Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
CÙ LAO YÊU DẤU, BÀI TÌNH CA QUÊ HƯƠNG DÀO DẠT

BÙI CÔNG THUẤN​

(Đọc Cù lao yêu dấu, truyện dài của Hoàng Ngọc Điệp. Nxb HNV 2018)

 

bia 1.jpg

 

Viết cho thiếu nhi là rất khó. Và vì thế, để viết được tác phẩm hay, có ý nghĩa giáo dục và hấp dẫn trẻ luôn là ước nguyện của nhà văn. Cù lao yêu dấu của Hoàng Ngọc Điệp(1) có thể đóng góp vào văn chương thiếu nhi nhiều điều thú vị. Tập truyện gồm 13 chương xoay quanh nhân vật Na và các bạn Ngân, Lừng, từ khi Na học lớp bốn (10 tuổi) đến khi Na thi đậu vào trường Văn hóa Nghệ thuật Tỉnh (12 tuổi). Đó là truyện của những đứa trẻ ở Cù lao(2)còn non dại và ngốc nghếch”. 

MỘT CỐT TRUYỆN ĐƠN GIẢN

Truyện có cấu trúc rất đơn giản nhưng lại hấp dẫn, đó là điều thú vị và đó cũng là bí mật của sáng tạo và tài năng. Có lẽ viết cho thiếu nhi, cần phải viết đơn giản chăng. Hay bởi thế giới trẻ con vốn hồn nhiêu, chẳng có gì phức tạp như người lớn?

Nhân vật chính là Na. Chuyện của Na là như thế này: “Hồi nào tới giờ, Na chỉ biết đi học rồi về nhà, làm bài tập xong thì quẩn quanh trong khu vườn nhỏ chơi với con Milu hay những con thú bằng đất sét, nhìn ngắm chú cá tai tượng hói đầu, tập đàn và...hết. Thi thoảng Na đi loanh quanh với Nga, còn nếu đi đâu hơi xa nó phải làm ‘cái đuôi’ bám theo bố, không dám đi một mình(tr.100).

Gia đình Na sống ở cù lao nhiều năm. Na theo bố đi dã ngoại. Bố làm quen nói chuyện với người cắt cỏ, người nuôi vịt đồng hoặc thăm nhà một người bạn có món đặc sản chuột đồng. Na cũng phụ mẹ lên chùa, sang ngoại gặp dì Ngọc làm món nem bưởi, vào bệnh viện thăm mẹ của Lừng. Và Na cùng bạn đi học đàn, học bơi, xem nuôi cá bè, đi xem địa nàng, bóng rỗi, Và có lần Na và Lừng phát hiện ra bọn người bẫy cò bán cho nhà hàng làm món đặc sản, nó hết sức đau xót và bất bình. Những dịp đi như vậy, bố hoặc mẹ Na nói chuyện với khách thì Na chỉ lắng nghe để học hỏi hoắc chơi ở ngoài sân…

Nếu coi cốt truyện là những tình huống làm thay đổi số phận nhân vật và thúc đầy câu truyện phát triển thì Cù Lao yêu dấu không có cốt truyện. Nếu nhân vật tự sự là yếu tố trung tâm của truyện, những con người có tính cách, có số phận, phát triển trong những hoàn cảnh xã hội cụ thể, trong Cù Lao yêu dấu không có những nhân vật như thế.  Cả Na, Ngân và Lừng chưa phải là nhân vật có số phận. Từ đầu truyện đến cuối truyện, Na và các bạn “chỉ là những đứa trẻ mười hai tuổi còn non dại và ngốc nghếch” (tr.97) chưa có sự phát triển tính cách. Cuộc đời chúng chưa lần nào phải đối mặt với những hoàn cảnh, gặp những tình huống và phải hành động để bộc lộ tính cách và làm nên số phận. Từ 10 đến 12 tuổi, chúng chỉ lớn hơn một chút xíu. Thằng Lừng vẫn “nửa bắng nhắng như trẻ con, nửa chững chạc như người lớn” (tr.116), và hoàn cảnh mỗi đứa có khác đi một chút. Đọc truyện, nếu không để ý, người đọc sẽ không nhận ra những đứa trẻ này vì chúng lẫn vào những câu chuyện của người lớn và lạc mất trong thời gian và không gian. Hai yếu tố thời gian và không gian thường được dùng làm hai tuyến để phát triển cốt truyện và định vị nhân vật. Nhưng trong Cù lao yêu dấu, hai yếu tố này cũng bị làm cho nhòa đi. Người đọc không thể xác định được cụ thể sự việc xảy ra vào ngày giờ nào. Truyện chỉ kể bằng những từ phiếm chỉ như: “Sáng thứ bảy, mẹ bận công chuyện”, “Một chiều nắng hoi hoi, gió mát rựơi”(tr.53), “Một đêm ông Năm đang ngủ”(tr.64)”, Hôm Ngân đi, Na và Lừng cùng đi tiễn”(tr.97), “Trưa nay trên đường đi học về”(tr.114)…

