Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TRỜI CÓ CON MẮT

Truyện ngắn của Trần Thúc Hà

(Nguồn: VNĐN số 28 – tháng 11 & 12 năm 2018)

 

1. mh truyen ngan Troi co con mat.jpg
Minh họa: Hứa Tuấn Anh
 
 

Thành đưa con trai lên ga tàu hỏa Biên Hòa đón vợ vừa mới ra miền ngoài tuần trước để đưa bà mẹ vào ở cùng. Thực ra bà mẹ ấy không bà con thân thích gì với hai vợ chồng Thành và Lan. Thành ăn mặc rất chững chạc, chân đi đôi giày thể thao, quần bò, áo sơ mi kẻ sọc đóng thùng, thằng con mới lên năm tuổi cũng ăn mặc màu sắc gần như bố, nhưng quần ngắn để lộ ra đôi chân múp míp. Trông hai bố con người ta nghĩ đó là những người đi du lịch mà không ai có thể tin rằng cách đây chừng mươi năm trước khi Thành và Lan tuổi hai mươi thân xác ọp ẹp gầy nhẳng là hạng khốn khó tột cùng đáy xã hội.

Thời đó, có một bà cụ bán cháo trạc tuổi sáu mươi ở trong gian nhà lá nhỏ một gian hai chái. Một góc làm bếp, nửa kia đặt chiếc giường tre. Bà cụ ấy độc thân. Cụ nhờ vào gánh cháo ở một cái chợ nhỏ làng quê Thiết Trung để sinh sống. Nhiều lúc đặt gánh cháo lên vai ra cái quán ngoài chợ, bước chân đã run run, nồi cháo chao đảo. Cụ chưa biết tính liệu ra sao, thì có một người thở không ra hơi đổ ụp vào trước hiên nhà cụ. Bà cụ chẳng biết lành dữ nhưng thấy vết bỏng trên hai bàn tay và bàn tay phải hắn có thêm ngón cái thì nhận ra thằng Xệu. Thằng Xệu đôi khi lui tới ăn bát cháo và bửa củi giúp bà cụ. Bà hối Xệu vào nhà rồi hấp tấp lấy lá sống đời vò nát đắp lên vết bỏng cho Xệu; cho Xệu bát cơm. Vài hôm thì Xệu lấy lại sức. Đêm đến, Xệu ra cái quán của bà ngoài chợ ngủ. Từ đó, sáng sáng hắn ta ngồi dậy uể oải, xếp tấm ni-lông rách nhét lên mái lều trong chợ của bà cụ bán cháo, rồi hắn ghé ra bờ ruộng cạnh đấy, quẹt nước rửa mặt. Hắn ta không thèm lau những giọt nước bẩn thỉu trên mặt nữa. Mà thực ra hắn chẳng có gì để lau: một chiếc quần đùi bạc màu với chiếc may ô màu xám xịt ngoắc lên tấm thân gầy đét. Ở chợ không ai biết hắn bao nhiêu tuổi, chỉ biết mặt hắn lủng bủng, nước da tai tái, nên người ta gọi hắn là thằng Xệu. Xệu không có nghề nghiệp gì. Xóm này qua làng nọ người cần đào đất đắp nền nhà, cần vét giếng, lợp chuồng trâu bò người ta đều gọi Xệu. Sau cái đêm đôi bàn tay bị đốt, Xệu chỉ giúp bà cụ gánh cháo ra chợ bổ củi, rửa chén bát, trưa chiều kiếm lưng bát cơm, đêm Xệu lại ra nằm queo trong cái lều ngoài chợ của bà cụ. Người hắn hôi hám, tóc phủ mặt. Một hôm bà cụ bán cháo cho hắn tờ bạc năm ngàn đồng còn mới, khuyên hắn đi cắt tóc. Nhưng hắn sụp đôi mắt lờ đờ lận đồng bạc vào lưng quần rồi bỏ đi mà không đến tiệm cắt tóc. Cũng vào cái đêm đó, đang co quắp thiu thiu thì có một bàn tay nào đó mò vào đồng bạc. Hắn nhanh tay chụp lấy bàn tay ấy và ngồi dậy. Trong bóng đêm lờ mờ, hắn thấy một đứa con gái. Cái sức sống của tuổi hai mươi bốc lên như lửa, hắn vật người con gái ấy xuống và mồm hắn the thé lên một câu: “Tao cho mày năm ngàn đồng!” Đứa con gái ấy tuổi cũng chừng gần bằng tuổi Xệu, mồ côi cha, ở với dượng ghẻ. Năm mười bốn tuổi, một hôm mẹ vắng, hắn đang băm bèo cho lợn thì dượng ghẻ kêu hắn vào buồng nói cho chiếc nhẫn vàng (thực ra là đồ giả) hắn mừng húm. Vừa đến cửa buồng dượng ghẻ ôm ghì lấy hắn, sờ soạng khắp người, hắn cắn vào tay lão dượng rồi vùng chạy. Hắn chạy từ làng này qua làng nọ như bị ma đuổi cho đến trưa thì đến cái chợ nhỏ làng Thiết Trung và hắn không bao giờ trở về nữa. Ở chợ chẳng ai biết họ tên nó là gì, chỉ khi đói nó hay rình rập sơ hở ăn cắp vặt của người lạ đến chợ này để kiếm miếng ăn nên gọi nó là con Lén. Được cái nó không bao giờ ăn cắp của các người bán hàng trong chợ; ai cần gì mướn gì ở chợ đổ rác, gánh nước hay giặt áo quần người ốm bậy bạ bẩn thỉu Lén cũng không từ chối, miễn cho nó bát cơm. Vắng nó, những việc không đâu vào đâu chẳng ai mó tay tới nên người ta cũng lờ đi việc xấu của nó.

