Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
TIỆM SÁCH CŨ

Ngô Gia Hân

(Nguồn: VNĐN số 31 – tháng 05 & 06 năm 2019)

  

Buổi trưa mùa hè nhưng không có nắng cũng không có những cơn mưa rào ẩm ương. Tiết trời dịu nhẹ, lành lạnh. Hoài nhìn ra cửa sổ, khoan khoái đón nhận từng cơn gió mát rượi như len lỏi, xuyên qua từng thớ thịt. Đối với học sinh mà nói, mùa hè được đón nhận và hoan nghênh nhất năm, nhưng với Hoài thì không. Đó là chuỗi ngày Hoài sống trong sự nghẹt thở, chờ đợi kết quả thi sau bao nhiêu nỗ lực. Đó là chuỗi ngày gia đình Hoài sống trong tiếng than vắn thở dài của mẹ và sự hồi hộp của tất cả mọi người. Tiếng sấm "đùng đoàng" khiến Hoài dứt ra khỏi mớ suy nghĩ lộn xộn. Có lẽ trời sắp mưa, nhưng không mưa nổi. Trời này ra đường hóng chút gió thì còn gì bằng. Tắt màn hình điện thoại, quơ vội chiếc áo khoác, Hoài nhanh chóng ra khỏi nhà.

Mùa này thành phố chứa đầy những đợt gió to vội vã. Tản bộ trên con đường nhỏ chạy dọc tuyến đường sắt, Hoài nhìn bâng quơ về phía cuối đường, rồi dừng lại trước một tiệm sách cũ. Đó là một ngôi nhà gỗ cũ kĩ - nơi mà khi còn nhỏ Hoài đã bao lần ghé qua. Vẫn là tấm bảng hiệu bạc màu, được ghi bằng nét bút rồng bay phượng múa: Tiệm sách cũ. Vẫn là cánh cửa bằng khung gỗ thỉnh thoảng kêu "cọt kẹt, cọt kẹt". Chị chủ tiệm bước ra với nụ cười rạng rỡ. Vẫn là nụ cười ấy. Ngoài sách thì chị chủ tiệm hòa đồng, gẫn gũi còn là một trong những nguyên nhân để Hoài lui tới tiệm thường xuyên. Chị tên Xuyến. Chị luôn tết tóc thành đuôi sam thả sau gáy. Thấy Hoài, chị không khỏi ngạc nhiên. Chị kéo tay Hoài ngồi xuống chiếc ghế gỗ và hỏi thăm đủ chuyện. Hai người vẫn nói chuyện hợp cạ như ngày nào. Trong những câu chuyện hết sức rôm rả giữa hai chị em, bao giờ cũng nhắc đến văn chương. Không những thế chị luôn để dành những cuốn sách hay nhất cho Hoài. Hôm nay cũng không ngoại lệ, chị vẫn lúi húi lục lọi những cuốn sách dính đầy bụi mà chị cho là Hoài thích nhất. Nhìn lên những kệ sách sắp thành dãy, chợt Hoài thấy lòng buồn một nỗi buồn khó tả. Những kệ sách bây giờ chỉ lưa thưa vài cuốn. Hoài hỏi chị. Chị nói dạo gần đây, lượng khách đến tiệm ngày càng ít nên chị dự định sẽ đóng cửa tiệm. Hoài không nói gì, chỉ đứng lên lẳng lặng tìm một vài quyển sách. Chị cũng biết Hoài buồn, chỉ lặng lẽ ra phía trước dọn dẹp. Quơ đại một quyển sách phủ đầy bụi, ngồi xuống chiếc ghế gỗ, Hoài chăm chỉ đọc. Ở đây toàn những cuốn sách cũ - những cuốn sách được truyền từ tay người này sang người khác. Đó cũng chính là lí do Hoài luôn thấy cửa tiệm này thú vị.

 Trời đã nhá nhem tối, Hoài gấp lại quyển sách đang đọc, buồn bã tạm biệt chị Xuyến rồi rời khỏi tiệm. Vậy chỉ còn một tuần để Hoài được đọc sách ở đây nữa thôi. Chỉ còn vỏn vẹn bảy ngày trước khi cửa tiệm sách đóng lại, cánh cổng của tuổi thơ như đóng sập trước mắt.

