(Đọc Người Chợ Kệ, tập truyện ngắn của
Dương Đức Khánh. Nxb HNV 2018)

Truyện
ngắn của Dương Đức Khách cuốn hút người đọc ở cá tính sáng tạo độc đáo, điều
này không phải nhà văn nào cũng có được ngay từ tác phẩm đầu tiên. Tập truyện Người Chợ Kệ chứa đựng đầy đủ những nét
riêng của ngòi bút Dương Đức Khánh. Vì thế, đọc truyện ngắn Dương Đức Khánh vừa
có cái thú của những câu chuyện hay vừa có cái khoái cảm khám phá con đường
sáng tạo của nhà văn.
NGƯỜI CHỢ KỆ
Sông
Bồ là một con sông nhỏ phía bắc thành phố Huế, một phụ lưu của sông Hương. Chợ Kệ
là tên người ta đặt cho một cái chợ ở làng Thanh, một ngôi làng ven sông Bồ. Bối
cảnh truyện là những năm chiến tranh: từ những năm 1969-1970 (truyện Võ Thần) đến năm 1973, rồi di tản và Giải
phóng 1975 (Hoa mai bảy cánh) và những
năm sau đó… Đó là những câu chuyện ở một vùng quê có tới “70% gia đình xếp loại ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”
(tr.25), “Rất nhiều nhà có người tham gia cả hai bên”(tr.24). “ban ngày lính tráng đầy đường nhưng đêm nào
Việt Cộng cũng về làng như đi chợ” (tr.55). Cái thời mà “người làng chết bom chết đạn không kể hết”
(Một ngày tao loạn-tr.87).
Người Chợ Kệ là những con
người có “bản chất xuề xòa, nhân hậu của
những lớp người quê bao đời nghèo khó” (tr.8). Các nhân vật đều là những người
quen, người thân, người trong gia đình của tác giả. Đó là những người bạn thời trẻ
con của tác giả như: Cu Đen, Cu Lãng. Những người trong
gia tộc:
“Nội tôi có ba người con trai. Bác Trực
đi tập kết từ hồi năm tư. Cha tôi theo du kích được mấy
tháng thì hy sinh ngay tại làng. Chú Cương con út nên mệ nội coi như cục vàng”(tr.53). Cậu Tôn Thất Triêm là em kế mạ tôi, và dì Khuê. Dân làng có Mụ Thợ Rèn, Chú Tùy Say, Chú
Đún “chủ soái” môn võ
phái Thần Quyền”, thương
binh Trần Khỉ, Ông Bùi Còm thợ may, bác Bốn Cụt thợ gò thiếc,
Chú Lặn thợ cắt tóc, anh Ích thợ chụp ảnh; Chú Sanh xóm Hói, theo Việt Cộng bị sát
hại phơi xác ở ngã ba đường (tr. 94) Anh Bảy Đòn Gánh là Phó trưởng ấp Rạch
Tre kiêm công an những năm 1979-1980…
Dương
Đức Khánh không ca ngợi kỳ tích của chủ nghĩa anh hùng cách mạng như truyện thời
kháng chiến, mà chọn những con người có cá tính, có hành động khác người, có những
số phận góc cạnh. Không miêu tả những trận đánh long trời lở đất hay những mất
mát hy sinh núi xương sông máu mà chọn những chuyệt “tào lao xit bộp” (tr. 19), những chuyện “trạng” (tr.23) trong nhân dân, những chuyện khi “Tản cư tản cối giặc giã sống rày chết mai, vậy mà nhớ nhiều chuyện vui
đáo để” (tr.71),
cả chuyện “cười nôn ruột” khi lính Mỹ đi càn, cầm lựu đạn dứ dứ
trên miệng hầm (tr.90).
Nhân
vật Trần Khỉ, thương binh chiến trường K, có nhiều“trò khỉ”. “Từ hồi nhỏ anh ta
đã loi choi như ‘khỉ mắc phong’, lí lắc, phá phách cả nhà kêu trời. Càng lớn
lên càng ‘khỉ’, nghich ngợm, lém lỉnh đủ trò. Tới lớn tồng ngồng tật khỉ vẫn
không bỏ. Năm 18 tuổi Trần Khỉ đăng ký đi nghĩa vụ, trước khi lên đường, anh Khỉ
bày ‘trò khỉ’ cho đám con nít…”(tr.37). Nhưng Trần Khỉ
cũng đầy tình nghĩa với đồng đội. Anh xin tía anh đất làm lán trại, và đưa đồng
đội thương binh về sản xuất tranh kiếm sống, tình thân như ruột thịt. Nhân vật
Cu Lãng (Một ngày tao loạn), năm tám tuổi
chết hụt bởi một loạt tiếng nổ “trời giáng”,
từ đó mắc chứng “lãng tai”.”Suốt tuổi thơ …đầy dẫy những trận hú hồn hú
vía’, những điều kỳ lạ…”. Chú Cương (Người
thợ mã), đẹp trai tốt tướng, mặt mũi tướng mạo phải là quan hàng tá hàng tướng
(tr.
