ta luôn vọng về quê hương.
Vài hôm sau, một cánh chim phượng hoàng bay về phương Nam.
T.T.H