Hôm sau, Hoài dậy thật sớm, không còn phải chờ chuông báo thức hay đợi mẹ gọi í ới nữa. Ăn sáng xong, Hoài chạy thật nhanh đến tiệm sách. Vừa trông thấy Hoài, chị Xuyến mừng rỡ: "Ồ em đấy à, nhanh vào đây, chị mới soạn ra được nhiều sách hay lắm!". Hoài vui như bắt được vàng, vội ngồi xuống say sưa xem sách. Như chôn mình giữa đống sách, Hoài cặm cụi lật từng trang với ánh mắt thích thú. Hồi nhỏ thích đến hàng sách cũ chỉ vì giá rẻ. Một chồng truyện tranh bằng vài ba cuốn nếu mua ở ngoài. Sáng được mẹ cho tiền ăn sáng, Hoài ăn một nửa thôi, một nửa để dành mua truyện. Dần dà, Hoài thích những điều thú vị trong những cuốn sách cũ, thích cả những trang giấy ngả màu, bìa bị rách. Thích cách nói chuyện vui vẻ, hòa đồng của chị bán hàng. Nên không hôm nào tiệm vắng đi bóng hình của con bé. Nhưng từ đầu năm lớp 9, Hoài không còn thời gian để đến tiệm thường xuyên nữa, cũng không còn dành dụm tiền ăn sáng để mua sách nữa mà thay vào đó là lịch học dày đặt và những bữa sáng ăn vội trên xe.

 Đôi mắt Hoài sáng lên khi phát hiện ra tập thơ của tác giả mà mình yêu thích. Hoài cầm vội quyển sách và muốn hét thật to. Hoài nhẹ nhàng lật trang đầu, chợt dòng chữ nắn nót đập vào mắt: "Bà chúc cháu sinh nhật vui vẻ! Hy vọng cháu sẽ thích món quà này" Phía dưới hàng chữ trên là chữ kí của người tặng. Chợt một vài suy nghĩ thoáng qua khiến Hoài thấy nhoi nhói trong lòng. "Tại sao một quyển sách hay như vậy lại nằm ở đây? Hay nó đã cũ đi đúng như cái tên của nó?" Lặng lẽ đặt quyển sách xuống, Hoài chào chị Xuyến ra về. Chị Xuyến không khỏi ngạc nhiên. Lần đầu tiên Hoài không mua quyển sách hay như vậy.

 Trên đường về, những hàng chữ ban nãy cứ lởn vởn trong đầu. Tự dưng Hoài thấy thương người bà tặng cuốn sách ấy. Nếu biết quyển sách của mình tặng cho người khác lại nằm trong một cửa hàng với vô số những quyển sách bị người ta nâng lên hạ xuống nhiều lần, hẳn sẽ buồn lắm. Hoài thầm trách người được tặng sách. Sao người ta lại có thể vô tâm với món quà người khác tặng mình như vậy được.

Sáng hôm sau, Hoài lại đến cửa tiệm, lôi chồng sách hôm qua chị Xuyến soạn ra cho mình, cặm cụi tìm cuốn sách hôm qua. "Đây rồi". Hoài hét lớn. Tìm mãi rồi cũng thấy dòng địa chỉ của người nhận cuốn sách đó. Chị Xuyến không khỏi ngỡ ngàng khi Hoài hỏi mua cuốn sách này cũng như hành động kì lạ của cô bé ngày hôm qua, chỉ biết lắc đầu mỉm cười nhìn Hoài đạp xe về phía cuối con đường. Hoài đạp xe đến bưu điện và gửi lại quyển sách cho người được tặng theo dòng địa chỉ ghi trên sách. Thầm nghĩ người nhận sẽ vô cùng bất ngờ và hối hận trước hành động vô tình của mình, Hoài nhẹ nhõm ra về.

Một tuần.

Căn nhà cũ kĩ vẫn ở đó. Tấm bảng bạc màu vẫn ở đó. Mọi thứ vẫn ở đó, chỉ là không còn chị Xuyến, không còn những kệ sách năm nào. Có gì đó trống rỗng. Con đường dọc tuyến đường sắt trở về với dáng vẻ trầm ngâm, tĩnh lặng như vốn dĩ đã vậy.

