Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
LỄ HỘI DÂN GIAN VÀ DU LỊCH

Phan Đinh Huyền

(Nguồn: VNĐN số 31 – tháng 05 & 06 năm 2019)

  

Đồng Nai đa dạng về thành phần tộc người, phong phú đời sống văn hóa vật chất, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, tri thức dân gian, các loại hình âm nhạc... Gắn với tín ngưỡng cộng đồng, các tộc người đã duy trì những sinh hoạt văn hóa trên vùng đất Đồng Nai mà lễ hội là nét sinh hoạt thu hút nhiều người tham gia, không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của từng dân tộc mà còn tạo nên sự gắn kết cộng đồng các dân tộc. Một thời gian dài, những yếu tố xã hội đã tác động, làm ảnh hưởng đến loại hình lễ hội nhưng hiện nay, cùng với công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung, lễ hội dân gian từng bước phục hồi, phát triển.

Trong đề án Quy hoạch phát triển ngành du lịch Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, khi đánh giá về các nguồn tài nguyên văn hóa nhân văn đã thống kê về các loại lễ: “Lễ hội mang tính quốc gia, lễ hội làng xã truyền thống, lễ hội của các dân tộc ít người, lễ hội tôn giáo, lễ hội kỷ niệm những sự kiện lịch sử của Việt Nam, lễ hội kỷ niệm những sự kiện lịch sử tỉnh Đồng Nai… ”1 khá đầy đủ. Cùng với các nguồn tài nguyên khác, đề án cũng đã để ra giải pháp: “Mở rộng lễ hội nhằm gìn giữ và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điều kiện để ngành du lịch khai thác kinh doanh phát triển du lịch, cũng đồng thời nâng cao được hình ảnh của văn hoá bản địa thu hút khách du lịch đến tỉnh Đồng Nai”2.

Nhiều loại hình lễ hội dân gian ở Đồng Nai đã được nhận diện: lễ Kỳ yên, vía Bà (Bóng rỗi - Địa nàng) cúng lúa mới, Tả tài phán, vía Bà Thiên Hậu, Tổ sư nghề đá, vía Quan đế… Những lễ hội dân gian phản ánh tín ngưỡng của cộng đồng các cư dân, trong đó có những nét tương đồng với những lễ hội vùng miền khác ở Nam bộ và cả những nét riêng của từng tộc người. Đó là một trong những nguồn tài nguyên văn hóa trong phát triển của du lịch Đồng Nai. Nhưng, phải xác định rằng, không phải tất cả các lễ hội dân gian của Đồng Nai có thể mở rộng và khai thác du lịch đều hiệu quả. Có những lễ hội dân gian chỉ đáp ứng về nhu cầu tín ngưỡng với mức độ, quy mô vừa phải của môt nhóm hay cộng đồng trên một địa vực, có ý nghĩa trong thực hành tín ngưỡng, bổ sung sự đa dạng nguồn tài nguyên văn hóa chứ chưa thể khai thác phát triển du lịch. Có những lễ hội dân gian vừa đáp ứng tín ngưỡng của cộng đồng, góp phần quan trọng trong bảo tồn, quảng bá văn hóa, vừa đáp ứng được nhu cầu và yếu tố khai thác du lịch, đem lại nguồn lợi lớn cho chủ thể văn hóa, cho xã hội.