Truyện không có cốt truyện nhưng vẫn thành truyện hay, bạn đọc đã gặp trong văn chương Thạch Lam trước 1945. Hoàng Ngọc Điệp đi tiếp con đường này. Quả là thú vị! Một người viết non tay sẽ không dám thử sức.

Thú vị bởi làm thế nào để tạo ra một truyện hay mà không dùng cốt truyện? Hoàng Ngọc Điệp cấu trúc Cù lao yêu dấu như thế này: Truyện của Na, tâm trạng của Na là sợi chỉ kết nối thời gian và sự việc từ đầu đến cuối tác phẩm. Chất lãng mạn nhẹ nhàng toát ra từ yếu tố này. Cảm thức về thời gian được tạo ra bởi cảnh sắc thiên nhiên. Thiên nhiên biến đổi theo không gian và thời gian tạo nên một tuyến để phát triển cốt truyện. Chẳng hạn: “Những cây phượng bung hoa đỏ rực trời. Dãy bằng lăng cũng khoe những chùm hoa tím ngắt. Tiếng ve như bản nhạc chói tai rền rĩ suốt ngày đêm. Chiều thứ bảy, Ngân tới nhà Na”. Đây là đoạn mở đầu chương “Tiếng đàn trong mưa” (tr.71). Một đoạn khác lại làm lòng ta nao nao khi thời gian rơi rụng: “Ngòai sân dãy bằng lăng đã tàn hết hoa, lá bàng rụng thành lớp dày. Tiếng ve ngân gióng giả từng chặp làm Na bỗng thấy bồn chồn”. (tr.116)

Một “kỹ thuật” khác tạo nên cấu trúc truyện là tác giả gắn câu chuyện của người lớn mà Na từng được nghe, được chứng kiến vào mạch truyện của Nam. Ở ngòi bút Hoàng Ngọc Điệp, “kỹ thuật” này nhuần nhiễn đến nỗi, người đọc sẽ rất khó khám phá ra những mối nối của những rường cột câu truyện. Truyện cứ tự nhiên như một dòng chảy của đời thực. Tôi đã phải dừng lại khá lâu và đọc rất chậm, lần từng nguồn mạch, từng sự việc, từng giao thoa gặp gỡ và từng lời thoại của nhân vật mới tìm ra cái cách Hoàng Ngọc Điệp chuyển những câu chuyện của người lớn vào dòng chảy câu chuyện của những đứa trẻ. Cách đọc này đem đến thú vị của sự khám phá những sáng tạo của nhà văn và thâm nhập vào được những tầng sâu của tác phẩm.