Sau cái đêm đó với thằng Xệu, con Lén cầm đồng bạc đến bà già bán cháo ăn một lúc hai tô cháo. Trước khi đứng dậy nó còn nhón thêm vài lát lòng heo nhai lia lịa. Tan buổi chợ, thằng Xệu gánh hàng về. Tiện tay bà cụ đưa cho thằng Xệu tờ bạc năm ngàn đồng. Cũng như hôm trước, nó lận đồng bạc vào lưng quần. Đến tối đồng bạc năm ngàn lại vào tay con Lén. Hôm sau đồng bạc lại đến bà bán cháo. Đến trưa đồng bạc vào lưng quần thằng Xệu. Hai đứa kia thì chẳng có đồng tiền nào để lựa chọn, nhưng chẳng hiểu tại sao, bà cụ bán cháo độ này ngày nào bà cụ cũng cho thằng Xệu năm ngàn mà chính cái đồng bạc hôm trước bà cụ cho thằng Xệu, qua tay con Lén rồi đến tay bà. Đồng bạc chạy một ngày đêm ba vòng. Mồ hôi của thằng Xệu, cái rừng rực của đứa con gái, váng nước cháo nơi quán của bà cụ thấm vào, dính vào chồng lên nhau nhiều ngày làm cho đồng bạc dày lên, có con số không nhìn ra chữ, hình cũng có chỗ mờ. Đem đồng bạc ấy đi mua bán không ai chịu, tựa như đồng bạc ấy in ra chỉ để dành riêng cho ba con người cô đơn ở nơi chợ nghèo này.

