Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TÂM, TRUYỆN VÀ ĐỜI

Trong truyện Hiệp Khách hành của Kim Dung, nhân vật chính là Thạch Phá Thiên tính tình đôn hậu, thật thà và không biết chữ.

Ba mươi năm trước, hàng loạt các vị cao thủ võ lâm như Phương Chứng, chưởng môn phái Thiếu Lâm, Xung Hư, chưởng môn phái Võ Đang... được mời thăm đảo Hiệp Khách và một đi không trở lại, tạo thành nghi án giang hồ không lời giải.

Bởi thế, cao thủ nào được mời thăm đảo Hiệp khách là hồn vía lên mây, tạo ra cơ hội cho Thạch Trung Ngọc, anh em sinh đôi với Thạch Phá Thiên, dưới danh nghĩa sứ giả đảo Hiệp khách nhận hối lộ của quần hùng nhằm tránh rơi vào danh sách khách mời của đảo.

Khi Thạch Phá Thiên cùng quần hùng ra đảo Hiệp Khách, gặp lại những cao thủ võ lâm mất tích hơn ba mươi năm, họ đã già, râu tóc bạc phơ, nhưng hàng ngày đều vào các thạch động để múa kiếm từ bài thơ “Hiệp khách hành” của Lý Bạch được khắc lên vách, mong lĩnh hội yếu chỉ tinh túy của bài thơ - được xem là bí kíp số một của võ lâm, mà suốt mấy chục năm qua mỗi vị lý giải mỗi khác, cãi nhau “chí chóe”.

Thì ra là vậy. Đám hào sĩ giang hồ mới ra đảo, tay bắt mặt mừng với cố nhân xong là nhào vô luyện các chiêu kiếm trong thạch động, lại cãi nhau. Duy chỉ có Thạch Phá Thiên, vì không biết chữ, nên chàng nhìn lên vách đá chỉ thấy chiêu kiếm, không thấy chữ, và cứ thế mà tự luyện. Hai vị lão tiền bối, chủ nhân đảo Hiệp khách, nhìn chàng múa kiếm bỗng giật mình bởi sự ảo diệu trong từng chiêu kiếm mà bấy lâu hai vị vẫn không lĩnh hội được. 

Hỏi Thạch Phá Thiên sao mới ra mà lĩnh hội nhanh thế. Chàng thật thà trả lời “Vãn bối không biết chữ, thấy chiêu là luyện thôi”. Hai vị tiền bối này chợt thức ngộ, vì bấy lâu cứ mong lý giải ý nghĩa câu chữ để thành chiêu nên mỗi người hiểu một cách. Chỉ riêng Thạch Phá Thiên vì không biết chữ nên không bị trói buộc vào ngữ nghĩa câu chữ, tâm nhìn thế nào thì luyện thế đó. Chiêu thức chàng luyện quả là ảo diệu vô song.

Tra Đại hiệp có nghiên cứu lịch sử Thiền Tông Trung Quốc hay không khi viết tác phẩm này thì tôi không biết nhưng nhân vật Thạch Phá Thiên phảng phất có nét giống với Lục tổ Huệ Năng, vị tổ thứ sáu của Thiền Trung Quốc. 

Vâng! Ngài Huệ Năng không biết chữ, nhưng thành tựu Phật quả lúc bấy giờ khó ai bì. Vì không biết chữ, nên Ngài Huệ Năng nhờ một viên quan Biệt giám đang có mặt tại chùa viết giùm lên vách cạnh bài của Ngài Thần Tú một bài kệ (chính từ bài kệ này mà Ngũ tổ Hoằng Nhẫn chọn Ngài làm vị tổ thứ sáu) đối xứng chan chát với bài kệ của Ngài Thần Tú:

     - Bài kệ của Ngài Thần Tú

Thân thị Bồ đề thụ 

Tâm như minh kính đài 

Thời thời lại phất thức 

Vật sử nhạ trần ai 

       Tạm dịch:

Thân như cội Bồ Đề

Tâm như đài gương sáng

Ngày ngày hằng chăm sóc

Sẽ không bám bụi nhơ

      - Bài của Ngài Huệ Năng: 

Bồ Đề bổn vô thụ 

Minh kính diệc phi đài 

Bản lai vô nhứt vật 

Hà xứ nhạ trần ai 

       Tạm dịch:

Bồ Đề không là cội

Gương sáng chẳng phải đài

Không một vật, xưa nay

Có đâu mà bám bụi

Phật pháp vô biên, nên Phật tính ở mọi chúng sanh đều bình đẳng. Nhưng thế gian vốn đầy phân biệt, mọi Phật tử ngưỡng mộ các vị cao tăng ở sự uyên thâm về Phật học, làu thông kinh sách, trong tiềm thức có phần xem thường những kẻ không biết chữ, nhưng trớ trêu thay “ngộ tính” trong Thiền học không lệ thuộc vào tri thức, ngữ nghĩa câu chữ.

Kệ của Ngài Thần Tú còn ở trạng thái “nhị nguyên”, phân biệt vật và tâm, chưa thẩm thấu được tinh thần Bát Nhã trong Thiền học Kệ của Ngài Huệ Năng biểu hiện tâm “phá chấp” không một vật, chính là tinh thần Bát Nhã với ngũ uẩn giai không để “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” vượt qua bờ sinh tử.

Thạch Phá Thiên trong truyện không có tâm cơ, không cầu danh lợi, đối đãi người chân thành, nghĩ điều tốt của người, trượng nghĩa với tất cả, không oán, không đố kỵ ai. Nên thành tựu trong võ học của chàng quả vô biên, ở đỉnh cao của thiên hạ.

Tôi chợt nghĩ Tra Đại Hiệp tạo ra nhân vật Thạch Phá Thiên trong Hiệp Khách Hành cũng như Lão Ngoan Đồng trong Anh hùng xạ điêu phải chăng là phản ảnh một hình tượng mà đời ông muốn vươn tới nhưng ý hướng bất thành bởi thế sự nhiễu nhương, đời là đời mà truyện là truyện. Đời theo duyên nghiệp, truyện theo ý sinh. Chấp trước vẫn còn, nghiệp gieo chưa trả. Ngũ uẩn, lục trần trong Ông nào đã “giai không” ???

 

THY ĐƯỜNG

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​