MỘT NỘI DUNG PHONG PHÚ

Tôi đang nói đến những thú vị khi tiếp cận cấu trúc của Cù lao yêu dấu, nhưng sự hấp dẫn thực sự của Cù lao yêu dấu là sự phong phú của hiện thực được khám phá. Vùng đất cù lao với những con người hiền hòa mộc mạc, không có những biến cố, những sự việc đình đám. Trong mắt Na, nơi ấy: “...có ngôi nhà xinh của bố mẹ. Có bác Hai chơi đờn nghe như tiếng khóc. Có cô bạn thân Kim Ngân hay cùng Na thổi bong bóng xà phòng. Có cả cậu bạn tên Lừng bé loắt choắt mà mơ làm ông chủ tiệm Net. Còn gì nữa nhỉ? À, cù lao còn có chị Bảy múa bóng rỗi, mỗi ngày bán hàng trên chiếc xe đẩy có chuông kêu reng reng. Có chị Hường nấu chè thập cẩm ngon nhất xứ. Và có cả mùa cắt cỏ rộn ràng trên những cánh đồng ngập tràn màu xanh của cỏ(tr. 86); “Dòng sông chảy qua cù lao mùa nào cũng lên xuống hiền hòa, dịu dàng và mát lành như hơi thở của thiên nhiên”. (tr. 96).

Với một vùng đất không có nhiều vỉa tầng lịch sử, văn hóa, đời sống xã hội, vậy mà Hoàng Ngọc Điệp lại khám phá được rất nhiều đặc sắc của một đời sống phong phú cả về vật chất và tinh thần. Tôi không rõ nhà văn đã cắm rễ sâu như thế nào nơi vùng đất này để có được những tư liệu làm nên những câu truyện hay. Truyện của Na và các bạn là dòng chảy chính, truyện của những người dân cù lao là những nhánh, những ngọn nguồn góp vào làm cho dòng sông văn chương trong Cù lao yêu dấu đầy ắp nước trong và phong phú phù sa. Từ đây trang văn trở nên xanh tốt và người đọc có thể hái được những hoa trái nghệ thuật.

Giá trị của Cù lao yêu dấu là ở sự khám phá hiện thực. Hoàng Ngọc Điệp ghi được truyện của những người lao động rất đỗi bình thường nhưng đời sống của họ lại phong phú nguồn mạch văn hóa, và chính họ đang lưu giữ và bồi đắp những giá trị văn hóa, chính họ là cái đẹp văn hóa, làm nên cái nền văn hóa cộng đồng, làm nên sức mạnh bền vững của dân tộc này. Tôi cho rằng đó là những phát hiện rất tâm huyết và sâu sắc của một nhà văn đối với quê hương mình đang sống.

Ba của Na dù tu nghiệp ở nước ngoài nhưng về nước ông lại chăm sóc vườn lan và tiếp tục nghề vẽ mà ông ngoại Na truyền lại. Ba của Na cũng khuyến kích Na học đàn và thi vào trường Văn hóa nghệ thuật. Ông Hai Tàng, dù thuộc gia đình liệt sĩ, có con làm chức vụ lớn ở tỉnh, nhưng ông chỉ sống bằng nghề dạy đàn cho trẻ. Ông hiểu rất rõ giá trị tinh thần, tình cảm dân tộc trong bài Dạ cổ hoài lang. Na muốn ông dạy cho Ngân bài này để khi Ngân đi nước ngoài, Ngân đàn cho gia đình đỡ nhớ nhà. Ni sư Diệu Liên là người giữ gìn những truyền thuyết đã trở thành giá trị tâm linh của chùa Tích Thiện, hơn nữa nơi đây còn trở thành nơi hội tụ cái đẹp của lẽ thiện. Chị Bảy ngày thường đẩy xe hàng rong đi bán khắp xóm. Nhưng khi vào mùa cúng miễu, chị bỏ xe hàng đi múa mâm vàng, hát bóng rỗi. Con người đời thường ấy lại đang gìn giữ một nét văn hóa trong đời sống tâm linh người quê. Dì Ngọc của Na, dù chỉ làm nem bưởi, nhưng cũng “góp phần làm đặc sắc thêm văn hóa xứ cù lao”. (tr.83).