Một hôm bà bán cháo cảm sốt, bà nghỉ bán, thằng Xệu không có đồng bạc năm ngàn. Đêm đó, sau túp lều bên bờ ruộng, con Lén không cho thằng Xệu nhầy nhụa như mọi hôm vì không có đồng bạc năm ngàn. Máu thằng Xệu sôi lên như một con trâu điên, trần trụi lao tới xé nát những tấm giẻ rách còn dính trên thân thể con Lén. Hai con vật dằng xé nhau từ trong chiếc lều lăn ra đám cỏ cách bờ ruộng vài gang tay. Thằng Xệu dí hai tay vào cổ con Lén: “Tao sẽ giết mày nếu mày không nằm xuống!” Con Lén cũng không vừa, nó nắm ngay chỗ hiểm của thằng Xệu rồi rít lên: “Không xì tiền ra thì cút!” Thằng Xệu lảo đảo làm cả hai sụp xuống bờ ruộng đầy nước. Lóp ngóp một hồi, chúng mới bò lên được bờ ruộng. Đêm cuối năm. Trăng giữa tháng vừa nhô lên. Ánh trăng lạnh lẽo xanh nhợt soi rõ hai cái xác như thuở hồng hoang co ro bên bờ ruộng. Con Lén vơ một nắm rạ phủ lên người và khóc thảm thiết. Tiếng khóc trong đêm như từ ngàn vạn nỗi đau của con người vọng lại, làm bóng trăng trên cao cũng lung lay chao mờ, đến bầy dế nỉ non cũng im tiếng đã làm cho điều gì đó thăm thẳm bấy lâu nay ngủ yên bỗng bừng tỉnh trong lòng thằng Xệu. Hắn đi về đống rác cuối chợ tìm được một manh chiếu rách đưa cho Lén. Hắn ngồi xuống cạnh con Lén, gục đầu xuống gối. Lâu lắm hắn mới ngửa mặt lên nhìn màn đêm sâu thăm thẳm thốt lên: Vì sao ta khốn nạn đến thế này hỡi trời? Hắn đến nắm tay con Lén rồi bảo: “Về nhà bà cụ bán cháo”. Bà cụ bán cháo cho con Lén bộ áo quần đã mặc của bà, bà đưa cho thằng Xệu bộ áo quần cũ mới mua ngoài chợ hôm qua chưa kịp cho. Bà nói với hai đứa: “Cùng cực tủi hổ như chúng mày là tận tột. Hãy thương lấy nhau, đừng sống cái kiếp nửa người nửa súc vật nữa con ơi!” Từ đó hai đứa ở trong nhà bà cụ. Rồi những lúc đi giúp việc vặt chúng nó nghe được người ngoài chợ kháo chuyện nhiều người vào Nam tìm được công ăn việc làm, không như ở quê thiếu ruộng, cố lắm cũng khó đắp đổi qua ngày tháng. Xệu về nói với bà là chúng sẽ vào Nam - nơi không thiếu gì việc từ đi trồng cây cao su, trông coi ao nuôi tôm cho đến việc chăm vườn cây ăn quả. Bà già nói: Thì cũng phải tìm nơi khá hơn mà sống. Bà khuyên chúng đến nơi mới phải bỏ thói hư tật xấu, siêng ăn siêng làm thì người ta mới thương. Bà còn cho chúng ít tiền xe tàu. Cả hai đứa cùng khóc, nói chúng ổn định làm ăn khá lên sẽ đón bà vào nghỉ dưỡng tuổi già.