53) Vậy
mà chú rớt Tú Tài, mệ gửi chú vô lực lượng
nghĩa quân, rồi sang lực lượng xây dựng
để khỏi bị bắt quân dịch. Cuộc đời chú lăn đi giữa giòng chảy cuồn cuộn của thời
cuộc với những tình huống vừa quyệt liệt vừa không nhịn được cười. Ngày Giải phóng
sắp đến, người ta bỏ chạy, chú cũng di tản. Bọn lính rã ngũ tưởng chú là trung úy, chúng thoi cho mấy cái rồi bỏ
đi. Giải phóng về, nhìn tướng chú hàng tướng tá, người ta cho chú đi cải tạo
theo diện sĩ quan. Bác Trực đi tập kết về, hỏi thằng Cương đâu. Khi đi qua chỗ
tiệm ảnh, nơi ấy còn chưng ảnh chân dung của chú được phóng ra để quảng cáo, người
lính cận vệ nói: đồng chí ấy phải làm cấp “trung
ương”. Nghe vậy bác Trực có vẻ giận dữ… Thế nghĩa là, cả hai phía đều coi chú là
thành phần sĩ quan, tướng tá, tức là
đối tượng quan trọng đứng về phía kẻ thù. Với cái nhìn ấy, người ta đã hành khổ
chú, trong khi chú chỉ là người dân “xuề
xòa, nhân hậu”.Thật là một số phận hài hước giữa thời cuộc của chiến tranh
khốc liệt.
Nơi
làng quê của Dương Đức Khánh, “nhân vật hài” có cả trẻ con, phụ nữ và lính Mỹ. Dương
Đức Khánh tạo được một thế giới những chuyện cười giàu màu sắc thẩm mỹ. Mụ Thợ
Rèn (Người Chợ Kệ) là một tính cách mạnh
mẽ độc đáo. Mụ đỡ đẻ cho người đàn bà làng Hạ sinh con giữa chợ, bất chấp người
đời ác mồm ác miệng. Làm nghề thợ rèn, mụ ngồi trên sạp tre cao nghệu, lừng lững
như một nữ tướng, hai cánh tay phì phụt hai ống bễ đen xì như hai nòng đại bác.
Khi miếng sắt chín đỏ, mụ nhảy xuống thủ búa tạ, giáng huỳnh huỵch mấy chục búa
rung rinh, đàn ông sức vóc cũng phải ngán. Mụ có máu mê coi đua ghe. “Bận nọ ở bến Lở làng Hạ Lang, mụ say sưa hò
hát, khum lên khum xuống một hồi, cái quần lĩnh lưng vận sũng nước, tuột luốt!
Mụ mặc kệ! Nước sông Bồ thì trong leo lẻo. Đàn ông đứng trên bờ vừa la vừa cười
hô hố! Mụ cứ tát, cứ hô cho tới khi ghe làng qua khỏi, mụ quăng theo luôn cái
nón móp méo tơi tả rồi mới thủng thẳng, kéo quần lên!... ”(tr.10)
Chuyện
của Cu Đen, thiếu niên dũng cảm, cũng
nhiều tình huống buồn cười. Thời còn là những đứa trẻ nghịch ngợm, có lần tác
giả và Cu Đen xuống hầm rác Mỹ lượm đồ ăn. Hai đứa đang say sưa với những kẹo
bánh, thuốc lá, xúc xích… thì đất ở đâu ập xuống. Chết rồi! Người ta lấp hầm
rác. Trên miệng
hầm là hai thằng lính Mỹ. Chúng la lên: Vi-xi,
Vi-xi!... Cu Đen phóc lên cái vụt như con sóc dong hai tay: “No, no, nô Vi-xi, nô Vi-xi…lượm bánh lượm kẹo!
Ô-kê ô kê!”” (tr.104).
Khi
hiểu ra không phải Vi-xi, những kẻ ở dưới hầm rác kia chỉ là hai đứa trẻ, tên lính Mỹ làm
dấu hiệu bảo đừng lượm rác. May mà hai tên lính không mang súng. Nếu chúng có
súng thì cả hai thằng nhóc đi chầu ông bà rồi! Đó là một tình huống chết người.
Tình huống ấy bất ngờ lại chuyển thành một tình huống hài. Một lần khác tác giả
và Cu Đen đêm khuya leo rào qua vườn mụ Cửu (tr. 109), định ăn cắp cam
quýt. Có tiếng róc róc như tiếng lên quy lát súng lục. Mệ Cửu có con là Chú Đương, trung úy cảnh sát dã chiến đóng ngoài Phò
Trạch. Hình như chú Đương đang ở trong nhà. Hai đứa nghĩ,
phen này sẽ chấm dứt mọi ước mơ vì chú Đương là một tay thiện xạ. Chúng nằm im.