Thú thật rằng, chỉ khi đọc Cù lao yêu dấu tôi mới biết chặp địa nàng, bóng rỗi là gì (chương Giấc mơ của tiên nữ). “Đó là một tiết mục hát múa gắn với nghi lễ cúng Miễu” (tr.36). Chị Bảy múa mâm vàng, hát bóng rỗi rất say mê, vậy mà chị bị người ta chế diễu là bóng. Bóng không phải đàn ông cũng không phải đàn bà. Chị bị nhìn bằng những cặp mắt khinh rẻ, họ nói chị “bóng” thì phải tìm người bóng. Ngòi bút Hoàng Ngọc Điệp từ việc ghi nhận sinh hoạt văn hóa cộng đồng chuyển sang soi thấu những số phận con người với tình yêu thương thầm lặng và chia sẻ những nỗi tủi cực xót xa. Những câu truyện trở nên có chiều sâu tư tưởng.

Truyện cùa “Ông Hai tàng” thật xúc động. Ông Hai không phải người gốc cù lao. Ông là dân Cao Lãnh - Đồng Tháp. Hai Tàng có ông nội theo Việt Minh và hy sinh, có con trai tham gia du kích chống Mỹ hy sinh khi chưa tới tuổi 20. tr.75-76). Ông sống bằng nghề dạy đàn và tiền tuất liệt sĩ. Con người bình thường đó đó lại có một gốc rễ lịch sử, cách mạng và văn hóa rất sâu. Đoạn văn tả ông Hai nói về bài Dạ cổ hoài làng và tả ông Hai đánh đàn có thể coi là một đoạn tuyệt bút của Hoàng Ngọc Điệp. Tác giả không chỉ nghe ông đánh đàn bằng cảm thụ âm nhạc mà còn là mối đồng cảm rất sâu sắc. ”… ông Hai ngồi vào đàn. Những ngón tay của ông thô, đầu ngón tay vuông. Tiếng đàn vang lên. Giai điệu trầm buồn sâu lắng, đôi khi nghe như tiếng nức nở. Ngoài trời mưa vẫn ào ạt. Thi thoảng, tiếng sấm rền vang át cả tiếng đàn cùa ông Hai. Mặc. Ông vẫn chơi mải mê, thể hiện trái tim rung cảm của mình trong tiếng đàn càng lúc càng cháy bỏng da diết. Trong làn ánh sáng mờ nhòa của buổi chiều mưa, gương mặt khắc khổ của ông Hai trông nhợt nhạt. Rồi ông dừng đàn, ra đứng bên cửa sổ lấy tay chùi khóe mắt rơm rớm. Bản nhạc đã đánh thức trong ông những hồi ức xa xưa về một thời tuổi trẻ đầy giông bão, về những khát vọng chưa kịp thành”. (tr.80)

Câu chuyện của người cắt cỏ, người nuôi vịt chạy đồng, người làm thuê việc nuôi cá bè, bắt châu chấu bán kiếm sống… cũng đem đến những hiểu biết thú vị về hoàn cảnh sống và lay động sây xa trái tim người đọc về số phận người lao động nghèo. Vất vả lắm, gian nan lắm, và không ít rủi ro. Người cắt cỏ kể: “Nghề cắt cỏ coi đơn giản vậy chớ cũng nhiêu khê. Cỏ già, trâu bò chê, sớm ra thấy cỏ còn lại trong chuồng là chủ nhà mắng vốn, trừ tiền. Có lần vợ chồng tôi cắt được mớ cỏ non cứ ngỡ hên. Ai dè trâu bò ăn xong là ngã ra, sùi bọt mép. Thì ra đám cỏ đó người ta vừa xịt thuốc. Hú hồn. Vụ đó may mà giải độ kịp thời nên không có con trâu bò nào chết, chớ nó lăn ra vài con thì chắc tôi bán nhà đi đền rồi. Kiếm được miếng ăn cũng trầy trật chớ không dễ đâu”(tr.48).

