Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
​LỄ THÀNH HẦU NGUYỄN HỮU CẢNH – NGƯỜI CÓ CÔNG MỞ CÕI PHƯƠNG NAM

 

Ông sinh ra từ một dòng họ vẻ vang bậc nhất và cũng nhiều tai ương nhất nước ta. Nói ra mà khiếp hãi: Có dòng họ nào trong ba, bốn trăm năm, 4 lần bị thảm án tru di tam tộc không? Này nhé, tính từ Khởi tổ Định quốc công Nguyễn Bặc, công thần khai quốc công huân phò Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất sơn hà, lập nên triều nhà Đinh, sau vì phò tá dòng chính thống, bảo vệ cơ nghiệp nhà Đinh, chống lại Lê Hoàn mà bị giết, bị tru di tam tộc, con cháu chạy tứ tán. Đến đời Lý, tiến sĩ Nguyễn Quốc (ông tổ thứ 4 của Nguyễn Trãi) vì chống nịnh thần mà bị giết, thảm họa tới số đông họ hàng. Đến cuối đời Trần, Hữu hiệu điểm Nguyễn Công Luật, Quản quân thiết hổ Nguyễn Minh Du phò Trần Phế đế chống lại Hồ Quý Ly đều bị giết cùng nhiều thân quyến. Và đến Hậu tổ Nhập nội hành khiển, Quan phục hầu Ức Trai Nguyễn Trãi, cuối đời bị thảm án tru di tam tộc, may còn sót lại hai người con. Sử sách trước đây chỉ ghi sót một người, khi người vợ lẽ đang mang thai trốn thoát được, sinh ra người con thứ sáu là Nguyễn Anh Vũ, sau được vua Lê Thánh Tông rửa oan, phong cho làm tri huyện. Theo Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền (hậu duệ xa đời của Nguyễn Hữu Cảnh), căn cứ vào nhiều nguồn sử liệu tin cậy khác, cho biết: người con thứ ba của Nguyễn Trãi là Nguyễn Công Duẩn, theo cha tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn lập được nhiều công lao, được vua phong tước Giản Định hầu. Khi thảm án tru di xảy ra, Nguyễn Công Duẩn ở xa nên đã cùng gia quyến chạy thoát và mai danh ẩn tích rất lâu. Anh em Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Cảnh là di duệ của Giản Định hầu Nguyễn Công Duẩn.

Tính từ Nguyễn Trãi, đến Nguyễn Hữu Cảnh là đời thứ 9, còn tính từ Khởi tổ Định quốc công Nguyễn Bặc thì là đời thứ 19.

Về sự nghiệp của Đức ông Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) sử sách tập trung nhiều vào 9 năm cuối đời vẻ vang của ông.

Nguyễn Hữu Cảnh là con thứ ba của Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật. Truyền thuyết kể rằng, ông có tính khí ngang tàng, ưa mạo hiểm ngay từ khi còn nhỏ. Lớn lên đi học, văn cũng thông, võ lại càng giỏi. Gia đình thấy ông sớm rành võ thuật thì thường xuyên khuyến khích, cho tập tành xông pha trận mạc, trui rèn dũng lược. Tuổi trẻ ông đã sớm lập được nhiều chiến công, được phong chức Cai cơ. Ông còn thạo nghề nông, quan tâm phát triển nông nghiệp, lo cho đời sống nhân dân, nghĩ kế sách “dẫn thủy nhập điền” (đào sông dẫn nước tưới tiêu cho ruộng đất) làm lợi cho nông dân bản hạt. Càng trưởng thành, ông càng thể hiện cốt cách, tài năng của một dũng tướng tài ba, một nhà chính trị kiêm ái.

***

Vào cuối thế kỷ 16, vùng Diên Khánh (Khánh Hòa ngày nay) thường xuyên bị giặc ở phía Nam tràn qua biên giới hòng chiếm đất, tàn sát cư dân. Nguyễn Hữu Cảnh được cử làm Thống binh đem quân bình định biên cương. Ông đã giữ yên vùng biên giới, dẹp yên bọn tạo phản, đem lại sự an bình cho nhân dân.

Ông còn thực thi chính sách ôn hòa, mềm dẻo, đoàn kết giữa các sắc tộc, hướng dẫn cho dân phát triển sản xuất, chăm lo đời sống, giữ cho dân yên ổn làm ăn.

Xứ Đồng Nai - Đông Nam Bộ xa xưa là địa bàn của 2 tiểu quốc, rừng rú hoang dã, đất rộng, người thưa. Sau bị nước Phù Nam thôn tính. Đến thế kỷ thứ VI, nước Phù Nam bị xóa sổ bởi vương quốc Chân Lạp. Còn miền đất trũng hoang phế thuộc hạ lưu sông Mê Kông (Tây Nam Bộ) hai phía có biển cả bao bọc. Nhiều thế kỷ trước đó, cả vùng đất Nam Bộ danh nghĩa gọi là Thủy Chân Lạp, thực chất chỉ là một vùng hoang dã, gần như vô chủ. Các cư dân ở đây sống tự do, tự lo, chưa bị một nền hành chính nào quản lý, chưa có bất cứ đơn vị hành chính (thôn làng, xã ấp…) của một quốc gia nào.

Đầu thế kỷ XVII, cuộc hôn nhân giữa công chúa Ngọc Vạn và vua Chân Lạp Chey Chettha II đã khiến mối giao hảo Việt - Miên khởi sắc.