Khi gà gáy giục trời sáng, có tiếng xe Gobel của Chú Đương rời nhà đi. Hai đứa
thoát nạn. Bốn chục năm sau (tr.112) gặp lại Chú Đương, nghe kể chuyện, chú
mới té ngửa là đêm ấy không phải Việt Cộng rình nhà chú mà là hai thằng “lục lăng trái ấu” trộm vặt. Cũng lại là
một tình huống “chết người” trở thành tình huống hài.
Đêm
trên cứ Ti-bon núi Mệ bị pháo quân giải phóng tấn công. Cả trái núi đỏ lựng như
hòn than khổng lồ. Mờ sáng…một tốp lính Mỹ te tua sơ mướp bị đẩy xuống từ một
chiếc trực thăng, chúng kéo nhau vô náu ở một nhà thờ hoang (tr.13). Có một thằng Mỹ
say, tên là To-ny-Phớt, mặt mũi lơ láo, thường lang thang dọc đường làng, nghêu
ngao những bài hát tiếng Việt. Bọn trẻ quen mặt và Chú Tùy Say cũng quen với hắn,
vì cả hai đều là bợm rượu. Phớt được chú Tùy giới thiệu là dân Chợ Kệ vì biết uống rượu Hương Cần, biết hò giã gạo, và được Mụ
Lé thưởng bánh tét. Và cứ chiều nào chú Tùy gặp thằng Phớt là bọn trẻ lại được
xem một chương trình hò vè tạp lục khỏi mua vé. Có lần chú dạy nó hát:” Hò hô…Đáo
tới nơi đây/ đất nước lạ lùng / nghe con chim kêu tui cũng sợ/ gặp con cá vẫy
vùng run ví cũng… ờ run”. Nghe thằng
Phới hò cả chợ cười cái rần. Chú còn rủ
thằng Phớt chơi đua ghe. Phớt cặp đôi với chú Tùy. Đến vòng thứ nhì thì hắn
đuối. Rồi ghe lật, thằng Phớt bị chìm, nó bị bỏ lại. Lát sau nó bơi vào bờ. Tác
giả kết truyện: “Thằng Phớt bỏ cuộc, tất
nhiên! Nhưng chú Tùy lại thành công thêm một mẻ gây cười cho cả làng” (tr.19)
Miêu
tả những tình huống “gây cười” như thế
là một nét đặc sắc ngòi bút của Dương Đức Khánh. Tuy chỉ để gây cười, và câu chuyện của thằng Phớt
được kể như đùa, nhưng lại chứa đựng những ý nghĩa sâu xa, thú vị.
Bên
dưới những chuyện “tào lao xịt bộp” của
người Chợ Kệ, người đọc nhận ra những phẩm chất rất đẹp của một dân tộc. Trần
Khỉ làm nhiều “trò khỉ” nhưng lối sống
nghĩa tình của Trần Khỉ (Họa sĩ làng)
lại là tấm gương rất đáng ngưỡng mộ. Người
Chợ Kệ dù đứng bên này hay theo bên kia (Hình
nhân thế mạng) đều coi nhau như ruột thịt và hết sức giữ gìn để không ai bị
tổn thương. Đó là tình làng nghĩa xóm bao đời của cha ông. Trong những lúc tao
loạn, người Chợ Kệ vẫn rạch ròi đúng sai và hành xử chuẩn mực. Ấy là, sau giải
phóng, cậu Triêm về trình diện chính quyền Cách mạng (Hoa mai bảy cánh). Chú Bơi xã đội trưởng
nói: “Anh là sĩ quan, từng là phó chi
khu! Răng tới chừ mới ra trình diện”. Cậu đưa tờ báo đăng tội trạng “chống
Mỹ” của cậu và giấy xác nhận tham gia đội chiếu bóng phục vụ cách mạng, Chú Bơi gật gù rồi vỗ
vai cậu: “Thôi, anh cứ yên tâm về nhà cho
bác mừng. Sáng mai ra trình diện, chúng tôi sẽ giải quyết sau” (tr.126). Người Chợ kệ còn có sinh hoạt cộng đồng sôi nổi
trong các cuộc đua ghe, trong các lễ hội. Và dù vui chơi, người Chợ Kệ luôn có
ý thức chính trị rất cao. Đó là chuyện Chú Tùy Say dạy thằng Mỹ Phớt bài học
thua cuộc trong một bài hát và cả trong cuộc đua ghe. Chuyện Chú Cương, trong ngày trẩy hội Điện
Hòn Bát, cho nổ tung “một cái tháp màu đỏ
xen trắng như tháp đài truyền hình. Bốn chân đế màu đỏ tươi. Và bốn phía được gắn
các chữ số màu vàng: 981” (tr. 69). Đó là một biểu thị tình yêu nước rất mạnh
mẽ.
Và
nếu cần nói thêm, thì dù cuộc sống đầỳ khó khăn, bất trắc, con gái Chợ Kệ luôn
là những cô gái xinh đẹp.