Hoàng Ngọc Điệp đem vào Cù Lao yêu dấu bầu khí của huyền thoại khi dẫn người đọc đi chùa Tích Thiện trên núi. Ngôi chùa đã có hơn hai trăm năm tuổi và có một lịch sử hình thành khá ly kỳ. Thời dân Đàng Ngoài vào lập ấp, xứ cù lao còn hiểm trở. Có một vị sư đi tìm nơi lập chùa. Vị sư được trái đào tiên dẫn lối, đã làm nên ngôi chùa. Có một đôi trai gái yêu nhau. Chàng trai bị cọp trắng vồ, cô gái lên chùa ẩn cư với pháp danh Huệ Hiền. Một hôm Huệ Hiền đi hái thuốc bị cọp bắt nhốt vào hang. Hai võ sư đã tìm đánh chết cọp. Người ta tìm thấy thi thể hai võ sư nằm bên xác cọp. Câu chuyện được truyền tụng nhiều đời và ngôi chùa trở nên linh thiêng. “Thiên hạ đồn thổi, những ai tình duyên trắc trở tìm đấn đây cầu Phật, sẽ được như ý”. (tr.83)

Cù lao yêu dấu hấp dẫn bằng sự phong phú của nội dung những câu chuyện được kể, nhưng trước hết, cần lưu ý rằng đây là truyện viết cho thiếu nhi, ngoài việc đem đến cho trẻ những tri thức về lịch sử, văn hóa, đất nước con người Đồng Nai, thì truyện còn cần phải đem đến những giá trị giáo dục. Điều này Hoàng Ngọc Điệp tỏ ra là một cây bút có nhiều kinh nghiệm. Trong Cù lao yêu dấu, những bài học cho trẻ xuất phát từ hình tượng nhân vật. Cả ba nhân vật Na, Ngân, Lừng đều được tác giả gửi gắm những bài học tinh tế.

Na được miêu tả cân bằng giữa cha và mẹ, giữa bên nội và bên ngoại. Na cũng rất khéo léo trong ứng xử với những khác biệt của bố và mẹ. Na không biết bố mẹ có đồng điệu không. Bố là họa sĩ, mẹ làm ở bệnh viện. Làm việc gì Na cũng hỏi ý kiến của cả bố và mẹ. Qua Na, tác giả muốn hướng đến một lớp trẻ có thể trở thành công dân toàn cầu (tr.101). Trẻ phải được giáo dục toàn diện. Na học văn hóa, học đàn, học bơi. Học mẹ nấu các món ăn, học làm việc thiện,Na theo bố đi vẽ, đi giao tiếp với nhiều người để mở rộng hiểu biết. Đặc biệt Na được giáo dục sự hòa đồng, cảm thông, chia sẻ. Nghe chuyện gia đình Lừng mẹ nằm viện, bố bỏ nghề làm mướn nuôi cá bè, Lừng phải theo bố đi bắt châu chấu đến khuya, trễ nãi việc học, Na rất buồn. Na đã đập heo đất và cùng mẹ vào bệnh viện thăm mẹ Lừng. Na cũng được giáo dục tình yêu với người lao động xung quanh. Na thương và bênh vực chị Bảy khi chị bị người ta gọi là bóng, thương những người cắt cỏ, nuôi vịt chạy đồng vất vả, thương ông Hai tàng có tiếng đàn đầy u uất. Na yêu quê hương mình, đau xót khi nhìn những con cò bị giết và bị thui lửa (tr. 104). Bố cũng bảo Na nên học tính cách của Lừng, phải chủ động, và Na đã làm được lời bố dạy khi cùng với thằng Lừng nhờ chú Thông viết bài bảo vệ những con cò (tr. 105)…

VÀ MỘT NGÒI BÚT GIÀU PHẨM CHẤT VĂN CHƯƠNG

Tôi thường có thói quen truy tìm đến ngọn nguồn ý thức sáng tạo của nhà văn, bởi điều này chi phối toàn bộ quá trình sáng tác và làm nên giá trị của tác phẩm của một tác giả. Tôi nghiệm ra rằng, chỉ những nhà văn có ý thức sáng tạo tiến bộ kết hợp với tư tưởng thẩm mỹ sâu sắc mới có được những tác phẩm giá trị.

