Lê Hương Thơm
(Nguồn: VNĐN số 31 – tháng 05 & 06 năm 2019)

Một góc xưởng sản xuất tại công ty Đồng Phú Cường - Ảnh: Lê Hương Thơm
Một buổi sáng giữa mùa thu, trên
vùng đất trung du huyện Định Quán, chúng tôi được các anh Vũ Văn Duyệt, Tổng
giám đốc Cụm công nghiệp Phú Cường và Lê Tấn Tài, Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng
Phú Cường đưa lên thăm đỉnh núi Cúi, một điểm hành hương tôn giáo, nơi có tượng
đài Đức Mẹ Maria cao hơn hai chục mét và khu nhà nguyện được xây dựng khá khang
trang. Xe chạy vòng vèo theo đường xoáy trôn ốc và dừng lại dước chân tượng đài
Đức Mẹ. Từ điểm cao này, chúng tôi phóng tầm mắt nhìn về phía Tây, thấy rõ một
vùng mênh mông nước của lòng hồ Trị An, đang giữa cao điểm mùa mưa, mặt hồ đầy
lăn tăn sóng gợn, tỏa hơi mát dịu khắp vùng. Quay nhìn về phía Đông, bắt gặp một
vùng sáng lấp loáng rộng mấy chục héc-ta, dưới ánh nắng ban mai phản chiếu,
trông như một vầng hào quang mới lạ, hội tụ ánh sáng giữa một vùng đồi hoang
năm xưa.
Anh Vũ Văn Duyệt đưa cánh tay chỉ
về phía có vầng sáng và giải thích: vùng sáng mới lạ đó chính là Cụm công nghiệp
Phú Cường. Từ đây, chúng ta nhìn thấy những điểm sáng chói là khu nhà xưởng,
văn phòng của Công ty Cổ phần Đồng Phú Cường và Công ty TNHH may Đồng Phú Cường
2. Cạnh đó là công ty sản xuất sợi thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, còn điểm
sáng hình phễu trải dài cách xa khu nhà xưởng là nhà máy xử lý chất thải của Cụm
công nghiệp... Trước đó, toàn bộ vùng đất này là đồi hoang hóa, khô hạn, sỏi đá
trộn lẫn đất đỏ bazan, mọc toàn cây cỏ dại, một số khoảnh đồi được người dân trồng
cây điều, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế thấp kém, đời sống người trồng điều gặp
rất nhiều khó khăn, nhiều gia đình phải bỏ đất, bỏ điều đi tìm kế mưu sinh ở
vùng đất khác...
Nghe lời giới thiệu gợi ý tò mò,
chúng tôi quay sang “phỏng vấn” Tổng giám đốc:
- Anh có thể thông tin cụ thể về
quá trình xây dựng và phát triển của Cụm công nghiệp Phú Cường?
Anh Duyệt trả lời:
- “Trăm nghe, không bằng một thấy”,
nhà báo cứ tham quan toàn bộ Cụm công nghiệp sẽ được mắt thấy, tai nghe.
Trên quãng đường từ đỉnh núi Cúi
về Cụm công nghiệp, anh Duyệt cho biết: Cụm công nghiệp Phú Cường có tổng diện
tích 48 ha, tọa lạc tại địa bàn xã Phú Cường - huyện Định Quán, nằm sát đường
quốc lộ 20, được UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép đầu tư từ năm 2012. Sau khi thực
hiện xong công việc đền bù giải tỏa và các thủ tục cần thiết, ngày 23 tháng 7
năm 2013, Cụm công nghiệp chính thức khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tiến
hành mời gọi nhà đầu tư. Đến nay, đã có 7 nhà đầu tư với 7 dự án đăng ký mở nhà
máy sản xuất tại Cụm công nghiệp, lấp kín gần 90% tổng diện tích được qui hoạch.
Trong đó có 4 doanh nghiệp ngành dệt may đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng,
đào tạo, giải quyết việc làm và thu nhập ngày càng tăng cho gần 6.000 lao động;
đã làm ra hàng trăm triệu sản phẩm may mặc xuất khẩu sang thị trường các nước
châu Âu và thị trường Nhật, Mỹ...
Sau khi tham quan một vòng cụm
công nghiệp, anh Lê Tấn Tài, Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Phú Cường đã hướng dẫn
chúng tôi đi thăm các phân xưởng sản xuất trong công ty và gặp một số công
nhân, cán bộ trực tiếp tham gia điều hành sản xuất tại đây.