 Trên tàu vào Nam. Hai vợ chồng Xệu Lén ngồi cạnh một người đàn bà tuổi đâu chừng bốn lăm, nét mặt chị ta cởi mở vui tính, chị ta bắt chuyện khi biết Xệu và Lén rời quê vào Nam kiếm việc, chị nói: Tôi là Hoa, tôi cũng đang vào Nam làm việc. Chị cho biết tháng trước vào thăm con gái học ở Đại học Đồng Nai. Tan buổi học là ba chân bốn cẳng chạy đi làm thêm để có tiền ăn học, khi thì bưng bê ở quán ăn, khi thì đi lau nhà cửa cho người ta. Thương con lắm mà không biết bằng cách nào. Nhà ở quê ruộng ít, chắt bóp lắm tháng tháng cũng chỉ gửi cho con tiền ăn chừng được mươi ngày. Thấy con vất vả, chị rưng nước mắt nói: Con dẫn mẹ đi thay con. Đến quán ăn người ta từ chối, nhận người trẻ chứ không nhận người già. Chị chỉ làm được những nơi cần lau nhà cửa, vệ sinh buồng tắm bồn cầu, mỗi giờ vài ngàn đồng. Lúc đầu một nơi chị làm được hai tiếng. Về sau quen việc chị nhận ba nơi, thu nhập không những đủ mẹ con chi tiêu mà dôi ra một ít. Nhiều nhà cần nhưng chị không nhận, chị để thời gian cơm nước cho con. Nhiều lần chị ra ngoài chợ vào một sạp lớn bán hoa quả, sữa các loại từ trẻ em cho đến người già, nhãn mác trong nước ngoài nước không thiếu, khi mua mấy quả cam, khi mua nải chuối cho con bồi dưỡng học vào ban đêm. Người chủ sạp bán sữa và hoa quả tuổi cũng trên dưới năm mươi biết chị là dân ở ngoài vào làm thuê cho con ăn học qua một người bạn mướn lau nhà. Chị chủ sạp muốn chị về giúp hẳn cho chị, chị đang cần một vài người giúp việc. Chị không nhận lời, vì thế thì không còn thì giờ chăm sóc con. Chị chủ sạp nói ở quê có ai quen biết nhờ chị giúp cho một người không cần học hành chữ nghĩa gì nhiều, chỉ cần siêng năng và thật thà, tuổi trên dưới hai ba mươi thì càng tốt. Kể cho hai vợ chồng Xệu Lén nghe, chị Hoa nói: “Cũng không cần phải vào Sài Gòn làm gì, mà chắc chắn những ngày đầu có khi cả tuần chưa hẳn đã tìm được việc, chi bằng xuống ga Biên Hòa đi với tôi là có việc ngay mà lương mỗi tháng ba trăm ngàn đồng”. Xệu nói: “Một lời mời có khi người ta quên đi thì sao?” Chị Hoa nói: “Yên tâm đi. Người nơi đây không mấy khi quên lời hứa. Cứ đi với tôi. Không đúng những gì tôi nói cô cậu cứ níu áo tôi mà bắt đền”. Đang chuyện thì tiếng loa trên tàu vang lên: “Quý khách lưu ý! Mười lăm phút nữa tàu đến ga Biên Hòa”. Chị Hoa - người bạn đường nói: “Thế cô cậu tên gì nhỉ?” Cả hai đứa lúng túng ngập ngừng rồi Xệu nói: “Em… tên Thành vợ em tên Lan”. Chị Hoa mỉm cười rồi nói: “Thành, Lan tên đẹp đấy chứ!” Thế là lần đầu tiên cái tên cha mẹ đặt cho mà bao năm chả ai gọi bây giờ được vang lên trên con tàu đến ga Biên Hòa. Xệu và Lén đã lùi vào quá khứ.

Xuống tàu. Giữa đám đông người chị Hoa dẫn bộ Thành và Lan đi vào phố xá đông người về nơi chủ sạp bán hoa quả và sữa. Thành và Lan bám theo sau như là cái đuôi, sợ lạc đường.

  Chị chủ bán hoa quả và sữa nhìn Thành và Lan. Nơi chợ búa chốn thương trường hơn mười mấy năm lăn lộn cho chị nhận biết thiện ác qua nét mặt, nên khi thấy Thành và Lan ngơ ngơ như gà công nghiệp, ngày tháng nghèo đói còn in trên nét mặt nhưng không phải là đần độn. Chị biết hạng người này dễ uốn, không như những người mới gặp ba hoa chích chòe, loại người ấy dễ phản chủ, chị nhận Lan giúp mình, có lương tháng và nuôi ăn ở, Thành thì chị điện cho ông thầu khoán cũng người làng chị, hôm sau Thành đến công trình ông ta đang xây dựng làm anh phụ hồ. Chị cho hai vợ chồng ở cái chái sau bếp làm nơi ăn nghỉ.