Văn chương là sự sáng tạo cái đẹp bằng ngôn ngữ. Nhưng ý thức về “cái đẹp” và thể hiện “cái đẹp” như thế nào thì có sự khác biệt rất xa giữa các tác giả. Và tôi tìm ra điều này ở ngòi bút Hoàng Ngọc Điệp: “Có lần cô giáo dạy văn của Na nói rằng cuộc sống xung quanh có rất nhiều thứ quen thuộc, bình dị đến nỗi không mấy ai thấy được những điều kỳ diệu ẩn chứa trong đó. Rồi một ngày nào đó tình cờ người ta phát hiện ra vẻ đẹp mà lâu nay người ta chẳng để ý. Như khi bình minh lên, ánh mặt trời rực rỡ khiến mọi thứ đều lung linh một vẻ tươi vui ấm áp, còn buổi chiều lại man mác buồn vì ánh sáng mặt trời đã tắt, gió thổi lao xao ngoài bờ sông, những chuyến tàu lửa lao qua đường sắt rúc lên những hồi còi dài. Những buổi tối mưa giông, sấm chớp ầm ầm làm cửa kính rung chuyển, sáng ra thềm nhà ướt nước mưa và phủ đầy lá rụng. Tất thảy những điều ấy tuy nhỏ bé nhưng đều mang một vẻ đẹp thuần khiết, êm dịu, chúng khiến ta thêm yêu cuộc sống và mội khi chợt nhớ đến lòng ta lại bồi hồi xúc động”. (tr.50)

Như vậy với Hoàng Ngọc Điệp, “Cái đẹp” là những cái bình bị xung quanh ta, nó mang một vẻ đẹp thuần khiết, và nó giúp ta thêm yêu cuộc sống. Vấn đề còn lại là làm sao nhìn ra cái đẹp và thể hiện cái đẹp. Điều này tùy thuộc ở tấm lòng nhà văn đối với con người và cuộc sống. Thiếu một tấm lòng yêu mến, hiểu biết, nhân hậu, nhà văn không thể làm cho trang văn có sức lay động trái tim người đọc.

Thật đáng quý, những công việc vất vả, những người lao động trầy trật kiếm sống vẫn hiện lên rất đẹp. Lừng nói với Na: “Ba tao chỉ quan tâm hôm nay nhà tao ăn gì, làm gì. Ba tao lo đủ thứ. Lo cá bẻ chết, lo không có tiền đóng học cho tao lo má tao trở bệnh…”(tr.23). Ông năm bị “cò” lừa tiền “mua” đồng. Dù vậy, khi ông bắt được kẻ trộm trứng vịt, ông không đưa ra công an, mà còn cho anh ta túi trứng vịt, bảo anh ta đừng làm vậy (tr. 65). Bố Na đã vẽ chân dung người chăn vịt, như một nhân vật hội họa. Trên tờ giấy vẽ hiện dần lên buổi chiều trên cánh đồng, nền trời có những vệt mây, phía xa có những cây phi lao đơn độc mọc chơ vơ trên bờ ruộng. Cận cảnh là người đàn ông đội nón vải, miệng ngậm điếu thuốc tự cuốn to sù, mắt nhìn theo bầy vịt đang ăn trên những rãnh nước lấp lánh như dát bạc. Ở một góc bức tranh là cậu bé cầm cây sào đuổi vịt”. (tr.68). Bản thân đời sống đã là bức tranh đẹp.

Và đây là nét đẹp của cuộc sống lao động vất vả: “Sau một hồi kiểm tra vịt lần cuối,

 ông Năm an tâm chui vào lều. Bóng tối đang loang dần trên cánh đồng mênh mông. Nhìn kỹ có thể thấy phía xa nhô lên những chiếc lều xiêu vẹo cô độc cũng của những người nuôi vịt chạy đồng. Hai cha con nằm xoãi dài trên tấm chiếu nilon cứng quèo, tận hưởng khoảnh khắc thư giãn sau một ngày phơi nắng. Đêm trên đồng thật yên tĩnh nghe rõ tiếng kêu thảng thốt của những con chim lang bạt đi ăn đêm và tiếng côn trùng rỉ rả”. (tr.66)