Lễ hội Kỳ yên với tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng ở đình thì cả Nam bộ đều có. Địa phương nào có đình làng, chắc chắn có tổ chức lễ hội này. Đâu là nét riêng của lễ hội Kỳ yên ở Đồng Nai thực sự thu hút khách du lịch? Có nhiều yếu tố tác động đến việc tổ chức lễ hội Kỳ yên ở đình làng: truyền thống bảo lưu tốt khi tổ chức lễ hội, tiềm lực của cộng đồng địa phương gắn với thiết chế tín ngưỡng mạnh, có danh tiếng xưa nay (được truyền tụng trong cộng đồng, được xếp hạng di tích lịch sử với những giá trị danh nhân, kiến trúc… ) gắn với những hoạt động mang tính cộng đồng nhiều… sẽ thuận lợi trong việc thu hút khách du lịch. Có thể thấy đình Bình Kính (thờ danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh), đình Mỹ Khánh (thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương), đình Tân Lân (thờ danh tướng Trần Thượng Xuyên)… được xếp hạng di tích cấp quốc gia, gắn với danh nhân lịch sử nước nhà, kiến trúc độc đáo… trong thời gian qua đã duy trì lễ Kỳ yên thu hút nhiều người tham dự. Ngoài số đông tham dự là người dân địa phương, dòng họ của đối tượng được thờ, các di tích và lễ hội tại đây thu hút sự quan tâm của những người muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng đất, con người cụ thể. Trong hệ thống nghi thức của lễ hội, nghi thức mang tính cộng đồng rất cao như người dân địa phương sắm sửa lễ vật để cung nghinh khi lễ rước trên các chặng đường diễn ra lễ hội. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức lễ hội dân gian tại các đình này, sự mở rộng giao lưu hoạt động văn hóa nghệ thuật như Đờn ca tài tử, hát bội, múa lân - sư - rồng nghệ thuật được tổ chức mỗi năm có tính chất mới làm cho lễ hội thêm đa dạng. Ở đình An Hòa (làng Bến Gỗ), lễ hội Kỳ yên là sự tham gia của nhiều thôn làng trong rước lễ, gắn với nghi xô giàn tại chợ, đua thuyền trên sông tại địa phương… với sự tham dự của nhiều địa phương. Đó chính là sự mở rộng trong loại hình lễ hội khác với trước đây theo kiểu “trống làng nào là đó đánh, thánh làng nào làng đó thờ” nhưng phù hợp trong quảng bá sự da dạng, hài hòa trong văn hóa của địa phương. Các đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực du lịch sẽ nắm bắt lễ hội dân gian từng địa bàn với sự thu hút nhiều người để xây dựng sản phẩm du lịch để kinh doanh: tuyến tham quan, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu địa phương, các dịch vụ tương ứng trong thời gian diễn ra lễ hội…

Lễ hội dân gian với chặp Địa nàng - Bóng rỗi ở các miếu thờ nữ thần trên Đồng Nai khá khiêm tốn. Quy mô không lớn, thời gian không dài (một ngày) và những nghi thức trong lễ hội mang tính tương đồng giữa nhiều nơi tổ chức. Sự tham gia của cộng đồng cũng không đông đảo như các lễ hội khác mà chỉ tập trung phạm vi của “làng, thôn, xã” chung tín ngưỡng. Việc mở rộng, khai thác du lịch lễ hội dân gian này thế nào? Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với lễ hội Địa nàng - Bóng rỗi cần dựa trên sự kết hợp với môi trường sinh thái, hệ thống tín ngưỡng và dịch vụ du lịch khác, kể cả kết hợp hoạt động quảng bá, nghiên cứu của địa phương. Như vậy, loại hình lễ hội này được xem là một điểm nhấn trong tuyến du lịch về văn hóa tâm linh, gắn kết trong chuỗi tham quan, du lịch mở rộng. Một hoạt động khai thác hiệu quả lễ hội dân gian này đã diễn ra trên Đồng Nai trong thời gian năm 2017 và chúng tôi cũng xem đây là một mô thức, mô hình tổ chức khai thác du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa.