Chị chủ sạp bán hoa quả và sữa có tên là Ba Tần, con thứ hai trong một gia đình làm nông. Từ ngày chợ búa mua bán phát triển, chị với vài người ra đây, vốn là đất trống trên con đường liên huyện bán đồ vặt: từ con gà, bó rau đến buồng chuối, quả cam của nhà làm ra, dần dần người đông lên thành chợ. Lúc ấy chị Ba Tần có cái sạp to nhất chợ. Mấy năm trời ngoài chợ chị biết muốn phát triển thì trước hết phải tạo lòng tin, chọn mặt hàng gì chưa ai có thì mình có, nên khách quen hễ ra chợ là đến cửa hàng của chị. Bây giờ bán hàng giao tận nhà, nơi vùng này chưa ai làm thì chị đi trước. Cũng như trước đây phơi nắng chang chang trên bãi đất không người, chị đã biết chiếm một khoảnh đất rất lớn có thể xây dựng một siêu thị nhỏ mà kẻ đến sau khó khăn lắm mới kiếm được một chỗ mua bán chỉ chừng năm sáu mét vuông. Chị chuẩn bị mọi thứ từ quảng cáo trên ti vi cho đến tời rơi dán khắp thành phố, chị chỉ đợi có con người. Lan đến, chị bày vẽ cho Lan từ loại hàng nào giá cả bao nhiêu và cách đóng gói. Nhận tiền của khách không bao giờ quên lời cảm ơn. Nhờ trời con Lén ngày xưa bây giờ lanh lẹ, chăm chỉ và thật thà, tiền thu vào nộp cho bà chủ không bao giờ thiếu một xu. Một hôm bà chủ hỏi Lan: “Em có biết đi xe máy không?” Lan đáp: “Thưa bà chủ… ” Chị Ba Tần ngắt lời Lan: “Em đừng gọi thế, cứ gọi chị em cho thân mật”. Lan tiếp: “Thưa chị Ba, em quê mùa kiếm miếng ăn đã khổ, làm gì biết những chuyện xa vời ấy” - “Thế em học lớp mấy?” - “Dạ em mới học lớp bốn” - “Thế là em học hơn chị một lớp. Em à, học là một việc. Khôn ngoan là lấy cái gương thiên hạ mà noi theo, mà bắt chước. Và đừng bao giờ nghĩ mình thỏa mãn với hiện tại, như em còn trẻ, càng không được nghĩ mình làm thuê suốt đời. Mười năm, hai mươi năm em phải làm chủ không được như bằng chị thì cũng có cơ ngơi nho nhỏ để hàng ngày tận tụy yêu thích công việc mà tích lũy rành rọt trong buôn bán. Như chị đây, ngày trước chỉ biết lội bùn cấy lúa, cuốc đất trồng khoai rồi đem mớ khoai nải chuối ra chợ. Mua bán bớt thêm cho chị biết người ta cần gì, ăn nói ra sao để người ta nhớ đến mình. Từng ngày chắt chiu từng tí một để cho chị có một cửa hàng lớn như hôm nay. Với em, chị thuê em về làm đây không chỉ bán dăm mười ký hoa quả đôi ba chục hộp sữa, việc đó chị sẽ thuê người khác làm. Còn em, chị nhắm em có thể giúp chị bán hàng qua mạng, qua điện thoại, em phải biết nghe điện thoại, biết vào mạng để biết khách hàng người ta cần những thứ gì và đi xe máy giao hàng cho khách”. Lan nói: “Mỗi lần nghe điện thoại em đã thấy run, với máy móc xe cộ thì em sợ lắm. Có giao hàng em xin đi bộ”. Chị Ba Tần nói: “Thời gian bây giờ là vàng, là bạc. Đi bộ chỉ có ăn cháo thôi. Và em không được sợ cái gì cả. Chị trên bốn mươi tuổi, thằng con trên thành phố về, bắt tay chỉ việc trên máy tính, khó khăn lắm em à. Nhưng rồi cũng lò dò gõ từng phím một trên máy tính, chứ đâu học hành bài bản như học sinh đến trường. Em còn trẻ hơn chị, em cố lên sẽ làm được. Đầu lạ sau sẽ quen. Thứ bảy, chủ nhật con chị về, bước đầu nó sẽ tập cho em đi xe máy”.