Người gặp đầu tiên là nữ công
nhân Đinh Ngọc Hòa, nhà ở ấp Phú Tân, xã Phú Cường, cách công ty chừng hơn cây
số, chạy xe chưa nóng máy đã đến nơi làm việc. Bằng chất giọng pha âm hưởng ba
miền, Hòa vui vẻ kể: Do ba mẹ cô sinh được tới 9 anh chị em, cả nhà với hơn chục
“miệng ăn núi lở” trong khi tài sản lớn nhất của ba mẹ chỉ có vài sào đất rẫy đồi,
quanh năm khô hạn, nên ông bà tất bật lo kiếm cái bỏ bụng còn chưa xong, nói
chi đến việc nuôi các con ăn học. Vì “đói thì đầu gối cũng phải bò”, nên mới học
đến lớp 8, Hòa đành phải nghỉ học để phụ giúp ba mẹ làm rẫy. Đủ 18 tuổi, Hòa
khăn gói xuống TP. Biên Hòa xin vào làm công nhân cho một công ty nước ngoài tại
Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Vừa làm vừa học việc, với mức thu nhập từ 4 đến 5
triệu đồng/tháng, Hòa phải tính toán chi li cho việc trả tiền thuê nhà trọ, tiền
đi xe sau mỗi tuần về thăm nhà cả trăm cây số và các dịch vụ sinh hoạt ăn uống
hàng ngày, nên chả còn dư đồng nào. Rồi Hòa lấy chồng, sinh con, cuộc sống lại
càng thêm khó khăn. Từ cuối năm 2013, nghe tin trên địa bàn xã nhà vừa cho ra đời
Cụm công nghiệp Phú Cường, Hòa cũng như nhiều lao động trẻ quanh vùng háo hức
mong chờ sẽ kiếm được việc làm phù hợp ở gần nhà. Năm 2104, Công ty Cổ phần Đồng
Phú Cường chính thức ra đời, vừa nghe có thông báo tuyển dụng lao động may mặc
xuất khẩu, Hòa cùng với rất nhiều người ở Phú Cường và các xã lân cận đã đến nộp
hồ sơ xin vào làm công nhân. Tuy có người còn chưa thật sự yên tâm, vì công ty
mới ra đời giữa một vùng đồi hoang, xa thành thị, chắc sẽ gặp không ít khó khăn
của buổi ban đầu. Nhưng điều đó đã nhanh chóng được hóa giải bởi hệ thống máy
móc thiết bị hiện đại, phong cách quản lý và điều hành sản xuất khoa học của
dàn cán bộ giàu kinh nghiệm được tăng cường từ Công ty Cổ phần Đồng Tiến (Thành
phố Biên Hòa). Nhà xưởng thoáng rộng, mát mẻ, bữa ăn giữa ca vừa ngon vừa rẻ, lại
được công ty tài trợ một phần, nhà gửi xe cũng rộng rãi, môi trường cảnh quan sạch
đẹp, không khí vùng trung du trong lành... Nhưng, điều hấp dẫn nhất đối với Hòa
và nhiều anh chị em công nhân khác là: được đi làm gần nhà, sau mỗi ngày làm việc
lại được về tíu tít bên con cái, ba mẹ, anh chị em trong gia đình và tuy mới
vào làm nhưng đã sớm đạt mức thu nhập cao... Rồi đúng như câu thành ngữ “Hữu xạ
tự nhiên hương”, càng ngày càng có nhiều người ở xung quanh cụm công nghiệp
cùng xin vào làm công nhân. Thậm chí cả anh Tạ Văn Thiện, chồng của Hòa cũng bỏ
việc làm ở thành phố trở về Phú Cường xin vào làm thợ cắt tại Công ty Cổ phần Đồng
Phú Cường. Tính ra, chỉ riêng gia đình Đinh Ngọc Hòa có đến “gần tiểu đội” được
chuyển từ làm nông nghiệp sang làm công nhân. Có việc làm và thu nhập ổn định,
chỉ sau vài năm làm công nhân, gia đình Hòa đã có của ăn của để, mọi người cùng
chung tay phụ giúp ba mẹ xây nhà cửa khang trang, ai cũng sắm được xe máy, điện
thoại “quẹt” và ăn mặc sành điệu chẳng thua chi chốn thị thành. Riêng vợ chồng
Hòa, với thu nhập bình quân mỗi tháng 20 triệu đồng, biết cách chi tiêu tiết kiệm,
dành dụm được ít tiền lại được ba mẹ cấp cho miếng đất, thế là mượn thêm chút đỉnh,
xây được căn nhà mới, tạo được mái ấm bình yên và hạnh phúc cho một gia đình thợ
trẻ. Nhiều lúc đi làm về, nhìn ngắm ngôi nhà mới, gương mặt con ngây thơ hồn
nhiên, vợ chồng Hòa rất vui, cảm thấy như “một bước đến thiên đường”...