MỘT CÁCH MIÊU TẢ CHIẾN TRANH
“Mấy đêm sau, chừng nửa đêm bỗng nghe từng loạt AK nổ
giòn phía cầu. Tiếp theo là tiếng AR15, lựu đạn, M79 ùng oàng. Cả làng thót
tim. Nhứt là xóm nhà tranh xung quanh cầu. Lần này chắc đụng độ thiệt, không
phải ‘xung phong cục sắt’ nữa rồi! Bác Sung, chú Nốn, bác Hốt…mấy cây nói trạng
mọi khi lại khều nhau uống trà thì thào, đêm tối như mực chẳng dám thắp đèn.
“Chắc chắn máu đổ thiệt rồi, không ‘ba lơn’ được nữa! Cả tiểu đội nghĩa quân
nằm phục kích dưới cầu! Mô Phật!... Lúc chạng vạng tôi thấy tụi hắn thắp hương
đỏ rực, van vái ‘tượng thằng lính’. Nếu xáp lá cà là bỏ mạng không ít. Rồi không chừng anh em bắn nhau cũng nên.
Có khi thằng Chạy lại bắn thằng Đua, thằng Sau có thể ‘cắc bụp thằng Chót…Súng
đạn có lựa ai, mà cả làng này không ruột
thịt cũng bà con…Trong cái lành lạnh về sáng như có mùi tử khí, có cái rờn
rợn của máu me chết chóc. Hai lan can cầu màu đen hiện rõ dần. “Cái chi rứa?!!”.
Một thân người vắt ngang thanh chéo lan can, tay chân buông thõng! Quẩn áo lính
nghĩa quân, mang giày vải lính đế cao su. Lại một thân người nằm sõng soài cách
cái ‘thằng lính’ da sắt mình đồng chừng mấy bước. Hai mạng người tiêu vong! Mô
Phật! Còn ai nữa. Một tiểu đội lận mà, răng êm ru rứa!... ”(tr.34-35).
Đó là một trận đánh
“thót tim” dân làng giữa một bên là lính nghĩa quân và một bên là Việt Cộng.
Đến sáng ra, kiểm điểm lại vẫn còn đủ 12 lính nghĩa quân, họ phóng ra khỏi lô
cốt giậm chân vỗ tay cười dậy cả khúc sông. Hóa ra là một trận “giả”. Hai
‘người lính’ tử thương chỉ là hai thằng người bù nhìn làm bằng rơm. Súng đạn nổ
ùng oàng chỉ là bắn xuống sông làm cá chết nổi trắng bên mấy bụi lau lách. Một
cái kết đầy hài hước: Mặt trời lên, tiếng loa tuyên truyền của “bên ta” cũng
vang lên: “Bằng chiến thuật ‘hình nhân
thế mạng’, lực lượng nghĩa quân đã đánh lừa được đối phương vào ổ phục kích.
Giao tranh xảy ra ác liệt. Với hỏa lực mạnh, bên ta đã uy hiếp, bẻ gãy và làm tê liệt cuộc tấn công của địch. Đối phương
thảm bại hoàn toàn và rút khỏi trận địa”. Tác giả kết truyện: Đó cũng là
trận súng nổ cuối cùng ở làng tôi, cái trận ‘lính rơm’ mà người làng vẫn nhắc
tới, vẫn cười chảy nước mắt mỗi lần
kể chuyện hồi chiến tranh”(tr.36)
Đọc đoạn miêu tả “đụng
độ” giữa lính nghĩa quân và Việt Cộng ở trên, người đọc có thể nhận ra nhiều
đặc điểm của ngòi bút Dương Đức Khánh trong việc miêu tả chiến tranh. Ở một
vùng quê có tới “70% gia đình xếp loại
ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” (tr.25),
và “Đàn
ông trai tráng lớp thoát ly, lớp bị bắt quân dịch. Quá tuổi quân dịch nhưng còn
60 trở xuống cũng phải cầm súng vô lực lượng dân quân tự vệ. Rất nhiều nhà có
người tham gia cả hai bên là chuyện thường. Như trường hợp nhà bác Nậy, anh
Chạy theo du kích, anh Đua mang súng nghĩa quân, còn bác Nạy phải vô dân vệ”(tr.24” “ban ngày lính tráng đầy đường nhưng đêm nào Việt
Cộng cũng về làng như đi chợ”
(tr.55).Trong một hoàn cảnh như thế,
không thể để anh em bắn nhau, bởi cả
làng này “không ruột thịt cũng bà con”.
Tác giả chọn cách miêu tả “trận giả với ‘lính rơm’ là giải pháp bảo toàn được
dân làng, tránh gây ra những đau thương. Dù vậy cái cười vẫn hàm ý châm biếm là
dành cho chế độ Sài Gòn.
Người lính Sài Gòn không
hề chiến đấu cũng chẳng chiến thắng (đơn giản vì họ là con em nhân dân vào
nghĩa quân để trốn quân dịch), nhưng cái loa tuyên truyền vẫn vang lên hùng hồn.
