Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
LONG KHÁNH: HÌNH ẢNH MỚI, GIAI ĐIỆU MỚI



      Những ngày này, người Long Khánh đang hòa trong một niềm vui chung đón mừng thành phố mới, với nhiều cung bậc cảm xúc và tâm tình chia sẻ. Hãy cùng lắng nghe một số nhà văn, nhà báo, những người hoạt động nghệ thuật nói về sự kiện lớn của quê hương cùng những mơ ước của họ.

longkhanh1.vutienchuong.jpg
Khung cảnh buổi lễ công bố thành lập thành lập Thành phố Long Khánh 

tối 02/6/2019 (ảnh Vũ Tiến Chương)

     Nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học - Nhạc sĩ Bùi Công Thuấn đã gắn bó với Long Khánh hơn 40 năm. Ông chia sẻ: “Long Khánh lên thành phố là niềm vui chung của mọi cư dân Long Khánh trong đó có tôi. Và tôi nghĩ đến những nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long Khánh đã xây dựng nên một thành phố đầy triển vọng phát triển trong tương lai. Nhớ lại những ngày đầu mới giải phóng 1975. Sau chiến thắng 12 ngày đêm của dân quân Long Khánh, lúc ấy Thị trấn Long Khánh hoang tàn, khắp nơi đổ nát, cuộc sống vô cùng khó khăn. Rồi Long Khánh đi lên, trở thành Thị xã (2004), trở thành đô thị (2015) và hôm nay trở thành thành phố. Những tiềm năng của Long Khánh được khơi dậy và phát huy”

     Không chỉ trở thành một nhà văn, nhà giáo có uy tín (ông nguyên là ủy viên Hội đồng Lý luận – Phê bình Văn học Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường PTTH dân lập Văn Hiến), Bùi Công Thuấn còn là một nhạc sĩ có nhiều ca khúc học đường khá nổi tiếng. Ông dành cho Long Khánh những sáng tác âm nhạc ngập tràn mùa xuân tươi mới, trong trẻo như Lộc của mùa xuân (1980), Thị xã mùa xuân (2004), Đô thị mùa xuân (2015)… Có lẽ cũng vì Long Khánh có các địa danh bắt đầu bằng mùa xuân như Xuân Bình, Xuân An, Xuân Hòa, Xuân Trung (như chính ông lý giải).

     Nhà văn, nhà báo Nguyễn Một quê ở Quảng Nam, nhưng coi Long Khánh là quê hương thứ hai của mình. Hình ảnh mảnh đất, con người Long Khánh luôn thấm đẫm trang viết của anh, từ những tác phẩm viết cho thiếu nhi (bút danh Dạ Thảo Linh), đến những tập truyện ngắn, bút ký và tiểu thuyết. Có lẽ thường trực trong lòng Nguyễn Một là niềm tự hào về quê hương Long Khánh và những tháng ngày làm thầy giáo kiêm Tổng phụ trách Đội ở đây, nên dù đi đâu, làm gì, anh cũng nhắc về nơi này như là những điều đẹp đẽ, thiêng liêng nhất. Anh viết: “Giờ Long Khánh quê tôi đã lên thành phố, nhưng có lẽ đó là thành phố đáng yêu nhất không phải sự hào nhoáng của những tòa nhà cao tầng, mà là thành phố luôn ngào ngạt hương cây trái, dậy mùi nấm mối mỗi độ mưa về!...”

lien hoan anh 2015.jpg

Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vự
c miền Đông Nam bộ 

được tổ chức tại Long Khánh năm 2015 (ảnh​ TTH)


     Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lò Văn Hợp vừa nhận giải A bộ môn Nhiếp ảnh của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (cuối năm 2018) với tác phẩm “Chung sức”; và đón con gái nhỏ mới chào đời. Anh cho biết mình cũng luôn tự hào vì Long Khánh là một vùng đất mến khách, tràn đầy sức sống, và tự hào vì có nhiều bạn bè, đồng nghiệp làm nghề  nhiếp ảnh: “Từ Long Khánh mà chúng tôi khởi nghiệp, vươn lên, và có thành danh ở đâu thì hình bóng của quê hương Long Khánh vẫn đậm nét nhất trong cả tâm hồn và tác phẩm. Long Khánh trở thành thành phố là điều anh em chúng tôi mong đợi từ lâu, ấp ủ nhiều ý tưởng mới từ lâu”. Đúng vậy, Long Khánh là cái nôi chắp cánh cho rất nhiều NSNA với bề dày hoạt động của Câu lạc bộ nhiếp ảnh Long Khánh, cùng tâm huyết xây dựng phong trào của “lão tướng” Bùi Viết Đồng, NSNA Phạm Văn Hoàng v.v… Những ngày này hình ảnh thành phố mới, cùng niềm vui của nhân dân Long Khánh được các NSNA say sưa ghi lại, và tràn ngập trên các trang mạng, facebook, phần nào phản ánh niềm vui lớn lao và nguồn cảm hứng mới mẻ của nhiếp ảnh Long Khánh.