Tổng hợp các trang tin tức, đã phản ánh: Liên hoan nghệ thuật diễn xướng dân gian Bóng rỗi - Địa nàng do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Nai phối hợp cùng Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Chi hội Văn nghệ Dân gian Đồng Nai, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên và Chi hội Văn nghệ Dân gian tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Khu du lịch Bửu Long vào tháng 5/2017. Loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian “Bóng rỗi - Địa nàng” - một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mang tính chất nghi lễ và hội gắn liền với tín ngưỡng thờ Bà hay nữ thần ở vùng đất Nam bộ được tái hiện với sự tham gia của 50 nghệ nhân thuộc 08 đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh/thành: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre, Long An và Tiền Giang. Trong hoạt động chung của liên hoan, hội thảo khao học “Tín ngưỡng thờ nữ thần và thực hành Bóng rỗi - Địa nàng tại Nam bộ” thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, quản lý văn hóa và các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn trong cả nước... Sự thành công của Liên hoan này phản ánh nhiều mặt: không chỉ góp phần trong nhận thức về loại hình tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian của văn hóa Nam bộ, trong công tác bảo tồn văn hóa, phát huy những giá trị di sản, tạo động lực cho các nghệ nhân dân gian mà còn quảng bá cho văn hóa và du lịch Đồng Nai với sự tham gia của nhiều người khi trực tiếp tham dự, sử dụng dịch vụ của Khu du lịch Bửu Long. Bên cạnh đó, loại hình di sản văn hóa này nói chung, du lịch của Đồng Nai được quảng bá miễn phí trên thông tin đại chúng, qua các trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị nhà nước hay tổ chức tư nhân, cá nhân trực tiếp hay gián tiếp (có khoảng 232.000 kết quả về các địa chỉ đưa tin về sự kiện này trên tìm kiếm của Google)3.

Một trong những thành công trong “mở rộng” và “khai thác kinh doanh” du lịch trên cơ sở tài nguyên lễ hội dân gian ở Đồng Nai là lễ hội chùa Ông ở Cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, Thành phố Biên Hòa), đặc biệt là từ năm 2013 trở đi. So với các lễ hội dân gian khác, có thể nói, quy mô và độ thu hút người tham gia, khách du lịch đến lễ hội này ngày càng tăng. Có nhiều yếu tố đưa đến thành công của lễ hội này. Trong đó, lễ hội gắn với di tích của lịch sử Cù lao Phố danh tiếng, với tín ngưỡng và kiến trúc cổ được hình thành khá sớm của cộng đồng người Hoa Nam bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng. Qua một thời gian thăng trầm, từ lễ hội chỉ diễn ra với quy mô vừa phải, sau khi được phục hồi đã tạo nét riêng độc đáo và mở rộng với sự quản lý, điều hành chặt chẽ từ công tác tổ chức đến nội dung hoạt động đa dạng, đảm bảo những yếu tố đáp ứng tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và nhu cầu và quảng bá trong khai thác du lịch. Bênh cạnh những khoa nghi của lễ, hoạt động văn hóa với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật hiện đại đến tuồng cổ truyền thống, của loại hình Đờn ca Tài tử Nam bộ đến hoạt động nghệ thuật thư pháp hoặc trò chơi dân gian phù hợp… Đặc biệt, hành trình và cách thức cung nghinh trên sông tạo nên những điểm nhấn lý thú cuốn hút mọi người tham gia, tham dự và thưởng ngoạn. Từ năm 2013 đến nay, lễ hội đã diễn ra được 7 lần, được mở rộng về phạm vi, không gian, mỗi năm bổ sung những hình thức cả lễ và hội những điểm mới, hài hòa. Vì vậy, lễ hội dân gian ở chùa Ông ngoài sự đáp ứng về tín ngưỡng, tâm linh, người tham gia, khách du lịch thấy thú vị, hào hứng khi tham gia, quan sát, tham dự… trong không gian, thời điểm trang nghiêm, náo nhiệt của diễn trình lễ hội.

