Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
"LÒNG TA MÂY TRẮNG VỀ ĐÂU NHỈ?"


   

      Nhà thơ Lê Thanh Xuân, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã xuất bản 15 tập thơ và tuyển tập. Thơ ông có cốt cách riêng, một cốt cách giàu phẩm chất thẩm mỹ. Tôi đã có bài viết về Thơ Lê Thanh Xuân (Tạp chí Thơ số tháng 4. 2016 đã đăng bài về tập Thơ Lê Thanh Xuân), nên tôi không viết lại những gì đã làm nên tài thơ của ông, làm nên cõi thơ của ông, chỉ chia sẻ một góc nhìn rất nhỏ về tập Ngoài kia mây trắng.

NGOÀI KIA MÂY TRẮNG.jpg


Nhan đề “Ngoài kia mây trắng” gợi ra hình ảnh nhà thơ nhìn ra xa, nhìn vào khoảng không, một cõi không gian mênh mông trên cao. Hiện thực không phải là nơi hướng về. Lên Ba Vì, nhà thơ tự hỏi: “Lòng ta mây trắng về đâu nhỉ?” Đấy là câu hỏi ném vào hư không lặng im cô tịch: “Cõi trần như dấu hỏi/ Dành cho mỗi kiếp người” (Tặng mình 70 tuổi). 

  Và đối lập với “ngoài kia” là “trong này”, tức là”cõi tâm thức” của nhà thơ. Lê Thanh Xuân soi vào nội tâm của mình. Thơ Lê Thanh Xuân là thơ hướng nội, tiếng thơ là tiếng nói nội tâm, mình nói chuyện với mình, gẫm suy về đời mình.

      Thế nên, bên cạnh nhiều bài thơ viết về hiện thực, “Ngoài kia mây trắng”còn là một tập thơ giàu tính lãng mạn. Cho nên không thể tìm thấy những gì là xô bồ, phức tạp của đời sống xã hội hiện nay trong thơ Lê Thanh Xuân, xin đọc: Đi trong rừng Cát Tiên, Mưa đêm Biên Hòa, Buổi sáng ở Vĩnh An, Đường hoa Trấn Biên, Cây ở Quảng trường Tỉnh, Cẩm Mỹ, Long Bình, Nhơn Trạch, Ánh điện Tà Lài, Long Thành, Đắc Lua, Chiều Tây Côn Lĩnh, Về Nguyệt Viên nhớ Cẩm Giàng, Bản Mông, Phong Châu, Sa Pa, Sông Hồng, Sông Buông, Qua sông Chu nhớ Phùng Gia Lộc, Trở lại Đất Cuốc, Nga Sơn, Ba Vì, Lai Vung, Người đi bộ trên bãi biển Nha Trang, Với Đà Lạt, Cây thông trước Nhà sáng tác Đà Lạt, Ghi ở thác Voi Lâm Hà, Hội An, Phủ Lý, Đêm Châu thổ, Đất nước ở Cà Mau. …

     Viết về cái đẹp, đó là sự chọn lựa thi ca của Lê Thanh Xuân:

     Đã sinh mình thành tên

Khó đổi dời số phận

Là tiếng chim đừng quên

Trong veo vào vô tận

                               (Tiếng chim)

Tên là “Thanh Xuân”, đã chọn lựa là nhà thơ, thì giống như con chim kia, thơ là tiếng hót trong veo vào vô tận. Đấy là số phận không thể đổi dời. 

      Tôi nghe có vị đắng trong những câu chữ đẹp như thế. Cái vị đắng nằm ở dưới đáy rất sâu của hồn thơ, trở thành tiếng âm thầm. Tiếng nói nội tâm là ngôn ngữ chính của nhiều bài thơ, là ngôn ngữ ẩn mật bên dưới những câu chữ tươi xanh như reo vui nhảy múa. 

     Thơ Lê Thanh Xuân là tiếng nói của một cái “Tôi”, cái “Ta” vừa thăng hoa, vừa day dứt níu kéo; vừa rất đủ đầy là vừa khao khát thiết tha. Vừa rất vững chãi lại rất chông chênh vô định: Cái tôi đối mặt với tuổi già, đối mặt với hư vô. Những gì đã có, những gì đã qua, đều không thể níu giữ được khi ông bước vào cõi hư vô. Nhiều khi hồn thơ thảng thốt. Cái tôi hữu hạn nhìn ra vô tận mà choáng ngợp cô đơn. Đi gần hết đường trần mà giật mình, thấy mình xa lạ.

Cuối đời gặp lại sông sâu

Đến đây, người lái đò đâu mất rổi?