Chú Cương (Thợ đồ giấy) bật mí: “…thỉnh thoảng cũng phải mần vài trận giả, nổ
súng kịch liệt, liệng lựu đạn, hô xung phong rầm trời y như thiệt rồi gọi bên
chi khu nã về mấy trái pháo 105 giữa đồng lúa sắp gặt, báo hại bà con kêu trời
không thấu. Gần sáng trung đội phó truyền tin ôm máy PRC25 ò e rè rè: A lô! Se
sẻ gọi Chim Ưng, Se sẻ gọi Chim Ưng nghe rõ không…Se sẻ xin báo cáo tình hình
chiến sự đêm qua…Vào 23 giờ 45 phút, khoảng hai tiểu đội Cộng quân xuất phát từ
hướng núi Thanh Khê đã lọt vào ổ phục kích!... A lô, Chim Ưng nghe rõ không?!...
Với tư thế chủ động, anh em đã bình tĩnh giệt ngay tên mang B40 và lập tức nổ
súng bao vậy đội hình địch!... Hơn một giờ giao tranh ác liệt địch thất bại
hoàn toàn! Số bị thương, chết được đồng bọn mang đi!... Bên ta hoàn toàn vô sự!
Báo cáo bên ta hoàn toàn vô sự!... Se sẽ cắt máy!... ”(tr. 55)
Ngay cả với lính Mỹ, tác
giả cũng miêu tả với thái độ “thân thiện” vì chúng là những kẻ bại trận, chúng
không còn khả năng gây tội ác với nhân dân. Đó là thằng lính say Tony Phớt đã
thua trận lại phải nhận thua trong cuộc đua ghe cho nên nó biết sợ dân này; hay
hai thằng lính Mỹ lấp hầm rác, chúng không bắn Cu Đen mà còn ra hiệu đừng lượm
rác. Hai thằng lính Mỹ khui hầm, lùa dân về tập trung tại sân vười mụ Chót bên
xóm Ngang (tr. 91) được miêu tả có vẻ ác. Tiếng kêu của dân thê thiết
quá. Thằng Mỹ đen lao tới lôi O Mực ra khỏi đám đông dân làng định làm nhục,
vậy mà ở cái phút cái chết “ngàn cân treo
sợ tóc” ấy, tác giả đã cứu O Mực. Bọn Mỹ có lệnh rút đi.
Trong
cả tập truyện, Dương Đức Khánh không miêu tả trực tiếp chiến tranh. Không có
chút bóng dáng nào Huế những tháng ngày Mậu Thân 1968, không có dấu tích gì của
trận đánh ác liệt ở cổ thành Quảng trị 1972, và càng không có một dòng nào miêu
tả những ngày giải phóng, lúc quân Cách mạng tiến như thế chẻ tre, dù có nhắc tới
dòng người di tản. Trần Khỉ là thương binh trở về từ chiến trường K chỉ nhắc rất
xa xôi về Pol pot, và đồng đội rất nhiều người là thương binh. Tất nhiên đây là
thái độ chọn
lựa của nhà văn. Khi đã chọn bối cảnh truyện là một làng quê “rất nhiều nhà có người tham gia cả hai bên”thì
không thể miêu tả sự căm thù, sắt máu, chết chóc bi thương, trái lại Dương Đức
Khánh tô đậm sự “hòa hợp hòa giải”. Truyện Võ
thần (Thần quyền) kể rằng, chiến tranh đến, “mấy
anh đi hết rồi, phần bị bắt lính,
phần nhiều theo du kích. Anh Chèo theo bên du kích... ”, Chú Đún vô ngành cảnh sát công lộ. Có lần giỗ họ bên nội chú mặc nguyên đồ
cảnh sát về dự. Uống rượu vào, chú nói trạng: ”Tau thách Việt cộng mô dám bắn tau” (tr. 79) Khi chú vừa đi
thì mấy anh du kích vô ăn giỗ: Hóa ra nãy giờ họ ở vòng ngoài bảo vệ chú. Anh
Khôi, anh Đà, anh Chít, anh Chèo đều là đồ đệ của chú, họ bảo vệ thầy, lỡ gặp bọn
lính dù, hắc báo đi trận về gây khó cho thầy. Tết năm đó ngưng bắn 7 ngày, du kích và địa phương quân cùng chen
vai vui chơi. Mùng ba tết môn sinh du kích và lính địa phương quân cùng đến chúc
tết chú Đún. Mùng Bảy cúng đầu
năm, có đua ghe, chú Đún được bầu làm trọng tài. Chú dùng còi cảnh sát thổi roét
roét. Hơn trăm tay chèo du kích và địa phương quân ganh đua. Họ ôm nhau giữa
sân đình trào nước mắt (tr.82). Với lính Mỹ, Anh
Chạy dùng trâu giúp lính Mỹ tránh lụt (Cu
Đen).
Ở
góc nhìn trần thuật, hầu hết những câu chuyện trong thời chiến tranh được kể lại
là lúc tác giả còn là một đứa trẻ “đầu chưa sạch cứt
trâu” trong đám trẻ nghịch ngợm của
cái Chợ Kệ ngày ấy.(tr.
19).
Truyện Võ thần kể chuyện chú Đún hồi 1969-1970 (lúc ấy tác giả mới 9-10 tuổi).