Thấm thoắt mới đó mà hơn tháng. Lương tháng đầu tiên nhận về, cả hai vợ chồng tay cứ run run nâng niu những đồng bạc phẳng phiu sạch sẽ trên tay mà ứa nước mắt, nhớ đến đồng bạc năm ngàn đồng hồi ở quê. Một vài tháng quen công quen việc, được ăn uống đầy đủ da thịt của hai vợ chồng đổi thay. Lan bây giờ tươi tắn như ngọn lúa sắp trổ đòng, Thành thân thể săn chắc như một ngư dân quen nghề biển khơi. Công việc của hai vợ chồng hàng ngày cũng không lấy gì vất vả với sức trẻ đang lên, cả hai quyết định làm thêm việc vào ban đêm. Thành nhận thêm cái chân theo xe đi đổ rác sau bảy giờ tối, nơi vừa có một người mới xin nghỉ việc. Lan đến nhà hàng xin rửa bát vào lúc chín mười giờ đêm. Đồng tiền làm thêm có khi vượt hơn cả công việc ban ngày. Có thêm đồng tiền cả hai không biết mệt, quyết chí tùng tiệm để không bao giờ phải khổ nữa. Chị Ba Tần tốt bụng, khuyên hai vợ chồng cách tích cóp đồng tiền, cứ tháng tháng mua năm phân hay một chỉ vàng lận lưng để đồng tiền khỏi mất giá. Chị nói: Vợ chồng chúng bây rồi phải có nhà cửa đàng hoàng mà ở. Bây giờ cái phường mới thành lập đang vắng người, thưa thớt nhà, đất ở đó rất rẻ, hai vợ chồng kiếm một miếng chứ sáu bảy năm sau giá đất ở đấy sẽ tăng lên nhiều lần, có chục cây vàng cũng không dám sờ tới.  Bây có thiếu thì tao cho mượn. Ngày trước thế nào thì tao không biết, chứ từ ngày về đây tao quý chúng mày thật thà, chí thú làm ăn, năm nay trả chưa hết thì năm sau trả tiếp.

Tám năm sau vợ chồng Thành đã có một ngôi nhà cấp bốn. Lan cả ngày cho đến tận mười giờ đêm chạy xe máy đi giao hàng cho bà chủ. Thành bây giờ cũng đã lên thợ cả. Thành đã nhận khoán làm nhà cấp bốn đơn giản nơi Thành ở. Tiếp xúc với nhiều người, Thành chững chạc, ăn nói đâu ra đấy. Vợ chồng Thành cũng có đứa con ba tuổi trước khi vào nhà mới. Thì ra, không có người xấu, cũng như loài hạt, loài nào cũng nảy mầm. Cây tốt tươi hay èo ọt là ở mảnh đất gieo trồng.

Nhớ ơn và để trả ơn bà già bán cháo, hai vợ chồng nhất quyết lần này chứ không như lần trước phải đưa bằng được bà cụ vào để phụng dưỡng, để bà cụ không cô đơn. Lần trước Lan ra nói hai vợ chồng đã có ngôi nhà nhỏ, có đứa con ba tuổi bà không tin. Bà nói: “Chúng bây thương tao, tao vào chúng bây thêm khổ”. Lần này Lan đem theo bức ảnh chụp hai vợ chồng với đứa con cùng bản photo giấy chứng nhận quyền sở hữu ngôi nhà nhỏ hai vợ chồng đứng tên. Rồi mở điện thoại di động cho bà thấy phố xá cửa hàng nơi vợ chồng sinh sống. Đêm hôm trước, Thành nhận được điện của Lan. Lan và bà đã lên tàu, khoảng mười giờ trưa mai tàu sẽ đến ga Biên Hòa nên sáng nay hai cha con Thành lên ga đón bà già và vợ.

Ngồi ở nhà chờ được chốc lát thì tiếng loa của nhà ga vang lên: Tàu đến chậm một tiếng đồng hồ. Khi có tàu đến chúng tôi thông báo sau. Xin quý khách thông cảm. Khách đón người thân tràn ra ngoài sân ngồi trên những chiếc ghế để sẵn ở bên ngoài phòng chờ đợi. Thành đưa con trai đến bên một chiếc ghế ngồi bắt chuyện với mấy ông khách - mấy ông khách người làm nông nên họ mặc quần dài màu xanh đã hơi bạc màu, áo cũng dài tay, đóng thùng chỉnh chu, nói chuyện mùa màng được mất, đưa giống mới vào canh tác, giá cả chẳng bao giờ ổn định và không biết đến bao giờ người làm nông hết lo. Chờ lâu, đứa con hỏi bố: “Sao mẹ và bà lâu đến thế hở bố?”. Thành xoa đầu con nói: “Tàu đến trễ con ạ!”. Đứa bé lại nói: “Con chưa gặp mặt bà lúc nào nhưng con thương bà lắm”.