Người thứ hai chúng tôi “phỏng vấn”
là anh Trần Hoàng Dũng, sinh năm 1986 ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất. Dũng đã
tốt nghiệp đại học cơ khí, chuyên ngành công nghệ xe hơi tại TP. Hồ Chí Minh.
Sau khi ra trường, Dũng không xin được việc làm, ở nhà “nương” bố mẹ riết cũng
buồn, nên Dũng quyết định nộp hồ sơ xin việc làm tại Công ty Cổ phần Đồng Phú
Cường. Lần đầu đến xin việc, Ban lãnh đạo công ty không nhận hồ sơ của Dũng vì
rất khó bố trí việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo. Sau hơn 3 tháng
đi làm tự do, công việc và thu nhập khá bấp bênh, cuộc sống lại rơi vào vòng khủng
hoảng, nên Dũng lại đến xin gặp lãnh đạo công ty “năn nỉ” được nhận vào làm
công nhân và cam kết sẽ làm bất cứ việc gì có thể, từ thợ may, thợ cắt, làm
khuy nút đến thợ ủi hơi, vắt sổ... Và lần này, chàng kỹ sư cơ khí đã được nhận
vào làm công nhân may, rồi được điều chuyển sang làm vắt sổ. Bốn tháng làm thợ
một cách tích cực với tinh thần trách nhiệm cao, Dũng đã được công ty chọn cho
đi tập huấn khóa đào tạo cán bộ mặt hàng ở Công ty Cổ phần Đồng Tiến, rồi về
làm việc ở phòng kế hoạch của Công ty Cổ phần Đồng Phú Cường. Năm 2018, công ty
TNHH may Đồng Phú Cường 2 được thành lập tại Cụm công nghiệp Đồng Phú Cường,
Dũng được điều chuyển sang làm cán bộ phụ trách phòng kế hoạch của công ty. Vợ
Dũng là cô Bùi Thị Hồng Nhung được tuyển vào làm thợ ở xưởng cắt. Hàng ngày vợ
chồng đi chung một xe máy chừng 5 phút là đến công ty, thu nhập bình quân từ 17
- 18 triệu đồng/tháng, chưa tính các khoản tiền thưởng vào dịp lễ, tết. Thế là
từ một chàng kỹ sư cơ khí thất nghiệp, Dũng đã trở thành cán bộ tham gia quản
lý và điều hành sản xuất tại một công ty may xuất khẩu có uy tín trên thị trường
dệt may trong nước và quốc tế. Bằng đồng lương tự làm ra từ mồ hôi, công sức của
hai vợ chồng, Dũng sắm xe máy “xịn” chở vợ đi làm, sắm mới các đồ dùng thiết yếu
trong nhà và hỗ trợ bố mẹ sửa chữa nhà cửa khang trang. Nhưng niềm vui lớn nhất
đối với Trần Hoàng Dũng là có được việc làm và thu nhập hàng tháng ổn định,
không phải đi xa, có điều kiện chăm sóc dạy dỗ 2 đứa con nhỏ và phụng dưỡng bố
mẹ tuổi già. Gia đình Dũng theo đạo Thiên Chúa, thường đi lễ tại nhà thờ giáo xứ
Dốc Mơ. Cùng làm công nhân trong công ty với vợ chồng Dũng còn có hàng trăm nam
nữ thanh niên có đạo khác. Dũng kể, trong các buổi lễ tại nhà thờ, Dũng chăm
chú nghe Cha xứ rao giảng tin mừng: “Muốn làm con chiên tốt, kính Chúa, yêu nước
thì phải có đức tin; muốn giữ vững đức tin thì điều quan trọng nhất là mỗi người
phải luôn có việc làm, tự mình làm ra đồng tiền chân chính để lo cho cuộc sống
gia đình được no đủ và an lành; khu công nghiệp đã tạo ra việc làm cho các con,
thì các con phải chăm lo làm việc tốt để nuôi dưỡng nguồn sống của bản thân và
gia đình mình...”. Dũng còn cho biết, Ông Trần Đức Nghiệp, bố đẻ của anh, cũng
thường căn dặn các con: “Bố mẹ suốt cuộc đời làm nương rẫy, giãi nắng dầm mưa,