Lúc này, vùng đất hoang dã Thủy Chân Lạp (Nam Bộ) được coi như “vùng trái độn” giữa hai biên giới Việt Nam - Campuchia. Bất cứ dân tộc nào có sức lực, gan dạ, muốn chiếm cứ khai phá lấy đất trồng trọt sinh sống đều được tự do không bị cấm đoán, ngăn cản.

Sống ở vùng ác địa đầy lam sơn chướng khí này, lúc đó có loáng thoáng vài sắc tộc như Chơ-ro, S’Tiêng, Châu Mạ, Chăm, Khơ Me,... Người Kinh (Đại Việt) lác đác đến đây nhiều đợt từ trước cả thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, sống ở vùng Mô Xoài (Bà Rịa), Đồng Nai, Bến Nghé... Nơi đây có nhiều vùng trũng ngập cỏ, thuận tiện cho việc trồng lúa nước. Người Việt cần cù, siêng năng, không ngại khó ngại khổ, rành nghề nông, lại giỏi môn chài lưới đã khai phá rừng rậm, lập ấp, lập làng, quần tụ dần đông đúc.

Năm 1679, một số di thần nhà Minh không chịu hàng phục nhà Thanh bên Trung Quốc đã dong thuyền, vượt biển chạy sang Việt Nam vào đất Đàng Trong xin tị nạn. Chúa Nguyễn đã cho họ vào tị nạn ở Bàn Lân (Biên Hòa, Đồng Nai) và Vũng Cù (Định Tường, Mỹ Tho).

Người Hoa có truyền thống về thương mại nên họ chỉ khai phá đủ chỗ sinh sống rồi lập chợ, tụ họp buôn bán. Với địa thế thuận lợi, trên bến dưới thuyền, thuận ngả giao thông, họ đã lập chợ ở mỏm Cù lao Phố, lúc đầu còn buôn bán lẻ tẻ, dần thành thương cảng sầm uất.

Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu phái Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh lúc này đang làm Trấn thủ Dinh Bình Khương (Bình Thuận ngày nay) làm Thống suất kinh lược vùng đất phương Nam (Nam Bộ). Kinh lược là chức quan thay mặt vua, chúa trông coi việc quân, dân ở một vùng. Nguyễn Hữu Cảnh được giao thay mặt chúa toàn quyền xứ Nam Bộ.

Tháng 2 năm đó, đoàn thuyền chiến của Chưởng cơ Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh cập bến Cù lao Phố. Ông đặt đại bản doanh tại Cù lao Phố và nhanh chóng vạch ra kế hoạch khai hoang mở cõi và sắp xếp vùng đất Nam Bộ, bình định biên cương. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép: Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn đã “lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh lập ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị. Về vệ thuộc thì có hai ty Xá, Lại để làm việc. Quân binh thì có tinh binh cơ đội thuyền thủy bộ và thuộc binh để hộ vệ. Ngàn dặm đất đai, dân hơn 4 vạn hộ. Chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính đến lập nghiệp. Lập ra thôn, xã, phường ấp, phân định địa giới, ruộng đất, lập ra tô thuế, xây dựng đinh điền bạ tịch. Con cháu người Hoa nếu ở nơi Trấn Biên được quy tập thành xã Thanh Hà, còn ở Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi cho phép vào hộ tịch”.

Nguyễn Hữu Cảnh đã phân chia địa giới, đặt chức quan và cử người trông coi, định mức tô thuế, lập sổ đinh điền, tổ chức quân binh,… thiết lập bộ máy quản lý hành chính đầu tiên ở vùng đất Nam Bộ. Tất cả dân số đều nhập vào sổ bộ nhà chúa Nguyễn. Toàn bộ cư dân vùng đất phương Nam (Nam Bộ) đã trở thành thần dân của chúa Nguyễn.

Đất Đồng Nai khi đó thuộc huyện Phước Long. Huyện Phước Long có địa giới khá rộng là phần lớn của miền Đông Nam Bộ, bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, và một phần của tỉnh Bình Thuận cùng một phần của Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức đôn đốc dân khai phá ruộng rẫy, phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh giao thương, buôn bán. Ông rèn luyện quân lính, tổ chức canh phòng giữ yên ổn các thôn trang. Ông đặt ra chính sách khuyến khích khẩn hoang và chiêu mộ dân từ miền Trung, miền Ngũ Quảng vào khai phá xứ Đồng Nai, Gia Định:

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Câu ca có từ thuở khai hoang, lập ấp này.

Nguyễn Hữu Cảnh còn khuyến khích các thương nhân xây dựng Cù lao Phố thành một thương cảng sầm uất nhất xứ Nam Bộ thời đó. Các sản vật: cau Đàng Trong, gỗ Đồng Nai, đuông rừng Sác, cá khô Bến Nghé,… và nhiều món hàng đặc sản khác của Nam Bộ, Đàng Trong được mua bán, trao đổi với khách hàng trong và ngoài nước.

Cả vùng đất phương Nam (Nam Bộ) bấy giờ với bộ máy hành chính được thiết lập, nông thương phát triển, dân cư tụ hội, an ninh bảo đảm, binh lực hùng cường là nhờ công lao của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người có tài kinh bang tế thế, thực hiện xuất sắc ủy thác của Chúa Nguyễn.

Ghi sâu công đức của Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, khắp nơi trên vùng đất Đồng Nai - Nam Bộ, nhân dân đã lập đền thờ ông ngay sau khi ông mất và nối đời hương khói, cúng tế. Tại rất nhiều nơi trên đất Nam Bộ từ mấy trăm năm trước đã lưu tên ông: Cù lao Ông Chưởng, Sông Ông Chưởng, đền Lễ Công, Đình Bình Kính...

 

                                                                           Phước Long Giang

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​