Lễ hội vía Thiên Hậu (chùa Bà Thiên Hậu/ miếu Tổ sư nghề đá ở Bửu Long) cũng là một trong những lễ hội thu hút khách du lịch ở Đồng Nai. Với cơ sở tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu, Tổ sư nghề đá của làng điêu khắc Bửu Long (được xếp hạng di tích lịch sử), cùng với tập thành những vệ tinh tín ngưỡng (Miếu Tiên Cô nương nương, miếu Cây Quăn, bến sông) trong diễn trình lễ hội, những khoa nghi cầu an, cầu siêu (dung hợp từ Phật giáo, Đạo giáo… ) và hình thức hoạt động văn hóa qua biểu diễn tuồng cổ, đấu giá hoa đăng, lồng đèn… đã tạo nên một sức hút lớn trong khai thác du lịch ở địa phương. Đặc biệt, nơi diễn ra chính của lễ hội trong khu vực khai thác du lịch khá danh tiếng ở Biên Hòa - Khu du lịch Bửu Long - là một thuận lợi cho xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa. Trong quá trình lễ hội, khách du lịch có thể tiếp tục khám phá vùng đất đa dạng văn hóa, màu sắc tín ngưỡng - tôn giáo ở Bửu Long. Nếu lấy điểm chính của sản phẩm du lịch gắn với lễ hội vía Bà - Tổ sư nghề đá làm trọng tâm thì các chùa danh tiếng (Long Sơn, Bửu Phong) trên núi Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên (vườn tượng danh nhân, Khu công viên đá)… là điểm khám phá bổ sung, sử dụng những dịch vụ tại chỗ, ven sông và làng bưởi Tân Triều.

Lễ hội mừng cơm mới (tạ ơn thần Lúa) của cộng đồng Chơ-ro, Mạ gắn với những làng dân tộc thiểu số có thể khai thác du lịch khá hấp dẫn của Đồng Nai. Tiến trình của lễ hội với phạm vi, không gian dù có giản lược so với trước đây những vẫn phản ánh được dấu ấn của văn hóa tộc người (tập thành những nghi thức, các thiết chế văn hóa, ẩm thực, trang phục, diễn tấu âm nhạc dân gian trong diễn trình lễ hội). Lễ Sayangva của người Chơ-ro ở xã Phú Lý gắn với thiết chế Nhà dài được phục dựng độc đáo. Khách du lịch tham gia, tham dự trong đoàn rước của lễ hội, nhưng nghi thức trên nhà sàn, kho lúa, được thưởng thức nghệ thuật diễn tấu nhạc cụ, ẩm thực độc đáo (cơm lam, rượu cần, heo nướng, rau nhíp). Những lễ hội tổ chức tại cộng đồng Chơ-ro ở Long Khánh được phục dựng với nhiều hoạt động theo nghi lễ truyền thống và bổ sung vào những cuộc thi liên quan đến các nghề truyền thống (làm nỏ, cây nêu), ẩm thực (loại bánh, rượu cần…). Nhiều năm qua, lễ hội dân gian này được tổ chức hằng năm, được mở rộng, bổ sung những môn thi đấu thể thao (vót tên, bắn nỏ, kéo co, làm cây nêu…) và những hoạt động văn nghệ giới thiệu về văn hóa, cộng đồng các dân tộc. Sự độc đáo của văn hóa tộc người phản ánh qua lễ hội đã cuốn hút nhiều khách tham quan, trong đó có đông đảo giới trẻ đến từ các nơi khác, các trường đại học để tìm hiểu văn hóa cộng đồng dân tộc.

Đặc biệt, lễ hội mừng cơm mới của người Chơ-ro ở Vĩnh Cửu gắn với môi trường sinh thái Chiến khu Đ nhiều di tích (địa đạo Hiếu Liêm, Căn cứ Khu ủy miền Đông, căn cứ Trung ương Cục), cảnh quan thiên nhiên (hồ Trị An, các khu vực bàu, hồ, công viên đá Bà Hào…); lễ hội của cộng đồng người Mạ gắn với với rừng Quốc gia Cát Tiên (làng nghề thổ cẩm Mạ, 11 tuyến du lịch sinh thái vườn Cát Tiên) là những điểm thuận lợi để xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp khai thác văn hóa tộc người gắn với sinh thái tự nhiên. Không chỉ khách du lịch trong nước mà còn nhiều đoàn khách quốc tế đã đến tham quan những tuyến, điểm này. Các cơ quan, tổ chức kinh doanh du lịch đã phối hợp khai thác, mở rộng, bổ sung khi cộng đồng tổ chức lễ hội - làm điểm nhấn cho tuyến điểm với thời gian kéo dài ngoài diễn trình lễ hội để khám phá môi trường sinh thái.