Truyện Thợ đồ giấy kể chuyện chú Cương, là lúc tác giả mới học lớp Tư (tr.58), đến truyện Bông Mai bảy cánh, tác giả mới học lớp Bảy,
15 tuổi (tr.119).
Ở
tuổi trẻ con như vậy, tác giả chưa thể có ý thức chính trị, càng không thể có tầm
nhìn nào về bối cảnh lịch sử, xã hội thời đang sống. Hơn nữa, sinh ra và lớn
lên trong một làng “chúa nói trạng”(tr. 23), tác giả cũng ướp trong ngòi bút của mình “nghệ
thuật nói trạng”. Cuối truyện Người
Chợ Kệ, tác giả đã nói trạng với chú Tùy Say sau hơn 30 năm gặp lại. “Thấy chú tin như đinh đóng cột, sẵn trớn tôi phịa luôn”. Tôi kể chuyện thằng Phớt đi tìm chú. Chú lại “tào lao xịt bộp” nói rằng sẽ qua Mỹ để
tìm thằng Phớt... (tr.20)
YẾU TỐ HÀI TRONG
BÚT PHÁP
Tập
truyện ngắn Người Chợ Kệ có nhiều yếu
tố của một tập truyện ký. Câu truyện là những hổi ức của tác giả với nhân vật
nhân một dịp viếng thăm nào đó. Đó là cuộc gặp gỡ với chú Tùy Say ở Đồng Nai
sau hơn 30 năm mỗi người mỗi ngả (Người Chợ Kệ). Gần nửa làng tác giả vô
lập nghiệp ở vùng núi Tây Nguyên. Về thăm làng, người đầu tiên tác giả gặp là chú Đún và “nhớ một thời
mấy phen làng nước loạn ly” những năm 69-70 (Võ Thần). Thợ đồ giấy là truyện về chú Cương khi tác giả về
thăm chú, lúc này đầu chú đã hói nhiều. Tác giả nhắc lại vụ Hoàng Sa 40 năm trước. Cu Đen ngày xưa là bạn cùng đi tìm đồ ăn trong hố rác Mỹ, giờ hắn đã là Thượng
tá.
Tác giả gọi điện hỏi thăm và nhắc lại chuyện xưa. Cu Đen cũng gọi cho tác giả để
ôn chuyện cũ…
Dù
tên các địa danh đã được tác giả đổi khác để tạo ra chất truyện (thí dụ: thành
phố N-tr.122), song người đọc
vẫn dễ nhận ra những sự việc, những nhân vật là ở vùng quê hương của tác giả:
ven sông Bồ, xứ Huế. Cửa Thuận An đổi là cửa Thuận (tr.118), điện Hòn Chén đổi
là điện Hòn Bát, cầu Tràng Tiền đổi thành cầu Tràng Bạc (tr.68), giàn khoan Hải
Dương 981 của Trung Quốc, đã được tác giả nói tránh đi là “Một cái tháp màu đỏ xen trắng như tháp đài truyền hình. Bốn chân đế
màu đỏ tươi. Và bốn phía được gắn các chữ số nổi màu vàng: 981. Mấy con số mà tại
thời điểm này, trên giải đất chữ S này, từ ông tướng đến anh bán kẹo kéo đều có
chung thái độ như nhau” (tr.69).
Chất
ký trói chặt ngòi bút tác giả vào hiện thực cho nên những câu chuyện được kể là
những chuyện “thật” trong dân gian. Những truyện nào tác giả ghi được nguyên vẹn
tiếng nói, sắc vóc, thần thái, khi chất con người dân gian (thí dụ: Người Chợ Kệ), thì truyện ấy có nhiều yếu
tố để thành công. Những truyện có giọng kể trữ tình của “nhân vật tôi” thường
không gây được ấn tượng. Cách kể chuyện đậm chất dân gian này Nguyễn Thi đã
thành công trong Người Mẹ cầm súng (1965) và trong những
ghi chép in trong Năm tháng chưa xa (1972).
Dương
Đức Khánh có khả năng viết những trang bi tráng, những trang trữ tình, kể những
câu chuyện tâm linh (yểm bùa, thần chú trong truyện
Võ thần, vía chú Sanh dẫn đường tìm
xác trong Những ngày tao loạn), nhưng điểm nổi
bật trong bút pháp của Dương Đức Khánh là chất hài dân gian.
Để tạo ra chất hài, Dương Đức
Khánh chọn kể những câu chuyện có sự mâu thuẫn giữa hiện tượng và nội dung. Tiếng
cười bật ra khi người đọc khám phá tính hai mặt của vấn đề. Thí dụ, Trong truyện
Thợ đồ giấy, Hình nhân thế mạng, lính nghĩa quân đánh trận giả mà báo cáo thật.
Chú Cương chỉ là anh lính nghĩa quân trốn quân dịch nhưng đi đâu cũng được người
ta đối xử như con nhà quan hàng tướng tá. Hoặc trong truyện Võ thần, chú Đún là cảnh sát công lộ đi
ăn giỗ lại được Anh
Khôi, anh Đà, anh Chít, anh Chèo... là du kích bảo
vệ.