Thành mua cho con chiếc bánh mì ngọt.

Thằng bé cạp ổ bánh mì bố vừa mua cho vừa chạy tung tăng thích thú nhìn những chiếc ô tô du lịch đậu ở đằng trước sân ga. Thằng bé bẻ một miếng bánh mì nhét vào mấy khe hở trước đầu xe thì giọng một người đâu đó quát lên: “Thằng kia! Mày định làm cái gì đấy?” Rồi ông ta bước nhanh tới nắm tay thằng bé bóp mạnh làm thằng bé thét lên: “Ái, đau quá!” Nghe tiếng thét của con Thành lao tới, nói: “Xin ông buông tay cho cháu, tôi là cha cháu, có xây xát hư hỏng gì tôi xin chịu”, rồi đưa hai bàn tay lờ nhờ những vết cháy bỏng năm nào còn in dấu gỡ bàn tay của vị chủ xe ra khỏi tay con mình. Gã chủ xe khi nhìn thấy những vết sẹo và bàn tay phải của Thành có hai ngón cái thì trong tâm thức của gã mơ hồ nhớ ra một điều gì đó đáng sợ, gã nói một cách bâng quơ: “Lần sau anh cẩn thận với con.” Thành nói: “Xin cảm ơn ông. Nghe giọng nói hẳn ông là người miệt ngoài? Tôi cũng ở ngoài ấy. Chúng ta có thể đến chiếc ghế đằng kia ngồi giết thì giờ đợi tàu”… Và Thành chằm chằm nhìn vào mặt gã chủ xe.

Gã chủ xe ngạc nhiên với cái hạng người không phải đối tác, cũng không bạn bè đồng vai đồng lứa. Gã khinh khỉnh nhìn vào mắt Thành. Nhưng khi bốn mắt chạm vào nhau, mặt đối mặt thì cái mơ hồ trước đó đã hiển hiện hình hài rõ nét cho gã chủ xe nhận ra kẻ đối diện với mình đó là thằng Xệu và nhớ lời nguyền độc của hắn làm trán gã lấm thấm mồ hôi. Thằng Xệu mồ côi cả cha lẫn mẹ, lúc mười sáu tuổi, hắn sống lay lắt không nơi cố định. Khi Xệu hai mươi tuổi, gã đã thuê hắn đánh dằn mặt một đối thủ ăn chia không công bằng trong một vụ mưu mẹo cướp giật tài sản của nhà nước và đẩy hắn từ phó tổng giám đốc xuống làm tay nhân viên văn phòng. Người ta vây bắt hắn, tra hỏi hắn biết kẻ thuê hắn đi hành hung là gã Râu Lé - bởi hắn có con mắt hơi lé và nốt ruồi bằng hạt na với mấy sợi râu dưới cằm bên trái. Gã bị hành hung không muốn bươi chuyện, mà chuyện khơi ra cái khuất tất tiền bạc giành giật được phơi bày thì rắc rối lắm. Đến cửa công quyền tố giác Râu Lé lúc này là đến cửa tử, nên gã sai bọn tay chân nhét đất vào mồm Xệu, đánh cho một trận rồi đuổi đi. Lần thứ hai, gã thuê Xệu tiền gấp ba lần trước đốt nhà một người đã tố giác hắn kê gian làm giả giấy tờ trong đền bù giải phóng mặt bằng đến cả trăm triệu. Xệu bị tóm ngay khi chưa kịp hành động. Người ta giật mồi lửa trên tay Xệu, dí mồi lửa vào hai tay Xêu. Xệu vùng chạy thục mạng, rồi đổ ụp bên nhà của bà bán cháo. Chuyện đốt nhà không thành gã luôn theo dõi Xệu để đối phó bất ngờ có thể xảy ra. Vài ngày sau khi đã lại sức, đôi bàn tay đã lên da non Xệu gào thét trong cái lều ở chợ: “Vì thằng Râu Lé mà mồm tao ăn đất, tay tao cháy bỏng. Thằng Râu Lé cho dù năm này qua năm nọ mày đi cùng trời cuối đất, chui rúc hang cùng ngõ hẻm nào tao tìm được mày, tao sẽ giết!”. Rồi Xệu rên rỉ: “Ta cũng là người. Vì ta không biết làm người nên người biến ta thành con vật!” Nghe thế, nên gã tìm cách chuyển vào Nam để tránh Xệu.