Hoài ít lui đến nơi này hơn. Thật ra cũng chẳng còn gì níu kéo Hoài đến. Hoài cảm thấy như mình bị mất một thứ gì đó, quý giá lắm, gần gũi lắm nhưng cũng mơ hồ lắm. Chị Xuyến và hiệu sách biến mất tựa như một lỗ khuyết của tuổi thơ mà Hoài cứ ngỡ là vẹn nguyên.

Hoài cố gắng xếp những kí ức đó vào ngăn khóa rồi giữ chúng thật kĩ càng. Chúng vẫn ở đó nhưng Hoài chẳng buồn nghĩ tới nữa.

Hoài lên cấp 3 và đã đậu vào ngôi trường mình hằng mong ước. Như người ta thường nói, một cánh cổng khép lại, cánh cổng khác lại mở ra.

Là trường chuyên nhưng không phải là nơi định cư của những con gà nòi ăn rồi học, học rồi lại ăn như mọi người nghĩ. Ngôi trường mới với bao nhiêu là sự kiện, câu lạc bộ, Hoài thích thú vì được thỏa sức tham gia, vì được thử thách bản thân ở nhiều lĩnh vực mới, hơn hết là Hoài có thêm nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ. Hoài thân với một cậu bạn trong câu lạc bộ: Hưng. Có vẻ cả hai cùng sở thích nên nói chuyện rất hợp cạ. Thi thoảng sau giờ học, dưới sân trường lại nghe tiếng gọi léo nhéo của Hoài: “Ê mày, chở tao về!”. Và cái giọng ồm ồm của Hưng: “Mày có chân thì tự mà về”. Vài phút sau lại thấy Hưng chở Hoài trên chiếc xe đạp ộp ệch. Nhìn vẻ mặt mệt mỏi của Hưng thấy thương. Chắc vì trên đường đi, nó toàn phải nghe Hoài than vãn, kể lể đủ điều. Từ chuyện học hành đến bạn bè trong lớp rồi rẽ sang chuyện câu lạc bộ. Hưng chăm chú nghe, thỉnh thoảng lại đưa ra lời bình luận.

Thú vị nhất là những hôm trời mưa. Kể cũng lạ, hai đứa hợp nhau về mọi thứ, trừ thời tiết. Hoài một mực thích trời mưa. Hưng lại thích nắng. Với Hưng trời đẹp là khi trời quang mây tạnh. Hưng ghét những đám mây xám xịt rồi trút nước, làm cái gì cũng ướt nhẹp, đường thì nhầy nhụa bùn. Nhưng Hoài thì ngược lại. Hoài thích nghe tiếng mưa, thích cái màu ảm đạm, thê thảm của nó và thích cả việc vừa nhâm nhi tách trà vừa ngắm mưa. Và đương nhiên những lý lẽ với những từ ngữ đẹp đẽ của cô bạn chuyên Văn, hoàn toàn có thể thuyết phục cậu bạn chuyên Lý. Hưng đành… cắn răng mà chịu.

Nhưng dù ghét hay không, mưa vẫn đến và đi theo quy luật tự nhiên của nó. Mưa tháng sáu đến vội vàng, không báo trước, mạnh mẽ, dữ dội. Có hôm vừa ra khỏi cổng trường, mưa đổ ào. Hưng vốn rất ghét những cơn mưa nên đã thủ sẵn một chiếc áo mưa ở trong cặp. Hưng vội vàng mặc vào trước khi “những giọt pha lê của đất trời” - là chữ của Hoài - kịp chạm đỉnh đầu. Vừa xong, quay lại, Hưng ngạc nhiên:

- Ủa! Sao mày không mặc áo mưa?

- Tao quên đem rồi.

- Có vậy thôi mà cũng quên. Thôi lấy của tao mặc đi - Tự dưng Hưng thấy mình ga lăng lạ kỳ.

- Thôi, không cần đâu. Tao cũng đang có ý định tắm mưa.

- Trời ơi! Thật không hiểu nổi con người này nữa! Thích những cơn mưa đáng ghét đã đành, giờ thích luôn cả việc dầm mưa”. Hưng nghĩ thầm. Và đương nhiên Hưng không thể mặc áo mưa trong khi nó là con trai. Hưng đành phải đội mưa. Quả thật, chẳng có cách nào hiểu được cơn mưa và cả bọn con gái nữa.