chai mình giữa trời đất, vất vả quanh năm mà vẫn không kiếm đủ miếng ăn. Nay
các con đi làm trong xưởng máy, mưa nắng không đến người, làm việc trong môi
trường mát mẻ, bữa ăn giữa ca có người lo, lương tháng lĩnh đều... Ngày xưa, bố
mẹ có nằm mơ cũng không thể thấy được”. Rồi với giọng nói chân tình và xúc động,
chàng công nhân có khuôn mặt hiền như con gái bộc bạch: từ ngày vào làm việc tại
công ty, mỗi ngày Dũng có hai khoảnh khắc thời gian thật thi vị, đó là vào các
buổi sáng khi bình minh lên, không gian thật trong lành, mát mẻ, Dũng chở vợ bằng
xe máy khẽ nhích tay ga lướt nhẹ êm ru trên đoạn đường chừng 2 km dọc quốc lộ
20 đến nơi làm việc, hình ảnh “màu áo trắng, mang logo của công ty phủ trắng đường”
tạo cảm giác vui lâng lâng khó tả. Rồi, sau một ngày làm việc chăm chỉ, buổi
chiều, khi hoàng hôn buông xuống, vợ Dũng lại ngồi sau xe, khẽ ôm eo chồng và
chiếc xe lại chạy như trôi trong bầu không khí mát lạnh hơi sương của thiên
nhiên vùng trung du, để trở về tổ ấm cùng các con sum họp trong bữa cơm chiều...
Trạng thái tâm hồn khi ấy thật bình yên và hạnh phúc...
Còn rất nhiều những công nhân có
hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà chúng tôi tiếp xúc đó là: Trần Thị Phước, Trần
Thị Hồng Oanh, Đinh Thị Hiền, Đặng Nguyễn Tấn Điền.v.v… Sau vài ba năm vào làm
việc tại Cụm công nghiệp Phú Cường, họ đã thực sự đổi đời, thoát khỏi đói nghèo
bằng công sức lao động miệt mài trong xưởng máy với mức thu nhập một tháng bằng
cả năm trời làm ruộng rẫy. Bởi thế, trong công ty đã xuất hiện một thành ngữ
mang hàm ý mới thay cho câu thành ngữ cổ là “Phi công bất phú”… được anh chị em
công nhân tán đồng vui vẻ.
Anh Lê Tấn Tài, người được Hội đồng
Quản trị tin tưởng chọn làm Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Phú Cường đã có mặt tại
vùng đồi hoang sơ này từ những ngày đầu; anh cũng là người trực tiếp chỉ đạo việc
tuyển dụng, đào tạo và bố trí việc làm cho người lao động, nên hiểu rất rõ hoàn
cảnh khó khăn của nhiều anh chị em công nhân trong công ty. Anh cho biết: “Gần
như 100% công nhân ở đây là con em các gia đình nông dân nghèo khó. Họ chia tay
nghề làm ruộng rẫy để gia nhập vào đội ngũ những người công nhân từ các xã: Phú
Cường, Phú Túc, Phú Ngọc, Túc Trưng, La Ngà, Suối Nho, Ngọc Định, Gia Canh (huyện
Định Quán); Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3, Gia Kiệm, Quang Trung, Xuân Thiện
(huyện Thống Nhất) và một số khác ở các vùng xa thuộc các huyện Tân Phú, Trảng
Bom và Thị xã Long Khánh. Hiện nay, lực lượng lao động đang làm việc tại Cụm
công nghiệp Phú Cường là gần 6.000 người; trong đó, Công ty Cổ phần Đồng Phú Cường
có 3.500 lao động, chiếm 58%; Công ty TNHH may Đồng Phú Cường 2 mới thành lập
năm 2018, cũng đã tuyển dụng gần 2.000 lao động, còn lại là lực lượng lao động
đang làm việc tại công ty sợi thuộc tập đoàn dệt may Việt Nam và một vài doanh
nghiệp xây dựng tại Cụm công nghiệp.