Dương Đức Khánh cũng khai thác
những “trò khỉ” của Trần Khỉ (Họa sĩ làng),
những trò nghịch ngợm trẻ con (Cu Đen),
những cái “ngây ngô” (Cu Đen mặc cái áo xanh đỏ bị máy bay Mỹ bắn rocket suýt mất
mạng. Cu Đen không biết cờ Mặt Trận Giải Phóng có hai màu, nửa xanh nửa đỏ).
Dương Đức Khánh cũng sử dụng cái tục để gây cười như trong nhiều truyện dân
gian (Mụ Thợ Rèn cổ vũ đua ghe bị tụt quần-Người
chợ Kệ). Những chuyện “tào lao”
và cách nói cường điệu dân gian cũng tạo nên tiếng cười. Khi tác giả về thăm
chú Tùy Say, hỏi thăm cuộc sống, chú xua tay, giọng tưng tửng: “Ui dào, khỏi hỏi!... Tiền bạc tau chừ... lâu
lâu phải kêu thím mi... chất ra sân, phơi! Để mối mọt ăn hết! (tr.20)
Cái Hài trong bút pháp của Dương
Đức Khách là cái cười dân gian khôi hài, là cười vui. Có khi “cả làng cười một mẻ”(tr.19), “bò ra cười”, “cười nôn ruột”(tr. 89), có khi “cười chảy
nước mắt” (tr. 36). Đó không phải là
cái cưới châm biếm của Số Đỏ (Vũ Trọng Phụng). Người dân
quê cười vui để vượt lên cái vất vả gian khổ, làm nhẹ đi cái bi thương, và
trong sâu xa, cái cười dân gian còn chứa đựng bản lĩnh dân tộc khi phải đối mặt
với những vấn đề sinh tử (chuyện đánh trận giả nhưng báo cáo thật của nghĩa
quân để che mắt cấp trên). Trong văn chương hôm nay có rất ít nhà văn khai thác
được kiểu bút pháp này, và vì thế, nếu Dương Đức Khách gửi truyện dự thi ở bất
cứ cuộc thi nào, truyện của anh rất dễ đạt giải.
Nếu
“bút pháp hài” đem đến cho truyện ngắn của của Dương Đức Khánh những nét độc đáo,
thì cũng chính bút pháp ấy lại làm hạn chế những năng lực khác của ngòi bút Dương Đức Khánh. Trong Mỹ học, người ta nói đến phạm
trù của “cái cao cả”, “cái bi”, “cái hài”, “cái đẹp”. Nếu
nhà văn đi đến tận cùng trong việc chọn lựa miêu tả một phạm trù nào đó, anh ta
sẽ đạt được những giá trị độc đáo. Nguyễn Tuân là nhà văn của “cái đẹp”. Nam
Cao khai thác cái “bi kịch”, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan khám phá những
“hài kịch” trong cuộc sống. Văn học kháng chiến miêu tả “cái cao cả”, “cái hào
hùng” và nghệ thuật sử thi. Nguyễn Thi kết hợp “cái hài” với “cái cao cả phi
thường” trong Người mẹ cầm súng. Tất
cả lảm nên một nền văn chương phong phú sắc màu nghệ thuật. Văn chương đương đại
có nhiều khuynh hướng sáng tác: văn chương Hiện sinh (J.P.Sartre), chủ nghĩa Hiện
thực huyền ảo (García Márquez),
Tiểu thuyết mới (Alain Robbe-Grillet),
văn chương Hậu hiện đại (Barthelme)…Như vậy,
nếu Dương Đức Khánh chỉ sử dụng một kiểu hài dân gian, ngòi bút của anh sẽ
không tránh được những hạn chế.
Chuyện
“Tào lao” là chuyện không có nội dung
gì đứng đắn, chỉ nói ra cho có chuyện, cho vui [1] Những chuyện “tào lao xịt bộp” kiểu
như, Chú Tùy nói rằng, về tiền bạc, lâu lâu chú phải bảo thím đem ra phơi không
để mối mọt ăn. Nghĩa là tiền nhiều lắm, chất trong kho không xài đến, phải đem
phơi. Một nông dân nghèo mà nói như thế, người ta sẽ bảo Chú Tùy “nổ văng miểng”, hay chú “quăng lựu đạn” tá lả. Vâng, ai cũng hiểu
đó là cách nói để cho vui. Với một tác phẩm văn chương, thì Những chuyện “tào
lao xịt bộp”,
kể vui, để có những mẻ cười, sẽ làm hạn chế giá
trị phản ánh hiện thực của tác phẩm. Nói “trạng” và
hài hước hóa chuyện chiến tranh, thì sẽ làm mất tính tư
tưởng của tác phẩm,
bởi cái giá xương máu 30 năm chiến tranh của dân tộc này là rất lớn. Thí dụ,
người dân quê nói nhầm chữ Ô ke thì bị lính Mỹ bắn chết oan, (Một ngày tao loạn, tr.87). Cu Đen sống
sót nhờ biết nói “Nô, nô Vi-xi, nô Vi-xi,
lượm bánh lượm kẹo ô kê ô ke!”(Cu Đen, tr.104), đem những chuyện này kể để cười, tôi
thấy xót xa đến tận ruột gan! Những sự tích anh hùng, những đau thương thống khổ,
những thân phận bi kịch, những đổ vỡ mất mát của dân tộc này nhiều không sao
tính được. Và dân tộc này rút ra được bài học gì, cái tư tưởng nền tảng và sức
mạnh của dân tộc này là gì cần phải được khám phá cho đời sau. Những vấn đề lớn
lao đó “bút pháp hài” không đáp ứng được trong việc phản ánh hiện thực. Cho nên người đọc, sau khi gấp trang văn của Dương Đức
Khánh lại, cũng là lúc nụ cười tắt trên môi thì thường tự hỏi, tác giả kể chuyện
này để nói điều gì? Truyện chứa đựng tư tưởng gì?