Điểm qua những quan sát từ thực tế các lễ hội dân gian Đồng Nai, chúng ta nhận thấy có những thuận lợi lớn trong việc khai thác nguồn tài nguyên văn hóa này trong phát triển du lịch. Điều quan trọng là từ những lợi thế của văn hóa tộc người phản ánh qua loại hình lễ hội dân gian với thời gian tổ chức định kỳ trong năm, ngành văn hóa, du lịch hoặc các cơ quan, tổ chức kinh doanh du lịch và chủ thể văn hóa phối hợp như thế nào để xây dựng, thiết kế sản phẩm du lịch, đầu tư những cơ sở vật chất khi khai thác. Khi chọn lấy hạt nhân của tuyến điểm là lễ hội dân gian để khai thác là thuận lợi nhưng cần đầu tư cơ sở, bổ sung trong các hoạt động trong khai thác gắn với nét đặc trưng của môi trường sinh thái, các nét riêng của văn hóa ẩm thực, trang phục, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao (quảng bá, giao lưu), nghiên cứu khoa học (hội nghị, tọa đàm) phù hợp. Vấn đề lựa chọn và xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa một cách cụ thể, cần sự nghiên cứu của nhà chuyên gia, nhà khoa học, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan và doanh nghiệp hoạt động du lịch.

Lễ hội nói chung, lễ hội dân gian nói riêng là một thành tố, loại hình di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam nói chung, trong đó có Đồng Nai. Lễ hội dân gian đáp ứng những nhu cầu về tín ngưỡng và xã hội của đời sống cộng đồng, xã hội. Ngày nay, di sản văn hóa - trong đó có lễ hội dân gian là nguồn tài nguyên quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Tài nguyên văn hóa nhân văn này cần được khai thác một cách phù hợp, hài hòa để mang lại lợi ích chung. PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm đã đưa ra nhận định khá đầy đủ khi khai thác tài nguyên văn hóa này: “Lễ hội dân gian bằng chính sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của nó đã là một nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Song khi mối quan hệ giữa lễ hội dân gian và du lịch được nhìn nhận đúng mức hơn và có sự gắn kết chặt chẽ với nhau hơn thì nguồn lực đó sẽ được vận hành tốt hơn và tạo ra hiệu quả thực sự. Lễ hội dân gian trở nên sôi động hơn và có thể phát triển, mở rộng được, có được nhiều hơn nguồn lợi vật chất khi có du lịch, du lịch cũng trở nên nhộn nhịp hơn, có chiều sâu hơn và hấp dẫn hơn khi dựa trên các giá trị văn hóa đặc sắc như lễ hội dân gian. Tuy nhiên, tự bản thân lễ hội dân gian khó có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu không có bàn tay của những người làm du lịch và du lịch cũng khó có thể phát triển được nếu thiếu điểm tựa là các giá trị văn hóa, trong đó có lễ hội dân gian. Điều này có nghĩa là những chủ nhân của lễ hội dân gian và những người làm du lịch cần có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trên cơ sở cả hai bên cùng có lợi và cùng vì mục đích lâu dài, có như vậy thì nguồn lực lễ hội dân gian mới được vận hành tốt trong phát triển du lịch”4. Chúng tôi thiết nghĩ rằng, việc phát triển du lịch ở Đồng Nai khi khai thác tài nguyên văn hóa - loại hình lễ hội dân gian cũng không nằm ngoài yếu tố được nêu trên - để tài nguyên văn hóa được khai thác hợp lý, đem lại hiệu quả thiết thực và cũng chính từ hoạt động du lịch sẽ là tác động tích cực trong bảo tồn di sản văn hóa nói chung, lễ hội dân gian nói riêng.

P.Đ.H

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​