Thế đấy. Bây giờ đứng trước Xệu gã rơi vào một tình trạng khó xử, không thể thoái thác. Với cái thằng nuôi hận kia, trí trá lúc này càng kích động sự trả thù thì rất dễ nhận một quả đấm vào mặt. Bị đánh giữa đông người vừa nhục vừa gây ra chuyện lôi thôi, tội ác trước đây có cơ bị phơi bày, kẻ đối địch có cái cớ để hãm hại gã. Thật bất ngờ! Gã là một doanh nhân, nhưng thỉnh thoảng vẫn giữ thói quen đi tàu để thư giãn một mình, tránh sự dòm ngó nơi đông người. Lần này thật xúi quẩy, trong lúc đợi tàu lại gặp thằng Xệu! Bao nhiêu năm Xệu đã làm gì để Xệu ăn nói trở nên đầy tự tin, lối ăn mặc của Xệu cũng không kém ai. Gã không biết rằng Xệu đã rời xa nơi tủi nhục đến đất Biên Hòa nhờ một người địa phương không quen biết, tốt bụng cưu mang những ngày đầu lạ nước lạ cái. Và gã cũng không biết rằng Xệu bây giờ là một anh thợ cả trong nghề, tay bay tay thước và tạo cho Xệu biết ăn biết nói đâu ra đấy. Gì thì gì, lúc này gã đã lâm vào thế bí. Bằng những trải đời lọc lõi, thời gian là cứu cánh, gã biết Xệu đã trở thành một con người khác. Còn Xệu, không thể nhầm được, dù bây giờ hắn sang trọng béo tốt hơn nhiều, nhưng con mắt lé, cái mặt lưỡi cày mà cằm phía dưới bên phải có nốt ruồi bằng hạt na có mấy sợi râu đen được tỉa tót cẩn thận là không thay đổi. Thành lại nhìn gã Râu Lé nói: “Hình như tôi đã gặp ông một vài lần nào đó ở làng Thiết Trung!”  Không đợi Râu Lé trả lời Thành tiếp: “Tôi nhớ ra rồi. Ở làng Thiết Trung ông đã thuê tôi đánh người, đốt nhà… ”. Đến thế thì không trốn tránh vào đâu được nữa. Theo gã, gã tin ở đời này đồng tiền sẽ giải quyết mọi sự rắc rối nên gã móc ví tiền ra, nói: “Tôi có lỗi. Anh hãy quên đi tất cả, tôi sẽ đền bù cho anh, anh Xệu ạ”. Thành nói: “Tôi là … - nhưng Thành đã kịp gìm lại, nói tiếp - Ông cứ gọi tôi là Xệu, cái tên ấy hợp với cuộc gặp gỡ bất ngờ này và dễ gợi nhớ những ngày qua”. Gã nói: “Anh Xệu, tôi xin anh - gã rút trong ví ra một xấp bạc ông tây màu xanh - anh cầm lấy và quên đi chuyện cũ”. Thành xua tay từ chối thì thấy nét mặt của gã cố giữ vẻ bình tĩnh nhưng mấy sợi râu dưới cằm cứ giần giật làm cho khuôn mặt trông thật tội nghiệp. Thành nói: “Ông cất tiền đi, tôi không như trước đây ngả tay ra nhận những đồng tiền đi làm côn đồ. Còn ông bảo tôi quên đi. Tôi không bao giờ quên. Nhưng bây giờ nhớ để làm gì? Nhớ để thương vợ, thương con hơn… Kìa ông, tàu đã đến, ta vào đón người thân đi ông”.

Tàu dừng. Thành chỉ cho thằng bé mẹ nó dắt bà già xuống tàu, đang đi về phía hai bố con. Thằng bé lao tới ôm bà già. Bà già ghì chặt thằng bé vào lòng nước mắt trào ra, bà thốt lên: “Đúng là trời có con mắt! Trời có con mắt!”.

 

T.T.H

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​