“Kỳ phùng địch thủ” với nhau là thế nhưng về khoản các môn tự nhiên, Hưng chính là vị cứu tinh của Hoài. Đặc biệt là môn Lý. Giờ ra chơi nào Hoài cũng lên lớp Hưng nhờ chỉ bài, nhất là vào những hôm kiểm tra, con bé sốt sắng thấy thương. Hôm nào cũng vậy, dường như đã trở thành thói quen. Hôm nào không thấy Hoài qua kiếm, Hưng lại thấy có gì đó trống vắng, liền xuống lớp Hoài rủ nhỏ đi mua đồ ăn. Hưng giảng bài dễ hiểu lắm, có lẽ một phần là do Hoài có thể hỏi và bắt bẻ Hưng thoải mái chứ không phải lo lắng, sợ hãi như khi học với thầy. Hưng giảng dạy tận tình, nhờ vậy mà Hoài không còn sợ Lý như trước nữa.

- Để trả công cho tao ngày nào cũng tận tình dạy học cho mày, ngày mai mày mang tập thơ Xuân Diệu mới mua tuần trước cho tao mượn nha!

- Trời, tưởng gì, chuyện nhỏ!

Nói có vẻ hơi khó tin, dù là chuyên Lý nhưng Hưng cũng dành thời gian nhiều để đọc sách, nhất là sách văn học. Hưng là dân tự nhiên đầu tiên mà Hoài thấy không hề khô khan.

Hôm nay trong lúc Hưng giảng bài, Hoài chợt thấy một quyển sách cũ trong hộc bàn. Có cái gì đó quen thuộc. Là cái bìa sách ấy. Những trang giấy đã ngả màu ấy. Và cả những dòng chữ ấy nữa. Phải rồi! Đó là chính là quyển sách Hoài tìm thấy trong tiệm sách của chị Xuyến và đã gửi bưu điện cho người nhận. Phải chăng…

Thấy Hoài không tập trung vào bài tập, Hưng vỗ vai khiến Hoài dứt khỏi mạch suy nghĩ. Hoài vội hỏi về quyển sách.

- À, đó là quyển sách bà ngoại tặng cho tao năm sinh nhật 10 tuổi. Ngoại tao thích Văn lắm, tủ sách bà tao toàn sách Văn thôi. Nhờ bà mà tao biết đến nhiều sách hay. Năm tao 9 tuổi nhà tao chuyển lên sống ở thành phố, tao nhớ bà lắm, nhớ cả những quyển sách của bà, vậy nên vào mỗi dịp sinh nhật, ngoại lại gửi sách lên thành phố để tặng. Nhưng không hiểu sao lại lạc mất quyển sách ấy. Tao cũng buồn lắm.

- Rồi sao nữa? - Dường như Hoài chẳng thể kiềm chế nổi sự tò mò.

- Mà nhiệm màu lắm mày, cũng vào thời gian này năm ngoái, không biết ai gửi đó quyển sách này đến nhà tao qua đường bưu điện. Tao nhận được vừa vui, vừa bất ngờ. Nếu biết được người đó là ai, chắc chắn tao sẽ hậu tạ thật chu đáo!

Hoài nhìn Hưng, không nói gì, tủm tỉm cười. Kể ra hai đứa cũng có duyên với nhau đấy chứ.

Hình ảnh tiệm sách cũ thoáng chốc hiện lên trong tâm trí Hoài. Mơ hồ và huyền diệu. Nó vẫn ở đó, vẫn là ngôi nhà gỗ cũ kĩ với tấm bảng bạc màu cùng những nét chữ rồng bay phượng múa, vẫn là cánh cửa gỗ thi thoảng kêu “cọt kẹt”. Nhưng chỉ khác là không còn chị Xuyến. Cửa tiệm vẫn nằm im lìm, ẩn khuất sau con đường người qua lại tấp nập, dù những ngày tháng ấy đã xa tít tắp, nó vẫn cứ nhẹ nhàng, êm ái như thuở ban đầu, thoang thoảng chút màu nắng của thanh xuân, để mỗi khi nhớ lại, Hoài thấy lòng bình yên.

N.G.H

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​