Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
CHUYỆN CÔ BA PHỤNG

Hồng Ngọc

(Nguồn: VNĐN số 31 – tháng 05 & 06 năm 2019)


 

Chị tên Đặng Thị Kim Phụng, bà con khu phố 7 phường Thống Nhất quen gọi thân mật là “cô Ba Phụng”. Nhỏ bé, vẻ ngoài hơi khắc khổ, chị Phụng gợi cho người ta nghĩ tới những người chị, người mẹ tảo tần, vun vén cho tổ ấm gia đình. Nhưng chị lại sống độc thân cùng bà má già sắp 90 tuổi, lúc quên lúc nhớ. Chị bảo, chị là “con nhà nòi”. Ba chị là thương binh, đau đầu kinh niên vì 16 năm bị Mỹ - ngụy giam cầm, tra tấn dã man ở phòng giam số 6B “địa ngục trần gian” Côn Đảo, má chị cũng bị địch nhốt ở nhà lao Tân Hiệp. Ba mất rồi, năm nào phòng giam số 6B làm giỗ những chiến sĩ hy sinh trong tù, chị cũng ra tận Côn Đảo thắp nhang cho những đồng đội của cha mình.

Là kế toán sân bay Biên Hòa, sau năm 2005, chị Phụng chuyển sang quân đội và về hưu với cấp bậc trung tá. “Con nhà nòi”, được ba má truyền cho bầu máu nóng quên mình vì cộng đồng nên khi về hưu thấy bà con lối phố gặp khó khăn hay chứng kiến điều gì đó bất công là chị ngồi đứng không yên. Cũng vì cái nết hay lo chuyện thiên hạ mà chị được bà con phường Thống Nhất tín nhiệm, bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân khóa 2010-2015 và khóa 2015-2020. Đây là cái may của chị Phụng và cũng là của bà con phường Thống Nhất vì chị Phụng là người địa phương, am tường, hiểu đến chân tơ kẽ tóc cuộc sống của người dân.

Phường Thống Nhất khá rộng, phía Tây và Nam giáp sông Cái - một nhánh của sông Đồng Nai, phía đông giáp phường Tân Mai. Nhìn phố xá sầm uất, tọa lạc nhiều ngôi biệt thự khang trang, khó có thể hình dung 90 % diện tích phường Thống Nhất trước đây là đất nông nghiệp, cư dân sống trên đất ấy là cư dân nông nghiệp. Cuộc “đổi chủ” diễn ra khi công ty D2D thực hiện dự án phát triển trên địa bàn phường Thống Nhất và bắt đầu thu hồi đất. Bà con hài lòng với giá đền bù, nhưng tới phần đất thủy lợi thì vướng. Công ty D2D chỉ đền bù phần kênh mương, không đền bù công lao động, giá kênh mương được tính bằng mét, bị dân chê quá rẻ, không chấp thuận. Vậy là phát sinh khiếu kiện. Những người nông dân “chân lấm tay bùn” lần đầu tiên cầm tiền tỷ nửa mừng, nửa lo. Hầu hết các hộ chỉ biết làm nông, rời miếng ruộng, mảnh vườn thân quen mà mình vẫn cấy trồng thì… không biết làm gì để sống. Họ mang theo cục tiền mới được đền bù, dạt ra ngoại thành, về tận huyện Vĩnh Cửu mua đất rẻ dựng nhà, sống đắp đổi bằng những nghề vốn xưa nay chưa từng làm. Công ty D2D trúng thầu, xây nhà bán cho dân. Nhưng dân phường Thống Nhất không ai mua vì ở lại trung tâm Thành phố Biên Hòa với thu nhập“ bèo” từ buôn thúng bán bưng, làm thuê làm mướn, bà con không “trụ” nổi. Cũng vì nghèo, giật gấu vá vai nên nhà nào cũng quyết “đòi” bằng được tiền đền bù công sức làm thủy lợi thuở còn làm nông. Một bên kiên quyết đòi, một bên kiên quyết…không. Cuộc giằng co đã làm nóng các cuộc họp tiếp xúc cử tri. Chị Phụng trở thành “địa chỉ” để bà con “xả” những bức xúc, bất mãn với cơ quan công quyền. Chị hiểu người nông dân, đa phần hiền lành chất phác nhưng ít am hiểu pháp luật, dễ bị “hiệu ứng đám đông”, thậm chí khi bị khích bác có thể manh động. Mỗi lần có ai phản ứng tiêu cực, chị đều bình tĩnh dùng kiến thức pháp luật và sự am hiểu kế hoạch phát triển của địa phương để phân giải, làm “nguội” những cái đầu nóng.