Và người đọc nhận ra rằng, truyện để lại những
khoảng trống tư tưởng.
Không
phải vậy, tôi lại nghĩ, bên dưới những “chuyện
tào lao”, và dù chỉ là một tập truyện ngắn, ngòi bút Dương Đức Khánh đã chạm
được đến những vấn đề lớn của thời đại với một cách tiếp cận mới.
NHỮNG GÌ CÒN LẠI…
Tôi
thích “cái hài” dân gian trong truyện của
Dương Đức Khánh vì
nó khỏe mạnh, phóng khoáng và chứa đựng những gía trị minh triết (nụ cười của
thằng Bờm chẳng hạn). Và thật quý trọng những trang văn giàu chất hài, bởi viết
văn chương hài không phải nhà văn nào cũng viết được. Vì thế Vũ Trọng Phụng,
Aziz Nesin trở thành thiên tài văn chương trong thời đại chúng ta.
Trong
dòng chảy văn chương viết về chiến tranh đương đại, có rất ít tác phẩm viết về
sự hòa hợp hòa giải hay và thuyết phục như những trang văn của Dương Đức Khánh.
Những truyện Hình nhân thế mạng (tr. 34), Võ thần (tr. 80), để lại những ấn
tượng và những suy nghĩ sâu sắc về tinh thần hòa hợp hòa giải. Khi người lính
bên này và bên kia ôm nhau giữa sân đình cười trào nước mắt (tr.82), trang văn của
Dương Đức Khánh trở nên sáng trong, hân hoan đến lạ lùng. Nhà văn đã nói thay
tâm nguyện của cả dân tộc này. Nhà văn cũng làm sáng lên cái bản lĩnh, cái sức
mạnh ngàn năm của dân tộc, ấy là vượt qua chiến tranh, gìn giữ những truyền thống
nghĩa tình; những cách ứng xử khôn ngoan trong những tình huống tử sinh để bảo
toàn những giá trị làm người.
Tôi
đọc Một ngày tao loạn mà lòng rưng
rưng khôn xiết. Sự bi thương không bút mực nào tả được trong những tiếng kêu ai
oán của một dân tộc. Lính Mỹ lôi những người dân quê từ hầm lên và lùa đến xóm
sân vườn mụ Chót ở xóm Ngang (tr.92), rồi chúng tách các o trẻ ra. Bà con sợ
các o bị chúng làm nhục, bèn la lên: “Mấy ôông…B…bb…ắ…n! B…ắn chết hết đi!!! Đừng…mần …rứa”. Khi O Mực bị
thằng lính Mỹ đen lôi ra, giọng mụ Nghé riết róng: “Cứ ôm con cho chặt! Mực ơi! Chết
thì chết!... Đừng chịu nhục, con ơi…”. Khi nghe tiếng súng nổ, Mấy mụ lại
kêu trời van vái: “Súng đạn mô…bắn vô đây
dùm với! Cho chết hết một lần đi! Trời ơi!!... ”. Trên cõi đời này, có xứ sở
nào người dân lại cầu cho súng đạn bắn dùm cho chết hết một lần như người dân xứ
này không?! Thà chết chứ không chịu nhục! Dù là một cá nhân bị nhục thì đó cũng
là cái nhục của cả cộng đồng. Cả cộng đồng nguyện lấy cái chết để bảo vệ nhân
phẩm của một con người. Khó ờ đâu trên thế gian này có được phẩm chất và bản lĩnh như thế.
Viết
được những trang văn như vậy nhà văn phải sống sâu sắc lắm với dân mình, với đất
nước mình. Có cả tài năng và tâm huyết nữa.
Con
đường văn chương của nhà văn Dương Đức Khánh đả sáng rõ một cá tính sáng tạo có
những phẩm chất độc đáo. Tôi cầu chúc anh gặt hái được nhiều thành công trên
con đường anh đã chọn.
Bùi
Công Thuấn
______________
[1] Tự điển Tiếng Việt của Viện Ngôn
ngữ, Nxb Khoa học xã hội - Trung tâm Từ điển Việt Nam, 1995, tr.859