Như vậy, Cụm công nghiệp Phú Cường
chỉ với gần 30 ha giành cho xây dựng nhà xưởng, mới có 3 doanh nghiệp xây dựng
và đi vào sản xuất. Trong đó, riêng Công ty Cổ phần Đồng Phú Cường là đơn vị ra
đời sớm, đã sản xuất ổn định, mỗi năm sản xuất và xuất khẩu được 13 triệu sản
phẩm may mặc các loại. Năm 2017, đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt
65 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 30 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt trên
6.000.000 đồng/người/tháng. Nếu chỉ tính riêng khoản tiền thu nhập của 3.530
cán bộ, công nhân công ty, thì tổng cộng một năm số tiền đó lên đến 255 tỷ đồng,
gần bằng tổng giá trị GDP của một huyện miền núi.
Rời Công ty Cổ phần Đồng Phú Cường,
chúng tôi đến thăm Công ty TNHH may Đồng Phú Cường 2, nằm cách đó không xa.
Lãnh đạo công ty đưa chúng tôi thẳng lên tầng một của khu văn phòng, từ đây,
chúng tôi nhìn tổng quát toàn bộ nhà xưởng rộng gần 2 ha, được thiết kế lắp đặt
35 chuyền sản xuất với tổng số lao động theo kế hoạch là hơn 3.500 người. Nhìn
cách bố trí máy móc, thiết bị và không khí lao động của công nhân, chúng tôi
không khỏi ngỡ ngàng.
- Quả là một thành phố công nghiệp
làm thay đổi cả bộ mặt một vùng quê vốn nghèo nàn khó khăn. - Tôi nói. Đáp lại,
Giám đốc Tài nhấn mạnh: người đi đầu sáng lập và là Chủ tịch HĐQT Cụm ông nghiệp
Phú Cường là ông Vũ Ngọc Thuần, Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Tiến. Ngay từ
ngày đầu xây dựng, ông Thuần đã đưa ra dự báo về tương lai không xa của Cụm
công nghiệp, ông nói: “Với tổng diện tích 48 ha trong đó có 26,886 ha là đất
công nghiệp để xây dựng nhà xưởng, kho bãi v.v... sẽ thu hút từ 20 - 30 doanh
nghiệp đến đầu tư từ 50 - 90 triệu USD, sẽ tạo công ăn việc làm và thu nhập cho
khoảng hơn 10.000 lao động trực tiếp trong các nhà máy và từ 2.000 - 3.000 lao
động gián tiếp cùng các dịch vụ liên quan trên địa bàn.
Hoạt động của Cụm công nghiệp Phú
Cường sẽ góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mô hình: Công nghiệp
- Nông nghiệp - Dịch vụ ngày càng phát triển tại địa phương; tạo nguồn và tăng
thu ngân sách cho địa phương từ việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của các doanh
nghiệp, đóng góp vào sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa xã hội ở địa
phương; góp phần tạo ra bức tranh phát triển nhiều màu sắc về kinh tế - xã hội
ngày càng đa dạng và phong phú, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh,
xã hội công bằng, dân chủ và văn minh theo đường hướng, mục tiêu đã được đề ra
từ các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai và Đảng bộ huyện Định Quán....
Ở vào thời điểm đó, không ít người
còn hoài nghi, vì việc đưa sản xuất công nghiệp về một địa bàn vùng sâu vùng xa
đâu phải chuyện đùa. Vậy mà giờ đây, các mục tiêu phát triển được đề ra cho Cụm
công nghiệp đã và đang trở thành hiện thực một cách thật sinh động và mang lại
hiệu quả kinh tế - xã hội ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Chia tay Cụm công nghiệp Phú Cường
lúc trời đã chạng vạng tối. Chúng tôi lấy làm tiếc vì không còn đủ thời gian trở
lên đỉnh núi Cúi để ngắm nhìn Cụm công nghiệp vào ban đêm mà theo các anh lãnh
đạo Cụm công nghiệp miêu tả: một phong cảnh hiện hữu, tuyệt đẹp bởi ánh điện tỏa
sáng như hội tụ một vùng trời sao rực rỡ. Nhìn từ trên cao dưới bầu trời đêm
thanh bình, Cụm công nghiệp Phú Cường là một điểm sáng lấp lánh, thắp sáng và
làm ấm lòng người dân quê nơi đây. Một điểm sáng rất thật và mới lạ, bắt nguồn
từ ý tưởng của các nhà quản lý và từ công sức mồ hôi của hàng ngàn người lao động
trẻ đã và đang đêm ngày thêu dệt nên bức tranh toàn cảnh Cụm công nghiệp Phú Cường
ngày thêm khởi sắc, lung linh...
L.H.T