Cù lao yêu dấu có nhiều bức tranh đẹp về quê hương: “Ở đây có dòng sông vừa rộng vừa hiền hòa, và đẹp hơn bất cứ con sông nào…Những đền chùa cổ kính cũng rất đẹp và ẩn chứa nhiều điều bí mật…không gian thoáng đãng của những đồng cỏ xanh tươi, những thưở ruộng cò trắng bay rợp trời, vẻ đẹp của những cây dừa nước, những đình chùa mái ngói rêu phong, cả khu vườn âm u có những ngôi mộ cổ nằm im lìm hàng thế kỷ”. (tr.22)

Một cái nhìn rất đẹp về con người: “Đêm ấy Na mơ thấy chị Bảy xinh đẹp như cô tiên, đội mâm vàng bay lượn, tỏa hào quang như ánh mặt trời hừng đông. Khi đáp xuống mặt đất, dường như chị khóc, mắt rưng rưng, giọng ướt nhòe ‘Tôi không phải là bóng. Tôi là Tiên nữ. Xin mọi người đừng giễu tôi…’ Gương mặt chị Bảy mờ nhòa rồi thoắt biến mất. Na choàng tỉnh, thấy má hơi ươn ướt. Hình như trong mơ nó đã khóc”. (tr.44)

Viết về cái đẹp, trang văn của Hoàng Ngọc Điệp hội tụ phẩm chất của nhiều loại nghệ thuật. Na nghĩ về những bức tranh của ông ngoại: “Chính ông đã vẽ nhiều bức tranh về vẻ đẹp thiên nhiên của cù lao, có cả một bức sơn dầu về những người cắt cỏ. Màu xanh của cỏ chảy tràn qua bức tranh, phía xa là những người thợ cắt cỏ đang cúi lom khom, xa hơn nữa là ráng chiều với những áng mây bồng bềnh. Dường như mây cũng thơm mùi cỏ” (tr.52). Câu văn có sức tạo hình như khắc, như tạc, sâu đậm tình yêu quê hương, thắm thiết tấm lòng của nhà văn với con người, cảnh vật vùng đất này. Và trong tiếng đàn của ông Hai tàng, biết đâu không có hình bóng người thân yêu hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và người vợ đã sống với ông gần trọn một đời. Cái nhan đề “Tiếng đàn trong mưa” không chỉ tả cơn mưa ngoài trời mà còn là những cơn mưa nước mắt trong lòng ông Hai nữa. Cái tình người sâu nặng xiết bao!

***

Và tôi chợt bắt gặp những câu văn chở nặng tư tưởng:“Trên đời, có ai là không từng luyến tiếc một điều gì” (tr.28). ”Con người đôi khi vô ý thức thành ác với đồng loại” (tr.42).“Ai cũng có ước mơ. Nhưng với rất nhiều người, ước mơ cứ mãi xa vời, chẳng bao giờ thành hiện thực”.(tr.78). Người ta cứ sống lương thiện, không làm ai tổn thương, luôn hướng về cõi Phật thì chẳng cần gì phải bói toán. Đừng quá tham sân si, để khỏi phải trả nợ trần (tr.84).

Tôi tin rằng, với tấm lòng sâu nặng tình đời, nhà văn Hoàng Ngọc Điệp sẽ còn viết được nhiều trang văn giá trị nữa… 

Tháng 10. 2018


_________________

(1) Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp hiện là Phó chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Đồng Nai. Chị đã in: Tình yêu thời hiện đại, Nxb Đồng Nai. 1995- Bướm đi học, tập truyện thiếu nhi. Nxb Đồng Nai 2005-Món quà Noel, tập truyện thiếu nhi. Nxb Thời Đại. 2008- Cún con làm lành.Tập truyện thiếu nhi. Nxb Thời Đại. 2008-Chuyện Bin mũi hếch (2 tâp, tập truyện thiếu nhi. Nxb Đồng Nai 2018.

(2) Cù lao, còn gọi là Cù lao phố. Sông Đồng Nai chảy đến một khúc quanh thì tự chia ra làm hai nhánh ôm trọn một dải đất sa bồi. Dải đất đó chính là Cù lao Phố, nằm ở phía Đông-Nam của thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.(vo.wikipedia)

 

 

 

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​