     Qua câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Phương (nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao) thì ngoài nhiếp ảnh, âm nhạc cũng là một “đặc sản” đặc biệt của Long Khánh, với sự góp mặt của nhiều nhạc sĩ địa phương, cộng với một phong trào rất thành công cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Hiện nay, Long Khánh đã thành lập các câu lạc bộ, các đội văn nghệ dành cho nhiều lứa tuổi, từ các em thiếu nhi đến người cao tuổi, cựu chiến binh; hàng năm hoạt động rất ổn định, phát hiện và bồi dưỡng được nhiều tài năng âm nhạc mới. Nhạc sĩ Nguyễn Phương nhắc đến ca khúc “Long Khánh đêm” của nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai với sự trân trọng: “Ca khúc này anh Khánh Hòa đã sáng tác trên 20 năm. Khi đó chưa có chủ trương thành lập thành phố Long Khánh, chưa có phong trào xây dựng Nông thôn mới… nhưng với dự cảm của một người nghệ sĩ, người trí thức, ca khúc “Long Khánh đêm” đã mang đến một không gian đô thị rất mới mẻ, sâu lắng và hiện đại” 

     Bản thân nhạc sĩ Nguyễn Phương đã có hơn 30 năm cống hiến cho ngành văn hóa và thể thao Long Khánh; trong số “gia tài” âm nhạc của anh có hơn 10 ca khúc về Long Khánh, trong đó có hai ca khúc được cả nước biết đến, đó là “Đập tan cánh cửa thép”, và “Long Khánh nghĩa tình”. Nhắc đến những ca sĩ nổi tiếng từng lớn lên ở Long Khánh như Khánh Duy, Tấn Đạt, Đoan Trang, Hạ Thảo, Ngọc Thúy, Dịu Hiền, Đan Duy, Khởi My… nhạc sĩ Nguyễn Phương vui vẻ cho biết: “Long Khánh chỉ là cái nôi giúp các em “vỡ lòng” về âm nhạc, sự thành công và tỏa sáng của các em còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Nhưng là một người thầy của các em từ cái thời ban sơ ấy, tôi thấy vui vì các em luôn yêu quý mảnh đất Long Khánh, và những ca khúc đầu tiên các em hát lên là của các nhạc sĩ Long Khánh”…

     Còn đối với nhà báo Đinh Kim Tuấn, Phó Tổng Biên tập báo Đồng Nai, thì Long Khánh còn là một “vùng đất học” với chiều sâu văn hóa, lịch sử rất đáng tự hào. Thuộc thế hệ 7X, anh và các bạn đồng lứa được lớn lên trọn vẹn những năm tháng Long Khánh đổi mới và phát triển. Và là một nhà báo, anh lặng lẽ học tập, quan sát, chiêm nghiệm về quê hương mình. Kim Tuấn cho rằng với những ưu đãi của thiên nhiên và đặc điểm riêng về địa lý, lịch sử đã giúp hình thành một “cộng đồng” Long Khánh mến người, mến tài; lâu dần cũng là nơi hội tụ anh tài và phát triển về văn hóa nghệ thuật. Người con của đất Long Khánh luôn tự hào nhắc đến mộ cổ Hàng Gòn, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, Đền thờ liệt sĩ Long Khánh…

     Không thể kể hết tâm tư, tình cảm của những người con ưu tú của thành phố Long Khánh trước sự kiện lớn và những cơ hội phát triển mới. Trở lại với nhà văn, nhà giáo, nhạc sĩ Bùi Công Thuấn, chúng ta chia sẻ nỗi niềm trăn trở: “Long Khánh có một bề dày lịch sử và văn hóa, là vùng đất của những con người anh hùng cả trong chiến đấu và lao động. Vì thế nếu không đắm hồn mình trong không gian lịch sử văn hóa đó, sẽ khó có thể viết hay về Long Khánh”. Ông cho rằng mình vẫn đang “mang nợ”vùng đất này những giai điệu, những trang văn, đồng thời “sống và làm việc hết mình với tư cách một công dân của thành phố Long Khánh, góp mặt với Đồng Nai và cả nước”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Phương thì mong sẽ có thêm những bài thơ, tứ thơ hay về Long Khánh để khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tác mới. Có thể nói thành phố Long Khánh vẫn đang là “điểm hẹn” lý tưởng của những tài năng, những nhân sĩ, trí thức...

MAI SƠN

(Tạp chí Ngôn luận - Hội Nhà báo Đồng Nai)


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​