Hai nhiệm kỳ làm đại biểu hội đồng nhân dân phường Thống Nhất, chị Phụng được bà con tín nhiệm cao vì sự tận tụy, hết lòng. Chị  “thu phục nhân tâm” bằng sự chân thành, thân thiện, vì thế bà con sẵn sàng “dốc bầu tâm sự” với chị, chuyện gì mắc mứu cũng hỏi “cô Ba”. Với tấm lòng đôn hậu, chị thấu hiểu và đồng cảm với cuộc sống còn chật vật, thiếu trước hụt sau của người dân. “Ly nông” rồi đến “ly hương”, những bà con gốc ở khu phố 7 phường Thống Nhất bây giờ sống rải rác ở xã Hiệp Hòa, xã Tân Hạnh huyện Vĩnh Cửu, làm đủ mọi nghề. Do chưa được đền bù tiền làm thủy lợi nên mỗi lần phường họp tiếp xúc cử tri, bà con vẫn về dự để còn… kể khổ. Có người khuyên chị Phụng đừng gửi giấy mời những người hay “quậy” hoặc những cử tri “nhiều chuyện”, hay lý sự. Nhưng chị Phụng nghĩ người dân có bị thua thiệt mới có nhu cầu phát biểu, và đòi hỏi ấy là chính đáng. Đảng và Chính phủ tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân thì các cơ quan công quyền cũng phải sẵn sàng lắng nghe, đối thoại với dân. Quan niệm như vậy nên chị Phụng bao giờ cũng gửi đầy đủ giấy mời để tất cả cử tri trong phường đều được dự họp, được bày tỏ chính kiến. Chị lựa những người biết cách diễn đạt và có tiếng nói khách quan, không bị “cái tôi” lấn át để khuyến khích họ phát biểu, trình bày quan điểm. Sự cởi mở của cử tri với cơ quan nhà nước giúp cho hai phía hiểu nhau, giảm bớt tâm lý căng thẳng. Trong các cuộc họp, chị Phụng thường là người đọc báo cáo, có khi giải trình luôn những thắc mắc của bà con. Như trường hợp người dân khu phố 7 không an tâm vì phường Thống Nhất thực hiện 4 dự án trong đó có dự án xây trường mẫu giáo và làm bờ kè sông Đồng Nai. Bà con nghe thông báo giá đền bù đất chưa thỏa đáng bèn kéo nhau đi tìm chị Phụng để hỏi và chị lại kiên nhẫn giải thích cho dân hiểu. Chị luôn tâm niệm, thù lao cho đại biểu hội đồng nhân dân dù ít ỏi vẫn là đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân. Được dân gửi gắm, tin tưởng, chị có trách nhiệm nói lên tiếng nói của họ, dẫu tiếng nói ấy có thể rất nhỏ, để các cơ quan nhà nước thấu hiểu, gần gũi với dân hơn. Ở chiều ngược lại, là người thường xuyên được họp hành, được nắm bắt chủ trương, chính sách nhà nước, chị Phụng thấy mình có bổn phận thông tin đầy đủ đến cử tri để người dân nắm được các biến động xã hội, những bất cập của cơ chế, khó khăn vướng mắc mà cơ quan công quyền phải có thời gian để tháo gỡ. Nhờ sự giải thích thấu tình đạt lý của chị, bà con phường Thống Nhất nhận thức được vấn đề và đồng lòng ủng hộ chủ trương, chính sách của nhà nước tỉnh, giảm hẳn các vụ khiếu kiện. 