Bãi xưa thấm mát sa bồi

Xanh kia mấy nụ, lòng tôi một mình

Đưa tay chợt chạm vô hình

Mới hay ngày ấy rất xinh chẳng còn

                                (Bến xưa)

Khu vườn cây đã già nua

Mùa thu lặng lẽ đi qua vô tình

Lá vàng-mình chợt giật mình

Buồn như mây thoáng lặng thinh giữa trời

                             (không đề)

Trăng non vừa lú đêm ngọt lịm

Tôi thành kẻ lạ lạc chân mây

                                 (Nga Sơn) 

Quen ở phố, mưa rừng rất lạ…

…Tôi, kẻ lạ giữa đêm mưa rừng lạ

Hai cô đơn phúc chốc bỗng thành gần

                              (Đêm mưa rừng) 

Tất nhiên là Lê Thanh Xuân chưa trải nghiệm đời mình như một “kẻ xa lạ”hiện sinh mà A. Camus miêu tả trong L'Étranger (Kẻ xa lạ), cũng chưa đủ cô đơn, cái cô đơn hiện sinh như là một định mệnh của J. Sartre và A. Camus. Lê Thanh Xuân mới Đưa tay chợt chạm vô hình, đối mặt với hư vô. Và nếu nói là “bi kịch”, thì đó là “bi kịch” tư tưởng. Lê Thanh Xuân không thể vượt qua “vô hình”. (Thực ra, trong thơ Lê Thanh Xuân không có bi kịch. Tôi muốn nói đến bi kịch trong tâm thức nhà thơ điều mà ngòi bút không thể tỏ lộ. Lê Thanh Xuân chỉ mơ hồi nói rằng, đã sinh mình thành tên thì phải trong veo vào vô tận. Mình không phải là dòng sông trong đục đang cuộn chảy ngoài kia). 

      Chính vì thế trong thơ Lê Thanh Xuân luôn ẩn dấu một nỗi buồn sâu thẳm (Lối Thu, Phong Châu, Về Nguyệt Viên nhớ Cẩm Giàng. Đằng sau những gì ông nói ông cười, là nỗi buồn (Bất ngờ buổi sáng). Phía dưới những gì ông miêu tả là tươi xanh, lại hiện hình những nỗi niềm vô vọng (Bến xưa), và lẩn trong hiện thực tưởng là tốt đẹp, tưởng là hy vọng, lại là nước mắt (Tâm sự).

Tại sao Lê Thanh Xuân lại đi tìm chính mình trong thế giới của nhiều xa lạ? Đó là nỗi niềm, những nỗi niềm đã được mã hóa để làm nên những tứ thơ hay và lạ trong thơ Lê Thanh Xuân (Thơ tặng mùa hạ, Trung du-Thu, Ngã ba Chăm, Chiều Tây Côn Lĩnh, về Nguyệt Viên nhớ Cẩm Giàng, Thung lũng, Phong Châu)

Lây phây chiều rắc bụi mưa

Lạnh đâu chợt đến. Gió lưa thưa buồn

Cô đơn tôi đến tận nguồn

Chút tình xứ Bắc, chút hồn phương Nam

                                     (Thung lũng)

Bút ký bản nhỏ, Bản Mông là những bài thơ hay. Chất ký sắc sảo, chất thơ tài hoa, và chất tình như men say.

Bản Mông lưng chừng núi

Tiếng gà gáy ngược lên

Móng ngựa rền xuôi xuống

Tới chợ chưa tắt đèn”

             (Bản Mông)

Lê Thanh Xuân cũng thử bút ở kiểu ”Thơ Trẻ - Thơ khó hiểu” đầu thế kỷ XXI (Hoàng hôn tháng chạp, Người đi bộ trên bão biển Nha Trang), tuy nhiên tôi cho rằng ông chỉ”làm chơi” những bài như thế, như thể chơi chữ. 

Những con bò lặng lẽ đi qua hoàng hôn tháng chạp

Cánh đồng lặng lẽ tiễn chân người bạn nhà nông

Sự quyến luyến thân quen phì phò hơi thở

Tạ ơn nhau trên thớ bụng căng tròn…”

                               (Hoàng hôn tháng chạp)

Lê Thanh Xuân có đổi mới thơ. Song nhìn ở góc độ sáng tạo nào, thơ Lê Thanh Xuân vẫn là thơ truyền thống. Nhiều khi ông viết những câu 7 chữ như thơ 1930-1945 (Nga Sơn, Ba Vì)

Như tỉnh như say rựợu dẫn lối

Sông đêm sóng sánh một nét mày

Tiếng chim đập cánh miền đồng cói

Ngập ngừng chân bước phút chia tay. (Nga Sơn)

Xin chúc mừng nhà thơ đã vượt qua tuổi 70 mà thơ vẫn trong veo (Thịnh Lang, Thung Lũng, Hoa Phượng, Tháng Ba…). Đọng lại trong tôi là bài Lê Thanh Xuân viết về Hoàng Văn Bổn:

Sau chiến tranh đất ven sông

Vẫn là vùng đất Bình Long thuở nào

Đặt chân gặp bóng cây cao

Bước đi lòng chợt nôn nao lạ thường

Sông xanh chỉ chảy một đường

Chim khôn biết chọn một phương tìm về

Người về gặp lại hồn quê

Chiến khu đã gói một bề chiến khu

Tuổi trai gửi tít xa mù

Tóc phơ phất bạc về ru quê mình

Trang văn đượm nghĩa ân tình

Bỗng nghe tiếng gáy bình minh phía nguồn

(Miền đất ven sông-Tưởng nhớ nhà văn Hoàng Văn Bổn)


BÙI CÔNG THU​ẤN



Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​