Hiện tại, chị Phụng vẫn còn nặng nỗi ưu tư vì những nút thắt chưa được tháo bỏ hoàn toàn khiến người dân phường Thống Nhất chưa toại nguyện. Nguyên nhân là đã hết thời hạn công ty D2D có thẩm quyền giải quyết về đất đai, đền bù giải tỏa… Bây giờ những việc ấy thuộc thẩm quyền xử lý của Thành phố Biên Hòa và các cơ quan chức năng như Phòng Tài nguyên - Môi trường, Trung tâm quỹ đất. Bản thân chị dù rất quan tâm tới lợi ích của người dân nhưng “lực bất tòng tâm”, mọi chuyện đều cần thời gian, đúng quy trình và đúng thẩm quyền. Một khi lợi ích của chính quyền và người dân chưa hài hòa thì bà con còn chưa thông. Và đó là lý do chị Phụng nói, chị còn phải theo sát chuyện kênh mương, cho đến khi cơ quan công quyền và nhân dân tìm được tiếng nói chung.

Ở tuổi 62, chị Phụng vẫn mải miết với công việc xã hội mà chị nói vui là nắm giữ rất nhiều “chức”. Chị là Chi ủy viên Chi bộ khu phố 7 liền 3 nhiệm kỳ, giờ lại làm Phó bí thư Chi bộ khu phố 7. Chị còn là Phó Chủ nhiệm “Câu lạc bộ tiếp nối truyền thống”- điểm tựa vật chất và tinh thần của con, cháu các cựu tù kháng chiến, Chi Hội trưởng Chi Hội Phụ nữ, Chi Hội Cựu chiến binh…Chức vụ mới nhất mà chị Phụng đảm nhiệm 10 tháng nay là chức…Trưởng Khóm. Vai trò Trưởng Khóm quản lý 10 tổ nhân dân với 800 khẩu khiến chị luôn tất bật, trong đầu lúc nào cũng đầy ắp nội dung các phong trào, kế hoạch. Chỉ một tờ đơn xin việc làm, một bản khai lý lịch chưa đầy đủ của người dân chị cũng phải hướng dẫn bổ sung, làm đi làm lại. Kiên trì theo sát những “điểm nóng”, chị đã góp phần xử lý các vụ tranh chấp, một mảnh đất bán cho nhiều người, có Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng người dân vẫn phải vay nợ xã hội đen vì vướng rào cản… Bà con có người thấy chị đam mê hoạt động xã hội thì khen, có người bảo chị ôm đồm, về hưu rồi nghỉ cho khỏe, sao phải “vác tù và…”. Nhưng chị Phụng đã nguyện hiến dâng quãng đời còn lại cho cộng đồng, giúp được bà con là chị thấy hạnh phúc. Người dân trình độ hạn chế, không dễ vận động, thuyết phục. Nhưng khi đã hiểu thì họ hết lòng ủng hộ, có người ăn bữa nay lo bữa mai vẫn sẵn sàng “móc hầu bao” chia sẻ cho người nghèo khổ hơn mình, những niềm vui bé mọn ấy khiến chị có thêm động lực để cống hiến.

Một ngày làm việc của chị Phụng thường bắt đầu vào lúc 7g30. Lo cho má xong, chị ra khỏi nhà, đi kiểm tra tình hình khu phố, can thiệp những vụ lấn chiếm lòng lề đường, xe đổ xà bần, rác thải không đúng nơi quy định hoặc để lâu gây ô nhiễm. Tất thảy những gì cử tri phản ánh chị đều quan tâm và bằng khả năng của mình tìm giải pháp khắc phục, quá thẩm quyền thì làm văn bản gửi cấp trên. Khi tôi tỏ ý cảm phục tấm lòng của người cựu quân nhân đối với cộng đồng, chị chỉ nói giản dị: “Mình muốn góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”. Đơn giản thế, nhưng tôi hiểu không phải ai cũng làm được như  “chị Ba Phụng”.

 

H.N

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​